Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO TRUYỀN GIÁO NGANG QUA VIỆC PHỤC VỤ (Mc 10, 35- 45).



1. Tóm Lược

Bài Đọc Một: Is 53, 10- 11

Thiên Chúa muốn Người Tôi Trung bị nghiềm nát để làm lễ vật đền tội. Nhờ Người, ý muốn của Thiên Chúa sẽ được thành tựu. Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của Ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Bài Đọc Hai: Dt 4, 14- 16

Chúng ta có một vị Thượng Tế là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng biết cảm thông nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Ngài đã chịu thử thách về mọi phương diện như ta, nhưng không phạm tội. Vậy chúng ta hãy mạnh dạn đến gần Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.

Bài Đọc Tin Mừng: Mc 10, 35- 45

Hai người con ông Dêbêđê là ông Giacôbê và Gioan đến xin Đức Giêsu cho một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang. Đức Giêsu trả lời: việc ngồi bên hữu hay bên tả thầy thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy mới được.

Nghe thế, mười môn đệ kia tức tối với hai ông. Thấy vậy, Đức Giêsu gọi các ông lại và bảo: Ai muốn làm lớn anh em thì phải làm người phục vụ anh em. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.

2. Suy Niệm

Trong muôn vàn phương cách truyền giáo, thì phục vụ là cách thế hữu hiệu để chuyển tải sứ điệp tình yêu Thiên Chúa cho người khác. Ngang qua việc phục vụ, người khác sẽ nhận ra một Thiên Chúa gần gũi, biết cảm thương đến nỗi yếu hèn của con người. Đàng khác, phục vụ sẽ làm cho người kitô hữu giảm bớt khuynh hướng tham quyền cố vị để dấn thân cho sứ điệp Tin Mừng và vì lợi ích tha nhân.

Vậy mà, trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy một bức tranh không mấy tốt đẹp về các Tông đồ. Các ông đi theo Chúa, được Ngài giáo huấn, nhưng mầm móng thích quyền cao chức trọng, ghen tị vẫn còn lớn mạnh nơi các ông: hai người con ông Dêbêđê thì xin cho được chỗ nhất chỗ nhì, còn các người khác thì ghen tị, tức tối với họ. Tuy nhiên, quan bức tranh này, Đức Giêsu lại vẻ nên những đường nét chính yếu của Tin Mừng: Phục vụ như Thầy đã phục vụ. Đức Giêsu nói: “Ai muốn làm đầu anh em tì phải làm đầy tớ anh em. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 44- 45).

Chắc hẳn, câu nói này của Chúa Giêsu là bản tóm lược quá trình thi hành sứ vụ mà Chúa Cha giao phó cho Ngài. Hơn ai hết, Chúa Giêsu luôn gần gũi với dân chúng, đồng bàn với phường tội lỗi và quân thu thuế, chữa các bệnh hoạn tật nguyền, tiếp xúc với dân ngoại, rửa chân cho các môn đệ và sau cùng là cái chết đau thương trên thập giá để làm giá chuộc cho con người. Ngôn sứ Isaia đã nói trước về Chúa Giêsu: “Người đã bị nghiền nát để làm của lễ đền tội… Vì đã nếm mùi đau khổ, Tôi Trung của ta sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53, 10- 11).

Qua cách sống và hành động của Chúa Giêsu, người ta nhận ra Thiên Chúa không phải là một quan tòa chỉ biết xét xử khi con người sai lỗi; nhưng là một người cha giàu lòng nhân ái luôn đợi chờ đứa con hoang trở về, cất bước đi tìm con chiên lạc, chữa trị con chiên đau yếu và băng bó các vết thương. Điều này cũng được thư Do Thái nói tới: Chúng ta có một vị Thượng tế là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng biết cảm thương đến nôi biết cảm thương đến nỗi yếu hèn của chúng ta. Tác gải còn mời gọi: Vậy chúng ta hãy mạnh dạn tiến lại gần Thiên Chúa để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần (x. Dt 4, 14- 16).

Có thể nói, những gì Chúa Giêsu làm để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng của Chúa Cha, cũng đang được đức giáo hoàng Phanxicô nhất tâm thực hiện. Ngài nói về Chúa không chỉ bằng những bài giảng long trọng, những cuộc tiếp kiến hoành tráng, mà bằng sự gần gũi, cảm thông, chia sẻ và đối thoại. Vào chiều thứ năm Tuần Thánh ngày 20/3/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho các thiếu niên tù nhân tại nhà tù Casl del Marmo và đã cử hành nghi thức rửa chân, trong đó có các em không thuộc cùng tôn giáo với nhiều quốc tịch khác nhau. Sau đó một thời gian, ngài đã tới thăm đảo tị nạn Lampedusa vào ngày 8/7/2013. Với chuyến than này, ngài muốn chia sẻ những nỗi thống khổ của người di dân, đồng thời thức tỉnh lương tâm của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là các vị hữu trách về thảm trạng người di dân và tị nạn.

Đức giáo hoàng Phanxicô không chấp nhận Giáo hội xa lạ với con người, một Giáo hội an phận và khép kín. Điều ngài muốn là Giáo hội của Chúa Giêsu phải mở ra cho mọi người, đáp ứng những nhu cầu của con người thời đại và quảng đại phục vụ hết mọi người. Ngài đã nói về điểm này: “Tôi thấy rõ điều mà Giáo hội ngày nay cần hơn cả là khả năng chữa lành các vết thương, sưởi ấm các tâm hồn. Giáo hội cần sự gần gũi, cận kề”. Dĩ nhiên, những gì Giáo hội làm cần phải “qui Kitô”: lấy Chúa Kitô làm khởi điểm, làm trung tâm, động lực và hướng đích cho các hoạt động. Trong bài giảng lễ ngày 9/4/2013 tại nhà nguyện thánh Mattha, đức giáo hoàng đã nhấn mạnh: “Chúng ta có thể xây dựng mọi thứ, nhưng không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, mọi thứ ấy đều vô ích. Chúng chỉ có thể trở thành cơ chế nhân đạo phi chính phủ, chứ không phải là Hội thánh”.

Về phần chúng ta thì sao? Nhiều khi chúng ta nghĩ truyền giáo là bổn phận của một vài thành phần ưu tuyển, chứ không phải việc của tôi; tôi chỉ lo đọc kinh và giữ các điều luật là được rồi. Với não trạng này đã làm cho nhiều người trở nên ù lì, thiếu khả năng nhạy cảm để nhận ra những nhu cầu của người khác.

Chúng ta biết rằng truyền giáo là bổn phận của mọi kitô hữu, vì nó thuộc về bản chất của Giáo hội. Một kitô không ý thức tầm quan trọng của việc truyền giáo luôn có nguy cơ trở thành người “tự kỷ”. Chúng ta không nhất thiết phải bôn ba đây đó để rao giảng Tin Mừng, cũng không nằm chờ cơ hội. Chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ, chính trong bậc sống và hoàn cảnh này; hãy mang Chúa đến trong môi trường mình đang sống và làm việc. Bằng những chia sẻ với bạn bè hay đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến, sự chân thành trong lời nói và công việc, chúng ta sẽ tạo được thiện cảm và dễ dàng nói về Chúa cho họ.

Chúng ta cùng cầu xin cho nhau, để mỗi người luôn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và nhiệt thành ra đi rao truyền sứ điệp Tin Mừng mà Ngài đã giao phó, hầu cho muôn người nhận biết Chúa và ca ngợi tình yêu thương vô bờ của Ngài.

Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.cist

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN B Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30





KHÔN NGOAN ĐÍCH THẬT

“Anh chỉ thiếu có một điều,
là hãy đi bán những gì anh có
mà cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi hãy đến theo tôi.”
(Mc 10,21)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Người đời không ai muốn mình dại, nhưng không phải ai cũng biết chọn sống khôn ngoan. Các bài đọc Lời Chúa hôm nay gợi lên những nẻo đường khôn ngoan có thể không giống theo kiểu người đời, nhưng lại là lối đường khôn ngoan đích thật dẫn đến Nước Trời. 

1. Bài đọc 1:

Đoạn sách Khôn Ngoan phản ánh thị kiến về lời cầu xin đẹp lòng Thiên Chúa của Salômôn trong 1V 3,4-15. Salômôn được ca ngợi vì cách sống khôn ngoan của ông, khi ông chỉ cầu xin Thiên Chúa ban cho Đức Khôn Ngoan và coi đó là thứ quý giá hơn bất cứ thứ gì khác trên trần gian này.

Trước hết, tác giả sách Khôn Ngoan khẳng định rằng ông đã cầu xin sự hiểu biết và Thiên Chúa đã ban cho ông; ông cũng đã kêu cầu và nhận được thần khí Khôn Ngoan (Kn 7,7). Điểm đặc biệt trong lời cầu nguyện của Salômôn là việc ông chỉ xin Thiên Chúa ban cho sự hiểu biết và thần khí Khôn Ngoan. Lời cầu xin của Salômôn không những được Thiên Chúa đón nhận mà còn được tán dương vì Thiên Chúa hài lòng trước một lời cầu xin như thế (x. 1V 3,10).

Thêm vào đó, Salômôn quý chuộng Đức Khôn Ngoan hơn bất cứ thứ gì khác. Mọi thứ chỉ là cát bụi khi đem so sánh với Đức Khôn Ngoan. Dù là vương trượng, ngai vàng, trân châu, bảo ngọc, hay vàng bạc đều không so bì được với Đức Khôn Ngoan. Ông ham chuộng Đức Khôn Ngoan hơn cả sức khỏe, sắc đẹp hay ánh sáng vì vẻ sáng chói của Đức Khôn Ngoan không bao giờ tàn lụi. Đức Khôn Ngoan là thứ duy nhất mà ông dám đánh đổi tất cả để có được với tất cả lòng yêu mến và say mê (Kn 7,8-10).

Sau cùng, khi chọn Đức Khôn Ngoan là ưu tiên số một trên tất cả mọi sự, thì Salômôn lại nhận được cả những thứ mà ông không cầu xin, vì “cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể” (Kn 7,11; x. 1V 3,11-13). Cách nói “đã đến với tôi” như muốn khẳng định rằng đó là những điều Salômôn không kêu cầu nhưng vẫn được Thiên Chúa ban cho.

Vậy thế nào là khôn ngoan theo quan điểm của sách Khôn Ngoan ở đây? Khôn ngoan là biết cầu xin, không phải những của cải vật chất hay vinh quang, mà là sự hiểu biết Thiên Chúa và Đức Khôn Ngoan của Ngài. Nếu đọc sách Khôn Ngoan trong lăng kính của Tân Ước trong đó Đức Khôn Ngoan chính là hình ảnh nhân cách hóa của chính Chúa Giêsu thì khôn ngoan chính là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thực và Đấng mà Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô; sự khôn ngoan như thế dẫn đến ơn cứu độ (x. Ga 17,3).

2. Bài đọc 2

Đoạn thư Hípri nhấn mạnh sức tác động lớn lao và sâu xa của Lời Thiên Chúa. Sự hữu hiệu, sắc bén và sống động của Lời Thiên Chúa có sức phê phán và phơi bày tất cả.

Trước hết, Lời Thiên Chúa không chỉ là lời khô khan, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua miệng các ngôn sứ, nhưng là lời sống động được mạc khải vào thời sau hết qua Người Con (x. Hr 1,1-2). Lời Thiên Chúa được nói qua Người Con là lời sống động và thật sự hữu hiệu hơn nhiều so với lời được mạc khải trước đây qua các ngôn sứ vì Lời không còn chỉ là sứ điệp mà còn là hiện thân của Người Con và qua Người Con.

Sau nữa, Lời Thiên Chúa xuyên thấu những gì thâm sâu, bí nhiệm nhất; Lời đó phê phán cả những gì sâu kín nhất như tâm tình và tư tưởng của lòng người. Không có gì, không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Thiên Chúa. Sức mạnh vô song của Lời Thiên Chúa vừa mang tính cảnh báo đối với những ai có thái độ không tin (4,2), bất tuân Tin Mừng (4,6), mà có nguy cơ sa ngã (4,11), vừa bảo đảm một “chốn nghỉ ngơi” cho những ai trung tín theo giáo huấn của Tin Mừng (4,3), vì “mọi sự đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” (4,13).

3. Bài Tin Mừng

Bài Tin Mừng giới thiệu con đường dẫn đến sự trọn lành mà mọi người đều được mời gọi đi theo, nhưng đồng thời cũng cảnh báo về những trở ngại không nhỏ trên con đường đó. Phần phúc chỉ dành cho những ai biết chọn lựa khôn ngoan.

Đoạn Tin Mừng giới thiệu một người đến với Chúa Giêsu để tìm kiếm con đường dẫn tới cuộc sống đời đời. Thái độ “chạy đến, quỳ xuống” (10,17) của người này cho thấy sự thành khẩn; việc tuân giữ những giới răn cơ bản theo Lề Luật ngay từ nhỏ thậm chí còn nhận được cái nhìn thiện cảm và lòng thương mến của Chúa Giêsu (10,21).

Tuy nhiên, con đường trọn lành đòi hỏi một sự dấn thân quyết liệt hơn vì Chúa và vì tha nhân. Việc bán tất cả những gì đang có mà cho người nghèo để được một kho tàng trên trời và để có thể thanh thoát mà theo Chúa Giêsu là một trở ngại không nhỏ trên con đường trọn lành. Chàng thanh niên thất vọng vì không thể vượt qua trở ngại cuối cùng này. Đối với anh, sự sống đời đời chưa phải là lựa chọn ưu tiên số một nếu so với của cải anh ta đang có.

Nhân câu chuyện của chàng thanh niên, Chúa Giêsu cảnh báo các môn đệ về đòi hỏi khắt khe của Nước Trời và của cải chính là cản trở rất lớn trên con đường đó. Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim ám chỉ những ai dựa vào của cải thì gần như không thể vào được Nước Thiên Chúa. Chỉ những ai biết cậy dựa vào Chúa thì mới xứng đáng là công dân của Nước Trời “vì đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể được” (10,27).

Vì vậy, người môn đệ đích thật là người dám từ bỏ tất cả vì Chúa và vì Tin Mừng, từ bỏ cả những gì thân thương nhất, thiết thân nhất, thậm chí chấp nhận cả sự ngược đãi ở đời này. Nhưng Chúa không để môn đệ của Ngài phải chịu thiệt thòi, thậm chí được ân thưởng gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời sau. Tuy vậy, thái độ căn bản của người môn đệ khôn ngoan không phải là sự tính toán cho đi để nhận lại mà là sự phó thác hoàn toàn đời mình cho Chúa và nhờ ơn Chúa mà “mọi sự đều có thể”.

II. GỢI Ý ÁP DỤNG

1/ Thiên Chúa ban cho Salômôn sự hiểu biết và thần khí khôn ngoan theo như lời cầu xin của ông. Đối với Salômôn, Đức Khôn Ngoan là thứ ông quý chuộng hơn bất cứ thứ gì khác trên đời, vì mọi thứ đều qua đi như cát bụi, còn Đức Khôn Ngoan mãi tồn tại. Vì lời cầu xin được xem là khôn ngoan trước mặt Chúa mà Salômôn không chỉ được Thiên Chúa ban cho điều ông cầu xin là Đức Khôn Ngoan mà còn được ban cho cả điều ông không xin. Tôi có muốn sống khôn ngoan chỉ ưu tiên tìm kiếm Đức Khôn Ngoan là chính Chúa?

2/ Lời Thiên Chúa sống động, hữu hiệu và sắc bén; Lời đó có sức tác động sâu xa, vừa cảnh báo vừa khích lệ. Lời được mạc khải vào thời cuối cùng qua Người Con là chính Đức Giêsu. Lời Thiên Chúa qua Đức Giêsu tác động thế nào trên cuộc đời tôi: cảnh báo, khích lệ, phê phán, an ủi?

3/ Nước Trời không chỉ đòi hỏi người ta sống theo những đòi hỏi của Lề Luật, mà còn đòi hỏi một sự quyết liệt từ bỏ những gì cản trở trên đường trọn lành. Chỉ những ai sẵn sàng từ bỏ, sống phó thác vào Chúa và sống vì tha nhân thì mới xứng đáng làm công dân của Nước Trời. Người môn đệ khôn ngoan là người chấp nhận từ bỏ tất cả “vì Thầy và vì Tin Mừng”. Tôi có thật sự khao khát sự sống đời đời trong Nước Thiên Chúa? Tôi có dám hy sinh những nhu cầu của bản thân để sống vì Chúa và vì tha nhân? Tôi có muốn trở thành người môn đệ khôn ngoan, chọn Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người hơn những thứ khác?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa ban Đức Khôn Ngoan để con người biết lựa chọn và quyết định đi theo đường lối Chúa mời gọi hầu được sống đời đời. Chúng ta cùng chung lời cảm tạ Chúa và khẩn khoản cầu xin.

1. Hội thánh có sứ mạng dẫn đưa mọi người đến với Thiên Chúa là Tình Yêu và Sự Sống. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa luôn khôn ngoan thánh thiện và đồng tâm nhất trí trong việc tuyên xưng và chia sẻ đức tin đã lãnh nhận.

2. Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về Gia đình đang nhóm họp tại Rôma đến ngày 24/10. Xin cho các nghị phụ tham dự được tràn đầy ơn khôn ngoan để tích cực suy tư, thảo luận và có những đóng góp thiết thực cho vấn đề gia đình mà Giáo hội đang quan tâm.

3. “Những ai cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả những ai thành tâm thiện chí, biết sống theo sự khôn ngoan đích thực, luôn sử dụng tiền của và khả năng Chúa ban phù hợp với ý Người muốn.

4. Ai từ bỏ mọi sự vì Chúa và vì Tin Mừng, thì được lại gấp trăm, và được sự sống đời đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn đặt trọn lòng tin và lòng mến vào Chúa, biết yêu thương chia sẻ và giúp đỡ nhau cùng đạt tới ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, qua Đức Giêsu Kitô, Chúa đã ban hạnh phúc đời đời cho chúng con. Xin nhìn đến những ước nguyện chúng con dâng lên Chúa, và giúp chúng con luôn vững bước trên đường dẫn đến sự sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 28 Thường Niên - B

15/10. Thứ Năm. Thánh Têrêsa Giêsu. Rm 3,21-30a; Lc 11,47-54
Bài Ðọc I - Rm 3,21-30a
Anh em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt: vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô.
Vậy đâu là việc tự hào của ngươi? Nó đã bị loại đi rồi. Bởi lề luật nào? Có phải lề luật chỉ việc làm không? Không phải, song là bởi lề luật đức tin. Quả thế, chúng tôi thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật. Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của người Do-thái thôi sao? Người không phải là Thiên Chúa các dân ngoại nữa sao? Ắt hẳn Người là Thiên Chúa các dân ngoại nữa: vì chỉ có một Thiên Chúa.
Tin Mừng - Lc 11,47-54
Khi ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại".
Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Suy Niệm
"Con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật".
Đây là câu nói dẫn đến sự tranh luận giữa anh em Công Giáo chúng ta và anh em Tin Lành.Ttheo ý anh em Tin Lành là chỉ cần đức tin mà thôi, không cần làm gì khác.
Thánh Phaolô không nói đức tin như là cách đơn phương Thiên Chúa dùng để ban cho chúng ta được nên công chính và chúng ta không cần phải làm gì, nhưng ngài còn nói đức tin cần phải được biểu lộ qua hành động nhờ đức ái (x. Gl 5,6). Đây cũng chính là điểm thánh Giacôbê muốn nói đến trong nội dung bức thư của ngài. Đức tin là một quan hệ sống động, chứ không phải như một gói quà im lìm cất kỹ trong rương. Do đó mới có câu nói: “Đức Tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
Do đó, chúng ta cần phải hiểu, khi chủ trương chúng ta được nên công chính chỉ nhờ đức tin mà thôi (Rm 3:28; Gl 2:16), thánh Phaolô muốn chúng ta hiểu rằng sở dĩ chúng ta được ơn công chính hóa để khởi đầu cho việc cứu rỗi của mình là nhờ chúng ta tin vào kế hoạch tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa. Thánh Phaolô cực lực chống lại chủ trương của những người cho rằng người ta được ơn công chính hóa là nhờ người ta giữ trọn những điều Lề Luật Môsê và các ngôn sứ dạy. Chủ trương như vậy, thánh Phaolô chỉ muốn nhấn mạnh rằng chúng ta được nên công chính là hoàn toàn do Chúa thương ban đức tin cho chúng ta, chứ không phải do sức riêng của chúng ta khi chu toàn Lề Luật.
Cũng thật trùng hợp khi bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng than trách những tiến sĩ luật của Do Thái. Họ tự hào là những nhà thông luật, biết luật cặn kẽ, và có thể nói là chu toàn luật từng li từng tí. Thế nhưng, những điều đó chẳng có ý nghĩa gì khi mà đời sống của họ khi họ không đi theo đường lối của Thiên Chúa, đường lối bác ái yêu thương.
Lạy Chúa, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Những giáo huấn, những lời hay ý đẹp vẫn có rất nhiều trong cuộc sống; đó là những lời nhắc nhớ mà Chúa dành cho chúng con để sống tốt mỗi ngày. Thế nhưng, điều quan trong không hệ tại ở việc nghe biết, mà ở việc thực hành, và đây là điều mà chúng con rất thiếu xót. Xin biến đổi lòng chúng con và cho chúng con tích cực sống chứng nhân giữa đời. Amen!

11/10/2015 Chúa Nhật Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mc 10, 17-27 {hoặc 17-30}
"Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài rồi đến theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".

Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".

{Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Đây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".} Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Tiền của đã làm cho chàng thanh niên phải bỏ cuộc, không còn đủ sức đi theo Chúa. Chàng đành phải sống một nếp sống bình thường. Bởi sức ràng buộc của nó, tiền của là một trở ngại lớn để vào Nước Trời. Vì thế Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải từ bỏ. Sự từ bỏ này mang nhiều hình thức và mức độ khác nhau tuỳ hoàn cảnh mỗi người. Nhưng trong mọi trường hợp, điều không thể thiếu vắng đó là lòng siêu thoát. Vậy thì chúng ta phải sống tinh thần siêu thoát ấy như thế nào?
Trong một thế giới mà sức mạnh của đồng tiền được khẳng định và sự thịnh vượng vật chất đang nổi lên hàng đầu. Đất nước nào cũng mơ ước sẽ trở thành những con rồng kinh tế. Liệu chúng ta có phải quay lưng lại với sự giàu sang để ca tụng tinh thần nghèo khó hay không? Thực ra chẳng có ai chống lại sự thịnh vượng giàu có và cũng chẳng có ai tìm kiếm sự nghèo khổ. Kitô giáo lại càng không làm như vậy. Chính Thiên Chúa đã truyền cho con người phải tiếp tục công trình sáng tạo của Ngài, nghĩa là phải làm chủ và khai thác tối đa tài nguyên của thế giới này để nâng cao mức sống. Kitô giáo không phải là kẻ thù của sự phát triển và là đồng minh với sự nghèo đói. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiền của cũng phục vụ con người.
Trước hết là phương thức kiếm tiền. Người ta đã kiếm tiền bằng những phương thức bất công, chèn ép bóc lột kẻ khác. Tiếp đến là cách thức tiêu tiền. Thừa tiền dư của, thường dẫn tới một lối sống hưởng thụ, phi đạo đức, sa đoạ. Vì chạy theo lợi nhuận và tiền của người ta đã giết chết lương tâm, bán rẻ nhân phẩm, bằng những hành động lường gạt, giả dối. Tiền của nhiều khi còn là nguyên nhân gây nên tàn ác, bất công, bạo lực, đàn áp và chiến tranh. Đam mê và lòng tham vốn tiềm ẩn nơi con người, dễ bị tiền của thổi bùng lên. Chính vì những cạm bẫy khéo nguỵ trang đó mà Chúa Giêsu đã phải cảnh cáo: Những người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa. Cho nên vấn đề được đặt ra cho người Kitô hữu không phải là chính tiền của mà là cách thức tìm kiếm và sử dụng cũng như thái độ đối với tiền của.
Tinh thần nghèo khó luôn được Tin Mừng đề cao và sự từ bỏ được coi là thái độ không thể thiếu vắng của người môn đệ Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt rõ ràng tinh thần nghèo khó khác với tình trạng nghèo khó. Nghèo khó chẳng những là điều không dám mơ ước mà còn phải tìm cách chống lại, bởi vì sự nghèo khó sinh ra không biết bao nhiêu hậu quả tai hại, tệ đoan, bất ổn, tội ác, con người thiếu điều kiện điều kiện sống xứng đáng với phẩm giá của mình, như tục ngữ cũng đã nói: Bần cùng sinh đạo tặc. Trong khi đó, thực hiện tinh thần nghèo khó của Tin Mừng thì khác. Người nghèo khó trong tinh thần luôn giữ lòng siêu thoát, kể cả khi tiền của dư dật, không lấy của cải làm chủ đích đời mình nhưng sử dụng của cải đúng mức, theo nhu cầu chính đáng của mình và trong tinh thần liên đới, chia sẻ với anh em. Tột đỉnh của tinh thần nghèo khó là sự từ bỏ.
Từ bỏ là mức độ siêu thoát cao nhất, là thái độ chọn lựa Thiên Chúa và Nước Trời làm ưu tiên hàng đầu. Đó là một thái độ tích cực chứ không phải là tiêu cực. Nó không bao hàm sự khinh chê những giá trị vật chất và nhân bản, nhưng biểu thị nỗ lực tìm kiếm những giá trị tâm linh thiết yếu mà nếu thiếu thì ngay cả những giá trị vật chất và nhân bản ấy sẽ bị sụp đổ, bởi vì: Người ta không sống chỉ bằng cơm bánh.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn cảm nhận được niềm vui của sự trao ban để luôn trở nên có ích cho gia đình và xã hội. Vì sự khôn ngoan đích thực là hãy Dùng của cải cách quảng đại, trọng của cải cách tế nhị, xa của cải cách anh hùng. Amen.



12/10/2015 Thứ Hai Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 11, 29-32
"Không ban cho dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có người hơn Giona nữa". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Thế nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời, và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó là dấu lạ của tình yêu.
Thiên Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ, đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình yêu.
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người xung quanh.AMEN.



13/10/2015 Thứ Ba Tuần XXVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 11, 37-41
"Hãy bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
CHIA SẺ PHÚC ÂM;
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy nhóm Biệt phái ngạc nhiên vì Chúa Giêsu không rửa tay trước khi dùng bữa. Họ ngạc nhiên không phải vì Chúa Giêsu không giữ phép vệ sinh, nhưng vì Ngài không giữ luật định, theo đó, trước mỗi bữa ăn phải rửa tay bằng nước chứa trong các chum lớn bằng đá, với một số lượng nước được quy định và qua một cách thức được ấn định. Dưới con mắt người Biệt phái, người nào không giữ luật này, đó là người không xử sự đúng đắn: chẳng những không giữ vệ sinh, mà còn nhơ bẩn trước mặt Thiên Chúa; không rửa tay trước khi dùng bữa sẽ trở nên đối tượng tấn công của quỉ dữ, dẫn đến nghèo đói vì bị phá sản; và bánh ăn với bàn tay không sạch thì chẳng khác gì phân bón.
Vì những lý do trên và những lý do khác tương tư, sách các Rabbi có ghi những mẫu truyện như sau: Một Rabbi nọ không giữ luật rửa tay trước khi dùng bữa chỉ có một lần, thế mà đến lúc chết đã bị chôn cất như một người bị dứt phép thông công. Một Rabbi khác bị người Rôma giam giữ, đã dùng nước uống cung cấp rất hạn chế cho việc thi hành nghi thức rửa tay trước và trong khi dùng bữa, vì thế đã gần phải chết khát, bởi lẽ ông nhất định thà chết khát hơn là chểnh mảng giữ luật rửa tay.
Quan niệm và tâm thức của những người Biệt phái thời Chúa Giêsu coi các phong tục, tập quán, luật lệ là cốt tủy của việc thờ phượng Thiên Chúa và có giá trị như trọng tâm của tôn giáo, do đó những ý nghĩa cao thượng khác của niềm tin và tôn giáo cũng như những giá trị luân lý quan trọng hơn hầu như bị chôn vùi dưới lớp bụi dầy đặc của những luật lệ rườm rà tỉ mỉ; tâm thức này đưa họ đến việc giữ đạo vụ hình thức. Câu trả lời của Chúa Giêsu hướng con người vào những giá trị bên trong, quan tâm đến điều cốt yếu là sự trong sạch của lương tâm và tâm hồn.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại cách thức và mức độ giữ đạo và hành đạo của chúng ta. Ước gì chúng ta dần dần từ bỏ những cách thức giữ đạo hình thức, để đi vào chiều sâu của việc sống đạo với một lương tâm trong sạch, một tâm hồn quảng đại và ý hướng ngay lành.AMEN.



Khi ấy, lúc Chúa Giêsu còn đang nói, thì có một người biệt phái mời Người dùng bữa tại nhà ông. Người đi vào và ngồi bàn ăn. Nhưng người biệt phái ngạc nhiên, nghĩ trong lòng rằng tại sao Người không rửa tay trước khi dùng bữa.

Bấy giờ Chúa phán cùng ông ấy rằng: "Này các ông, những người biệt phái, các ông lau rửa bên ngoài chén đĩa, nhưng nội tâm các ông đầy tham lam và gian ác. Hỡi những kẻ ngu dại, chớ thì Đấng đã tạo thành cái bên ngoài, lại chẳng tạo thành cả cái bên trong sao? Hãy đem những cái bên trong ra mà bố thí, thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho các ông". Đó là lời Chúa.




10/10/2015 Thứ Bảy Tuần XXVII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 11, 27-28
"Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: "Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!" Nhưng Người phán rằng: "Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
"Phúc cho những ai lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành". Chúng ta gặp thấy nơi đây một mối phúc khác nữa, ngoài tám mối phúc đã được Chúa Giêsu công bố trong bài giảng trên núi, và chúng ta có thể gọi mối phúc được nhắc đến nơi đây là mối phúc "lắng nghe Lời Chúa và sống thực hành Lời Chúa". Ðây là lời chúc phúc Chúa Giêsu nói không những cho Mẹ Maria mà còn cho tất cả mọi người. Ðáp lại lời của người nữ, đám đông dân chúng chúc tụng Mẹ Maria vì lý do tự nhiên phàm trần là cưu mang và nuôi dưỡng Chúa Giêsu: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm", thì Chúa Giêsu mạc khải lý do sâu xa hơn: mối phúc được xây dựng trên nền tảng siêu nhiên là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Khi trả lời như vậy, Chúa Giêsu không phải là không muốn làm vinh danh Mẹ Maria nhưng Chúa muốn nêu chỉ cho dân chúng thời đó biết và cho chúng ta hôm nay thấy rõ nền tảng của mối phúc mà Mẹ Maria đang vui hưởng, đó là lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành.
Hơn ai hết, Mẹ Maria là kẻ đầu tiên đã lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa: "Vâng, này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền". Lời thưa "Xin vâng" của Mẹ Maria khai mở một thế giới mới của ơn cứu rỗi và của sự sống mới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô để lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy, và mối phúc lắng nghe lời Chúa và sống thực hành cũng được mở ra cho tất cả mọi người thuộc mọi thời đại.
Mọi người, mọi thời đại, đều có thể hưởng được mối phúc thật khi họ biết khiêm tốn lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành. Mối phúc lời Chúa này không phải là độc quyền Mẹ Maria, nhưng Mẹ đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ đã nói với các gia nhân hãy làm theo lời Chúa Giêsu truyền. Và hành động vâng phục của họ đối với lệnh Mẹ Maria "hãy làm theo lời Ngài truyền", hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh.
Lạy Cha.
Nhờ qua Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, chúng con xin chúc tụng Cha vì đã trao ban cho chúng con một mẫu gương lắng nghe lời Chúa và sống thực hành. Xin Cha giúp chúng con noi gương Mẹ Maria sống trọn vẹn lời thưa: "Này con là tôi tớ Chúa, xin vâng theo như lời Ngài truyền, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, vâng Ý Cha dưới đất cũng như trên trời".AMEN.