Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

GIÁ TRỊ


Cách đây rất lâu, tại đất nước Ai Cập xinh đẹp có một vị thiền sư nổi tiếng tài giỏi tên là Zun-Nun. Nghe tiếng tăm của thầy Zun-Nun, một chàng trai trẻ tìm đến bên dòng sông Nile hiền hòa - nơi thầy đang sống để diện kiến. Chàng hỏi:
- Thưa thầy, con biết người đời rất kính trọng thầy, với địa vị như thế tại sao thầy không ăn vận và sống cuộc đời xa hoa hơn? Con nghĩ như vậy sẽ càng khiến mọi người nể trọng thầy hơn nữa.
Vị thiền sư chỉ mỉm cười, tháo từ tay mình một chiếc nhẫn cũ kỹ, đưa cho anh thanh niên và nói:
- Này con trai, ta sẽ cho con câu trả lời. Nhưng trước hết, ta cần con làm giúp một việc, hãy mang chiếc nhẫn này ra chợ và bán nó với giá một thỏi vàng. Bán được rồi, quay về đây, ta sẽ trả lời câu hỏi đó của con.
Người thanh niên nhìn chiếc nhẫn, lòng đầy thất vọng. Làm sao anh có thể bán được chiếc nhẫn cũ kỹ và xấu xí này với giá một thỏi vàng?
Nhìn vẻ mặt nghi ngại của anh, Zun-Nun mỉm cười nói:
- Hãy cứ đi đi, con trai, ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra!
Chàng trai đi ra chợ và rao bán chiếc nhẫn cho bất cứ thương nhân nào anh gặp. Nhưng đúng như anh dự đoán, tất cả họ đều lắc đầu, thậm chí còn cười nhạo trước cái giá một thỏi vàng anh đưa ra.
Với bộ dạng tiu nghỉu, chàng trai quay trở về căn nhà nhỏ bé, đơn sơ của thầy Zun-Nun.
- Thưa thầy, con đã hỏi khắp nơi nhưng không ai chịu mua chiếc nhẫn của thầy với giá đó cả.
Vẫn giữ nụ cười bình thản trên mặt, vị thiền sư nhẹ nhàng bảo anh:
- Con hãy đi tới cửa hàng vàng bạc cuối con đường này, đưa chiếc nhẫn của ta cho ông chủ tiệm. Đừng nói con muốn bán nó với giá một thỏi vàng mà hãy để ông ta ra giá.
Người thanh niên làm theo lời chỉ dẫn. Chỉ một lát sau, anh quay về với vẻ mặt đầy phấn khích. Chạy đến bên Zun-Nun, anh háo hức:
- Thầy ơi, tất cả thương nhân trong chợ đều là những người mù, họ không biết giá trị thật sự của chiếc nhẫn. Người chủ tiệm vàng đã đề nghị trả cho con một ngàn thỏi vàng để được làm chủ nó, gấp đến một ngàn lần cái giá con rao bán ngoài chợ.Zun-Nun chỉ mỉm cười:
- Đó chính là câu trả lời của ta cho câu hỏi của con. Giá trị của con người không phải nằm ở cách họ ăn mặc như thế nào, cũng không ở chỗ ngôi nhà họ sống sang trọng ra sao, mà chính là bản chất con người họ. Con không thể nào phán đoán giá trị một ai đó chỉ qua cái nhìn đầu tiên. Đôi lúc,tưởng như con tìm được vàng, song hóa ra đó chỉ là đồng thau. Ngược lại, có khi con nghĩ nó là đồng thau thì đó lại là người bạn vàng mà con hằng tìm kiếm.



CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN NĂM B

(Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20)Chủ đề SỨ VỤ CỦA KITÔ HỮU: ĐƯỢC SAI ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG
1. “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđê, Sammari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Đức Giêsu Kitô thăng thiên nhưng Ngài truyền cho các Tông Đồ, tức là Hội Thánh tiếp nối công cuộc cứu chuộc của Người cho đến mọi miền trên trái đất. Thi hành lệnh truyền này là sứ vụ cốt yếu làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và cũng là của mỗi Kitô hữu. Sự sống còn của Hội Thánh tùy thuộc vào sứ vụ này. Trong năm canh tân đời sống giáo xứ và các cộng đoàn tu trì, phải chăng là mỗi giáo xứ, mỗi dòng tu, mỗi đoàn thể và nhất là mỗi Kitô hữu phải trở nên chứng nhân trung thành của Đức Kitô, nghĩa là đem Tin Mừng đến mọi người mọi nơi? Sứ vụ này bắt đầu từ “Giêrusalem”, phải chăng đó là bắt đầu từ môi trường mình đang sống, qua những lời nói và gương sáng trong đời sống hằng ngày, rồi sau đó lan tỏa sang môi trường rộng hơn, và cuối cùng “đến tận cùng trái đất”?2. “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy” (Cv 1,8). Nếu các Tông Đồ đã được Đức Giêsu tuyển chọn nhờ Thánh Thần (Cv 1,2) thì cũng sẽ nhờ Thánh Thần để sai đi loan báo Tin Mừng và làm Phép Rửa (Cv 1,5.8). Việc loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Hội Thánh nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần và có Đức Giêsu Kitô cùng hoạt động. Phải chăng khi thực hiện sứ vụ truyền giáo, mỗi Kitô hữu chúng ta cần hành động theo sự tác động khôn ngoan của Chúa Thánh Thần? Chúng ta có ý thức rằng mặc dù Đức Giêsu đã lên Trời nhưng Ngài vẫn đang “cùng hoạt động” với mỗi Kitô hữu dưới thế đang thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, và Người sẽ dùng các “dấu lạ” để xác nhận công việc truyền giáo này của Hội Thánh (Mc 16,20)?
3. “Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn lên trời?” (Cv 1,11). Thánh lễ hôm nay nhắc nhở chúng ta hướng lòng về trời, nơi mà Đức Giêsu đã lên để chuẩn bị và sẽ lại đến để đón chúng ta. Tuy nhiên, các Kitô hữu không thể cứ đứng đó “nhìn trời” mà chờ, nhưng muốn về trời thì trước hết phải “ra đi” sống đời chứng nhân trước đã, nghĩa là “ra đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), nhất là đến với những người bị dạt ra ở “vùng ngoại ô” của cuộc sống. Phải chăng điều Chúa muốn là một Hội Thánh “nhập thế” hay “vào đời”? Đó là điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô thao thức trong Tông Huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ quan tâm đến việc nằm ở trung tâm và cuối cùng bị vướng vào một mạng lưới của những cố chấp và thủ tục” (số 49).
4. Có nhiều cách thế để loan báo Tin Mừng, nhưng các phương tiện truyền thông xã hội đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Tân Phúc Âm hóa ngày hôm nay. Do đó, Hội Thánh hoàn vũ đã chọn lễ Thăng Thiên hằng năm làm Ngày Quốc tế về Truyền thông để loan báo Tin Mừng. Cũng vậy, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã lấy ngày này làm ngày Truyền Thông của Hội Thánh Việt Nam (quyết định trong Hội nghị kỳ I-2009 tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, Vũng Tàu). Các hình thức truyền thông đều có thể được sử dụng làm phương tiện tốt để loan báo Tin Mừng. Dựa theo tinh thần đó, mỗi Giáo xứ hay tổ chức Dòng tu, mỗi Cộng đoàn hay Nhóm… có nên tìm cách sử dụng cách hợp lý những phương tiện truyền thông xã hội như một bản tin, một tập san của giáo xứ; sách vở, CD hay VCD được phát hành; hoặc là mạng internet, trang web, facebook... như là những phương thế mới để loan báo Tin Mừng cho con người thời nay hay không?

16/5.2015-. Thứ Bảy Tuần VI Phục Sinh


 Cv 18,23-28; Ga 16,23b-28
Tin Mừng: Ga 16,23b-28
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Ðã đến giờ Thầy sẽ không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha".
Suy niệm: Cộng Tác
Bài trích sách Tông Đồ Công Vụ hôm nay ghi nhận sự hiện diện và việc làm của một người tên Apollô. Tôi nhận thấy đây là một hình ảnh rất đẹp trong việc rao giảng Tin mừng. Thánh Phaolô và các Tông đồ có những cộng sự viên, những người tiếp nối công việc đem Chúa đến cho mọi người. Đây cũng là điều được nói đến trong đoạn Tin mừng hôm nay khi Chúa Giêsu trao cho các môn đệ những việc làm của Ngài và cộng tác với Ngài trong trương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Chúa cũng cần và mời gọi các cộng đoàn, các giáo xứ cộng tác với Chúa trong việc rao giảng Tin mừng để góp công góp sức đem Chúa đến cho tha nhân.
Ngày hôm nay, Chúa cũng mời gọi tôi cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ của Ngài qua việc làm bổn phận và qua đời sống của tôi.
Lạy Chúa, xin cho con đáp lại lời mời gọi của những người có trách nhiệm, xin cho con đáp lại lời mời gọi của Chúa để con sẵn sàng cộng tác với ơn Chúa và cộng tác với tha nhân trong việc rao giảng tin mừng và đem Chúa đến cho mọi người. Amen.