Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN .B -THẦN KHÍ ĐƯỢC BAN CHO MỌI NGƯỜI



 
Thần Khí tràn đầy khắp nơi và rất tự do.Thiên Chúa không chỉ ban Thần Khí cho ông Môi–sê, đại diện cho cấp lãnh đạo,mà còn cho 70 vị kỳ mục sẽ cùng ông chia sẻ trách nhiệm và cho cả hai người không vào lều thánh.Điều đó cho thấy: Thần Khí được ban cho mọi người,bất kỳ ở đâu.Với tinh thần quảng đại và cái nhìn đúng,ông Môi-sê không ganh tỵ,lại còn ước ao Thiên Chúa ban Thần khí trên toàn dân để mọi người đều làm ngôn sứ.Chúng ta khác nhau, nhưng chính Thánh Thần tập họp chúng ta ngay trong khác biệt.Làm sao nhận ra những biểu hiện của Thần Linh đang tác động trong thế giới,trong các biến cố, trong mọi người, kể cả những người chưa tin vào Chúa.
 Các môn đệ cũng có óc bè phái,muốn ngăn cản những người nhân danh Thầy mà trừ quỷ,chỉ vì họ mà không thuộc nhòm mười hai.
(Bài tin mừng).Các ông muốn bao thầu,độc quyền chân lý,độc chiếm quyền năng Thiên Chúa.Chỉ có thái độ mở ra cho người khác, ngay trong sự khác biệt của họ, mới cứu chính mình khỏi trước cám dỗ bè phái, độc quyền.
 Đức Giêsu rất nghiêm khắc đối với những người làm cho người khác vấp ngã.Làm cản trở ơn cứu độ.Chúa răn đe và chống lại những thái độ hẹp hòi, ích kỷ,nhưng lại đánh giá cao việc làm,dù nhỏ mọn như ly nước lã, cho bất cứ ai.Chúa còn cảnh cáo: “Khốn cho ai làm cho người nhỏ nhất tin vào Thầy vấp ngã” Chắc chắn,Chúa không muốn ai phải cụt tay,cụt chân, đui mù, nhưng thà không tay,không chân,không mắt,mà giữ được tâm hồn trọn vẹn cho Chúa,cho anh em thì hơn! Đừng nên cớ cho một ai vấp ngã,vì đó là tiếp tay với ma quỷ.Qua những lời khắc khe,Đức Giêsu muốn cảnh cáo và kêu gọi mọi người trở về.Đổi đời tận căn đòi hỏi một sự cắt bỏ triệt để và dứt khoát.Mọi cắt bỏ đau xót,nhưng cần thiết.Như người bị ung thư phải để bác sĩ cắt đi những tế bào bệnh, mới mong cứu sống.
 Đức Giêsu không thuộc về riêng ai.Chân lý không độc quyền của một người nào.Thần khí được ban cho mọi người nhằm thực hiện sứ vụ.Những gì chân thật, tốt lành đều là của Chúa.
  Cũng vậy, của cài vật chất, tự nó không bị lên án.Xấu hay tốt là tùy theo cách sử dụng để làm việc thiện hay điều ác,để giúp đỡ đồng loại hay để bóc lột người khác.Sử dụng của cải mà không dính bén,là điều Chúa chúc phúc, là một lời khuyên của Tin Mừng.
 
  

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXV Thường Niên B

Lời Chúa: Lc 9, 18-22
(18) Hôm ấy, Ðức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: "Ðám đông nói Thầy là ai?" (19) Các ông thưa: "Họbảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại". (20) Người lại hỏi: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phêrô thưa: "Thấy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa".(21) Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
 (22) Người bảo rằng: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sống lại".
Suy Niệm
Với những giáo huấn mới lạ, các phép lạ làm cho người điếc được nghe, người câm nói được, người què và bại liệt đi được, người bị quỷ ám được giải thoát, người bệnh được chữa lành…, Chúa Giêsu đã làm cho người Do thái cùng thời phải ngạc nhiên và tự hỏi : “Ông ấy là ai vậy?”(Lc 8,25) Họ bàn tán xôn xao về Ngài. Người thì cho rằng Ngài là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là tiên tri Êlia hay một tiên tri nào đó. Sau khi nghe các môn đệ cho biết ý kiến của dân chúng về mình, Chúa Giêsu đã hỏi chính các môn đệ: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” (Lc 9,20). Chúa Giêsu muốn các môn đệ bày tỏ điều họ đang nghĩ về Ngài. Phêrô đã thay mặt anh em tuyên xưng Ngài là Đấng Mêsia. Thế nhưng Phêrô vẫn chưa hiểu đúng sứ vụ của Đấng Mêsia. Ông nghĩ đó là Đấng Mêsia được tôn vinh, chiến thắng theo kiểu loài người, Đấng đến giải phóng dân Do Thái và làm cho nước này trở nên hùng mạnh, chứ không phải là Đấng Mêsia theo cách Chúa Giêsu chọn. Chúa Giêsu đã từ từ vén mở cho các ông biết con đường Ngài chọn và sứ vụ đích thực của Đấng Mêsia.
Chúa Giêsu thật tài tình trong việc tiếp cận các tông đồ để hướng các ngài đến một Đấng Mêsia mới, Đấng chịu đau khổ nhiều, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Chúng ta hãy ngoan nguỳ để được Lời Chúa hướng dẫn hầu có được sự hiểu biết đúng đắn về Chúa và can đảm thực thi thánh ý của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu, lời tuyên tín xác quyết của thánh Phêrô giúp chúng con biết rõ Ngài là ai. Xin giúp chúng con cũng mạnh mẽ tuyên xưng đức tin của mình trong cuộc sống hằng ngày để mọi người thấy rõ Ngài là Đấng duy nhất con tôn thờ. Amen. 

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 25 Thường Niên - B


25/9. Thứ Sáu. Kg 2,1b-10; Lc 9,18-22
Bài Ðọc I - Kg 2,1b-10
Năm thứ hai triều đại vua Ðariô, đến ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng: "Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng: "Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm. Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ, hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi, khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các ngươi đừng sợ".
Vì Chúa các đạo binh phán như thế này: "Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Ðấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy".
Tin mừng - Lc 9,18-22
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Suy niệm
Bối cảnh bài Tin Mừng này diễn ra khi các môn đệ đang quay quần bên Chúa Giêsu, lúc Ngài đang cầu nguyện. Chúa Giêsu đặt một câu hỏi buộc các ông phải trả lời một cách dứt khoát: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”, vì quan niệm của dân chúng đã không đúng đắn về sứ mạng của Đức Giêsu: “Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác thì cho là một trong các ngôn sứ”…
Lời tuyên xưng của ông Phêrô đại diện cho anh em mình đánh dấu bước ngoặt trong hoạt động trần thế của Đức Giêsu. Trong khi đám đông còn những quan niệm sai lầm về Ngài, chính vì vậy mà họ không đến gần Ngài được, thậm chí có những kẻ đã bỏ Ngài; thì các môn đệ lần đầu tiên đã nhìn nhận đúng sứ mạng của Ngài: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Từ đó, Đức Giêsu mới dám đưa các môn đệ của Ngài vào lịch trình huấn luyện một cách đặc biệt. Cụ thể là sau đoạn này, Chúa Giêsu đã loan báo cuộc khổ nạn của Ngài.
Chỉ khi ở một mình với Đức Giêsu, Ngài mới thổ lộ tâm tình những bí nhiệm Nước Trời cho chúng ta. Và chỉ khi ở bên Chúa, chúng ta mới có khả năng hiểu biết đúng đắn về Chúa.
Từ đó chúng ta có thể trả lời cho một thực tế là tại sao những người đạo đức, thánh thiện, càng gần gũi với Chúa thì càng gặp nhiều cám dỗ? Thưa chỉ những ai xác quyết về Đức Kitô, Ngài mới có thể đưa họ vào chương trình huấn luyến một cách đặc biệt, để họ càng định hình rõ ràng con đường đức tin của mình đang đi.
Lạy Chúa, Chúa vẫn hỏi con: “Người ta bảo Con Người là ai?” Câu trả lời xuất phát từ chính kinh nghiệm của bản thân con. Dĩ nhiên con có thể trả lời theo Giáo lý, theo tín lý một cách đúng đắn Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng kinh nghiệm cá nhân của con về Ngài như thế nào? Con có thể chia sẻ cho người khác được không?
Hơn thế nữa, khi gặp khó khăn, thử thách về đức tin (chứ không phải về cuộc sống), như là kinh nghiệm về tội lỗi và thánh thiện, kinh nghiệm về việc tìm kiếm Chúa… từ đây con biết đó là cách Chúa đang tinh luyện con, để con luôn vững tin vào Chúa hơn.
Xin ban thêm niềm tin cho con!

25/09/2015 -Thứ Sáu Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 9, 18-22
" Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại". Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?" Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và chuẩn bị.
Chúa Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi. Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người, là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Xin Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường theo Chúa và làm chứng cho Chúa.AMEN..