Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

3.6.2015 – Thứ tư Tuần 9 Thường niên


Lời Chúa: Mc 12, 18-27
18 Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người : 19 "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta rằng : "Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình." 20 Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. 21Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. 22 Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. 23 Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ."
24 Đức Giê-su nói : "Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao ? 25 Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. 26 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Mô-sê đoạn nói về bụi gai sao ? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào ? Người phán : Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, và Thiên Chúa của Gia-cóp. 27 Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to !"

Trong thân phận làm người, ai cũng phải chết. Nhưng không phải mọi người đều có cái nhìn như nhau về sự kiện này. Có nhiều người tin rằng chết là hết. Nhưng cũng có nhiều người tin đó chỉ là một bước chuyển tiếp cần thiết để đưa người ta vào một cuộc sống mới. Phái Sa-đốc trong bài Tin Mừng hôm nay đã chủ trương không có sự sống đời sau. Trước quan điểm của họ, Chúa Giêsu đã khiển trách sự sai lầm đó là do họ đã không tìm hiểu Kinh Thánh và không tin vào quyền năng của Thiên Chúa. Ngài cho biết, sau khi sống lại, con người sẽ giống như các thiên thần, không còn dựng vợ gả chồng nữa. Đó là một cuộc sống mới chứ không phải là trở lại cuộc sống trần thế. Chính Chúa Giêsu đã minh chứng lời của Ngài bằng cái chết và sự phục sinh của mình. Đó chính là một bảo chứng chắc chắn cho đức tin của chúng ta.
Chúng ta vẫn tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại trong kinh Tin Kính. Đây quả thực không phải là một công thức sáo rỗng, nhưng chứa đựng một niềm tin lớn lao. Nó như bánh lái cho cuộc đời hiện tại của chúng ta. Vì đức tin không đơn thuần là việc đồng ý với một ý niệm, nhưng là chấp nhận một chân lý, là chấp nhận đặt cược cuộc đời mình cho điều ta tuyên xưng và thiết lập một tương quan yêu thương với Đấng làm nên cuộc đời chúng ta. Đó chính là nhào nặn cuộc đời mình cho được thẩm thấu lòng yêu mến Chúa và lòng yêu thương anh em.
Lạy Chúa, sự sống của con người thật đáng quý nhưng nếu nó chỉ dừng lại ở cái chết đời này thì quả là bất hạnh. Chính Chúa đã cho chúng con niềm hy vọng và sự bảo đảm về một cuộc sống sau cái chết. Niềm hy vọng đó làm cho cuộc sống của chúng con hôm nay tươi đẹp và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Xin cho chúng con xác tín điều đó trong trí và trong tâm, để chúng con một lần nữa quyết tâm dứt bỏ đi khỏi đời mình những mục đích mang tính trần gian đầy tương đối, để đặt ưu tiên hướng về những giá trị viên mãn ở cuộc sống đời sau. Xin cho mục đích của mỗi ngày sống, mỗi chọn lựa của chúng con như những nấc thang đưa chúng con tới đích điểm cuối cùng là sự sống muôn đời với Chúa. Amen.

03/06/2015 Thứ Tư Tuần IX Mùa Thường Niên Năm B



PHÚC ÂM: Mc 12, 18-27
"Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: 'Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp'. Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc đụng độ đầu tiên giữa Chúa Giêsu và nhóm người Sađốc. Những người Sađốc thuộc về hàng tư tế quí tộc. Về mặt chính kiến, họ theo bọn xâm lược. Về mặt tôn giáo, họ rất bảo thủ. Ðối với họ, lề luật phải tuân theo chỉ có trong năm cuốn sách đầu tiên của Bộ Kinh Thánh. Họ phi bác mọi giáo thuyết xuất hiện sau này do các tiên tri và các bậc trí giả giảng dạy, chẳng hạn việc kẻ chết sống lại. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi họ tấn công Chúa Giêsu về vấn đề này.
Thật thế, dựa vào niềm tin mà họ cho là đúng đắn, những người Sađốc bắt đầu hỏi Chúa Giêsu bằng bộ luật Môsê, theo đó khi người chồng chết, nếu người vợ anh ta chưa có con, thì người anh (hoặc em) chồng phải cưới bà này để nối dõi tông đường.
Họ đặt ra trường hợp một người đàn bà có bảy đời chồng, vào lúc sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong bảy người anh em vì tất cả đã lấy bà làm vợ? Những người Sađốc hỏi thế, không phải vì thành tâm tìm kiếm để sống theo sự thật, mà chỉ để đùa giỡn với sự thật mà thôi.
Chúa Giêsu biết rõ họ ngoan cố và cố ý thử thách Ngài, nhưng Ngài vẫn điềm tĩnh và chỉ cho họ thấy sự dốt nát lầm lẫn của họ: Thứ nhất, họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh và quyền năng của Thiên Chúa; thứ hai, hoàn cảnh con người sau khi sống lại hoàn toàn thay đổi, không giống như lúc còn sống ở trần gian này. Chúa Giêsu nói rõ có sự sống lại, nhưng sở dĩ họ không tin là vì họ thiếu hiểu biết Kinh Thánh. Thật thế, trong sách Môsê, đoạn nói về bụi gai, Thiên Chúa phán: "Ta là Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Yacob", Ngài không là Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống. Hơn nữa, nếu Thiên Chúa đã phán một lời liền có mọi sự, chẳng lẽ Ngài không thể làm cho kẻ chết sống lại sao? Sự sống và sự chết đều do Thiên Chúa, vì thế sự sống lại cũng thuộc về Thiên Chúa. Lại nữa, khi sống lại từ cõi chết, thân xác con người được biến đổi hoàn toàn, nó sẽ giống như các thiên thần, giống như Chúa Kitô Phục Sinh, nên không còn phải chết và cũng chẳng phải dựng vợ gả chồng nữa.
Từ khi Chúa Giêsu mạc khải về sự thật này, biết bao người đã tin vào Thiên Chúa và đã sống trọn vẹn với niềm tin đó; biết bao người đã can đảm sống sự thật được mạc khải, dù phải hy sinh mạng sống, dù phải từ bỏ mọi danh lợi trần gian. Ðó là gương của những vị anh hùng tử đạo qua bao thế hệ nơi các dân tộc.
Nguyện xin Chúa soi lòng mở trí chúng ta hiểu biết và mộ mến Lời Chúa dạy trong sách Kinh Thánh, để chúng ta am tường các mầu nhiệm của Chúa và thực thi thánh ý Chúa. Xin cho chúng ta trân trọng sự sống, trau dồi cuộc sống tại thế tốt đẹp để được sống đời đời với Chúa.AMEN.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần IX Thường Niên



03/6. Thứ Tư. Thánh Carôlô Lwanga và các bạn tử đạo. Lễ nhớ. Tb 3, 1-11. 24-25; Mc 12,18-27

Bài Ðọc I: Tb 3, 1-11. 24-25

Trong những ngày ấy, Tôbia thổn thức và khóc lóc cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa công bình, mọi sự xét đoán của Chúa đều công minh, mọi đường lối của Chúa là từ bi, chân lý và phán quyết. Lạy Chúa, giờ đây xin hãy nhớ đến con, xin đừng báo oán tội lỗi con, xin đừng nhớ đến những lỗi lầm của con và của cha ông con. Bởi chúng con đã không vâng theo các giới răn của Chúa, nên Chúa để cho chúng con bị cướp bóc, tù đày, chết chóc, nhạo báng, và khinh bỉ nơi các dân mà chúng con bị lưu đày. Lạy Chúa, giờ đây sự xét xử của Chúa thật cao cả và công bình, vì chúng con không sống theo giới răn Chúa, và không thành tâm tiến bước trước thánh nhan Chúa. Lạy Chúa, giờ đây xin cứ đối xử với con theo thánh ý Chúa, và xin hãy cho linh hồn con được an nghỉ; vì thà con được chết còn hơn sống!"

Cũng trong ngày đó, xảy ra là Sara, con gái của Raguel, người thành Mêđi, cũng bị một đứa đầy tớ gái của cha cô lăng mạ, bởi vì cô đã kết hôn với bảy người đàn ông, nhưng khi họ vừa đến gần cô, thì bị quỷ Asmođêô giết chết ngay. Vậy khi một đứa tớ gái có lỗi, cô quở mắng nó, nó liền trả lời rằng: "Ðồ sát chồng, chúng tôi sẽ không nhìn thấy con trai con gái của bà trên mặt đất này. Nào bà muốn giết tôi như đã giết bảy người chồng của bà đó sao?" Nghe lời đó, cô liền đi thẳng lên lầu nhà cô, và trong ba ngày đêm, cô không ăn uống gì cả, cô chỉ cầu nguyện, khóc lóc than van cùng Thiên Chúa, mong Người cứu thoát cô khỏi cảnh nhục nhã ấy.

Lúc ấy, lời cầu nguyện của hai người trước tôn nhan vinh quang của Thiên Chúa Cao Cả, được chấp nhận. Chúa liền sai thiên thần Raphael đến để cứu giúp hai người trong chính lúc họ dâng lời cầu nguyện lên trước tôn nhan Chúa.

Tin Mừng: Mc 12,18-27

Khi ấy, có ít người phái Sađốc đến cùng Chúa Giêsu; phái này không tin có sự sống lại và họ hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, luật Môsê đã truyền cho chúng tôi thế này: Nếu ai có anh em chết đi, để lại một người vợ không con, thì hãy cưới lấy người vợ goá đó để gây dòng dõi cho anh em mình. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ rồi chết không con. Người thứ hai lấy người vợ goá và cũng chết không con, và người thứ ba cũng vậy, và cả bảy người không ai có con. Sau cùng người đàn bà ấy cũng chết. Vậy ngày sống lại, khi họ cùng sống lại, thì người đàn bà đó sẽ là vợ của người nào? Vì cả bảy anh em đã cưới người đó làm vợ". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Các ông không hiểu biết Kinh Thánh, cũng chẳng hiểu biết quyền phép của Thiên Chúa, như vậy các ông chẳng lầm lắm sao? Bởi khi người chết sống lại, thì không lấy vợ lấy chồng, nhưng sống như các thiên thần ở trên trời. Còn về sự kẻ chết sống lại, nào các ông đã chẳng đọc trong sách Môsê chỗ nói về bụi gai, lời Thiên Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ta là Chúa Abraham, Chúa Isaac và Chúa Giacóp". Người không phải là Thiên Chúa kẻ chết, mà là Thiên Chúa kẻ sống. Vậy các ông thật lầm lạc".

Suy niệm

Bài đọc thứ nhất cho chúng ta thấy lời cầu nguyện của những con người đau khổ. Trong lúc đau khổ, Tôbia đã xin Chúa: “Quả thật, đối với con, chết còn hơn sống, vì con đã nghe những lời nhục mạ dối gian khiến con phải buồn phiền quá đỗi”. Còn Sara thì cũng có ý định thắt cổ tự tử vì bị đứa tớ gái nói lời nhục mạ do cô đã lấy 7 người chồng, nhưng người nào cũng chết trước khi ăn ở với cô. Tuy nhiên cô đã suy nghĩ lại, sợ cha mình buồn phiền và bị mang tiếng, nên cô đã giang tay cầu xin cùng Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa cũng đồng ý với con người giải thoát họ khỏi đau khổ bằng cái chết thì rõ ràng Ngài không xứng đáng là Thiên Chúa, vì Ngài nhu nhược. Nhưng không, sau khi Tobia và Sara cầu nguyện, Thiên Chúa đã nhậm lời họ để giải gỡ những khó khăn cho họ ngay trong cuộc sống trần gian: “Cùng lúc ấy, lời cầu xin của hai người đã được đoái nghe trước nhan vinh hiển của Thiên Chúa. Và Thiên sứ Raphael đã được sai đến để chữa lành cho cả hai”. Như vậy, Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là Thiên Chúa của kẻ sống.

Ý tưởng này đã được những người thuộc nhóm Xa đốc dùng để thách thức Chúa Giêsu qua câu chuyện người đàn bà lấy 7 anh em nhưng đều qua đời. Vậy nếu có sự sống lại thì người đàn bà này là vợ của ai?

Câu hỏi của họ là câu hỏi quá khó. Nhưng đối với Chúa Giêsu thì không gì là không thể. Ngài đã cho họ thấy sự sống đời sau không giống như sự sống đời này, mà là tình trạng hạnh phúc tuyệt đối vì được ở bên Chúa. Mà Thiên Chúa hằng hữu đời đời. Vì vậy đối với Thiên Chúa không có cái chết, chỉ có sự biến đổi từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nếu chúng ta sống tốt lành ở cuộc đời này thì sau sự biến đổi của cái chết, chúng ta cũng sẽ tiếp tục hạnh phúc ở đời sau. Vì thế chúng ta không được trốn tránh sự sống đời này.

Chúng ta thường gặp những đau khổ, những thử thách. Chúng ta không được hạnh phúc trong đời sống gia đình và gặp nhiều những bất hạnh khác. Thường chúng ta hay thất vọng, thậm chí có người tìm đến cái chết để được giải thoát. Hoặc chúng ta vững vàng hơn, nhưng lại có suy nghĩ tiêu cực: “Ráng sống cho hết ngày đoạn tháng!”… Tất cả những điều đó là không đúng đắn. Giây phút hiện tại sẽ là hạnh phúc nếu có Chúa. Đau khổ, thử thách, bất hạnh của chúng ta sẽ được giải gỡ nếu có Chúa.


Xin Chúa cho con luôn tìm đến với Chúa trong đời sống cầu nguyện, vì Chúa luôn ở bên con, chứ không phải cố gắng chịu đựng để đời sau mới được gặp Chúa. Xin cho con ý thức Chúa luôn ở bên con, vì “Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải là Thiên Chúa của kẻ chết”.

Suy Niệm Tin Mừng Thứ Ba Tuần IX Thường Niên



NỘP THUẾ CHO XÊ-DA
( Mc 12, 13-17)
Bài tin Mừng hôm nay là một trong số những cuộc chạm trán nảy lửa giữa Chúa Giê-su và các chức sắc tôn giáo tại Giêrusalem. Chúa Giêsu đối đầu với một định chế tôn giáo cao cả nhất. Sự việc này xảy ra tại đền thờ đã huy động cả hai nhóm Pharisiêu và phe Hêrôđê tập trung, qui chiếu thẳng vào vị tiên tri xứ Galilê. Nhưng trước khi kể lại cuộc tranh luận về việc nộp thuế cho Xêda, thánh sử Máccô cho ta thấy Chúa Giêsu là vị thày giảng dạy đầy uy quyền trong đền thờ. Ngài đối chất với giáo quyền Dothái thời bấy giờ cả về đức tin lẫn thực hành. Chúng ta cùng theo chân thánh Máccô để xem sự việc xảy ra lý thú thế nào.
Mở đầu bài Tin Mừng bằng câu "họ cử mấy người Pharisiêu và mấy người thuộc nhóm Hêrôđê đến cùng Người…"(13a). Vậy là thủ đoạn của họ chẳng cần che đậy giấm giếm gì cả. Họ cử người đến. Việc này có ý định, xếp đặt rõ ràng. Có mục đích, có phương tiện hẳn hoi. Mấy người được sai đến – chắc là do các thượng tế. Đại từ "họ" ám chỉ đến một thế lực uy quyền, cao vọng trong tôn giáo – " để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy" (13b). Đây không phải là lần đầu họ gài bẫy Chúa đâu. Họ nói " Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, không vị nể, không đánh giá bề ngoài.." (14a). Tuy đây chỉ là lời xu nịnh khởi xướng cho một âm mưu mờ ám, nhưng chúng ta cũng thấy được họ đã đánh giá cao về Chúa Giêsu – một con người đón tiếp mọi người, không loại trừ ai. Cái âm mưu mờ ám đó được khai sáng rõ qua câu hỏi " Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?" (14b). Thật vậy việc đóng thuế luôn là đề tài tranh cãi trong các nơi hội họp của người Dothái. Chúa Giêsu biết rõ là : Nếu lên tiếng về việc nộp thuế , thì sẽ bị liệt vào hạng người cộng tác hoặc chống đối chính quyền. Vấn đề hóc búa là ở chỗ này. Trả lời "có" cũng chết, mà nói "không" cũng chẳng được yên thân. Một lần nữa, chúng ta thấy cách ứng xử tài tình của Chúa Giêsu qua một hành động cụ thể, một câu hỏi mà chính người Dothái phải trả lời, để " gậy ông lại đập lưng ông".
Hiểu rõ tâm can của họ, Chúa Giêsu nói : "Tại sao các ông lại thử tôi ? Đem đồng bạc cho tôi xem" (15). Một câu hỏi tố cáo lòng dạ đen tối của họ. Một đề nghị để mở ra hướng câu trả lời và dẫn đến chân lý ngàn đời. Phái Pharisiêu và phe Hêrôđê đâu lường được tôn ý của Ngài, nên họ hí hủm đưa cho Ngài một đồng bạc. Cầm lấy đồng bạc, Ngài liền hỏi "Hình và danh hiệu này của ai đây?" (16). Một câu hỏi không phải để hỏi nhưng để dẫn vào câu trả lời " Của Xêda trả cho Xêda", nghiã là các ông đã xác định đồng tiền này in tên và hình của Xêda, vậy hành vi trả cho ông ấy qua việc nộp thuế là hiển nhiên rồi. Nhưng Ngài nhấn mạnh hơn "Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa" (17b) mới là quan trọng. Chúa Giêsu buộc họ hãy đặt sự việc đúng nơi, đúng chỗ, đúng người. Nhà nước là nhà nước. Thiên Chúa là Thiên Chúa. Đừng lẫn lộn. Đừng cào bằng.
Đọc kỹ bản văn, chúng ta thấy Chúa Giêsu chỉ muốn bắt các kẻ chất vấn Ngài trở về vấn đề chính họ đặt ra. Vì họ sử dụng đồng tiền Rôma, nên họ phải nộp thuế cho hoàng đế. Chúa Giêsu có nghệ thuật khi buộc đối thủ đón nhận trách nhiệm của họ. Câu trả lời của Chúa đã gây họ sự ngạc nhiên về cách ứng xử (17c). Vì thế, Ngài đã thoát bẫy cách ngọan mục.
Chân lý trên khiến chúng ta suy nghĩ không ít. Nhiều khi chúng ta lẫn lộn giữa quyền lực trần thế và quyền năng thần linh. Thiên Chúa phải được đặt ở bậc thang giá trị cao nhất. Không thể so sánh Ngài với bất kỳ một mãnh lực nào.
Lạy Chúa, là Ki-tô hữu nhưng không ít lần chúng con đặt Chúa ngang hàng với tiền tài, danh vọng, thậm chí đôi lúc chúng con còn xem trọng chúng và làm nô lệ cho những thú vui nhục dục của mình. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa đã chỉ cho chúng con một "khuôn vàng thước ngọc", đó là "của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa". Ấy là chúng con phải xác định : mình là ai ? từ đâu đến ? sẽ đi về đâu? Biết phân định lãnh vực nào thuộc trần thế, lãnh vực nào thuộc thiên đàng, để chỉnh đốn lại cùng đích cuộc đời là chính Chúa và chỉ một mình Chúa mà thôi. Amen


Nữ Tỳ Thánh Thể