Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

29.12.2015 – Thứ ba

 Lc 2, 22-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí run rủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”
Suy niệm:
Tin mừng theo thánh Lu-ca hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Đức Maria và thánh Giuse đã dâng hiến Đức Giêsu trong đền thờ theo luật dạy (c 22-23). Theo như luật Mô-sê, thì Thiên Chúa truyền rằng: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay thú vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13,2). Lệnh truyền ấy được thực thi cách nghiêm túc bởi con cái Ít-ra-en, và gia đình của Giuse - Đức Maria cũng không ngoại lệ. Nhưng có thể chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa thật mà lại phải làm theo tục lệ ấy? Nó có ý nghĩa gì trong niềm tin của chúng ta?
Để trả lời cho câu hỏi ấy, chúng ta cùng chiêm ngắm thái độ vâng phục của gia đình thánh gia và lòng hân hoan nhờ sự kiên nhẫn của cụ già Si-mê-on.
1.   Đức Maria và Giuse, khiêm tốn và trung tín trong mọi biến cố.
Một gia đình nhỏ miền quê nghèo, chỉ có thể mang theo lễ vật tối thiểu (đôi chim gáy hay cặp bồ câu non) và dẫn con mình lên dâng cho Thiên Chúa. Dù rằng, cả hai ông bà đều được sứ thần mặc khải về Đấng Em-ma-nu-el, vị Thiên Chúa làm người để cứu độ muôn dân. Nhưng các ngài vẫn làm theo chỉ dẫn của luật Mô-sê mà không đòi thêm một đối xử đặc biệt hay một ân huệ nào khác.
Đến lúc dâng Đức Giêsu trong đền thờ, ông già thánh thiện Si-mê-on đã bế Đức Giêsu trên tay và hân hoan nói tiên tri về Ngài “ơn cứu độ của Ít-ra-el” (c 30-32), thì ông bà vẫn im lặng, suy gẫm mọi lời của cụ già mà không có thái độ tự mãn hay kiêu hãnh về vai trò của mình.
Đó quả là thái độ khiêm tốn và vâng phục cách tín trung trong mọi biến cố của các ngài. Điều đáng cho ta suy ngẫm.
2.   Cậu bé Giê-su, nêu gương giữ luật.
Cậu bé Giê-su ấy chính là Ngôi Lời nhập thể, nhưng lại chọn hiện diện với con người bằng thân phận nghèo hèn, để thấu cảm cảm sự “cùng khổ khốn cùng” của con người nơi dương thế (sinh ra nơi hang lừa, chết nhục trên thập tự). Vị Thiên Chúa ấy đã chịu để cho cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa Cha theo lề luật. Đó là thái độ rất “người”, mà đã là người thì luôn tùng phục Đấng tác tạo nên mình. Ngài đã không đòi hỏi một vị thế của Thiên Chúa ở trần thế, nhưng là một mẫu gương vâng phục Chúa Cha trong mọi sự bởi nhân tính của mình. Tôi là thụ tạo, chẳng lẽ tôi nên làm khác hơn Đức Giêsu chăng?
3.   Cụ già Si-mê-on, khát khao và kiên nhẫn đợi chờ ơn cứu độ.
Cụ già Si-mê-on là con người kiên nhẫn, thánh thiện và hằng khát khao ơn cứu độ của It-ra-el. Bởi lòng khát khát mãnh liệt ấy của cụ, Thiên Chúa đã hứa cho cụ thấy Đấng Mê-si-a trước lúc nhắm mắt lìa trần. Hôm nay, được Thánh Thần thúc đẩy, cụ đã vào đền thờ và được bồng ẩm Đức Giêsu trên đôi tay của mình và miệng không ngớt lời hân hoan ca tụng (x. c 27-32). Thiên Chúa đã hoàn tất ước mơ của cụ, và cũng là ước mơ cho dân tộc It-ra-el, cho mỗi người chúng ta.
Trong đời sống đạo, tôi có khát khao Chúa, khát khao ơn cứu độ cho chính tôi như thế chăng?
Chiêm ngắm các nhân vật trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, giúp chúng ta ý thức lối sống đạo của mình bằng hai thái độ.
-                     Vâng phục và thực thi luật Chúa cách khiêm tốn và trung thành như gia đình Chúa. Bởi Luật Chúa là luật sự sống, sẽ dẫn chúng ta đến sự thiện hảo và vinh phúc vĩnh cửu.
-                     Lòng khát khao chờ đợi Chúa như cụ già Si-mê-on. Bởi lẽ, chỉ có lòng khát khát chân thành, sự kiên nhẫn bền chí mới giúp chúng ta gặp được Chúa trong đời sống này. Nhờ đó, ta luôn vui tươi hạnh phúc qua lối sống của người Ki-tô hữu và vững tâm mong đợi Chúa đến lần thứ hai.
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, xin ban cho chúng con Thánh Thần bình an và hoan lạc của Chúa, để trong mọi bộn bề của đời sống thường nhật chúng con biết tin tưởng và tín thác vào Lòng Thướng Xót của Chúa. Amen.
(Xuân Hạ, O.M.I)


NGÀY 29/12 /2015

Lc 2,28-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí run rủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”


Một đêm khuya nọ, tại một vùng quê hẻo lánh bên Anh quốc, một cậu bé hấp hối và người mẹ goá phải đi bộ cả chục cây số để tìm bác sĩ. Nhìn dáng vẻ quê mùa nghèo nàn của người đàn bà, ông bác sĩ không tỏ ra mấy sốt sắng. Ông bác sĩ định từ chối. Thế nhưng bị lương tâm nghề nghiệp cắn rứt, cuối cùng ông đã đến chữa bệnh cho đứa bé. Sau này đứa bé đó đã trở thành một trong những nhà chính trị lỗi lạc nhất của nước Anh. Người Mỹ thường nói : " Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ". Qủa thực mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang lại hy vọng cho người lớn. Với cái nhìn đức tin thì niềm hy vọng ấy lại càng lớn lao hơn. Đó là cái nhìn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu. Nơi Hài nhi Giêsu, cụ đã nhận ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại vinh quang của Israel Dân Chúa. Thế nhưng ánh sáng và vinh quang ấy được tỏ lộ xuyên qua tăm tối của Thập giá và khổ đau.
Đó cũng là cái nhìn chúng ta phải có khi chiêm ngắm Hài nhi trong máng cỏ. Trong Hài nhi bé nhỏ chúng ta nhìn thấy Đấng cứu độ trần gian, trong cảnh nghèo hèn tăm tối của máng cỏ, chúng ta nhận ra hào quang sáng chói của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Sứ điệp trang TM hôm nay cho chúng ta những nhận thức và những bài học áp dụng cho cuộc sống:
1. Câu chuyện Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thờ thường được hiểu như là sự tuân phục Lề Luật. Điều đó không sai, vì Con Thiên Chúa xuống thế trong lòng dân tộc Do thái thì phải vâng theo Lề Luật Do Thái. Đó cũng là việc tiến dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha của Cha Mẹ Hài Nhi Giêsu.Nghi lễ dâng con trai đầu lòng có mục đích nhắc lại rằng mỗi con trai đều là của thánh, thuộc về Thiên Chúa. Ngôi Hai nhập thể muốn chứng tỏ mình là Con của Chúa Cha. Người Kitô hữu chúng ta được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Cho nên chúng ta hãy ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó.
Hài Nhi Giêsu được dâng vào đền thánh là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng không một ai thuộc giới lãnh đạoGiêrusalem, không một ai trong hàng tư tế luật sĩ ra đón chào. Ngược lại, kẻ chào đón Vua của mình chỉ là ông Simêon và bà Anna : những kẻ thuộc nhóm những người nghèo của Giavê. Ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành Thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường, được ơn nhận biết diễm phúc. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ, khó nghèo, khiêm nhường và thanh thoát mới dễ đón nhận ơn soi sáng của Chúa để thực thi ý Chúa và nhận ra diễm phúc của mình. 
2 - Nhìn vào thánh Giuse và Đức Mẹ chúng ta thấy dù ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Chúa Giêsu. Đáng lẽ 2 đấng phải đòi hỏi đặc ân riêng cho mình, nhưng hai Đấng vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật : thanh tẩy và dâng con vào Đền Thờ. Noi gương hai Đấng : người kitô hữu chúng ta không nên tìm đặc ân gì để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng. 
3. Nhìn vào ông Simêon : Sau khi đã nhận ra Hài nhi Giêsu là đấng Cứu Thế, ông đã bồng ẵm Chúa trên tay, cảm thấy tâm hồn mình bình an và thốt lên bài ca chúc tụng. Tâm hồn chúng ta chỉ có bình an thật khi có Chúa ở cùng; trái lại khi ta cảm thấy bất an trong tâm hồn, đó là dấu chỉ tâm hồn ta vắng bóng Chúa. Simêon mới được nhìn thấy và ẵm Chúa vào lòng mà ông đã cảm nghiệm được diễm phúc lớn lao như vậy, huống chi người kitô hữu chúng ta được rước Chúa vào lòng khi chúng ta hiệp lễ. Nhưng liệu chúng ta có biết cảm tạ Chúa sau khi được rước Chúa vào lòng không ? 
Nguyện xin Hài nhi Giêsu tiếp tục ban ơn và chúc lành cho tất cả mọi người trong cộng đoàn gx chúng ta biết hiệp thông với Chúa qua việc chu toàn luật Chúa và Giáo Hội bằng cách siêng năng tham dự thánh lễ, rước lễ và chuyên cần cầu nguyện theo mẫu gương của Thánh Gia. Cũng như biết hiệp thông với nhau bằng đời sống bác ái chia sẻ. Nhờ đó mà ánh sáng Tình Yêu Chúa được lan tỏa đến với mọi người, nhất là những người còn sống trong bóng tối của nghèo khổ và thất vọng trong cuộc sống hôm nay. Amen

NGÀY 28 / 12 / 2015

CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO
Mt 2,13-18
Đức Thánh GH Gioan Phaolô II khi còn tại vị trong ngôi Giáo Hoàng đã viết thư gửi các thiếu nhi trên thế giới nhân năm quốc tế gia đình:" Những gì đã xảy ra cho Hài nhi Giêsu ở Belem cũng đang xảy ra cho các trẻ em trên khắp thế giới. Có biết bao trẻ em đang là nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh, đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang trong cảnh màn trời chiếu đất, đang đau khổ vì biết bao hình thức bạo động và gây hấn cuả người lớn"
Thật vậy, một trong những thảm trạng của thời đại chúng ta đang sống, đó là sự trà đạp hay chối bỏ quyền của trẻ em. Thảm trạng đã xảy ra cho trẻ em Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra, ngày nay cũng đang được tiếp diễn trên khắp thế giới. Vấn đề trẻ em là một vấn đề chiến lược của thế giới, vấn đề trẻ em là vấn đề chính sách quốc gia.
Trang TM chúng ta vừa nghe đọc chỉ duy nhất có Thánh Matthêu thuật lại việc Vua Hêrôđê tìm giết các con trẻ tại Bêlem và toàn vùng lân cận. Theo gia phả thì Hêrôđê thuộc dòng tộc Esau. Ông giết vợ con mình, ông cướp vợ của người anh, ông giết cả tiên tri Gioan tiền hô. Và ông phạm tội tầy trời mà sử sách lưu truyền khi ông ra lệnh tru diệt tất cả các hài nhi mới sinh tính từ hai tuổi trở xuống. Tại sao ông lại có hành động dã man như thế? Thưa: Hài Nhi Giêsu được tiên báo là Vua Do Thái. Ông sợ rằng vị Vua ấy sẽ cướp đi vương miện của ông.Ông tính toán rằng, các hài nhi mới sinh làm sao đi xa được. Và khi ra lệnh giết các hài nhi , ông sẽ gối cao đầu ngủ yên và sẽ được sống lâu vì chắc chắn sẽ có Hài Nhi Giêsu trong số trẻ em mà ông ra lệnh giết. Nhưng ông không ngờ rằng Thánh Giuse và Đức Mẹ được sứ thần báo mộng đã đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập ngay trong đêm trước khi lệnh của ông được ban ra.
Tội nghiệp thay cho các trẻ nhỏ Do Thái sinh cùng thời với Hài Nhi Giêsu. Chúng vô tội mà bị giết, chúng đã chết vì đức Kitô mà chúng không hề biết. Chính Chúa đã làm cho những em bé măng sữa chưa biết nói này thành những chứng nhân của đức tin. Các thơ nhi đó khóc thét trong giây lát khi bị tên bạo Chúa Hêrôđê giết, để cười mãi trong vĩnh cửu vinh quang. Các em chưa biết nói gì mà đã biết tuyên xưng bằng sự sống. Các em chưa biết dùng chân tay để tự bảo vệ giao chiến mà đã giật được cành vạn tuế vinh quang. 
Thiếu nhi chúng con thân mến, chúng con có một địa vị xứng đáng của nước trời. Trẻ em là giấc ngủ của bình minh, là hương hoa của mùa Xuân vạn đại, là hạt giống nảy mầm vươn lên của cánh đồng, là những đọt non của cuộc sống khởi đầu. Cho nên, khi ý thức được như vậy, chúng con phải biết đóng góp cuộc đời của chúng con đem ơn cứu rỗi cho mình và cho nhân loại bằng việc chăm chỉ học hành, vâng nghe lời dậy bảo của cha mẹ thầy cô, siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, và học hỏi giáo lý. 
Thưa những bậc làm cha mẹ, làm anh chị trong gia đình! chúng ta cần phải ý thức rằng với tư cách là cha mẹ, là anh chị, là người thâm trong gia đình, tất cả chúng ta đều là những người trước tiên có trách nhiệm đối với con em chúng ta. Thánh Giuse và Đức Maria đã lặn lội đưa Hài nhi trốn sang Ai cập, đó là điển hình của những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với sự sống của con cái. Sống cho con cái, giáo dục chúng nên người, đó là trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ.Nguyện xin Hài nhi Giêsu soi sáng hướng dẫn chúng ta trọng trách dưỡng dục con cái. Xin ngài đánh động chúng ta trước thảm cảnh của biết bao trẻ em đang lâm cảnh khốn khổ chung quanh chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại để góp phần xoa dịu thương đau của dân tộc mà chính các thiếu nhi phải gánh chịu.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015


“Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng
Đất với trời, se chữ đồng
Đêm nay Chúa Con, Thần Thánh tôn thờ
Canh khuya Giáng Sinh, trong chốn hang lừa
Ơn châu báu không bờ bến
Biết tìm kiếm của chi đền”.
Lời bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng” do Linh mục Joseph Mohr viết vào năm 1816, và được nghệ sĩ organ Fx. Gruber dệt nhạc vào năm 1818. Ca khúc này đã được Unesco công nhận là “kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại” vào tháng 03/ 2011.
Kính thưa quý ÔB và ACE, tôi thiết nghĩ lời của bài hát “Đêm thánh vô cùng” được trở thành một kiệt tác và rất nhiều người biết đến, nó không chỉ đơn thuần dừng lại ở bài hát hay, với sự thành công của nó. Nhưng với đức tin Kitô giáo thì bài hát này còn nhằm truyền tải và diễn tả một sứ điệp vô cùng trọng đại, vô cùng linh thánh, sứ điệp này đã được tiên báo từ ngàn xưa, được các tiên tri loan báo và chuẩn bị, đó là sứ điệp: CON THIÊN CHÚA GIÁNG SINH LÀM NGƯỜI. Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người không với kèn – trống – lọng – loa, không nơi cung – vàng – gác – tía, nhưng là sinh ra nơi chốn hang lừa, nơi một trẻ thơ được đặt nằm trong máng cỏ.
Tin Mừng theo thánh Gioan mà chúng ta vừa nghe công bố cho biết: “trẻ sơ sinh” được đặt nằm trong máng cỏ ấy chính là Logos, là Ngôi Lời của Thiên Chúa. Hôm nay Ngôi Lời đã trở thành nhục thể (làm người) và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài là Ánh Sáng chiếu soi cho toàn thể nhân loại đang sống trong bóng tối lầm than. Ngõ hầu ai tin vào Ngài, ai mở lòng ra để đón nhận Ngài, thì người ấy sẽ được bước đi trong ánh sáng thật, và Ơn Cứu Độ sẽ chan hòa trên người ấy.
Có lẽ tâm tình của mỗi người chúng ta hiện diện trong thánh lễ MỪNG CHÚA GIÁNG SINH hôm nay là tâm tình vui mừng và cảm tạ. Chúng ta đang muốn hòa quyện chung tâm tình của chúng ta với tâm tình của các Thiên Thần năm xưa để hát vang lời ca chúc khen : “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”; và có lẽ chúng ta cũng muốn được như các mục đồng năm xưa, sau khi lắng nghe được lời Sứ Thần Chúa báo tin “này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là niềm vui cho toàn dân: hôm nay, Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua David, Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,10), để chúng ta lên đường tuôn về hang đá Belem, không phải với sự tò mò, không phải để trầm trồ khen ngợi về những trang hoàng lộng lẫy với những đèn sao lấp lánh… nhưng là để bái lạy, để sụp lạy, để kính thờ CON THIÊN CHÚA GIÁNG SINH làm người. Con Thiên Chúa đã đi bước trước và đi đến tận cùng của một tình yêu tự hiến, một tình yêu trao ban nhưng không, một tình yêu không tính toán, tất cả chỉ vì yêu thương con người và muốn cứu độ con người.
Kính thưa quý ÔB và ACE, thánh lễ Giáng Sinh năm nay còn mang một nét đặc biệt nữa, đó là LỄ GIÁNG SINH TRONG NĂM THÁNH LÒNG THƯƠNG XÓT của THIÊN CHÚA. Khi nhìn vào biểu tượng Năm Thánh Lòng Thương Xót, ta thấy hình Chúa Giêsu đang vác trên tay một người mà chân tay và tất cả thân mình đều mềm nhũn, như thể không còn sức sống, nhưng đang cuốn mình vào Chúa Giêsu. Trong khi đó, Chúa Giêsu dùng sức mạnh của hai cánh tay để giữ và ghì chặt người ấy vào mình, như thể Ngài đang thông truyền sức sống của Ngài sang cho người đó. Biểu tượng Năm Thánh này gợi lại nơi tâm trí chúng ta lời mợi gọi của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Mattheu 11,28 : “hỡi những ai đang mệt mỏi và vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Vì vậy, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để Lòng Thương Xót của Ngài nâng đỡ và an ủi ta. Lòng Thương Xót của Ngài bao la như trời biển, Ngài không bao giờ thua lòng quảng đại của chúng ta. Nếu ta đến với Ngài với một tấm lòng thành, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đụng chạm được vào lòng ta. Ngài sẽ rót vào tận cõi lòng ta Tình Yêu và Bình An. Ngài sẽ làm cho những chỗ khô cằn nơi tâm hồn ta trở nên mềm mại, tươi tốt. Ngài sẽ đánh đuổi khỏi tâm hồn ta sự ô uế của lối sống vô cảm, những thái độ sống dửng dung trước nỗi đau của tha nhân. Ngài sẽ mặc lại cho ta chính tâm tình và cách sống của Ngài, để ta có thể “vui với người vui, và khóc với người khóc” (Rm 12,15). Như tâm tình của bài đọc I hôm nay trích từ Is 52,7-10 cho biết: khi tâm hồn của chúng ta có Chúa làm vua hiển trị, ta sẽ không còn sống trong cảnh điêu tàn và hoang phế nữa, nhưng tự đáy lòng sẽ bật lên tiếng reo hò vang dậy, vì Đức Chúa đã cứu cuộc dân Người. Và tâm tình bài đọc II trích từ thư Dothái cho biết: nơi đích điểm của con đường Thiên Chúa yêu thương nhân loại ấy, Thiên Chúa sẽ nói với từng người chúng ta: “ngươi sẽ là con của Ta vì chính Ta đã sinh thành ra ngươi” (Dt 1,15).
Kính thưa quý ÔB và ACE, hang đá Belem vẫn mãi là một lời mời gọi cấp thiết cho mỗi người chúng ta và cho toàn thể nhân loại. Vì khi đến chiêm ngắm, tôn thờ và suy gẫm nơi Hang đá Belem, ta được cảm nhận rằng: chính tại nơi đây thiên Chúa đã sinh ra làm một trẻ thơ yếu ớt – để mời gọi ta hãy biết tôn trọng sự sống, yêu thương những người bé nhỏ, yếu hèn. Thiên Chúa sinh ra trong cảnh nghèo hèn để mời gọi ta hãy biết thoát ra khỏi thứ vỏ ốc – tổ ấm của riêng mình, để nâng đỡ – yêu thương những người nghèo khổ. Thiên Chúa sinh làm con Mẹ Maria, nơi cung lòng của một người nữ, để mời gọi ta hãy biết trân trọng phụ nữ. Và Thiên Chúa sinh ra trong một gia đình, để mời gọi ta hãy biết bảo vệ gia đình, xây dựng gia đình thành một tổ ấm yêu thương. Trong gia đình ấy mỗi trái tim đều có chung một nhịp đập – đó là nhịp đập yêu thương, nơi thể hiện sự tha thứ và lòng xót thương cho nhau, với nhau, và vì nhau.
Vì vậy, trong ngày mừng Con Chúa Giáng Sinh hôm nay, chúng ta hãy đến với hang đá Belem, để được nghe tiếng nói tình yêu của Thiên Chúa. Hãy mở rộng trái tim để đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Hãy mở toang cánh cửa tâm hồn để cho Ánh Sáng Ngôi Lời Vĩnh Củu chiếu soi. Để nhờ Ánh Sáng của Ngôi Lời Thiên Chúa cư ngụ trong tâm hồn ta, Ngài sẽ phá tan đêm tối là sự hận thù, ích kỷ và mọi thứ bóng tối trong cõi lòng, giúp ta được trở nên những người phản chiếu ánh sáng thật của Ngôi Lời Nhập Thể nơi môi trường chúng ta đang sống. Nhờ đó, những nơi chúng ta sống sẽ không còn là nơi của đêm tối, nơi của đêm đông giá lạnh nữa, nhưng sẽ được biến đổi thành “đêm thánh- đêm hồng ân- đêm Con Chúa được nhận biết, đêm của đất trời giao duyên và là đêm an bình” cho tất cả mọi người.
Philippines, ngày 23.12.2015
Linh mục Giuse Phạm Sơn Lâm


Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

LỄ SÁNG NGÀY 24.12.2015: Lc 1,67-69

 Lc 1, 67-79
"Vầng đông từ cao thẳm tới viếng thăm chúng ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Dacaria, cha của Gioan, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, Người đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người. Từ dòng dõi trung thần Đavít, Người đã cho xuất hiện Vị Cứu Tinh quyền thế ?để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ mà phán hứa tự ngàn xưa: Sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước Chúa đã thề với tổ phụ Abraham: rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.
"Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên. Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối, và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
Suy niệm :


Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc là những lời kinh của chính ông Giacaria tán tụng Thiên Chúa trong ngày lễ cắt bì cho người con mình là Gioan tại nhà riêng của ông. Tiếng La tinh gọi lời kinh này của Zacaria là bài thánh ca Bênêdictus. Nghĩa là bài ca tụng Thiên Chúa. Bài thánh ca này có cung giọng thâm trầm, bình thản và tin tưởng. Đó là cung giọng của một con người có đời sống nội tâm sâu xa, biết đón nhận mọi yếu tố trong niềm hân hoan chúc tụng Chúa. Bênêđictus là vậy. Đây quả thực là bài thánh ca bất hủ, bài thánh ca tuyệt vời. Lời kinh này đã được ban Phụng Vụ các giờ kinh của Gíao hội soạn thảo để đưa vào làm bài ca tụng Thiên Chúa trong thánh ca Tin mừng của giờ kinh phụng vụ ban sáng. "Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.Từ dòng dõi trung thần Đa-vít, Người đã cho xuất hiện, Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta, như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ, mà phán hứa tự ngàn xưa, sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù, thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét; sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên, và nhớ lại lời xưa giao ước;Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham, rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù, và cho ta chẳng còn sợ hãi, để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta. Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu, là ngôn sứ của Đấng Tối Cao : con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết : Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên.Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước vào đường nẻo bình an".
Vâng! Đó là toàn văn của kinh Benêdictus. Thực ra, lời kinh này bắt nguồn từ trong Cựu ước. Là lời tiên tri làm vọng lại sứ điệp của các ngôn sứ trong quá khứ, chuẩn bị tâm hồn toàn dân đón nhận hồng ân trong giai đoạn mới của lịch sử dân Chúa. 
Trong lời kinh này, tư tế Giacaria như đại diện gia tộc và dân Israel tán tụng lòng từ bi của Thiên Chúa bắt đầu cứu rỗi muôn dân. Đấng đã thực hiện sự giải thoát dân Ngài bằng cách nảy sinh trong nhà Đavít một ông Vua quyền năng, đem đến ơn cứu độ như các ngôn sứ đã loan báo. Sau khi ca tụng sự viếng thăm cứu độ của Thiên Chúa, trong tâm tình của con người thực sự hạnh phúc, Zacaria âu yếm hướng nhìn và nói tiên tri về sứ mạng của người con: với tư cách tiền hô, con trẻ rồi đây sẽ công bố sứ điệp, chuẩn bị lòng dân đón nhận Đấng cứu thế, khơi dậy tâm hồn dân Chúa lòng khát khao ơn cứu độ. Ơn cứu độ này đã thực hiện suốt giòng lịch sử Dân Chúa và sẽ được hoàn hảo trong giao ước mới khi ngài tha thứ tội lỗi cho Dân Ngài.
Zacaria kết thúc bài thánh ca khi ông cho chúng ta biết lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa được tỏ hiện, vì Ngài chạnh lòng thương xót chúng ta. Vì quá yêu chúng ta. Chính lòng nhân nghĩa mà thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm chúng ta. Vầng Thái Dương chính là Đấng Mesia, Đấng Kitô của Thiên Chúa, nhờ đó, Ngài sẽ soi sáng những kẻ ngồi trong bóng tối sự chết như những lữ khách lạc đường đợi trời sáng, để tiếp tục cuộc hành trình, và dẫn đưa họ thẳng đường lảnh ơn bình an.
Các Đức GM trong HĐGM VN nhóm họp đã nhất trí chọn năm 2016 - Năm Phúc Âm Hóa đời sống Xã Hội. Mùa vọng chính là dịp để mỗi người biết nhìn lại và điều chỉnh nếp sống các gia đình trong giáo hội trần thế chúng ta đang sống. Hãy cùng nhau xây dựng giáo xứ Mân Côi thân yêu của chúng ta thành cộng đoàn sống đức tin vững chắc, thành đại gia đình hiệp nhất yêu thương, cùng nhau giữ đạo sốt sắng, tham gia loan báo tin mừng, và cùng nhau cộng tác cách tích cực cho giáo xứ chúng ta ngày càng phát triển về mọi mặt. 
Có thể nói, tâm tình của Zacaria qua bài thánh ca Bênêdictus đã mở ra con đường đầy hy vọng cho toàn thể Dân Chúa. Chúng ta đang ở những giờ phút cuối cùng của Mùa Vọng 2015. Ước gì trong khi chuẩn bị đón Chúa đến, mỗi người chúng ta đừng quên nghĩ đến tình thương và ơn lành Chúa thương ban cho chúng ta. Ước gì chúng ta cũng nắm bắt được tâm tình của các chính nhân trong luật cũ để rồi cố gắng thực hiện chương trình sống chứa đựng trong bài thánh ca bất hủ của Zacaria. Đó là phụng sự Chúa bằng cuộc sống thánh thiện, công chính mọi ngày trước nhan Thánh Chúa. 
Lạy Thiên Chúa là Tạo Hóa Tối Cao, đứng trước thánh nhan Ngài, chúng con cảm thấy mình chỉ là thụ tạo nhỏ bé tầm thường, thế nhưng Ngài đã yêu thương và bao bọc chúng con bằng ân phúc diệu vợi, xin cho chúng con biết đón nhận với tất cả lòng biết ơn cảm mến. Xin cho chúng con được nép mình trong vòng tay từ ái của Chúa, vì chỉ có Chúa là nguồn hạnh phúc đích thực của chúng con. Amen.

Thứ Năm, 17 tháng 12, 2015

NGÀY 17.12.2015 GIA PHẢ ĐỨC GIÊSU KITÔ


Mt 1,1 – 17
Một ông vua có vị tướng rất giỏi. Khi vị tướng trở thành Kitô hữu thì ông ấy thường làm chứng niềm tin về Đấng Cứu Thế đã đến thế gian. Nhà vua không hiểu được nên đã nói: - Trẫm là vua, nếu muốn thi hành điều gì thì chỉ cần truyền lệnh cho thần dân là đủ. Lẽ nào Đức Kitô là Vua trên các vua mà lại tự hạ mình xuống thế gian này? Điều đó thật vô lý.
Nhà vua muốn cho vị tướng về vườn, vì tội tin theo Đức Kitô, nhưng có lòng yêu mến ông nên vua hứa nếu ông giải nghĩa rõ thì sẽ được tha tội. Vị tướng xin sau 24 giờ sẽ giải thích. Ông bèn sai thợ mộc làm một tượng gỗ và cho mặc quần áo giống y hoàng thái tử mới 2 tuổi. Ngày hôm sau, vua cỡi thuyền rồng dạo chơi trên sông. Vị tướng ra hiệu cho người thợ mộc ném cái tượng gỗ ấy xuống nước. Vua ngồi trên thuyền thấy tượng gỗ rơi tưởng là con mình ngã xuống sông, không kịp hỏi ai, vua liền nhảy ùm xuống nước, bơi ra cứu con.
Vị tướng bèn hỏi vua: -Sao vua không sai đầy tớ nhảy xuống vớt hoàng thái tử, mà lại là chính vua, đến nỗi gần chết đuối và ướt hết long bào. Vua trả lời: -Đó là do lòng thương.
Vị tướng liền tâu: -Thiên Chúa là Đấng dựng nên thần, nên đức vua và muôn vật, cũng không đành lòng sai ai xuống để cứu thế; nhưng vì yêu thương, nên Ngài đã từ trời để xuống trần gian mà cứu vớt ta. Đó cũng là do nơi lòng thương ta vậy.
Kính thưa…Bắt đầu tuần Bát Nhật, từ 17.12 cho đến 24.12, Giáo hội dành ra các bài đọc trong thánh lễ được tuyển chọn cách đặc biệt để chuẩn bị gần cho lễ Giáng Sinh và giới thiệu những nhân vật có liên hệ trực tiếp tới cuộc Giáng Sinh này.
Bài Tin mừng hôm nay trình bày Đấng sắp sinh ra chính là Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài đã đi vào dòng lịch sử nhân thế để từ đó sẽ cứu chuộc loài người.
Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc loài người bằng những gì loài người không thể ngờ được. Chúa đã không cứu loài người từ trời cao. Dĩ nhiên là Ngài có thể và dư uy quyền để làm được việc đó. Để cứu loài người Chúa đã nhập thể và nhập thế để từ đó Chúa đưa loài người sa ngã đứng lên.
Chúng ta thấy cứu một người sắp chết đuối bằng cách từ trên bờ thảy cho người đó một chiếc phao, dĩ nhiên không có ý nghĩa cho bằng chính mình nhảy xuống nước để cứu người đang chết đuối lên bờ. Và chính Thiên Chúa đã làm như thế.
Ngoài ra Tin mừng hôm nay còn cho biết: qua những nhân vật bất xứng trong gia phả, ta nhận thấy Thiên Chúa có thể nhìn đến và sử dụng ta, không gì có thể cưỡng lại ý định của Chúa, dù nó là quá khứ đen tối hay sự bất toàn của ta.
Bởi vì trong Đức Kitô, Đấng được xức dầu của Thiên Chúa, những gì hèn hạ đã trở nên cao trọng, những gì xấu xa đã được thanh tẩy, những gì vô nghĩa được mặc một giá trị và những gì trần tục sẽ được thần linh hóa. Chúng ta đừng mặc cảm về những yếu hèn của mình, nhưng hãy tin tưởng và trông cậy để dâng cuộc đời mình cho Thiên Chúa.
Kính thưa…Tuần Bát Nhật trước lễ Giáng sinh có mục đích hướng lòng chúng ta về Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ. Vì thế, qua bản gia phả này, mỗi người chúng ta cảm nhận được tình yêu của Chúa, xác tín và mau mắn hơn nữa trong việc chuẩn bị tâm hồn và đời sống để đón nhận Chúa Kitô, và nhất là trong giờ sau hết của cuộc đời chúng ta. Amen.

Món quà Giáng sinh

Một đồng tám mươi bảy xu, đúng như vậy. Hàng ngày, cô cố gắng tiêu thật ít tiền khi đi chợ. Cô đi loanh quanh tìm mua thứ thịt và rau rẻ nhất cho bữa ăn hàng ngày, ngay cả lúc cảm thấy hết sức mệt mỏi cô vẫn cố tìm kiếm. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Della đếm lại số tiền ít ỏi một lần nữa. Không hề có sự nhằm lẫn, chỉ có một đồng tám mươi bảy xu, và ngày mai sẽ là lễ giáng sinh.
Cô sẽ không thể làm gì hơn,chỉ còn cách ngồi xuống và khóc mà thôi. Ở đó, trong một căn phòng nhỏ, tồi tàn, cô đang nức nở.
Della sống trong căn phòng nhỏ nghèo nàn này với chồng của cô, James Dillingham Young, ở thành phố NEW YORK .
Họ có một phòng ngủ, một phòng tắm và một nhà bếp. James Dillingham Young may mắn hơn cô vì anh ấy có việc làm. Tuy vậy đó không phải là một công việc kiếm được nhiều tiền. Tiền thuê căn phòng này chiếm gần hết lương của anh ấy. Della đã cố gắng rất nhiều để tìm một công việc nhưng vận may đã không mỉm cười với cô. Tuy nhiên,cô rất hạnh phúc khi ôm “Jim”, James Dillingham Young, trong tay mỗi khi anh trở về.
Della đã ngừng khóc. Cô lau khô mặt rồi đứng nhìn một chú mèo xám trên bức tường đồng màu với nó bên cạnh con đường tối ngoài cửa sổ.
Ngày mai là Noel và cô chỉ còn một đồng tám mươi bảy xu để mua cho Jim, Jim của cô, một món quà. Cô muốn mua một món quà thật sự có ý nghĩa, một thứ có thể biểu hiện được tất cả tình yêu cô dành cho anh.
Della chợt xoay người chạy đến bên chiếc gương treo trên tuờng. Mắt cô sáng lên.
Cho đến bây giờ, gia đình James Dillingham Young chỉ có hai vật quí giá nhất. Một thứ là chiếc đồng hồ vàng của Jim. Chiếc đồng hồ này trước đây thuộc sở hữu của cha anh ta và trước nữa là ông nội anh ta. Thứ còn lại là mái tóc của Della.
Della thả nhanh mái tóc dài óng mượt xuống lưng. Thật tuyệt đẹp, không khác nào như một chiếc áo khoác đang choàng qua người cô. Della cuộn tóc lên lại. Cô đứng lặng đi rồi thút thít một lát.
Della buớc chậm rãi qua các cửa hàng dọc hai bên đường rồi dừng lại trước bảng hiệu “Madame Eloise”. Tiếp cô là một phụ nữ mập mạp, bà ta chẳng có một chút vẻ “Eloise” nào cả.
Della cất tiếng hỏi: “Bà mua tóc tôi không?”
“Tôi chuyên mua tóc mà”, bà ta đáp và bảo: “hãy bỏ nón ra cho tôi xem tóc của cô đi”
Suối tóc nâu đẹp tuyệt vời buông xuống.
“Hai mươi đồng” bà ta định giá, bàn tay nâng niu mái tóc óng ả.
“Hãy cắt nhanh đi! Và đưa tiền cho tôi” Della nói.
Hai giờ tiếp theo trôi qua nhanh chóng. Cô tìm mua quà cho Jim trong các cửa hiệu trong niềm vui khôn tả. Cuối cùng cô cũng chọn được một thứ. Đó là môt sợi dây đồng hồ bằng vàng. Jim rất quí chiếc đồng hồ của mình nhưng rất tiếc là nó không có dây. Khi Della trông thấy sợi dây này cô biết rằng nó phải là của anh và cô phải mua nó.
Cô trả hai mươi mốt đồng để mua và vội vã trở về nhà với tám mươi bảy xu còn lại.
Đến nhà, Della ngắm mái tóc cực ngắn của mình trong gương và nghĩ thầm: “Mình có thể làm gì với nó đây?”. Nửa giờ tiếp theo cô nhanh chóng chuẩn bị mọi thứ. Xong Della lại ngắm nghía mình trong gương lần nữa. Tóc của cô bây giờ toàn những sợi quăn quăn khắp đầu. “Chúa ơi, mình trông như một con bé nữ sinh ấy!” Cô tự nhủ “Jim sẽ nói gì khi thấy mình như thế này?”
Bảy giờ tối, bữa ăn đuợc chuẩn bị gần xong. Della hồi hộp chờ đợi, hy vọng rằng mình vẫn còn xinh đẹp trong mắt Jim.
Thế rồi cửa mở, Jim bước vào. Anh ấy trông rất gầy và cần có một cái áo khoác mới. Jim nhìn chằm chằm vào Della. Cô không thể hiểu được anh đang nghĩ gì, cô sợ. Anh ta không giận dữ, cũng chẳng ngạc nhiên. Anh đứng đó, nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ. Della chạy đến bên Jim òa khóc: “Đừng nhìn em như thế, anh yêu. Em bán tóc chỉ để mua cho anh một món quà. Tóc sẽ dài ra mà. Em phải bán nó thôi, Jim à. Hãy nói “giáng sinh vui vẻ”, em có một món quà rất hay cho anh này!”
“Em đã cắt mất tóc rồi à?” Jim hỏi
“Đúng thế, em đã cắt và bán rồi, vì vậy mà anh không còn yêu em nữa ư? Em vẫn là em mà!” Della nói.
Jim nhìn quanh rồi hỏi lại như một kẻ ngớ ngẩn: “Em nói là em đã bán tóc à?”
“Đúng, em đã nói vậy, vì em yêu anh! Chúng ta có thể ăn tối được chưa, Jim?”
Chợt Jim vòng tay ôm lấy Della và rút từ túi áo ra một vật gì đấy đặt lên bàn. Anh nói: “Anh yêu em, Della, dù cho tóc em ngắn hay dài. Hãy mở cái này ra em, sẽ hiểu tại sao khi nãy anh sững sờ đến vậy.”
Della xé bỏ lớp giấy bọc ngoài và kêu lên sung suớng, liền sau đó những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống. Trong đó là một bộ kẹp tóc,những chiếc kẹp dành cho mái tóc óng ả của Della. Cô đã mơ ước có đuợc nó khi trông thấy lần đầu tiên qua cửa kính một gian hàng. Những cái kẹp rất đẹp và rất đắt tiền. Bây giờ chúng đã thuộc về cô nhưng tóc cô thì không còn đủ dài để kẹp nữa!
Della nâng niu món quà, mắt tràn đầy hạnh phúc. “Tóc em sẽ chóng dài ra thôi, Jim”, nói xong cô chợt nhớ đến dây đồng hồ vàng định tặng cho Jim và chạy đi lấy.
“Đẹp không anh? Em đã tìm kiếm khắp nơi đấy, giờ thì anh sẽ phải thích thú nhìn ngắm nó hàng trăm lần mỗi ngày thôi. Nhanh lên, đưa nó cho em, Jim, hãy nhìn nó với sợi dây mới này.”
Nhưng Jim không làm theo lời Della. Anh ngồi xuống vòng tay ra sau đầu mỉm cuời nói: “Della, hãy cất những món quà này đi. Chúng thật đáng yêu. Em biết không, anh đã bán chiếc đồng hồ để mua kẹp cho em. Giờ thì chúng ta có thể bắt đầu bữa tối được rồi em yêu”
Đó là một câu chuyện cảm động về tình yêu của hai bạn trẻ đã hết lòng yêu nhau.

Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm C

Vui Vì Cứu Ðộ
(Sôphônia 3,14-18a; Philip 4,4-7; Luca 3,10-18)

Phúc Âm: Lc 3, 10-18
"Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?"
Khi ấy, dân chúng hỏi Gioan rằng: "Vậy chúng tôi phải làm gì?" Ông trả lời: "Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy". Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?" Gioan đáp: "Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi". Các quân nhân cũng hỏi: "Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?" Ông đáp: "Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình".
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gioan rằng: "Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?" Gioan trả lời cho mọi người rằng: "Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, - tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, - chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!" Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
 Suy Niệm:
Các bài Kinh Thánh đọc hôm nay chan chứa vui mừng và hy vọng. Phụng vụ nhờ những bài đọc ấy khuyến khích chúng ta hân hoan sung sướng, làm cho ngày Chúa nhật hôm nay trở thành Chúa nhật màu hồng trong mùa Vọng. Phụng vụ cũng muốn, nếu có thể được hôm nay hãy dùng lễ phục màu hồng thay màu tím. Vì lẽ ngày Chúa đến đã gần. Chúng ta phải vui mừng để phấn khởi lấy đà đi mau hết giai đoạn chót. Do đó hôm nay là dịp thuận lợi để chúng ta suy nghĩ về niềm vui của người Kitô hữu. Chúng ta sẽ nhờ các bài đọc Thánh Kinh để khám phá ra lý do cũng như cách thức vui mừng trong đời sống đạo. Chắc chắn với ba bài đọc ngắn ngủi trong toàn bộ Kinh Thánh rất dày, công việc tìm hiểu niềm vui của Kitô giáo sẽ bị giới hạn. Nhưng chúng ta sẽ có nhiều dịp lễ vui mừng khác, để nhờ những bài đọc Thánh Kinh khác, bổ sung cho những điều chúng ta gặp thấy hôm nay trong sách Sôphônia, trong bài thư gởi giáo đoàn Philip và nhất là trong bài Tin Mừng Luca.
 1. Vui Nhờ Niềm Tin
Có thể nói, ít thời buổi nào lung tung, phập phồng và nhiều sợ hãi như thời của Sôphônia. Ông hoạt động vào khoảng giữa thế kỷ thứ 7 trước Chúa Giêsu Giáng Sinh. Mảnh đất Do Thái nhỏ bé, quê hương của ông, nay sợ quân phía Bắc xâm chiếm; mai hãi sức ép của quân lực phía Tây Nam. Người ta chưa hết sợ đoàn quân viễn chinh Assyri, đã phải trốn tránh sự trả thù của Haòng đế Ai Cập. Tội nghiệp cho triều đình Giêrusalem nhỏ bé. Người chủ trương liên kết với phía này; kẻ lại tranh đấu để được lòng phía kia. Bất ổn, lung tung, cướp bóc, trả thù, chinh chiến gieo sợ hãi, kinh hoàng, hao mòn và kiệt quệ... cho đến khi Giêrusalem bị dày xéo và dân cư bị đưa đi lưu đày.
Chính trong cảnh tang tóc tuyệt vọng ấy, Sôphônia đã tìm được niềm tin, một niềm tin vững vàng đến nỗi đã thoát thành lời hô vui sướng mà chúng ta đọc hôm nay, Sôphônia làm gương cho tất cả chúng ta. Không bao giờ được nản chí, bỏ mất niềm tin. Không được để cho khó khăn đau thương đè ép được niềm tin cứu độ. Chúa đang đến cứu độ chúng ta, lẽ nào chúng ta không phấn khởi đi trong tinh thần mùa Vọng? Chúng ta hãy để cho lời của Sôphônia luôn vọng đến tai:
Reo vui lên hỡi sư tử Sion; hãy hò la hỡi Israen. Hãy vui mừng, hãy hoan hỉ hết lòng, nữ tử Giêrusalem.
Người nói lên được những lời ấy đã quan niệm sự vui mừng vừa phải thật lòng, vừa phải hân hoan bộc phát ra bên ngoài. Nói cách khác, lòng vui chưa đủ mặt cũng phải vui nữa. Niềm vui khi ấy mới chân thật và hồn nhiên. Cả con người đều vui.
Là vì đây là niềm vui cứu độ. Thiên Chúa xóa mất án phạt trên con người và đuổi xa địch thù hãm hại. Người không đánh phạt tội lỗi chúng ta nữa nhưng đã tha thứ rồi. Người không cho kẻ thù đến rình rập gài bẫy chúng ta nữa. Ngược lại chính Người đến ở giữa chúng ta để chúng ta không còn phải sợ tai họa và tay chân chúng ta hết bủn rủn. Hơn nữa Người còn làm mới tình yêu của Người đối với chúng ta, tỏ sung sướng reo vui vì chúng ta và quây quần chúng ta lại để mừng lễ.
Thật ra, Sôphônia không rõ ràng bao nhiêu. Ông lúng túng dùng nhiều hình ảnh. Chúng ta có thể phân tách và thấy ông có hai cảm tưởng này: khi Thiên Chúa ban ơn cứu độ khiến dân Người được vui mừng, thì một đàng Người đưa dân ra khỏi đau thương thử thách và khỏi tay địch thù; và đàng khác Người đến ở với dân để quây quần họ như ăn mừng lễ; một đàng Người củng cố dân khỏi sợ hãi và đàng khác Người làm mới tình yêu khiến họ được sướng vui.
Hai công việc này Thiên Chúa đã làm khi đưa dân ra khỏi lưu đày và về xây lại Ðền thờ... Nhưng lần cứu độ ấy mới tạm thời và bề ngoài. Chính khi Ðức Giêsu Kitô Giáng sinh vừa để cứu vớt thế gian khỏi tội lỗi, vừa để sung sướng ở giữa con cái loài người, lời sách Sôphônia mới được thực hiện. Tuy nhiên việc Chúa Giáng sinh cứu đời cũng chỉ mới khởi sự công cuộc cứu độ thực sự, sẽ được hoàn tất trong ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Vì thế lời Sôphônia đối với chúng ta vẫn còn là lời tiên tri. Chúng ta vẫn phải nghe để không những chẳng bao giờ mất niềm tin, mà còn để trông đợi ơn tha thứ tội lỗi và được kết hợp với Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta có lý để tin lời tiên tri ấy, vì một phần nào đó đã được thi hành khi Ðức Giêsu Giáng Sinh làm người. Càng suy nghĩ về cuộc đời của Ðức Giêsu, chúng ta càng tin tưởng tiếp tục mùa Vọng muôn thuở. Do đó việc tìm hiểu bài Tin Mừng hôm nay cũng sẽ làm sáng tỏ thêm lời sách Sôphônia.
 2. Vui Vì Cứu Ðộ
Tác giả Luca đã cho chúng ta thấy dân chúng tuôn đến với Gioan để được ông thanh tẩy. Họ muốn chuẩn bị đón Ðấng Cứu Thế. Họ thành thật muốn biết phải làm gì?
Tác giả Luca để cho dân chúng lên tiếng hỏi trước. Ông vẫn có thiện cảm với quần chúng. Và khi viết tác phẩm Tin Mừng ông vẫn quan tâm nhấn mạnh tính cách phổ cập của ơn cứu độ. Ông nói đến hạng người thu thuế. Những người này cũng được ông thương mặc dù bị người Do Thái liệt vào hạng tội lỗi vì họ lấy thuế cho ngoại bang và nhiều khi hà lạm. Nhưng Chúa đã chẳng đến để cứu chuộc kẻ tội lỗi ư? Chính họ cần lòng thương cứu độ của Người. Sau đó tác giả Luca nói đến lính tráng. Ở đây có lẽ là hạng lính đánh thuê, hay phiền nhiễu đồng bào. Ai yếu thì sợ họ, nhưng người hiểu biết chỉ nhìn họ bằng ánh mắt thương hại. Luca là tác giả tình thương. Ông muốn cho họ được ơn cứu độ. Và vì thế, ông đã để cho tất cả những hạng người trên phát biểu thiện chí muốn làm gì để được lòng thương của Chúa.
Ðối với dân chúng, Gioan bảo họ hãy chia cơm sẻ áo cho nhau, vì dưới mắt ông dân chúng như đoàn chiên đói rách. Ơn cứu độ đối với họ là được yêu thương chia sẻ. Người ta làm cho họ thấy ơn cứu độ đã gần khi tổ chức lại đời sống xã hội cho công bình và thương yêu nhiều hơn. Và chính họ có biến đổi lòng ấm ức xã hội nên những tâm tình chia sẻ nhiều hơn, thì mới trở nên những con người mới. Ðang khi ấy những người thu thuế và lính tráng, muốn được cứu độ, phải liêm chính và đừng sách nhiễu đồng bào. Gioan không bảo họ phải bỏ nghề bất chính họ đang làm; vì ông không phải là đấng đổi mới thế gian". Ông chỉ là tiền hô và rao giảng việc dọn đường, chuẩn bị. Ông sung sướng được thấy người ta muốn biết ai là Ðấng Kitô?
Ông trả lời, ông không phải là Người. Ông chỉ rửa trong nước; Người sẽ rửa trong Thánh Thần và lửa, Người quyền thế hơn ông và ông không đáng cởi quai dép cho Người.
Chúng ta hãy cảm mến lòng thành thực của Gioan. Ông không lạm dụng lòng tín nhiệm của người ta, vì họ sẵn sàng nhận ông là Ðấng Kitô. Chúng ta cũng cảm phục lòng khiêm nhượng của ông khi ông tự ví mình không xứng đáng là tôi tớ của Ðấng ông rao giảng, ví ngay kẻ tôi tớ Do Thái cũng không buộc phải cởi quai dép cho chủ. Nhưng điều Gioan muốn cho chúng ta để ý hơn cả, là biết Ðức Kitô là Ðấng quyền phép sẽ đến rửa trong Thánh Thần và lửa. Ông rửa người ta với nước, mà không có sự hiện diện của Thánh Thần, tức là không có lời hứa sẽ được ban trong thời kỳ cứu độ và nghĩa là không có ơn thánh hóa kèm theo.
Còn Ðức Kitô, Người sẽ rửa trong Thánh Thần, tức là sẽ ban Thánh Thần cho kẻ nhận phép rửa nhân danh Người. Chắc chắn khi viết tư tưởng này, tác giả Luca nhớ đến những lúc Thánh Thần hiện xuống trên những người tin đạo (thí dụ trong trường hợp tại nhà ông Corneliô, kể trong sách Công vụ). Và ông hẳn cũng liên tưởng đến hôm Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa, ở đây ông nói đến cả Thánh Thần và lửa, là muốn nhấn mạnh đến một tác động đặc biệt của Thánh Thần là phán xét và phân biệt kẻ lành người dữ. Ðức Kitô sẽ đến đầy Thánh Thần. Người sẽ ban Thánh Thần cho chúng ta.
Nhưng đồng thời Người cũng thanh tẩy phân biệt chúng ta như người nông dân cầm rê xảy lúa. Thóc thì Người cho vào lẫm, còn trấu thì cho vào lửa đời đời. Công việc của Người, như vậy, sẽ hoàn tất việc làm của Gioan. Ông này rao giảng việc thống hối ăn năn; nhưng chính xác Ðức Kitô mới là Ðấng sẽ đến thánh hóa kẻ thống hối và trừng phạt kẻ không hối cải. Gioan chỉ là người chuẩn bị Ðức Kitô là Ðấng thực hiện việc cứu thế. Chúng ta phải chờ đợi Người.
Như vậy, Gioan cũng như Sôphônia chỉ là tiên tri. Các ông đóng vai trò loan báo và dọn đường. Tiếng của các ông reo vui hơn tiếng các tiên tri khác, vì Ðấng Cứu Thế đã gần đến và công việc của Người là cứu độ. Lời rao giảng của các ông thật là Tin Mừng, nhưng vẫn còn là sự vui mừng trong tin yêu và chờ đợi ơn cứu thoát. Nó không như lời khuyên bảo vui mừng trong thư Phaolô mà chúng ta sắp đọc.
3. Vui Trong Thiên Chúa
Phaolô đã thấy được ơn cứu độ mà Sôphônia loan báo. Hơn nữa chính Người đã thấy phép rửa trong Thánh Thần và lửa như Gioan đã báo trước. Người bảo chúng ta trong bài thư hôm nay: hãy vui mừng trong Chúa luôn luôn.
Theo Người, mặc dù ta đang sống trong chờ đợi ngày Chúa đến, luôn luôn chúng ta phải vui mừng. Người lặp lại một lần nữa và bảo chúng ta hãy vui mừng. Vui mừng là đặc tính của đạo Tin Mừng.
Ðây không phải là sự vui mừng trong lý lẽ thế gian, mà là trong Thiên Chúa. Người đã cứu độ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết. Chúng ta đang ở trong nhiệm thể của Ðấng đã sống lại trong sự vui mừng. Làm sao chúng ta có thể còn buồn được nữa?
Và vì vui trong Thiên Chúa, sự vui mừng của chúng ta phải luôn mãi, không thay đổi, không nao núng, vì thánh giá Ðức Kitô đã toàn thắng cả sự chết. Chúng ta không được dấu sự vui mừng ấy, mà phải làm sao cho mọi người nhận biết, vì như Sôphônia đã nói sự vui mừng cứu độ phát xuất từ bên trong nhưng tràn ngập ra bên ngoài. Và cũng chính nhà tiên tri ấy đã báo: không gì có thể dồn ép được niềm vui cứu độ vì lẽ Chúa ở gần bên chúng ta. Người đuổi xa sự sợ hãi và địch thù; nên chúng ta đừng lo. Có gì chúng ta cứ thành khẩn thưa Người. Người sẽ ban bình an và canh giữ lòng dạ chúng ta trong Ðức Giêsu Kitô.
Thiết tưởng không ai hơn được thánh Phaolô trong phân tách sự vui mừng của người Kitô hữu. Nếu chúng ta đã nhận được niềm tin vào lời hứa của Chúa như tiên tri Sôphônia; và nếu chúng ta đã chắc được cứu độ nhờ phép rửa trong Thánh Thần và lửa, như lời Gioan đã báo trước, thì chúng ta phải chấp nhận lời khuyên của Phaolô mà vui mừng luôn mãi trong Chúa. Ðiều duy nhất là liệu có thể ở mãi trong Chúa. Và điều ấy có thể được, đặc biệt nhờ vào việc tham dự thánh lễ.
Ðây là lúc chúng ta không những được nghe loan báo về Chúa như thời Sôphônia, và được đón Chúa đến như dưới thời Gioan Tẩy Giả; chúng ta còn được kết hợp với Người, để Người ở trong chúng ta và chúng ta ở trong Người. Rồi ở trong bất cứ hoàn cảnh nào Người cũng ở với chúng ta, để cứu độ và canh giữ cả ý nghĩ lẫn việc làm, cả tâm hồn và đời sống.
Thế nên chúng ta hãy bình an và vui mừng, hãy chứng tỏ chúng ta có tin mừng cứu độ; chúng ta có các lời tiên tri hứa hẹn và những lời ấy đã thực sự khởi sự thực hiện nơi chúng ta. Do đó chúng ta vui mừng và vui mừng luôn mãi trong Thiên Chúa.

Đức Cố Giám Mục Barthôlômêô Nguyễn Sơn Lâm

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG NĂM C

Mt 11, 28-30
Kính thưa…Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có biết bao điều phải tất bật lo toan để mưu sinh cuộc sống cùng với cơm áo gạo tiền, nhất là những đau khổ thể xác cũng như tinh thần trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Thiếu nhi chúng con cũng đang phải tất bật dành thời gian tích cực ôn tập bài vở để với ước mong đạt thành tích cao nhất cho kỳ thi học kỳ I. Những vất vả và gánh nặng đó nhiều lúc cũng đã làm chúng ta cảm thấy chán nản, thất vọng, muốn ngã lòng, không còn ý nghĩa, không còn hy vọng…Nhưng nếu chúng ta hiểu được ách của Chúa như Ngài nói, thì gánh nặng của chúng ta sẽ thấy nhẹ nhàng biết bao. “Hỡi tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. 
Người ta thường nói “có thì mới cho” người khác được. Không ai có thể cho cái mình không có. Ngay từ đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu biết rõ sứ mệnh của Ngài là đến thế gian để đem hạnh phúc cho con người. Chính vì vậy mà Ngài đã đến sống giữa con người để hiểu con người và cảm thông những nỗi gian truân, đau khổ và hạnh phúc của cuộc sống con người. Ngài đã đi khắp nơi từ Palestina tới Giêrusalem để rao giảng, chữa lành như cho người què đi được, người điếc được nghe, người mù được thấy, người chết sống lại… Và những ai đã từng chứng kiến các phép lạ Ngài làm, hoặc những người diễm phúc được Chúa chữa lành thì đều kinh ngạc, cảm phục và yêu mến Ngài đến độ muốn từ bỏ mọi sự để đi theo Ngài. Vì nơi Ngài, họ tìm thấy một sự sẻ chia gánh nặng cuộc đời mà họ lẽ ra họ phải gánh chịu một mình. Hành động của Chúa Giêsu như thế chẳng phải là Ngài đang mở cho họ một lối thoát để tâm hồn họ được thảnh thơi, nghỉ ngơi nào đó sao?
Cha Giuse Tạ Duy Tuyền, hiện đang là chánh xứ Bình Lâm, giáo phận Xuân Lộc ngài chia sẻ: “Một buổi chiều nọ, ngồi trong tiệm sửa xe đạp, tôi có dịp quan sát khung cảnh náo nhiệt của một đoạn đường trong thành phố. Bỗng một chiếc Honda của một thanh niên từ trong hẻm lao thẳng ra và tông vào xe của một thiếu nữ. Rất may, cả hai người đều không bị thương tích ; nhưng chiếc quai giỏ bên tay xe của chị bị đứt. Trước mặt họ, những trái hồng văng tung toé. Hối hận vì hành động của mình, anh thanh niên vội bước đến xin lỗi và nhặt những trái hồng lên cho chị. Với thái độ điềm tĩnh, chị mỉm cười nói : “Xin lỗi anh, tôi thắng cũng không kịp”.
Kính thưa…Quả là điều thật dễ thương trong cuộc sống, khi con người biết biểu lộ tình thương, sự hiền lành và khiêm nhường của chính Chúa Giêsu, vị Thầy của chúng ta. Thật dễ thương nhưng chẳng dễ thực hiện, bởi dư luận vẫn cho rằng hiền lành là ngu xuẩn và khiêm nhường là nhu nhược.
Vì biết bao lần chỉ vì một va quẹt nhỏ mà lời qua tiếng lại rồi mang dao thanh toán nhau. Biết bao lần bà chẳng nhịn, ông chẳng nhường nên dẫn đến xô xát nhau không chỉ người dưng mà cả những người thân trong gia đình như vợ chồng, anh em, con cái . . .
Nếu mỗi người biết học cùng Chúa bài học của hiền lành và khiêm nhường thì đâu có những cảnh đau thương diễn ra hằng ngày. Nếu mỗi người biết sống hiền lành thì đâu có ghen tương, tranh chấp. Nếu mỗi người biết sống khiêm nhường thì đâu có tranh giành quyền lực mà làm hại lẫn nhau.
Ước gì chúng ta hãy biết học cùng Chúa sự hiền lành và khiêm nhường để gìn giữ sự hòa hợp cho những người chúng ta đang sống. Xin đừng vì tính kiêu căng tự phụ mà làm khổ tha nhân. 
Lạy Chúa Giê-su,
Cuộc đời chúng con luôn đong đầy những gánh nặng, những chồng chất hai vai. Chúng con luôn cảm thấy mệt mỏi, chán chường vì những khó khăn thử thách trong cuộc sống. Xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa, biết trao vào tay Chúa gánh nặng của cuộc sống để nhẹ vơi những ưu phiền lắng lo.
Và xin cho mỗi người chúng con biết sống khiêm nhưởng và hiền lành như Chúa. Amen

10/12/2015 Thứ Năm Tuần II Mùa Vọng Năm C


PHÚC ÂM: Mt 11, 11-15
"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!" Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Tin Mừng hôm nay: "Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con người có lẽ ai cũng mong ước được như Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: :Ai nghe và giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy", Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng đáng là môn đệ Ta". Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng: "Hãy thảo kính cha mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất: "Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".
Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta, đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn khó của ngày ấy.
Theo Chúa để vào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm không chính đáng, phải hy sinh cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông, yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.

08/12/2015- Thứ Ba Tuần II Mùa Thường Niên Năm C


Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm
PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!"


Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?" Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được". Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Từ ngày nguyên tổ phạm tội, quan hệ nồng thắm giữa Thiên Chúa và loài người bị cắt đứt. Tội lỗi khiến con người bị tách lìa và xa cách Thiên Chúa bằng một khoảng cách gần như bất tận.
Vì tự cách ly với Thiên Chúa là nguồn mạch hạnh phúc và ân sủng, con người phải héo hon và tàn lụi dần như thân phận của những chiếc lá lìa cành.
Nhưng Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương không nỡ để cho loài người phải vĩnh viễn xa lìa Ngài là cội nguồn sự sống. Ngài lên kế hoạch xây dựng một nhịp cầu vĩ đại, nối liền trời với đất, giao hoà Thiên Chúa với con người.
Ðể thực hiện kế hoạch nầy, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến gặp Ðức Maria, mời Mẹ cộng tác vào công trình hệ trọng nầy.
Sau khi biết ý định Thiên Chúa, với tinh thần sẵn sàng vâng phục của người tôi tớ, Ðức Maria thưa với thiên thần rằng: "Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền."
Từ lúc đó, Ðức Maria trở thành nhịp cầu nối liền trời với đất, nhịp cầu kỳ diệu nhất trong lịch sử nhân loại. Thế là qua Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa xuống với loài người, mặc lấy xác phàm và sống giữa nhân loại, để tỏ bày cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha của mình và dẫn đưa họ về với Chúa Cha.
Một kỷ nguyên mới được khởi sự nhờ sự vâng phục và hợp tác của Mẹ Maria. Muôn người trên khắp thế giới ngót hai ngàn năm qua đã nhờ Mẹ mà được giao hoà với Thiên Chúa và đón nhận ơn cứu độ do Ðức Giê-su mang đến.
* * *
Tuy nhiên, cho tới hôm nay vẫn còn rất nhiều người chung quanh chúng ta chưa nhận biết Ðấng Cứu Ðộ nên Thiên Chúa rất cần những nhịp cầu khác để đến với họ và đưa họ về với Ngài.
Thiên Chúa thiết tha mời gọi mỗi chúng ta hãy nối tiếp vai trò của Mẹ Maria, bắc thêm những nhịp cầu mới để đưa Chúa đến với những con người chưa biết Chúa đang sống chung quanh.
Mẹ Maria nhận thức phận mình chỉ là nữ tỳ hèn mọn nên đã mau mắn đáp lời Chúa mời gọi. Còn chúng ta là ai mà cứ mãi nấn ná chần chừ, chẳng muốn thi hành ý Chúa, chẳng muốn tuân lệnh Ngài truyền để trở thành nhịp cầu đưa Chúa đến với tha nhân?
* * *
Nguyện xin Chúa giúp chúng con noi gương bắt chước Mẹ Maria, nhận ra mình chỉ là tôi tớ hèn mọn, mà phận làm tôi thì không được làm trái mệnh lệnh Chúa truyền.
Nguyện xin Mẹ dạy chúng con mau mắn đáp lời Chúa mời gọi và thưa cùng Ngài: "Nầy tôi là tôi tớ Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền."AMEN.

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Tô mì của người lạ


Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang trên đường, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.

Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!

Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quấy hàng bèn hỏi:

- Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?

- Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền... - cô thẹn thùng trả lời.

- Ðược rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì.

Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc

- Có chuyện gì vậy? - ông ta hỏi

- Không có gì. Tại cháu cảm động quá! - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.
- Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu.... "bả" ác độc quá!!" - cô bé nói với người bán mì...

Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài:

- Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi, tôi mới chỉ đãi cô một tô mì mà cô cảm động như vậy, còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô không biết ơn mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?

Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó.

"Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Mà chỉ vì chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ.

Trên đường về, cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ:" Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con..."

Khi bước lên thềm, cô nhìn thấy mẹ đang lo lắng và mệt mỏi vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói:" Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong rồi, vào nhà ăn ngay cho nóng..."
Không thể kiềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích với những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hi sinh của họ như chuyện đương nhiên...

Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quá quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.

THỨ BẢY 05.12 - Tuần I Mùa Vọng

Is 30:19-21.23-26; Mt 9:35 – 10,1.6-8
Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt.
SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Quán ăn bên đường tấp nập người vô ra, ăn uống náo nhiệt. Bỗng: “Rầm!”. Một cụ già bị xe tông ngã soài trước hàng quán. Chiếc xe phóng nhanh tẩu thoát. Cụ già đau đớn, loạng choạng cố gượng dậy. Mọi người vẫn thản nhiên ăn uống, chẳng ai đến nâng cụ dậy. Nhìn. Lắc đầu. Nói: Rõ khổ!
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã xuống thế làm người và chết đau thương trên thập giá để mang ơn cứu rỗi cho chúng ta.
Tuy nhiên, Đức Giêsu không muốn cứu rỗi thế giới một mình. Người muốn con người cộng tác với Người. Khi thấy đám đông vất vưởng, bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Đức Giêsu đã sai các môn đệ đến với họ để nâng đỡ, cứu giúp và đem ơn cứu độ đến cho họ.
Hôm nay, chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Đức Giêsu như Người mời gọi?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên những sứ giả nhiệt thành loan báo Tin mừng và trao tình thương Chúa cho tha nhân.
Hình minh hoạ: Thiên Chúa của người nghèo khó (còn có tên là Saint Russia), tranh sơn dầu, vẽ năm 1899, của họa sĩ người Nga nổi tiếng Mikhail Nesterov (1862-1942).



CHÚA NHẬT 06.12 - Chúa Nhật II Mùa Vọng

Br 5:1-9; Pl 1:4-6.8-11; Lc 3:1-6

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
SÁM HỐI
Người xưa dạy rằng: Nếu gây ra lỗi lầm thì công khai nhận lỗi lầm ấy, rồi tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp hầu quyết tâm sửa chữa. Thái độ đối với lầm lỗi như thế là thước đo một người chân chính.
Cuộc đời con người là một cuộc lữ hành tiến về quê trời. Trên con đường này, luôn có những thách đố, cám dỗ từ tiền tài, vật chất, danh vọng, quyền lực... khiến lòng người nhiều lúc điên đảo. Cho nên, không ít thì nhiều, con người khó tránh khỏi những lỗi lầm với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân. Vì thế, con người luôn được mời gọi sám hối, quay về giao hòa với Thiên Chúa, với anh chị em và với bản thân.
Trong mùa Vọng, Giáo hội kêu mời con cái mình trở về với nguồn cội là Thiên Chúa. Trình thuật Tin mừng mời gọi chúng ta “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Thật vậy, Thiên Chúa là Cha luôn đi bước trước trong việc bày tỏ tình thương với con người. Lòng ăn năn sám hối là lời đáp trả trước tình thương vô bờ của Thiên Chúa.
Trình thuật Tin mừng còn đưa ra những chỉ dẫn để chúng ta thể hiện lòng sám hối của mình. Đó là: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Những chỉ dẫn này, khi mới nghe, có thể chúng ta thấy nhẹ nhàng, nhưng để thực hiện trong suốt cuộc đời, đòi buộc phải có một sự dấn thân quyết liệt và hy sinh to lớn.
Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho chúng con, để chúng con luôn sẵn lòng vâng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống.

THỨ HAI SAU CN II VỌNG NĂM C Lu-ca 5, 17-26

Chúng ta vừa nghe một câu truyện Tin mừng sống động về việc Chúa Giêsu giảng dạy trong một ngôi nhà kia và việc Ngài chữa bệnh cho người bất toại ở đó. Để hiểu rõ việc người ta thả nguyên cái giường có người bệnh nhân nằm trên đó từ trên mái nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu như thế nào, thì chúng ta nên biết thiết kế về ngôi nhà của người Palestine. Nhà của họ có mái bằng, chỉ hơi nghiêng một chút đủ cho nước chảy xuống. Mái gồm những cây đà ngang gác từ bờ tường này sang bờ tường bên kia, cách nhau bằng những khoảng ngắn. Những khoảng đó được che bằng những cành nhỏ đan lại, trét vữa và láng cho bằng mặt. Rất dễ dàng dỡ ra để có một khoảng trống giữa hai cây đà ngang. Mỗi ngôi nhà đều có bậc thang để lên trên mái một cách dễ dàng.
Trở lại diễn tiến câu chuyện: khi gặp được Chúa do những người nhà tốt bụng và có sáng kiến thả mình từ mái nhà xuống, lòng tin của anh bất toại nhiều năm đã bùng cháy lên sau nhiều năm trời tắt ngúm. Cuộc gặp gỡ này đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời anh. Thật ra thì ước nguyện duy nhất của anh cũng như của thân nhân và cả đám đông là làm sao được khỏi bệnh đã. Nhưng lời tuyên bố của Chúa lại làm cho mọi người ngỡ ngàng “Hỡi con, tội của con đã được tha”. Họ ngỡ ngàng vì tưởng đâu gặp được vị lương y cao tay, ai dè gặp phải một vị giải tội cho kẻ tê bại. Người ta đem anh ta tới vì anh tê bại chứ không phải vì anh tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu đi ngược lại quan niệm của họ. Chúa chữa trị tê liệt tâm hồn trước đã và đấy mới là mục đích của Chúa. Bệnh nhân đau khổ không phải vì đau yếu thể xác cho bằng đau yếu tâm hồn vì thiếu vắng Chúa. Chúa Giêsu thấy anh bất toại đau khổ về thể xác nhưng Chúa muốn chỉ ra cái đau khổ trong tâm hồn mới quan trọng cho anh. Cho nên Chúa muốn cho anh và mọi người thấy phần hồn phải ưu tiên giải quyết trước khi phần thân thể lành lặn. Chữa bệnh phải chữa tận gốc rễ mới được. Vì thế trước khi chữa thân xác, Chúa tha tội cho bệnh nhân đã. Để minh chứng điểm đó, Chúa nói: “Tội lỗi của con đã được tha”. 
Nghe thấy thế những người biệt phái cho rằng: Chúa nói lộng ngôn, vì dám kể mình ngang với Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Còn đây Chúa Giêsu nhân danh chính Ngài, Ngài có quyền. Và để minh chứng cho việc tha tội và để người Do thái biết đến uy quyền tha tội này, Chúa đã làm phép lạ ngay trước mắt mọi người. Chúa bảo: “Hãy chỗi dậy vác giường mà về” (c.24). Anh ta vác đi nghênh ngang trước sự ngạc nhiên kinh hoàng của mọi người. Anh ta và cả dân chúng lúc ấy tôn vinh tạ ơn Chúa. 
Anh chàng bất toại bị bất lực hoàn toàn nên phải nhờ tới thân nhân giúp đỡ. Khi chúng ta lầm lỗi cũng thế. Chúng ta không thể tự mình chỗi dậy đi về Nước trời được đâu. Một khi có tội ta giống như bị sa xuống vực thẳm cần một người ở ngoài kéo lên. Người ấy là Chúa Giêsu.
Mùa vọng về là dịp chúng ta tha thiết xin Chúa kéo chúng ta ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi và giúp chúng ta trở về với đường chính nẻo ngay, chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón Chúa đến trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Amen.

CN II MÙA VỌNG NĂM C - 2015 NGƯỜI PHU QUÉT LÁ


Trong Tác phẩm “ Người phu quét lá”, ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu quét lá: “Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu” (Ns.Trịnh Công Sơn).
Người phu quét lá bên các nẻo đường, dù mưa dầm hay nắng hạn, họ vẫn ngày ngày có mặt từ sáng sớm tinh sương để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục, mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Trong ý nghĩa đó, có thể nói, Gioan Tiền Hô, mà trang TM hôm nay nhắc đến, cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại. 
Kính thưa…Bước vào tuần thứ II Mùa Vọng, bao giờ GH cũng cho chúng ta gặp con người mang tên Gioan, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho mọi người đến với Chúa Cứu Thế.
Ông chính là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã đón nhận cái chết như một thiên anh hùng ca cho sứ vụ một cách tuyệt vời. 
Trang TM chúng ta vừa nghe, Gioan đã nhắc lại lời tiên tri Isaia và mời gọi dân chúng dọn đường và sám hối: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường nhấp nhô phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính. 
Con đường mà Gioan mời gọi chúng ta dọn, đó chính là đường đi vào tâm hồn. Đó là con đường nội tâm. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống. Mỗi khi đất nước đón tiếp một nguyên thủ quốc gia từ nước khác tới thăm, người ta thường hô hào sửa sang đường sá, làm sạch đẹp môi trường cảnh quang. Đó là biểu lộ lòng hiếu khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại với chúng ta. Cho nên, việc dọn đường cho Chúa đến là cần thiết. Con đường mà chúng ta phải dọn, phải sửa sang để lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế, và để đón Chúa, đó là những chông gai tội lỗi, đó là những đam mê của cải vật chất hay danh lợi, hoặc đó là những thói hư tật xấu. 
Kính thưa…Hôm nay bước vào tuần lễ thứ hai của Mùa Vọng, cả thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, thậm chí còn có cả những người không tôn giáo hay ngoài kitô giáo cũng nô nức chào đón, các cửa tiệm tràn ngập cây thông Giáng sinh, quà tặng Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi hay những cánh thiệp cho Giáng sinh. Nhiều nhà đang sửa soạn đón GS với những cây thông hay hang đá trong gia đình. Giáo xứ chúng ta cũng vừa kịp hoàn thành bức phông lớn hình gia đình Thánh Gia người Việt ngoài tiền sảnh nhà thờ. Có thể nói đây là bức phông được hoàn tất sớm nhất trong khu vực giáo hạt Hàm Tân. Đâu đó nhạc Giáng sinh cũng đã rộn vang và lòng người đã thấy rạo rực niềm vui GS. 
Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, cho đúng theo Tin mừng của Chúa mà Gioan đã hô hào :”Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Con đường tâm hồn của chúng ta đã tốt chưa? Và lòng chúng ta đã trở nên thửa đất mầu mỡ để đón ơn Chúa chưa ? Hay lòng chúng ta lại trở nên một sa mạc cằn cỗi ?
Dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thấm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thực sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống phục vụ hơn, vị tha hơn…
Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần hơn hai ngàn năm rồi, đồng thời Chúa sẽ còn đến trong ngày chung thẩm nữa. Nếu thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, phải đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh.
Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Cả cuộc đời Gioan chỉ một tâm nguyện là làm “Người phu quét lá” dọn lòng người khác. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan để trở thành “ Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và cho mọi người xung quanh chúng ta. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình. Amen!