Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

Đôi giày và cốc nước mía

Chiều làm về, trời nóng, anh tạt vào quán ngay gần công ty làm cốc café, chờ lát cho vãn người rồi về cho đỡ đông. Nhìn người ta chen chúc nhau mồ hôi nhễ nhại cũng ngán, lè lưỡi lắc đầu. Thế nên là thôi, nghỉ, làm hớp đã, đang khát!
- Chú ơi đánh giầy không chú?
- ưmmm… Anh vừa cúi ngậm uống hút vừa lắc đầu.
- Rẻ mà chú, con chỉ xin cái bánh mỳ ăn cho đỡ đói thôi…
- Giầy chú sắp cho vào bảo tàng đến nơi rồi, thử hỏi người khác xem nhé!
Anh cười nhìn nó, nó xị mặt nhìn anh, buông thõng 2 vai có vẻ mệt mỏi rồi thất thểu đi ra mé cửa ngồi. Mụ chủ quán ngồi ngay đó cất giọng chua ngoa: - Đi chỗ khác kiếm ăn đi 2 cái thằng kia! Chúng mày ngồi đó án ngữ thì ai dám vào hàng nhà tao nữa. Hãm vừa chứ!!!
Đúng là cái miệng xinh không đồng nghĩa với những lời nói đẹp. Nó hắt hủi thân phận của đồng loại. Anh với tay lấy chùm chìa khoá trên bàn gọi thanh toán, mình cũng đếch thèm ngồi ở cái quán này lần nào nữa luôn. Hãm!!! Lao xe theo hướng 2 đứa nhỏ đi để tìm mà mãi không thấy. Quái! vừa thấy ở đây xong ngoắt cái đã không thấy đâu, bọn này nó bay đi chắc?? Anh tự hỏi.
- Chú ơi…
Anh giật mình, quay lại thấy thằng bé con đang ngồi sát ngay sau vách tường lúc nãy chìa tay ra.
- Sao lại ngồi đây? Anh cháu đâu?
- Anh đi kiếm đồ ăn rồi, chú ơi …đói…!!!
Tội nghiệp, thằng bé còm nhom, chắc chỉ tầm 3- 4 tuổi, bằng đứa cháu con ông anh trai anh là cùng. Đáng lẽ ra bây giờ nó phải đang được chăm sóc ăn uống đầy đủ, được đi mẫu giáo, có bố và có mẹ bên cạnh như bao đứa trẻ khác. Thế mà… Anh lần túi quần ra đc hơn 30k đưa cho nó: - Này cháu, cầm bảo anh đi mua đồ ăn cho nhé!
- KHÔNGGG!!!
Chưa kịp đưa đến tay thằng bé thì thằng anh từ đâu chạy lại giật tay thằng em vào. - Con cám ơn chú nhưng anh em con không dám nhận đâu ạ. Bọn con đâu phải ăn xin. Chú có lòng tốt thì để con đánh giầy cho chú. Giọng nó có vẻ dứt khoát.
- Thế mày định để cho em nó đói chết à thằng kia???
Nó cúi gằm mặt xuống không nói gì. Thằng em thì cứ cầm lấy tay anh giật giật. Anh bước gần đến ấn tiền vào tay thì nó lại hẩy ra xong quay ra ôm lấy thằng bé. - Thôi được rồi, haiz, thế qua quán nước mía kia ngồi chú trả công đánh giầy và mời 2 thằng nước mía. Được chưa???
Nó lí nhí: - Vâng, thế thì được ạ.
Vừa đặt cốc nước mía xuống bàn 2 đứa nó hút 1 mạch hết sạch, còn toàn đá. Anh quay qua chị bán nước giơ 2 ngón tay ý ra hiệu thêm 2 cốc nữa, chị hiểu ý ngay, gật lia lịa.
Đợi 2 cốc nước nữa đến, anh bắt chuyện. - Uống từ từ thôi không lạnh cổ, về đau họng đấy. Ngon ko?
- Dạ. Ngon ạ! Thằng bé con mút chùn chụt rồi quay sang anh. - Nước mía ngon quá anh hai, thế mà hôm trước anh bảo đắng lắm!!!
Nó cười hề hề rồi xoa đầu em. Thấy cốc thằng em đã gần hết, nó lấy cốc của mình đổ sang cho em.
- Ơ, anh hai không uống à?
- Không, anh không thích uống nước mía. Em uống nốt đi.
Nó nhìn xuống chân anh. - Giầy chú bẩn quá rồi, con đánh giầy cho chú nha.
- Ok! hy vọng nó còn đánh được. Không cần sạch quá đâu.
Anh vừa tụt đôi giầy vừa xỏ đôi dép tổ ong nó đưa. Mặt nó đen nhẻm, nhưng nhìn kỹ khá sáng sủa. - Cháu bao tuổi? - Tám chú ạ. - Tám? - Dạ - Quá nhỏ!
Nó cười trừ - Con lớn rồi mà.
- Mà sao cháu cứ xưng con với chú thế? Chú đâu quen cháu nhỉ.
- Mẹ con bảo ra đường gặp người lớn phải xưng con hết, phải lễ phép với người lớn tuổi, mình không có gì thì cũng không để người ta coi thường được. Xưng con để thấy con người gần gũi nhau hơn chú ạ.
Anh tay chống cằm thở dài. Mình còn cố chấp hơn 1 đứa con nít. - Thế mẹ cháu... à con đâu? nhà ở đâu?
- Mẹ con mất rồi ạ, gần 2 năm nay rồi. Nhà con ở đằng kia, nhưng bị phá rồi chú ơi. Người ta giải tỏa rồi, giờ tụi con ngủ ở sau chợ.
- Thế bố? bố đâu?
- Con không có bố. Lúc sinh ra đến giờ con chỉ biết có mẹ thôi. Con ko được đến trường, mẹ dạy con viết, dạy con làm toán, cái gì mẹ cũng dạy con hết.
Nó vừa nói, 1 tay luồn vào trong giầy, 1 tay quệt xi thoăn thoắt, mặt trùng xuống. Anh cũng thôi, chẳng hỏi thêm nữa, quá khứ của mẹ nó chắc nó cũng chẳng biết đâu mà hỏi làm gì, nhưng trong đầu anh thì hiện lên cả đống giả thiết: nào là mẹ nó bị gã nào lừa xong không chịu cưới, bị nhà chồng hắt hủi hay cũng có thể người nhà ruồng bỏ… Nhưng có điều, anh chắc chắn đó là một bà mẹ tốt. Cứ nhìn cách thằng bé ăn nói và đối xử với người khác thì biết, hẳn nó phải bị ảnh hưởng rất nhiều từ mẹ. Anh bế thằng bé con lên cho ngồi lên đùi, nó cười, nụ cười như chưa từng được một lần như thế. Nó còn bé quá, còn chưa biết gì đang ở phía trước đợi chờ nó.
- Con định tích góp tiền để bữa nào nó lớn cho nó đến trường chú ạ, con không muốn nó giống như con. Nhưng mà sao giờ người ta khó quá, trước 1 ngày con đánh được hai chục đôi mà giờ chỉ được năm, sáu… Hôm mưa thì có khi chẳng đôi nào. Không có cái cho nó ăn nên nó còm nhom chú ạ.
- Haizzz…Mà sao nhìn 2 đứa chả giống nhau nhỉ??
- Dạ, con nhặt được nó ở góc chợ, nó khóc to lắm, con không biết ai để nó ở đấy nữa.
- Sao không đem nó trả lại, con có nuôi nổi nó đâu.
- Biết người ta ở đâu mà trả hở chú? Người ta đâu có thương nó, bỏ nó giữa chợ thế kia còn gì. Ít ra con còn có chỗ ngủ, kiếm được cái ăn cho nó. Nó chẳng có gì.
- Xong rồi chú. Có mấy chỗ con chà mãi không sạch.
- Ừ, nó nát rồi thì sạch sao được, thế này là tốt lắm rồi, chú cảm ơn. Hết bao nhiêu chú gửi tiền nào?
- Dạ, 7 ngàn chú. Nhưng thôi ạ, chú cho anh em con uống nước mía coi như hoà rồi ạ.
- Hoà là hoà thế nào, nước mía là chú mời bọn mày. Đây, ví chú còn có ngần này, cầm lấy đưa e đi ăn cơm đi. Tối rồi.
- Sao nhiều thế chú, con không dám cầm đâu. Mẹ con mắng đấy!
- Sao con bảo mẹ con mất rồi??? Không được nói dối nha, xấu lắm đấy.
- Con không nói dối, mẹ con vẫn ở đây mà.
Nói rồi nó thò tay vào túi áo lôi ra cái ảnh be bé đen trắng có hình người phụ nữ tóc dài, đôi mắt buồn nhìn rất hiền. Lần đầu tiên anh thấy những tia nắng vàng cuối ngày nó nặng trĩu trên khoé mắt đến thế… Anh xoa đầu nó: - Cầm lấy, coi như chú đặt trước cả tháng, mai lại đánh giầy cho chú nhé.
Nó lưỡng lự một hồi, cuối cùng cũng chịu cầm rồi lí nhí: - Thế mai con sẽ đánh giầy cho chú nữa. Con cám ơn chú!
- Ừ…
Thằng anh cầm tay thằng em lũn cũn đi theo. - Bữa nào kiếm được tiền mình đi uống nước mía nữa nha anh hai, ngon lắm!!!
Anh nghe mà chẳng nhấc chân được lên. Giá mà ngay lúc này chú có thể làm được điều gì đó tốt hơn cho 2 đứa. Cảm ơn con, hôm nay là ngày may mắn của chú, con đã chỉ lại cho chú một con đường mà chú dường như đang mất dần niềm tin vào cái xã hội này. Chú vẫn tin là có điều kỳ diệu trên thế giới này, và con là một ví dụ. Cố gắng lên nhé! Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi…
--------------------Sưu Tầm ---------------------------

THỨ SÁU 19.06 - Tuần XI Thường Niên


2Cr 11:18.21b-30; Mt 6:19-23

MỤC ĐÍCH SỐNG
Talleyrand, một nhà chính trị nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ XIX, sau một quãng thời gian sống trong nhung lụa, đã ghi lại trong tập nhật ký nhân ngày sinh nhật 83 như sau: “83 năm của đời tôi đã qua đi, không để lại một kết quả nào khác hơn là mệt mỏi, trong thể xác lẫn tâm hồn”.
Theo lẽ thường, người ta sẽ nghĩ những người giàu có như Talleyrand sẽ rất hạnh phúc. Nhưng, tại sao ông lại thất vọng về cuộc đời ông như thế?
Con người cần lao động tạo của cải vật chất để sinh sống. Nhưng của cải chỉ là phương tiện sống, không phải cùng đích của cuộc đời. Hôm nay, Đức Giêsu đã cho biết con người chỉ thực sự hạnh phúc khi đặt mục đích đời mình nơi Thiên Chúa. Hướng mục đích cuộc đời vào Chúa là chúng ta đang tích trữ cho mình kho tàng trên trời, là kiếm tìm hạnh phúc vĩnh cửu.
Vì vậy, hãy hướng đến mục đích của mình sự sống đời đời bằng cách thực thi lời Chúa dạy là sống nhân ái, yêu thương anh chị em khác.
Lạy Chúa, xin đừng để của cải, lạc thú trần gian lối kéo khiến cho con quên rằng Chúa là mục đích đời con.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XI Thường Niên

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XI Thường Niên
19/6. Thứ Sáu. Thánh Rômualđô, viện phụ. 2Cr 11,18.21b-30; Mt 6,19-23
Bài Ðọc I: 2Cr 11,18.21b-30
Anh em thân mến, vì có nhiều kẻ khoe khoang về xác thịt, thì tôi đây, tôi cũng sẽ tự khoe khoang. Tôi xin nói như điên dại rằng: ai tự phụ về điều gì, thì tôi cũng tự phụ như vậy. Họ là những người Do-thái, thì tôi cũng vậy; họ là những người Israel, thì tôi cũng vậy; họ là dòng dõi Abraham, thì tôi cũng vậy; họ là tôi tớ Ðức Kitô, tôi xin nói như mê sảng rằng: tôi còn hơn họ nữa, tôi đã chịu khó nhọc hơn, năng bị tù hơn, chịu đòn vọt quá mức, liều mình chết nhiều lần, bị người Do-thái đánh đòn năm lần, mỗi lần kém một roi đầy bốn chục. Ba lần bị tra tấn, một lần bị ném đá, ba lần bị đắm tàu, và một ngày một đêm chơi vơi ngoài biển khơi. Hành trình thường xuyên, gặp nhiều nguy hiểm vì sông ngòi, nguy hiểm vì trộm cướp, nguy hiểm vì người đồng chủng, nguy hiểm vì người dân ngoại, nguy hiểm trong thành phố, nguy hiểm trên rừng, nguy hiểm ngoài biển cả, nguy hiểm bởi những anh em giả; chịu lao đao vất vả, hay phải thức khuya, đói khát, hay phải nhịn ăn, chịu lạnh rét, mình trần. Không kể những việc bên ngoài, lại còn những việc thúc bách hằng ngày, và mối lo lắng đến các giáo hội. Nào ai yếu đuối mà tôi không yếu đuối? Nào ai vấp phạm mà tôi chẳng xót xa? Nếu phải khoe khoang, thì tôi sẽ khoe khoang những yếu đuối của tôi.
Tin Mừng: Mt 6,19-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?"
Suy niệm:
Sau giáo huấn về việc cầu nguyện, ăn chay, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ biết định hướng cho cuộc đời mình là hãy biết tích trữ kho tàng nước trời. Kitô hữu chỉ được nhắm đến kho tàng này mà thôi. Ngài muốn nhắc nhở mỗi kitô hữu về những sai lầm khi sử dụng của cải trần thế.
Tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực là những thứ mà ai trong chúng ta cũng mong muốn có được trong cuộc sống. Ước mong được giàu có, cuộc sống sung túc là ước mơ chính đáng của con người. Chúa Giêsu chỉ muốn nhắc nhở chúng ta rằng: tiền bạc, của cải, danh vọng, địa vị, quyền lực là những cái nay còn mai mất. Đừng dại gì bỏ cả đời mình cho những thứ hư mất đó. Trái lại, phải lo tích trữ kho tàng bền vững ở trên trời.
Vậy chúng ta phải tích trữ kho tang ở trên trời bằng cách nào?
Hãy dùng những thứ nay còn mai mất mà mua lấy kho tàng ở trên trời. Kho tàng ở trên trời thì bền vững muôn đời, và Thiên Chúa hứa ban cho những ai thực thi bố thí, cầu nguyện và ăn chay thật lòng (Mt 6,1-18). Hãy luôn nhớ rằng tiền bạc chỉ là công cụ Chúa ban để phục vụ con người, hãy dùng nó sao cho hợp lý. Tiền bạc tự nó không xấu nhưng yêu mến tiền bạc quá mức là một điều xấu. Chính vì tội lỗi trong lòng con người, chính lòng yêu mến tiền bạc quá mức đã làm cho người ta đi đến chỗ nô lệ cho nó. Tiền bạc như con tắc kè, thay đổi màu sắc tùy theo tấm lòng của chủ nó. Nghèo khổ không tồn tại bởi vì mọi thứ khan hiếm nhưng nó tồn tại vì tính tham lam của con người, cứ lo tích trữ, tích trữ cho mình mà quên đi người anh em đang nghèo đói chung quanh.
Dùng của cải tiền bạc không chỉ cho bản thân, gia đình mà con phải biết dùng cho những người nghèo khó chung quanh chúng ta. Đó mới là cách sử dụng của cải tiền bạc theo ý Chúa muốn.
Tóm lại, tích trữ kho tàng ở trên trời là sử dụng của cải trần gian làm sao để đạt tới Thiên Chúa, là cứu cánh và hạnh phúc thực của mình. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó. Khi chúng ta yêu quý thứ gì thì lòng trí luôn hướng về thứ đó. Nếu yêu mến Chúa, thì luôn hướng về Chúa và tìm mọi cách để đến với Ngài. Nếu yêu mến tiền tài thì tâm hồn luôn hướng về tiền bạc.

Lạy Chúa, Xin cho chúng con ghi nhớ bài học đầy ý nghĩa về kho tàng đích thực là chính Chúa mà chúng con phải sắm cho mình. Xin cho mỗi người chúng con không bám víu vào những sự chóng qua mà hướng đến Chúa là kho tàng vĩnh cửu của chúng ta. Amen.

19/06/2015 Thứ Sáu Tuần XI Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mt 6, 19-23
"Kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất: là nơi ten sét mối mọt sẽ làm hư nát, và trộm cướp sẽ đào ngạch lấy mất, nhưng các con hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời: là nơi không có ten sét, mối mọt không làm hư nát, trộm cướp không đào ngạch lấy mất: Vì kho tàng con ở đâu, thì lòng con cũng ở đó. Con mắt là đèn soi cho thân xác con. Nếu mắt con trong sáng, thì toàn thân con được sáng. Nhưng nếu mắt con xấu kém, thì toàn thân con phải tối tăm. Vậy nếu sự sáng trong con tối tăm, thì chính sự tối tăm, sẽ ra tối tăm biết chừng nào?" Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM;
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu lưu ý chúng ta về hai kho tàng: kho tàng dưới đất và kho tàng trên trời. Dĩ nhiên, có sự khác biệt: kho tàng dưới đất có thể bị mối mọt làm hư nát và kẻ trộm có thể đánh cắp, nhưng kho tàng trên trời thì mối mọt không thể làm hư nát và kẻ trộm không thể lấy đi. Đức Giêsu dạy các môn đệ một chọn lựa: “… đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất… Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời”.
Hôm nay, vẫn còn nhiều cuộc đời cứ bám chặt vào kho tàng dưới đất là của cải, tiện nghi, vật chất.
*Lạy Chúa, Xin cho chúng con ghi nhớ bài học đầy ý nghĩa về kho tàng đích thực là chính Chúa mà chúng con phải sắm cho mình. Xin cho mỗi người chúng con không bám víu vào những sự chóng qua mà hướng đến Chúa là kho tàng vĩnh cửu của chúng ta. Amen.

NGÀY 19-6-2015 THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN



L
ỜI CHÚA: Mt 6, 19-23
19 "Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi.20 Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.21 Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.22 "Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng.23 Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!
SUY NIỆM
“Anh em đừng tích trữ cho mình kho tàng dưới đất, nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng trên trời”.
Của cải vật chất nay còn mai mất. Nay có mai không. Có thể làm cho cuộc sống của con người dễ chịu nhưng lại không phải là cùng đích của con người !
Thế nhưng con người lại tốn rất nhiều thời gian và công sức cho việc tìm kiếm của cải vật chất. Có người còn coi vật chất của cải là cùng đích. Coi “tiền là Tiên, là Phật”, là thước đo của con người. Tuy là của phù vân nhưng nó lại chi phối rất mãnh liệt vào đời sống con người, đến độ Chúa Giêsu coi của cải là đối thủ chính của Người : “Không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được”.
Của cải vật chất chỉ là phương tiện để giúp con người đạt tới cùng đích đời mình là hạnh phúc vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Của cải là phụ. Hạnh phúc nơi Thiên Chúa là chính. Dùng của cải để đạt được Thiên Chúa là điều con người cần hướng tới. Được của cải mà mất Thiên Chúa là thất bại. Điều nguy hiểm nữa là con người lại dùng Thiên Chúa để phục vụ cho lòng ham muốn của cải của mình. Đã bao lần chúng ta cầu nguyện xin Chúa cho chúng ta có được của cải vật chất ! Chúa là ông chủ mà chúng ta đã biến thành “đầy tớ” để phục vụ cho vật chất !
“Vàng là của Chúa. Bạc là của Chúa”. Và Chúa chỉ dạy cho chúng ta thấy của cải vật chất là những thực tại trần gian chỉ có khả năng xoa dịu và thỏa mãn thể xác của con người, chứ không có khả năng đem lại sự sống muôn đời. Nên chúng ta đừng ảo tưởng đó là cùng đích nhưng hãy biết sử dụng của cải trần gian làm sao để đạt tới Thiên Chúa, là cứu cánh và là hạnh phúc thật của mình. Chúng ta thật hạnh phúc khi Chúa ban cho chúng ta nhiều của cải vật chất và chúng ta đã biết sử dụng của cải vật chất như là phương tiện để chúng ta đến với Chúa “Anh em đừng tích trữ cho mình kho tàng ở dưới đất, nhưng hãy tích trữ cho mình kho tàng ở trên trời”.
Xin Chúa gìn giữ chúng con khỏi sự tham lam của cải vật chất, nhưng luôn sẵn lòng dùng của cải vật chất là phương tiện giúp chúng con đạt tới Chúa. Amen

Củ Cà Rốt Của Tôi



Một lão bà nọ qua đời, được các Thiên Thần mang đến tòa phán xét. Trong khi duyệt xét các hành động của bà lúc còn sống, Đấng phán xét đã không tìm thấy bất cứ một hành động bác ái nào, ngoại trừ có một lần bà đã cho người ăn mày một củ cà rốt. Tuy nhiên, Đấng phán xét tối cao đầy lòng nhân từ cũng xem hành động ấy có đủ sức để mang người đàn bà lên Thiên Đàng. Dĩ nhiên, củ cà rốt sẽ được dùng như sợi xích vững để người đàn bà bám vào và leo lên các bậc trong chiếc thang dẫn về Thiên Đàng.
Người ăn mày cũng chết vào khoảng trong thời gian ấy. Anh cũng được diễm phúc bám vào gấu áo của người đàn bà để được đưa lên Thiên Đàng.
Một người khác cũng qua đời vào ngày hôm đó. Người này cũng níu lấy chân của người hành khất. Không mấy chốc, chiếc thang bắt đầu từ củ cà rốt mỗi lúc một dài ra đến gần như vô tận: mọi người đều níu kéo nhau để lên Thiên Đàng. Nhưng từ trên đỉnh thang nhìn xuống, người đàn bà bỗng châu mày khó chịu. Bà thấy sợi dây mỗi lúc một dài, bà sợ nó sẽ căng ra rồi đứt chăng. Cho nên trong cơn bực tức, bà cố gắng dành riêng cho mình củ cà rốt và la lên: "Các người giang ra, đây là củ cà rốt của tôi".
Người đàn bà cố gắng giữ củ cà rốt cho riêng mình cho nên sợi dây tạo nên chiếc thang bắc lên Trời bị đứt. Bà rơi nhào xuống đất và cả đoàn người bám víu vào sợi dây ấy cũng rơi theo.
Một tác giả nào đó đã nói như sau: "Nguyên nhân của tất cả các sự dữ trên trần gian đều bắt đầu từ câu nói điều này thuộc về tội, điều kia thuộc về tôi".
Khi con người muốn chiếm giữ cho riêng mình là lúc con người cũng muốn chối bỏ và loại trừ người khác. Nhưng càng muốn chiếm giữ cho riêng mình, con người không những chối bỏ người khác mà cũng đánh mất chính bản thân mình. Tình liên đới là điều thiết yếu cho sự thành toàn của bản thân chúng ta. Càng ra khỏi chính mình để sống cho người khác, chúng ta càng gặp lại bản thân, chúng ta càng lớn lên trong tình người. Đó là nghịch lý mà Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: "Ai mất mạng sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại bản thân". Hạnh phúc của bản thân chính là làm sao cho người khác được hạnh phúc.

Radio Veritas

Học nghề ăn trộm


Nhìn người cha đã già yếu, người con trai của ông kẻ trộm thưa với ông : “Thưa cha, hãy dạy cho con nghề ăn trộm, sợ khi cha về hưu, con có thể tiếp tục giữ truyền thống gia đình.”
Người cha không trả lời gì, nhưng chiều hôm đó, ông dắt cậu quý tử đi theo ông hành nghề.
Một khi vào nhà chủ, ông mở cánh cửa tủ và bắt đứa con xem coi có gì trong tủ. Ngay khi đứa con chui vào tủ, ông đóng sầm cửa, và khóa tủ lại, mạnh đến mức mà cả nhà thức dậy. Xong, không một tiếng động, ông chuồn mất.
Kẹt trong tủ, cậu con trai kinh hoàng và tức giận điên người, không biết làm sao ra khỏi cảnh trớ trêu này. Lúc đó, anh nảy ra ý kiến. Anh giả bộ làm mèo kêu ; một lúc sau, có người giúp việc đến mở tủ để đem mèo ra. Cửa vừa mở, anh nhảy phóng ra ngoài. Mọi người rượt theo anh. Thấy cái giếng bên đường, anh ném hòn đá vào đó để đánh lạc hướng, và biến mất trong bóng đêm, trong khi mọi người nhìn xuống giếng xem anh đã chết chìm dưới đó chưa.
Về nhà, người con quên cả giận dữ, muốn mau chóng gặp cha để kể thành tích. Nhưng, người cha chỉ nói : “Con kể cho cha nghe làm gì. Con về nhà, thế là tốt. Con đã học được nghề rồi đó.”

Giáo dục không phải để chuẩn bị vào đời sống : nó chính là đời sống.
Chuyện của Linh mục Anthony De Mello, S.J.

Con Bọ Cạp Giữa Dòng Sông


Một tín đồ Ấn giáo nọ xuống dòng sông Gange để thanh tẩy và cầu nguyện...
Ông đang trầm mình giữa dòng sông thì bỗng đâu rác rưởi tấp lại dày đặc xung quanh ông. Trong đống rác, một con bọ cạp đang chao đảo chới với giữa dòng nước. Sẵn lòng khoan dung đối với thú vật, người tín đồ Ấn giáo mới chìa cánh tay ra để cứu vớt con vật. Nhưng cánh tay ông vừa đưa ra đã bị con vật dùng chiếc vòi độc của nó đốt lấy. Người đàn ông không mất kiên nhẫn, con vật càng hung hãn, ông càng chịu đựng để nó dùng nọc độc chích liên hồi, miễn là cứu sống nó thoát khỏi dòng nước đang cuốn trôi.
Có người theo dõi cảnh tượng, mới trách người tín đồ như sau: "Ông mất giờ vô ích. Nó là con bọ cạp, bản chất của nó chỉ là dùng nọc độc để chích mà thôi".
Người tín đồ Ấn giáo mới điềm nhiên trả lời: "Bản chất của con bọ cạp là dùng nọc độc để chích, nhưng bản chất của con người là cứu vớt".
Chúng ta dễ có khuynh hướng phân biệt xã hội thành hai loại người: xấu và tốt, bạn và thù... Kẻ xấu là người đáng xa lánh, người thù thì phải oán căm sâu sắc... Chúa Giêsu đã đánh đổ mọi thứ óc "biệt phái". Những kẻ bị xã hội loại ra bên lề đã được Ngài biến thành bạn hữu, những kẻ đồng bàn. Ngài đã không nhìn người bằng những nhãn hiệu có sẵn, mà chỉ bằng hình ảnh cao quý của Thiên Chúa. Trong cái nhìn ấy, hàng rào giữa bạn và thù, giữa tốt và xấu sẽ được tháo gỡ giữa mọi người. Trong cái nhìn ấy, tất cả mọi người đều có chung một danh xưng; đó là anh em của nhau...
Radio Veritas

THỬ THÁCH TRONG CUỘC ĐỜI


Trong đời ta gặp nhiều trường hợp giả vờ rất đáng yêu. Chẳng hạn bà mẹ trẻ giả vờ trốn đứa con nhỏ, để nó phải lo âu đi tìm. Và khi thấy nó đã lo âu đến độ tuyệt vọng, sắp khóc đến nơi, bấy giờ bà mẹ mới xuất hiện. Vừa thấy bà mẹ xuất hiện, đứa trẻ vui mừng khôn xiết. Và nó càng yêu mến, càng bám chặt lấy mẹ nó hơn nữa.

Chúa Giêsu cũng có nhiều lần giả vờ như thế. Lần giả vờ được minh nhiên ghi lại trong Tin Mừng là khi Người cùng hai môn đệ đi trên đường Emmaus. Khi đã đến nơi, Người giả vờ muốn đi xa hơn, làm cho các môn đệ phải tha thiết nài nỉ Người mới chịu ở lại. Khi Người ở lại, các môn đệ vui mừng khôn xiết. Và niềm vui lên đến tuyệt đỉnh khi các môn đệ nhận ra Người lúc bẻ bánh.

Hôm nay tuy Tin Mừng không minh nhiên ghi lại, nhưng ta có thể đoán biết Chúa Giêsu đang giả vờ. Vì sóng to gió lớn dập vùi làm cho thuyền chòng chành nghiêng ngả, nước tràn vào đến nỗi thuyền có nguy cơ bị chìm đắm, trong khi đó các tông đồ xôn xao chạy ngược chạy xuôi, hò hét nhau tìm cách tát nước ra. Giữa khung cảnh như thế, làm sao có thể nằm ngủ ngon lành được. Chỉ có thể là giả vờ. Việc giả vờ của Chúa phát xuất do tình yêu.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn ta đáp lại tình yêu thương của Chúa. Đó là định luật thông thường trong tình yêu. Khi yêu ai cũng muốn được đáp trả. Chúa không đi ra ngoài định luật thông thường đó. Người tha thiết yêu ta. Người mong ta yêu mến gắn bó với Người, nên đôi khi Người giả vờ lãng quên để ta nhớ mà chạy đến với Người, gắn bó với Người hơn. Như bà mẹ muốn đứa con tỏ ra cần đến mẹ, tha thiết đi tìm mẹ, hốt hoảng khi không thấy mẹ, Chúa cũng mong ta cần đến Chúa, tha thiết đi tìm Chúa và hốt hoảng lo âu khi thấy vắng bóng Chúa.

Vì yêu thương ta, Chúa muốn rèn luyện ta nên người. Để rèn luyện ta, Chúa gửi những thử thách tới. Cuộc đời ví như mặt biển cả mênh mông. Mỗi người là một con thuyền lênh đênh trên mặt nước. Sóng gió là những thử thách trong cuộc đời. Những thử thách Chúa gửi đến giúp ta trưởng thành ở ba phương diện.

Những thử thách giúp ta biết mình hơn. Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Thánh Phêrô thấy Chúa đi trên mặt nước thì tưởng mình cũng đi được. Nhưng chỉ được mấy bước đã chìm xuống. Các tông đồ là những bạn chài đã quen với sóng nước. Thế mà vẫn kinh hoảng trước bão tố. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.

Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Có thử thách ta mới biết sức mình, biết có những việc ở ngoài tầm tay của mình, chẳng ai có thể giúp mình ngoài Chúa. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chẳng có thử thách nào kéo dài mãi mãi. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Để từ nay các ngài không còn cuống quít lo sợ mỗi khi gặp gian nan nữa. Đời sống mỗi người chúng ta cũng thế. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.
Đời sống không thể thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Hơn nữa Chúa luôn ở bên ta. Vì thế ta hãy vững tin, hãy cậy trông phó thác và hãy biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm vững mạnh. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Ước gì mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng cậy và lòng mến Chúa.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt


Điều Quý Giá Nhất Trên Đời


Có hai người lái buôn và cũng là hai người bạn thân quyết chí lên đường đi tìm cho kỳ được điều quý giá nhất trên trần gian này. Mỗi người ra đi một ngả và thề thốt sẽ gặp lại nhau sau khi đã tìm được điều quý giá nhất ấy.
Người thứ nhất lặn lội đi tìm cho kỳ được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trên trần gian này. Ông băng rừng, vượt biển và không bỏ sót thành phố, làng mạc nào mà không ghé qua. Bất cứ nơi nào có bán đá quý, ông đều tìm tới. Cuối cùng, ông mãn nguyện vì đã tìm được viên ngọc mà ông cho là quý giá nhất trần gian. Ông trở lại quê hương và chờ đợi người bạn của ông.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Đi tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.
Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Đấng đi tìm tôi".
Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.
Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
Nhiều năm trôi qua mà người bạn của ông vẫn biệt vô âm tín. Thì ra điều ông đi tìm kiếm không phải là vàng bạc, châu báu, mà là chính Chúa. Ông đi khắp nơi để thọ giáo những bậc thánh hiền. Ông cặm cụi đọc sách, nghiền ngẫm, nhưng vẫn không tìm gặp được Chúa.
Ngày nọ, ông đến ngồi thẫn thờ bên một dòng sông. Nhìn dòng nước trôi lững lờ, ông bỗng thấy một con vịt mẹ và một đàn vịt con đang bơi lội. Đàn vịt con tinh nghịch cứ muốn rời mẹ để đi kiếm ăn riêng. Đi tìm con này đến con nọ, con vịt mẹ cứ phải lặn lội đi tìm đàn con mà không hề tỏ dấu giận dữ hay gắt gỏng... Nhìn thấy cảnh vịt mẹ cứ mãi đi tìm con như thế, người đàn ông mỉm cười và đứng dậy trở về quê hương.
Vừa gặp nhau, người bạn đã tìm được viên ngọc quý mới buột miệng hỏi trước: "Cho tôi xem thử điều quý giá nhất mà anh đã tìm được. Tôi nghĩ đó phải là điều tuyệt diệu, bởi vì gương mặt anh dường như đang nở nụ cười mãn nguyện chưa từng thấy".
Con người trở về với hai bàn tay trắng, nhưng tâm hồn tràn ngập hân hoan trả lời: "Tôi đã đi tìm Chúa và cuối cùng tôi đã khám phá ra rằng chính Ngài là Đấng đi tìm tôi".
Có con vịt mẹ đi tìm con không biết mệt mỏi, có lời loan báo của sứ thần cho các mục tử trong đêm Giáng Sinh, có ánh sao lạ dẫn đường chỉ lối cho các nhà đạo sĩ... Có trăm phương nghìn cách qua đó Thiên Chúa không ngừng đi tìm con người và ngỏ lời với con người.
Thiên Chúa không ngừng đi tìm kiếm và ra dấu cho con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua muôn kỳ công trong vũ trụ. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những khám phá kỳ diệu của con người. Ngài ra dấu cho chúng ta qua những thiện chí thực thi tình người của chính con người... Bao nhiêu vẻ đẹp là bấy nhiêu những vì sao dẫn đường chỉ lối cho con người.
Nhưng Thiên Chúa không dẫn đường chỉ lối bằng những ánh sao lạ, Ngài còn mời gọi chúng ta bằng những tiếng gọi âm thầm. Có tiếng gọi âm thầm của buổi bình minh, của chiều tà, của những đêm không trăng sao. Có tiếng gọi âm thầm của một nụ cười vừa hé mở. Có tiếng gọi âm thầm của tiếng khóc câm lặng. Có tiếng gọi âm thầm của những mất mát, đổ vỡ.
Mỗi một khoảnh khắc qua đi là một tiếng gọi âm thầm. Phải, Ngài đang có mặt trong từng phút giây của cuộc sống chúng ta, bởi vì tên của Ngài là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.


Radio Veritas

CHIA SẺ NGHĨA LÀ HY SINH




Chúng ta hãy cho đi, hãy ban phát tình yêu chúng ta đã lãnh nhận cho những người xung quanh. Hãy cho đi, cho đến khi nó trở thành một việc hy sinh, vì tình yêu đích thực luôn đòi hỏi hy sinh. Đó là lý do vì sao các bạn phải yêu cho đến khi chính tình yêu đó làm các bạn đau khổ.
Các bạn hãy yêu với thời gian, với đôi bàn tay, với con tim của các bạn. Các bạn cần cho đi tất cả những gì các bạn có (như bà góa nghèo trong Phúc Âm). Trước đây đường (sugar) rất hiếm ở Calcuta - Một ngày kia, một cậu bé Aán Độ, chừng 4 tuổi, cùng với bố mẹ, đem đến cho tôi một tách đường. Cậu bé nói: “Con đã nhịn đường trong 3 ngày. Bà hãy lấy phần đường của con để cho các em nhỏ của bà” – Cậu bé đã yêu đến độ phải hy sinh. Lần khác, một thanh niên Aán Độ đến nhà chúng tôi và nói: “có một gia đình người Aán với ba đứa con, đã khá lâu họ không có gì ăn.” – Tôi vớ ngay túi gạo dành nấu bữa tối, đi với người thanh niên đến tìm gia đình này – Tới nơi, tôi thấy ngay bóng dáng của thần chết hiện rõ trên khuôn mặt những đứa trẻ. Thân hình chúng chỉ còn da bọc xương. Tuy bị cơn đói hành hạ, người mẹ của những đứa trẻ này cầm lấy túi gạo chúng tôi đem đến, chia làm hai phần, ra khỏi nhà, đem theo một phần gạo. Lúc trở về nhà, tôi hỏi bà: “Bà vừa đi đâu về? Bà đã làm gì?”. Bà trả lời tôi: “Họ cũng rất đói”. Tôi hỏi: “Họ là ai?”. Hình như đó là một gia đình người Hồi Giáo cùng với 8 đứa con, đang sống bên kia đường. Bà ấy thừa biết họ cũng rất đói. Bà ấy biết nên bà cho đi đến độ phải hy sinh. Đó là điều đánh động tôi. Một nghĩa cử qúa cao đẹp phải không các bạn? Đó là tình yêu đang hành động. Người mẹ ấy đã chia sẻ cho người khác đến phải rướm máu trong lòng. Tối hôm đó, tôi đã không đem thêm gạo cho gia đình bà, vì tôi muốn họ cảm nghiệm được niềm vui của một tình yêu chia sẻ. Ướùc gì các bạn thấy được nét mặt của những đứa con của bà! Chúng đã hiểu rất sơ sài mẹ chúng đã làm, tuy nhiên nét mặt sáng lên trong một nụ cười. Khi tôi đến trở lại, chúng trông vẫn rất đói và buồn. Nhưng mẹ chúng đã dạy cho chúng hiểu thế nào là yêu thương. Người nghèo khổ của chúng tôi đã là như vậy đó thưa các bạn.
Ở Calcuta (Aán Độ), có một đêm, chúng tôi lượm một số người ngoài đường về. Một người đàn bà đang ở trong tình trạng nguy cấp. Tôi nói với các em tôi, để tôi chăm sóc bà ấy cho và tôi đã hết tình chăm sóc cho bà. Khi tôi đặt bà nằm xuống, bà nắm chặt tay tôi, miệng mở một nụ cười tươi mà tôi chưa bao giờ thấy trên khuôn mặt nào khác. Một nụ cười hết sức tinh tế. Bà ấy chỉ nói lên hai tiếng: “Cám ơn” rồi tắt thở. Trong một lúc bàng hoàng tôi tự hỏi, mắt tôi không rời khỏi xác người chết, tôi phải nói gì nếu tôi ở trong trường hợp của bà ấy? Tôi tìm ra câu giải đáp rất đơn giản. Phải chăng tôi sẽ nói lên một câu nào đó để người ta để ý đến tình trạng của tôi. Có thể tôi sẽ nói: “Tôi lạnh! Tôi đói qúa!”, hoặc tôi có thể nói lên một câu nào tương tự như thế. Người đàn bà khốn khổ này đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi đã cho bà ấy. Bà ấy cho tôi chính tình yêu biết ơn của bà. Đó là cách thức người nghèo của chúng tôi sống đó, thưa các bạn. Các bạn có biết họ không? Họ có thể là những người đang sống ngay trong nhà các bạn. Những con người cô đơn có mặt khắp đây đó, có thể là những người đang sống ngay bên cạnh bạn.
Thánh Gioan, tác giả Tin Mừng đã giúp chúng ta hiểu rõ chuyện này ”Làm sao bạn có thể nói rằng bạn yêu một Thiên Chúa mà bạn không thấy được, nếu bạn không yêu thương người đồng loại mà bạn thấy!”. Thánh Gioan đã định nghĩa một người tuyên bố mình yêu mến Thiên Chúa nhưng lại không thương mến anh em mình, loại người như thế là loại người nào. Thánh Gioan viết: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối.” (1Ga 5,20).
Vậy chúng ta cần phải cầu nguyện, cần phải hy sinh, cần phải trọn vẹn mở cõi lòng với Thiên Chúa, để rồi Ngài có thể dùng chúng ta như ý Ngài muốn.
Mẹ Theresa Calcuta

Cầu Nguyện Là Hơi Thở Của Linh Hồn


Thời Cách Mạng Pháp 1789, những người xây dựng chế độ mới muốn đánh đổ tất cả những gì mà họ gọi là tàng tích của mê tín dị đoan. Họ hỏi những người nông dân có muốn từ bỏ tôn giáo của họ không. Một người dân quê mùa chất phác đã trả lời như sau: "Bao giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ thôi cầu nguyện".
Tự đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao và đi tìm Thiên Chúa. Cầu nguyện, dưới hình thức này hay hình thức khác, là hơi thở của tâm hồn. Người ta có thể trói buộc tay chân con người, người ta có thể khóa chặt miệng lưỡi con người, nhưng không ai có thể ngăn cản con người cầu nguyện.
Cầu nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có thể chết dần trong thân xác vì bệnh tật, đau đớn hay bị hành hung, nhưng chính sự cầu nguyện nối kết tâm hồn con người với Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử thách và chết chóc.
Radio Veritas