Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015

13/07/2015 THỨ HAI TUẦN 15 TN



Mt 10,34-11,1
YÊU CHÚA TRÊN TẤT CẢ
 “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất” (Goethe). Gia đình là một trong những viên ngọc quý giá trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là nơi con người bắt đầu tập sống tình yêu thương cách quảng đại và vô vị lợi hơn cả. Tuy nhiên, tình yêu mến ấy có thể bị biến dạng, trở nên rào cản con người sống theo lương tâm và lý tưởng cao cả của người Kitô hữu. Chẳng hạn: đưa bà con họ hàng thiếu năng lực vào những chức vụ không thích hợp; cưng chiều, bênh  vực con cháu quá đáng; từ chối dấn thân phục vụ và hy sinh vì quá quyến luyến gia đình... Đức Giêsu dạy ta đặt lòng mến Ngài lên trên tình cảm dành cho những người thân trong gia đình. Lòng mến Chúa ấy sẽ hướng dẫn các tình cảm gia đình một cách xứng hợp hơn.
 “Bác ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó” (T. Fuller). Chúng ta đừng hạn hẹp tình yêu, lòng quan tâm, sự chăm sóc chỉ nơi những người thân, trong phạm vi gia đình, nhưng hãy mở rộng tình mến ấy đến cho mọi người, nhất là những người không may mắn chung quanh bạn.


Thứ Hai Tuần XV Thường Niên



Lời Chúa: Mt 10, 34 - 11, 1
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Khi Ðức Giêsu truyền dạy cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị.
TỪ BỎ CHÍNH MÌNH
Là một bác sĩ chuyên khoa, Giana biết rõ những gì đang chờ đợi mình: Nếu giải phẫu để cứu bà thì đứa con trong bụng sẽ bị giết chết, còn nếu cứu đứa con thì chính bà sẽ phải hy sinh. Cuối cùng, Giana đã chọn hy sinh bản thân mình để con bà được sống.
Bài Tin Mừng hôm nay vẽ ra con đường cho những ai muốn tìm kiếm Đức Kitô. Để gặp được Chúa, lắm khi người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: từ bỏ của cải vật chất, tình cảm riêng tư, thậm chí ngay cả mạng sống.
Như người mẹ trong câu chuyện trên đây, giữa sự sống của mình và của đứa con, bà phải có một sự chọn lựa dứt khoát; cũng thế, ai muốn tìm thấy Chúa cũng phải có một thái độ từ bỏ dứt khoát như vậy. Kiên quyết từ bỏ những gì không phù hợp với Chúa như tội lỗi, tính gian, lòng tham... chúng ta mới có thể gặp được Người.


Lạy Chúa, xin cho tâm hồn của chúng con tràn đầy tình yêu Chúa để chúng con vượt qua được những ích kỷ hẹp hòi của bản thân.

13/07/2015 Thứ Hai Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm B


TIN MỪNG: Mt 10, 34 - 11, 1
"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ:
Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa kêu mời chúng con “hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng Hoàn Thiện.” Xin cho chúng con kiên trì noi theo mẫu gương sống thánh thiện để chúng con ngày càng nên giống Chúa hơn..AMEN.

3.07.2015 – Thứ hai Tuần 15 Thường niên


Lời Chúa : Mt 10, 34 – 11.1
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Khi Ðức Giêsu truyền dạy cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị.
Suy niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết thúc bài giảng của Chúa Giêsu về sứ vụ truyền giáo. Qua đó, Chúa Giêsu muốn đòi hỏi một sự dứt khoát của người muốn theo Ngài và ra đi làm chứng về Ngài cho muôn dân. Để có được thái độ dứt khoát, người ấy phải đặt Chúa và tin mừng của Ngài là chọn lựa ưu tiên, đồng thời, phải sẵn sàng từ bỏ những gì là thân thuộc nhất, thậm chí là cả mạng sống, vì Chúa Giêsu và vì sứ mạng Chúa trao. Sau hết, phần thưởng dành cho người dám chọn lựa Chúa là nhận được sự sống mới từ Thiên Chúa, sự sống vĩnh cửu trong Nước Trời.
Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Do đó, mọi thành viên trong Giáo hội đều có sứ mạng phải ra đi loan báo về Chúa cho mọi loài thọ tạo. Lắng nghe lời Chúa hôm nay, người Kitô hữu được mời gọi ý thức lại sứ mạng cao cả này và cần có thái độ dứt khoát trong những chọn lựa của mình. Chúa và sứ mạng Chúa trao có là ưu tiên hàng đầu hơn là sự sống trần thế này của tôi? Điều gì đang còn đang ngăn cản chúng ta sống niềm tin và thực thi giáo huấn của Chúa: tiền tài, danh lợi, quyền lực trần thế, những mối tương quan hay chính cái tôi muốn tìm kiếm sự an nhàn?
Lạy Chúa, xin thanh luyện con tim của chúng con để chúng con không bị tiền tài, danh lợi, thú vui trần thế trói buộc. Xin ban thêm cho chúng con tình thương của Chúa để chúng con luôn biết dứt khoát chọn lựa Chúa và sứ mạng Chúa trao, hầu mai này được chung phần sự sống đời đời trong Nước Trời cùng Chúa. Amen.

TRÚT BỎ (CN15TN.B)


Nếu có lần đi cắm trại, nhất là trại huấn luyện, chắc bạn sẽ hiểu: Ý nghĩa đúng của việc cắm trại là hòa hợp với thiên nhiên, là sống hết mình cho thụ tạo, là thở hơi thở của hoang dã, là sống sức sống của ngàn xanh, là đi vào lòng của tự nhiên để khám phá siêu nhiên, đắm mình với tự nhiên để vươn hồn lên tới siêu nhiên, gọi về lòng biết ơn thụ tạo đã cho nhau sự sống và dâng muôn muôn lời cảm tạ Tạo Hóa ân ban cho muôn loài sự sống toàn hảo. Vì thế, đi cắm trại cũng đồng nghĩa với việc trút bỏ một cách tự nguyện.
Càng trút bỏ bao nhiêu có thể và biết giữ lại những gì thật cần thiết, và cần thiết đúng mức, người ta càng thanh thoát, nhẹ nhõm, không vướng bận hay lo toan điều gì.
Bởi đó, hành trang của trại viên càng nhẹ nhàng bao nhiêu, ăn mặc càng giản dị bao nhiêu, lòng khiêm nhường, tinh thần nghèo khó càng lớn bao nhiêu, người ta càng sống hết mình với giây phút hiện tại, hết mình với không gian, với thời gian.
Nhất là càng thấm đẫm lòng yêu mến tự nhiên, người ta sẽ càng dễ dàng trở về Nguồn Cội Vĩnh Cửu, Đấng đã tác sinh mọi loài.
Hiểu được sự “trút bỏ” là điều cần thiết của người đi cắm trại, ta sẽ dễ hiểu hơn mệnh lệnh lên đường mà Chúa Giêsu trao cho các môn đệ của Người. Đấy cũng là một sự trút bỏ, nhưng còn hơn cả sự “trút bỏ” của người trại viên, môn đệ của Chúa Giêsu phải trút bỏ đến trở nên nghèo khó, một cái nghèo đúng mức, nghèo trọn nghĩa nhất: “Người truyền cho các ông lên đường, đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo”.

Tin Mừng của Chúa Giêsu là Tin Mừng cho người nghèo, Tin Mừng của người nghèo. Do đó chỉ có người nghèo mới có thể nên chứng nhân cho Tin Mừng ấy, mới có thể loan báo Tin Mừng ấy hữu hiệu.
Chúa Giêsu không dạy gì mà Người đã không sống lời dạy ấy. Cả cuộc đời của Người là một bài học lớn cho người môn đệ về sự nghèo khó. Chúa Giêsu trút bỏ hoàn toàn. Sự trút bỏ của Chúa là sự trút bỏ đúng nghĩa nhất (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).
Người đã không dành cho mình một sự riêng tư nào: Là thân phận Thiên Chúa, nhưng đã trở nên người phàm, một sự trút bỏ không thể tưởng tượng. Vậy mà Đấng Thiên Chúa làm người ấy đã chấp nhận sống nghèo, nghèo đến mức không còn gì.
Bạn và tôi chắc không giàu có gì, nhưng khi sinh ra, chắc không ai sinh nơi chuồng thú vật, nằm trên rơm rạ xót xa. Ngược lại, dẫu là người nghèo, ta vẫn còn có một mái nhà ấm áp, một chiếc nôi xinh xắn. Nếu mai này, bạn và tôi có chết, chắc cũng chết trong những điều kiện tươm tất.
Nhưng Chúa Giêsu, cả một đời, từ lúc bắt đầu sinh ra tới khi trưởng thành, chối từ sự sang giàu đã vậy, đến lúc sinh thì, ngay đến manh áo cuối cùng cũng không có, chết trần treo giữa trời giữa đất, chết chung với kẻ trộm cướp, cùng chịu một hình khổ ngang hàng với kẻ trộm cướp...
Chúa Giêsu đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến khi trao hơi thở sau cùng, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả.
Chúa Kitô, nhà truyền giáo đại tài, đã trút bỏ để Tin Mừng Tình yêu lớn lên. Chúa chính là bài học ngàn vàng cho những ai là môn đệ của Người.
"Đừng mang gì ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép và đừng mặc hai áo".
Hôm nay, nghe lại lời dạy ấy của Chúa Giêsu, ta nhận ra, Chúa cũng đang mời gọi mình hãy trút bỏ tất cả những gì là cồng kềnh, những gì là cản trở, là chướng ngại làm cho lời rao giảng Tin Mừng thiếu chứng tá, công cuộc rao giảng Tin Mừng bị khựng lại.
Giống như người đi cắm trại, nếu biết trút bỏ mọi cái không cần thiết, Kitô hữu mới sống hoàn toàn, sống hết mình cho ý nghĩa của việc cắm trại.
Cũng vậy, người đi gieo Lời Chúa, đi cắm rể Lời Chúa sâu trong lòng người, càng phải là người biết trút bỏ mọi vướng bận để việc phục vụ Lời đạt kết quả lớn lao.
Bởi thế, Chúa sai chúng ta ra đi, nhưng hành trang của người môn đệ không là gì khác ngoài đức tin dâng hiến và lòng phó thác. Dâng hiến đến trút bỏ hoàn toàn. Phó thác đến mức trở nên nghèo khó, đến không còn gì. Chỉ có thế, người rao giảng Lời mới trở nên chứng tá cho Lời. Vì chứng tá cho Lời quan trọng hơn nói về Lời.
Chỉ một lối đường duy nhất là trút bỏ: mặc lấy tinh thần nghèo khó, sống lối sống nghèo của Chúa Kitô, chính bạn và chính tôi hy vọng nên chứng tá gieo Lời đạt kết quả.
Thánh Phaolô rất hay, khi một lần nào đó, đã đúc kết bài học trút bỏ của người môn đệ Chúa Kitô bằng những lời rất chân thành và lạc quan:
“Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành; bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi bị mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết; coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúnh tôi luôn vui vẻ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả” (2 Cr 7, 8-10).
Đồng cảm với thánh Phaolô, ta cũng sẽ hiểu rằng, trút bỏ là đánh mất, nhưng kỳ thực, không hề mất mát bất cứ điều gì.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B




LỜI CHÚA: Mc 6, 7-13
7 Người gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ.8Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng;9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo.10 Người bảo các ông: "Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi.11 Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ."12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối.13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
SUY NIỆM
“Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều qủy, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân”
Maccô đã tóm tắt công việc của người môn đề được sai đi trong ba hành vi, rao giảng sự thống hối, trừ quỷ và xức dầu chữa bệnh. Tất cả ba hành vi đó tựu chung một mục đích: phục hồi phẩm giá của con người , phẩm giá mà Thiên Chúa đã trao ban khi tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, với phẩm giá đó con người luôn sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa trong mối dây tương quan bạn hữu, cũng chính trong sự hiệp thông này con người phản chiếu sự thánh thiện của Thiên Chúa có dáng vẻ mỹ miều và được gọi là con Thiên Chúa, cuối cùng chính trong sự hiệp thông với Thiên Chúa con người được dự phần vào sự sống viên mãn của Thiên Chúa.
Thế nhưng mọi ân huệ Thiên Chúa đã ban cho con người đều bị tước đoạt khi con người chống lại lệnh truyền của Thiên Chúa, con người thay vì trung thành với lời giáo huấn của Đấng toàn năng lại nghe theo tiếng cám dỗ của Satan. Quyết định sia lầm của Nguyên tổ đã đưa con người đến bên bờ vực thẳm của hư vong, đó là sự chết. Việc tách rời khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa con người đánh mất phảm giá cao quí của mình, để rồi con người trở về với bản chất ban đầu của mình: một thụ tạo với thân phận bụi tro mỏng dòn. Mỏng dòn như ông Gióp đã thở than: “con người do phụ nữ sinh ra, tuổi đời ngắn ngủi mà âu lo chồng chất. Tựa đóa hoa mới nởi đã tàn, con người qua mau khác nào bóng câu cửa sổ” (Gióp, 14, 1-2). Đó là hậu quả của việc chối từ Thiên Chúa. Cái ngắn ngủi chóng qua của cuộc đời con người đó chưa là hậu quả khốc hại của việc tách rời với Thiên Chúa, cái đau khổ lớn nhất, chính là đánh mất hình ảnh mỹ miều của Thiên Chúa, để thay thế vào đó là khuôn mặt của quỉ dữ phản ảnh sự chết chóc, và làm cho con người bị hủy hoại hòan toàn.
Thiên Chúa không để cho tác phẩm của Ngài bị hư vong, Ngài quyết phục hồi phẩm giá làm người của con người. Đức Kitô, Ngoi Lời Nhập thể, đã đến trần gian với vóc dáng của con ngừoi, để trả lại khuôn mặt đã được thần hóa nơi con ngừoi, khuôn mặt giống hình ảnh Thiên Chúa. Sự phục hồi đó khởi sự bằng chính những điều mà hôm nay qua đoạn Tin Mừng của Maccô đã tường thuật: kêu gọi con ngừoi thống hối. Bởi khởi điểm của việc trở về phải là hành vi nhận ra lỗi lầm, thống hối ăn năn vì lỗi lầm đó. Không có sự khiêm cung để thống hối thì không thể nào tìm lại được tình trạng ân sủng lúc ban đầu. Và động lực để nhận ra lỗi lầm chính là Lời Chúa, các Tông đồ rao giảng Tin Mừng rồi mới kêu gọi thống hối. Vì thế, việc giúp kẻ có tội trở về không phải chỉ ra lỗi lầm của họ, nhưng là nói về tình thương của Thiên Chúa yêu thương kẻ có tội. Việc thống hối chỉ thực sự mang tràn đầy ý nghĩa khi trở về vì nhận ra tình thương chứ không phải vì sợ hãi. Có yêu thương khi trở về mói dứt khoát được các nguyên nhân gây ra lỗi lầm và cụ thể là ma quỉ, có nhận ra tình yêu của Thiên Chúa thì khi thống hối trở về mới hân hoan vì được ở trong ân sủng của Thiên Chúa.
Vì thế, như người môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta cũng sẽ tiếp tục công việc Chúa gởi trao cho các môn đệ, chúng ta cũng sẵn sàng lên đường để kêu gọi kẻ có tội quay gót trở về, nhưng trên hết mọi sự chúng ta phải là những con người tràn đầy tình mến và là nhịp cầu để khích lệ kẻ có tội thống hối trở về bằng chính đời sống hiệp thông với Thiên Chúa của chúng ta. Amen
Lm. Antôn Hà Văn Minh