Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

BÀI HỌC THẤT BẠI TỪ ĐÀN VOI

TƯỚI DƯA CHO NGƯỜI

Lương và Sở là hai nước láng giềng ở cạnh nhau vào thời Chiến quốc.
Ở một vùng biên giới của hai nước, dân chúng đều trồng dưa. Dân nước Lương siêng năng chăm sóc tưới nên dưa tốt. Trái lại, dân Sở lười biếng nên dưa xấu. Dân Sở thấy vậy, sanh lòng đố kỵ, mỗi đêm lén chạy qua nước láng giềng Lương cào dưa của người.
Dân Lương thấy dưa của mình mỗi ngày chết một ít, lấy làm lạ, theo dõi và phát giác ra nguyên nhân, bèn dự định sẽ lén qua rẫy của dân Sở cào dưa để trả thù.
Quan huyện nước Lương là Tống Tựu, biết được ý đồ ấy, bèn ngăn lại và dạy dân mình rằng:
- Thay vì đi cào dưa mỗi đêm, ta hãy lén sang bên ấy tưới dưa cho người thì có phải tốt hơn không?
Dân Lương bèn y lời. Nhờ đó mà rẫy dưa của dân Sở ngày một xanh tốt.
Dân Sở ngạc nhiên, theo dõi và biết được nguyên do, lấy làm hổ thẹn.
Chuyện đến tai quan huyện, rồi vua Sở. Nhà vua bèn sai người mang lễ vật sang tạ tội vua Lương và kết tình giao hữu.
Bài học:
Lòng đố kỵ, ganh ghét là một trong những tật xấu của con người ở trần gian này. Ta tật đố khi ta thèm thuồng, ước mơ những gì mà người khác được còn ta thì mất, người khác có và ta thì không.
Ta ganh ghét vì mê mờ không rõ lý nhân quả... như bọn người nước Sở trên đây chẳng hạn.
Ðâu phải khi không mà dưa người ta tốt hơn là dưa của mình? Người ta siêng, ta lười biếng... Vậy mà khi thấy kết quả tốt đẹp của người ta, mình lại vác cào sang phá hoại kết quả ấy thì thật là thô lỗ và hết sức trẻ con!
Cũng thế, đâu phải đương không mà người ta đẹp đẽ, ta xấu xí, người giàu sang thông minh, còn ta nghèo hèn ngu tối?

Khi đã thấu rõ lý nhân quả thì không còn ganh ghét và tật đố nữa.

CỦA CẢI QUÝ BÁU NHẤT


Có một chàng thanh niên, lúc nào cũng oán thán là mình nghèo khổ, số phận không may. Một hôm, đúng lúc chàng ta đang lẩm bẩm: Bao giờ tôi mới có được một số tiền lớn để cuộc sống dễ chịu hơn?
Vừa hay đúng lúc đó, có một thợ đẽo đá già đi qua nghe thấy. Nghe anh ta nói vậy, cụ già hỏi: Vì sao cháu lại than thở như thế? Phải biết rằng hiện nay cháu đã rất giàu có rồi!
- Cháu có của cải gì đâu? Chàng thanh niên không hiểu hỏi lại: Của cải của cháu ở đâu?
- Ví dụ như đôi mắt sáng của cháu. Cháu có định đổi đôi mắt ấy lấy cái gì không?
- Cụ nói cái gì vậy? Chàng thanh niên hốt hoảng nói: Đôi mắt của cháu bao nhiêu tiền cúng không đổi được.
Cụ thợ già lại nói: Thế thì để ta chặt đôi bàn tay nhanh nhẹn của cháu vậy, ta xin trả rất nhiều vàng.
- Không, cháu không thể đổi đôi bàn tay này lấy vàng được.
Lúc bấy giờ người thợ đẽo đá già mới nói: Bây giờ cháu thấy rồi đấy, cháu rất giàu. Hãy nhớ lời nói của ta: ý chí và sức khoẻ là những của báu vô giá, dù vàng ròng cũng không mua được.
Nói xong ông cụ bỏ đi.
Sưu tầm./.


Mèo và heo

Mèo và heo là bạn tốt của nhau.
Một ngày kia, mèo chẳng may bị rơi xuống một cái hố lớn, heo mang dây thừng đến, mèo bảo heo hãy ném dây thừng xuống dưới, kết quả nó ném cả bó dây xuống dưới luôn. Mèo rất buồn bực, nói: “Ném hết cả xuống như vậy, sao mà kéo mình lên được đây?”
Heo nói: “Nếu không thì phải làm thế nào đây?”
Mèo nói: “Bạn nên cầm một đầu của sợi dây chứ!”.
Heo liền nhảy xuống dưới, cầm lấy một đầu sợi dây, nói: “Bây giờ đã được rồi này!”
Mèo đã khóc, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Lời bàn: 

Có những người không được thông minh lắm, nhưng lại đáng để bạn trân quý cả đời.

SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI

Một bầy ếch đi dạo trong rừng và có hai con bị rơi xuống một cái hố sâu.Tất cả các con ếch còn lại trong bầy đều bu quanh miệng hố để kéo chúng lên.
Nhưng khi thấy cái hố quá sâu, cả bầy liền nói với hai con ếch rằng chúng chỉ còn nước chết mà thôi.
Hai con ếch bỏ ngoài tai những lời tuyệt vọng đó và cố hết sức nhảy lên khỏi hố. Những con ếch kia lại nói với chúng đừng nên phí sức, rằng chúng chỉ còn nước chết. Sau cùng, một con ếch phía dưới nghe theo những gì cả bầy đã nói, nó tuyệt vọng, bỏ cuộc và chìm xuống đáy hố nước.
Con ếch còn lại tiếp tục cố gắng nhảy. Một lần nữa cả bầy xúm lại và thét lên khuyên nó hãy thôi. Nó càng nhảy mạnh hơn nữa. Cuối cùng nó nhảy được lên bờ. Cả bầy vây quanh và hỏi nó: “Anh không nghe tụi tôi nói gì hay sao?”. Con ếch bảo nó bị nặng tai, nó tưởng cả bầy ếch đã động viên, cổ vũ nó suốt khoảng thời gian vừa qua, chứ không phải là kêu gào thuyết phục nó bỏ cuộc.
Lời bàn: 


Có một sức mạnh sống và chết nơi miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người ấy dậy và giúp họ vượt qua khó khăn. Nhưng cũng lời nói có thể giết chết một người trong cơn tuyệt vọng. Vì thế, hãy cẩn thận với những lời nói của mình.

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đây sống như thế nào. Họ tìm đến nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng.
"Đây là một cách để dạy con biết qúy trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình" – người cha nghĩ đó là bài học thực tế tốt cho đứa con bé bỏng của mình.
Sau khi ở lại và tìm hiểu đời sống ở đây, họ lại trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười :
- Chuyến đi như thế nào hả con?
- Thật tuyệt vời bố ạ!
- Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!
- Ô, vâng.
- Thế con rút ra được điều gì từ chuyến đi này?
Đứa bé không ngần ngại:
- Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải treo những chiếc đèn lồng vào vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta có một miếng đất để sinh sống và họ có cả những cánh đồng trải dài. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tượng bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở nhau…
Đến đây người cha không nói gì cả.
- Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi... – cậu bé nói thêm.
Rất nhiều khi chúng ta đã quên mất những gì mình đang có và chỉ luôn đòi hỏi những thứ gì không có. Cũng có những thứ không giá trị với người này nhưng lại là mong mỏi của người khác. Điều đó còn phụ thuộc vào cách nhìn và đánh giá của mỗi người. Xin đừng quá lo lắng, chờ đợi vào những gì bạn chưa có mà bỏ quên điều bạn đang có, dù là chúng rất nhỏ nhoi.
Thái độ sống mới là thứ quan trọng. Trong cùng 1 hoàn cảnh, những người khác nhau sẽ có 1 cái nhìn khác nhau. Người lạc quan có cái nhìn lạc quan,và ngược lại. Cũng giống như cái cốc nước vơi. Người lạc quan nghĩ rằng cốc nước còn hơn một nửa. Còn người bi quan nghĩ rằng cốc nước đã vơi đi 1 nửa vậy

32 Triệu lần


Môt chiếc đồng hồ nhỏ mới vừa lắp ráp xong được đặt giữa hai chiếc đồng hồ cũ. Hai chiếc đồng hồ cũ chạy từng giây từng phút kêu “tích tắc, tích tắc”.

Một trong hai chiếc đồng hồ cũ nói với chiếc đồng hồ nhỏ:”Đến đấy, bạn cũng phải làm việc. Nhưng tôi có chút lo lắng, sau khi bạn lắc hết 32 triệu lần, sợ rằng sẽ không chịu nổi.”
“Ối! 32 triệu lần” – chiếc đồng hồ nhỏ không khỏi kinh ngạc – “Tôi phải làm một việc lớn như vậy sao? Không làm được, không làm được đâu.”
Chiếc đồng hồ cũ khác nói: “Đừng nghe anh ta nói bậy. Đừng sợ, bạn chỉ cần mỗi giây lắc một cái tích tắc là được rồi”.
“Trên đời sao có việc đơn giản như thế được.” – đồng hồ nhỏ bán tín bán nghi” – “Nếu thế tôi sẽ thử xem.”
Đồng hồ nhỏ nhẹ nhàng mỗi giây lắc một cái “tích tắc”, thấm thoát một năm trôi qua nó đã lắc được 32 triệu lần.
Cứ bước từ từ tới trước thôi và bạn sẽ ngạc nhiên sau một khoảng thời gian nhìn lại.
Đừng sợ khi bạn tiến triển chậm, chỉ sợ khi bạn đứng tại chỗ.

Ông lão bán dầu

Ông Trần Nghiêu Tư làm quan đời nhà Tống, bắn cung giỏi có tiếng ở đời bấy giờ không ai bằng. Ông cũng lấy thế là kiêu căng.
Ông thường bắn trong vườn nhà. Một hôm có ông lão bán dầu đi qua, đặt gánh xuống, ngấp nghé xem mãi. Ông lão thấy ông Nghiêu Tư bắn mười phát trúng được tám chín thì hơi gật gù mỉm cười. Nghiêu Tư gọi vào hỏi:
"Nhà ngươi cũng biết bắn à? Ta bắn chưa được giỏi hay sao?"
Ông lão nói: Chẳng phải giỏi gì cả. Chẳng qua là quen tay thôi.
Nghiên Tư giận lắm, bảo: À nhà ngươi dám khinh ta bắn không giỏi à?
Ông lão nói: Cứ xem tôi rót dầu thì đủ biết.
Nói đoạn bèn lấy một cái bầu đặt xuống đất, để đồng tiền lên miệng, lấy cái môi từ từ rót dầu qua lỗ đồng tiền, mà không dây một tí dầu nào ra đồng tiền cả.
Rồi nói: Tôi cũng chẳng phải giỏi gì, chỉ quen tay mà thôi.
Nghiêu Tư cười chịu là phải.

Thứ Hai sau Chúa Nhật 29 Thường Niên – Năm B


Lời Chúa: Lc 12, 13-21
Suy niệm
…Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 20-21)
Chúa Giêsu khuyên dậy con người đừng mải mê thu tích của cải vật chất, nhưng trên hết cần biết ‘làm giàu trước mặt Thiên Chúa’. Trước khi giảng dậy cho người khác, Chúa đã sống điều mình dậy. Trong suốt cuộc đời công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giêsu không bám víu hay bận tâm đến của cải vật chất. Ngài đã sống thân phận của“Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Tuy vậy, Chúa Giêsu lại rất giàu lòng thương xót và nhân ái. Ngài chạnh lòng thương những người bé mọn, nghèo khổ và Ngài “chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (Mt 4, 23). Đặc biệt hơn, toàn bộ đời sống của Chúa là một lời cầu nguyện. Chúa cầu nguyện để lắng nghe và thi hành theo thánh ý Thiên Chúa Cha. Qua đây, Chúa muốn chúng ta noi gương sống của Ngài, để chúng ta có thể thu tích cho mình một kho tàng đích thực trước nhan thánh Chúa.
Của cải cần thiết cho đời sống, nhưng Thiên Chúa không muốn chúng ta bảo đảm đời sống và tính mạng của mình bằng việc thu tích tiền của, vàng bạc hay bằng việc mua các loại bảo hiểm ở đời này. Trái lại, Ngài muốn chúng ta biết chia sẻ của cải mình có và giúp đỡ tha nhân ; khi làm việc đừng quên dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng để được kết hợp với Thiên Chúa. Và như thế là chúng ta đã ‘làm giàu’ cho cuộc sống của mình ở đời sau. Hãy cảnh tỉnh đừng để chúng ta trở thành ‘đồ ngốc’ giống người phú hộ trong dụ ngôn của bài Tin Mừng.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết hằng ngày đến với Chúa bằng việc tham dự Thánh Lễ, siêng năng cầu nguyện và viếng Thánh Thể Chúa. Đồng thời, trong những lúc chúng con đang mải mê, tính toán làm ăn vì nhu cầu của cuộc sống, xin Chúa luôn ban ơn cho chúng con biết nghĩ đến Nước Trời và nghĩ đến tha nhân nhiều hơn. Amen.


Thánh lễ CN XXIX Thường Niên B -- Giáo xứ Thánh Tâm, Hố Nai, Giáo phận Xuân Lộc

19/10. Thứ Hai. Rm 4,20–25; Lc 12,13–21
Bài Ðọc I - Rm 4,20–25
Thưa anh em, ông Abraham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa, vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện. Bởi thế, ông được kể là người công chính.
Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa: chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.
Tin Mừng - Lc 12,13–21
Một hôm, có người trong đám đông nói với Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.” Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!” Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giời ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Ðồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
Suy niệm
Trong bài đọc I, Thánh Phaolô nhắc lại tấm gương của Abraham với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa, vào Lời Chúa. Và Thánh nhân cũng khẳng định rằng: mỗi chúng ta cũng sẽ trở nên công chính như Abraham, nếu chúng ta cứ vững tin vào Thiên Chúa.
Niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, vào Lời Chúa, vào những giá trị của Tin mừng, thể hiện bằng việc chúng ta vượt qua được những cám dỗ chiếm hữu, tích trữ và quá bám víu vào những của cải đời này, mà bỏ quên hay bỏ qua những giá trị đích thực trước mặt Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng, qua hình ảnh ông nhà giàu tích trữ hoa màu cho mình, nhưng cái chết bất ngờ ập đến khiến ông phải bỏ lại tất cả, Đức Giêsu trả lời cho băn khoăn của anh thanh niên – người nhờ Ngài lên tiếng bênh vực trong việc phân chia gia tài.
Ngày hôm nay, nỗi lo cơm áo gạo tiền cứ dai dẳng trong kiếp nhân sinh và mưu sinh, nên đôi khi, cuốn ta vào cơn lốc của đam mê chiếm hữu, thu tích, hưởng thụ, bám víu vào những giá trị của thế gian. Đôi khi, ta nhắm mắt bịt tai trước Lời Chúa, trước Luật Chúa khi làm ăn, khi làm giàu bằng những cách thế không phải là đường lối của Chúa.
Mong sao, tôi nhớ rằng, sự giàu có đích thực trước mặt Chúa là sự giàu có về lòng nhân ái, về sự sẻ chia.
Mong sao, con đường Tin mừng vẫn luôn là con đường tôi chọn bước đi trong cuộc đời tôi.

Bài Giảng Thứ hai tuần XXIX Thường Niên - Thánh lễ lúc 17 g thứ hai 19.10.2015 tại Giáo xứ Hà đông, Xóm Mới, SG

Thánh lễ CN XXIX Thường Niên B- Giáo xứ Tân Hà, Bảo Lộc, Giáo phận Đà lạt

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ HAI TUẦN 29

THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lc 12, 13-21
Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:Tôi muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm đất thuộc về anh. Con người khốn khổ này tưởng mình như đang mơ. Tối đó anh không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để mau chóng lên đường. Khi ánh dương vừa ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu có, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy. Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả không những cho ta, mà còn cho gia đình, cho tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa lên, tay chân không cử động, và tim anh cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con người.
Kính thưa…Nỗi khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức mình.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Với câu kết luận : kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó ( c.21), Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy hậu quả của những người ham mê của cải. Số phận tay trắng vẫn “hoàn tay trắng. của cải cũng mất mà linh hồn lại chẳng được cứu, vì khi còn sống, người đó đã bám víu vào của cải. Nay của cải bỏ người ấy ra đi một mình, chúng không đảm bảo cho người đó có cuộc sống đời đời. Ở đây chúng ta thấy Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh đối lập giữa của cải và Thiên Chúa như Ngài đã nói : Không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền của ( Mt 6,24). Ngài nhấn mạnh : cần làm giàu trước mặt Thiên Chúa, nghĩa là tìm kiếm sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là dùng tiền của mua bạn hữu, dùng của cải đổi lấy Nước Trời, là làm chủ của cải chứ không lệ thuộc nó.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, ranh giới vực thẳm giữa giàu nghèo vẫn còn đó. Bên cạnh những thành phố xa hoa, chơi bời vẫn còn có những tấm lưng còng cúi rạp trên bãi rác, hay đầu đường xó chợ để tìm kiếm miếng ăn. Xin cho chúng con biết san bằng những hố sâu ngăn cách ấy qua những bưổi tương trợ, bác ái giúp nhau, để thế giới thêm vui tươi, hạnh phúc, mọi người đều có cơm ăn áo mặc, như thế chúng con mới là anh em con cùng một Cha trên trời. A men.

19/10/2015 Thứ Hai Tuần XXIX Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.


Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".

Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Đoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" ' Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng, quyền bính.
Cuộc sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của Thiên Chúa.
Dù phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.AMEN.

Thứ Hai tuần XXIX TN

Lòng Bác Ái
(Lc 12, 13-21)
Của cải vật chất là điều kiện tất yếu cho cuộc sống của con người trong mọi thời đại. Sự thành công của mỗi người trong thời đại hôm nay, được đánh giá phần nào dựa vào tài sản cũng như thu nhập của họ. Những người nghèo vẫn luôn là những người “thấp cổ, bé miệng” trong xã hội. Ở một góc độ nào đó, của cải vật chất giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc sống.
Thế nhưng, nếu đánh đồng ý nghĩa của cuộc sống với giá trị vật chất, thì cách nào đó chúng ta đang đánh mất ý nghĩa đích thực của việc làm người. Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay đã cảnh báo chúng ta về sự lạm dụng đối với của cải vật chất. Chúng ta vẫn bắt gặp sự lên án gay gắt của Đức Giêsu đối với những người giàu có trong các lời rao giảng của Ngài. Hẳn rằng, không phải Đức Giêsu có ác cảm với người giàu vì Ngài vẫn ăn uống và thăm viếng những gia đình giàu có như Ngài đã đến nhà ông Giakêu, đã dùng bữa tại gia đình một tư tế. Sự giàu có tự nó không có tội, nhưng sự giàu có bất chính, sự tham lam bất công, lại là nguyên nhân gây nên lỗi đức công bình và thiếu lòng bác ái. Đức Giêsu không lên án việc làm giàu nhưng lên án những con người chỉ biết vun đắp cho bản thân mà bỏ quên lòng quảng đại với người khác. Lòng bác ái như là một tiêu chí xuyên suốt trong đời sống của người Kitô hữu. Ngay từ những ngày đầu truyền giáo tại Việt Nam, đạo Công Giáo được gọi với cái tên thân thương là “đạo yêu”, như một dấu chỉ cho những người theo đạo nhìn nhận cách trực quan ý nghĩ đích thực của đạo Công Giáo là yêu thương. Thánh Phaolo cũng đã nhìn nhận các nhân đức đối thần, nhân đức nào cũng quan trọng, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến. Sẽ là sai lệch nếu chúng ta theo đạo, giữ đạo mà thiếu đi lòng mến. Sẽ là sai lệch nếu chúng ta thực hành đạo mà quên đi đức công bình và bác ái đối với mọi người.
Cuộc sống vẫn còn đó những giá trị trỗi vượt hơn cả giá trị vật chất. Cách đặc biệt, mỗi người chúng ta trong đời sống thánh hiến cần phải thoát khỏi những ràng buộc của vật chất để có thể sống trọn vẹn cho tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với mọi người.                                       
Giuse Lưu Quốc Toàn, MF


Nghe Bài Giảng Thứ Hai tuần XXIX Thường Niên - tại Giáo xứ Hà Đông, Xóm Mới