Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 28 Thường Niên - B

17/10. Thứ Bảy. Rm 4,13.16-18; Lc 12,8-12
Bài Ðọc I - Rm 4,13.16-18
Anh em thân mến, không phải nhờ lề luật mới có lời hứa ban cho Abraham hay dòng dõi của ông trở nên kẻ thừa kế thế gian, nhưng là nhờ sự công chính của đức tin. Vì thế, do đức tin, được coi như là theo ân sủng, lời hứa cho mọi dòng dõi được vững bền, không phải chỉ cho kẻ sinh bởi lề luật, mà còn cho kẻ sinh bởi đức tin của Abraham, tổ phụ của mọi người chúng ta, như có lời chép rằng: "Ta đã đặt ngươi làm cha nhiều dân tộc". (Ông là cha chúng ta) trước mặt Thiên Chúa, Ðấng ông đã tin, Ðấng cho kẻ chết sống lại, và kêu gọi cái không có như có. Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời đã phán với ông rằng: "Dòng dõi ngươi sẽ như thế".
Tin Mừng - Lc 12,8-12
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa. Và hễ kẻ nào nói phạm đến Con Người, thì nó sẽ được tha. Nhưng kẻ nào nói phạm thượng đến Thánh Thần, thì sẽ không được tha.
"Khi người ta điệu các con vào các hội đường, đến trước mặt vua quan và chính quyền, các con chớ lo lắng phải thưa làm sao, hay phải nói thế nào, vì trong giờ ấy, Thánh Thần sẽ dạy các con phải nói thế nào".
Suy Niệm
"Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin".
Cảm tạ Chúa đã sinh ra những con người như tổ phụ Apraham. Nhờ đức tin của tổ phụ mà niềm hy vọng, trông cậy của chúng ta tồn tại đến ngày hôm nay. Thực vậy, biết bao người đã noi theo lòng tin của tổ phụ mà trở nên những vị thánh tài ba lỗi lạc, những con người sống tốt giữa đời.
Thế nhưng, để được như thế, không dễ dàng chút nào, bởi niềm tin luôn đối diện với thử thách. Tôi có một người chị, những lúc gặp khó khăn tôi thường được chị an ủi và động viên hãy phó thác, hãy tin tưởng vào Chúa. Thế nhưng chỉ mới đây ít ngày, tôi nhận được điện thoại của chị với tâm trạng vô cùng tuyệt vọng khi biết mình đang mang một khối u trong người. Chị than van khóc lóc và xin tôi cầu nguyện cho chị thật nhiều, bởi Chị quá thất vọng.
Gặp khó khăn thất bại trong cuộc sống, con người chắc chắn phải buồn. Thế nhưng cái buồn đó cần phải được mau chóng chuyển hóa, để lấy lại sự quân bình. Đó mới chính là cách thể hiện đời sống đức tin của mỗi người. Tin vào khả năng vươn lên của mình và tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Ngài luôn ở bên chúng ta, lặng nhìn nổ lực vươn lên của chúng ta.
Vậy thì mỗi người cần phải tự đặt lại vấn đề niềm tin của mình, đặc biệt là niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Chúng ta đã tin đến đâu, tin đến mức độ nào? Tôi tin chắc rằng nhiều người sẽ cảm thấy hổ thẹn, bởi khám phá ra niềm tin của mình còn quá kém, niềm tin của mình chỉ mạnh mẽ trong những lúc bình yên, những lúc vui vẻ, những lúc thành công.
Tổ phụ Apraham “Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin”. Thánh Ignatiô Antiôkia trải qua thử thách, đứng trước cái chết, ngài vẫn trung thành với đức tin, ngài nói: “Tôi là hạt lúa, răng mãnh thú là cối xay. Tôi ước ao cái cối xay mau nghiền nát hạt lúa này, để nó trở thành tấm bánh dâng hiến cho Cha”.
Cầu xin Chúa qua lời cầu bầu của Thánh Ignatiô Antiôkia mà chúng ta mừng kính hôm nay cho chúng ta can đảm hơn trong việc sống đức tin giữa đời và mong rằng những lời giáo huấn của Giáo Hội mà chúng ta được nghe, không phải để cho vui tai, nhưng được thấm nhập vào đời sống chúng ta, để rồi cùng với ơn Chúa thánh hóa, đời sống của chúng ta được biến đổi và đức tin của chúng ta ngày càng mạnh mẽ hơn. Amen!

Chủ nghĩa “ma-kê-nô”trong đời sống đức tin (Suy niệm Chúa Nhật truyền giáo)


Ma-kê-nô, một cách nói khôi hài và mỉa mai, rút ra từ cụm từ “mặc kệ nó, sống chết mặc bay”, ám chỉ thái độ sống vô cảm, vô tâm, không hề quan tâm đến phúc lợi của những người chung quanh.


Bệnh vô cảm hay chủ nghĩa ma-kê-nô (mackeno)tràn lan trong xã hội


Vô cảm là một đề tài được đề cập khá nhiều trên các trang báo Việt Nam hiện nay và được xem như một thứ bệnh dịch đáng sợ gây ra những tác hại to lớn cho đồng bào, cho quê hương, đất nước.


Cảnh một đám học sinh dửng dưng vô cảm chứng kiến bạn học này đánh đập cách tàn nhẫn và dã man một bạn khác ngay trước mặt mình mà không hề có một lời can gián; cảnh một tài xế xe đầu kéo chở bia bị lật xe giữa chỗ đông người, thay vì được giúp đỡ thì lại thấy đông đảo người tuôn đến hôi của sạch trơn; cảnh nạn nhân cần được cấp cứu tức thời, bị bỏ lơ ngoài hành lang bệnh viện, không được đoái hoài, vì chưa nộp viện phí… và rất nhiều chuyện đau lòng tương tự đã không còn là điều hiếm thấy trên quê hương chúng ta…


Báo chí gọi đó là bệnh vô cảm, là chủ nghĩa “ma-kê-nô” đang tràn lan trong xã hội. Vô cảm đã trở thành một căn bệnh trầm kha rất khó chữa.


Điều đau lòng là vô cảm không chỉ là một căn bệnh đáng sợ của xã hội mà còn là một thứ bệnh tâm linh của người con cái Chúa. Người đời thì vô cảm với nỗi đau buồn của đồng bào trong nước, còn ki-tô hữu thì vô cảm trước những bất hạnh tinh thần của đông đảo anh chị em chung quanh mình.


Vô cảm với nỗi đau của Thiên Chúa Cha


Thiên Chúa là Người Cha rất mực tốt lành, ngày đêm ưu phiền khắc khoải vì đông đảo con cái yêu dấu của Ngài không nhận biết Ngài là Cha rất tốt lành và giàu lòng yêu thương; vì thế, họ ngoảnh mặt quay lưng lại với Cha, xem Cha là nhân vật hoang đường do những người mê tín dựng lên và cần phải xoá bỏ, hoặc tự nghĩ rằng mình là con không Cha… nên phải sống trong cô đơn khắc khoải trọn kiếp người. Trước tình trạng đó, Thiên Chúa đau khổ biết chừng nào!


Biết thế, nhưng nhiều người con trong nhà Cha, kể cả chúng ta, vẫn thờ ơ vô cảm trước nỗi lòng thổn thức đau khổ của Cha, miễn là hiện nay mình được an vui hạnh phúc trong Nhà Cha là được rồi.


Vô cảm với cảnh bơ vơ lạc lối của anh chị em mình


Là những người con trong nhà Cha, chúng ta được diễm phúc sống kề cận bên Cha, được Cha ấp ủ bằng tình phụ tử ngọt ngào, được Cha dưỡng nuôi bằng những lời khôn ngoan do Chúa Giê-su mang từ trời xuống, được Chúa Thánh Thần là Thầy khôn ngoan soi đường dẫn lối, được Đức Maria là Mẹ hiền bao bọc chở che bằng tình mẫu tử thiêng liêng trìu mến, được đón nhận vô vàn ân sủng qua các Bí Tích… Chúng ta cũng giống như những phú hộ sung túc trong đời sống thiêng liêng, nhưng lại tỏ ra dửng dưng vô cảm với vô số anh chị em ruột thịt con cùng một Cha trên trời, không được diễm phúc như mình.


Vì vô cảm, chúng ta không nói cho anh chị em lương dân biết họ có một Người Cha giàu lòng yêu thương. Vì vô cảm, chúng ta không ra tay dẫn đưa những anh chị em lưu lạc về với Cha để cùng chung hưởng hạnh phúc với mình. Vì vô cảm, chúng ta cứ vui hưởng hạnh phúc của người con trong nhà, còn anh chị em chúng ta có lưu lạc, có đói khát lầm than thì “ma-kê-nô”, có liên quan gì đến chúng ta!


Vô cảm trước lời thôi thúc mời gọi của Cha


Rất nhiều lần, lời Cha qua miệng Chúa Giê-su vang dội trong tâm hồn chúng ta: “Hãy chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá (Lc 5,4)”; “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần… Mt 28,19)”; “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. (Lc 10,2)…” Nhưng những lời thôi thúc mời gọi đó không gây được âm vang để lay động con tim vô cảm của chúng ta, không đủ mạnh để nhen lửa truyền giáo trong tâm hồn chúng ta, mà chỉ như làn gió thoảng qua rồi im bặt.


Chủ nghĩa “ma-kê-nô”


Hôm xưa, sau khi Ca-in thanh toán đứa em vô tội của mình, có tiếng Chúa từ trời vọng xuống hạch tội Ca-in. Ngài phán: “Ca-in, em ngươi đâu?”


Ca-in vô cảm trả lời: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi!” (St 4,9) Ma-kê-nô!


Dường như câu đáp: “Tôi đâu phải là người canh giữ em tôi” hoặc “Ma-kê-nô”… cũng là châm ngôn sống và hành động của nhiều người trong Hội Thánh Chúa đối với đông đảo anh chị em lương dân quanh mình.


Nếu hôm nay Chúa hỏi mỗi người chúng ta:




- “Con có biết lòng Cha ray rứt đau khổ ngày đêm vì có hơn nửa dân số địa cầu chưa hề biết Ta là Cha thật sự của họ không?” Câu đáp sẽ là: “Ma-kê-nô!”


- “Con có biết hiện nay có hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam, là anh chị em ruột thịt của con, đang cần con nói cho họ biết họ có Cha trên trời hết lòng yêu thương họ và họ đang cần được con dẫn về đoàn tụ trong nhà Cha không?” Câu đáp cũng sẽ là: “Ma-kê-nô!”


Lạy Chúa Giê-su,


Xin cứu chúng con khỏi bệnh dịch vô cảm hay chủ nghĩa “ma-kê-nô” đang lây lan và gây nhiều tác hại đau thương cho đất nước và đặc biệt, xin cứu đoàn con trong gia đình Hội Thánh Chúa, khỏi căn bệnh vô cảm tâm linh hoặc chủ nghĩa “ma-kê-nô” độc hại, đang gây nhiều đau khổ cho Thiên Chúa và thiệt hại lớn lao cho rất nhiều người.


Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT XXVIII TN NĂM B

Lời Chúa: Lc 12, 8-12
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước các thiên thần của Thiên Chúa. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước các thiên thần của Thiên Chúa. Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha. Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói.”

Các nhà phân tích cho rằng: Xã hội chúng ta ngày nay, người ta thành công khi gieo vào trong tâm hồn con người hai thứ, đó là: lòng tham và sự sợ hãi. Lòng tham khiến con người giành giật, cấu xé lẫn nhau như những con thú giành miếng ăn. Sợ hãi khiến con người phải luồn cúi trước mọi thứ quyền lực, cũng đồng nghĩa với việc làm mất đi giá trị của con người.
Lời Chúa trong trang TM hôm nay khuyên chúng ta đừng sợ hãi, đừng ngại ngùng, nhưng hãy đứng thẳng và hiên ngang tuyên bố tin nhận Đức Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu độ. Sở dĩ phải nhấn mạnh như thế, là vì nhiều người đã để cho sự sợ hãi hoặc ngại ngùng thống trị trong tâm hồn, khiến họ không dám mạnh dạn nói về Đức Giêsu cho người khác, và không dám nói về sự xác tín của mình. Hơn nữa, ngày nay, vì quyền lợi vật chất, vì con đường công danh sự nghiệp, nhiều người đã muốn giấu nguồn gốc Kitô Hữu của mình. Họ thể hiện ra bên ngoài như một kẻ vô đạo, để mong đạt được một địa vị hay bổng lộc trong xã hội. Nhiều người không dám công khai tuyên bố nhận Đức Giêsu vì họ thấy cuộc sống của bản thân không khác gì cuộc sống của những người dân ngoại.
Đức Giêsu không muốn chúng ta sống theo kiểu những môn đệ thầm kín trong bóng tối. Ngài chỉ muốn những ai dám công khai sống theo lời mời gọi của Ngài, công khai tuyên xưng đức tin vào Ngài, mới được Ngài đón nhận và bênh vực trước mặt Thiên Chúa Cha. Khi nói những lời đó với các môn đệ, chắc chắn Chúa đã thấy trong số những môn đệ theo Chúa, có những người không dứt khoát, có những kẻ rơi vào tình trạng không nóng cũng không lạnh. Những người có cơ hội theo Chúa, được Thánh Thần tác động, nhưng vẫn cố tình không tin, từ chối ơn cứu độ, không chấp nhận biến đổi, đó là những kẻ xúc phạm đến Chúa Thánh Thần. Chính vì thế, họ không thể lãnh nhận ơn tha thứ. Thánh Thần là Đấng canh tân, đổi mới các tâm hồn. Những ai ngoan ngoãn vâng theo sự dạy bảo của Thánh Thần sẽ được ơn hoán cải và được ơn tha thứ. Hơn thế nữa, Thánh Thần còn là Đấng ban sức mạnh cho những kẻ tin vào Chúa Giêsu, giúp họ có thể đương đầu với những quyền lực của thế gian. Nếu như thế gian ngày nay người ta đang gieo sự sợ hãi vào trong con người, thì Thánh Thần là Đấng ban sức mạnh. Lịch sử cho thấy, khi Tin Mừng của Chúa Giêsu được loan truyền đến đâu, thì lập tức những người tin và đón nhận Đức Giêsu đều bị coi như kẻ phạm tội. Quyền lực thế gian muốn loại trừ những kẻ tuyên xưng Đức Giêsu, vì giáo lý và lời dạy của Ngài đòi người ta phải sống theo sự thật, nói sự thật, hành động theo sự thật. Hơn nữa, giáo lý của Chúa Giêsu sẽ giải thoát con người khỏi mọi sợ hãi. Trong khi đó, quyền lực thế gian lại chỉ muốn gieo rắc sự sợ hãi. Chính vì những điều này mà những kẻ tin vào Chúa Giêsu thuộc mọi thời sẽ bị điệu đến trước mặt nhà cầm quyền, bị vu oan đủ điều. Thấy trước như thế, Chúa Giêsu đã trấn an cho mọi người: Anh em đừng lo lắng, sợ hãi khi bị điệu ra trước hội đường và những nhà cầm quyền ; đừng lo lắng sẽ phải nói gì, vì ngay lúc đó, Thánh Thần sẽ dạy anh em biết phải nói những gì.
Kính thưa…Ngày nay, dù tin vào Chúa Giêsu, nhưng nhiều tín hữu vẫn không thoát khỏi sự sợ hãi. Nhiều người sợ mất quyền lợi, sợ liên lụy, ảnh hưởng đến công danh sự nghiệp; sợ bị tra hỏi về đức tin nên nhiều người đã không mạnh dạn thể hiện đức tin của mình. Chúng ta xác tín rằng, một khi có Chúa Giêsu trong tâm hồn, tức là chúng ta thuộc về sự thật, thì chúng ta sẽ không hề sợ hãi trước bất cứ một sức ép hay một thứ quyền lực chính trị nào. Hơn nữa, chúng ta tin rằng, Thánh Thần của Chúa Giêsu đã được ban tặng cho chúng ta. Thánh Thần ban cho ta dồi dào ơn khôn ngoan, sức mạnh, ơn can đảm và soi sáng để giúp chúng ta luôn đứng thẳng, mạnh dạn sống sự thật, hành động theo công lý và dám nói sự thật trước mặt mọi người. Ngài sẽ giúp chúng ta thắng vượt sự sợ hãi.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta luôn sống và tự hào mình là môn đệ của Chúa Giêsu, luôn tin rằng Thánh Thần của Thiên Chúa luôn trợ giúp chúng ta trong mọi hoàn cảnh, giúp chúng ta sống xứng đáng là những môn đệ của Chúa Giêsu. Amen