Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

THỨ BA 30.06 - Tuần XIII Thường Niên


St 19:15-29; Mt 8:23-27

Khi ấy Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”
CHÚA LUÔN HIỆN DIỆN
Hàng ngàn bệnh nhân trong nhà thánh Cottolengo đều có một nét mặt rất an bình, vì lâu lâu loa lại dịu dàng nhắc: “Chúng ta đang ở bên Chúa!” (Đường Hy Vọng).
Biển động mạnh, sóng ập vào thuyền, các môn đệ sợ hãi. Dù là những ngư phủ, các ông không dựa tài năng đi biển các ông vốn có. Các ông nhận ra Chúa đang hiện diện giữa các ông, và các ông cầu xin Chúa giúp đỡ. Chúa đã ngăm đe gió và biển. Biển liền lặng như tờ. Các ông được chứng kiến một phép lạ. Đức tin của các ông nhờ đó cũng lớn lên.
Trong cuộc sống, những gian nan thử thách như “bão tố” xảy đến là để thức tỉnh chúng ta. Cả trong những giây phút đen tối nhất, Thiên Chúa vẫn hiện diện bên ta, dù cho lúc đó tưởng chừng Người đang ngủ. Như các môn đệ, chúng ta đến với Người và thưa: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”.

Lạy Chúa, con luôn nhớ có Ngài trước mặt,
được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.
(Tv 88,8)

Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIII Thường Niên


30/6. Thứ Ba. Các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma. St 19,15-29; Mt 8,23-27
Bài đọc I - St 19,15-29
Trong những ngày ấy, các thiên thần hối thúc ông Lót rằng: "Hãy chỗi dậy đem vợ và hai con gái của ngươi đi, kẻo chính ngươi cũng phải chết lây vì tội của thành Sôđôma!" Khi ông Lót còn đang do dự, các thiên thần nắm tay ông cùng vợ ông và hai con gái ông, vì Chúa muốn cứu thoát ông. Các thiên thần kéo ông ra ngoài thành và nói: "Ngươi muốn sống thì hãy chạy đi, đừng nhìn lại phía sau; cũng đừng dừng lại nơi nào cả trong miền quanh đây, nhưng hãy trốn lên núi, để khỏi chết lây!" Ông Lót thưa: "Lạy Chúa tôi, tôi van xin Ngài: Tôi tớ Chúa đã được Chúa thương yêu, và Chúa đã tỏ lòng khoan dung đại độ gìn giữ mạng sống tôi. Tôi không thể trốn lên núi kẻo gặp sự dữ mà chết mất. Gần đây có một thành phố nhỏ, tôi có thể chạy tới đó và thoát nạn. Thành đó chẳng nhỏ bé sao, xin cho tôi ẩn tránh tại đó để được sống". Thiên thần nói: "Thôi được, ta cũng chiều ý ngươi xin mà không tàn phá thành ngươi đã nói tới. Ngươi hãy mau mau trốn thoát tới đó, vì ta chẳng làm được gì trước khi ngươi đi tới đó". Bởi đó đã gọi tên thành ấy là Sêgor.
Mặt trời vừa mọc lên thì ông Lót vào đến thành Sêgor. Vậy Thiên Chúa cho mưa sinh diêm và lửa từ trời xuống trên thành Sôđôma và
Sáng sớm (hôm sau) ông Abraham thức dậy, đi đến nơi ông đã đứng hầu Chúa trước đây, ông nhìn về phía thành Sôđôma, và Gômôra và cả miền ấy, ông thấy khói từ đất bốc lên cao như khói một lò lửa hồng.
Khi Chúa phá huỷ các thành trong miền ấy, Người đã nhớ đến Abraham mà cứu ông Lót thoát cảnh tàn phá tại các thành mà ông đã cư ngụ.
Tin mừng - Mt 8,23-27
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"
Suy niệm
Với bài đọc I hôm nay, chúng ta nhận ra quyền năng của Đức Chúa đã cứu gia đình ông Lót khỏi chết trước tai họa mưa diêm sinh và lửa, khi Người giáng phạt thành Xơđôm và Gômôra. Và trong bài Tin mừng, ta lại tiếp tục ngỡ ngàng trước lời quyền năng của Đức Giêsu, khi Ngài khiến cơn biển động trở nên lặng như tờ.
Đức Giêsu vẫn hiện diện trong “thuyền” cuộc đời tôi. Và quyền năng của Ngài có thể dẹp tan những sóng gió trong đời tôi, khi tôi kêu cầu Ngài, khi tôi ý thức có Ngài bên cạnh. Vậy mà nhiều khi, trong những cảnh ngộ đời mình, tôi chỉ đi tìm tựa nương nơi những sức mạnh khác, không phải là Chúa.
Mong sao, tôi luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Ngài ở ngay trong con thuyền cuộc đời tôi, để tình bạn giữa Ngài và tôi luôn là một tương quan thân thiện, tin tưởng.

Mong sao, tôi luôn tin vào sức mạnh của quyền năng Chúa, để tôi kiên nhẫn hơn trước những nhu cầu của đời mình.

30.6.2015 – Thứ ba Tuần 13 Thường niên


Lời Chúa: Mt 8, 23-27
Khi ấy Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Suy niệm
 Thiên Chúa hằng che chở bảo vệ dân Người. Qua cuộc Xuất Hành, cảm nghiệm của dân Israel chính là lòng tri ân Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập: "Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn" (Xh 12,27). Cảm nghiệm lớn lao ấy luôn được nhắc nhớ cho các thế hệ (x. Xh 12,24). Sự che chở của Thiên Chúa với dân một lần nữa được thể hiện nơi Đức Giêsu - Con Thiên Chúa. Trước cơn bão tố, dấu hiệu của sự dữ đang lộng hành, Đức Giêsu chỉ phán một lời, tức thì gió liền tắt và biển lặng như tờ. Như thế, quyền lực sự dữ phải khuất phục khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Các Tông Đồ lại có được sự bình an. Hôm nay, Đức Kitô cũng đang yêu thương, che chở từng người chúng ta vì Ngài hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
 Hành trình cuộc đời ta cũng có lúc chòng chành như chiếc thuyền giữa biển khơi bão tố. Dẫu biết rằng những "bão tố" trong cuộc đời là dịp để thức tỉnh ta nhưng nhiều khi chúng thật khắc nghiệt và phũ phàng. Trước những nghịch cảnh và khó khăn, chúng ta phải chèo chống vất vả và với giới hạn của phận người, sức chèo chống của ta sẽ vơi cạn dần dễ khiến ta thất vọng, sợ hãi. Những lúc đó, lời nhắc nhở, trấn an của Chúa Giêsu: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ" (Mt 14,27) là sự khích lệ và là điểm tựa vững chắc cho chúng ta. Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện bên ta, cả trong những giây phút tăm tối của cuộc đời; dù có lúc, ta tưởng chừng như Ngài đang "ngủ" hay "vắng mặt". Như các Tông Đồ xưa, chúng ta không đương đầu với sự dữ một mình, cũng không cậy dựa vào tài khéo hay sức riêng nhưng luôn biết khiêm tốn kêu lên cùng Chúa: "Lạy Ngài, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" (Mt 8,25).
Lạy Chúa, Ngài là núi đá, là ơn cứu độ của con, là thành luỹ chở che: con chẳng hề nao núng bao giờ (x. Tv 62,3). Amen. 


«Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống ? »


(
29.6.2015 – Thứ Hai – Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ)

Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường đi đến các làng xã vùng Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê. Đó là một nơi xa khỏi vùng mà Đức Giê-su và các môn đệ của Người thường xuyên lui tới. Dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ hai câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình : câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».
Dường như để đặt cho nhau những câu hỏi thiết thân, nghĩa là tỏ bày cho nhau người này là ai đối với người kia, người ta cần phải giữ khoảng cách với thực tại, bằng cách đến một nơi xa lạ để sống thân tình với nhau.
1. « Người ta nói Thầy là ai ? »
Đúng là, để trả lời đích thân cho Chúa và đi vào tương quan thiết thân với Ngài, chúng ta phải vượt qua những gì « người ta » nói về Ngài, và cũng đúng là những gì người ta nói về Ngài vẫn chưa là điều Ngài thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhưng, để giúp các môn đệ và giúp chúng ta hôm nay hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là về cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ, những gì người ta nói về Ngài có một ý nghĩa thực sự quan trọng.

Thật vậy, các môn đệ trả lời : « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời « nhảy xuống » cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế, chắc hẳn Ngài sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của ngôn sứ Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.
Thánh Phê-rô đã không hiểu ra điều này, mặc dù đã tuyên xưng đúng căn tính của Chúa. Bởi vì, điều khó vừa khó hiểu và vừa khó chấp nhận, đó là con đường Ngài chọn để bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta. Chính vì thế, bao lâu mầu nhiệm Vượt Qua chưa được hoàn tất, Ngài « cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô » (c. 20).
2. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».

Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa : “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c. 21)
Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, và nhất là đón nhận những ân huệ của nhau (quà tặng, thời gian, sự hiện diện và nhất là tình yêu), nhưng sẽ đến một lúc nào đó phải dừng lại, tìm một nơi thanh vắng, cách xa với môi trường sống quen thuộc, để tĩnh tâm, cầu nguyễn và suy nghĩ về việc có nên trao ban cho nhau lòng tin hay không, nghĩa là đặt cuộc đời của mình vào tay người kia, và cùng nhau suy nghĩ về một lựa chọn dứt khoát : có nên thuộc về nhau suốt đời hay không ? Mỗi người được mời gọi đưa ra quyết định : người kia là ai đối với mình suốt đời ? Cũng vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.
Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?
Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?
3. Mối phúc và sứ mạng
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phê-rô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Đức Giê-su Nazareth. Lời tuyên xưng đức tin này không có nguồn gốc con người, như Đức Giê-su xác nhận : « không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy », nhưng đến từ mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự trên trời. Và niềm tin nơi Đức Ki-tô là một mối phúc : « Này anh Simon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc », phúc của thánh Phê-rô đã tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, và phúc của chúng ta hôm nay, vì cũng tuyên xưng và sống cùng một niềm tin. 
Xin cho chúng ta cảm nhận được mối phúc này mỗi ngày và suốt đời trong niềm vui, vì niềm tin chúng ta đặt để nơi Đức Ki-tô : đức tin của chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống tư tưởng hay nguyên tắc luân lí, nhưng là ngôi vị sống động và thần linh, là Đấng Cứu Độ, mang lại cho chúng ta tình yêu, lòng bao dung, ý nghĩa, đường đi, sự hiểu biết, sức sống và chính sự sống.

Nhưng thế nào là một mặc khải của Thiên Chúa về Đức Ki-tô ? Chắc chắn đó không phải là một sự nhận biết bất chợt và một lần là xong ; như chính Đức Ki-tô nói với thánh Phê-rô : « Điều Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (Ga 13, 7). Đặt mối phúc của thánh Phê-rô trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của ngài, chúng ta nhận ra rằng, mặc khải về căn tính thần linh của Đức Ki-tô đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô, đi theo, ở lại, lắng nghe, hiểu biết, để cho Người rửa chân, trao ban và yêu thương đến cùng, mỗi ngày và suốt đời. Kinh nghiệm đức tin của hai Thánh Tông Đồ giúp chúng ta nhận ra điều này : Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Đó là lời của thánh Phao-lô, nhưng thánh phê-rô cũng có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về hiểu biết và lòng mến đến cùng dành cho Đức Ki-tô (x. Ga 21, 1-20). Chúa tin tưởng trao ban cho thánh Phê-rô, vừa với tư cách là “Đá Tảng” và vừa với tư cách là đại diện các tông đồ và các thừa tác viên (x. Ga 20, 23) một quyền rất lớn, đó là quyền tháo cởi hay cầm buộc. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tin tưởng trọn vẹn mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho con người mòng dòn ở dưới đất. Nhưng trong lịch sử, đã có lúc Giáo Hội mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội, đã tách biệt quyền bính với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá , không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban không phải để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, nhưng để lên án loại trừ và giết chết, theo năng động của Sự Dữ.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót.
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô: Canh Tân Để Tồn Tại


Trong những loài chim, đại bàng là loài có tuổi thọ cao nhất. Tuổi thọ cao nhất của nó có thể đạt tới 70 tuổi. Để sống được lâu như vậy, lúc 40 tuổi, nó bắt buộc phải đưa ra một quyết định rất khó khăn nhưng vô cùng quan trọng.Khi đại bàng sống đến 40 tuổi, móng vuốt của nó đã bắt đầu bị lão hóa, sẽ không còn khả năng bắt được mồi như xưa nữa. Đôi cánh của nó cũng trở nên vô cùng nặng nề, bởi lông vũ của nó mọc vừa dài, vừa dày, vừa nhiều, mỗi khi cất cánh bay lên là cảm thấy rất tốn sức. Lúc này chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc chết, hoặc trải qua một quá trình đổi mới cực kỳ đau khổ.Quá trình đổi mới này kéo dài tới 150 ngày, đại bàng buộc phải cam chịu gian khổ để bay lên đỉnh núi, xây tổ trên vách cheo leo, tại đó nó hoàn thành sự đổi mới.Đầu tiên, nó dùng mỏ của mình mổ vào đá nham thạch cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rơi xuống, sau đó yên lặng chờ đợi cho mỏ mới mọc dài ra. Thế nhưng, nó phải dùng cái mỏ mới dài ra đó nhổ từng cái móng chân của mình. Sau khi móng chân dài ra, nó lại nhổ từng sợi lông vũ đi. Sau 5 thàng, lông vũ mới mọc dài ra.Lúc này con đại bàng đã dành được sự sống mới và đã có thể bắt đầu bay lượn , tìm mồi và sống sung mãn như ngày nào.Thật đáng khen cho Đại Bàng đã biết tồn tại bằng việc đổi mới. Có bỏ cũ nó mới có cơ hội sở hữu cái mới. Có lột bỏ những thứ đang chết dần mới chiếm hữu được những sự sống mới trổ sinh. Nhìn vào cách đổi mới của Đại Bàng chúng ta càng cảm phục tính gan dạ của nó. Dám chấp nhận lột xác thật đau để nuôi dưỡng mầm sống mới. Nó phải can đảm bẻ gãy cái mỏ già nua, những móng vuốt bị lão hóa, những chiếc lông vũ dầy cộm để thay hình đổi dạng thêm trẻ trung và khỏe mạnh hơn, nhờ vậy mà nó có thể tiếp tục bay cao trên bàu trời.Hóa ra để được tồn tại không phải là bám vào cái cũ mà là phải loại bỏ cái cũ để đổi mới, để thích nghi với môi trường, nhất là cái cũ ấy là vật cản cho ta tiến thân, là nguyên do làm cho chúng ta trì trệ tinh thần lẫn thể xác.Cuộc sống con người tưởng chừng như chỉ biết vun quén, xây đắp để tồn tại, thực ra muốn tồn tại phải biết bỏ đi. Bỏ đi những cái cồng kềnh vô ích. Bỏ đi những cái cũ để có khả năng sở hữu cái mới. Bỏ đi những cái đeo bám vào ta nhưng chỉ làm ta trì trệ, yếu đuối. Bỏ đi để ta khỏe mạnh hơn, lạc quan hơn và đầy sức sống hơn.Cuộc đời của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô là một điển hình. Các ngài có những khuyết tật, có những yếu đuối, nhưng các ngài đã dám lột bỏ con người cũ để làm lại, để dấn thân hoàn thiện con người của mình. Phê-rô đã từng sa ngã, bồng bột. Ông đã từng can ngăn Chúa bước vào tuần thương khó. Ông đã từng vấp phạm chối Chúa đến ba lần. Còn Phao-lô thì lại hăng say nhưng bồng bột. Ông nhân danh chân lý để tàn sát người theo đạo. Ông từng góp mặt trong vụ án giết Ste-pha-nô. Ông đã từng cầm tráp truy đuổi người theo Đức Ky-tô. Thế nhưng, các ngài đã cùng đứng dậy làm lại cuộc đời. Các ngài đã anh dũng đổi đời dù biết rằng cuộc đổi đời ấy sẽ dẫn đến các ngài phải đối diện với bao khó khăn thử thách cùng sự bách hại.Phê-rô đã đổi đời từ con người nhút nhát hay bàn rùn nay trở nên mạnh mẽ can trường, dám đối diện với sự bách hại mà không hề sợ hãi. Phê-rô đã từng tuyên bố với giới cầm quyền: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Phê-rô đã làm chứng cho Chúa trong sự can trường đến hơi thở cuối cùng qua cái chết cùng phận số với Thầy là đóng đinh trên thập giá, nhưng ông đã xin ngược đầu xuống đất!Phao-lô đã lội ngược dòng khi ông được Chúa đưa vào sa mạc để thực hiện cuộc đổi đời. Từ con người bách hại đạo lại trở thành người rao truyền đạo. Từ lòng nhiệt thành đi bắt bớ người theo đạo lại trở thành người ra đi đem lời Chúa đến khắp năm châu. Lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt ngài đến mức độ thánh nhân đã từng nói: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”.Con người luôn mang thân phận yếu đuối. Càng sống lâu càng chồng chất những yếu đuối lỗi lầm. Nhưng nhìn vào hai tấm gương tông đồ Phê-rô và Phao-lô cho chúng ta một niềm hy vọng về sự trở về của chúng ta là không bao giờ chậm trễ. Sự trở về là cơ hội giúp chúng ta đổi mới con người, lột bỏ con người cũ để thay đổi đời sống. Nhất là biết cậy dựa vào ơn Chúa để thay đổi đời sống theo thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn tạo những cơ hội thuận tiện để chúng ta thực hiện cuộc đổi đời. Thiên Chúa luôn ban những ơn cần thiết để chúng ta có khả năng thay đổi cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình để chấp nhận cộng tác với ơn Chúa để thực hiện cuộc đổi mới. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân nhưng luôn can trường gột rửa con người mình nên hoàn hảo hơn. Và xin cho chúng ta cũng trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. AmenLm.Jos Tạ Duy Tuyền

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIII Thường Niên



29/6. Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Lễ trọng. Cv 12,1-11; 1Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16,13-19

Mt 16,13-19
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Suy niệm

Hôm nay, chúng ta mừng kính hai vị đại Thánh: Phêrô và Phaolô – tảng đá và cột trụ của Giáo hội. Dù hoàn cảnh của hai vị rất khác nhau, nhưng cả hai đều được Chúa gọi và trao sứ mạng dựng xây và mở mang Nước Chúa.
Với Phêrô, ông được dành riêng cho chương trình của Chúa, và chính Chúa đã dẫn đưa ông qua những nẻo đường, mà chính ông cảm nhận được trong bài đọc I: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do Thái". Và qua lời tuyên xưng trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu đã trao cho ông sứ mạng làm Tảng Đá xây nền Giáo Hội.
Với Phaolô, qua biến cố ngã ngựa thành Đamas, Đức Giêsu đã đưa ông vào con đường của Chúa để loan truyền Tin mừng cho dân ngoại, mà chính ông xác tín trong bài đọc II: “Có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy”.
Thánh Phêrô và Phaolô đã sống sứ mạng của mình cách trọn hảo, nhờ đức tin và tình yêu nồng nàn vào Đức Kitô.
Hôm nay, sống giữa những trào lưu duy thế tục, Kitô hữu dễ thấy mình lạc lõng, khó giữ vững đức tin. Vì thế, Giáo Hội vẫn cần những Phêrô và Phaolô của ngày hôm nay – những Tảng Đá, những Cột Trụ xây dựng đức tin, hun đúc đức tin cho khu xóm mình, cho gia đình mình.
Mong sao, tôi có một tâm tình yêu mến Chúa như Phêrô: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, để trở nên “đá tảng”, góp phần xây dựng Giáo Hội trong bậc sống của mình.
Mong sao, tôi có một nhiệt huyết với Tin mừng của Chúa như Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi”, để trở nên “cột trụ”, góp phần giữ vững Giáo Hội trong tinh thần của một Kitô hữu.

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

THỨ HAI, tuần XIII Thường Niên (năm lẻ)


Bài trích sách Sáng thế St 18,16-33
Chẳng lẽ Chúa tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao
16Từ cụm sồi Mam-rê, ba người khách đứng dậy và nhìn xuống phía Xơ-đôm. Ông Áp-ra-ham cùng đi để tiễn khách. 17Đức Chúa phán: "Ta có nên giấu Áp-ra-ham điều Ta sắp làm chăng? 18Áp-ra-ham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó. 19Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực; như thế Đức Chúa sẽ làm cho Áp-ra-ham điều Người đã phán về nó." 20Đức Chúa phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề! 21Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết."
22Hai người kia bỏ nơi đó mà đi về phía Xơ-đôm, nhưng Đức Chúa còn đứng lại với ông Áp-ra-ham. 23Ông lại gần và thưa: "Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao? 24Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? 25Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao? " 26Đức Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được trong thành Xơ-đôm năm mươi người lành, thì vì họ, Ta sẽ dung thứ cho tất cả thành đó."
27Ông Áp-ra-ham lại nói: "Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: 28Giả như trong số năm mươi người lành lại thiếu mất năm, vì năm người đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?" Chúa đáp: "Không! Ta sẽ không phá huỷ, nếu Ta tìm được bốn mươi lăm người." 29Ông lại thưa một lần nữa: "Giả như trong thành tìm được bốn mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì bốn mươi người đó, Ta sẽ không làm."
30Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói tiếp: Giả như ở đó có ba mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Nếu Ta tìm được ba mươi người, Ta sẽ không làm." 31Ông nói: Con xin mạn phép thưa với Chúa: "Giả như tìm được hai mươi người thì sao?" Chúa đáp: "Vì hai mươi người đó, Ta sẽ không phá huỷ." 32Ông nói: "Xin Chúa đừng giận, cho con nói một lần này nữa thôi: Giả như tìm được mười người thì sao?" Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."
33Sau khi phán với ông Áp-ra-ham, Đức Chúa đi, còn ông Áp-ra-ham thì trở về nhà. Đó là Lời Chúa
Chia sẻ
20Đức Chúa phán: "Tiếng kêu trách Xơ-đôm và Gô-mô-ra thật quá lớn! Tội lỗi của chúng quá nặng nề!
Lạy Chúa, Chúa thật sự coi Áp-ra-ham như “bạn Chúa”. Chúa tiết lộ cho ông điều chất chứa trong lòng Chúa. Chúa là Thiên Chúa thánh thiện và Chúa không thể thỏa hiệp với sự dữ. Chúa không thể chấp nhận sự ác, bất công, đồi bại, tìm làm điều dữ. Điều đó Chúa chê ghét. Lạy Chúa, Chúa quyết định tiêu diệt sự dữ đang bày ra ở Xô-đôm và Gô-mô-ra đồi bại, và Chúa tiết lộ điều đó cho Áp-ra-ham.
Lạy Chúa, con có đủ thân tình để Chúa chia sẻ cho cả con nữa, ưu tư thần linh của Chúa nhằm “chống lại sự dữ”, “phát triển sự lành”, trong thế giới, trong thành phố con sống, trong nghề nghiệp con làm. “Tội lỗi chúng quá nặng nề!”
24Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao?
Áp-ra-ham cầu bầu cho cả thành! Ông cầu Chúa cho thành “dầu sự dữ”, “quá ít sự lành”. Hàng ngàn người xấu và có lẽ được năm chục người lành?
Đức tin đặt con “vào cuộc đàm thoại với Chúa”, đưa con vào mầu nhiệm “cứu rỗi” nhân loại. Đức tin cho con nhìn thế giới dưới một góc cạnh nào đó: cho con nhìn thế giới “cần được cứu rỗi”. Một nhân loại phải được giúp đỡ để thoát khỏi sự dữ. Lạy Chúa, đức tin làm cho con chia sẻ cách nhìn của Chúa. Con khám phá ra các nẻo đường của Chúa. Lạy Chúa, con chấp nhận quan điểm của Chúa: dầu cho bề ngoài thế nào, thì từ thâm sâu, Chúa vẫn muốn cứu vớt loài người! Và những ai là bạn hữu của Chúa như Áp-ra-ham chia sẻ nỗi ưu tư của Chúa.
Hôm nay con sẽ làm gì để phục vụ người khác? Con có thể giúp đỡ ai?
"Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa.
Áp-ra-ham cũng thấy mình tội lỗi trước Thiên Chúa rất thánh, ông đứng về phía nhân loại khốn cùng, được nắn đúc từ bụi tro. Có lẽ vì đó mà ông bênh vực cho anh em mình: ông thấy mình có liên đới, có sự dữ nơi mình nữa!
Lạy Chúa, xin giúp con đừng xét đoán, cả khi “chiến đấu với sự dữ”... khi nghĩ rằng chính con cũng dự phần với tội lỗi này. Ước muốn cứu vớt người khác của con không hề là một sự kiêu ngạo mình hoàn thiện hơn, bởi vì chính con cũng muốn được hưởng nhờ ơn tha thứ với các người khác.
Lạy Chúa, chớ gì đức tin của con giúp con đào sâu tình liên đới với thế giới tội nhân. Chớ gì con thành thật nói: “Xin tha nợ chúng con”, cho tất cả “chúng con”... (trong đó chắc chắn có cả con!)
Giả như tìm được mười người thì sao?" 
Chúa đáp: "Vì mười người đó, Ta sẽ không phá huỷ Xơ-đôm."
Trọn tường thuật vươn tới đó. Chính ở đó tỏ lộ “ý định sâu xa của Chúa”: cuối cùng “Chúa không muốn phạt, Chúa muốn cứu vớt” và đó là Tin Mừng: nhờ chỉ “một người công chính”, Đức Giêsu Kitô, mà mọi tội nhân được cứu vớt. Lạy Chúa, mầu nhiệm biết bao lòng nhân hậu Chúa. Vài người công chính cũng đủ cứu cả cộng đoàn.
Lạy Chúa, xin cho chúng con thuộc vào số “những người biết góp phần cứu độ”... chớ không vào số những người tạo nên cớ để phải chịu nỗi bất hạnh.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con cảm tạ Chúa, Đấng đã hiến mạng vì chúng con.
Xin cho con đừng bao giờ, nhưng luôn luôn biết khẩn cầu cho thế giới như Áp-ra-ham bạn Chúa.
Hôm nay, trong gia đình con, trong nhóm con sống, con muốn “lôi kéo ơn tha thứ” cho mọi người. 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat-thêu Mt 8,18-22
Anh hãy đi theo tôi.
18Khi ấy, thấy xung quanh có đám đông, Đức Giêsu ra lệnh sang bờ bên kia. 19Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. 20Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”.
21Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. 22Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”. Đó là Lời Chúa
Chia sẻ 
19Một kinh sư tiến đến thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”... Thật tuyệt vời! Một ông kinh sư muốn làm môn đệ Chúa Giêsu... Đã có bao giờ bạn muốn ‘thân thiện’ hơn với Đức Giêsu, như muốn làm ‘môn đệ’, ‘làm bạn’ với Người; chứ không giữ đạo bình thường như bao người khác: ‘kính nhi viễn chi’, nghĩa là chỉ theo các nghi lễ của Hội Thánh, như bao người khác?
Kitô hữu là người đi theo Đức Giêsu, ‘chia sẻ cuộc sống’ với Người; ‘bắt chước’ Người; để trở nên “giống như Người”. Đó là cốt yếu của đời sống Kitô giáo: “Sống và hành động như Đức Kitô”... Vậy Đức Giêsu đã chiếm được chỗ nào trong con người và đời sống tôi? Tôi có thực sự muốn trở nên ‘thân thiết’ với Người không? Tôi đã dành thời giờ để sống với Người thế nào? 
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu”... Đức Giêsu từ khi rời bỏ mái ấm gia đình Nadarét, để lại người Mẹ cô độc, thì Người trở thành “kẻ lang thang nay đây mai đó”, đúng như Người nói: “Tôi đây không có chỗ tựa đầu.” Người khước từ mọi quyền sở hữu, cả mái ấm gia đình, cũng không! 
Chắc chắn là ‘chưa bao giờ’ tôi chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cảnh khó khăn này cho đủ! 
Lạy Chúa Giêsu, quả thực, chính chúng con cũng chưa bao giờ lâm vào cảnh một ngày nào mà không có cơm ăn, không chỗ tựa đầu, phải sống ‘trôi giạt’ như Chúa... suốt ba năm trời! Lạy Chúa, theo Chúa còn là sống chờ đợi một tương lai bị kết án tử, sau một cuộc đời không có chỗ tựa đầu! 
21Một môn đệ khác thưa với Người: “Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã”. 22Đức Giêsu bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”. Ở đây, Chúa dạy người ta từ bỏ cả những tình cảm quyến luyến trong gia đình để theo Chúa. 
“Để kẻ chết(1) chôn kẻ chết(2)”. Hai ‘kẻ chết’ có hai nghĩa khác nhau: “kẻ chết(1) là chết ‘linh hồn’, vì “không tin và không theo Chúa” (coi như chết phần linh hồn); “kẻ chết(2) là kẻ chết phần ‘thể xác”.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã phán rằng: “Chúa là sự sống lại và là sự sống; ai tin Chúa thì dù đã chết cũng sẽ được sống; ai sống mà tin Chúa thì sẽ không bao giờ phải chết (Ga 1125-26)!
Cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời... 


Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

28/06/2015 Chúa Nhật Tuần XIII Mùa Thường Niên Năm B

PHÚC ÂM: Mc 5, 21-43 {hoặc 21-24. 35-43}
"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".}
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ :
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đi vào thế giới ấy, thế giới của những câu hỏi "tại sao", mà lý trí con người không thể lý giải được. Phép lạ một người đàn bà bị băng huyết được chữa lành nhờ chỉ chạm đến áo của Chúa Giêsu, và phép lạ một em bé gái chết được Chúa Giêsu cho sống lại; cả hai phép lạ đều phát xuất từ lòng tin của con người. Ông trưởng hội đường đã biểu lộ lòng tin bằng cách lặn lội tìm đến với Chúa Giêsu xin Ngài tới đặt tay trên con gái của ông; người đàn bà băng huyết tin một cách mãnh liệt nơi sức mạnh phát xuất từ con người Chúa Giêsu. Nơi ông trưởng hội đường, lòng tin được tuyên xưng tỏ tường; nơi người đàn bà băng huyết, niềm tin rụt rè kín đáo. Nhưng dù tỏ tường hay kín đáo, chính lòng tin đã giúp cho phép lạ xảy ra, như Chúa Giêsu đã nói với người đàn bà: "Lòng tin của con đã cứu chữa con".
Niềm tin làm cho con người được sống, điều này vẫn thường xảy ra trong đời sống con người. Tất cả những thành công trong cuộc sống đều nhờ ở niềm tin, nhưng niềm tin tôn giáo thì quan trọng hơn, bởi vì chính sự sống tinh thần và tâm linh mới là điều cần thiết cho con người đạt được thành công. Có tất cả, nhưng thiếu đời sống tâm linh, con người vẫn như sống dở. Sống sung mãn, sống dồi dào, chính là sống nội tâm. Chỉ có một đời sống nội tâm sung mãn mới giúp con người thấy được, cảm nhận được những gì mà giác quan và lý trí không thể đạt được.
Cuộc sống vốn là một phép lạ, từng hơi thở con người là một phép lạ, mỗi ngày là một phép lạ, mỗi phút giây là một phép lạ. Chỉ có đôi mắt nội tâm mới cho con người cảm nhận được phép lạ triền miên ấy. Sống đích thực, sống dồi dào, là biết chiêm ngưỡng để đón nhận phép lạ từng ngày ấy.
Nguyện xin Chúa ban cho cuộc sống chúng ta luôn được thấm nhập bởi ánh sáng của phép lạ triền miên ấy.AMEN

Chúa Nhật XIII Thường Niên HAI BIẾN CỐ CỦA NIỀM TIN


Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta hai câu chuyện, hai biến cố, hai hoàn cảnh của hai nhân vật khác nhau nhưng lại có điểm chung đồng nhất là niềm tin vững mạnh vào Đức Giêsu, Đấng đến để chữa lành, để cứu sống họ và những người thân yêu.
Câu chuyện thứ nhất là tình yêu của người Cha đối với đứa con gái bé nhỏ của mình.Ông là viên trưởng hội đường tên là Giaia.Khi gặp Đức Giêsu, ông biểu lộ niềm tin vào Ngài một cách chân thành tha thiết : “Vừa thấy Chúa Giêsu, ông ta sụp xuống dưới chân Người và khẩn khoản nài xin”.Cử chỉ này chứng tỏ ông hết lòng thần phục và tín thác vào quyền năng của Đức Giêsu, Đấng có thể làm cho mọi sự.Với niềm tin mãnh liệt đó, ông đã cầu xin cho con gái của mình : “Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.Lòng tin của ông đã được Đức Giêsu nhận lời, Ngài liền lên đường để chữa lành cho con gái ông,thế nhưng đứa bé đã chết trong khi Đức Giêsu trên đường đến nhà ông.Mặc dù vậy, Ngài vẫn không ngừng nâng đỡ đức tin còn non yếu của ông : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Đức tin của người cha đã giúp cho con của mình được hưởng lòng thương xót của Chúa: “Người cầm lấy tay nó và nói : Này bé, Thầy truyền cho con; đứa bé đứng dậy và đi được”.Đứa bé được phục hồi sự sống là do lời cầu và thái độ tin tưởng của người cha.Đối với những người hèn mọn nhưng đầy tin tưởng,Ngài luôn ban cho họ một dấu lạ,một sức sống,xua tan bóng đêm của sự chết.
Câu chuyện thứ hai là câu chuyện của người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm.Bà nghe biết Đức Giêsu, nên bà tìm mọi cách để gặp Ngài.Bà nghĩ rằng chỉ cần chạm tới Ngài thôi cũng đã được chữa lành rồi,và quả thật bà đã được chữa lành.Bà cảm nhận rõ ràng sự biến đổi trong chính cơ thể của mình.Cú va chạm nhẹ nhàng ấy đã làm thay đổi cuộc đời bà,căn bệnh đeo bám bà bấy lâu nay không còn nữa.Có lẽ, giữa đám đông chen lấn đó, có rất nhiều người đã chạm vào Đức Giêsu,nhưng chỉ có người phụ nữ này được chữa lành và bà chạm vào Đức Giêsu bằng tất cả niềm tin, chứ không phải do lòng hiếu kỳ.Chính việc đụng chạm bằng đức tin này đã chữa lành bà. “Này con,lòng tin của con đã chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”.
Cả hai câu chuyện cho ta thấy sự biến đổi khi họ đặt niềm tin vào Chúa,khi họ đụng chạm vào Chúa vì chính nơi Ngài xuất phát một năng lực lạ lùng có khả năng chữa bệnh,giải thoát,phục hồi sự sống đã mất.Chúa Giêsu đến để đem lại sự sống cho con người.Ngài để ý đến nỗi đau tinh thần và cả vật chất của con người.Điều Đức Giêsu chờ đợi là con người có muốn và có thực sự tin vào Ngài hay không.
Ngày nay, chúng ta đang có nguy cơ nhiễm đủ mọi căn bệnh liên quan đến tương quan với tha nhân hay với chính bản thân mình và với Chúa.Có những căn bệnh làm cho ta đang chết dần chết mòn,N không phải là thể xác mà là linh hồn.Chúng ta được mời gọi đến gặp Chúa để đụng chạm vào Ngài mỗi ngày qua việc tiếp xúc với Chúa trong lời cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, đụng chạm Mình Máu Thánh Chúa.Chúng ta cũng được chính Chúa động chạm vào mình qua các biến cố xảy ra trong cuộc đời mình.Động vào Chúa,đó là những sự đụng chạm cần thiết để được sống.Đó là việc đụng chạm hằng ngày để chúng ta được chữa lành và được sống.
Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên cầu nối yêu thương giữa tha nhân với Thiên Chúa, như ông Giaia trở thành trung gian giữa Đức Giêsu và con gái ông.Nếu ông không tín thác vào Chúa, không khẩn khoản nài xin Chúa cứu chữa con gái mình, thì có lẽ con gái ông cũng không được cứu.Ta cũng hãy trở trở nên nhịp cầu yêu thương để giúp những người đang sống xa Chúa, những người đang trong vũng lầy của tội lỗi… được đụng chạm đến tình thương của Chúa, để Chúa đến đặt tay trên họ,đụng chạm vào họ và để họ được cứu thoát và được sống.Chúng ta và những người quanh ta sẽ được biến đổi nếu nhận ra Chúa qua những biến cố cuộc đời, đó chính là cú va chạm của Chúa.
Hai biến cố trong trình thuật Tin Mừng hôm nay đã giúp ta thêm tin tưởng vào Thiên Chúa, củng cố thêm đức tin cho đời sống Kitô hữu của mỗi người.

Nt. Maria Lương Thị Phương Trâm, Dòng Đaminh Đức Mẹ Mân Côi

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2015

: Chính khuôn mặt đó


Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.
Leonardo đang miệt mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt tay vào công việc.
Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họa hồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu... Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.
Chúng ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.
Tin và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.
Tomas đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài... Tôi không tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của chúng ta...
Trong đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.
Tình yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.

27/06/2015 Thứ Bảy Tuần XII Mùa Thường Niên Năm B


Tin Mừng : Mt 8, 5-17
"Những người từ phương đông và phương tây sẽ đến trong nước trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào thành Capharnaum, thì có một đại đội trưởng đến thưa Chúa rằng: "Lạy Thầy, thằng nhỏ nhà tôi đau nằm ở nhà, nó bị tê liệt đau đớn lắm!" Chúa Giêsu phán bảo ông rằng: "Tôi sẽ đến chữa nó". Nhưng viên đại đội trưởng thưa Người rằng: "Lạy Thầy, tôi không đáng được Thầy vào dưới mái nhà tôi, nhưng xin Thầy chỉ phán một lời, thì thằng nhỏ của tôi sẽ lành mạnh. Vì chưng, cũng như tôi chỉ là người ở dưới quyền, nhưng tôi cũng có những người lính thuộc hạ, tôi bảo người này đi thì anh đi, tôi bảo người kia đến thì anh đến, tôi bảo gia nhân làm cái này thì nó làm!" Nghe vậy, Chúa Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, Ta không thấy một lòng tin mạnh mẽ như vậy trong Israel. Ta cũng nói cho các ngươi biết rằng: nhiều người từ phương đông và phương tây sẽ đến dự tiệc cùng Abraham, Isaac và Giacóp trong nước trời. Còn con cái trong nước sẽ bị vứt vào nơi tối tăm bên ngoài, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng". Đoạn Chúa nói với viên sĩ quan rằng: "Ông cứ về, ông được như ông đã tin". Và ngay giờ ấy, gia nhân ông đã được lành mạnh.
Khi Chúa Giêsu vào nhà ông Phêrô, thấy bà mẹ vợ ông đang sốt rét liệt giường. Chúa chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi. Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài.
Đến chiều, họ đưa đến cho Chúa nhiều người bị quỷ ám: Chúa dùng lời đuổi quỷ, và chữa lành tất cả các bệnh nhân, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói rằng: "Người đã gánh lấy các bệnh tật của chúng ta, và đã mang lấy những nỗi đau thương của chúng ta". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ :
Tin Mừng hôm nay thuật lại câu truyện lòng tin của viên bách quản Rôma, một lòng tin đã khiến Chúa Giêsu phải ngạc nhiên. Nếu Chúa Giêsu đã khen lòng tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết khi bà nghĩ rằng chỉ cần đụng vào gấu áo Ngài cũng đủ để được khỏi, thì lòng tin của viên bách quản này còn mạnh hơn nhiều: Ông tin rằng Chúa Giêsu chỉ cần nói một lời, thì đầy tớ của ông, dù có ở xa đến đâu cũng sẽ được lành. Trước lòng tin ấy, Chúa Giêsu đã thốt lên: "Tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế".
Lời tuyên xưng của viên bách quản là kết quả hiểu biết đúng đắn về bản thân và quyền năng của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Ðể có sự hiểu biết đúng đắn cần phải có thái độ khiêm nhường và thành thật. Vì con người là một tinh thần kết hợp với thể xác: thể xác bị ràng buộc bởi các điều kiện không gian và thời gian, còn tinh thần chẳng bị một ràng buộc nào; thể xác đang nằm sát đất, nhưng tinh thần có thể vươn tới trời cao; thể xác đang ở hiện tại, nhưng tinh thần có thể lùi lại quá khứ hoặc hướng tới tương lai rất xa.
Óc tưởng tượng đưa con người viễn du khắp nơi, cả những vùng không tưởng. Óc tưởng tượng vẽ ra cho con người muôn vàn hình ảnh, mà nếu không khiêm nhường trong hiểu biết, con người sẽ bám víu mãi vào đó. Khiêm nhường đem tinh thần con người trở về với thân xác hạn hẹp yếu đuối; khiêm nhường chỉ cho con người thấy thực tại của thân phận làm người, đó là hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa; tất cả những gì con người có đều là do Thiên Chúa ban. Nhận thức được chân lý này, nên niềm tin của viên bách quản được Chúa Giêsu khen thưởng, và Giáo Hội đã mượn lời tuyên xưng này để hằng ngày trong Thánh Lễ, người tín hữu có thể dâng lên Chúa tâm tình khiêm tốn, bất xứng của mình.
Ước gì lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở chúng ta trong công việc hằng ngày, giúp chúng ta vững tin và nhận ra mọi ơn lành đến từ Chúa và dâng lời cảm tạ Ngài.AMEN.



Chính khuôn mặt đó



Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa đó là câu chuyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa khuôn mặt của Giuđa, kẻ phản bội.Leonardo đang miệt mài trong bức tranh "Bữa Ăn Cuối Cùng" của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt, từ Chúa Giêsu đến các môn đệ, đều đã hiện nguyên hình trên khung vải. Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo da Vinci đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho con người phản bội này... Ông đã phải đi dạo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của kẻ phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cùng ông đã gặp được khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất. Trong khu xóm lầy lội, nghèo nàn, ông đã khám phá được một khuôn mặt mà ông cho là có đầy đủ những đường nét của tội ác. Ông đã lần mò đến gần người đó, và sau khi đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt tay vào công việc.Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họa hồi lâu. Cuối cùng, ông đốt lên một ngọn đuốc sáng vào gương mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bởi vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu... Cũng khuôn mặt đó, nhưng có lúc Leonardo da Vinci nhìn thấy những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.Chúng ta thường nói: khi yêu thì trái ấu cũng tròn... Trong một lá thư tình nào đó, có lẽ hai người yêu nhau sẽ nói với nhau: không có anh, không có em, đất trời như vô nghĩa... Tình yêu có tính sáng tạo. Tình yêu giúp chúng ta chỉ nhìn thấy cái hay cái đẹp nơi người mình yêu.Tin và yêu là hai động tác gắn liền với nhau. Ngôn ngữ của đức tin không thể là ngôn ngữ của khoa học. Con người không đến với Thiên Chúa sau một thời gian dài tìm kiếm, lý luận. Con người chỉ đến với Thiên Chúa bằng tình yêu. Nói đến tình yêu là nói đến tin tưởng và phó thác.Tomas đã đến với Chúa Giêsu Phục Sinh bằng sự lý luận, uyên bác của một nhà khoa học: "Nếu tôi không xỏ ngón tay tôi vào lỗ đinh và vào cạnh sường của Ngài... Tôi không tin". Thái độ này rất phù hợp với tinh thần khoa học. Trong công cuộc nghiên cứu khoa học, người ta quan sát, đưa ra giả thuyết, kiểm chứng, thí nghiệm rồi đi đến kết luận... Phương pháp này hoàn toàn vô giá trị trong tình yêu. Không ai quan sát một người nào đó, đưa ra một giả thuyết, rồi mới đi đến một kết luận: yêu hay không yêu. Mà trái lại, tình yêu đến trước tất cả các lý luận và tìm tòi của chúng ta...Trong đức tin cũng thế, Thiên Chúa yêu thương chúng ta và Ngài mời gọi chúng ta đi vào tình yêu của Ngài.Tình yêu đó mời gọi chúng ta vượt lên trên tất cả những lý luận và ngờ vực của chúng ta. Tình yêu đó giúp chúng ta khám phá ra vẻ đẹp và lòng nhân từ của Thiên Chúa trong tất cả mọi sự, trong ánh mắt của con người cũng như trong muôn màu sắc của thiên nhiên. Tình yêu đó giúp chúng ta nhìn thấy nơi gương mặt xấu xí của Giuđa những đường nét yêu thương của Chúa Giêsu. Tình yêu ấy cho chúng ta tìm thấy nơi niềm vui trong thất vọng, thua thiệt. Tình yêu ấy cho chúng ta nhìn thấy sự hiện diện của Chúa trong những giờ phút trống rỗng vô nghĩa của cuộc sống.

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN B


Kn 1,13-15; 2,23-24; 2Cor 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43
NGUỒN GỐC CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ SỐNG
Tin Mừng : Mc 5,21-43
Khi ấy, Đức Giê-su lại đi thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người. Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác. Được nghe đồn về Đức Giê-su, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vì bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giê-su thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?" Các môn đệ thưa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: "Ai đã sờ vào tôi?" Đức Giê-su ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Người nói với bà ta: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh." Đức Giê-su còn đang nói, thì có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Họ chế nhạo Người. Nhưng Người bắt họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi!" Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta kinh ngạc sững sờ. Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
1.Ý chính Tin Mừng : 
Qua hai phép lạ chữa lành mà Chúa Giêsu đã làm cho người đàn bà bị xuất huyết và con gái ông Giairô, thánh Marcô muốn chứng tỏ rằng: bệnh tật và cái chết đang thực sự thống trị trên đời sống con người, hơn nữa những nỗ lực yếu ớt từ phía con người nhằm thoát ra khỏi sự phong tỏa của bệnh tật và cái chết như đang đi vào ngõ cụt.
Máu vốn là nguyên lý của sự sống, mà ‘người đàn bà bị bệnh xuất huyết mười hai năm’ nghĩa là sự sống đang từng bước giảm sút nghiêm trọng nơi bà để nhường chỗ cho sự thống trị của cái chết. Và hình ảnh cơn hấp hối đang hoành hành trên đứa bé gái con của ông Giairô càng làm rõ nét hơn thế lực của sự chết mà không ai có thể cưỡng lại được.
Trong bối cảnh ấy, Chúa Giêsu đã xuất hiện như Đấng là Sự Sống và cũng là Đấng mang lại sự sống. Sự xuất hiện của Ngài đồng nghĩa với sự biến mất của bệnh tật và sự chết. Nói cách cụ thể hơn, duy chỉ mình Ngài mới có thể giúp con người phục hồi được thể trạng từ những căn bệnh nan y và nhất là dành lại sự sống từ trong cõi chết.

II. GỢI Ý SUY NIỆM :
1. Lời khẳng định của tác giả sách Khôn ngoan như muốn làm mới lại một chân lý dường như đã trở nên cũ kỹ: ‘Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn… Ngài chẳng vui mừng khi người sống phải chết.’ Theo quan điểm đó, đúng là Thiên Chúa có thể cho phép sự dữ xảy ra, nhưng sự dữ không bao giờ có nguồn gốc từ Thiên Chúa. Vì thế, xác tín này phải là nền tảng vững chắc để củng cố niềm tin cho người tín hữu khi phải đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hằng ngày.
2. Dư giả và thiếu thốn là một kiểu nói khác để phản ánh thân phận của con người khi phải đối diện với sự sống và cái chết: dư giả thì sống còn thiếu thốn thì chết. Đang khi theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn bị cám dỗ để làm cho sự chênh lệch ‘dư giả - thiếu thốn’ (giàu nghèo) này càng trở nên nghiêm trọng, thì người Kitô hữu lại được thánh Phaolô mời gọi để nỗ lực góp phần làm giảm bớt đi sự chênh lệch này bao nhiêu có thể, khi cùng nhau xây dựng một thế giới ‘đồng đều’ hơn, bình đẳng hơn trên nền tảng của đức ái Kitô giáo.
3. Cái chết đã trở thành một qui luật, khi mạnh lúc yếu, luôn chi phối trên cuộc sống của kiếp nhân sinh. Và con người, chỉ với những nỗ lực trong khả năng của mình, không bao giờ có thể cưỡng lại nổi sức mạnh của cái chết. Nhưng nhờ sự phục sinh của Đức Kitô, sự chết đã nhường chỗ sự sống, và như thế con người có cơ hội để đặt chân vào ngưỡng cửa của cõi phúc trường sinh với một điều kiện là tin vào Đức Giêsu Kitô. Do vậy, kiên vững trong niềm tin là điều kiện tiên quyết giúp người tín hữu có thể, cùng với Đức Kitô, chiến thắng sự chết để khải hoàn bước vào sự sống đời đời bên Thiên Chúa.


Để Cho Lòng Tha Thứ Tiếp Tục Hiện Hữu


Chuyện "Nghìn lẻ một đêm" của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:
Có hai người anh em ruột nọ bắt chói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã quy định... Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem ra xử, hắn chỉ xin một ân huệ, đó là được trở về nhà trong vòng ba ngày để giải quyết mọi vấn đề có liên quan đến một người cháu được ký thác cho hắn trông coi từ nhỏ. Sau thời hạn đó, hắn sẽ trở lại để chịu xử tử... Quan tòa xem chừng như không tin ở lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: "Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau ba ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn".
Tên tử tội được tự do trong ba ngày để giải quyết việc gia đình. Sau đúng kỳ hạn ba ngày, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạc tuyên bố: "Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, đúng theo lời cam kết, tội xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ tín không còn trên mặt đất này nữa".
Sau lời phát biểu dõng dạc của kẻ tử tội, người đàn ông đã đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: "Phần tôi, sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng quảng đại không còn trên mặt đất này nữa".
Sau hai lời tuyên bố trên , đám đông bỗng trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi để thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người...
Từ giữa đám đông, hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: "Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng tha thứ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa".
Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát... Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần và đạo đức đã bị bóp nghẹt, chứng từ của người tín hữu Kitô cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ...
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói; Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuốc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau.
Người tín hữu Kitô phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.r

Radio Veritas

Câu chuyện ngày của Cha


Hôm nay, 21 tháng 6, ngày Chúa Nhật tuần thứ ba của tháng 6 ngày tôn vinh những người cha. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người cha trong gia đình.Và trong Giáo hội, chúng ta cũng cầu nguyện cho các linh mục, các ngài cũng là người cha đã nuôi dưỡng chăm sóc chúng ta lớn lên trong đức tin.Xin Chúa gìn giữ các ngài được bình an mạnh khỏe để luôn kề bên con cái,là điểm tựa vững chắc cho con cái, thêm sức mạnh cho con cái vào đời đương đầu với bao sóng gió hiểm nguy.
Tại sao lại có ngày Lễ của Cha Nếu như mẹ có ngày Lễ của mẹ, ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20 -10,... thì bố lại rất hiếm ngày lễ của riêng mình. Có lẽ vì thế mà ngày Lễ của Cha đã ra đời để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến, tôn vinh người giữ vai trò quan trọng nhất trong gia đình. Ngày Lễ của Cha (Father's Day) chính thức được tổ chức rộng rãi đầu tiên ở Mỹ vào ngày Chủ nhật thứ ba của tháng 6/1972.

Ngày lễ này được ghi nhận là ý tưởng của Sonora Smart Dodd, một phụ nữ trẻ ở Spokane, bang Washington, Mỹ. Sonora muốn tổ chức một ngày lễ đặc biệt để biết ơn người Cha đã lặng lẽ ở vậy nuôi 6 người con sau khi mẹ cô qua đời. Ngày của Cha đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/6/1910 ở Spokane. Tuy nhiên, theo một số tài liệu thì nơi tổ chức ngày này đầu tiên không phải là ở Spokane mà là ở Fairmont, Tây Virginia vào ngày 5/7/1908. Nó được tổ chức bởi cô Grace Golden Clayton, người muốn kỷ niệm cuộc sống của 210 người đàn ông (họ đều đang làm bố) đã bị hy sinh trong thảm họa khai thác mỏ Monongah vài tháng trước đó tại Tây Virginia. Cô ấy đã chọn ngày Chủ nhật gần nhất, ngày sinh nhật người bố của bà vừa mới qua đời để tổ chức buổi lễ. Nhưng không may, ngày lễ đó đã bị lu mờ bởi các sự kiện khác trong thành phố. Thế nên buổi lễ đã không được tổ chức trở lại. Như vậy là ngày Lễ của Cha đã tồn tại được 40 năm rồi và có rất nhiều quốc gia tổ chức ngày lễ này. Riêng ở Việt Nam, mặc dù ngày Lễ của Cha chưa chính thức trở thành ngày lễ kỉ niệm trên toàn quốc, nhưng rất nhiều bạn trẻ đã hưởng ứng và nhân rộng nó. 
2 Câu chuyện cảm động bạn nên đọc 
Vào năm 1988 tại Mỹ có một trận động đất lớn (8,2 độ richter) đã san bằng toàn bộ đất nước và giết hại hơn 30 ngàn người chỉ trong vòng bốn phút. Giữa khung cảnh hoảng loạn đó, một người Cha vội chạy đến trường học mà con ông ta theo học … toà nhà trước kia là trường học nay chỉ còn là đống gạch vụn, đổ nát… Sau cơn sốc, ông nhớ lại lời hứa với con mình: "Cho dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, Cha sẽ luôn ở bên con!” Và nước mắt ông lại trào ra. Bây giờ nhìn vào đống đổ nát trước đây là trường học thì không còn hi vọng, nhưng trong đầu ông lại không thể xoá đi lời hứa với con và ông đã hành động theo những gì mà trái tim ông mách bảo. Ông cố nhớ lại cửa hành lang mà ông vẫn đưa con đi học mỗi ngày, ông nhớ rằng phòng học con trai mình ở phía bên phải của trường. Ông vội chạy đến đó và bắt đầu đào bới. Những người cha, người mẹ khác cũng chạy đến, và từ khắp nơi vang lên những tiếng kêu than: “ôi, con trai tôi!”, “ôi, con gái tôi!” Một số người khác với lòng tốt cố kéo ông ra khỏi đống đổ nát, họ nói: 
- Đã quá muộn rồi ! - Bọn trẻ đã chết rồi!
- Ông không còn giúp được gì cho chúng nữa đâu! Với mỗi người, ông chỉ đặt một câu hỏi: “Anh có giúp tôi không?!”
Và sau đó, với từng miếng gạch, ông lại tiếp tục đào bới, tìm đứa con mình.
Lúc này, có cả chỉ huy cứu hoả và ông này cũng cố sức đưa ông ra khỏi đống đổ nát: 
- Xung quanh đây đều đang cháy và các toà nhà đang sụp đổ. Ông đang ở trong vòng nguy hiểm, chúng tôi sẽ lo mọi việc, ông hãy về nhà đi! Người đàn ông chỉ hỏi lại: “Ông có giúp tôi không?!” Sau đó là những người cảnh sát, họ cũng cố thuyết phục ông: 
- Mọi việc đã kết thúc, ông có hiểu không? Ông đang gây nguy hiểm cho chúng tôi đấy, ông hãy về đi! Đó là việc tốt nhất ông có thể làm lúc này đấy! Và với cả họ, ông cũng chỉ hỏi: "Các anh có giúp tôi không?!” 
Nhưng một lần nữa, ông cũng chỉ nhận được sự từ chối! Ông lại tiếp tục một mình vì ông hiểu rằng ông phải tự mình thực hiện lời hứa với con, dù con ông còn sống hay đã mất! Ông đào tiếp… 12 giờ… 24 giờ… mảng tường cuối cùng được lật ra, dây thần kinh ông lúc này dường như đang căng ra, ông đang chờ đợi điều xấu nhất… Nhưng, ông nghe tiếng con trai mình! Ông gọi lớn tên con: - “Armand!” Tim ông như ngừng đập khi:
- “Cha ơi , con đây!” Và với một giọng tự hào, cậu bé bảo: 
- “Con đã nói với các bạn là đừng sợ vì nếu Cha còn sống, Cha sẽ cứu con! Và khi Cha đã cứu con thì các bạn cũng sẽ được cứu. Cha đã hứa với con là dù trường hợp nào Cha cũng luôn ở bên con, Cha còn nhớ không? Và Cha đã thực hiện được điều đó!” 
- “Cha luôn ở bên con, con à! Nhưng Cha muốn biết ở đó sao rồi?” - "Tụi con còn lại 14 trên 33 Cha ạ! Tụi con sợ lắm, đói, khát… nhưng bây giờ tụi con đã có Cha ở đây, Cha sẽ cứu bọn con, phải không cha?” 
- “Ra đây đi con!” - “Khoan đã cha! Để các bạn ra trước, con biết rằng Cha sẽ không bỏ rơi con. Có chuyện gì xảy ra con cũng biết rằng Cha luôn bên cạnh con.” 
– Một cách tin tưởng, cậu bé nói với cha!

Thứ Sáu Tuần XII Mùa Thường Niên Năm B

26/06/2015
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch".PHÚC ÂM: Mt 8, 1-4
Khi Chúa Giêsu ở trên núi xuống, đám đông dân chúng theo Người. Có một người cùi đến lạy Người mà thưa rằng: "Lạy Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể chữa tôi được sạch". Chúa Giêsu giơ tay ra chạm đến anh ta và phán: "Ta muốn. Anh hãy lành bệnh". Tức thì anh ta liền lành khỏi bệnh phong cùi. Chúa Giêsu phán bảo anh ta: "Hãy ý tứ, đừng nói với ai. Hãy đi trình diện với tư tế và dâng của lễ theo luật Môsê để minh chứng cho họ biết". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM;
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đánh đổ được huyền thoại của người đương thời với Ngài về bệnh phong cùi. Thật thế, trong quan niệm của người Do Thái lúc đó, bệnh tật là một hình phạt trực tiếp của Thiên Chúa đối với tội lỗi của con người. Người mắc bệnh phong cùi là người đã từng mắc tội ác khủng khiếp đến độ đã bị Thiên Chúa trừng phạt nặng nề. Thế nên, khi bị đẩy ra bên lề xã hội, người phong cùi không những chịu đớn đau trong thân xác, mà còn phải gánh chịu sự tủi nhục do người đồng loại gây ra. Khi chữa lành người phong cùi, Chúa Giêsu muốn nói rằng Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người và chính tình yêu là sức mạnh chữa trị bệnh tật cho con người.
Sứ điệp ấy của Chúa Giêsu, trải qua các thế hệ, đã có biết bao nhiêu người chuyển đạt và thực thi cho những người phong cùi trên khắp thế giới. Những bàn tay săn sóc, những lời nói an ủi, và nhất là sự hiện diện chia sẻ bên cạnh các người phong cùi. Tất cả những cử chỉ ấy là để khẳng định với những người phong cùi rằng Thiên Chúa yêu thương họ.
Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được rằng những đau đớn thân xác không xâu xé và đè bẹp con người cho bằng nỗi cô đơn và bị bỏ rơi. Bệnh phong cùi là tột điểm của nỗi cô đơn mà con người có thể rơi vào. Tựu trung, cô đơn cũng đồng nghĩa với vắng bóng tình yêu.
Không có cơ hội hoặc không đủ can đảm để phục vụ những người phong cùi, thì ít ra chúng ta xin Chúa cho chúng ta có thể mang lại sứ điệp yêu thương của Chúa đến mọi người, nhất là những ai đang sống trong cô đơn thử thách.AMEN.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.