Chúa nhật tuần qua, chúng ta đã có dịp nói với nhau về diễn từ Bánh Hằng Sống kéo dài từ Chúa nhật 17 đến Chúa nhật 21 thường niên Năm phụng vụ B.
Ở Chúa nhật 20 thường niên, chúng ta đã gom lại với nhau ba điểm trong phần diễn từ của tuần để cùng suy gẫm:
- Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là bánh từ trời xuống,
- Chính Chúa Cha kéo lôi con người chúng ta đến với Ngài,
- Ngài là Bánh Hằng Sống và là Bánh ban sự sống đời đời.
Chúa nhật XX hôm nay, chúng ta tiếp tục với diễn từ Bánh Hằng Sống ấy và đi vào tâm điểm của diễn từ: Bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống.
Các nhà chuyên môn đã cho biết là Chúa dùng chữ “SARX” để nói về thịt của Ngài chứ không là chữ “soma” chỉ thân thể Chúa... Nghĩa là thực sự Ngài ban THỊT Ngài để chúng ta ăn và MÁU Ngài để chúng ta uống. Đồng thời Chúa cũng khẳng định ăn THỊT và uống MÁU Ngài là điều kiện để chúng ta ở trong Ngài, Ngài ở trong chúng ta và chúng ta có sự sống đời đời.
Đây là chuyện khó tin và khó chịu đối với người Do Thái nghe Chúa lúc đó.
Với chúng ta hôm nay, trong đức tin của người Công giáo, chúng ta hiểu bởi vì chúng ta đón nhận Lời Chúa, sống trong truyền thống của Giáo hội và được giáo dục trong đức tin của gia đình Công giáo. Chúng ta không có những vấn nạn như người Do Thái ngày xưa nhưng lại dễ dàng để rơi vào một tình trạng khác có lẽ còn tệ hơn cả thái độ của những người khó chịu khi nghe Chúa: Đó là sự không quan tâm tới lương thực ban sự sống đời đời cho chúng ta là Mình và Máu Chúa.
Vấn nạn đặt ra cho chúng ta hôm nay là bản thân mỗi người nghĩ gì và sống như thế nào đối với THỊT và MÁU Chúa - lương thực từ trời được ban cho chúng ta để chúng ta được sống đời đời?
Trả lời được câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy sự cần thiết phải đến với Chúa với một tâm hồn, với một nỗi khát khao và với một ước mong: Đó là sẵn sàng luôn để có thể đón nhận Mình và Máu Chúa, làm cho Chúa ở lại nơi mình và để cho mình được ở trong Chúa.
Cái gì cho thấy chúng ta đạt được điều đó? Xin thưa, đấy là những gì chúng ta sống từng ngày trong tư cách là con cái Chúa và là người Công giáo.
Không thể là con người sạch nếu chúng ta không bao giờ biết cầm đến cái chổi để quét mảnh sân chung, cầm miếng vải để lau bàn ăn chung, hay đi đổ giỏ rác đã đầy hoặc nhắc nhở nhau không quăng vất bừa bãi, khạc nhổ lung tung ở bất cứ nơi nào...
Không thể là con người tốt nếu chúng ta luôn tìm cách né tránh người nọ, người kia vì không thích họ, vì họ không thuộc nhóm mình, vì họ lỡ xúc phạm đến mình, vì họ không đồng thuận với cách hành xử của mình...
Không thể là con người đẹp nếu chúng ta luôn luôn tôn thờ phong cách quá đáng, luôn luôn có những chuẩn mực này nọ nhằm tôn vinh bản thân, đánh bóng cách sống và con người của mình...
Không thể là con người cao thượng khi chúng ta vặt vãnh xem xét và vạch lá tìm sâu nhằm hạ giá tha nhân chỉ bởi vì họ không cùng một quan điểm với chúng ta, không cùng một đường lối với chúng ta, thậm chí không cùng một niềm tin như chúng ta...
Rất nhiều điều mà trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hành xử một cách không có Chúa và không như Chúa, lý do vì chúng ta không đón nhận THỊT và MÁU Chúa làm lương thực sống của mình hay vì chúng ta đón nhận nhưng không với một cái tâm muốn nên giống Chúa mỗi ngày ở ngay những gì nhỏ nhoi và bình thường nhất. Chính với những nhỏ nhoi và bình thường ấy sẽ dần thành nếp và thành cách sống của những người tin Chúa và sống những gì Chúa dạy. Về những bất ổn xã hội hôm nay, phải thẳng thắn thú nhận: một phần khá lớn là do những người “mang danh nghĩa là con cái Chúa” nhưng lại “né tránh”... Đây là cách và kiểu nói của con người vốn được mệnh danh là “bạn của người nghèo” - Đức Tổng Giám mục Helder Pessoa Camara: “Đang khi nhiều người đau khổ khát mong, đợi chờ những tấm lòng từ thiện biết đau cái đau của họ, biết khóc với tiếng khóc của họ, thì những người mang danh nghĩa là con cái Chúa đã tìm cách để né tránh…”.
Lm. Giuse Ngô Mạnh Điệp, chính xứ Cầu Bảo, Gp.Nha Trang