Thứ Hai, 13 tháng 7, 2015

NGÀY 14-07-2015 THỨ BA TUẦN XV THƯỜNG NIÊN


LỜI CHÚA: Mt 11, 20-24
20 Bấy giờ Người bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối: 21 "Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối.22 Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xi-đôn còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.23 Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơ-đôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay.24Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi."
SUY NIỆM
Chúa Giêsu đến thế gian, Ngài đi rao giảng như đấng có uy quyền, thực hiện nhiều phép lạ phi thường chưa từng có, tất cả chỉ để dân chúng nhận ra được sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa, và biết sám hối ăn năn quay về với Chúa. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng: dân thành Corozain, Bethsaiđa, Capharnaum đã chứng kiến những phép lạ của Chúa Giêsu, nhưng lòng họ vẫn chai đá không tin, mắt họ không mở ra để nhận thấy thời được Chúa viếng thăm.
Còn chúng ta, những kitô hữu sống trong thời đại ngày hôm nay thì sao? Khuynh hướng sống như không có sự tồn tại của Thiên Chúa xem ra rất rõ ràng đối với nhiều người trong xã hội ngày hôm nay. Ngay cả những người kitô hữu, nhiều người chỉ nhớ đến Chúa như là một thủ tục khi đến nhà thờ, nhưng khi quay về với cuộc sống đời thường, Thiên Chúa như không còn tồn tại trong cuộc sống của họ nữa. người ta không nhận ra những dấu chỉ đầy yêu thương của Chúa chung quanh cuộc sống của mình. Một sự sống được hình thành như là một quà tặng của Chúa, nhưng người ta không đón nhận; một gia đình đầy yêu thương như là hình ảnh của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng người ta không bảo vệ giữ gìn; những người con như là vườn nho Chúa mời gọi những bậc làm cha làm mẹ vun trồng chăm sóc, nhưng lại trắc trách, không quan tâm; nhưng người thân hiện diện bên cạnh như là nguồn động viên nâng đỡ của Chúa, nhưng lại chia rẽ, hận thù, ghen ghét …
Lạy Chúa Giêsu, xin cho Lời Chúa hôm nay đánh động chúng con biết ăn năn sám hối và canh tân đời sống cho phù hợp Tin Mừng. Xin cho chúng con luôn nhận ra được sự hiện diện dầy yêu thương của Chúa trong cuộc sống của Chúng con. Xin giúp chúng con luôn thắng vượt những tư tưởng, ước muốn tội lỗi, để chúng con luôn sống trong sạch và cao thượng trong cuộc sống hôm nay. Amen.


4/07/2015 Thứ Ba Tuần XV Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mt 11, 20-24
"Trong ngày phán xét, Tyro và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.

"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Văn minh càng tiến bộ, càng lôi kéo con người đến sa đọa và hủy hoại nền tảng gia đình và xã hội. Ngay từ thời xa xưa, các Tiên Tri trong Cựu Ước đã thấy được hiểm họa ấy. Việc chúc dữ các đô thị là một trong những đề tài nổi bật trong lời rao giảng của các ngài. Sôđôma, Gômôra, Babylon, Tyrô, Siđôn là đối tượng của những lời rủa xả nặng nề nhất của các tiên tri. Những đô thị này không những là nơi phát sinh những sa đọa luân lý, mà còn là biểu tượng của óc tự mãn, sự tôn thờ ngẫu tượng của con người.
Chúa Giêsu cũng tiếp tục truyền thống tiên tri ấy khi Ngài lên tiếng chúc dữ một số thành phố như Corazin, Betsaida. Cuộc sống vật chất sung túc làm cho con người sa đọa, đồng thời chối bỏ tương quan với Ðấng Tạo Hóa. Con người được tạo dựng không phải để sống đơn độc một mình; chính trong tương quan với tha nhân mà con người nên thành toàn hơn, do đó gia đình và xã hội là nhân tố thiết yếu cho sự phát triển toàn diện con người.
Làng mạc, thành phố, đô thị, tự nó là những xã hội cần thiết để con người xây dựng các tương quan và nhờ đó phát triển nhân cách. Tuy nhiên, thay vì giúp con người phát triển, các đô thi thường lại đày đọa con người vào nỗi cô đơn và chối bỏ mối tương quan với Thiên Chúa. Sự trống rỗng trong lòng người dân đô thị cũng là dấu chỉ sự vắng bóng Thiên Chúa. Kinh Thánh không ngừng nhắc nhở con người biết rằng chỉ trong Thiên Chúa, con người mới có thể tạo được tương quan đích thực giữa người với người. Loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống, con người không những rơi vào sa đọa, mà còn cắt đứt mọi tương quan với tha nhân.
Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng nên con và ban cho con những ơn cần thiết để con trở thành người hữu dụng cho Chúa và cho người khác. Xin đừng để con trở nên vô ích, nhưng xin cho con biết đón nhận ơn Chúa với lòng biết ơn sâu xa và quyết tâm dùng ơn Chúa mưu ích cho phần rỗi của mình và làm sáng danh Chúa trong việc phục vụ mọi người.AMEN.



Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XV Thường Niên


14/7. Thứ Ba. Thánh Camillô Lellis, linh mục. Xh 2,1-15a; Mt 11,20-24
Bài Ðọc I - Xh 2,1-15a
Trong những ngày ấy, có một người đàn ông thuộc nhà Lêvi đi cưới vợ cũng trong chi tộc mình. Nàng mang thai và sinh hạ một con trai. Thấy con trẻ khôi ngô tuấn tú, nàng giấu kín trong ba tháng. Khi thấy không thể nào giấu kín được nữa, nàng liền lấy chiếc thúng trét nhựa thông, rồi bỏ đứa trẻ vào trong, đem thả trong đám sậy ở bờ sông. Chị đứa bé đứng xa xa để quan sát sự việc xảy ra thế nào.
Bấy giờ có công chúa con Pharaon xuống tắm dưới sông, còn các nữ tỳ đi bách bộ theo bờ sông. Khi thấy cái thúng mây ở giữa bụi sậy, nàng sai một nữ tỳ xuống vớt lên, vừa mở ra, thấy một trẻ nam nằm khóc trong đó, nàng thương hại và nói: "Ðây là đứa trẻ Do-thái". Bấy giờ chị đứa trẻ thưa với công chúa rằng: "Bà có muốn tôi đi tìm cho bà một phụ nữ Do-thái có thể nuôi đứa trẻ này không?" Công chúa đáp: "Ði tìm đi". Chị đứa trẻ liền đi kêu mẹ nó. Công chúa Pharaon nói với mẹ đứa trẻ rằng: "Chị hãy lãnh nuôi đứa trẻ này giùm tôi, tôi sẽ trả công cho chị". Chị ta liền nhận nuôi đứa trẻ, và khi nó lớn lên, thì đem đến cho công chúa Pharaon. Công chúa nhận đứa trẻ làm con nuôi, đặt tên cho nó là Môsê và nói: "Vì tôi đã vớt nó dưới nước lên".
Trong những ngày ấy, Môsê đã khôn lớn, liền đi thăm anh em mình, người thấy họ cơ cực, và thấy một người Ai-cập đang hành hung một người Do-thái là anh em của mình. Sau khi đã nhìn qua nhìn lại, không thấy ai, Người liền hạ sát tên Ai-cập và vùi thây dưới cát. Hôm sau, người đi ra, thấy hai người Do-thái đang đánh lộn với nhau, người bảo kẻ có lỗi rằng: "Tại sao anh đánh người bạn của anh?" Anh ta trả lời: "Ai đã đặt anh làm lãnh tụ và quan án xét xử chúng tôi? Anh cũng muốn giết tôi như anh đã giết người Ai-cập hôm qua sao?" Môsê lo sợ và nói: "Việc này người ta đã hay biết rồi sao?"
Pharaon nghe biết câu chuyện, liền tìm giết Môsê. Nhưng Môsê đã lánh mặt nhà vua, trốn sang xứ Mađian.
Tin Mừng - Mt 11,20-24
Khi ấy, Chúa Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối: "Hỡi Corozain, khốn cho ngươi! Hỡi Bethsaiđa, khốn cho ngươi! Vì nếu đã xảy ra tại Tyrô và Siđon các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi: Trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi.
"Còn ngươi, hỡi Capharnaum, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao? Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sôđôma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi: Trong ngày phán xét, Sôđôma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi".
Suy niệm
Thời kỳ dân Do Thái bị khốn đốn bên Ai Cập, thường được hiểu là hình bóng của việc con người bị mắc trong quyền lực của ma quỷ và tội lỗi. Đây là một quyền lực đáng sợ. Nó ghì người ta trong gồng xích của nó, nghĩa là mắc cứng trong tội, không sao tự mình gỡ ra khỏi được. Như dân Do Thái trong bài đọc một, họ hoàn toàn bất lực trong tay của bạo chúa. Điều đó làm cho họ như mất đi nhuệ khí, không dám phấn đấu và sợ hy sinh. Điều đó chứng tỏ qua việc thay vì họ hăm hở đứng về phía Môsê và cộng tác với ông để thoát khỏi Ai Cập, họ lại tố cáo ông và không dám theo ông sau khi ông tỏ ý thương dân mình mà giết tên Ai Cập. Quyền lực của tội cũng khiến người ta buông xuôi và bằng lòng ở lại trong tình trạng xấu xa thấp hèn, hoặc nó khiến người ta ngày càng mù quán không còn biết nhân ra sự thật .
Nơi những người đồng thời với Chúa Giêsu cũng vậy, chúng ta cũng thấy rõ ảnh hưởng xấu của quyền lực tội lỗi. Chúa Giêsu đã dùng lời rao giảng, dùng các phép lạ và lấy chính thái độ sống của mình minh chứng cho họ hiểu Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến và nước trời đã bắt đầu được thiết lập. Nhưng họ đã không tin và không sám hối. Chúa Giêsu đã tiếc cho những thành phố Corozain, Bethsaiđa, Capharnaum vì những thành phố này được phúc chứng kiến nhiều phép lạ, được nghe giảng nhiều những họ đã không tin. Các thành phố này sẽ bị phán xét nặng hơn bởi đã bịt mắt lại, bịt trí lại và tự khép kín trước những hồng ân mà Thiên Chúa. Sự bất hạnh đó rất có thể là sự bất hạnh của chính chúng ta nếu chúng ta cứ để mình mãi trong quyền lực sự tội, không biết ăn năn sám hối trở về với Chúa.
Lạy Chúa, xin đến giải thoát chúng con khỏi những ảnh hưởng xấu của ma quỷ. Xin cho chúng con luôn biết chon lựa đúng đắn trong cuộc sống. Amen.

Thứ Ba, ngày 14.07.2015, - Tuần 15 Thường Niên Năm B


Lời Chúa : Mt 11, 20-24
Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”
Suy niệm :
Dân những thành ven hồ Tiberia được nghe Lời Chúa và chứng kiến những phép lạ của Ngài nhiều hơn những nơi khác, lẽ ra họ phải tin Chúa nhiều hơn, đằng này ngược lại. Ta có thể tưởng tượng sự thất vọng của Chúa Giêsu trong những lời Ngài thốt ra: khốn cho ngươi, hỡi Corozain! Khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa. Lời trách mắng của Chúa Giêsu giống cách của người cha nhân từ sửa dạy những đứa con ngỗ nghịch và cứng lòng không nghe theo lời dạy dỗ của mình. Chúa Giêsu yêu thương tất cả mọi người, Ngài không muốn bất cứ ai phải hư mất, chính vì thế mà Ngài giận dữ và trách mắng những kẻ tội lỗi để họ tỉnh thức và hoán cải để được cứu rỗi.
Còn chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta cũng được Thiên Chúa ban nhiều ân huệ, thời gian, phương tiện, sức khỏe, tài năng, được sống trong môi trường thuận lợi, được may mắn nghe lời Đức Giêsu nhiều hơn, chúng ta đã đáp trả thế nào? Liệu chúng ta có như dân thành Corozain và Bethsaiđa hay không?
Lạy Chúa, nhìn lại cuộc đời mình chúng con đã được lãnh nhận biết bao hồng ân thế mà nhiều lúc chúng con thờ ơ, nguội lạnh với Chúa. Xin Chúa thứ tha và giúp chúng con biết nhận ra hồng ân bao la của Chúa và biết hoán cải thay đổi đời sống cho xứng đáng với những ơn lành của Chúa. Amen.