Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

24.07.2015 – Thứ sáu Tuần 16 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 18-23
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo vào đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
Suy niệm
Từ công việc đồng áng quen thuộc của người nông dân, Chúa Giêsu dẫn chúng ta tới đời sống tâm linh, cụ thể là việc lắng nghe và sống Lời Chúa. Tâm hồn mỗi người là những mảnh đất khác nhau: bên vệ đường, nơi sỏi đá, trong bụi gai hay mảnh đất tốt. Hạt giống là Lời Hằng Sống được Thiên Chúa gieo vào tâm hồn mỗi người. Tuy vậy, Lời Chúa chỉ có thể sinh hoa kết quả dồi dào nơi một mảnh đất tốt, tức là một tâm hồn biết đón nhận và sống Lời Chúa. Hiệu quả của Lời Chúa cốt yếu tùy thuộc vào cách thế đón nhận và lối sống của mỗi người.
Lắng nghe Lời Chúa hôm nay, mỗi chúng ta được mời gọi trở về lòng mình để xét lại mảnh đất tâm hồn. Tâm hồn tôi thuộc loại đất nào? Đất vệ đường, đất sỏi đá, đất đầy gai hay đất phì nhiêu màu mỡ? Hạt giống Lời Chúa đã được gieo trong mảnh đất tâm hồn của tôi, nhưng tôi tiếp nhận và chăm sóc hạt giống Lời Chúa thế nào?... Mỗi chúng ta hãy tự trả lời cho chính mình, trong thinh lặng và cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Quyết tâm dọn sạch lòng mình khỏi sỏi đá, gai góc – là những bộn bề, lo toan của cuộc sống – không bao giờ là dư thừa hay quá muộn. Hãy làm cho Lời Chúa sinh hoa trái trong mảnh đất tâm hồn, để Chúa là chủ và mục đích tối hậu của cuộc sống ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết dọn dẹp và chăm sóc mảnh đất tâm hôn mình, để Lời Chúa luôn sinh hoa kết trái nơi cuộc đời chúng con. Nguyện xin Chúa, qua Lời Hằng Sống của Chúa, hướng dẫn, nuôi dưỡng, nâng đỡ đời sống chúng con mỗi ngày. Amen.

Thứ Năm Tuần XVI Thường Niên


MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI
Lời Chúa: Mt 13, 10-17
10Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” 11 Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. 12Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. 13Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. 14Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; 15vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành. 16“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. 17Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
Suy niệm:
Mầu nhiệm Nước Trời là một chủ đề xuyên suốt trong Tin mừng theo thánh Mát-thêu, với 37 lần xuất hiện hạn từ “Nước Trời”. Ngay từ ngày đầu tiên đi rao giảng Đức Giêsu đã nói: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” (Mt 4, 17). Tin Mừng thánh Mát-thêu đã dùng tới 4 chương (từ chương 11 đến chương 13) để nói về mầu nhiệm Nước Trời, mà trong đó chương 13 Đức Giêsu đã thuần túy dùng các dụ ngôn để diễn tả về Nước Trời. Điều này cho thấy trong nhiệm cục cứu độ của Đức Giêsu, việc rao giảng về mầu nhiệm Nước Trời như một trọng tâm không thể bỏ qua, một nhiệm vụ tối cần thiết.
Tuy nhiên, Nước Trời là một thực tại siêu việt không thể diễn tả bằng ngôn ngữ loài người, và nếu có thể diễn tả được, thì con người cũng không thể hiểu nổi vì nó vượt khỏi thế giới khả giác này. Một thực tại mà theo cách nói của thánh Phao-lô, mắt con người chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe và lòng người không hề nghĩ tới, bởi đó là sự khôn ngoan của Thiên Chúa (x. 1Cr 2, 9). Do đó, lối diễn tả bằng dụ ngôn là cách thế hữu hiệu nhất, bởi nó không bị thu hẹp trong những định nghĩa nhưng vươn ra khỏi ngôn từ, đi sâu vào tâm hồn người nghe theo cách cảm nhận của lòng họ. Nếu lòng họ nhạy bén với một niềm tin vào Thiên Chúa thì họ sẽ hiểu, bằng không, điều họ nghe chỉ là cái gì đó thật bí ẩn và khó hiểu.
Quả vậy, không phải ai cũng có thể nghe và thể hiểu về mầu nhiệm Nước Trời. Các môn đệ là những người đã đi theo Chúa, đã tin vào Đấng Mesia, được sự thúc bách của Thần Khí nên các ông có thể hiểu về những gì Chúa Giêsu rao giảng. Đức Giêsu nói đó là một ơn ban (c. 12) và các con thật có phúc (c. 16-17) hãy tạ ơn vì điều đó. Còn những người nghe khác, nhất là những ai có tâm hồn đầy kiêu hãnh, khép kín và định kiến (như các kinh sư và các Pha-ri-sêu chẳng hạn) thì không tài nào hiểu được, vì lòng họ đã ra chai đá và không còn muốn biết thêm điều gì ngoài luật cũ của Mô-sê.
Lạy Chúa, ơn hoán cải là điều rất cần thiết cho tâm hồn chai đá của mỗi chúng con. Nguyện xin tình yêu Ngài thanh tẩy cõi lòng, để nhờ đó chúng con có thể đón nhận những giá trị siêu việt của Tin Mừng khi nghe Lời Chúa và nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống hằng ngày. Amen.
Xuân Hạ, OMI

HIỂU LẦM


Ai trong chúng ta cũng có lúc bị hiểu lầm. Chính bản thân ta cũng đôi lần ngộ nhận về tha nhân. Tuy nhiên, phản ứng của chúng ta khi bị hiểu lầm thì không giống nhau. Câu chuyện Trác Mậu gợi lên một phản ứng hiếm thấy thời nay, ngay cả những nơi những người có đạo, các Kitô hữu.


Trác Mậu là người huyện Uyển thời Tây Hán. Tổ phụ và cha của ông đều là quan địa phương. Từ nhỏ ông đã được sống cùng sách vở thánh hiền. Thời Hán Nguyên Đế ông đến kinh đô Trường An tìm thầy học, người thầy này chính là tiến sĩ Giang Sinh trong triều. Dưới sự chỉ bảo của thầy, ông sớm tinh thông các kinh điển, trước tác như "Kinh Thu”, "Lễ Ký", tường thiên văn, nhân văn, địa lý. Ông còn tận tâm theo học tư tưởng của thầy mình. Với sự khổ luyện âm thầm đó, cuối cùng thì ông cũng trở thành một nho sĩ uyên thâm. Trong đám bạn học, ông nổi tiếng là người nhân hậu, đối với bậc tiền bối, bậc thầy ông một lòng cung kính, đối với đồng hương, bạn cùng trang lứa dù là quan hay dân ông đều quý mến, tôn trọng như nhau.

Học thức của Trác Mậu và phẩm cách của ông được mọi người ngợi ca. Thừa tướng phủ thấy vậy bèn triệu ông vào phủ, phong cho một chức vị. Một lần ông vừa đuổi ngựa ra tới đầu ngõ, có người đi qua nhìn ngựa của ông và nói: "Đây là con ngựa mà tôi bị mất", Trác Mậu hỏi: ngựa của ông mất khi nào", người này đáp: "Hơn một tháng rồi". Trác Mậu nghĩ, con ngựa này mình nuôi đã mấy năm nay, không thể là ngựa của ông ta được, chắc là có nhầm lẫn gì. Tuy vậy ông vẫn giao ngựa cho người này và nói: "Nếu như không phải ngựa của ông thì hy vọng ông sẽ đem nó đến phủ thừa tướng trả cho tôi.

Mấy ngày sau, người này tìm thấy ngựa của mình ở nơi khác, bèn đến phủ trả ngựa cho Trác Mậu và xin lỗi ông. (*)
* * *
Tính cách quân tử hay khéo xử của Trác Mậu là không thích cãi nhau, vì sự hòa thuận sẵn sàng chịu thiệt. Có lẽ nhiều người ngày nay không đồng tình với lối ứng xử này và cho là dại dột, gây thiệt hại cho bản thân và còn liên lụy đến thân nhân nữa.

Mạnh Tử nói thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Cốt cách nhà nho của Trác Mậu khiến người đời khâm phục. Nhưng để có được điều này thì không dễ dàng chút nào mà nó phải trải qua một quá trình rèn luyện, tu dưỡng.

Tục ngữ có câu: chịu thiệt là phúc. Người biết chấp nhận thiệt thòi thì mới có thể bỏ qua được cái mất cá nhân trước mắt, mới có thể kết bạn rộng và hòa đồng được với mọi người (*).

Khi bị kết án oan và trước bao lời thách thức nói hay làm, Thầy Giêsu đã chọn thái độ im lặng, với tất cả tự do, không thanh minh mà cũng chẳng tranh cãi. Làm sao một bậc thánh hiền, uy tín trong lời nói cũng như việc làm lại có thể bất động trước bao lời sỉ vả, nhục mạ như thế? Vì sao một Thiên Chúa toàn năng và quyền phép lại có thể làm thinh, để cho người ta hành hình và xử tử như thế?

Chỉ có một tình yêu không giới hạn và sự vâng phục toàn vẹn Ý Cha mới khiến cho Chúa Giêsu phản ứng “ngược đời” như thế!

Phần tôi, dù nhiều năm tập sống theo Chúa Giêsu, nhưng vì “cái tôi” còn khá lớn, mà tình yêu thì giới hạn và sự thuần phục thiên ý thì còn tương đối lắm, nên dễ rơi vào sự bất an khi bị hiểu lầm. Tại sao tôi dễ bị tổn thương trước lời đánh giá thấp hay khi thiện chí của mình bị hiểu lầm? Vì sao tôi lại chấp nhất nhận xét của người phàm hay thầm mong được ca ngợi? Tất nhiên, để canh tân đời sống, một đàng, bản thân cần kiểm điểm lại cách thế làm hoặc cách thức biểu hiện ý hướng tốt lành của mình – để tránh gây ngộ nhận; nhưng đàng khác cần dám nhìn nhận rằng mình chưa sống xác tín: Thiên Chúa là “Cha anh em, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn” sẽ ân thưởng cho mọi người xứng với việc họ làm.

---------------------------------------------
(*) Đường Nhạn Sinh, Mưu Trí Thời Tần Hán, chương 65.

Tâm Đạo

MẸO THA THỨ


Cuộc sống thường nhật có bao điều bạn bực mình: Tiếng ồn, thất bại, lo sợ, bệnh tật, cơm áo gạo tiền, thời tiết, nỗi buồn, công việc, tình yêu gia đình, giao tiếp, xóm giềng, học hành, giao thông, thị trường, dịch bệnh… Bạn phải chịu đựng nhiều thứ. Để không cằn nhằn người khác và có thể chịu đựng sự khó tính của người khác, quả thật không dễ chút nào. Vậy làm sao có thể tự giải thoát mình?


Các bậc cha mẹ thường hay chỉ trích con cái. Các chủ nhân luôn trách mắng và nhìn công nhân của mình bằng con mắt xoi mói. Vợ chồng cũng thiếu tôn trọng nhau, ưa áp đặt và nghi ngờ nhau. Các mối quan hệ khác cũng gặp nhiều phức tạp. Họ làm mất lòng nhau bằng nhiều cách. Thậm chí có những vết thương lòng vẫn nhức nhối sau nhiều năm. Giữa chúng ta có nhiều dạng ác cảm, làm những điều ác cho nhau, nói xấu nhau đủ điều, thậm chí là trả thù nhau. Có người còn biết nghĩ lại, hối hận, nhưng có người không hề tỏ ra hối tiếc vì lương tâm đã chai lì.

Cách tốt nhất để thanh thản tâm hồn là luôn chống lại ý nghĩ trả thù, luôn tâm niệm ba chữ “Tôi Tha Thứ” (nguyên tắc 3T). Đó là biện pháp tuyệt vời có thể giúp bạn chịu đựng những gì làm bạn phiền lòng. Tha thứ có giá trị tuyệt đối trong cuộc sống.
Tha thứ không có nghĩa là đầu hàng, chịu thua, chịu lép vế, mà là “bỏ qua”, là CAO THƯỢNG. Robin Casarjian giải thích: “Khi tha thứ, bạn không còn lệ thuộc vào người đã làm bạn đau lòng”. Tha thứ kéo bạn ra khỏi sự giận dữ của người khác và cho phép bạn sống thanh thản.

Nêu sự tha thứ là điều tốt như vậy mà tại sao vẫn có nhiều người tích lũy cơn giận trong lòng? Đó là muốn trả thù để chứng tỏ mình không yếu thế. Chẳng qua là thua kém người khác nên mới hùng hổ lên cơn tức giận. Thế nhưng, chính sự tha thứ mới tạo nên sức mạnh thực sự, kiểu “mưa dầm thấm sâu”. Khi tha thứ, người ta cân nhắc kỹ lưỡng. Dù cho người kia có xứng đáng được tha thứ hay không thì vẫn không thành vấn đề, mà chỉ vì mình xứng đáng tự do. Đây còn là động thái cao thượng của một công tử. Chịu đựng để có thể tha thứ.

Một lý do khác mà chúng ta có thể từ chối tha thứ là cảm thấy bạc nhược hoặc quy phục. Có người cho rằng tha thứ là nhận mình sai và người kia đúng. Nhưng tha thứ không là miễn trừ cơn giận đổ lên người khác mà là “rút dao ra khỏi vết thương”. Tha thứ là “bỏ qua” các lỗi lầm mà người khác đã làm cho mình, nhưng phải “bỏ qua” với cả lòng tự trọng và tôn trọng – kèm theo lòng yêu thương chân thành.

Nhưng cũng có khi người khác không hề biết nỗi đau lòng của bạn mặc cho bạn phải âm thầm chịu đựng. Nếu biết tha thứ, bạn sẽ không phải khổ sở nữa. Tha thứ vẫn hữu ích cho các trường hợp như thất tình, bị hiểu lầm, bị ghen ghét,…

Tha thứ tốt cho cả thể lý lẫn tinh thần. Trong cuốn Anger Kills, tiến sĩ Reddford Williams viết: “Cứ nhớ mãi về nỗi đau quá khứ thì sức khỏe sẽ suy yếu. Đơn giản như nhớ mãi một chuyện bực mình thì bạn sẽ căng thẳng và tim bị ảnh hưởng”. Về tình yêu tan vỡ, đại văn hào R. Tagore nói: “Khôn ngoan gì mà đau khổ mãi vì một người đã mang trái tim họ đi xa!”. Các ý nghĩa tiêu cực cũng có liên quan tới cao huyết áp, động mạch vành và dễ bị chứng bệnh khác. Sống cởi mở và thanh thản có thể làm tăng hệ miễn nhiễm. Chỉ cần một giây để xúc phạm người khác, có khi gây tổn thương trầm trọng, nhưng sự tha thứ lại cần nhiều thời gian. Mới đầu, bạn cảm thấy các tình cảm tiêu cực như tức giận, buồn bã, và xấu hổ. Sau đó bạn biến chúng thành tích cực hoặc làm giảm dần “mức căng”. Đặc biệt là học cách nhìn người khác bằng ánh mắt khác trong sáng hơn. Người hại mình sẽ trở thành yếu thế, bị động, như ngồi trên đống lửa. Người Việt Nam có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Cổ nhân cũng đã minh định: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (Ngậm máu phun người, trước tiên bẩn miệng mình). Chí lý lắm thay!

Có người lại không thể đạt tới chặng cuối của sự tha thứ. Đó là những người bị tổn thương từ thuở ấu thơ, bị sỉ nhục bởi chính những người mà họ yêu thương và tin tưởng – như bị lạm dụng tình dục, bị bạo hành thể lý hoặc tâm lý, bị cưỡng dâm, bị khinh miệt,… Dù không có sự tha thứ trọn vẹn, họ vẫn có lợi nhờ biết tha thứ một phần. Nếu cảm thấy khó tha thứ, hoặc muốn tha thứ mà không biết bắt đầu từ đâu, xin bạn hãy thử áp dụng 7 cách này:

1. Vi mô. Luyện tập tha thứ những lỗi nhỏ của người xa lạ – chẳng hạn bị tính gian mất vài ngàn đồng, bị “chơi gác” một chút… Dần dần, bạn sẽ có thể tha thứ những lỗi lớn hơn một cách dễ dàng hơn.

2. Giải thoát. Tự vượt qua nỗi thất vọng và kiềm chế cơn giận đối với người thân và bạn bè, hoặc những người mà mình tín cẩn. Nhờ vậy, bạn thấy “mạnh mẽ” hơn và rồi bạn cũng sẽ được nhận biết. Bạn vẫn có thể để tình cảm của mình tự do mà không hề giận dữ, không dùng ngôn ngữ hoặc ngữ điệu “khó nghe”, và bạn sẽ không phải hối tiếc về sau.

Phương pháp “hả giận” cũng có hiệu quả – như đấm vào gối bông, bỏ đi chỗ khác, những tuyệt đối không đập phá đồ đạc hoặc “đá mèo, khoèo rế”. Nếu không tức giận tột độ, bạn hãy đọc sách báo. Đừng “giận cá chém thớt” như phóng xe bạt mạng, chửi “đổng” (chửi cho hàng xóm nghe, cho trời đất nghe)… Đó là cách biểu lộ tiêu cực và “hạ cấp”, nên tránh!

3. Chứng minh. Nếu thực sự cần thiết, bạn hãy viết thư hoặc gởi email (nếu ở xa), hoặc gặp trực tiếp để tìm hiểu sự thật bằng cách nói ôn hòa và tích cực xây dựng, chứ không nguyền rủa hoặc chỉ trích “đối phương”. Chẳng hạn, “Tôi cảm thấy…” hoặc “Tôi không hiểu…”. Hãy diễn tả sự ảnh hưởng đối với bạn vì cách xử sự của người kia, đồng thời bày tỏ thiện chí “đàm phán” để có thể giải quyết vấn đề ổn thỏa, gọi là “dĩ hòa vi quý”.

4. Mặc nhiên. Đối với tội loạn luân, cưỡng dâm và các tội phạm khác, nạn nhân có thể tránh né tha thứ trực tiếp, vì việc gặp nhau để “đối chất” sẽ… không an toàn! Thật vậy, không cần “đối diện”. Đó là sự tha thứ mặc nhiên. Người được tha thứ có thể không nhận ra lỗi và không bao giờ biết mình được tha thứ. Ví như người say rượu không biết mình nói gì hoặc nghe gì. Điều quan trọng là bạn đừng để cho cơn giận dữ lộng hành, vì không ai ngu dại đến nỗi căng buồm ra khơi khi trời đang giông tố!

5. Lắng nghe. Nếu đối diện với người làm tổn thương mình, bạn hãy lắng nghe và chỉ nói về những gì bạn đã nghe. Làm như vậy, bạn sẽ bắt đầu có cách nhìn khác và dễ dàng tha thứ hơn. Im lặng và lắng nghe, đó là cửa mở rộng đưa bạn thanh thản bước vào vùng bình yên của sự tha thứ tuyệt vời.

6. Suy tư. “Nhân vô thập toàn”. Con người luôn bất túc và bất trác. Hãy đợi đến lúc lòng mình lắng xuống, chọn khung cảnh yên tĩnh và suy tư. Chắc chắn bạn sẽ đủ sáng suốt để có thể quyết định đúng đắn, không gì tốt hơn là yêu thương và tha thứ. Suy tư là cách hữu hiệu để nhận biết chính mình và thông cảm với những người xung quanh. Đừng bao giờ quên: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”.

7. Hướng thiện. Nhờ hướng tới Chân-Thiện-Mỹ và tương lai, bạn có thể sớm đạt tới “đích” tha thứ. Hai chị em tị nạnh nhau về việc chăm sóc người mẹ bệnh tật. Cô ở gần than phiền về gánh nặng vất vả và hàng ngày phải lo cơm nước và thuốc thang cho mẹ, đích thân làm đủ thứ. Cô ở xa chỉ gửi tiền về, lâu lâu mới đến thăm được. Cô ở gần thì bực tức và luôn gắt gỏng. Cô ở xa thì chỉ biết im lặng và bỏ qua tất cả để giữ tình chị em. Một câu nhịn, chín câu lành. Thời gian là bằng chứng hùng hồn nhất.

Sự hướng thiện sẽ dẫn tới sự tha thứ, và sự tha thứ dẫn tới sự bình an tâm hồn. Sidney Simon nói: “Sự tha thứ làm cho bạn cười nhiều, có thể cảm nhận sâu xa, và trở nên liên kết với người khác nhiều hơn”. Chính sự tha thứ là thần dược mau chữa lành vết thương lòng. Vả lại, chính lúc mình tha thứ là lúc mình được thứ tha.

Tuy nhiên, tưởng cũng nên xác định rằng “tha thứ không có nghĩa là quên”. Có lẽ hơi… “khó nghe” chăng? Không đâu. Chúng ta không thể quên nỗi đau hoặc điều thiệt hại, và cũng không nên quên, vì bị lừa lần một thì không do lỗi mình, nhưng bị lừa lần hai thì do lỗi mình. Chính những “kinh nghiệm đau lòng” đó dạy chúng ta đừng bị lừa thêm lần nữa – còn được gọi là “kinh nghiệm xương máu”. Ở một góc độ nào đó, giống như “một sự bất tín, vạn sự chẳng tin” là vậy. Con chim bị bắn hụt một lần rồi thì nó sẽ khôn hơn.

Không để bị lừa lần nữa và không lừa ai, đó là những người khôn ngoan. Tha thứ là việc khó nhưng vẫn khả thi, càng khó thực hiện thì việc đó càng có giá trị cao. Bị khiêu khích mà không giận thì hoặc là kẻ tiểu nhân, hoặc là người quân tử và cao thượng. Sự tha thứ luôn luôn cần thiết, vì có tha thứ thì mới có thể tái lập hòa bình và bình thường hóa quan hệ – ở mọi cấp độ khác nhau. Đôi khi rất cần một lời xin lỗi!

Chúa Giêsu dạy: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:25), nghĩa là tha thứ mãi mãi. Không tha thứ, đó là người ích kỷ! Xin chúc mừng nếu bạn là người vị tha. Nếu chưa, cố gắng thêm thì rồi bạn sẽ thành công nhờ Ơn Chúa – và chắc hẳn được Thiên Chúa chúc lành và được mọi người khâm phục.

TRẦM THIÊN THU

PHÉP LẠ CỦA LỜI NÓI DỊU DÀNG


Nhiều năm về trước, có một cậu bé mồ côi tên Jim, 12 tuổi, gầy gò. Jim sống lang thang, là đầu mối của mọi trò cười và trêu chọc của mọi người sống trong thị trấn. Không ai đối xử tử tế với Jim. Những nghi ngờ của mọi vụ ăn cắp hay rắc rối đều có tên Jim đầu tiên. Cậu chỉ nhận được những lời nói cay độc, nghi ngờ. Kết quả là Jim luôn lẩn tránh những người xung quanh. Cậu càng lẫn tránh, người ta càng nghi ngờ cậu.

Tài sản duy nhất của Jim là chú chó Tige, cũng luôn khép nép và lẫn tránh mọi người như chủ nó. Jim không đối xử thô lỗ với Tige nhưng cậu cũng luôn dùng thứ ngôn ngữ cay độc mà mọi người dùng với cậu. Phần vì cậu đã quen với những ngôn ngữ đó, phần vì để trút đi mọi nỗi uất ức.
Một hôm, Jim thấy cô gái phía trước làm rơi một gói nhỏ. Cô cúi xuống nhặt thì một gói khác lại rơi khỏi tay. Jim chạy đến, nhặt hai cái gói lên đưa trả cô gái.
- Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt
Cô gái cười và xoa đầu Jim. Jim hoàn toàn sốc. Đó là những lời nói tử tế đầu tiên cậu nghe thấy trong suốt 12 năm. Jim nhìn theo cô gái cho đến khi cô đi khuất.
... Jim huýt sáo gọi Tige, con chó ve vẩy đuôi chạy tới bên. Cả chủ và chó đi vào rừng... Jim ngồi xuống cạnh bờ suối và trong đầu cứ vang lên: "Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt!"
Jim cười một mình. Rồi cậu gọi: "-Đến đây Tige!"
Tige chạy lại ngay, Jim xoa đầu nó và nói:- Cảm ơn mày! Mày thật là tốt!"
Tige rất phấn kích và ngạc nhiên. Tai nó vểnh lên, mắt hướng về phía Jim chăm chú, đuôi vẫy lia lịa.
"Đến con chó cũng thích nghe lời nói dịu dàng!"
Jim nghĩ và lôi trong túi ra một mảnh gương vỡ. Cậu bé thấy một khuôn mặt lấm lem. Jim rửa mặt thật cẩn thận.
Sau đó, Jim lại nhìn vào gương. Cậu bé ngạc nhiên. Lần đầu tiên, cậu nhìn lên cao thay vì chỉ cúi mặt như mọi khi. Một cảm giác, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy: cảm giác tự trọng.
Từ khoảnh khắc đó, cuộc đời Jim hoàn toàn thay đổi bởi quyết tâm để xứng đáng với những lời nói dịu dàng.
Ngưng một lát, nhà tỷ phú tiếp tục nói:
"Thưa các bạn, tôi chính là cậu bé đó. Thị trấn nhỏ mà tôi vừa kể đến chính là thành phố này 40 năm về trước. Cái cây ở đằng kia mà quý vị có thể thấy chính là nơi một người phụ nữ đã… gieo hạt giống đầu tiên của lòng nhân hậu xuống cuộc đời tôi.
Mong sao ai cũng có thể làm được như thế"
Sưu tầm.

Lúa Mì và Hoa Mồng Gà


Hòa Lan là một nước nổi tiếng về hoa. Ở phía bắc Hòa Lan, có những cánh đồng hoa chạy dài tắp tít vượt cả tầm nhãn giới. Nhiều loại hoa sặc sỡ tuyệt đẹp làm say mê khách du lịch. Phía nam của Hòa Lan, trái lại, chỉ có những cánh đồng lúa mì bát ngát và khi lúa chín thì khắp nơi chỉ còn là một màu vàng ối làm nổi bật màu đỏ tím của những bông hoa mồng gà.


Cảnh đó đẹp với thi sĩ và họa sĩ nhưng rất đáng buồn đối với nông gia vì mồng gà càng sặc sỡ thì vụ lúa càng kém. Chẳng có cách nào nhổ hết được những cây mồng gà này mà không làm hư hại lúa, đằng khác hoa mồng gà càng nhiều và càng đẹp thì khách du lịch càng làm hư hại lúa nhiều, mỗi khi họ nhảy xuống ruộng để hái hoa.

Sự chung đụng của lúa mì và hoa mồng gà: đó là bức tranh tuyệt hảo của nhân loại chúng ta. Thiên Chúa tạo dựng lúa mì để nuôi sống chúng ta, nhưng Người cũng cho hoa mồng gà mọc lên để làm vui mắt chúng ta. Có lúa mì thì cũng có hoa mồng gà. Có nhà nông thì cũng có thi sĩ, họa sĩ.

Thiên Chúa cho nắng mưa hòa nhịp với nhau. Người nông gia không thể đòi hỏi chỉ có mưa cho lúa tốt. Người nghệ sĩ không thể đòi hỏi chỉ có ánh mặt trời... Sống là biết chấp nhận sự đa diện của vũ trụ như một bức tranh tuyệt hảo. Sống là biết lấy đau khổ, mất mát của mình làm hạnh phúc cho người khác.

21/07/2015 Thứ Ba Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B



PHÚC ÂM: Mt 12, 46-50
"Người giơ tay trên các môn đệ mà nói: Đây là mẹ Ta và là anh em Ta".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM;
Ðoạn Tin Mừng hôm nay là phần kết luận của trình thuật về cuộc chiến đấu giữa thần khí Chúa và thần khí ma quỉ. Ma quỉ vốn làm cho con người ra câm điếc đối với Lời Chúa; do đó, như người câm được Chúa Giêsu chữa lành, con người cũng cần phải được tháo cởi khỏi xiềng xích của ma quỉ mới có thể lắng nghe được Lời Chúa và thần khí của Ngài. Ðức Maria chính là mẫu mực của con người không hề bị giam hãm trong xiềng xích của ma quỉ. Mẹ luôn luôn lắng nghe và đáp trả Lời Chúa. Chính vì lắng nghe Lời Chúa mà Mẹ đã cưu mang Con Chúa; nơi Mẹ, quan hệ máu mủ ruột thịt với Chúa Giêsu được xây dựng trên chính thái độ lắng nghe Lời Chúa; Mẹ chỉ là Mẹ Chúa Giêsu, bởi vị Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa.
Chúa Giêsu đã đề cao thái độ của Mẹ Maria, để từ đó nói lên mối giây liên kết đích thực trong gia đình Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Hầu hết các tôn giáo đều dựa trên gia đình như là cộng đoàn nền tảng nhất. Truyền thống khôn ngoan và luật Do Thái luôn đề cao tầm quan trọng của gia đình. Chúa Giêsu xem ra đã làm một cuộc cách mạng táo bạo khi xây dựng tôn giáo của Ngài, không dựa trên mạng lưới những quan hệ gia đình, mà trên nền tảng của sự tự do. Trong gia đình Giáo Hội, con người trở nên thân thiết với nhau, không nhất thiết nhờ máu mủ ruột thịt, mà do chính niềm tin.
Dĩ nhiên, gia đình tự nhiên vốn là nơi con người đón nhận và nuôi dưỡng đời sống đức tin; gia đình là trường học đầu tiên về cung cách làm người cũng như sự trưởng thành trong đức tin. Chúa Giêsu không bao giờ chối bỏ vai trò ấy của gia đình..
Khi đề cao thái độ lắng nghe và thực thi Lời Chúa của Ðức Maria, Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy rằng đức tin là sự gặp gỡ cá biệt giữa con người với Thiên Chúa, đó là cuộc gặp gỡ của mỗi người mà không ai có thể thay thế được. Càng sống Lời Chúa, càng đi sâu vào sự thân tình với Chúa, con người càng nhận ra tương quan của mình với tha nhân. Hai giới răn mến Chúa và yêu người gắn liền mật thiết với nhau là thế đó: người yêu mến Chúa một cách nồng nàn không thể không yêu thương người anh em của mình, trái lại, lòng bác ái đối với tha nhân cũng không thể không làm cho con người thêm gần gũi với Chúa hơn.
Ước gì chúng ta biết chạy đến với Ðức Maria như mẫu gương của lắng nghe và thực hành Lời Chúa; chạy đến với Người như người Mẹ thân thương của mỗi người, chúng ta cũng hãy đón nhận tha nhân như người anh em trong cùng một gia đình của Chúa.AMEN.


22/07/2015 Thứ Tư Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B Lễ Nhớ Thánh nữ Maria Mađalêna




PHÚC ÂM: Ga 20, 1. 11-18

"Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối, và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ.
Bà liền chạy về tìm Simon Phêrô và người môn đệ khác được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta để Thầy ở đâu".đ
Bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc, nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: "Tại sao bà khóc?" Bà trả lời: "Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi, và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?" Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó. Nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu hỏi: "Bà kia, sao mà khóc? Bà tìm ai?" Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: "Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người". Chúa Giêsu gọi: "Maria". Quay mặt lại, bà thưa Người: "Rabboni", nghĩa là "Lạy Thầy". Chúa Giêsu bảo bà: "Đừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: "Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con".
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: "Tôi đã trông thấy Chúa, và Chúa đã phán với tôi những điều ấy".
Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Sách Diễm ca là quyển sách mô tả về tình yêu của hai người yêu nhau cách say đắm, mối tình giữa chàng và nàng. Trong ngày lễ kính thánh nữ Maria Madalena hôm nay, Giáo hội cho chúng ta đọc bài đọc này là muốn cho chúng ta thấy rõ hơn về tình yêu của những người luôn đi tìm kiếm Chúa.
Có thể nói trong cuộc đời của chúng ta , nhiều lúc cố gắng chạy tìm Chúa nhưng không gặp được. Không gặp có thể do Chúa ẩn mặt, không gặp do chúng ta tìm kiếm sai đường. Tìm trong nhà nhưng không gặp, tìm nơi phố chợ đông người cũng chẳng thấy. Đó cũng là hình ảnh của mỗi người chúng ta. Chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi hoạt động xã hội, mọi công tác mục vụ rầm rộ bên ngoài,….nhưng xem ra chúng ta vẫn không gặp được Chúa. Nhưng “tôi vừa đi qua khỏi họ thì gặp ngay người tôi yêu”. Tôi chỉ gặp được Thiên Chúa trong thinh lặng, sau khi dẹp qua tất cả mọi bận rộn, ồn ào.
Nhắc đến thánh nữ Madalena là nhắc đến tình yêu của bà dành cho Chúa. Một tình yêu đã biến đổi cuộc đời, một tình yêu thôi thúc bà loan báo Tin mừng của Chúa. Và tình yêu đó đã đưa bà đến gần Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn yêu mến Chúa. Yêu để lắng nghe, để cảm nhận và đặc biệt là để nhận ra tiếng mời gọi của Chúa trong tâm hồn con mỗi ngày.AMEN.

20/07/2015 Thứ Hai Tuần XVI Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mt 12, 38-42
"Nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy lên án thế hệ này".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, có mấy luật sĩ và biệt phái thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ". Người trả lời: "Thế hệ hung ác gian dâm đòi một dấu lạ! Nhưng sẽ không cho dấu lạ nào, trừ dấu lạ tiên tri Giona. Cũng như xưa tiên tri Giona ở trong bụng cá ba đêm ngày thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba đêm ngày như vậy. Tới ngày phán xét, dân thành Ninivê sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó, vì họ đã nghe lời tiên tri Giona mà sám hối tội lỗi, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Giona. Đến ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ này và lên án nó: vì bà từ biên thuỳ trái đất đã đến nghe lời khôn ngoan của vua Salomon, nhưng đây có Đấng cao trọng hơn Salomon". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Trong quyển tự thuật "Vì Danh Ta", một Mục sư người Hungari đã kể lại kinh nghiệm của ông. Bị bắt và bị chuyển từ trại này sang trại khác, vị Mục sư vẫn âm thầm rao giảng Lời Chúa cho các bạn tù. Trong 13 năm tù, ông đã giúp cho rất nhiều bạn tù được gặp gỡ Chúa. Ông đã kết thúc quyển tự thuật cũng là bài ca tuyên xưng đức tin của ông như sau:
"Trong suốt thời gian bị tù đày, tôi đã hiểu được rằng Lời Chúa đi vào tâm hồn con người dễ dàng hơn giữa những đau khổ và bách hại. Ðó là lý do cho thấy mùa gặt thiêng liêng trong các ngục tù luôn luôn dồi dào. Tôi không tự cho mình là người anh hùng, lại càng không phải là vị tử đạo. Nhưng vào lúc sống tự do, nhìn lại đằng sau, tôi có thể nói với tất cả thành thật rằng 13 năm bị tra tấn đánh đập, đói khát, 13 năm đau khổ và xa gia đình để làm mục sư cho hàng ngàn tù nhân trong các trại giam, 13 năm như thế quả thật đáng giá".
Những dòng trên đây quả là một phấn khởi cho tất cả những ai đang vì niềm tin của mình mà phải chịu bách hại và đau khổ. Những đau khổ thử thách mà các Kitô hữu phải trải qua thường là dấu chỉ cao đẹp nhất, qua đó Thiên Chúa tỏ mình cho con người.
Chúa Giêsu như muốn nói đến điều đó, khi Ngài mượn hình ảnh tiên tri Yôna để loan báo về chính cái chết của Ngài. Cũng như Yôna đã vâng phục Thiên Chúa đến rao giảng sự sám hối cho dân thành Ninivê, thì Chúa Giêsu cũng vâng phục Chúa Cha để sống kiếp con người và trở thành dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cho con người. Qua hình ảnh Yôna để loan báo sự vâng phục cho đến chết của Ngài, Chúa Giêsu muốn nói đến con đường mạc khải của Thiên Chúa, đó là con đường tình yêu. Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nghĩa là có tự do và biết yêu thương, cho nên Thiên Chúa đã chọn con đường yêu thương để đến với con người. Ngài đã hóa thân làm người, sống trọn vẹn kiếp người, và cuối cùng chịu chết treo trên Thập giá, tất cả để trở thành lời mời gọi đối thoại yêu thương.
Mãi mãi Thiên Chúa chỉ đến với con người qua dấu chỉ của tình yêu. Người Kitô hữu luôn được mời gọi để nhận ra những dấu chỉ yêu thương ấy trong cuộc sống của mình, không những qua những chúc lành và may mắn, mà còn qua những mất mát, khổ đau thua thiệt nữa. Nhận ra những dấu chỉ yêu thương của Thiên Chúa trong cuộc sống, người Kitô hữu cũng được mời gọi để trở thành những dấu chỉ yêu thương của Ngài cho mọi người chung quanh. Trở thành dấu chỉ yêu thương có nghĩa là chấp nhận sống vâng phục và vâng phục cho đến chết như Chúa Giêsu. Trở thành dấu chỉ yêu thương giữa tăm tối của cuộc sống, giữa đọa đày bách hại, người Kitô hữu vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tín thác, yêu thương, phục vụ, tha thứ.
Xin cho lý tưởng chứng nhân luôn bừng sáng trong chúng ta, để dù sống trong đau khổ, thử thách, chúng ta vẫn trung thành với tình yêu Chúa.
*Lạy Chúa, cám dỗ “dấu lạ” thật hấp dẫn đối với chúng con. Xin giúp chúng con lướt thắng nó bằng cuộc sống hy sinh quên mình để phục vụ.AMEN.