Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Thứ Năm Tuần XXXIV Thường Niên ( 26.11.2015)

Lc 21, 20-28; Đn 6, 12-28


Trước những biến động khôn lường trên thế giới, con người ngày nay hoang mang đặt ra những câu hỏi: Liệu có phải sắp tận thế chăng hoặc những sự kiện này có ý nghĩa gì?... Trong những ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Tin Mừng Luca ghi lại lời tiên báo, nhắc nhớ cho các môn đệ năm xưa và cho chúng ta hôm nay hãy nhận ra vương quyền và giờ khắc của Người khi xuất hiện những điềm thiêng dấu lạ trên trời, dưới biển. Tuy nhiên, Người cũng trấn an chúng ta: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21,28).

Trong cuộc đời tại thế, Đức Giêsu có lần đã khiển trách người Do Thái nói chung và nhóm Pharisêu nói riêng khi họ chỉ biết nhận xét cảnh sắc đất trời mà không nhận ra sự hiện diện của Nước Trời đang ở giữa họ là chính Ngài. Về phương diện lịch sử, những lời loan báo của Đức Giêsu về sự sụp đổ của thành Giêrusalem đã được ứng nghiệm khi quân La Mã vây hãm và công phá vào năm 70. Giêrusalem đã thực sự sụp đổ “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” (Lc 21, 5-7) và dân Do Thái đã bị phân tán khắp thế giới vì sự cứng tin của họ không nhận ra ngày giờ của Chúa. Còn ngày nay, những sự kiện, biến cố Đức Giêsu đã tiên báo xưa vẫn không ngừng xảy ra trên toàn thế giới theo một nghĩa nào đó trên quy mô rộng lớn: chiến tranh, động đất, sóng thần, bệnh dịch, tai nạn… Ngoài ra, còn phải kể đến biết bao biến cố lớn nhỏ xảy ra trong cuộc đời mỗi người như: bệnh tật, chia ly, cái chết… Tất cả những biến cố này đã làm cả thế giới kinh hoàng, bất lực trước sự tàn phá của thiên tai và cái chết. Vậy đâu là thái độ của người Kitô hữu hôm nay?

Quả thật, Nước Thiên Chúa thực sự đã và đang hiện diện nơi Đức Kitô và qua Giáo Hội của Ngài như chính Người đã tuyên bố với người Do Thái. Đức Giêsu tiên báo về “ngày giờ” của Người với những hình ảnh uy nghiêm, ghê sợ không phải để làm cho chúng ta sợ hãi, nhát đảm nhưng là để chúng ta nhận ra thánh ý của Người và cam đảm thực hiện điều Người muốn. Những dấu chỉ trên đây, không cho phép ta thờ ơ lãnh đạm với cuộc sống đức tin của chính mình và những người xung quanh. Chúng ta cần tỉnh thức và tích cực canh tân đời sống mình để sẵn sàng cho giờ Chúa đến. Có như thế, chúng ta mới có thể mạnh mẽ, vững vàng trước mọi biến động của thế giới như Đanien hiên ngang trước miệng sư tử của vua Đariô trong bài đọc thứ nhất hôm nay. Hơn thế nữa, sống thái độ sẵn sàng này là chúng ta đang tích cực góp phần làm cho lời cầu nguyện chúng ta dâng lên mỗi ngày “xin cho triều đại Cha mau đến” sớm được thành toàn.

Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin của con để dù sống giữa thế sự phù hoa, con luôn biết nhạy bén trước những dấu chỉ thời đại mà nhận ra thánh ý của Ngài và mau mắn thực hiện. Chúa ơi, quá khứ đời con xin Chúa thương xót! Tương lai đang đến xin Ngài dẫn đưa và đặc biệt giây phút hiện tại này xin Ngài thánh hóa để chúng con tích cực sống trọn vẹn giây phút này trong tình yêu Chúa và tha nhân hầu cho Nước Chúa được thực sự bắt đầu ngay từ giây phút này. Amen.

THỨ NĂM SAU CN 34 TN NĂM B Lc 21,20-28

Theo lời kể của Josephus, một sử gia người Do Thái, thỉ vị tướng Rôma là Titô đã mang 80.000 quân bao vây Giêrusalem suốt 6 tháng trời, khiến người dân trong thành rơi vào cảnh đói khát cùng cực. Ông kể lại rằng một phụ nữ quê ở Pêrêa vì quá đói đã túm lấy đứa con còn thơ dại, giết con và nướng để ăn. Cũng theo sử gia này, quân Rôma đã dùng gươm để giết hơn một triệu người ở Giêrusalem và Giuđê. Còn những người Do Thái bị bắt làm tù binh là gần một trăm ngàn người. Tất cả đã xảy ra đúng như lời tiên báo của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, lời của Chúa không chỉ ứng nghiệm với thành thánh bị phá hủy vào ngày lễ vượt qua năm 70 đó, mà còn tiên báo về ngày tận cùng của cả thế giới. Khi Ngài đến trong vinh quang để xét xử, có các tai ương làm cho con người lo âu sợ hãi: “Sẽ có những điểm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh tượng biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các tinh tú bầu trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ Con Người sẽ xuất hiện uy nghi trên đám mây . Sau đó Chúa trấn an: “khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên.”
Đứng thẳng để đón Đấng mà họ đã suốt đời thắp đèn chờ đợi. 
Ngẩng đầu để mừng giây phút ơn cứu chuộc đã đến gần. 
Kính thưa…Người ta vẫn hay đoán già đoán non về ngày tận thế. Năm 2000 với biến cố Y 2K qua rồi, đâu thấy tận thế. Cha già Đa Minh Trần Đình Thủ, Ngài là người sáng lập ra Dòng Đức Mẹ Đồng Công, hiện có trụ sở chính tại Thủ Đức. Ngài nói rằng: theo như lời Đức Mẹ tiên báo thì năm 2000 sẽ tận thế, nên Ngài kêu mời các thầy hãy sống thánh thiện và luôn luôn sám hối ăn năn chờ đợi ngày tận thế xảy đến. Năm 2000 tận thế đã không xảy ra trên thế giới nhưng chính năm ấy, Ngài đã đón nhận ngày tận thế của chính đời ngài để vâng nghe tiếng Chúa gọi Ngài về với Chúa, hưởng thọ 104 tuổi. Một vài năm gần đây và nhất là vào những ngày tháng 11 năm 2012, trên các trang mạng, trong nước cũng như quốc tế, người ta đã xôn xao đồn đoán vào ngày 21.12.2012 là ngày tận thế. Vì ngày đó là thời điểm cuối cùng của bộ Lịch người Maya chấm dứt. Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuter trong tháng 5. 2012 cho thấy, cứ 10 người thì có 1 người tin như vậy. Nhưng ngày đó cũng đã đi qua rồi mà chưa thấy tận thế.
Những năm cuối thiên niên kỷ thứ hai, rất nhiều thiên tai đã gây ra cho con người. Đặc biệt với cơn siêu bão Hải Yến năm 2013 càn quét đất nước Philippin cướp đi hơn hai ngàn người, phải chăng đó là những dấu hiệu ngày tận thế đang đến gần? Sẽ không có câu trả lời dứt khoát như đinh đóng cột, bởi vì Chúa không muốn cho biết đích xác ngày đó. Ngài chỉ cho biết ngày ấy sẽ tới. ngay cả Chúa Giêsu cũng không biết. Bởi đó thái độ khôn ngoan nhất của chúng ta là luôn luôn sẵn sàng chào đón với thái độ đứng thẳng, và ngẩng đầu lên khi Ngài đến.
Ngày tận thế không biết có xảy ra trong cuộc đời chúng ta hay không. Nhưng ngày chúng ta từ giã cuộc đời giống như Cha Già Đa Minh Trần Đình Thủ, để đi về với Chúa thì chắc chắn có. Mỗi người sẽ phải có ngày tận thế của đời mình. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết chuẩn bị cho mình một thái độ thích hợp trong ngày Chúa đến.
Lạy Chúa Giêsu, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng. Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa. 
Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào... Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ. Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. amen


THỨ TƯ SAU CN 34 TN B: Lc 21,12-19

Lúc trời còn tối, ngày 16 tháng 11 năm 1989, tại nước El Salvador, một nhóm người có vũ trang đã xâm nhập vào một trường Đại Học ở Trung Mỹ. Chúng đã giết sáu linh mục Dòng Tên và hai mẹ con người giúp việc. Giết xong chúng đã kéo xác ra ngoài vườn và làm những trò man rợ. Các linh mục này đều là những nhà trí thức, có ảnh hưởng trong xã hội. Họ muốn đấu tranh cho xã hội ở Sanvađo không còn bất công xảy ra, người nghèo được tôn trọng, và muốn chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài khiến hơn 70 ngàn người chết. Vì thế, họ đã phải trả giá bằng vụ thảm sát bất ngờ, họ đã chết như những chứng nhân, những vị tử đạo thời mới.
Kính thưa…Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giêsu nói về những cuộc bách hại xảy ra trước khi Ngài trở lại trong ngày chung thẩm, ngày tận thế. Các môn đệ sẽ phải chịu những gì Thầy mình đã chịu. Họ sẽ bị bắt, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đời. Họ sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét, và thậm chí bị giết hại. Tất cả những gì các môn đệ phải chịu đều là vì danh Thầy.
Chính tình yêu trung tín đối với Thầy và giáo huấn của Thầy
đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau và cái chết. Không phải chỉ chối Thầy cách công khai mới mang tội bất trung. Không phải chỉ bước qua thập giá mới là phản bội. Bất cứ khi nào chúng ta bước qua những giá trị ngàn đời của Kitô giáo, như sự thật, sự sống, công bằng, bác ái, nhân phẩm, tự do, lương tâm, khi ấy chúng ta cũng đã chối bỏ Đức Kitô Giêsu của chúng ta rồi. Bất cứ khi nào chúng ta dám xả thân để sống cho những giá trị đó, chúng ta đã làm chứng cho Ngài. Gioan Tẩy Giả đã chết vì nói sự thật mất lòng Hêrôđê. Maria Goretti đã chết vì muốn sống trong sạch. Cha Kônbê đã xin chết thay cho người bạn tù vì lòng bác ái. Tất cả đều được Giáo Hội tôn kính như những vị tử đạo, dù họ không chết vì tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu.
Chúng ta là môn đệ Chúa Giêsu từ khi chúng ta nhận tấm áo trắng ngày Rửa Tội. Theo Chúa Giêsu và thực hiện sứ mạng của Ngài là một việc không dễ dàng và đơn giản của người môn đệ Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng hằng kêu mời các môn đệ Ngài phải kiên trì giữ vững niềm tin. Chúng ta nên nhớ rằng: Cuộc sống chiến đấu của người tin theo Chúa Giêsu không phải là cuộc chiến vô vọng. Trái lại, chúng ta phải trông cậy vào một Thiên Chúa toàn năng. Ngài thấy, Ngài biết chúng ta đang chiến đấu. Có Ngài ở với chúng ta, dù có lúc chúng ta cảm thấy như bị cô đơn tuyệt vọng. Như bị Chúa bỏ rơi. Nhưng Ngài từng chút từng chút Ngài lo cho chúng ta. Mạng sống của chúng ta ở đời này có thể bị mất, nhưng nếu biết kiên trì và trung tín, chúng ta sẽ giữ được nó ở đời sau. 
Có ai đó nói rằng: “Nếu đường đời bằng phẳng, anh hùng hào kiệt có hơn ai”. Cuộc đời dường như không bằng phẳng. Cuộc đời luôn có sóng gió, có nghi nan, có những bất trắc xảy ra ngoài dự tính. Kẻ chiến thắng là kẻ kiên nhẫn với lòng dũng cảm vượt qua. Người thất bại là thấy khó bỏ cuộc, thấy khổ lẩn trốn. Chỉ có những ai dám đương đầu với gian nan mới mong có ngày thành công.
Chúa Giê-su Ngài cũng kêu gọi chúng ta hãy kiên nhẫn trong đức tin. Cho dù có phải trả giá bằng những bách hại, bằng những khốn khó, bằng những thua thiệt. Cho dù có phải trả giá vì sự bỏ rơi của cha mẹ, anh em, bạn bè . . . .Nhưng phần thưởng chúng ta thật lớn lao trên quê trời. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn đỡ nâng và phù giúp chúng ta trước những khó khăn cuộc đời.
Xin Chúa thêm ơn cho chúng ta trước biết bao sóng gió cuộc đời. Xin Ngài luôn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Amen

Chuyện tình Romeo và Juliet

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã từng coi phim, hay đọc truyện hoặc nghe nói đến chuyện tình Romeo và Juliet. Đây là một chuyện tình rất đẹp, rất dễ thương, nhưng lại có một kết thúc thật bi thương ai oán. Câu chuyện được kể như sau: Romeo và Juliet sinh ra trong hai gia đình thuộc hai dòng họ có thù hận truyền kiếp với nhau. Chính vì thế, tình yêu của họ bị ngăn cấm, bị đe doạ bởi những người đứng đầu của hai dòng họ. Sau bao tranh đấu cho tình yêu không thành, họ đành tìm cái chết bên nhau để minh chứng tình yêu của họ. Những người hữu trách và cố chấp của hai dòng họ sau đó đã nhận ra sự ích kỷ, tính bất nhân và sự thù hận đã dẫn đến cái chết bi thương của đôi trai gái. Khi đã nhận ra và ngỏ lời xin lỗi nhau thì đã quá muộn. Dù vậy, có còn hơn không, và nhờ cái chết của đôi bạn này nên đã mở ra một quan hệ mới giữa hai dòng họ.
Một câu chuyện khác: Cách đây ít năm, trong chương trình tin thế giới thu qua vệ tinh, người dân hai nước CroatiaSerbia cũng như thế giới sững sờ và vui mừng vì cuộc gặp gỡ lần đầu tiên của hai lãnh tụ sau những năm chiến tranh khốc liệt giữa hai phe nhóm. Càng sững sờ hơn khi lãnh tụ Serbia công khai đại diện đất nước ngỏ lời xin lỗi với mọi người và từng người dân Croatia và sau đó, lãnh tụ Croatia cũng ngỏ lời như vậy với người dân Serbia. Một lời xin lỗi muộn màng vì cuộc chiến tranh giữa hai nước đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người dân vô tội. Nhưng dẫu muộn màng vẫn còn hơn là không có. Lời xin lỗi sẽ mở ra một quan hệ mới, một niềm hy vọng mới cho dân tộc hai nước
Và có lẽ người công giáo chúng ta vẫn còn nhớ trong triều đại Giáo Hoàng 26 năm, chính vị tân hiển thánh GH Gioan Phaolô II, trong một lần kia đã công khai đại diện cho toàn thể GH Công giáo xin lỗi mọi người, xin lỗi các tôn giáo bạn vì những lỗi lầm của GH đã gây ra trong lịch sử.
Kính thưa quí OBACE ! Chuyện đi bước trước trong việc xin lỗi công khai người bị ta xúc phạm, chẳng phải là chuyện mới gì. Đó là chuyện xưa như trái đất. Lần giở trong Kinh thánh Cựu Ước, nhất là trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu Kitô dạy dỗ “ nếu anh đang dâng của lễ mà nhận thấy có sự bất hoà với anh em, thì hãy để của lễ lại trong đền thờ, quay về làm hoà với anh em rồi hãy đến dâng lễ vật”. Không chỉ dạy dỗ mà chính Ngài là mẫu gương cho ta noi theo.Thiên Chúa là Đấng thánh thiện và vì thế Ngài vô tội. Ngài không phải xin lỗi ai cả. Người phải xin lỗi là chính nhân loại, là chính mỗi người chúng ta mới đúng.
Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta bằng việc dựng nên chúng ta. Không những thế, Ngài còn dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, trao cho con người quyền làm chủ mọi loài. Vậy mà con người đã đáp lại tình yêu ấy bằng sự bội phản. Lẽ ra chính con người phải xin lỗi Ngài và cầu mong ơn tha thứ. Nhưng độc đáo thay, chính Ngài đi bước trước , ngài không cần chờ đợi con người xin lỗi, Ngài đã đến để yêu thương họ, yêu thương cách cụ thể và tới cùng, yêu thương đến mức chết cho người minh yêu. Thánh Gioan đã viết: “không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước và sai con một đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta”. “Thiên Chúa yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân, ngay khi chúng ta còn thù địch với Ngài”. Còn gì xúc động và cao cả cho bằng khi tiếng nói cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá chính là tiếng nói của yêu thương và tha thứ cho những người đã kết án đóng đinh và giết chết mình: “ lạy Cha ! Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. 
Fx. Nguyễn Xuân Hùng và Maria Phạm Khánh Ly hai con thân mến !
Một chút nữa đây qua nghi thức của Bí Tích Hôn Phối chúng con từ hai người khác biệt trong hai gia đình khác nhau sẽ chính thức nên một với nhau. Như chúng con đã biết chính Cha đã giáo huấn chúng con trong lớp học dự bị hôn nhân. Cha đã trình bày cho chúng con biết: ngày thành hôn của chúng con hôm nay qua bí tích hôn phối chỉ là khởi đầu của hành trình nên một của chúng con mà thôi. Và như thế, càng ngày cuộc hành trình nên một càng khó khăn hơn do những khác biệt ngày càng được tỏ rõ nơi mỗi người. Chính vì những khác biệt này, chắc chắn không ít lần chúng con, ngay từ khi mới quen nhau, đã nhiều lần làm mất lòng nhau, gây gổ to tiếng, giận hờn nhau. Chúng con đừng sợ, bởi đây là chuyện thường tình của đời sống hôn nhân. Điều quan trọng chính là chúng con phải có tình yêu chân thành với nhau và với những người thân yêu trong gia đình. Mà muốn có tình yêu chân thành thì chúng con phải không ngừng kín múc từ Thiên Chúa qua Thánh Lễ, qua Lời Chúa, qua cầu nguyện và giờ kinh tối trong gia đình. Hãy chủ động làm hòa với nhau nếu như gia đình chúng ta đang có sự bất hòa và mâu thuẫn. Ai cũng được, hãy chủ động nhận lỗi, và người kia cũng phải có thiện chí cải thiện mối quan hệ sao cho tốt đẹp, sao cho trong ấm ngoài êm. Miễn là sau cơn mưa trời lại trong sáng như chưa bao giờ mưa. Miễn là cho cuộc sống sẽ trở nên vui tươi hơn. 
Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin được gửi tới quý ông bà anh chị em, đặc biệt với hai con Hùng và Ly lời của một ai đó nói về bí quyết để xây dựng gia đình Kitô giáo hạnh phúc: “tình yêu cần được rửa tội mỗi ngày và cưới nhau mỗi sáng”, hay nói cách dễ hiểu : hạnh phúc gia đình không thể thiếu lời xin lỗi và lời cam kết yêu thương nhau trong từng phút từng giây của cuộc sống.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc phúc cho tình yêu của chúng con hôm nay và mãi mãi. Amen.

Ngày xưa, khi nhắc đến các Thánh tử đạo, nhất là các vị tử đạo Việt nam, chúng ta thường hình dung đến những cực hình ghê sợ mà người ta nghĩ ra để hành hạ các ngài. Các cực hình dã man ấy không những không làm lung lạc đức tin của các ngài, mà còn khiến các ngài càng mạnh mẽ hơn trong việc đón nhận và tuyên xưng đức tin. Ngày nay, những cái chết vì đức tin như vậy vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức tử đạo mới. Hằng năm trên thế giới vẫn có hàng ngàn người đang phải chịu khốn khổ, bị kỳ thị vì đức tin của mình. Nhiều người đã phải bỏ quê hương để đi tìm một chỗ nương thân an toàn, ví dụ như tại Irăc và Sirya trong năm vừa qua. Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS đã tuyên bố bất cứ ai kêu tên Giêsu mà người khác nghe được thì bị xử bắn. Vì thế, trong năm qua, có đến hàng ngàn Kitô hữu đã bị giết tại Sirya chỉ vì họ nhận mình là Kitô hữu. Cũng giống như thế, tại quốc gia Bắc Hàn, các Kitô hữu phải sống một cuộc sống hết sức khó khăn, bị o ép và khủng bố, có thể bị tù đày, bị giết chết. Tại quốc gia này, cuốn Kinh Thánh trở thành cuốn sách bị cấm. Ai đọc hoặc giữ cuốn Kinh Thánh trong người, có thể bị tử hình.

Tại Việt Nam, kể từ những ngày đầu tiên khi Tin Mừng được gieo vãi trên quê hương đất nước cho đến nay, người Kitô hữu dường như liên tục bị bách hại về niềm tin của mình. Tổ tiên của chúng ta, các vị tử đạo Việt Nam, đã đón nhận đức tin trong hoàn cảnh hết sức khó khăn như thế. Trong khi những người khác hoàn toàn sống theo tâm tình tôn giáo dân gian, sống một cuộc sống thoải mái dễ dãi, thì tổ tiên chúng ta đã chấp nhận đi vào con đường của Tin Mừng. Các ngài đi theo con đường hẹp, chấp nhận tuân theo giới răn lề luật của Thiên Chúa, từ chối các thần linh của dân ngoại. Các vị tử đạo đã sống đúng như lời sách Khôn Ngoan đã nói : Linh hồn những người công chính ở trong tay Thiên Chúa, không một cực hình nào có thể động tới được các ngài…Trước mắt người đời, chúng tưởng như các ngài đã chết, nhưng thực ra các ngài vẫn đang sống… Người đời nghĩ rằng các ngài bị trừng phạt, nhưng các ngài vẫn chứa chan hy vọng. Ba trăm năm đầu tiên là quãng thời gian hết sức khó khăn đối với các tín hữu, thế nhưng, dường như những cơn đàn áp càng khốc liệt, thì Tin Mừng lại càng được loan truyền và con số những người tin theo Chúa lại càng gia tăng. Các ngài bị hành hạ nhưng các ngài vẫn hy vọng vào phần thưởng Nước Trời mà Thiên Chúa đã hứa.
Bước sang thế kỷ 20 – 21, tình hình bắt bớ, giết hại những tín hữu có phần lắng xuống, nhưng không phải đã được tự do hoàn toàn. Người Kitô hữu Việt Nam lại trải qua một hình thức tử đạo khác. Họ vẫn phải cố gắng sống và thể hiện niềm tin của mình trong một môi trường xã hội mới. Nhiều nơi, các tín hữu vẫn bị o ép giới hạn cách này cách khác. Nhiều người đã bị tù tội chỉ vì mang danh là người Kitô hữu, vì nhiệt tâm phục vụ. Nhiều tín hữu đã chết trong tù hoặc nơi rừng sâu nước độc, chỉ vì muốn sống đến cùng đòi hỏi của Tin Mừng. Cuộc tử đạo của chúng ta hôm nay là liên tục sống tình yêu thương và tha thứ. Có lẽ vì vậy mà Giáo hội đang hoàn thiện hồ sơ để tôn phong Tôi Tớ Chúa, Đức Hồng Y Fancis Nguyễn Văn Thuận, lên bậc Chân phước Tử đạo cho dù Ngài không trực tiếp chết vì đạo. Giáo hội đã nhìn thấy gương sống yêu thương và tha thứ của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận như cuộc tử đạo liên tục. Trong thánh lễ an táng ngài, Đức Thánh Giáo Hoàng JP II và cả giáo triều lúc đó đã mặc phẩm phục màu đỏ thay cho màu tím truyền thống. Trong quan tài của Đức Hồng Y, người ta đã đặt vào đó một tấm bia bằng đồng ghi tóm tắt lịch sử cuộc đời của ngài. Việc làm như thế cho thấy sự kính trọng mà giáo triều đã dành cho ngài như truyền thống Giáo hội vẫn làm cho các vị tử đạo.
Đức hồng Y Fancis đã tử đạo bằng đời sống yêu thương và tha thứ cho những kẻ bách hại ngài. Sau hàng chục năm tù tội bất công, vậy mà không bao giờ ngài kêu than oán trách. Trái lại, ngài luôn cầu nguyện cho những kẻ giam giữ mình. Trong các tác phẩm để lại, cũng như các cuộc nói chuyện, ngài kể về những năm tháng tù đầy như là những năm tháng ngài được tĩnh tâm, được sống thân mật với Chúa và làm việc mục vụ bằng lời cầu nguyện. Ngài tuyệt đối không dùng một lời lẽ cay cú hay thù oán, nhưng thay vào đó là một tâm hồn bình an, thanh thản đón nhận ý Chúa.
Kính thưa…Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, chúng ta cũng sẽ phải trải qua những cuộc tử đạo hiện đại và trở thành những vị tử đạo hiện đại. Chúng ta sẽ không chết vì gươm giáo hoặc đạn bắn, nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận chết, chấp nhận thiệt thòi vì Tin Mừng, vì sống đến cùng của lời mời gọi của Chúa : Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hàng ngày mà theo Ta… Chúng ta cũng sẽ phải hết mình để chu toàn vuông tròn giới răn lề luật của Chúa và Hội Thánh.
Chúng ta sẽ phải tử đạo bằng đổ mồ hôi và nước mắt trong gia đình để bảo vệ sự vĩnh viễn của hôn nhân và để xây dựng một gia đình Công Giáo đúng nghĩa. Trước sự tấn công của các trào lưu xã hội trên các gia đình, chúng ta sẽ phải là những chiến sĩ chấp nhận hy sinh, không ngại thương tích để bảo vệ hạnh phúc và phẩm giá cao quý của đời sống hôn nhân và gia đình. Trước sức ép của cuộc sống vật chất, chúng ta vừa phải lao vào cuộc sống để tìm kiếm cơm ăn áo mặc cho con cái, nhưng cũng phải chấp nhận rướm máu vì giữ giới luật công bằng, yêu thương và bác ái. 
Các bạn trẻ cũng phải tử đạo liên tục để sống đúng với ơn gọi là một người trẻ Công Giáo trong xã hội biến chuyển này. Chúng ta sẽ phải đổ máu để bảo vệ sự tinh tuyền của linh hồn và thân xác khỏi cơn bão của hưởng thụ ích kỷ, phim ảnh sách báo và lối sống buông theo dục vọng. Chúng ta vẫn phải sống, phải bước đi với mọi người trong xã hội, nhưng vẫn phải chiến đấu để khỏi đánh mất mình và mục đích cuộc đời trong dòng chảy của xã hội hôm nay.
Như thế, cuộc tử đạo ngày nay xem ra không kém phần khốc liệt như cuộc tử đạo ngày xưa của các vị tiền nhân. Xin Chúa qua sự bầu cử của Đức Maria và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, giúp chúng ta là con cháu của các ngài, biết sống khí tiết anh hùng của các Tiền Nhân, dám sống cho tới cùng lý tưởng của Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Amen.