Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

TÌNH GÓA (Chúa nhật XXXII TN B)




Phải thú nhận rằng có hậu ý khi đặt tựa đề cho bài viết là “tình góa”. Dĩ nhiên ít nhiều cũng có ngụ ý “tiếp thị”. Đã là góa bụa mà còn tình tứ gì nữa! Đã nói đến tình thì ít ai nói đến cảnh góa bụa. Sự đời, người ta thường tránh những điều xúi quẩy. Thế nhưng nhiều hình ảnh người góa bụa lại được Thánh Kinh không chỉ tô hồng mà còn xác nhận là một trong những đối tượng được Thiên Chúa ưu ái và bảo vệ cách đặc biệt bằng những luật lệ cụ thể trong Cựu Ước (x.Xh 22,21; Ed 22,7). Đến thời Tân Ước, chính Chúa Giêsu cũng đã ưu ái bà góa thành Naim có đứa con trai duy nhất bị chết, nên dù không được khẩn xin, Người vẫn ra tay uy quyền cho cậu ta sống lại (x.Lc 7,11-17).

Trong ba bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật XXXII TN B thì bài đọc thứ nhất trích sách các Vua và bài Tin mừng tường thuật và ca tụng nghĩa cử cao đẹp của bà góa thành Xarépta và bà góa tại Giêrusalem. Cả hai đều là những bà góa nghèo nhưng sẵn sàng hiến dâng “phần nuôi sống” mình, cũng là chính sự sống của mình cho tha nhân và cho Thiên Chúa. Thầm hiểu ngụ ý của Hội Thánh khi cho trích đọc các bài Thánh Kinh trong Chúa nhật này, chúng ta cùng xét suy đôi điều qua cái tâm, cái lòng và cuộc sống của người góa bụa.

1.Một mối tình thủy chung: Trước hết cần phân biệt người góa bụa với các bà mẹ đơn thân. Hẳn nhiên có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan hình thành tình trạng hay kiểu sống của những bà mẹ đơn thân. Chúng ta không thể tiên thiên “đánh giá - xếp hạng” cho tình trạng sống này vì hình như mỗi hoàn cảnh đều mỗi vẻ khác nhau với nhiều nguyên nhân khác nhau. Thế nhưng phải nhìn nhận rằng đây là tình trạng “không bình thường” theo lẽ tự nhiên mặc dù đã từng có khi, có nơi trở thành một phong trào, một kiểu cách chọn lựa của nhiều phụ nữ thời hiện đại. Trái lại tình cảnh của người góa bụa dù là đàn ông hay đàn bà là chuyện thường tình của kiếp nhân sinh. Đã thề non hẹn biển trong duyên vợ chồng thì luôn mong được song hành cho đến khi đầu bạc răng long. Mong thì vẫn mong, nhưng được chết cùng ngày là điều thật hy hữu. Chuyện tái giá hay đi bước nữa khi người phối ngẫu đã qua đời là chuyện chẳng có gì sai trái, dù phía nữ giới có thể bị dị nghị cách nào đó, đặc biệt trong nhiều xã hội trước đây vốn đề cao đạo “tam tòng – tứ đức”. Dù xưa hay nay thì người ta vẫn trân trọng những mẫu đời “thờ chồng, nuôi con” hoặc tín trung với người bạn quá cố mà nguyện làm cảnh gà trống nuôi con. Chúng ta đừng quên đây là một trong những tiêu chí để chọn người vào hàng Giám Quản hay bậc trợ tá của Giáo Hội thời sơ khai (x.1Tim 3,1-13).

Thủy chung với người bạn đời đang còn sống quả là một nỗ lực bền bỉ không chỉ trong tình yêu mà cả trong sự tiết chế. Chuyện “chả - nem” không riêng gì là chuyện của thời hôm nay mà đã có từ xưa, chỉ khác một điều là mức độ phổ biến, cho dù ai cũng thấy sự sai trái của nó và những hậu quả xấu xa mà nó di hại cho gia đình, cho con cái và cho cả xã hội. Chính vì thế, việc chung thủy với người bạn đời đã khuất càng được trân trọng gấp bội khi tự nguyện từ bỏ quyền lợi chính đáng của mình vì yêu thương và muốn tín trung trọn vẹn với chỉ một người.

2.Một tình yêu trao hiến đến cùng: Các nhà tâm lý cũng như các nhà đạo đức vốn đồng thuận với nhau về khái niệm yêu thương là một quá trình trao ban và đón nhận nhau. Yêu thương cách đích thực là tự nguyện trao ban điều tốt, điều tốt nhất của mình cho người mình yêu cách vô điều kiện và không tính toán, đồng thời cũng sẵn sàng đón nhận người mình yêu với tất những gì người ấy “là và có” một cách quảng đại, không so đo. Người ta thấy rõ hai động thái này trong đời hôn nhân. Đức Bênêđíctô XVI đã gọi đó là Eros và Agapê, hai chiều kích của tình yêu này xem ra phản ánh Tình Yêu Thiên Chúa cách rõ nét nhất (TĐ Thiên Chúa là Tình Yêu số 2). Với thời gian, qua các hình thức “mại dâm thánh” cùng với sự ích kỷ hưởng thụ của con người theo sự cám dỗ thần dữ thì chiều kích Eros (đón nhận) đã bị biến dạng, tha hóa. Từ đó chiều kích trao hiến (Agapê) đóng vai trò chủ yếu trong việc biểu lộ tình yêu đích thực.

Với người góa bụa thì cái chiều kích đón nhận xem ra vẫn còn đó qua người con. Nhưng nó sẽ vơi dần theo thời gian khi đứa con đến lúc phải lìa cha mẹ mà luyến ái với người bạn đời (x.Mc 10,7). Cuộc đời của người góa bụa là một chuỗi trao ban, hiến dâng không ngơi nghỉ và ngày càng đến cùng. Chỉ còn chút bột và chút dầu để ăn bữa cuối cùng với đứa con, thế mà bà góa thành Xarépta đã không ngại ngần dâng trao cho ngôn sứ Êlia (x.1 V 17,7-16). Chúa Giêsu đã ngợi khen lòng quảng đại của một bà góa tại đền thờ Giêrusalem khi đã không ngại ngần dâng cúng vào Đền Thờ “ tất cả những gì bà có, tất cả những gì để nuôi thân bà” ( Mc 12,44; Lc 21,4 ).

3. Một tâm hồn nghèo khó thực sự: Lời tung hô tin mừng trong Chúa Nhật này, Giáo Hội cho trích câu tin mừng của thánh Matthêu: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Người góa bụa là một trong những người nghèo của Thiên Chúa, được Người ưu ái chăm sóc và bảo vệ. Xin đừng quên số người góa bụa trong các xã hội trước đây thì phụ nữ chiếm tuyệt đại đa số. Vì thế khi nói đến người góa bụa là người ta nghĩ ngay đến các bà góa. Một mình nuôi con mà bôn ba cuộc sống thì khó bì được với người ta vẹn đủa cả đôi, nhất là khi sinh kế thời bấy giờ dựa vào sức lao động của cơ bắp là chủ yếu. Do dó người ta không lạ gì khi hạn từ “góa” thường đi đôi với hạn từ “nghèo”. Những người góa bụa, cách riêng các phụ nữ góa chồng không chỉ nghèo về vật chất, của cải, bạc tiền mà họ còn nghèo khó cả về mặt tinh thần. Ngay cả trong thời kỳ gọi là hoàng kim của Giáo hội là thời Giáo hội sơ khai, khi mà những người trong tôn giáo mới này “không ai lấy sự gì làm của riêng, mọi sự đều là của chung” (x.Cvtđ 2,44; 4,32) thế mà các bà góa vẫn đã từng bị đối xử thiếu công bằng, bị bỏ quên (x.Cvtđ  6,1).

Hồng ân Nước Trời là một ân ban trọng đại và nhưng không của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm hữu ân ban ấy dựa vào khả năng và công trạng của mình. Chúa Giêsu đã mặc nhiên nói đến chân lý này khi khẳng định rằng người giàu có khó vào Nước Trời, khó hơn cả con lạc đà chui qua lỗ kim. Những gì mà người giàu  cho rằng có thể mua được bằng tiền bạc thì chắc chắn không phải là Nước Trời (x.Lc 18,24-27). Một tâm hồn nghèo khó thực sự thì sẽ có được sự tự do với các thực tại đời này để rồi biết gắn bó mật thiết với Thiên Chúa trong niềm tin. Và họ đã biết mở lòng để đón nhận Nước Trời như là ân ban.

Qua một vài nghĩ suy về “tình góa”, không gì hơn, chỉ thầm mong số phận những người góa bụa được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm chăm sóc bằng sự trân trọng như những người nghèo của Thiên Chúa, những con người rực sáng trong tình yêu thủy chung, tình yêu dâng hiến đến cùng.  Có thể nói không sợ sai lầm rằng cuộc đời của nhiều người góa bụa là một dẫn chứng cụ thể, giúp chúng ta biết thế nào là yêu, thế nào là tin.



Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

CHÚA NHẬT 32 TN B - 2015

Mc 12, 38-44
Một hôm Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”.


Có một cặp vợ chồng trở về quê thăm họ hàng. Họ xuống xe, đi bộ được một quãng thì trời đổ mưa tầm tã. Đêm đã khuya mà họ thì lại không quen thuộc đường thôn quê với nhiều thay đổi. Không còn cách nào hơn, họ phải gõ cửa một căn nhà có ánh đèn hắt ra để tìm chỗ trọ cho qua đêm . Khi họ bước vào thì gặp hai ông bà đã lớn tuổi. Trước lời xin trú ngụ qua đêm của cặp vợ chồng, hai ông bà đã vui vẻ nói: Được lắm, chúng tôi có sẵn một căn phòng.
Sáng hôm sau, cặp vợ chồng dậy sớm và chuẩn bị ra đi. Vì không muốn quấy rầy chủ nhà, người vợ đặt một trăm ngàn lên bàn, rồi cả hai rón rén mở cửa bước ra. Và họ thực sự bỡ ngỡ khi nhìn thấy hai ông bà già đang co ro nằm ngủ trên sàn nhà. Thì ra hai ông bà già này đã nhường chỗ cho cặp vợ chồng trẻ. Còn mình thì phải nằm ngủ dưới đất.
Trong cuộc sống ngày hôm nay vẫn còn đó những hình ảnh hết sức dễ thương như thế. Còn trong các bản văn kinh thánh Chúa nhật 32 TN hôm nay, Phụng vụ Giáo Hội cho chúng ta hình ảnh nào?
Trong bài đọc trích sách các Vua quyển thứ nhất , Bà goá ở Sarepta rất nghèo khó, nhưng bà lại có tấm lòng hào hiệp và quá rộng lượng. Bà không còn gì ngoài một chút bột và một chút dầu đủ cho một bữa ăn đạm bạc cuối cùng, để rồi có thể ngay sau đó cả hai mẹ con cùng chết. Thế mà bà đã sẵn lòng nhường cho ngôn sứ Êlia chiếc bánh nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ấy. Cử chỉ quảng đại của bà đã gặp được lòng quảng đại của Thiên Chúa: Trong suốt cơn hạn hán, bột trong hũ nhà bà đã không bao giờ cạn và dầu trong bình không bao giờ vơi. Còn bà goá trong trang Tin Mừng cũng thế. Bà nghèo tiền của, nghèo vật chất, nhưng bà giàu lòng quảng đại. Chính lòng quảng đại giữa cảnh túng thiếu đó, trước mặt Thiên Chúa, có giá trị hơn cả vàng bạc của những kẻ dư giả giầu có.
Thánh sử Macco bằng giọng văn và cây bút tài tình của mình, ông đã vẽ lên hình ảnh một Giêsu nhân từ ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho đền thờ. Ông thuật lại: “Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà góa nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma”. Thật lạ lùng. Biết bao nhiêu người Chúa chẳng quan tâm, chỉ quan tâm tới một người bé nhỏ nhất và nghèo nhất. Người ta bảo tìm gì gặp nấy. Chúa yêu thương những người bé nhỏ, nên quan tâm tới người bé nhỏ và chỉ nhìn thấy những người bé nhỏ. Ánh mắt quan tâm nên Ngài nhìn thấy rõ, dù người đó bé nhỏ, lạc giữa đám đông. Ánh mắt yêu thương nên thấy người đó thật đẹp dù ăn mặc rất đơn sơ, hình dáng rất tiều tụy. Quả thật trái tim Chúa nhân hiền như người mục tử tốt lành, bỏ chín mươi chín con chiên béo tốt để đi tìm một con chiên lạc còm cõi. Như người phụ nữ đốt đèn tìm một đồng tiền nhỏ bé rơi trong góc nhà.
Chúa Giêsu sau đó đã cho các đồ đệ của mình một giáo huấn thật hữu ích. Ngài đã không chú trọng đến giá trị kinh tế của hai đồng tiền nhỏ mà bà goá đã bỏ vào thùng tiền. Chúng không là gì cả bên cạnh những đồng tiền lớn của những kẻ giàu sang. Nhưng Ngài đã chú trọng tới tấm lòng của bà, đến giá trị chủ quan của hai đồng tiền nhỏ đối với tình cảnh nghèo túng của bà. Ngài nhấn mạnh đến cách âm thầm khiêm tốn bà dâng tiền cho đền thờ. Ngài không quan tâm đến của dâng cho bằng cách dâng và tấm lòng của người dâng. Bởi vì chính tấm lòng chúng ta mới định đoạt giá trị của những việc chúng ta làm.
Trở lại thực tế cuộc sống sau cơn bão Sơn Tinh NĂM 2012 ở một số tỉnh miền bắc. Thiệt hại rất lớn vì cơn bão có sức gió lên đến cấp 15. Thành phố Hà Nội đã phát động tinh thần cứu trợ, họ đã đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Có những em bé nhịn ăn quà sáng, những cô cậu học sinh đập con heo đất đã dành dụm để chia sẻ với những nỗi đau thương của đồng bào ruột thịt. Đó là những người đã đóng góp nhiều hơn hết, vì đó là những tấm lòng vàng hơn là những đồng tiền vàng.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay rất dễ để chúng ta nhận thấy một điều rằng: giống như bà góa thành Sarepta trong bài đọc thứ nhất, giống như bà góa nghèo trong trang TM, đôi vợ chồng già trong câu chuyện, các em học sinh quảng đại cứu trợ đồng bào bão lũ, họ là những người đã không phải cho đi phần thừa thãi, mà họ đã cho đi chính nguồn sống ít ỏi của mình. Họ cho đi một cách quảng đại, vui vẻ và tất cả tấm chân tình của họ.
Chúa Giêsu đã dạy: Đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận giá trị thực tiễn của lễ vật hay tặng phẩm. Giá trị kinh tế cũng đáng kể nhưng chưa phải là điểm chính. Nếu được thì của nhiều, lòng nhiều là điều tốt nhất. Còn nếu không được như thế, hoàn cảnh đòi phải chọn lựa, thì của ít lòng nhiều vẫn là điều quý giá hơn. Thực ra khi lòng đã nhiều thì người ta không ngần ngại hiến dâng tối đa những gì mình có. Lòng người đi trước, tiền của theo sau.
Gương mẫu của Chúa Giêsu là tuôn đổ tình yêu quảng đại dành cho chúng ta mà Ngài đã ban cho chúng ta ở trên thánh giá, Ngài đã vươn mình ra thu góp hết mọi người trong hố sâu tội lỗi, để kéo chúng ta đến với Ngài. Không một người nào trong chúng ta là không có ý nghĩa đối với Ngài, giống như đồng xu nhỏ không có giá trị bao nhiêu của bà góa, Ngài đã đánh giá nó rất cao. Tất cả chúng ta đều hết sức quý giá trong đôi mắt của Ngài.
Mỗi Chúa nhật hàng tuần, khi chúng ta quảng đại hy sinh công việc, hy sinh thời gian đến tham dự Thánh Lễ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được Chúa Giêsu trong Thánh Thể thế nào. Ngài đã nuôi dưỡng chúng ta bằng Thịt và Máu Ngài. Bí tích Thánh Thể là một món quà lớn lao và vĩ đại hơn món quà được ban cho bà góa ở thành Sarépta. Chính món quà bí tích Thánh Thể mà chút nữa đây chúng ta lãnh nhận, sẽ là động cơ thúc đẩy và thêm sức mạnh cho chúng ta, để trong cuộc sống hôm nay tại mảnh đất Mân Côi thân yêu này, chúng ta có thể bắt đầu thực hiện theo gương của hai bà góa, theo gương hai vợ chồng già nhường căn phòng cho khách trọ, và theo gương các em nhỏ hy sinh cứu trợ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Hãy cứ cho đi một cách quảng đại, chắc chắn Chúa sẽ không bao giờ chịu thua trước sự rộng rãi của chúng ta. Bởi vì, khi tôi xin một bông hoa, thì Ngài cho cả bó. Khi tôi xin một giọt nước, thì Ngài cho cả đại dương. Khi tôi xin một hạt cát, thì Ngài cho cả sa mạc. Và khi tôi xin ăn, thì Ngài ban cho cả thịt máu Ngài. Amen

Chúa Nhật 32 Thường Niên, năm B

Bà Bỏ Vào Đó Tất Cả Tài Sản Mình Có

Mc 12, 38-44
Một hôm Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn”.
Ðức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Ðền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng bạc Rôma. Ðức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để sống”.

Bài tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta hành động chống lại ước muốn “phô trương” luôn cám dỗ mọi người. Thời Chúa Giêsu các kinh sư bị phê phán vì thói đạo đức giả của họ: họ thích mặc áo thụng đi dạo trước tiền đường đền thờ cho người ta chú ý, họ khoe khoang kiến thức của mình, được học lề luật Mô sê, được nắm quyền chú giải bản văn Kinh Thánh và rao giảng. Nhưng họ lại không thực hành những gì họ dạy. Họ nói mà không làm. Chúa Giêsu cũng quan sát những người giàu dốc cạn những bao tiền vào trong hòm dâng cúng. Thỉnh thoảng các thầy tư tế còn cho thổi kèn nhằm lôi kéo mọi người chú ý đến họ.
Vì thế, lời Chúa hôm nay rất cương quyết và mạnh mẽ. Thật ra đó là câu trả lời cho áp lực mà Ngài phải chịu đựng bấy lâu nay. Ngài biết rõ các kinh sư ganh tị với uy tín của Ngài. Sự ganh tị dẫn đến thù hằn và phát sinh trong lòng ý muốn giết hại Ngài. Nhưng dưới mắt Ngài, điều tệ hại nhất ở chỗ khác: “Họ nuốt tài sản của các bà góa”. Họ lợi dụng chức vụ của mình mà làm giàu trên xương máu của người nghèo. Họ làm bộ cầu nguyện lâu giờ nhưng lời cầu nguyện của họ thật giả dối vì nó không đưa họ đến gần Thiên Chúa, và như thế, họ tự loại mình ra khỏi ơn Cứu độ mà Chúa Giêsu đã mang đến cho thế gian.
Chúng ta có thể dừng lại để xét mình xem chúng ta có bị chiều theo cơn cám dỗ khoe khoang ấy không, nhiều khi ẩn khuất trong tiềm thức mà chúng ta không để ý. Một thực tế mà ai cũng thấy là thời nào cũng có những kẻ giả hình. Quá lo lắng cho hình thức bề ngoài sẽ không còn thời giờ để quan tâm đến lòng đạo đức đích thực bên trong. Thế giới ngày nay lại chuộng sự nổi tiếng. Người ta muốn xuất hiện khác hơn cái họ là. Có những lời khen tặng giả dối bởi vì nó không phản ảnh đúng những gì chúng ta nghĩ.
Nhưng sự giả hình đáng ghét nhất không phải là khoác chiếc áo để nổi tiếng hay hay để phô trương. Điều mà Chúa Giêsu tố cáo, đó là những lời nói không đi đôi với việc mình làm. Khuyên bảo người khác thì luôn luôn dễ, nhưng nếu chúng ta không làm gương tốt thì đó lại là một phản chứng. Người ta thích nói đến những việc tốt nhưng không bao giờ thực hiện, còn những hành động xấu thì lại làm nhưng không nói ra.
Vì thế, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ từ sinh hoạt Ngài quan sát được trong khuôn viên đền thờ, ngay trước mặt hòm tiền dâng cúng. Trong đám đông khác hành hương lũ lượt tiến vào đền thờ, một bà góa nghèo đi đến hòm tiền. Bà bỏ vào đó hai đồng xu nhỏ, nhưng đó là tất cả những gì bà có để sống. Chúng ta không biết gì về cuộc đời bà góa nầy, niềm vui cũng như nỗi buồn, cả những khó khăn bà đã vượt thắng. Vào thời đó, các bà góa được xếp vào hàng những người nghèo nhất. Không có tiền trợ cấp và nhà ở. Thường thì họ phải đi ăn xin. Sự khác biệt chính yếu giữa hai đồng xu ten của bà góa và lễ vật của những người khác không phải là giá trị bao nhiêu nhưng là ý nghĩa của việc dâng hiến. Dù nghèo xơ xác, nhưng bà quảng đại dâng cho Thiên Chúa tất cả những gì cần để sống.
Khi thánh Mác cô viết tin mừng, đền thờ không còn hiện hữu nữa, vì đã bị người La mã tàn phá. Nhưng qua câu chuyện nầy, thánh nhân muốn nhắc chúng ta lời dạy của Chúa Giêsu là đừng bao giờ dựa hình thức diện mạo bên ngoài mà phán đoán anh em mình. Khi làm điều thiện, đừng phô trương, vì Cha anh em trên trời nhìn thấy điều bí nhiệm, và như thế là đủ rồi.
Lời tin mừng hôm nay cũng mời gọi chúng ta. Con người thời nào cũng thích phô trương, nhưng thời nay sự phô trương trở thành chuẩn mực do lường cuộc sống. Ai khoe khoang nhiều, người ấy có nhiều cơ may thành công. Những gì người ta làm đều muốn cho mọi người biết. Bà góa trong tin mừng giống với những người đơn sơ mà chúng ta sống gần nhưng không thấy. Họ không ồn ào, nhưng dấn thân một cách kín đáo. Cách sống ấy dạy chúng ta đừng để mình bị lôi kéo chay theo khuynh hướng phô trương và quí chuộng những hành vi phục vụ đơn sơ, giúp đỡ và đồng hành. Điều quan trọng nhất không phải là cho những gì chúng ta có mà là những gì chúng ta là.
Để hiểu điều đó, chúng ta phải nhìn lên thập giá Đức Ki tô. Thập giá chỉ cho chúng ta thấy Ngài đang hiến dâng cuộc sống mình cho thế gian. “Không có tình yêu nào lớn hơn là thí mạng mìnhvì bạn hữu”. Cuộc sống của Ngài là quà tặng tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa Cha. Ngày hôm nay, Ngài được nhận ra trong người đàn bà khiêm nhu vô danh nhưng được lịch sử ngàn đời ghi nhớ.
Bài Tin Mừng hôm ay mời gọi chúng ta tập sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa chứ không phải dưới cái nhìn của con người. Nó cũng mời gọi chúng ta đừng đo lường giá trị của người đời theo cái diện mạo của họ. Chính Ngài được nhận diện trong những người không nổi tiếng dưới mắt xã hội. Ngài mời gọi chúng ta hãy xem xét lại cuộc sống dâng hiến của chúng ta: điều tiên quyết không phải là số lượng những gì chúng ta cho mà là sự từ bỏ thật sự những gì mà chúng ta gắn bó nhất. Khi cho, thỉnh thoảng người ta có cảm giác mất, đánh mất mình, nhưng cho chính là đạt được cuộc sống trường sinh.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc

BÀI HỌC KHÓ QUÊN TỪ MỘT CHIẾC CỐC VỠ TẠI CĂN TRỌ


Một thanh niên vì muốn tìm hiểu nước Đức, nên một mình đến nước Đức thuê chung cư ở. Chủ nhà là một ông lão hòa ái, dễ gần; sau khi xem phòng, anh thấy rất hài lòng, liền muốn ký hợp đồng thuê dài hạn với ông chủ.
Ông chủ cười nói: “Không! Chàng thanh niên, anh chưa từng ở đây, còn chưa biết chỗ này tốt hay không, chúng ta nên ký hợp đồng ở thử, sau khi có những trải nghiệm thực tế, khi ấy sẽ cân nhắc có nên thuê dài hạn không.”
Anh nghe xong thấy có lý, cuối cùng đồng ý ký hợp đồng 5 ngày với ông lão. Gian phòng rất ấm áp, ông lão cũng rất tin tưởng anh, nên không hề đến kiểm tra đồ đạc. Ngoài ra, rác thải không cần đem xuống phía dưới, đặt ở cửa ra vào sẽ có công nhân vệ sinh đến lấy theo lịch, cả hành lang sạch sẽ đến mức không có một hạt bụi.
Hạn 5 ngày đã đến, anh muốn thảo luận với ông lão để có thể thuê dài hạn, thì xảy ra một chuyện ngoài ý muốn, anh bất cẩn làm vỡ một ly thủy tinh. Anh rất khẩn trương, cảm giác thấy cái ly này giá trị xa xỉ, e rằng làm vỡ ly thủy tinh, ông lão sẽ không cho anh tiếp tục thuê phòng.
Nhưng khi anh gọi điện nói cho ông lão, ông lão nói: “Không sao, anh không phải cố ý mà, cái ly thủy tinh đó rất rẻ.” Anh rất vui mừng và hy vọng ông lão sẽ đến ký hợp đồng dài hạn, ông lão đồng ý, rồi cúp điện thoại.
Anh nhanh tay quét dọn những mảnh vỡ thủy tinh và rác cho vào một cái bao, đặt ở bên ngoài. Một lát sau, ông lão đến, không đợi anh mở lời, ông lão nói: “Những mảnh vỡ thủy tinh kia đâu rồi?”
Anh trả lời: “Tôi đã thu dọn xong và để ngoài cửa đó.” Ông lão mở bao rác ra xem, sắc mặt không vui liền đi vào phòng và nói: “Ngày mai anh có thể chuyển đi, ta không cho anh thuê phòng nữa.”
Anh không thể tưởng tượng nổi, liền hỏi: “Có phải tôi đã làm vỡ cái ly mà ông yêu thích khiến ông phật ý chăng?”
Ông lão nói: “Không phải! Lý do là vì trong tâm anh không nghĩ cho người khác.”
Anh bị nói đến ngẩn ngơ không hiểu, đúng lúc này, liền thấy ông lão cầm một cây bút cùng một cái bao khác, mang theo cây chổi cùng một cái kẹp, đi ra bên ngoài, ông đổ hết rác trong bao kia ra, phân loại một lần nữa.
Ông lão chọn lựa rất cẩn thận, qua một hồi lâu, đem tất cả mảnh vở thủy tinh chứa vào một bao, lấy bút viết lên: “Bên trong là mảnh vở thủy tinh, nguy hiểm!” Sau đó, mới đổ các loại rác khác vào một cái bao khác, viết lên: “An toàn”.
Anh ở bên cạnh đứng nhìn, từ đầu đến cuối, trong lòng hết sức kính nể, không biết nói gì nữa. Vài năm về sau, anh vẫn không ngừng nhắc lại chuyện này, mỗi lần đều liên tục cảm thán.


05/11/2015 Thứ Năm Tuần XXXI Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 15, 1-10
"Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Biệt phái và Luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, tôi bảo các ông: Các thiên thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Hai dụ ngôn trong Tin Mừng hôm nay rất đơn sơ, nhưng mang đầy ý nghĩa. Vai chính là người chăn chiên và người phụ nữ. Những người chăn chiên thời Chúa Giêsu thường bị khinh miệt, vì họ là những người nghèo nàn, ít học, bị nghi ngờ gian lận, và vì phải luôn sống với đàn chiên ngoài đồng, nên họ không thể giữ luật ngày Hưu lễ cũng như không thể tham dự các giờ kinh trong Hội đường. Còn các phụ nữ là những công nhân hạng hai, theo tâm thức của Việt Nam ngày xưa: "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", nhưng họ được Chúa Giêsu dùng làm hình ảnh để so sánh với chính Thiên Chúa.
Giá trị của những vật bị mất: một con chiên không có giá trị là bao so với đàn chiên; một đồng bạc cũng thế so với số còn lại; nhưng đối với người chăn chiên và người phụ nữ trong dụ ngôn, con chiên và đồng bạc có giá trị đặc biệt. Mỗi người chúng ta cũng thế, dù là những kẻ vô danh, một con số trong bảng thống kê nhưng lại có giá trị đặc biệt trước mặt Thiên Chúa.
Công khó đi tìm: không quản khó nhọc, không sợ nguy hiểm, người chăn chiên đã lặn lội đi tìm con chiên lạc; người phụ nữ cũng thế, đã thắp đèn quét dọn cho đến khi tìm được đồng bạc đã mất. Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân như thế.
Niềm vui tìm được những vật đã mất: trên trời sẽ vui mừng và các thiên thần Chúa sẽ nhảy mừng, tượng trưng cho chính Thiên Chúa: Thiên Chúa vui mừng khi một tội nhân ăn năn hối cải.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta được hiểu thêm lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin cho chúng ta mau mắn chỗi dậy mỗi lần sa ngã, với niềm xác tín vào lòng nhân hậu vô bờ của Chúa luôn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài.AMEN.