Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Món Quà Của Cha


Một ngày nọ, một cô bé 11 tuổi hỏi cha mình:
” Cha sẽ tặng gì cho con vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của con ? “. Người cha trả lời: ” Vẫn còn lâu lắm mà con yêu . ”
Khi cô bé 14 tuổi , cô bị ngất xỉu và được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ nói với cha của cô bé, rằng tim cô có vấn đề và cô có lẽ sẽ không qua khỏi.
Khi nằm trên giường bệnh , cô bé nói:
“Cha ơi, có phải họ nói rằng con sắp chết rồi không?”. Người cha trả lời “Không , con sẽ sống” và ứa nước mắt.
Cô bé nói: “Làm sao cha biết chắc chắn được?” Người cha trả lời: “Cha tin chắc mà!”.
Cô bé bước sang tuổi 15 và dần hồi phục. Khi trở về nhà cô nhìn thấy một lá thư trên giường viết rằng: “Con gái yêu quý của cha , nếu con đang đọc lá thư này, có nghĩa là tất cả mọi việc đều tốt như cha đã từng nói với con.
Có lần con đã hỏi rằng cha sẽ tặng gì cho con vào ngày sinh nhật lần thứ 15 của con. Lúc đó cha chưa nghĩ ra được, nhưng bây giờ cha rất vui khi tặng cho con TRÁI TIM của cha, con yêu!”
Người cha đã hiến tặng trái tim của mình cho cô con gái.
Bài học :
Hãy yêu quý cha mẹ của bạn … họ hy sinh rất nhiều để làm cho chúng ta hạnh phúc , mà không để chúng ta nhận ra …. Chúng ta trưởng thành và trở nên bận rộn, mà quên rằng cha mẹ cũng đang ngày một già yếu đi …. Vì vậy hãy dành thời gian quan tâm, chăm sóc cha mẹ bằng tất cả lòng yêu thương của mình.
SƯU TẦM

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần VIII Thường Niên


Bài Đọc: Hc 42,15-26
Tôi sẽ ghi nhớ công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy. Nhờ lời Chúa mà Chúa đã thực hiện những kỳ công. Mặt trời chiếu soi vạn vật, và công trình của Chúa đầy ánh vinh quang của Người.
Nào Chúa đã không ban cho các thánh được cao rao các việc kỳ diệu của Người, những việc mà Chúa toàn năng đã củng cố trong vinh quang của Người sao?
Người dò xét vực thẳm và lòng con người, thấu biết những mưu chước của họ, vì Chúa thấu suốt mọi sự và theo dõi những dấu thời đại, tuyên bố những gì thuộc về dĩ vãng và hậu lai, tỏ bày những dấu vết các việc ẩn kín. Không một tư tưởng nào mà Người không biết, không một lời nào có thể giấu được Người.
Người sắp đặt những kỳ công sự khôn ngoan của Người. Người có trước muôn đời và tồn tại muôn thuở, không thêm không bớt, không cần đến vị cố vấn nào. Mọi công trình của Người thực đáng quý chuộng, và như những ánh lửa người ta có thể ngắm nhìn. Mọi vật ấy đều sống động và tồn tại muôn đời, và vâng phục Người trong mọi hoàn cảnh. Tất cả đều có từng đôi và cái này đối diện với cái nọ, và Người không làm chi khuyết điểm. Vật này làm nổi bật vẻ đẹp cho vật kia. Và ai có thể nhàm chán nhìn xem vinh quang của Người?
Tin Mừng: Mc 10,46-52
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người.
Suy Niệm
"Tôi sẽ ghi nhớ những công trình của Chúa, và sẽ thuật lại những điều tôi đã thấy" (Hc 42,15).
Công trình vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện trong chương trình sáng tạo quả thật không thể nào diễn tả hết qua ngôn ngữ con người. Đứng trước công trình đó, nhiệm vụ của chúng ta là phải cao rao những công trình vĩ đại này.
Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ vì con người, cho con người, để con người chiêm ngưỡng và ca tụng vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng nếu chỉ nhìn với con mắt thể xác thì chúng ta khó có thể nhận biết Thiên Chúa qua các công trình. Chỉ khi nào chúng ta nhìn bằng đôi mắt đức tin, khi đó chúng ta mới khám phá ra nhiều điều kỳ diệu.
Nhìn thế giới bằng đôi mắt xác thịt mà thiếu đôi mắt đức tin đó là một khiếm khuyết. Ngược lại, nhìn với đôi mắt đức tin mà thiếu đôi mắt xác thịt thì chúng ta khó có thể cảm nhận được, thấu hiểu được vinh quang mà Thiên Chúa đã dựng nên. Vì thế sách Huấn ca bảo, vật này làm nổi bậc vẻ đẹp cho vật kia.
Anh mù trong bài Phúc âm ngày hôm nay có được đôi mắt đức tin khi nhìn nhận Đức Kitô có thể chữa lành cho anh, nhưng anh thiếu đôi mắt thể xác. Chúa Giêsu muốn anh có được cả hai, khi trả lại cho anh đôi mắt thể xác, để giúp anh có thể càng sáng hơn cho đôi mắt đức tin.
Lạy Chúa, đôi khi chúng con có đôi mắt thể xác, nhưng lại thiếu đôi mắt đức tin. Chúng con xin Chúa ban cho chúng con có được cả hai để chúng con có thể nhìn thấy và các tụng vinh quang Thiên Chúa, qua thế giới, qua mọi biến cố trong cuộc đời. Amen.
8



28/05/2015 Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên Năm B

PHÚC ÂM: Mc 10, 46-52

"Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
- Tin Mừng hôm nay ghi lại.Anh mù đến với Chúa bằng chính thực tại đau thương của mình và trông cậy vào tình thương của Chúa: "Lạy con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi". Ðây là lời cầu xin của một tâm hồn khiêm tốn và tin tưởng, như Chúa Giêsu đã ghi nhận sau khi chữa lành anh: "Lòng tin của anh đã cứu chữa anh". Ðức tin nơi anh mù đã giúp anh vượt qua thử thách, người ta càng ngăn cản anh, anh càng kêu to hơn cho đến khi được Chúa nghe thấy và cho gọi anh lại.
Liệu chúng ta có đủ khiêm tốn, kiên trì chờ đợi gặp Chúa không? Chúng ta có ý thức mình cần đến ơn Chúa, cần đến tình yêu và sự tha thứ của Chúa không? Như anh mù, chúng ta hãy thưa: "Lạy Chúa, xin thương xót con". Chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta nhìn thấy những kỳ công Chúa đã và đang thực hiện trong lịch sử nhân loại và trong chính đời sống chúng ta, để chúng ta trở thành bài ca tôn vinh Chúa luôn mãi.
* Lạy Chúa, đôi khi chúng con có đôi mắt thể xác, nhưng lại thiếu đôi mắt đức tin. Chúng con xin Chúa ban cho chúng con có được cả hai để chúng con có thể nhìn thấy và các tụng vinh quang Thiên Chúa, qua thế giới, qua mọi biến cố trong cuộc đời. Amen.


Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi thành Giêricô cùng với các môn đệ, và một đám đông, thì có con ông Timê tên là Bartimê, một người mù ăn xin đang ngồi ở vệ đường. Khi anh ta nghe biết đó là Chúa Giêsu Nagiarét, liền kêu lên rằng: "Hỡi ông Giêsu con vua Đavít, xin thương xót tôi". Và nhiều người mắng anh bảo im đi, nhưng anh càng kêu to hơn: "Hỡi con vua Đavít , xin thương xót tôi".
Chúa Giêsu dừng lại và truyền gọi anh đến. Người ta gọi người mù và bảo anh: "Hãy vững tâm đứng dậy, Người gọi anh". Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy, đến cùng Chúa Giêsu. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo rằng: "Anh muốn Ta làm gì cho anh"? Người mù thưa: "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy". Chúa Giêsu đáp: "Được, đức tin của anh đã chữa anh". Tức thì anh ta thấy được và đi theo Người. Đó là lời Chúa.



28.05.2015-Thứ Năm Tuần VIII Thường Niên



Lời Chúa : Mc 10, 46 – 52
46 Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. 47 Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng : "Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 48 Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng : "Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !" 49 Đức Giê-su đứng lại và nói : "Gọi anh ta lại đây !" Người ta gọi anh mù và bảo : "Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy !" 50 Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. 51 Người hỏi : "Anh muốn tôi làm gì cho anh ?" Anh mù đáp : "Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được." 52 Người nói : "Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh !" Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

SUY NIỆM

“Thiên Chúa không đến để giải mã cho đau khổ nhưng Người đến lấp đầy trên đau khổ sự hiện diện của Người.” (Paul Claudel). Anh mù Batimê trong bài Tin mừng ngày hôm nay là một người bất hạnh và đau khổ. Hằng ngày anh “ngồi ăn xin bên vệ đường”, nơi cổng thành Giêrikhô (Mc 10, 46) nhưng dường như không ai biết đến sự hiện hữu của anh. Anh ngồi đó, mù loà trong tuyệt vọng, nghèo khổ và cô đơn. Thế nhưng sự hiện diện của Đức Kitô ở Giêrikhô đã biến đổi cuộc đời anh. Ngài gọi anh đến và chữa lành cho anh. Ngài đã lấp đầy những đau khổ của anh bằng ánh sáng của tình yêu, niềm hy vọng và sự ủi an. Ngài thắp lên trong tâm hồn anh ngọn lửa tình yêu. Từ đây, anh được sống trong niềm hy vọng tràn trề vì dù cho cả thế giới có quay lưng lại với anh, khi người ta chủ tâm loại trừ anh, “quát nạt bảo anh im đi” (x. Mc 10, 48) thì Đức Kitô vẫn nghe được tiếng kêu của anh. Ngài quan tâm đến nhu cầu của anh một cách trìu mến: “Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Mc 10, 47). Ngài đã cho anh cảm nghiệm được sự giàu có về đời sống đức tin của mình khi khích lệ anh: “Anh hãy đi, đức tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10, 52). Và hơn hết, sau khi được gặp Đức Kitô, anh đã không còn cô đơn “ngồi ăn xin bên vệ đường” nhưng được “đi theo Ngài trên con đường Ngài đi” (Mc 10, 52).
 Đau khổ là một thực tại hiện sinh của đời sống con người. Dù muốn hay không, con người vẫn phải đối diện với nó. Lẽ tự nhiên, thật khó để có thể chấp nhận đau khổ như là một phần trong chương trình quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Trong đau khổ, con người thường phải đấu tranh với cơn cám dỗ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Soi chiếu nơi hành trình đức tin của anh mù Batimê, chúng ta được mời gọi tin tưởng phó dâng mọi đau khổ của chúng ta nơi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa để được Ngài an ủi và chữa lành. Giữa một thế giới “hoàn cầu hoá sự dửng dưng” (Sứ Điệp Mùa Chay 2015), nhìn lên hình ảnh đầy nhân ái của Thầy Chí Thánh Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi cộng tác với ơn Chúa để trở thành khí cụ tình yêu và cánh tay nối dài của Ngài trong nỗ lực xoa dịu đau khổ của những người bất hạnh trong cuộc sống, hầu làm sáng Danh và rao truyền tình thương của Chúa đến muôn đời.
Lạy Chúa, Chúa đã đến để chữa lành những đau khổ của nhân loại tội lỗi và đã dùng đau khổ thập giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con trong mọi giây phút của cuộc đời, dù là gian lao khốn khó, luôn vững lòng trông cậy và phó thác vào tình yêu quan phòng của Chúa. Đồng thời, trước những đau khổ của người khác, xin cho chúng con luôn biết cảm thương và nhiệt thành trong đời sống dấn thân và phục vụ, để qua đó chúng con có thể trở thành những khí cụ tình yêu của Chúa, góp phần xoa dịu những đau khổ của những người anh em đồng loại . Amen.