Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

4.12.2015 – Thứ sáu Tuần 1 Mùa Vọng

Lời Chúa: Mt 9, 27-31
Ðang khi Ðức Giêsu ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: “Lạy Con Vua Ðavít, xin thương xót chúng tôi!” Khi Ðức Giêsu về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: “Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa Ngài, chúng tôi tin.” bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: “Các anh tin thế nào thì được như vậy.” Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: “Coi chừng, đừng cho ai biết!” Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.
Suy niệm:

Trong kho tàng truyện cổ Ấn Độ người ta đọc được câu chuyện này. Ngày xưa có mấy anh mù rủ nhau đi xem voi. Họ được dẫn đến cạnh một con voi rất to để họ dùng tay mà sờ vào nó. Anh thứ nhất sờ được vào cái vòi của con voi. Sờ xong anh đắc chí hô to:
- Tôi biết voi giống cái gì rồi, nó giống như một con rắn.
Anh thứ hai sờ vào chân voi rồi nói:
- Đâu phải, voi giống như cái cột nhà.
Anh thứ ba sờ vào sườn voi, phản đối:
- Các anh điên hả? Voi giống như một bức tường chứ!.
Anh thứ tư sờ vào tai voi, bật cười.
- Các anh nói gì vậy? Voi giống như một tàu lá chuối.
Đúng là mù! Mù là không thấy và vì không thấy nên không biết hay biết một cách phiếm diện, biết không đầy đủ.
Cái mù thể xác đã khốn khổ như thế, nhưng còn có một loại mù còn khốn khổ hơn nữa, người ta gọi đó là mù lương tâm, mù không dám nhìn, không dám nhận sự thật. Đây là thứ mù thường xảy ra trong đời sống con người.
Đúng thế, không dám nhận ra sự thật cũng là một bệnh mù. Bệnh này rất nguy hiểm, nó thường bộc phát và lây lan nhanh. Nguyên nhân của căn bệnh này là tính kiêu ngạo, một loại vi trùng rất khó trị và thường gây ra những hậu quả rất tai hại cho những người mắc bệnh này.
Chúng ta lấy một vài ví dụ trong Tin Mừng, chẳng hạn ông Philatô đứng trước mặt Chúa Giêsu nhưng chỉ thấy Ngài như một tên tử tội cần phải loại trừ chứ không thể nhận ra Ngài là Đấng Cứu Thế. Vua Hêrôđê cũng vậy, mặc dù được đứng trước trực diện với Chúa, nhưng chỉ thấy Ngài như một người điên.
Ngược lại, hai người mù trong bài Tin Mừng hôm nay, mặc dù họ mù hai con mắt thể lý, nhưng trái lại họ được sáng con mắt đức tin, con mắt tâm hồn, cho nên họ đã nhận ra Chúa là Đấng con Vua Đavít. Họ đã tin Chúa và được Chúa chữa lành cho họ được nhìn thấy.
Chúng ta có thể sáng mắt thể lý, vì chúng ta nhìn thấy rõ ràng những công trình của Chúa qua vũ trụ van vật, nhưng có khi chúng ta lại mù con mắt đức tin, vì chúng ta đã không tin vào Thiên Chúa qua các dấu chỉ của sự vật, hay các biến cố chung quanh để nhận ra thánh ý Chúa mà thi hành.
Chính Chúa Kitô mặc khải Ngài là ánh sáng. Nếu chúng ta hướng về Ngài chúng ta sẽ được ánh sáng. Còn nếu chúng ta quay lưng lại với Ngài, thì trước mắt chúng ta chỉ là bóng tối dày đặc. Vì vậy, chỉ một cái nhìn có thể đưa chúng ta tới ánh sáng hay bóng tối. Nếu chúng ta bỏ Ngài là bỏ ánh sáng, là đi vào bóng tối.
Chúa Giêsu chính là ánh sáng. Chỉ trong Ngài, chúng ta mới thực sự là người sáng mắt. Chỉ trong Ngài chúng ta mới biết chúng ta là ai, và sẽ đi đến đâu. Dĩ nhiên, để có thể tiếp nhận được ánh sáng của Ngài, điều kiện tiên quyết là chúng ta phải ý thức được sự mù lòa của mình và quyết tâm ra khỏi sự mù lòa ấy.
Phêrô Nguyễn Bùi Quốc Khánh SDB



Chúa Nhật II mùa Vọng



Thiên Chúa dự định thực hiện một việc tốt lành cho dân Người, đó là ban ơn cứu độ. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay khai triển đề tài ấy qua đoạn sách ngôn sứ Ba-rúc, đồng thời qua sứ điệp của ông Gio-an Tiền hô và lời khuyên của thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê, đưa ra một chương trình sám hối giúp ta tiếp nhận ơn cứu độ.

1. Giê-ru-sa-lem được khôi phục là hình bóng nói lên ơn cứu độ (bài đọc Cựu Ước – Ba-rúc 5:1-9)

Sách ngôn sứ Ba-rúc nói về cuộc lưu đày của Ít-ra-en tại Ba-by-lon và về viễn tượng dân được giải phóng rồi trở về Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên viễn tượng giải phóng ấy không chỉ mang tính cách lịch sử Ít-ra-en, mà còn ám chỉ về thời cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Chúa Ki-tô. Giê-ru-sa-lem đã trở nên điêu tàn sau khi dân Ít-ra-en bị phát lưu. Giờ đây, ngôn sứ Ba-rúc nhìn thấy một Giê-ru-sa-lem được phục hồi còn vinh quang rực rỡ hơn cả trước kia. Đức cha Êu-xê-bi-ô, giám mục Xê-da-rê, trong bài chú giải sách I-sai-a đã nói về vai trò của Giê-ru-sa-lem: “Quả thật, Xi-on đây cũng chính là Giê-ru-sa-lem, đã nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa, là thành được xây ở trên cao, trên núi của Thiên Chúa, nghĩa là trên Ngôi Lời, Con Một của Người”.

Vậy cái nhìn của ngôn sứ Ba-rúc về Giê-ru-sa-lem được cứu độ như thế nào? Hình ảnh đầu tiên về Giê-ru-sa-lem được cứu độ là “cởi bỏ áo tang khổ nhục để khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa” (Br 5:1). Cứu độ là được thay đổi từ tình trạng xấu tới tình trạng tốt, hoặc từ cái mất đến cái tìm lại được. Giê-ru-sa-lem đã trải qua một thời kỳ đen tối, mất đi tất cả và nằm trong bàn tay kìm kẹp của dân ngoại. Một thành lừng danh nay đã hoang tàn vì không còn dân chúng và sức sống nữa, khác gì một thành phố chết. Tình trạng chết ấy đúng là “áo tang khổ nhục” bao trùm Giê-ru-sa-lem. Bị ngoại bang xâm chiếm, Giê-ru-sa-lem nhục nhã vì Đền Thờ trở thành ô uế, các đồ dùng thờ phượng bị tục hóa, việc thờ phượng Thiên Chúa bị thay thế bằng việc cúng tế các thần ngoại, vinh quang và công chính của Thiên Chúa nhường chỗ cho đồi trụy và thấp hèn của thế gian.

Giữa tình trạng buồn thảm và thất vọng ấy, ngôn sứ Ba-rúc mang đến sứ điệp giải phóng của Thiên Chúa: “Vùng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, hãy đứng ở nơi cao và hướng nhìn về phía đông” (Br 5:5). Phía đông là phía mặt trời, mặt trời công chính, biểu tượng của Thiên Chúa, sẽ mọc lên và phá tan u tối. Phía đông cũng là hướng Ba-by-lon, nơi con cái Ít-ra-en bị lưu đày sẽ lên đường trở về quê cha đất tổ. Con đường xưa đem dân Ít-ra-en đi lưu đày là con đường khổ cực, khó khăn và nhục nhã nay được dọn dẹp lại theo lệnh Thiên Chúa. “Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn” (Br 5:7).

Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất trong sứ điệp giải phóng này phải là sự can thiệp của Thiên Chúa. Vai trò chủ động của Thiên Chúa được đề cao: Thiên Chúa “ban vinh quang vĩnh cửu, khoác áo choàng công chính cho Ít-ra-en, truyền dạy con cái Ít-ra-en tụ họp về, ra lệnh dọn đường để Ít-ra-en tiến bước an toàn, cho quế trầm tỏa bóng che rợp Ít-ra-en, dẫn Ít-ra-en đi trong hoan lạc”.

Những gì Thiên Chúa đã làm cho Giê-ru-sa-lem thì Người cũng làm cho ta để cứu độ ta. Thiên Chúa đã khôi phục Giê-ru-sa-lem và xây thành “trên Con của Người”, nghĩa là Người cứu độ ta nhờ công nghiệp Chúa Ki-tô. Chúa sẽ dẫn ta “đi trong hoan lạc, dưới ánh sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người” (Br 5:9). Nhưng ta cũng có bổn phận phải theo sự dẫn dắt của Chúa, nhất là trong công việc dọn đường cho ơn cứu độ, theo lệnh Chúa mà dẹp bỏ những núi cao, gò nổng và thung lũng “có tự lâu đời” trong ta, tức những tính hư tật xấu đã ăn rễ sâu trong lối sống của ta.

2. “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (bài Tin Mừng – Lu-ca 3:1-6)

Trong Cựu Ước, ngôn sứ Ba-rúc loan báo Thiên Chúa cứu độ Giê-ru-sa-lem. Lời tiên tri ấy nay đã ứng nghiệm khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa Giê-su bắt đầu sứ mệnh cứu thế sau những năm sống ẩn dật tại Na-da-rét. Nhưng trước khi Người xuất hiện, có ông Gio-an “đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội” (Lc 3:3).

Trước khi giới thiệu con người và sứ vụ của ông Gio-an Tiền hô cũng như của Chúa Giê-su, thánh sử Lu-ca đã không quên nói đến khung cảnh thời gian và không gian đạo đời. Ngài muốn trình bày một bối cảnh lịch sử để giúp ta nhận ra tính cách phổ quát của ơn cứu độ, là: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3:6). Sứ điệp về ơn cứu độ phổ quát ấy phải là cốt lõi lời rao giảng của ông Gio-an. Tuy nhiên, kèm theo lời rao giảng trọng đại này, ông Gio-an muốn có một nghi thức dễ khiến cho người ta cảm động và nghiêm túc tiếp nhận tin mừng cứu độ. Đó là làm phép rửa. Mục đích phép rửa của ông không phải là tha thứ tội lỗi dân chúng, mà chỉ là giúp họ “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”, bởi vì việc tha tội thuộc quyền của “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1:29).

Thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa thì ai cũng có khả năng thấy được, vì ơn cứu độ có tính cách phổ quát. Nhưng tiếp nhận ơn cứu độ lại là chuyện khác, cần phải có đáp trả và nỗ lực của mỗi người. Vì thế, đối với ông Gio-an, muốn kêu gọi người ta chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ, không gì tốt hơn là mượn lời ngôn sứ I-sai-a để kêu gọi dân chúng: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Lc 3:4). Đường lối là hình ảnh dễ dàng nhất để mô tả một chuyển động, có điểm đi điểm tới. Mọi ngăn cản, khó khăn cần phải được dẹp bỏ. Hình ảnh con đường với thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, chỗ lồi lõm thật là thích đáng giúp ta hiểu thế nào là một tâm hồn có những trở ngại khiến cho việc di chuyển giữa họ với Chúa thật khó khăn, hoặc có thể nói là không thể vượt qua nổi. Khó khăn trở ngại không phải về phía Thiên Chúa, mà hoàn toàn về phía con người. Làm sao Chúa đến với ta khi ta cứ theo con đường của ta là con đường tội lỗi và chống lại Chúa? Những thung lũng tham lam, núi đồi kiêu căng, khúc quanh co gian dối và lồi lõm bất trung đã dựng lên những chướng ngại vật cản đường Chúa đến. Do đó, dọn đường cho sẵn và sửa lối cho ngay là việc của ta, còn việc Chúa cứu độ chỉ được thể hiện nếu ta cộng tác với Chúa bằng cách chuẩn bị sẵn sàng.

3. Thánh Phao-lô nói gì về việc chuẩn bị đón nhận ơn cứu độ? (bài đọc Tân Ước – Phi-líp-phê 1:4-6.8-11)

Ngôn sứ Ba-rúc và thánh Gio-an Tiền hô đã loan báo ơn cứu độ và việc chuẩn bị qua những hình ảnh cụ thể về Giê-ru-sa-lem và việc dọn đường lối. Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì đề cập đến việc chuẩn bị tâm hồn khi ngài “khẩn khoản nài xin” anh chị em tín hữu hãy làm sao “cho lòng mến ngày thêm dồi dào” và “được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách” trong thời gian họ chờ đợi Chúa đến vào phút cuối đời. “Sống một đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”, đó là châm ngôn của mọi tín hữu muốn lãnh nhận được ơn cứu độ.

Trước hết ta thấy hết sức cảm động vì tấm lòng yêu thương của người cha nơi thánh Phao-lô. Tình thắm thiết của ngài dành cho tín hữu Phi-líp-phê cũng là tình ngài dành cho ta. Ngài chia sẻ những gì ngài đã sống, đó là sống “nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Cuộc sống đầy tràn tinh thần Chúa Ki-tô đã làm cho lòng mến của ngài ngày thêm dồi dào và được nên tinh tuyền. Ngài đã chạy hết quãng đường trong cuộc đua và đã chiến thắng trong cuộc thi đấu (2 Tm 4:7). Những lời ngài tâm sự với Ti-mô-thê phải là những lời khích lệ ta thực thi việc chuẩn bị dọn đường đón nhận Đấng Cứu Độ. Một trong những cách chuẩn bị mà thánh Phao-lô chú trọng nhất, đó là “góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng”, bởi vì nếu muốn rao giảng Tin Mừng thì chính mình phải sống Tin Mừng ấy trước. Cả cuộc đời ta là những tháng năm rao giảng Tin Mừng bằng đời sống. Thánh Phao-lô còn cho ta thấy tương lai chắc chắn của việc sống và rao giảng Tin Mừng, là: “Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức Ki-tô Giê-su quang lâm” (Pl 1:6). Nói khác đi, nếu Chúa đã giúp ta làm công việc dọn đường lúc ban đầu khi ta sống trên trần gian này, thì Người cũng giúp ta hoàn tất công việc dọn đường ấy khi Chúa Ki-tô trở lại trần gian ngày cuối đời của ta.


4. Sống Lời Chúa

Ngôn sứ Ba-rúc giúp ta xác tín vào ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho mọi người. Thánh Gio-an Tiền hô lập lại lời ngôn sứ I-sai-a để loan báo ơn cứu độ phổ quát và việc chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Còn thánh Phao-lô Tông đồ thì chia sẻ tâm tình yêu thương và khích lệ ta hãy “sống đời công chính nhờ Đức Giê-su Ki-tô”. Nếu tuần thứ nhất mùa Vọng chú trọng loan báo việc Chúa đến cứu độ, thì Phụng vụ Lời Chúa tuần này nhấn mạnh hơn đến việc ta hãy chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu độ. Chuẩn bị không phải chỉ trong mấy tuần lễ trước ngày lễ Giáng Sinh, nhưng là chuẩn bị cho cả một đời để sẵn sàng đón Chúa trở lại với ta.


Suy nghĩ: Con đường để Chúa đến với tôi và tôi đến với Chúa là con đường nào? Tôi có nhận ra những chướng ngại nào không, và tôi phải dẹp bỏ chúng thế nào?


Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa toàn năng ái tuất, xin đừng để chúng con mải mê thế sự, chẳng còn hăm hở đi đón mừng Con Chúa, nhưng xin dạy chúng con biết ham thích những sự trên trời, hầu được cùng Người vui hưởng phúc trường sinh. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cuàng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. A-men. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II mùa Vọng).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


         

Chúa Nhật II Mùa Vọng

I.          Tìm Hiểu Lời Chúa
1.         Bài Đọc I : Br 5, 1-9
Niềm hy vọng mừng vui cho Giêrusalem
Trong một trang sách giàu chất thi ca, vị Tiên tri đã gửi tới Thành Giêrusalem một thông điệp vui mừng và hy vọng : con cái bị lưu lạc sẽ được Chúa đưa trở về trong danh dự và vinh quang. Dân thành sẽ nhận biết một kỷ nguyên thịnh vượng và hoà bình.
a.         Đây là một trong những bài thánh thi hay nhất trong Kinh thánh ca ngợi lòng nhân ái của Thiên Chúa dành cho dân của Người. Từ sự tủi nhục Thiên Chúa đã đưa dân tiến tới vinh quang; từ khốn khó đến sự phồn vinh; từ đau buồn của khóc than tiến tới niềm vui.
b.         Nhưng để Thiên Chúa gặp lại dân Ngài thì dân  cần phải có sự quay trở về, từ bỏ tội lỗi và sự bất trung là nguyên nhân gây nên sự dữ.. Cần phải mặc lại chiếc áo công chính.
c.         Cũng thế, vì Thiên Chúa chăm sóc con cái Ngài như một người cha tốt nhất, nên trong thử thách, chúng ta cần phải tín thác chờ đợi giờ Thiên Chúa can thiệp. Chắc chắn Ngài sẽ đến.
2.         Bài Đọc II : Pl 1, 4-6.8-11
Hướng tới sự hoàn thiện ngày một hơn.
Sau khi thổ lộ tất cả tình cảm chan chứa của mình dành cho anh chị em Philipphê và niềm vui mừng của mình trước sự thăng tiến đời sống thiêng liêng của họ, Thánh Phaolô mời gọi họ tỉnh táo hơn nữa để tiến tới không lầm lạc trên đường hướng đến Đức Kitô.
a.         Với tình yêu của Đức Kitô, Thánh Phaolô không ngừng cầu nguyện cho những người cộng tác loan báo Tin mừng với mình có được tình yêu nồng cháy trong sự hiểu biết sâu xa về con người và sứ mạng của Đức Kitô.
b.         Đời sống Kitô hữu, ngài giải thích là một sự tăng tiến hướng tới sự hoàn thiện viên mãn trong Đức Kitô.
c.         Bản văn này đuợc đặt trong bối cảnh và tinh thần của mùa vọng thật ý nghĩa. Một thời gian để suy gẫm, để cầu nguyện và để cố gắng tiến triển trong sự nhận biết thánh ý Chúa và trung tín sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn, quảng đại hơn.
3.         Tin Mừng : Lc 3, 1-6
Thánh Luca đưa chúng ta tham dự vào sự khởi đầu sứ mạng của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan : Gioan, quả nhiên, đã được trao sứ mạng chuẩn bị cho đồng bào của mình đón Đấng Messia sắp ngự đến.
a.         Trước hết, bằng sự am hiểu lịch sử, Luca quan tâm ghi các mốc thời gian đương thời để đánh dấu việc khởi đầu sứ vụ của Gioan Tẩy Giả và sự xuất hiện công khai của Đức Giêsu Kitô. Khi đánh dấu thời gian xuất hiện của Gioan và của Đức Giêsu Kitô với các Vua và Thượng Tế bấy giờ, Luca muốn xác định thời gian của hai sự xuất hiện này trong lịch sử trần thế. Tất nhiên, khi đưa những mốc thời gian sử liệu, Luca không chú tâm đến lịch sử trần thế mà chủ đích là muốn lồng lịch sử này vào trong lịch sử Cứu độ.
b.         Tiếp theo, Luca trình bày vắn tắt tổng quát về lời rao giảng sám hối của Gioan. Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả bắt đầu tạo nên một giai đoạn chuẩn bị cận kề vì Đấng Cứu Thế đã đến. Lấy lại lời Tiên tri Isaia loan báo, Luca minh chứng Gioan xuất hiện là giai đoạn cuối cùng của Cựu ước. Giai đoạn này, Dân Chúa được kêu gọi trở về với Thiên Chúa của mình trong tinh thần sám hối và khiêm nhường. Sứ mạng của Gioan là loan báo lần cuối cùng về ơn Cứu độ của Thiên Chúa và bắt nối vào Đức Giêsu Kitô, Đấng đến thực hiện ơn Cứu độ.
c.         Trong bối cảnh mùa vọng, Bản văn này được chọn đọc nhằm mục đích cho thấy rõ điều thiết yếu trong nỗ lực sống đức tin của Kitô hữu là phải khai mở trong tâm hồn một con đường cho Vương quốc của Đấng Cứu Thế ngự đến. Khai mở bằng việc chỉnh sửa lại ý hướng bản thân, bằng việc quyết tâm chống lại những tính hư tật xấu, và bằng việc chấm dứt những mối bất hòa với anh em.
II.        Gợi Ý Bài Giảng
1.         Từ Gioan  Tẩy Giả đến Kitô hữu ngày nay, cùng chia sẻ một sứ mạng : Gioan Tẩy Giả có sứ mạng chuẩn bị dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến với dân Ngài. Sứ mạng của ông gắn liền với một bối cảnh lịch sử cụ thể như Thánh Sử Luca đã tỉ mỉ ghi lại những dữ liệu lịch sử, mốc thời gian mà Gioan Tẩy Giả xuất hiện. Chắn chắn không phải là việc thừa thãi khi Luca cố ý ghi lại những nhân vật lịch sử, mốc thời gian : “Đời Hoàng Đế Tibêriô năm thứ 15, Phongxilô Philatô làm Tổng trấn xứ  Giuđêa … có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa”. Chúa kêu gọi một con người gắn liền với một không gian, thời gian cụ thể để làm một việc Chúa muốn trong chương trình Cứu độ của Ngài, chương trình trải dài suốt lịch sử nhân loại này. Từng thời gian, từng không gian Chúa sẽ chọn gọi những người Chúa muốn để loan báo sứ điệp Cứu độ của Ngài cho mọi người. Nói cách khác, Gioan đã chấm dứt sứ mạng của mình cách tốt đẹp. Ngày nay, sứ mạng đó lại được tiếp nối qua ơn gọi Kitô hữu của mỗi người. Chúng ta không phải là những người của quá khứ, cũng không phải là những người được chọn cho tương lai mà là những con người của ngày hôm nay. Những Kitô hữu của Việt Nam, thời thế kỷ thứ XXI, sống trong đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa … Thiên Chúa đã muốn như thế. Ngài đã chọn mỗi người chúng ta là những Gioan Tẩy Giả cho ngày hôm nay, cho những anh chị em thời đại của mình, nơi chốn của mình.
Như thế, trách nhiệm của mỗi Kitô hữu là phải xây dựng niềm tin và ý thức sứ mạng : mỗi tín hữu là một Gioan Tẩy Giả được sai đến trong gia đình, xứ đạo và môi trường xã hội của mình. Từ đó, biết mình phải làm gì, nói gì? để chuẩn bị cho anh chị em chung quanh biết đón nhận Chúa. Để Thực Sự là Gioan Tẩy Giả chính bản thân phải biết hối cải và sống niềm hy vọng chờ đón Chúa. Cần phải chuẩn bị thích đáng cho vai trò Tiền hô của mình. Chuẩn bị bằng mọi cách : từ cách mạng thông tin, đấu tranh chống khủng bố, ủng hộ phong trào hoà bình, đến xây dựng nền văn minh sự sống để chờ Chúa đến.
2.         Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, một thông điệp thời sự cho Kitô hữu ngày nay : Gioan kêu gọi mọi người sám hối, dọn đường cho Chúa ngự đến. Sứ mạng của ông đã kết thúc khi Đức Giêsu Kitô xuất hiện công khai để loan báo Tin Mừng, thực hiện công trình cứu độ. Gioan là Tiên tri cuối cùng của Cựu ước, là bản lề nối thời Cựu ước với Tân ước, nhưng không vì thế mà sứ điệp của ông không còn gia trị nữ. Đành rằng ngày nay, Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất công trình cứu độ của Ngài, ơn cứu độ đã tuôn đổ cho nhân loại, nhưng để đón nhận được ơn cứu độ thì chính mỗi người phải biết chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận. Trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội ngày nay, Thiên Chúa muốn đến với con người, đến giữa lòng nhân loại cũng vẫn đang phải đi vào những con đường quanh co khúc khuỷu của lòng người thâm hiểm, những con đường đầy vực thẳm hố sâu của tệ nạn xã hội, những con đường cụt không lối ra của lòng hận thù, chiến tranh và bạo lực trong thế giới. Cho nên, sứ điệp của Gioan vẫn còn đó tính thời sự của nó. Con người và xã hội hôm nay rất cần phải dọn đường để Chúa ngự đến. Dọn từ tâm hồn mỗi người cho đến toàn xã hội. Bên cạnh đó, tuy dẫu ơn Cứu độ của Chúa đã được thực hiện, đã được trao ban nhưng vẫn còn rất nhiều người, nhiều nơi chưa được thấy.
Nhận ra tính thời sự trong sứ điệp của Gioan tẩy Giả sẽ giúp mỗi người sống mùa vọng này ý nghĩa hơn thiết thực hơn. Mùa vọng không chỉ là khoảng thời gian trong chu kỳ của niên lịch phụng vụ, đến hẹn lại lên để rồi làm mọi sự như một thói quen máy móc, thành một nếp sống nhàm chán. Nhưng nhờ đó, sống tích cực hơn, mùa vọng sẽ như làm một điểm mốc để kiểm điểm bản thân, làm mới lại sức sống đức tin; mùa vọng sẽ như là một dấu nhấn để can đảm dấn bước lên đường và mùa vọng sẽ như là một cánh cửa hy vọng mở ra một giai đoạn mới trong hành trình đức tin.
3.         Canh tân cuộc sống theo lời Gioan Tẩy Giả, một đòi hỏi khần thiết : Gioan tẩy Giả kêu gọi sám hối canh tân cuộc sống để chuẩn bị đón Chúa, nhưng bây giờ Chúa đã đến rồi, ơn cứu độ đã trao ban rồi. Mùa vọng chỉ là thời gian nhắc nhớ đến việc Chúa đến lần thứ nhất để hướng lòng chờ đón Chúa đến lần thứ hai. Vậy thì không còn thời gian để lần lữa, để trì hoãn hay để chuẩn bị mà bây giờ là thời gian dứt khoát đón nhận hay không đón nhận Chúa và ơn cứu độ của Ngài. Chính vì thế, lời mời gọi sám hối, canh tân cuộc sống là một đòi hỏi khẩn thiết. Chúa đã đến nhà và Ngài đang đứng gõ cửa chờ đợi mỗi người mở cửa để Ngài vào. ‘Hãy lấp mọi hố sâu, hãy san mọi núi đồi, sám hối canh tân là một đòi hỏi của lòng trong sạch, phải loại bỏ mọi tư tưởng tội lỗi xấu sa thấp hèn, mọi dục vọng bất chính. Chính chúng là cội rễ của mọi tính hư tật xấu : kiêu ngạo, ích kỷ, ghen tuông, hung hăng, bạo lực … Đức Kitô không thoả hiệp với sữ xấu, không ở chung với chúng. ‘ Con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng’, sám hối canh tân là một đòi hỏi về sự công chính, sự công chính trong chiều cao đối với Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng và là Chủ tể muôn vật; là Cha đầy lòng nhân từ, chúng ta sống công chính với Ngài khi tôn thờ và đón nhận Ngài với tất cả tình yêu mến. Sự công chính trong chiều ngang đối với anh chị em, họ là những người cùng chung sống, cùng đồng hành với chúng ta. Biết bao người anh chị em của chúng ta đang lâm vào cảnh bất hạnh, khó nghèo, mồ côi. Sống công chính với họ là chúng ta phải biết yêu thương cảm thông và làm sao mang lại cho họ phẩm giá và sự giải thoát, làm sao chia sẻ cho họ hạnh phúc của mình. ‘ Con đường gồ ghề hãy san cho bằng”, sám hối canh tân là một đòi hỏi về đời sống nội tâm. Tâm hồn chúng ta gồ ghề bởi biết bao những chi phối, lo toan của cuộc sống hàng ngày. Cơm áo gạo tiền, danh vọng, quyền lợi … chiếm hữu tất cả tâm trí, tình cảm của cá nhân, khiến cho tâm hồn không còn chỗ cho Chúa nữa. Chúa đã đến, chúng ta phải liên kết chặt chẽ với Ngài. Trong tâm khảm phải níu giữ Lời Ngài, trong cuộc sống phải thực thi Lời Ngài.
III.       Lời Cầu Chung
* Lời Mở : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu Kitô đã đến để ban tặng cho chúng ta hồng ân cứu độ. Trong tâm tình chúc tụng, ngợi khen Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.
1.         Hội Thánh có sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần Hội Thánh luôn biết đồng hành, hiện diện với con người và xã hội hôm nay để làm cho thế giới này ngày càng phát triển những gía trị Tin Mừng.
2.         Chúa đã đến hơn hai ngàn năm qua nhưng thế giới ngày này vẫn còn biết bao nhiêu tệ nạn xã hội, chiến tranh, hận thù và bất công. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn biết đối thoại, cộng tác với nhau xây dựng một thế giới văn minh, hòa bình và tràn đầy tình người.
3.         Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để ai nấy biết nỗ lực canh tân đổi mới cuộc sống theo những giá trị của Tin Mừng.

* Kết Nguyện : Lạy Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, Chúa đã yêu thương cho Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ, giải thoát chúng con khỏi kiếp nô lệ cho tọâi lỗi, ma quỉ và sự chết. Xin thương đoái nhận những ý nguyện chân thành của chúng con, cho chúng con biết dọn mình sẵn sàng đón chờ ngày Đức Kitô ngự đến trong vinh quang. Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

THÁNH PHANXICO XAVIER (1506-1552)



Mc 16, 15-20
“Được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”
Kính thưa…….. Lời vàng này của Chúa Giêsu đã thôi thúc, đánh động tâm hồn một học giả tài năng đầy triển vọng. Một giáo sư trẻ tuổi đang sinh sống và giảng dạy tại Bale đã từ bỏ tất cả để bước theo Chúa trên con đường truyền giáo với đầy những nghịch cảnh và khó khăn. Đó chính là Thánh Phanxico Xavier.
Thánh Phanxicô chào đời tại Tây Ban Nha năm 1506. Ngài qua đời trên đảo Xan-xi-an , ngoài khơi bờ biển Quảng Đông Trung Quốc năm 1552. Thánh nhân được Đức Giáo Hoàng Grégoire XV phong thánh cùng thời với thánh Ignatiô Loyola, năm 1622; được ghi tên vào lịch Rôma năm 1623 và được tuyên phong là bổn mạng Ấn Độ và các nước Viễn Đông năm 1748. Cùng với thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, năm 1927, ngài được Đức Giáo hoàng Piô XI tuyên phong là bổn mạng các xứ truyền giáo.
Nói đến thánh Phanxicô Xaviê, người Kitô hữu ngày nay nghĩ ngay đến một trong những chứng nhân tiêu biểu nhất của lòng nhiệt thành truyền giáo. Thánh nhân như dấu chỉ Thiên Chúa dùng để chứng tỏ cho nhân loại thấy được tính phổ quát của Giáo hội mà Đức Kitô đã lập và không ngừng tác động cho nó tăng triển sâu rộng. Huấn lệnh mà Thầy Giêsu đã mời gọi Nhóm tông đồ năm xưa như trang TM chúng ta vừa nghe, vẫn luôn mới mẻ và thúc bách suốt dòng lịch sử: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Cảm nghiệm được giá trị và tầm vóc của sứ vụ mà Thầy Chí Thánh kêu mời, Thánh Phanxicô đã kịp thời đáp trả trong tinh thần yêu mến, dám sẵn sàng chấp nhận mọi nghịch cảnh trên hành trình rao giảng.
Nét đẹp trong tinh thần truyền giáo của Thánh Phanxicô phải kể đến trước hết, đó là thái độ từ khước danh vọng trần thế để được nhận lãnh gia tài vĩnh cữu nhờ việc hoán cải những tâm hồn. Vì thế, ngài đã nghiệm thấu lời vàng của Thầy chí thánh Giê-su đã nói: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì ?”. Khi đã chiến thắng được tham dục, ngài không ngừng sám hối theo Tin Mừng để triệt trừ tính kiêu căng trỗi dậy đòi ngài phải khuất phục trước cuồng vọng của xác thịt. Đây chính là bước quan trọng giúp thánh nhân có thể tập trung tới việc cộng tác đắc lực cứu rỗi các linh hồn, làm cho Nước Chúa được rộng lan.
Điểm thứ hai trong con người của ngài chính là lòng trắc ẩn với những cảnh đời nghèo khó. Bất cứ chỗ nào ngài đến, ngài đều sống với người nghèo, chia sẻ thức ăn và các phương tiện thô sơ với họ. Ngài dành rất nhiều thời giờ để chăm sóc người đau yếu, nghèo khổ, nhất là người cùi. Rất nhiều khi ngài không có thời giờ để ngủ hoặc ngay cả để đọc kinh nhật tụng, nhưng, qua các thư từ ngài để lại chúng ta được biết, ngài luôn luôn tràn ngập niềm vui.
Kính thưa….Cha Phanxicô đến các quần đảo ở Mã Lai, và Nhật Bản. Ngài học tiếng Nhật và rao giảng cho các người dân chất phác, dạy giáo lý và rửa tội cho họ, cũng như thành lập các trụ sở truyền giáo cho những người muốn giúp đỡ công cuộc của ngài. Từ Nhật Bản, ngài mơ ước đến Trung Hoa, rồi sang Việt Nam, nhưng dự tính này không bao giờ thực hiện được. Ngài đã từ trần trước khi đặt chân đến phần đất này.
Năm 1622, ngài được Đức Giáo Hoàng Piô X phong thánh và đặt làm quan thầy các công cuộc truyền giáo nước ngoài.
Ước gì lời mời gọi "ra đi và rao giảng cho muôn dân" luôn là tâm niệm hằng ngày của chúng ta sẵn lòng mang Lời Chúa đến cho anh em. Nhưng trước tiên, việc rao giảng này được khởi đầu ngay trong gia đình cho con cái, vợ chồng bạn bè và từ họ mở rộng đến những nơi chúng ta tiếp xúc gặp gỡ.
Xin Chúa luôn đồng hành để chúng ta can đảm vượt qua mọi khó khăn để trung tín trong ơn gọi của mình. Amen