Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Thứ Sáu tuần 30 mùa Thường niên (Lc 14, 1-6)


Bài Tin Mừng trình thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa bát. Đây không phải là lần duy nhất Chúa chữa bệnh trong ngày này, bởi chúng ta còn thấy trong các sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Marcô và cách riêng là Tin Mừng theo thánh Luca đã kể lại nhiều lần khác Chúa đã chữa bệnh trong ngày hưu lễ như: chữa cho mẹ vợ ông Phê-rô (Lc 4,38); chữa cho người bại tay (Lc 6,6) ; chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13, 10-13)…

Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót, đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó, và hôm nay Ngài tiếp tục chữa lành cho một bệnh nhân. Với quyền năng của mình, Ngài chỉ cần phán một lời là người bệnh sẽ được khỏi, nhưng ở đây thánh Luca đã miêu tả: “ Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Hành động “đỡ lấy” nói lên tình yêu thương của Đức Giêsu dành cho những con người nghèo khổ, bất hạnh và kém may mắn. Ngài chạm vào nỗi thống khổ của kiếp người để chia sẻ, nâng đỡ, ủi an, chữa lành và giải thoát, hầu đem lại hạnh phúc cho con người.

Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật thời ấy luôn có thái độ tự mãn khi tự cho mình là thánh thiện và hiểu biết nhiều về Thiên Chúa và các giới luật. Bỏ điều chính yếu để coi trọng những gì là tùy phụ là căn bệnh trầm kha của họ. Do đó, họ có thái độ dửng dưng trước nỗi đau bệnh tật của người khác. Chính Đức Giêsu khi chữa cho người mắc bệnh phù thũng thì cũng chữa luôn căn bệnh nan y cho người Pharisêu khi để họ buộc phải tự vấn lương tâm: “Trong ngày Sabat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Điều này đã khiến họ phải lặng thinh. Đối với Chúa Giê-su, con người là ưu tiên số một: luật lệ được đặt ra là vì con người và nền tảng của mọi luật lệ đó là yêu thương. Như thế, Chúa đã dạy cho những người Pha-ri-sêu một bài học căn bản về lòng nhân.

Bài học Chúa dạy cho những người Pha-ri-sêu xưa, cũng là điều Chúa muốn nhắn nhủ với mỗi tín hữu. Những thái độ vụ hình thức, vụ lề luật cần được loại bỏ, vì Chúa Giê-su đã kiện toàn lề luật, biến lề luật thành phương tiện giúp con người gần Thiên Chúa và gần nhau hơn. Chúng ta chỉ thực sự được gọi là môn đệ của Chúa khi chúng ta biết sống yêu thương. Và sống yêu thương là chúng ta sống đúng với tinh thần của lề luật như lời thánh Phao-lô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu thương bao la của Chúa dành cho mỗi người chúng con, và xin cho chúng con cũng biết làm tỏa lan tình yêu ấy cho tha nhân qua đời sống yêu thương, phục vụ. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B

Lc 13, 31 – 35
Một lần kia Thánh Gỉoan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?”. Một số em đã trả lời là sẽ đi vào nhà thờ để cầu nguyện; một số khác cho biết chúng sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành; một số khác nữa thì nói chúng sẽ đi làm hòa với những bạn bè mà chúng đã làm mất lòng họ.
Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu bây giờ Chúa đến gọi con về, con đang chơi, con sẽ vẫn tiếp tục chơi".
Vâng, kính thưa…đó là thái độ của những con người luôn biết sống theo thánh ý Chúa. Đã sống theo thánh ý Chúa rồi thì không có gì có thể làm cho họ phải sợ hãi và cũng chẳng có gì làm cho họ chùn bước trước những khó khăn trên cõi đời này.
Theo như thư Do thái, Chúa Giêsu đã thưa: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” và chính sự vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa nên Ngài không nản chí hay sợ bất cứ điều gì.
Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đã tỏ ra rất bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sất hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa Cha.
Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Chúa. Do đó, một khi biết có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy đã nằm trong chương trình của Chúa thì không gì có thể làm cho Ngài phải bận tâm, lo sợ, ngoài việc chỉ lo chu toàn công việc được Chúa Cha giao phó cho Ngài.
Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường và bình thản là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó Ngài nói: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu đã đặt ý Chúa Cha trên ý riêng mình đặt việc bổn phận trên bản thân mình, và sức mạnh của tinh thần trách nhiệm trên chính mạng sống mình. Đó quả thực là mẫu gương tuyệt vời cho tinh thần tông đồ.
Như có người đã khuyên Ngài chạy trốn điều ấy có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, hắn dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài luôn tuân theo sự khôn ngoan của Chúa Cha. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Chúa Cha mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.
Dù Hêrôđê có mưu đồ đi nữa, Chúa Giêsu vẫn coi thường. Dù sống giữa bầu khí bị đe dọa mạng sổng: do những nhà lãnh đạo Do Thái thù oán, và do sự ganh tị của Hêrôđê, Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài, bằng những công việc trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng. Chúa Giêsu nêu gương cho người Kitô hữu chúng ta: dù sống trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện, chúng ta đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
Kính thưa… Trong thánh lễ hiệp dâng hôm nay, ta hãy xin Chúa cho ta biết sống giây phút hiện tại bằng cách mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi để chu toàn sứ mệnh và bổn phận của mình, đồng thời xin cho ta trong mọi hoàn cảnh luôn biết gắn kết, phó thác vào Chúa nhiều hơn. Amen.

HAI THÁNH TÔNG ĐỒ SIMON VÀ GIUĐA


Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi ông hỏi lý do thì người học trò đáp :- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi Ngài gì cả.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi :
- Tại sao Thầy buồn thế ?
- Người bạn của Thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói : Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ cần để sống nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa ?
- Thì con cũng thế thôi. Người học trò lúc đó mới cảm thấy hổ thẹn.
Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng khi mang bản tính con người, ngài vẫn phải cầu nguyện để xin ơn phù giúp từ Chúa Chúa. Vì thế, Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ngài cũng khuyên môn đệ : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”. Phêrô đã sa cám dỗ chối Thầy vì trước đó trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thay vì cầu nguyện. Giuđa, sau bữa Tiệc Ly, đã bỏ ra ngoài đang khi Chúa Giêsu và các tông đồ khác cầu nguyện. Cho nên Giuđa đã sa ngã nặng nề.
Trang TM chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su cũng chọn gọi nhóm 12 trong đó có Simon và Giu-đa sau khi đã cầu nguyện. Ngài đã cầu nguyện để chọn người phục vụ cho Nước Chúa. Ngài cầu nguyện để Chúa Cha nâng đỡ những người được chọn. Vì người được chọn làm công việc của Thiên Chúa, nhưng vẫn mang bản tính mỏng dòn của con người. Thế nên, vẫn có thể vấp ngã, có khi còn sa ngã trong tội lỗi. Như trường hợp Giu-đa, dù ơn Chúa vẫn đong đầy trên ông nhưng ông đã đóng cửa lòng mình và chết trong thất vọng buông xuôi.
Kính thưa….nhân ngày lễ kính hai Thánh TĐ hôm nay, xin được kể một câu chuyện về Thánh Giuda hay còn gọi là Thánh Tadêo: Có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính, bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần chín ngày cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đô la để bà giải quyết một vấn đề quan trọng. Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước toà kính thánh nhân. Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, bà mở ra thì trong đó có 10.000 đô la. Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà. Cha xứ cho biết cha vừa nhận được điện thoại của một người báo tin rằng ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đô la, vì không gặp cha xứ, nên hiện số tiền đó ông đang đặt nơi bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, xin cha ra nhận và cất giữ. Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà phải đưa lại cho giáo xứ, còn người đàn bà thì lại quả quyết là của thánh Giuđa giúp bà. Vì vậy, để phân xử, hai người đồng ý đưa nhau ra toà. Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này. Dư luận chia thành hai nhóm, một bên ủng hộ cha xứ, một bên ủng hộ người đàn bà kia. Và không biết toà sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này ? Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia. Bà này bình thản nói rằng bà đã biết số tiền chắc chắn sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng. Mọi người vui vẻ với kết cuộc này. Có lẽ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài. Mừng lễ hai Thánh Tông Đồ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su luôn cầu nguyện thường xuyên. Cầu nguyện trước mỗi khi làm một việc quan trọng. Cầu nguyện trước khi bắt đầu một công việc và cũng cần cầu nguyện sau khi đã hoàn tất các công việc để

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 30 TN B: LC 13, 18-21

Trong vũ trụ vạn vật, có muôn vạn ức triệu tinh hoa sự sống rất nhỏ bé tầm thường nhưng khả năng và sức mạnh của nó thì thật phi thường. Chúa Giê-su đã lấy một vài vật bình dị điển hình trong cuộc sống làm ví dụ, như hạt cải, như nắm men trong trang TM chúng ta vừa nghe, để nói về sức mạnh và sự phát triển của nước trời. Như hạt cải là tinh hoa mầm sống của cây cải, nó chỉ như hạt tấm nhỏ, nhưng lại có khả năng phát triển thành cây cải cao lớn làm chỗ ẩn náu của chim trời (chúng ta cũng nên biết: cây cải ở Palestine cũng dùng làm thức ăn, nhưng không phải như cây rau cải bé nhỏ bình thường ở Việt Nam, mà nó có thể cao tới 3m); hay như nắm men nhỏ người đàn bà vùi vào ba đấu bột – men ở trong bột thì người ta không thể nhìn thấy nó, nhưng chút men đó, lại có khả năng cho cả khối bột dậy men; thì nước Thiên Chúa cũng thế, ban đầu rất nhỏ bé nhưng vẫn âm thầm phát triển lớn mạnh và sự hiện diện của nước Thiên Chúa có khả năng làm biến đổi thế giới..Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều rộng : từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to.; Còn dụ ngôn nắm men được đem trộn vào thúng bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa : từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. 
Kính thưa….qua hai dụ ngôn hạt cải và nắm men, thánh Luca muốn gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó. Cộng tác bằng cách nào? Thưa: bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hẳn còn nhớ câu nói bất hủ của Đức Hồng Y Etchegaray nhân chuyến viếng thăm Việt nam năm 1999, ngài nói: "Người ta dễ nghe thấy tiếng cây rừng ngã đổ hơn là nhận ra tiếng nói thì thầm của những mầm non đang nhồi lên . Vâng! Chúa Giêsu vẫn đang ở với Giáo hội của Ngài, Giáo hội của Ngài, nơi chúng ta đang là thành viên đây, vẫn tiếp tục tăng trưởng bằng những cách thế và dưới nhiều hình thức đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt Đức tin mới cảm nhận được. 
Trong kinh lạy cha, người Ki-tô hữu chúng ta qua bao thế hệ vẫn nguyện cầu cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; và trong cuộc sống, chúng ta vẫn được mời gọi sống điều mình nguyện xin, trở nên cánh tay nối dài của Lời tình yêu qua việc sống đúng bản chất của người kytô hữu – đó là thực hiện những hành vi yêu thương từng ngày; có thể là những hành vi rất âm thầm, khiêm nhu và nhỏ bé nhưng lại có sức biến đổi con người, biến đổi môi trường như “nắm men vùi trong bột làm cho tất cả khối bột dậy men.” Tình yêu đã khiến cho một Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su bé nhỏ, âm thầm nơi nhà kín trở thành một vị thánh tiến sĩ bổn mạng các xứ truyền giáo. Tình yêu đã khiến cho Chân phước Tê-rê-sa Calcutta, một nữ tu nhỏ bé được cả thế giới gọi bằng ‘Mẹ’ với lòng kính trọng, nể phục…. Cũng vậy, nước trời có sức phát triển, lan rộng là nhờ tình yêu: tình yêu hy sinh, tình yêu dâng hiến, tình yêu phục vụ, quên mình cách vô vị lợi – đó là tình yêu mà Đức Giê-su đã dùng cả cuộc đời để rao giảng và minh chứng và di ngôn lại cho các môn sinh của người. Là công dân của nước trời, Ki-tô hữu chúng ta phải tự vấn hằng ngày xem cuộc sống của chúng ta có giúp gì cho nước trời được phát triển, được lớn lên và lan rộng hay không? Cuộc sống của chúng ta có là một lời chứng cho tình yêu nhập thể trong thế giới, giữa con người, môi trường chúng ta hiện diện hay không?
Lạy Chúa Giê-su, chúng con chỉ là thụ tạo mỏng manh, yếu đuối và bé nhỏ. Chúng con biết Chúa không đòi hỏi chúng con những việc to tát vượt sức mình, nhưng biết đan dệt đời mình bằng những nghĩa cử yêu thương. Xin đổ đầy tình yêu Chúa vào trái tim mỗi người chúng con, cho chúng con biết gieo mầm tin yêu giữa bao hận thù và sa đọa. Năm Tân phuc âm hóa ds giáo xứ và các cộng đoàn sống đời dang hiến sắp được khép lại, xin Chúa tiếp tục ban ơn đức tin và nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa, vững tin vào nước Chúa sẽ hiển trị và mãi mãi trường tồn. Amen.

THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN


Lc 13, 10-17
Cha Giuse Tạ Duy Tuyền có kể một câu chuyện về Chú bé tên Bill. Câu chuyện thế này: Một hôm bé Bill chạy vào tiệm tạp hóa ở góc đường gần nhà:
- Bác chủ tiệm đâu rồi? Mau lên! Gấp lắm!
- Ông chủ vội vàng hỏi: Có chuyện gì thế?
- Bố cháu cưa cành cây, bị cái chạc móc vào thắt lưng đang treo lơ lửng trên cao...
- Chà! Vậy cháu muốn mượn cái thang hở?
- Không ạ! Cháu muốn mua cục pin, gắn vào máy ảnh cho cháu, mau lên! Cháu chụp hình nóng hổi về tai nạn hi hữu của bố cháu để đăng lên facebook!
Kính thưa…Xã hội hôm nay có rất nhiều người thích đứng lại chụp những mảnh đời bất hạnh, những vụ đánh nhau, những tai nạn xe cộ . . . , nhưng lạ kỳ là rất ít người ra tay cứu giúp. Họ nhìm những đau khổ của anh em với thái độ dửng dưng. Dửng dưng đến độ chỉ đứng lại chụp hình, quay phim để đăng trên face, trên mạng xem chơi!
Chúa Giê-su hôm nay đã mời gọi những người biệt phái hãy nhìn đến nỗi khổ của người lưng còng suốt 18 năm. Bà đã quá khổ sở. Bà đã chịu đựng rất nhiều năm nên bà đáng được tháo gỡ. Qua đây, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn cảm thông với những nỗi khổ của anh em. Hãy sống liên đới với tha nhân. Hãy bao dung và đón nhận nhau. Đừng ngồi đó để nguyền rủa nhau hay gây hiềm thù lẫn nhau. Hãy sống yêu nhau trong tình yêu chân thành.
Là người, không ai ước muốn sự xấu cho mình, xin đừng để chúng ta gieo rắc sự ác, sự sợ hãi cho tha nhân. Chúng ta muốn được yêu thương, được tiếp đãi ân cần, được thân thiện và tôn trọng. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta thực thi điều đó cho tha nhân trước khi muốn họ thực hiện cho mình. Xin cho chúng ta biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng ta đang mong đợi nhận lãnh từ họ.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, hơn ai hết, Thiên Chúa biết rõ những yếu đuối của chúng ta. Người thấu hiểu từng ước muốn, từng nỗi lo âu trăn trở đang giằng xé trong con tim chúng ta. Hãy dâng trao cho Chúa bước đường tương lai và vận mệnh của đời ta để Chúa nâng đỡ. Như tác giả thánh vịnh 37 đã tin tưởng khẩn cầu “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ”. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc từng người chúng ta, Người luôn hiện diện một cách tròn đầy mới mẻ trong mọi biến cố vui buồn của chúng ta. Vì thế trong mỗi ngày sống, chúng ta đều được mời gọi khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa chan chứa tình yêu thương.
Lạy Chúa! Xin Chúa giúp chúng con luôn nhận ra tình thương của Chúa dành cho chúng con để chính chúng con cũng biết trao ban tình yêu cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con tính ganh ghét, hận thù nhưng luôn sống hài hoà với nhau. Ước gì chúng con hãy biết quan tâm lẫn nhau, đừng vô tâm với nhau như hãy quan tâm và chia sẻ cho nhau.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn tình thương và chân lý, xin cho chúng con một con đức tin vững mạnh, biết vươn mình lên khỏi tính ù lì hẹp hòi ích kỷ để quảng đại sống cho những giá trị của Tin Mừng. Xin Chúa chữa lành mọi thương tích trong tầm hồn và thể xác của chúng con, và cho chúng con một đức mến nồng nànhầutrung thành bước theo Chúa đến cùng. Amen.

Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

25.10.2015 – Chúa nhật 30 Thường niên, Năm B

Lời Chúa: Mc 10, 46-52
Hôm ấy, Khi Ðức Giêsu cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người hành khất mù, tên là Báctimê, con ông Timê, đang ngồi ở vệ đường. Vừa nghe nói đó là Ðức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu, Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi!”
Ðức Giêsu đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây!” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Ðức Giêsu. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được”. Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

Bài Tin mừng hôm nay rất quen thuộc đến nỗi gần như ai cũng thuộc lòng. Nhưng nếu đọc như một câu truyện bình thường, chúng ta dễ dàng bỏ qua điều cốt yếu. Thật vậy, nó chứa đựng một tin mừng cho mọi người chúng ta hôm nay, và mời gọi mọi người phải khám phá. Thánh Mac-cô nói với chúng ta về một người hành khất mù lòa ngồi bên vệ đường dẫn ra thành Giê-ri-cô. Anh ta ngồi im bất động tránh xa những người qua đường. Sự tàn tật của anh đã lấy khỏi anh hạnh phúc đích thực. Trong cảnh cô đơn cùng cực ấy anh đã cố kêu cứu với Chúa Giê-su: “Lạy Chúa Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi”.
Ba-ti-mê là một trong những người may mắn được Chúa Giê-su cứu chữa. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể đặt câu hỏi: Một người mù được Chúa Giê-su chữa lành cách đây 20 thế kỉ thì tốt cho anh ta, chứ có  liên can gì đến tôi đâu! Ngày nào, truyền hình cũng chuyển đến cho chúng ta những hình ảnh thời sự buồn thảm. Chưa đủ hay sao mà Tin mừng hôm nay còn nói với chúng ta về một cuộc đời bất hạnh như thế! Người ta tự hỏi nếu chọn những vấn đền thực tế hơn với đời sống chúng ta có tốt hơn không?
Thế mà Lời Chúa lại muốn chúng ta lắng nghe thì sao? Ba-ti-mê, chính là hiện thân nơi mỗi người chúng ta. Người mù, là chính chúng ta. Biết bao lần chúng ta mù lòa trước các dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa, như một nụ cười, một tình thân ái. Rồi bản thân chúng ta cũng vậy, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng: “Tôi không biết mình đang ở đâu. Tôi đang mất phương hướng. Tôi không còn thấy rõ nữa. Có nhiều người tôi không muốn thấy mặt, như gia đình hay một người lân cận nào đó. Vậy là rõ ràng có nhiều điều khiến chúng ta mù lòa trong cuộc sống.
Tin mừng cho biết, người mù cũng là người ăn xin. Và người ăn xin cũng là mỗi người trong chúng ta. Hoặc đúng hơn, chúng ta phải là người ăn xin. Đây không phải là chìa tay xin của bố thí. Kiểu ăn xin mà chúng ta phải mơ ước là mở rộng tâm hồn và sẵn sàng đưa tay về phía Thiên Chúa để khỏi phải cam chịu kiếp sống mù lòa. Đó là kiểu ăn xin các mối phúc mà chúng ta đã nghe trong lễ Các Thánh: Phúc cho những ai nghèo khó trong tâm hồn, những ai hoàn toàn hướng về phía Chúa và rộng mở trước tình yêu phong phú của Người. Những người đó sẽ được no thỏa.
Những người chung quanh to nhỏ với nhau thế nào mà Ba-ti-mê đã nghe được, và anh biết Đức Giê-su Na-za-rét sắp đi ngang qua đó. Ngày hôm nay cũng thế, Chúa Giê-su cũng còn đi ngang qua trên các nẻo đường chúng ta đi. Chúng ta nghe tiếng bước chân Ngài nhưng không nhìn thấy Ngài. Ngài hiện diện nơi Ngài được loan báo, ở mọi nơi người ta họp nhau để cầu nguyện, để lắng nghe và nói về Ngài.
Tiếc thay, nhiều khi chúng ta bỏ lỡ cơ hội gặp Ngài. Có thể vì hờ hững, nhưng cũng có thể vì thiếu quan tâm. Như trong Tin mừng hôm nay, có thể có những người bàn ra và làm cho chúng ta nản lòng, họ nói với chúng ta rằng đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô không còn cần thiết nữa. Nhiều khi chính thái độ và lời nói của chúng ta cũng cản trở những người tìm kiếm Chúa.
Bất chấp tất cả những khó khăn đó, Ba-ti-mê vất áo choàng, hớn hở chạy đến quì dưới chân Chúa Giê-su, và tin tưởng kêu lên: “Lạy Chúa, xin làm cho con được thấy!”. Thỉnh thoảng chúng ta không biết làm thế nào để cầu nguyện, dù là rất đơn giản. Chỉ cần theo gương Ba-ti-mê, nói với Chúa ước muốn được thấy, ước muốn nhìn thấy thực tại thế gian qua ánh sáng Tin mừng, ước muốn được thấy những thực tại của cuộc sống như Thiên Chúa thấy, ước muốn thấy những người chung quanh chúng ta với cái nhìn của chính Chúa Giê-su. Vâng, lạy Chúa, xin làm cho con được trông thấy!
Rồi chúng ta nghe Chúa Giê-su nói: “Hãy đi, đức tin con đã cứu con!”. Ba-ti-mê được Chúa Giê-su chữa lành. Thay vì bình an quay trở về nhà mình, anh ta lên đường theo Chúa Giê-su. Điều đó có nghĩa là không những anh được chữa lành mà còn được cứu độ nữa. Cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su đã mang lại một ý nghĩa mới cho đời sống của anh. Khi gặp Đức Ki-tô và nhận ra tình yêu của Ngài, người ta không có thể làm gì khác hơn là đi theo Ngài. Cuộc gặp gỡ ấy đưa chúng ta đến tiếp xúc với Thiên Chúa Cha. Và chính nhờ Chúa Giê-su mà chúng ta đến cùng Cha, vì Ngài là đường và ánh sáng của chúng ta.
Tin mừng của Chủ nhật hôm nay là ơn cứu độ được hoàn thành trong Chúa Giê-su Ki-tô, và hoàn toàn do ân sủng của Thiên Chúa. Cũng như đối với Ba-ti-mê, chúng ta chỉ cần đứng dậy gặp Ngài đang đến. Ơn cứu độ được thực hiện một lần, nhưng Thiên Chúa không muốn cứu chúng ta mà không có chúng ta. Ngài ban cho chúng ta vinh dự được cộng tác với Ngài. Trong Tiệc Thánh Thể, chúng ta gặp gỡ Chúa Giê-su tự hiến ban cho tất cả mọi người. Khi ban cho chúng ta cuộc sống nhân loại và thần linh, Ngài chữa lành chúng ta khỏi tội lỗi khiến chúng ta mù lòa. Và cũng như Ba-ti-mê, chúng ta có thể đi theo Ngài trong cuộc sống hằng ngày và làm chứng cho niềm hi vọng đang linh hoạt chúng ta nơi những người sống chung quanh.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc


THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN B

Lc 12,54-59
Ca dao Việt Nam có câu:“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
Đây là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta dựa vào quan sát từ năm này qua năm khác. Nhưng sau này chúng lại được giải thích hết sức khoa học. Về mặt vật lý, cánh chuồn chuồn được cấu tạo rất mỏng, còn khi trời sắp mưa độ ẩm trong không khí là rất cao. Chính vì vậy, hơi nước ngưng tụ thành những hạt li ti, đậu trên cánh của chuồn chuồn khiến chúng không thể bay cao được. Ngoài ra, tập tính sinh sản của chuồn chuồn cũng có thể dùng để giải thích hiện tượng này. Chuồn chuồn thường đẻ trứng vào mùa mưa và đẻ trên mặt nước. Chính vì vậy, ta thường thấy chúng lượn lờ trên mặt nước mỗi khi mưa sắp đến. 
Nhà nông Việt Nam chúng ta cũng có những kinh nghiệm đoán biết thời tiết rất hay để gieo trồng cho đúng thời đúng vụ. Chẳng hạn: “Đêm trời tan, trăng sao không tỏ, ấy là điềm mưa gió tới nơi. Đêm nào sao sáng xanh trời, ấy là nắng ráo yên vui suốt ngày. Những ai chăm việc cấy cầy, Điềm trời trông đó, liệu xoay việc làm”. Hay : “Kiến đen tha trứng lên cao, Thế nào cũng có mưa rào rất to.” 
Trang TM chúng ta vừa nghe, khi tiên báo về ngày giờ của Chúa sẽ đến, một người trong đám đông dân chúng tiến lại đặt câu hỏi với Chúa Giêsu để biết khi nào thì các sự ấy xảy ra. Chúa Giêsu liền nhắc họ cách đoán biết thời tiết để nhận ra những dấu chỉ. “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức”. Và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét?”
Chúa Giêsu lên tiếng khen người Do Thái, họ rất giỏi về thiên văn, đoán biết được các hiện tượng tự nhiên, các điềm lạ dựa vào sự xuất hiện của tinh tú, sự thay đổi của thời tiết, mưa nắng...Thế nhưng họ lại là những kẻ giả hình vì không nhận ra ngày giờ của Chúa. Họ suy nghĩ có lý luận chặt chẽ và thường kiểm chứng bằng khoa học nhưng tiếc thay họ lại thiếu đi niềm tin.
Quả thật, đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Nhưng người khôn ngoan phải biết nhìn xa trông rộng, nghĩa là không chỉ sắp xếp công việc đồng áng mà còn phải thu xếp được hiện tại và hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. 
Lời Chúa hôm nay đang chất vấn lương tâm mỗi người chúng ta về thái độ sống thế nào để khi thời giờ của Chúa đến, chúng ta không phải nuối tiếc. Đôi lúc chúng ta giả vờ hay cố tình lãng quên lời dạy của Chúa. Chúng ta mải mê điên cuồng đuổi theo những gì là phù hoa hư ảo, chạy theo cơn cám dỗ của tiền bạc vật chất, đam mê xác thịt mà không sống và tìm kiếm những giá trị Tin Mừng. Chúa nhắc nhở chúng ta quan sát những điềm thiêng dấu lạ để nhận biết ngày giờ của Chúa.
Dấu chỉ thời đại không chỉ là sự thay đổi của thời tiết, các vì tinh tú trăng sao, nhưng còn là những vấn đề đang xảy ra trong cuộc sống xã hội hàng ngày. Nạn tham nhũng, bất công, nạn phá thai cùng lối sống hưởng thụ thác loạn của giới trẻ...đang là tiếng chuông cảnh báo về ngày tận cùng của thế giới. Đứng trước những vấn đề nhức nhối ấy, niềm tin như bị tê liệt, chúng ta dường như phải “bó tay”. Hãy để cho ánh sáng Tin Mừng của Chúa soi rọi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và lương tâm con người. Chúng ta sẽ làm gì để thức tỉnh những con người đang sống trong mê lầm tội lỗi?
Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta hướng giải quyết đó là phải có thái độ sống công bằng, yêu thương bác ái với mọi người và phải sám hối mỗi ngày. Mỗi người chúng ta luôn phải trả lẽ trước mặt Chúa về thái độ sống của chính mình.
Chớ gì chúng ta biết dùng những khả năng Chúa ban nhận ra những dấu chỉ của thời đại mà có thái độ sống tích cực hơn, biết giữ tâm hồn trong sạch, hành động ngay chính để khi ra trước tòa Chúa, chúng ta không phải hối tiếc vì những gì đã xúc phạm đến Chúa và mọi người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sáng suốt nhận ra con đường đúng đắn cho cuộc đời. Xin giúp chúng con biết chọn lựa Chúa là gia nghiệp hơn là những thú vui mau qua đời này.Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 29 Thường Niên - B

24/10. Thứ Bảy. Rm 8,1-11; Lc 13,1-9
Bài Ðọc I - Rm 8,1-11
Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Tin Mừng - Lc 13,1-9
Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
Suy niệm
Thánh Phaolô khẳng định tính đối kháng giữa xác thịt và Thần Khí. Xác thịt dẫn đến sự chết. Thần khí dẫn đến sự sống và bình an. Và ai sống theo Thần Khí của Đức Giêsu, sẽ được Đức Giêsu đưa vào sự sống mới.
Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu kêu gọi sự sám hối, sự chọn lựa sống theo Thần Khí. Và sự sám hối này phải được thực hiện cách khẩn thiết. Sự chờ đợi và nỗi mong của người làm vườn chính là sự chờ đợi và nỗi mong của Thiên Chúa: mong con người sớm hoán cải, từ bỏ điều xấu và sống cuộc đời tốt lành hơn.
Mong sao, tôi nhận ra được mỗi biến cố của đời sống đều là tiếng Chúa nhắc nhở tôi, mời gọi tôi.
Mong sao, tôi biết đón nhận sự dẫn dắt của Lời Chúa, của Luật Chúa, luôn với một lòng tin rất mạnh và một tình yêu rất lớn.

Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Bình thuốc tiên



Ngày xưa, có một vị thần đi dạo xuống cõi trần. Sau đó, ông thấy một người phàm cũng đang đi dạo trên đường. Vị thần liền tới và đi cùng người kia, cũng giống như một người bình thường.

Một lúc sau, người đàn ông cảm thấy khát. Ông ta thấy ông kia đang mang một bình nước bên hông, vì thế ông ta hỏi: “Có còn nước trong bình của ông không?”

Vị thần đưa bình nước cho ông ta và nói: “Cả bình còn đầy, ông có thể uống bao nhiêu tùy ý”.

Người đàn ông uống hết bình nước và cảm thấy nó chỉ thỏa được một chút cơn khát nhưng cũng làm xua tan sự mệt nhọc. Họ tiếp tục đi một lúc thì ông ta đột nhiên nói: “Tôi ước gì nó là rượu vang ở trong bình của ông”.

Vị thần mỉm cười, đưa bình nước cho ông ta nói: “Có rượu trong đó. Cứ uống nếu ông muốn”.

Ông ta không tin, nhưng vẫn uống thử. Và rất ngạc nhiên, những gì ông ta uống là rượu vang, rất thơm ngon.

Ông ta ngạc nhiên và nghĩ người bạn đồng hành của mình phải là một vị thần, bởi vì chỉ có thần mới có thể làm thế. Với nghĩ đó, ông bèn hỏi thêm: “Bây giờ tôi ước gì nó là thuốc tiên trong cái bình của ông”.

Vị thần cười và mở nắp bình. Người đàn ông nghĩ vị thần chắc lại cho mình thuốc tiên, nên ông ta mở miệng ra và chờ đợi. Nhưng chẳng có gì trong bình, vị thần lắc cái bình một lần nữa và biến mất.


Người tham lam muốn mọi thứ, nhưng cuối cùng họ sẽ mất mọi thứ.

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 1 – 9)
Tiến tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, tưởng rằng mọi dân mọi nước sẽ được hưởng một nền hoà bình lâu dài, thế nhưng, ngày 11/9/2001, thế giới đã rúng động vì một biến cố đau thương vô tiền khoáng hậu xảy ra tại Hoa Kỳ: quân khủng bố đã dùng 2 chiếc phi cơ đâm vào toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại thế giới, 1 chiếc khác đâm vào Ngũ Giác Đài và chiếc thứ tư rơi ngoài đồng trống. Người ta ước tính, ngoài 19 tên khủng bố, có đến 2975 người chết và 24 người mất tích. Họ là những phi hành đoàn và hành khách của 4 chiếc máy bay, là những công nhân viên chức đang làm việc hay đang giao dịch trong các toà nhà trên, là những công dân cư ngụ trong những toà nhà nhỏ dưới chân toà tháp đôi, là những cảnh sát viên hoặc những lính cứu hoả bị gạch cát đè chết khi đang cố gắng cấp cứu những nạn nhân. Nói chung, họ là những người không bao giờ nghĩ rằng ngày 11 – 9 là ngày giỗ của họ. Đã tốn biết bao nhiêu giấy bút, đã có biết bao nhiêu nhận định, suy tư viết về ngày 11 tháng 9 dưới khía cạnh thời sự, chính trị hoặc xã hội, nhưng có mấy ai nhìn biến cố đó dưới cách nhìn của ĐKT như trong bài Phúc Âm hôm nay - Cách nhìn của đức tin?
Cách đây hơn 2000 năm, tại Palestina thời Chúa Giêsu, cũng có 2 sự kiện lớn: Tổng Trấn Philato giết một số người Gallile khi họ đang dâng lễ vật trên bàn thờ và tháp Siloe đổ xuống đè chết 18 người khác. Cách nhìn truyền thống của người Do Thái lúc đó về các tai hoạ xảy đến cho con người cũng phần nào giống quan niệm “sống ác thì Trời phạt” của người Việt Nam chúng ta. Người tội lỗi thì ắt sẽ gặp tai hoạ, ác giả thì ác báo. Và từ đó, người ta suy ngược lại: ông nọ bà kia đang gặp tai hoạ nên họ là những người tội lỗi, xấu xa. Quan niệm này sẽ dẫn đến một kết luận rất nguy hiểm: hiện tại tôi không gặp tai hoạ nên tôi là người lương thiện và công chính. Trong bài Phúc Âm hôm nay, CGS đã chỉnh lại quan niệm đó và mời gọi người Do Thái cũng như tất cả các Kito Hữu chúng ta, không chỉ nhìn những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc sống mà thôi, nhưng hãy nhìn đến tất cả mọi sự kiện vui buồn sướng khổ trong đời với cái nhìn và cách nhìn của đức tin. Cách nhìn của đức tin không phải là cái nhìn thời sự như những tin tức nóng bỏng và giật gân mà không để lại trong tâm hồn ta một âm hưởng gì; cũng không phải là cái nhìn pha màu sắc chính trị để kết án nhóm này, chống đối nhóm kia; càng không phải là cái nhìn có tính cách xã hội đề ra sự xung khắc giữa các giai cấp khác nhau… Cách nhìn đức tin mà Chúa dạy ta trên hết và trước hết là nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trực tiếp với chính mình qua các biến cố đó: Mặc dù tôi rất xấu xa tội lỗi, nhưng Chúa vẫn chưa để tai hoạ xảy đến cho tôi vì Ngài thương và kiên trì chờ đợi tôi ăn năn sám hối. Tuy nhiên, tình thương và sự kiên nhẫn đó có thời hạn chứ không là mãi mãi. Bởi thế, nếu tôi không sám hối thực sự và ngay tức khắc bằng việc cải thiện đời sống như cây vả sinh hoa kết trái thì tai hoạ đến với tôi không chỉ là cái chết phần xác mà là cái chết vĩnh viễn của linh hồn. Và cái chết này mới đáng sợ.
Do vậy, mọi biến cố, mọi sự kiện xảy ra trong đời ta, ta phải lấy cái nhìn đức tin mà nhìn nó, nhận ra nó và đọc được nó. Nó không vô ích đâu. Nó cũng không ngẫu nhiên mà xuất hiện. Nó là những thông điệp, những bảng chỉ đường mà Thiên Chúa gửi đến để cảnh tỉnh, để hướng dẫn ta điều chỉnh lại chính mình, cách sống của mình và cố gắng đi đến cứu cánh của mình là Thiên Chúa.

Thứ Bảy tuần 29 Thường niên

(Lc 13, 1-9)


Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giê-su mời gọi mọi người hãy ăn năn thống hối tội lỗi mình. Nhưng tại sao phải ăn năn thống hối?

Thật vậy Đức Giê-su đã cảnh báo rất gắt gao: “Tôi nói cho các ông biết: nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,5). Sám hối là điều làm vui lòng Thiên Chúa vì qua đó con người biết nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhất trên con đường trở về với Chúa.

Sám hối gồm 4 điều: 1/ Nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, 2/ Đau buồn vì tội lỗi mình đã gây ra, 3/ Tin vào lòng khoan dung thứ tha của Thiên Chúa, 4/ Trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa. Nếu thiếu một trong bốn điều trên không phải là sám hối thật.

Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành phúc đức để đền bù tội lỗi. Một trong những việc làm đó là tha thứ. Ta sám hối là để cầu xin Chúa tha thứ cho ta thì ta cũng phải biết tha thứ cho anh em ta. Lời Chúa hằng mời gọi chúng ta hãy sám hối khi thời gian còn thuận tiện. Đừng trì hoãn, đừng thử thách Thiên Chúa, chớ có coi thường nhưng hay mau kíp thật lòng ăn năn trở về cùng Chúa. Như thế có nghĩa là chúng ta phải cố gắng chừa tội và sám hối về những việc sai trái đã làm. Nhìn nhận mình có tội, ăn năn dốc lòng chừa, mau chạy đến với Chúa qua Bí tích Hòa Giải để được tha thứ và giao hòa với Chúa và Giáo Hội.

Lạy Chúa! Xin cho mọi người chúng con dù đứng trên cương vị nào cũng biết khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội. Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối suy nghĩ và lối sống của mình, luôn tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, luôn thành thật để khỏi tự dối mình và luôn biết thật lòng sám hối ăn năn. Amen. - See more at: 

Thứ Sáu tuần 29 Thường niên ( Lc 12, 54-59)

  
Một lần nữa, Đức Giêsu lên tiếng trách móc những người Do Thái cứng lòng.
 
Cũng như nhiều dân tộc khác, từ xa xưa, người Do Thái đã biết dựa vào kinh nghiệm của tiền nhân để “dự báo thời tiết” một cách nhạy bén và chính xác. Nhưng ngược lại, họ chậm tin và cứng lòng trong việc đón nhận Đấng Mêsia, mặc dù cha ông họ đã truyền lại cho học qua những lời tiên báo của các ngôn sứ trong các sách thánh. Quả vậy, Đức Giêsu đến loan báo về Nước Thiên Chúa và làm các phép lạ, dấu chỉ của Nước Trời, nhưng lòng họ lại u tối, không nhận ra “Nước Trời” đã đến.
        
Ngày nay, con người vẫn đang cần và đòi hỏi những “dấu chỉ của Nước Trời”, những phép lạ…, để tin vào một tôn giáo đích thực. Công nghệ thông tin phát triển, nếu như ở đâu đó có chuyện lạ như: “bánh hóa ra nhiều”, “người què đi được”, “kẻ chết sống lại”…, thì chỉ trong giây nát, cả thế giới sẽ biết đến. Thực ra, phép lạ vẫn xảy ra và được truyền khắp thế giới, nhưng họ vẫn cứng lòng. Đây không chỉ là thái độ của những người vô tín, những người khác tôn giáo, nhưng là của cả những người công giáo chúng ta.
        
Chúng ta có thể trở nên “dấu chỉ Nước Trời” hay làm phép lạ được chăng? Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta trở nên “dấu chỉ Nước Trời, làm những “phép lạ” để loan báo Tin Mừng cho Chúa. Dấu chỉ và phép lạ mà chúng ta có thể làm đó là nghe và thực hành Lời Chúa trong chính đời sống thường ngày của chúng ta. “Mến Chúa yêu người” là hai điều răn cơ bản và dễ nhớ nhất mà Chúa dạy chúng ta (nhưng không dễ để thực hiện). Khó thay, “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,19). Tôi muốn sống hòa thuận, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những người thân trong gia đình, với bạn bè, với hàng xóm và với những con người sống chung trong “ngôi nhà trái đất”, nhưng tôi lại làm ngược lại. Tôi sống ích kỷ với người thân, khép kín với bạn bè, thờ ơ với hàng xóm và vô cảm trước những dòng người di cư đang tị nạn trên thế giới. Như thế, tôi có thể bình an và vui mừng khi đến trước tòa phán xét tối cao hay không?
        
Nghe, đọc Lời Chúa thì dễ, nhưng sống theo đường lối Tin Mừng cách triệt để thì thật là khó. Chắc chắn, với khả năng và giới hạn của con người tội lỗi, chúng ta không thể làm được, nhưng nếu Chúa muốn, thì mọi việc đều có thể (x. Mt 19,26; Mc 10,27; Lc 19,27). Đó chính là ơn ban mà Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người chúng ta.
        
Xin Chúa ban cho chúng ta có đủ sức mạnh, lòng can đảm và tình yêu để chúng ta biết lắng nghe và thi hành Thánh Ý Chúa, trở nên “dấu chỉ” và “khí cụ” của Chúa trong cánh đồng truyền giáo hôm nay.



Thứ Năm tuần 29 Thường niên

 
« Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem hòa bình đến cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ » (Lc 12, 51).
 
Có lẽ ai trong chúng ta cũng ngần ngại khi nghe những lời này của Chúa Giêsu. Dường như nó mâu thuẫn với chính những lời dạy bảo và con người của Ngài, vốn được mệnh danh là sứ giả hòa bình. Đối với con người thời nay việc đón nhận lời ấy lại càng khó hơn, khi mà họ đang cố bám víu lấy những mạnh vụn của hòa bình hay những trạng thái bình an giả tạo hoặc ngắn ngủi. Khó khăn hơn khi chúng ta đặt lời này của Đức Giêsu trong bối cảnh truyền giáo. Dường như một rào chắn được dựng lên khi sứ điệp Tin mừng không phải là bình an.
 
Do vậy, chúng ta cần hiểu lời dậy bảo này trong bối cảnh của toàn Phúc Âm. Khi Chúa Giêsu đang rao giảng về Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa sắp đến gần. Nước mà mọi người đang mong chờ là tình trạng của bình an sung mãn với Thiên Chúa và đòi buộc một sự sám hối tận căn : « Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em  hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ». Do đó, con người đòi buộc phải bước ra khỏi vỏ bọc để được thanh luyện. Như những vết thương cần được chữa lành, một cuộc thanh luyện không thể không gây đau đớn. Sự chia rẽ mà Chúa Giêsu nói ở đây nhắm đến chính nội tại con người chúng ta. Chính chúng ta sẽ bị giằng xé và sẽ đau đớn khi chấp nhận bước theo Tin mừng cách triệt để.
 
Điển hình cho lối sống thanh luyện này là các tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi luôn sống trong sự dấn thân tận cùng cho Nước Trời, thậm chấp nhận hy sinh gia đình mà mạng sống của mình. Xin cho chúng ta biết noi gương ấy mà biến đổi cuộc sống hàng ngày của mình

23.10.2015- THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Lc 12, 54-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:
Khi Chúa Giêsu rao giảng thường có một đám đông vây quanh Ngài. Nhưng không phải ai cũng lắng nghe Ngài, càng không phải có nhiều người hiểu Ngài. Nhiều người nghe với thái độ hờ hững, không suy xét để hiểu lời Ngài nói. Nhiều người tưởng mình hiểu Chúa mà lại hiểu sai. Vì vậy, hôm nay Chúa Giêsu khiển trách họ nặng nề: Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ? (Lc 12,56). Với lời này, Chúa mời gọi họ suy xét cho hiểu những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những lời Ngài giảng dạy, hầu nhận ra thời kỳ cứu độ đã đến để sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Thiên Chúa nói với chúng ta qua nhiều biến cố, dấu chỉ xảy ra trong đời sống thường ngày. Chiếc lá xanh, đoá hoa thơm được cắm trên bàn thờ, đó có thể là lời mời gọi hãy ca tụng vẻ đẹp và quyền năng Chúa. Tiếng than thở của một người đang quằng quại trong cơn trọng bệnh, đó có thể là lời mời gọi hãy cầu nguyện tha thiết cho họ. Cảm thấy cay đắng bởi những tội lỗi đã phạm, đó có thể là lời mời gọi ta hãy mau thống hối, đến với tòa giải tội. Điều làm đẹp lòng Chúa, đảm bảo phần rỗi đời đời cho ta, không phải là khi ta làm những việc lớn lao cho Chúa, mà là khi ta làm theo thánh ý Chúa trong hiện tại vì “vâng phục thì trọng hơn mọi hy lễ” (1Sm 15,22).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy rằng: “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Xin cho chúng con một tâm hồn luôn biết tìm kiếm ý Chúa qua các dấu chỉ và biến cố của cuộc sống, để nhờ nhận ra và sống ý Chúa mỗi ngày, chúng con được hưởng phúc thiên đàng mai sau. Amen.

23.10.2015- THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Lc 12, 54-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:

Dấu Chỉ Thời Đại
Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.hay:“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Vì thế, những người khôn ngoan thường biết nhìn xa trông rộng, biết làm cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp mà còn hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. Hơn thế nữa, những người được xem là trí thức học cao hiểu rộng hơn người, họ biết lợi dụng thời thế xã hội mà tiến thân. Có thể nói, con người đoán trước được những sự việc để lo cho cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Nhưng Chúa muốn cảnh tỉnh cho con người biết phải sống như thế nào khi nhận ra các dấu chỉ của thời đại. Ngày hôm nay Chúa vẫn các dấu chỉ qua những người Chúa chọn. Chúng ta có thể thấy rõ các dấu chỉ mà Đức thánh Cha Phanxicô đưa ra những thông điệp như: ”Laudato sí”. “năm đời sống thánh hiến”. “Năm lòng Chúa thương xót”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra những dấu chỉ của Chúa và cho chúng con đọc được những dấu chỉ của Chúa, để chúng con sống tốt với những người sống bên cạnh chúng con. Xin Chúa biến đổi trái tim chai đá của chúng con thành trái tim biết thương xót người nghèo,người đau khổ…
Giuse Nguyễn Đức Dũng, MF


Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Thứ Tư Tuần XXIX TN Năm B



Hãy Sinh Lợi

(Rm 6,12-18; Lc 12,39-48)

“Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48). Lời của Đức Giêsu luôn là chân lý, lời ấy không cao siêu, trái lại rất bình dị, gần gũi với đời thực của con người. Những câu chuyện được Chúa trưng dẫn nhằm giáo huấn các môn đệ hay dạy dỗ dân chúng, thường là những hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt của xã hội đương thời. Nhờ đó, người nghe có thể thẩm thấu vào trong tim và đem ra thực hành trong cuộc sống hằng ngày.

Đoạn Tin Mừng ta vừa nghe, Đức Giêsu đã thức tỉnh các môn đệ hãy nhận ra đặc ân mà các ông đã được nhận lãnh. Đó là, các ông được Chúa yêu thương, tuyển chọn, trở thành môn đệ thân tín của Chúa, lãnh nhận kho tàng chân lý và ơn cứu độ nơi Chúa. Nên các ông có nhiệm vụ phải sinh lợi, phải ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa và phải đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. “Anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không” (Mt 10,8). Đó là cách các môn đệ sinh lợi. 

Mỗi chúng ta cũng đã lãnh nhận biết bao ơn lành của Chúa trong suốt những năm tháng qua, vì thế, chúng ta hãy sinh lợi cho Chúa bằng những việc làm nhỏ nhất với lòng mến. Điều đó chứng tỏ chúng ta là những môn đệ trung tín của Chúa, để ngày sau hết, Chúa nói với mỗi chúng ta rằng : Hỡi người đầy tớ tài giỏi và trung thành! Trong việc ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ đặt anh lên coi việc nhiều. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (Mt 25,23).

Tôma Đỗ Văn Lâm, MF

Thứ Năm Tuần XXIX TN Năm B - Thánh Gioan Phaolô 2, Giáo hoàng. Lễ nhớ



Thách Đố Của Lời Chúa

(Rm 6,19-23; Lc 12,49-53)

Về cuối mùa Phụng vụ, chúng ta lắng nghe Tin Mừng trong viễn cảnh cánh chung, nổi bật lên là lời mời gọi tỉnh thức. Dọc theo các trích đoạn trình thuật của Luca mấy tuần nay cũng làm nổi bật lên sứ điệp đó. Nhưng hôm này, trích đoạn này không liên hệ với mạch văn tổng thể, vậy Đức Giêsu muốn nói gì khi đề cập đến những khúc khuỷ, đối ngược như thế trong cuộc sống.

Trong tâm thức Dothái không có chỗ cho Đấng Mêsia thất bại, chiu khổ hình, thập giá, nhưng là một Đấng Mêsia khải hoàn trong vinh thắng trần thế, đứng lên để giải thoát dân tộc Dothái khỏi ách áp bức của đế quốc Rôma. Ấy thế, nên trước Phục sinh, Mẹ của Gioan và Giacôbê đến xin Đức Giêsu cho hai con của bà một đứa được ngồi hữu, một đứa ngồi bên tả. Cụ thể hơn, Thánh sử Luca muốn nhấn mạnh tới hoà bình, bình an là quà tặng tuyệt vời của Đấng Mêsia. Những điều nghịch lý Đức Giêsu nêu ra xác định rằng hoà bình do Người mang đến không nhắm tới tính trần thế, như người Dothái mong muốn về Đấng Mêsia.

Chúng ta, những người theo Chúa trong ơn gọi làm Kitô hay ơn gọi thánh hiến, phải chăng chúng ta cũng sống với tâm thức thế tục khi nhìn về Đức Giêsu, là thầy là Chúa của chúng ta. Đi theo Ngài sẽ được hưởng những giá trị vật chất, được ăn trên ngồi trước, được cúi chào bái lại. Nếu còn ở trong tâm thức này, thì hôm nay, chúng ta có cơ hội để suy tư lại những chọn lựa căn bản của mình.

Hy vọng, ơn gọi là Kitô hữu và sống trong đời thánh hiến, sẽ dần khai mở những điều chân thực về sứ mạng của Đức Giêsu và sứ mạng của những ai theo Người.

Giuse Nguyễn Văn Thục, MF

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Rm 6,12–18; Lc 12,39 –48
Bài Ðọc I - Rm 6,12–18
Anh em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng.
Thế nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính.
Tin Mừng - Lc 12,39 –48
Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến." Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người? " Chúa đáp: "Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn lâu mới về", và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. "Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
Suy niệm
Thánh Phaolô lưu ý đến nguy cơ trở thành nô lệ cho tội lỗi hay tiến trình trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, mà thân xác như một phương tiện. Ta trở nên nô lệ cho tội lỗi khi dùng thân xác mình để thực hiện những điều bất chính. Ngược lại, ta trở nên công chính trước mặt Chúa, nếu biết dùng thân xác mình như một khí cụ phục vụ, để phục vụ cho Nước Thiên Chúa.
Trong bài Tin mừng, Đức Giêsu nhấn mạnh tính bất ngờ của giờ Chúa đến. Và chính lúc đó, có thể tồn tại hai thái độ sống dẫn đến hai kết quả khác nhau.
Lối sống thứ nhất là lối sống của người quản gia trung tín, luôn hăng hái thực hiện bổn phận mình cách trung thành, quảng đại.
Lối sống thứ hai là lối sống của người quản gia bất chính, nặng nề trong hưởng thụ xác thân, quyền hành, lơ đãng trong bổn phận lẽ ra phải chu toàn.
Và dĩ nhiên, như đã nói, hai lối sống dẫn đến hai kết quả khác nhau: người thì được ân thưởng, kẻ thì bị luận phạt.
Chúa ban cho tôi hồng ân sự sống tự nhiên và siêu nhiên: được làm người và được làm con Chúa. Thế nhưng, sợ rằng tôi mải mê với sự sống tự nhiên mà quên đi sự sống siêu nhiên, quên đi sự thật là Chúa sẽ đến cách bất ngờ, nên tôi lơ là với những bổn phận phải chu toàn với Chúa và với tha nhân.
Mong sao, tôi biết dùng thân xác mình như một phương tiện làm sáng danh Chúa, chứ không phải nên duyên cớ khiến tôi lỗi nghĩa.
Mong sao, tôi luôn chăm chỉ, trung thành trong bổn phận làm con Chúa, mà bổn phận quan trọng nhất là chu toàn luật yêu thương.


THỨ TƯ 21.10 - Tuần XXIX Thường Niên

Rm 6:12-18;
Lc 12:39-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ ông Phêrô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: “Chủ ta còn lâu mới về”, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín. Ðầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.”
Suy niệm :
SẴN SÀNG LÀ...
Ngày 19/12/2013, bảy em học sinh trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Bình Dương) đi tắm biển ở Cần Giờ (TP. HCM) bị sóng cuốn trôi dẫn đến tử vong. Thật ngỡ ngàng và đau xót!!!
Chết là điều tất yếu xảy sẽ đến với mọi người sống trên cõi đời này, nhưng không ai biết cách thức và ngày giờ chết: qua tai nạn, bệnh tật, hay một nguyên nhân nào đó; cũng như vào buổi sáng, chiều hay tối. Chết còn là thời khắc Chúa gọi mỗi chúng ta về với Người, và cũng là giây phút quyết định ta sẽ lên thiên đàng, vào luyện ngục hay xuống hỏa ngục.
Vì thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng chuẩn bị. Sự sẵn sàng có nghĩa là mỗi người phải có một cuộc sống lương thiện, làm điều lành tránh điều dữ. Ngoài ra, sự sẵn sàng còn được thể hiện qua thái độ sống tích cực, vui vẻ, yêu thương, bác ái và sống có ích đối với mọi người.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng trong mọi giây phút cuộc đời, để chờ đón Ngài.


Bài Giảng Thứ Tư tuần XXIX Thường Niên- Lễ 5 giờ sáng 21.10.2015 -Gx Hà Đông, Xóm Mới, Sài Gòn

Bài Giảng Thứ Ba tuần XXIX Thường Niên -Gx Hà Đông, Xóm Mới, Sài Gòn

Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

Đôi mắt con là của mẹ!




Suốt thời thơ ấu và cả khi lớn lên, lúc nào tôi cũng ghét mẹ tôi. Lý do chính có lẽ vì bà chỉ có một con mắt. Bà là đầu đề để bạn bè trong lớp chế giễu, châm chọc tôi.
Mẹ tôi làm nghề nấu ăn để nuôi tôi ăn học. Một lần bà đến trường để kiếm tôi làm tôi phát ngượng.
Sao bà lại có thể làm như thế với tôi? Tôi lơ bà đi, ném cho bà một cái nhìn đầy căm ghét rồi chạy biến.
Ngày hôm sau, một trong những đứa bạn học trong lớp la lên: “Ê, tao thấy rồi. Mẹ mày chỉ có một mắt!”.
Tôi xấu hổ chỉ muốn chôn mình xuống đất. Tôi chỉ muốn bà biến mất khỏi cuộc đời tôi. Ngày hôm đó đi học về tôi nói thẳng với bà: “Mẹ chỉ muốn biến con thành trò cười!”.
Mẹ tôi không nói gì. Còn tôi, tôi chẳng để ý gì đến những lời nói đó, vì lúc ấy lòng tôi tràn đầy giận dữ. Tôi chẳng để ý gì đến cảm xúc của mẹ.Tôi chỉ muốn thoát ra khỏi nhà, không còn liên hệ gì với mẹ tôi. Vì thế tôi cố gắng học hành thật chăm chỉ, và sau cùng, tôi có được một học bổng để đi học ở Singapore.
Sau đó, tôi lập gia đình, mua nhà và có mấy đứa con. Vợ tôi là con nhà gia thế, tôi giấu nàng về bà mẹ của mình, chỉ nói mình mồ côi từ nhỏ. Tôi hài lòng với cuộc sống, với vợ con và những tiện nghi vật chất tôi có được ở Singapore.Tôi mua cho mẹ một căn nhà nhỏ, thỉnh thoảng lén vợ gởi một ít tiền về biếu bà, tự nhủ thế là đầy đủ bổn phận. Tôi buộc mẹ không được liên hệ gì với tôi.
Một ngày kia, mẹ bất chợt đến thăm. Nhiều năm rồi bà không gặp tôi, thậm chí bà cũng chưa bao giờ nhìn thấy các cháu. Khi thấy một bà già trông có vẻ lam lũ đứng trước cửa, mấy đứa con tôi có đứa cười nhạo, có đứa hoảng sợ.Tôi vừa giận vừa lo vợ tôi biết chuyên, hét lên: “Sao bà dám đến đây làm con tôi sợ thế? Đi khỏi đây ngay!”. Mẹ tôi chỉ nhỏ nhẹ trả lời “Ồ, xin lỗi, tôi nhầm địa chỉ!” và lặng lẽ quay đi. Tôi không thèm liên lạc với bà trong suốt một thời gian dài.
Hồi nhỏ, mẹ đã làm con bị chúng bạn trêu chọc nhục nhã, bây giờ mẹ còn định phá hỏng cuộc sống đang có của con hay sao?
Một hôm, nhận được một lá thư mời họp mặt của trường cũ gởi đến tận nhà, tôi nói dối vợ là phải đi công tác. Sau buổi họp mặt, tôi ghé qua căn nhà của mẹ, vì tò mò hơn là muốn thăm mẹ.
Mấy người hàng xóm nói mẹ đã mất vài ngày trước đó,không thân nhân nên sở an sinh xã hội đã lo an táng chu đáo.
Tôi không nhỏ được lấy một giọt nước mắt. Họ trao lại cho tôi một lá thư mẹ để lại cho tôi:
“Con yêu quý,Lúc nào mẹ cũng nghĩ đến con. Mẹ xin lỗi về việc đã dám qua Singapore bất ngờ và làm cho các cháu phải sợ hãi.Mẹ rất vui khi nghe nói con sắp về trường tham dự buổi họp mặt, nhưng mẹ sợ mẹ không bước nổi ra khỏi giường để đến đó nhìn con. Mẹ ân hận vì đã làm con xấu hổ với bạn bè trong suốt thời gian con đi học ở đây.
Con biết không, hồi con còn nhỏ xíu, con bị tai nạn và hỏng mất một bên mắt. Mẹ không thể ngồi yên nhìn con lớn lên mà chỉ có một mắt, nên mẹ đã cho con con mắt của mẹ.Mẹ đã bán tất cả những gì mẹ có để bác sĩ có thể thay mắt cho con, nhưng chưa bao giờ mẹ hối hận về việc đó. Mẹ rất hãnh diện vì con đã nên người, và mẹ kiêu hãnh vì những gì mẹ đã làm được cho con.
Con đã nhìn thấy cả một thế giới mới, bằng con mắt của mẹ, thay cho mẹ..
Mẹ yêu con lắm,
Mẹ…”


NGƯỜI MẸ MẮT MỜ


Sau nhiều lần chứng kiến bà cụ hàng xóm khóc vì bị chính con trai chửi bới thậm tệ. Em quyết định mò sang nói chuyện với anh con trai đó.
- Em đến có việc gì không?
Anh con trai luôn nhã nhặn với những người xung quanh, dù trai hay gái, già hay trẻ, ngoại trừ mẹ mình.
- Có – Em trả lời rành mạch, rõ ràng.
– Chuyện gì em nói đi.
– Em chỉ muốn hỏi một câu thôi.
– Em cứ nói.
– Anh không giận chứ?
– Anh hứa.
-… Sao anh hay chửi mẹ của anh vậy?
-… Ùm.. à…Ùm… Vì bà ấy NGU.
-… Chào anh..
Em về luôn, không biết nói gì hơn nữa. Mẹ đẻ ra anh mà anh còn bảo NGU, không biết ai là người khôn đối với anh nữa.


Một lần mẹ anh đi chợ bán mấy mớ rau, mua gạo và thức ăn xong còn dư 500 đồng, thương cháu (con trai của anh), mẹ mua gói bim bim. Cháu ăn gần hết, anh phát hiện gói bim bim mà mẹ mua đã hết hạn sử dụng, anh tức điên đẩy mẹ ngã xuống đất, chửi mẹ là đồ mắt mù, đồ mù chữ, bim bim hết hạn gần nửa năm mà còn mua, rồi vu oan cho mẹ cố ý đầu độc con của anh, đồ giết người, đồ NGU.
Mẹ anh chỉ biết khóc, không trách anh mà tự trách mình, phải chi hồi đó, mẹ chạy nhanh, thì đôi mắt của mẹ đâu có mờ đến vậy.

Mùa đông năm đó, đất nước mới hết chiến tranh, còn bao cấp. Anh còn nhỏ, đói nên khóc suốt ngày. Mẹ anh ra đồng mót khoai, bị người ta đuổi, mẹ chạy chậm nên bị bắt lại, bị đánh nhừ tử, họ bắt mẹ úp mặt vào hố phân, mắt mẹ bị nhiễm trùng, sắp bị mù, cũng may nhờ ông thầy lang nên còn nhìn thấy đường, dù lờ mờ.
Chuyện đó.
Em.
Mọi người.
Cả làng.
Cả xã.
…… Đều biết.
Còn anh, thì không.
Rm 5:12.15b.17-19.20b-21

Lc 12, 35-38
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn.  Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ.”


NGƯỜI ĐẦY TỚ TỐT

Trước khi ra đi, sếp dặn anh thư ký phải cố gắng hoàn thành bản báo cáo. Lúc trở về, thấy anh vẫn miệt mài làm việc, ông khen anh và dẫn đi ăn phở.

Người giúp việc tốt phải là người luôn sẵn sàng, tỉnh thức để nghe lệnh của chủ, và hoàn tất mọi bổn phận được giao như nấu ăn, giặt giũ…

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho thấy: vì nhận ra những người đầy tớ đã chu toàn bổn phận của mình nên ông chủ tiến đến phục vụ họ. Cũng vậy, Thiên Chúa sẽ ban thưởng cho những ai tuân giữ lề luật và giới răn của Người.

Chúng ta cũng như những người đầy tớ của Thiên Chúa. Vì thế, ta cần phải tỉnh thức để nhận ra điều Người muốn nói và thực hiện thật tốt trong mọi giây phút cuộc đời. Chính vào lúc chúng ta không ngờ, vào giờ ta không biết, Chúa sẽ đến để thăm viếng, phán xét và ban thưởng cho ta.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng để nghe Lời Chúa và giúp đỡ tha nhân.

Thánh lễ Thứ Ba tuần XXIX Thường Niên - Gx Hà đông, hạt Xóm Mới, Sài Gòn

Lúc 5 g sáng thứ ba 20.10.2015


Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

BÀI HỌC THẤT BẠI TỪ ĐÀN VOI

TƯỚI DƯA CHO NGƯỜI

Lương và Sở là hai nước láng giềng ở cạnh nhau vào thời Chiến quốc.
Ở một vùng biên giới của hai nước, dân chúng đều trồng dưa. Dân nước Lương siêng năng chăm sóc tưới nên dưa tốt. Trái lại, dân Sở lười biếng nên dưa xấu. Dân Sở thấy vậy, sanh lòng đố kỵ, mỗi đêm lén chạy qua nước láng giềng Lương cào dưa của người.
Dân Lương thấy dưa của mình mỗi ngày chết một ít, lấy làm lạ, theo dõi và phát giác ra nguyên nhân, bèn dự định sẽ lén qua rẫy của dân Sở cào dưa để trả thù.
Quan huyện nước Lương là Tống Tựu, biết được ý đồ ấy, bèn ngăn lại và dạy dân mình rằng:
- Thay vì đi cào dưa mỗi đêm, ta hãy lén sang bên ấy tưới dưa cho người thì có phải tốt hơn không?
Dân Lương bèn y lời. Nhờ đó mà rẫy dưa của dân Sở ngày một xanh tốt.
Dân Sở ngạc nhiên, theo dõi và biết được nguyên do, lấy làm hổ thẹn.
Chuyện đến tai quan huyện, rồi vua Sở. Nhà vua bèn sai người mang lễ vật sang tạ tội vua Lương và kết tình giao hữu.
Bài học:
Lòng đố kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần gian này. Ta tật đố khi ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà người khác được còn ta thì mất, người khác có và ta thì không.
Ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả... như bọn người nước Sở trên đây chẳng hạn.
Ðâu phải khi không mà dưa người ta tốt hơn là dưa của mình? Người ta siêng, ta lười biếng... Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại vác cào sang phá hoại kết quả ấy thì thật là thô lỗ và hết sức trẻ con!
Cũng thế, đâu phải đương không mà người ta đẹp đẽ, ta xấu xí, người giàu sang thông minh, còn ta nghèo hèn ngu tối?

Khi đã thấu rõ lý nhân quả thì không còn ganh ghét và tật đố nữa.

CỦA CẢI QUÝ BÁU NHẤT


Có một chàng thanh niên, lúc nào cũng oán thán là mình nghèo khổ, số phận không may. Một hôm, đúng lúc chàng ta đang lẩm bẩm: Bao giờ tôi mới có được một số tiền lớn để cuộc sống dễ chịu hơn?
Vừa hay đúng lúc đó, có một thợ đẽo đá già đi qua nghe thấy. Nghe anh ta nói vậy, cụ già hỏi: Vì sao cháu lại than thở như thế? Phải biết rằng hiện nay cháu đã rất giàu có rồi!
- Cháu có của cải gì đâu? Chàng thanh niên không hiểu hỏi lại: Của cải của cháu ở đâu?
- Ví dụ như đôi mắt sáng của cháu. Cháu có định đổi đôi mắt ấy lấy cái gì không?
- Cụ nói cái gì vậy? Chàng thanh niên hốt hoảng nói: Đôi mắt của cháu bao nhiêu tiền cúng không đổi được.
Cụ thợ già lại nói: Thế thì để ta chặt đôi bàn tay nhanh nhẹn của cháu vậy, ta xin trả rất nhiều vàng.
- Không, cháu không thể đổi đôi bàn tay này lấy vàng được.
Lúc bấy giờ người thợ đẽo đá già mới nói: Bây giờ cháu thấy rồi đấy, cháu rất giàu. Hãy nhớ lời nói của ta: ý chí và sức khoẻ là những của báu vô giá, dù vàng ròng cũng không mua được.
Nói xong ông cụ bỏ đi.
Sưu tầm./.


Mèo và heo

Mèo và heo là bạn tốt của nhau.
Một ngày kia, mèo chẳng may bị rơi xuống một cái hố lớn, heo mang dây thừng đến, mèo bảo heo hãy ném dây thừng xuống dưới, kết quả nó ném cả bó dây xuống dưới luôn. Mèo rất buồn bực, nói: “Ném hết cả xuống như vậy, sao mà kéo mình lên được đây?”
Heo nói: “Nếu không thì phải làm thế nào đây?”
Mèo nói: “Bạn nên cầm một đầu của sợi dây chứ!”.
Heo liền nhảy xuống dưới, cầm lấy một đầu sợi dây, nói: “Bây giờ đã được rồi này!”
Mèo đã khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Lời bàn: 

Có những người không được thông minh lắm, nhưng lại đáng để bạn trân quý cả đời.