Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 32 Thường Niên - B

11/11. Thứ Tư. Kn 6,1-11; Lc 17, 11-19
Bài Ðọc I - Kn 6,1-11
Hỡi các vua chúa, hãy nghe và hãy hiểu. Hỡi các thủ lãnh trần gian, hãy học biết. Hỡi các vị lãnh đạo quần chúng, các ngươi kiêu hãnh, vì dân các ngươi đông đảo, xin lắng nghe: Quyền bính của các ngươi là do Chúa ban, và uy lực của các ngươi cũng do Ðấng Tối Cao. Người sẽ chất vấn mọi hành động và kiểm soát những tư tưởng các ngươi. Vì nếu các ngươi là những quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiên Chúa, thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ. Vì đối với những kẻ cầm quyền, Người sẽ xét xử nghiêm nhặt. Ðối với những kẻ thấp hèn, thì Người sẽ thương xót, còn những người quyền thế, Người sẽ lấy quyền thế mà trừng trị. Thiên Chúa không lùi bước trước mặt ai, chẳng sợ chức bậc nào, vì kẻ hèn người sang đều do chính Người tác tạo, và Người săn sóc tất cả đồng đều. Nhưng Người sẽ xét xử nghiêm nhặt hạng quyền thế. Vậy hỡi các vua chúa, đây là lời ta nói với các ngươi, để các ngươi học biết sự khôn ngoan và khỏi sa ngã. Vì chưng, những ai kính cẩn nắm giữ những điều công chính, sẽ nên người công chính, và những ai học hỏi các điều này, sẽ biết cách trả lời. Vậy các ngươi hãy say mến lời ta, thì các ngươi sẽ được giáo huấn.
Tin Mừng - Lc 17, 11-19
Khi Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ, Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người: Mà người ấy lại là người xứ Samaria. Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Suy niệm
Nếu các ngươi là những người quản lý nước Chúa mà không xét xử công minh, không giữ luật công bình, không sống theo thánh ý Thiện Chúa thì Người sẽ xuất hiện trên các ngươi cách kinh hoàng mau lẹ.
Đây không chỉ là lời cảnh cáo cho những người có quyền cao chức trọng, nhưng đây là lời cảnh cáo cho tất cả mọi Kitô hữu nói chung. Chúa sẽ xét xử khoan hồng cho những người thấp hèn, cho nhũng người không biết luật Chúa, nhưng Người sẽ đòi hỏi gắt gao nơi những người lãnh đạo, nơi những người đã thông hiểu luật Chúa, nhất là những ai biết luật mà phạm luật, mà làm ngơ trước việc phải làm, mà lơ là trong trách vụ, mà trở nên gương mù gương xấu cho người khác.
Bài Tin mừng hôm nay cũng thế, Chúa đề cao người phong cùi ngoại giáo hơn những người có đạo. Người có đạo hiểu luật, biết luật nhưng lại thiếu đi lòng biết ơn, thiếu khôn ngoan trong cách ứng xử nên Chúa đặt vấn đề: chín người có đạo kia đâu, sao chỉ có người ngoại giáo này?

Lạy Chúa,Chúa ban cho chúng con nhiều quyền cao chức trọng để lãnh đạo. Chúa ban cho con sự khôn ngoan để đào sâu thánh ý Chúa. Chúa ban cho con nhiều người hướng dẫn đời sống đức tin. Vậy mà nhiều lúc chúng con lơ là, chểnh mảng, bê trễ, lôi thôi trong chức vụ mình. Xin Chúa giúp chúng con ý thức lại cách sống, cách ứng xử để khỏi bị Chúa xét xử cách gắt gao trong ngày trình diện với Chúa.

Thứ Tư Tuần XXXII thường niên năm B

Lc 17,11-19
Có một gia đình kia, đến ngày sinh nhật của vợ của chồng hay của những đứa con trong gia đình, họ đều chuẩn bị sửa soạn để cho ngày sinh nhật diễn ra tốt đẹp và họ thuộc lòng ngày sinh nhật của nhau. Duy chỉ một người đang sống trong gia đình họ mà không ai nghĩ đến, không ai nhớ đến, đó là ông nội già yếu đang phải chống trả với những cơn đau nhói. Và cho đến một ngày - ngày ông nội mất.
Chồng hỏi vợ: Sinh nhật ông ngày nào?
Vợ hỏi lại chồng: Ngày nào là ngày sinh của ông?
Con cái hỏi cha mẹ: Ông sinh ngày tháng nào hả ba mẹ?
Vậy là tất cả mọi người phải tất bật đi tìm ngày sinh cho ông trong chứng minh nhân dân để làm bia mộ cho ông.
Đó là ngày sinh nhật đầu tiên và cuối cùng của ông mà mọi người nhớ đến.
Kính thưa…Sống trong cuộc đời, cám ơn người đã làm ơn cho mình là chuyện hết sức bình thường. Nhưng quên ơn người khác, đáng ra phải là chuyện bất thường, lại cũng trở nên hết sức bình thường. Con quên ơn cha mẹ. Trò quên ơn thầy cô. Bạn bè phụ bạc lẫn nhau. . . Có khi làm ơn mắc oán khiến chúng ta cũng ngại khi phải giúp đỡ ai!
Người Việt nam từ xưa đến nay vẫn quan niệm: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”. Đó là tấm lòng biết ơn của người thụ ơn dành cho người làm ơn. Lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp. Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, và là phép xã giao hết sức bình thường của một con người. Sống trong cuộc sống hôm nay cần phải cư xử như vậy mới gọi là người biết điều. 
Đối lập với sự biết ơn, dân Việt chúng ta cũng có những câu nói diễn tả kẻ vô ơn: “Ăn cháo đá bát”. “Vắt chanh bỏ vỏ”. “Có trăng phụ đèn”. “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải”. 
Chúa Giêsu đã làm bao điều tốt đẹp cho người thời của Ngài. Nhưng ít khi Tân Ước nói đến chuyện họ cám ơn, mà Chúa Giêsu cũng chẳng bao giờ đòi ai cám ơn mình sau phép lạ. Bởi đó trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe hôm nay thật độc đáo. Mười người phong ở với nhau trong một ngôi làng. Họ biết tiếng của Chúa Giêsu và biết cả tên của Ngài.Họ vui mừng thấy Ngài vào làng, nhưng họ chỉ được phép đứng xa xa.Tiếng kêu của họ vừa bi ai, vừa đầy hy vọng được chữa lành:“Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi!”. Họ đã tin tưởng, vâng phục, ra đi theo như lời dặn dò của Chúa, và được khỏi bệnh. Chỉ có một người, khi thấy mình được khỏi, liền quay lại. Anh ấy lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa, và sấp mình tạ ơn Chúa Giêsu.Đó không phải là người có đạo mà là một người Samaria, người ngoại giáo.
Chúa Giêsu đã nuối tiếc cách cư xử vô ơn của 9 người kia khi Ngài thốt lên:“Không phải cả mười người được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.
Kính thưa…Lời tiếc xót này dường như cũng đang dành cho mỗi người chúng ta hôm nay. Có quá nhiều lần chúng ta nhận ơn nhưng lại thiếu lời cám ơn. Chúng ta còn thiếu quan tâm đến những người đã giúp đỡ chúng ta, đôi khi còn làm cho họ phiền lòng. Con cái làm phiền lòng cha mẹ mặc dù cha mẹ đã cả đời lam lũ vì con. Vợ chồng gây đau khổ cho nhau mặc dù họ đã dâng hiến cuộc đời cho ta. Bạn bè phụ ơn nhau mặc dầu những gì chúng ta có đều do bạn bè nâng đỡ, sẻ chia. Nhất là, chúng ta cũng từng quên ơn Chúa. Chúng ta đến xin ơn Chúa thì nhiều mà lại quên cám ơn Chúa. Đôi khi chúng ta còn tự cao tự đại nghĩ rằng những gì mình có là do tài năng của mình, thế nên, ta không cảm thấy hối hận vì quên cám ơn.
Lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Đối với anh chị em, một tiếng nói “cám ơn” với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho cuộc sống chung thêm đẹp, thêm ý nghĩa. Còn đối với Thiên Chúa, Thánh Lễ chính là lời cám ơn tuyệt vời nhất mà chúng ta có thể dâng lên Chúa vì thế chúng ta hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ một cách sốt sắng.
Ước gì noi gương người Samaria, chúng ta biết nhìn ra ân huệ và tình thương của Thiên Chúa dành cho mình, để chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa, và tôn vinh tình thương Chúa. Xin cho chúng ta cũng biết nhận ra tình thương của tha nhân dành cho chúng ta, để chúng ta luôn sống tâm tình tri ân và đền đáp tình yêu. 
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến thế gian để cứu thoát chúng con phần xác phần hồn, chúng con không thể cám ơn Chúa cho xứng đáng. Xin Chúa cho chúng con sốt sắng thực hiện các việc đạo đức với tâm tình tạ ơn, vì mọi sự chúng con có là do Chúa ban cho, biết vượt qua mọi ràng buộc để chúng con được thờ phượng Chúa cách tự do cho phải đạo làm con, và tỏ lòng cám ơn Chúa, tôn vinh Chúa cho xứng đáng. Amen

Thứ Ba, tuần 32 mùa Thường Niên (Lc 17, 7-10)



Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau!”? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Ðối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
Suy niệm:
Ngày nay, với sự phát triển cao của khoa học kỹ thuật, kinh tế… con người có nhiều tiện nghi và hưởng thụ nhiều hơn. Nhưng đồng thời, cũng chính trong xã hội đó, con người ngày càng trở nên ích kỷ, tự mãn hơn với thành quả của mình, cái tôi được đề cao quá mức. Lời Chúa hôm nay mời gọi ta nhìn cuộc đời như việc phục vụ; phục vụ Thiên Chúa và phục vụ nhau như một người “tôi tớ”.

Trong mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, chúng ta biết rằng Thiên Chúa chính là Đấng Sáng Tạo, là Chúa của ta. Tất cả những gì chúng ta có: Thời gian, sức khỏe, tài năng, … đều là hồng ân Chúa ban cho và chúng ta phải sử dụng những hồng ân đó để phục vụ Chúa và tha nhân.

“Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Chúa dạy chúng ta khi làm việc và hoàn thành công việc cần ý thức rằng chúng ta là những “tôi tớ” và hơn thế nữa là “tôi tớ vô dụng” chỉ làm công việc bổn phận mà thôi. Trước khi dạy chúng ta làm như thế, chính Chúa Giê-su đã nêu gương sáng cho ta về sự phục vụ trong khiêm nhường, Chúa đã tự trở nên tôi tớ, tự xóa mình đi “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mt 21,33). Vì thế, khi hoàn thành công việc phục vụ, ta không tự hào về thành quả, không tự mãn về công trạng, cũng chẳng cao ngạo đòi Chúa phải thưởng công cho mình những quyền lợi hay phần thưởng đặc biệt xứng với công trạng của mình.

Chính khi tự đặt mình vào địa vị người “tôi tớ” và phục vụ trong sự khiêm tốn thẳm sâu, thì đó chính là lúc chúng ta đang sống và hành động theo cung cách mà Chúa dạy.

Lạy Chúa Giê-su, hôm nay Chúa dạy con biết được vị thế con, là “đầy tớ vô dụng”, chỉ làm công việc bổn phận của mình. Trong khi đó, rất nhiều khi con tự hào về con người, thành quả, công sức mình đóng góp cho Giáo hội và xã hội. Xin giúp con sống tinh thần tôi tớ, phục vụ trong khiêm nhường như Chúa dạy. Amen.



THỨ BA SAU CN 32 TN B

Lc 17,7-10
Nhân vật nổi tiếng trong Giáo Hội hiện nay được thế giới nhắc đến nhiều nhất, hẳn phải là Mẹ Têrêsa Calcutta, Mẹ đã được Đức Thánh GH Gioan Phaolô II phong lên hàng chân phước và là người đã được nhiều giải thưởng nhất : Đức Phaolô VI trao Mẹ giải Gioan XXIII vì hòa bình; Mẹ nhận giải thưởng Kennedy do chính phủ Hoa Kỳ tặng và tất cả số tiền nhận được, Mẹ đã dùng để xây dựng trung tâm Kennedy tại một khu ổ chuột ở ngoại ô Calcutta; tháng 12/1972 chính phủ Ấn nhìn nhận sự đóng góp của Mẹ và trao tặng Mẹ giải Nêru; nhưng đáng kể hơn vẫn là giải Nobel Hòa bình năm 1979, đây là giải thưởng đã làm cho tên tuổi Mẹ Têrêsa được cả thế giới biết đến. khi nhận được giải thưởng cao quí này, một viên chức chính phủ Ấn Độ đã gọi điện để chúc mừng, Mẹ đã trả lời: "Tất cả vì vinh quang Chúa".
Vâng, kính thưa…"Tất cả vì vinh quang Chúa", đó là động lực thúc đẩy Mẹ Têrêsa dấn thân phục vụ người nghèo trên khắp thế giới. Dù với bao nhiêu danh vọng và tiền bạc do các giải thưởng mang lại, nhưng Mẹ vẫn tiếp tục là một nữ tu hết sức khiêm tốn, nghèo khó, và làm việc âm thầm giữa những người nghèo khổ nhất. Với Mẹ Têrêsa, mỗi giải thưởng là một bàn đạp mới, một khởi đầu cho một công trình phục vụ to lớn hơn và làm cho nhiều người biết đến và ngợi khen Thiên Chúa nhiều hơn.
Qua cuộc đời của Mẹ Têrêsa, chắc chắn thế giới hiểu hơn về tinh thần phục vụ đích thực trong Giáo Hội. Một Giáo Hội càng phục vụ thì bộ mặt của Chúa Kitô phục vụ càng sáng hơn; trái lại, khuôn mặt của Chúa Kitô sẽ lu mờ đi, nếu Giáo Hội chưa thể hiện được tinh thần phục vụ đích thực của Ngài.
Trở lại trang TM hôm nay, lời khuyên của Chúa Giêsu có vẻ lạ tai. Ngài khuyên chúng ta hãy tự nhận mình là những người đầy tớ vô dụng, không làm được gì hơn là phận sự phải làm. Qua những lời ấy, phải chăng Chúa Giêsu có ý coi thường công lao phục vụ của chúng ta và không tôn trọng chúng ta cho đủ ? Hoàn toàn không, Ngài chỉ muốn thiết tha mời gọi chúng ta hãy có tinh thần khiêm tốn như Mẹ Têrêxa, và giống như Ngài trong khi làm công việc bác ái phục vụ. Ngài chỉ muốn vạch ra cho chúng ta con đường để chúng ta được nên giống như Ngài. Thật vậy, trước khi khuyên chúng ta sống như tôi tớ và tự nhận mình là tôi tớ vô dụng, chính Chúa Giêsu đã tự trở nên tôi tớ, tự xóa mình đi và không hề kể công trước mặt Cha trên trời. Làm được gì, nói được gì, Ngài cũng đều nhận là chính do bởi Cha mà Ngài làm hoặc nói như thế. Nối tiếp Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu còn nâng chúng ta lên hàng bạn hữu của Ngài, thậm chí đã làm tôi tớ cho chúng ta, tôn chúng ta lên hàng người chủ của Ngài. Đó là điều Ngài đích thân thực hiện trong quãng đời tại thế và nhất là trong cuộc đau khổ nạn của Ngài: Ngài đã đến, không phải để được hầu hạ, nhưng là để hầu hạ (Mt 20,28).
Đặc biệt, mỗi khi Thánh lễ được cử hành, chúng ta lại thấy chúng ta đúng là những vị khách quí, những người chủ được Chúa Giêsu phục dịch bằng cách thí mạng sống Ngài và trở nên bánh nuôi dưỡng chúng ta. Đây lại là lúc Ngài tự hủy chính mình, trở thành tôi tớ vì chúng ta. Gương mẫu đó của Ngài thôi thúc chúng ta phải trở nên khiêm tốn hơn trong khi phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình, đồng thời khích lệ chúng ta trong việc coi thường mọi tước vị vinh hoa của thế gian, để chọn suốt làm đầy tớ cho Thiên Chúa. Amen.