Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

01/08/2015 Thứ Bảy Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Mt 14, 1-12"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.CHIA SẺ PHÚC ÂM:Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại."Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vượt qua những nỗi sợ cho bản thân để sống trọn thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, cũng vượt lên trên những nỗi sợ vu vơ của dư luận chê cười, của “ném đá” chê bai vì dám nói lên sự thật về Chúa và về con người. Xin cho chúng con không vì sợ mà đi xa đường lối Chúa. Amen.

01.08.2015 – Thứ bảy Tuần 17 Thường niên


"Lời Chúa: Mt 14, 1-12
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Ðó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với nhà vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.

Suy niệm
 Hêrôđê với sức mạnh và uy quyền trong tay, ông đã làm một điều trái luân thường đạo lý là dụ dỗ và lấy chị dâu của mình làm vợ. Ông đã không nghe lời khuyên của Gioan Tẩy giả. Trái lại, ông còn bắt trói Gioan tống ngục và thủ tiêu. Điều này nói lên rằng, tâm hồn ông bất an, lương tâm ông không còn trong sáng. Ông đã không ngần ngại dùng những thủ đoạn gian ác để nhằm đạt được thỏa mãn cho riêng mình. Vì những hành động đó, ta thấy ông cũng là một con người yếu hèn: sợ hành vi sai trái của mình, sợ dân chúng và sợ mất danh dự. Còn Gioan Tẩy giả là một vị ngôn sứ sống trung thành với sứ mạng tiền hô của mình, được dân chúng kính nể. Ông đã can đảm nói lên sự thật dù biết rằng điều đó đe dọa đến chính mạng sống của mình. Ông thật xứng đáng là người dọn đường cho "Đấng là sự thật". Hêrôđê cảm thấy sợ khi phải đối diện với Gioan Tẩy giả, người tiền hô cho Đấng lả Chân Lý.
 Con người hôm nay đang sống trong hoàn cảnh xã hội mà vàng thau lẫn lộn, thật giả khó lường, cán cân công lý bị chi phối bởi sức mạnh của quyền lực và vật chất. Nhiều người chạy theo mục đích trước mắt bất chấp những phương tiện xấu. Xã hội được vận hành bằng sự dối trá, lừa lọc và muốn hất văng những gì là sự thật, chân lý. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người dám làm chứng cho sự thật và chân lý thì lại bị những quyền lưc cao nhất trong xã hội tấn công và loại trừ. Sống trong hoàn cảnh như thế, ta có thái độ như thế nào trước những bất công, sai trái? Ta có dám thẳng thắn, can đảm đối diện với sự thật hay ta im lặng, né tránh hay thoái lui trước sức mạnh của quyền lực? Sứ mạng của người làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu không gì khác hơn là dám nói sự thật, sống sự thật và làm chứng cho sự thật trong mọi biến cố của cuộc sống. Ta hãy nhìn vào cuộc đời của thánh Gioan Tẩy giả như một mẫu gương sống động trên hành trình bước theo Thầy Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin ban cho chúng con được ơn can đảm sống theo tiếng lương tâm, dám đón nhận sự thật và làm chứng cho sự thật. Dù có phải chịu thiệt thòi, mất mát, hy sinh, thì chỉ khi sống theo sự thật, chúng con mới thuộc về Đấng là Ánh Sáng và Chân Lý. Amen.

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN - B


Xh 16,2-4.12-15; Eph 4,17.20-24; Ga 6,24-35
T
ÍN THÁC NƠI CHÚA
“Chính tôi là bánh trường sinh. 
Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Xh 16,2-4.12-15
    Sách Xuất Hành là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, tức 5 quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh (Sáng Thế – Xuất Hành – Lê-vi – Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về nội dung, sách Xuất Hành ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Ai-cập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40). Đây là hai sự kiện nền tảng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Có thể nói được, phần lớn các sách còn lại của Kinh Thánh phản ánh sự tương tác, giải thích, ứng dụng, hay kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa như đã được Người mặc khải trong sách Xuất Hành. 
    Trong cuộc Xuất Hành khỏi Ai-cập, dân Israel đã gặp phải ba vấn nạn chính mà bất cứ ai đi trong sa mạc thường phải đối diện: vấn nạn về nước uống (Xh 15,22-27; 17,1-7), vấn nạn về lương thực (Xh 16), và vấn nạn về quân thù (Xh 17,8-16). Khi gặp phải những vấn nạn này, dân Israel thường kêu trách Moses và Aharon là hai nhà lãnh đạo Thiên Chúa đã đặt lên để dẫn dắt họ tiến về Đất Hứa. Xh 16, 3 ghi lại nội dung một trong những lời than trách đó: 
    “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!”
    Lời than trách này hàm ý: cuộc sống tại sa mạc này tồi tệ hơn nhiều so với cuộc sống tại Ai-cập; tại sao phải bỏ lại sau lưng cuộc sống tốt đẹp hơn để nhận về một cuộc sống cơ cực? Tại sao lại bỏ “sự sống” tại Ai-cập để ôm lấy “cái chết” tại sa mạc này ? 
    Đành rằng cuộc sống tại sa mạc bao giờ cũng khó khăn và đầy thử thách. Nhưng cuộc sống của dân Israel trước đó tại Ai-cập không phải là mầu hồng như họ cường điệu ở đây. Làm gì có cảnh dân Israel bình an “ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê”. Các chương đầu của Sách Xuất Hành cho chúng ta thấy rõ cuộc sống của họ tại đó thật cơ cực và tủi nhục. Hơn nữa, dân tộc của họ đang phải đối diện với nguy cơ bị diệt vong tại Ai-cập sau những chính sách tàn bạo của Pharaoh (x. chương 1 và chương 5). Như thế, đằng sau những lời than trách này là thái độ thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng vừa cho họ thấy cánh tay hùng mạnh của Người, khi Người dìm đoàn hùng binh của Pharaoh xuống lòng Biển Đỏ (x. Xh 14, 15-31). 
    Đứng trước lời than trách mang đậm tính kết án và thiếu niềm tin này, Thiên Chúa đã không đánh phạt dân, nhưng tỏ lòng xót thương họ, vì họ như một cậu thanh niên đang trong giai đoạn nổi loạn, rất cần nhận được sự tha thứ và kiên nhẫn từ phía cha mẹ trước khi cậu đạt đến độ tuổi trưởng thành. Thiên Chúa đã đáp trả những lời than trách ấy bằng việc Người hứa ban “bánh từ trời cho họ” (x. c4). 
    Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho dân thức ăn: chim cút vào ban chiều, và manna vào ban sáng. Ở đây, manna được mô tả chi tiết hơn, tạo được sự hứng thú nhiều hơn đối với dân Israel. Chi tiết văn chương này hàm ý: Manna sẽ có một vị thế quan trọng trong các bữa ăn thường ngày của dân Israel trên hành trình tiến về Đất Hứa. Còn chim cút thỉnh thoảng được ban, chứ không thường nhật như manna (x. Ds 11). Sách Giôsuê cho chúng ta biết, dân Israel dùng manna làm lương thực hằng ngày mãi cho đến khi họ cử hành xong đại lễ Vượt Qua tại vùng thảo nguyên Giêrikhô. Vào thời điểm đó, manna không còn nữa, và dân Israel bắt đầu dùng thổ sản trong đất Canaan (x. Gs 5,10-12). 
2. Bài đọc 2: Eph 4,17.20-24
    Thư gửi tín hữu Êphêsô có lẽ được thánh Phaolô viết khi ngài bị cầm tù tại Roma (x. Cv 28). Qua lá thư này, thánh Phaolô nhắc chúng ta về một chân lý quan trọng: Nhờ máu của Chúa Giêsu Kitô mà các tín hữu, dù là Do thái hay dân ngoại, đã được hiệp nhất thành một dân mới, thành một nhân loại mới (x. Ep 2,11-22). Vậy để chúng ta sống xứng đáng hơn với tư cách thành viên cao quí này, thánh Phaolô, qua Ep 4,17.20-24, khuyên các tín hữu cần phải biết cởi bỏ con người cũ, vốn bị những ham muốn lừa dối, để mặc lấy con người mới, vốn được thể hiện qua việc sống công chính và thánh thiện.  
3. Bài Tin Mừng: Ga 6,24-35
    Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu minh định: không ai khác nhưng chính Cha Ngài đã ban bánh từ trời xuống nuôi dân Israel trên hành trình họ tiến về Đất Hứa, như chúng ta đã tìm hiểu ở bài đọc 1. Hơn nữa, trong cách nói của mình, Chúa Giêsu còn đi xa hơn việc đề cập đến manna vật chất, khi Ngài đề cập đến “bánh đích thực”, “bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Bánh đích thực và trường sinh này chính là Ngài, để những ai thành tâm đến với Ngài, sẽ “không hề phải đói”, và ai tin vào Ngài, sẽ “chẳng khát bao giờ”. Như thế, Chúa Giêsu trở nên nguồn suối sự sống cho con người ở mọi thời. Cuộc sống của con người nhờ Ngài sẽ không còn bị giới hạn vào thế giới này, không còn bị đóng khung vào không gian và thời gian, nhưng vươn tới sự sống vĩnh cửu trường tồn. 
    Điều kiện để chúng ta có thể tiếp nhận được nguồn suối sự sống là chính Ngài, chính là việc chúng ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Niềm tin ấy, tuy nhiên, cần phải được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta bằng những hành động tốt đẹp, nhằm sinh hoa kết trái chân thiện mỹ ngay từ cuộc sống đời này, vì “đức tin mà không có hành động là đức tin chết” (x. Gc 2,17).

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Thiên Chúa luôn tỏ lòng xót thương Dân Người. Dù họ kêu trách và chống đối hai nhà lãnh đạo Moses và Aharon, tức là chống đối chính Người, Người vẫn ban bánh từ trời xuống nuôi sống họ trong suốt 40 năm hành trình trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. Có khi nào tôi thấy nơi mình cũng có thái độ trách móc, oán than Thiên Chúa, như dân Do-thái xưa kia, nhưng đồng thời cũng nghiệm thấy lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa đối với mình ?
2/ Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải cởi bỏ “con người cũ” vốn bị những ham muốn lừa dối, vậy “con người cũ” là gì đối với tôi, và những ham muốn nào đang lừa dối tôi vào lúc này ? Làm thế nào để tôi có thể chiến thắng được con người cũ nơi mình ?
3/ Đức tin của tôi vào Chúa Giêsu Kitô hiện đang ở mức nào ? Ngài có thực sự là nguồn sống trường sinh của tôi vào lúc này, hay là tôi đang cậy dựa vào những thứ khác ? Nếu có, thì đâu là những thứ tôi đang bám vào ? Chúng có thực sự giúp tôi sống viên mãn không ? Làm thế nào niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu mỗi ngày được thêm củng cố ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tình thương đã ban chính Con Một yêu dấu của Người làm “bánh ban sự sống” cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng tha thiết nài xin.
1. “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn ý thức chăm sóc đoàn chiên Chúa trao bằng lương thực thần linh, qua việc cử hành và cổ vũ lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.
2. Chúa Giêsu nói :“Các ngươi hãy tin vào Ðấng Thiên Chúa sai đến.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia chưa đón nhận hay có thành kiến với niềm tin Kitô giáo, biết khao khát tìm kiếm chân lý và mở lòng trước Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo.
3. “Hãy ra công làm việc vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời.” - Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, biết trân trọng và quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng để tìm thấy hạnh phúc đích thực và trường tồn.
4. “Hãy lột bỏ con người cũ và trở nên mới trong lòng trí anh em.” - Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi siêng năng tham dự thánh lễ và sốt sắng rước Chúa, được ơn thánh biến đổi trở nên những con người mới trong đời sống chứng tá.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con biết nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, hầu đáng được thông phần sự sống Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

ĐỨC GIÊSU, BÁNH TRƯỜNG SINH

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

(Ga 6,24-35).
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Từ lương thực “mau hư nát”... đến lương thực “trường tồn":
       Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu “đã lánh mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến”, các môn đệ Người xuống thuyền đi sang “bên kia Biển Hồ”, còn Đức Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các ông. Hôm sau đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển Hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người. Mọi người sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn nhiều: vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là bánh trường sinh.
- Trước tiên Chúa cảnh giác đánh thính giả của Người về mong muốn lệch lạc của họ. Họ có sự hiểu lầm về lương thực (xem sự hiểu lầm của phụ nữ Samari về nước uống): “Các ông đi tìm tôi, Chúa nói với họ, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. X.Léon-Dufour nhận xét: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực thường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (“Lecture de l'Evangile de Jean”, cuốn II, Seuil, trang 132). Chính thứ lương thực này mà con người phải khao khát được ăn; chính vì lương thực ấy mà con người phải “làm việc” để kiếm tìm.
- Ngộ nhận mới do những từ ngữ “làm”, “những việc” gợi nên. Dân chúng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Theo họ nghĩ, đó là những việc bên ngoài mà Chúa đòi hỏi nơi những kẻ thờ phượng Người, như những nghi lễ và một số những việc khác.
Lập tức Đức Giêsu bắt họ bỏ qua “những việc” (số nhiều) để nghĩ đến “Việc Thiên Chúa” (số ít); bởi lẽ “việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
2. Từ “bánh bởi trời”... đến chính Đấng là “bánh trường sinh"
Những người đàm đạo với Chúa xem ra sẵn lòng tin nhận Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhưng dẫu sao cũng có điều kiện: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?”.
Dân chúng vừa mới được thấy dấu lạ là bánh hóa nhiều, thế mà họ còn đòi xem một dấu lạ khác, thì kể cũng là lạ thường. Nhưng ta đừng quên câu chuyện mới xảy ra gần đây, khi những người miền Galilê này đã coi Đức Giêsu như Vị Ngôn sứ, đó là: theo truyền thống tiên tri, một dấu lạ được chứng thực là đúng thì phải được người thực hiện nó loan báo trước. X. Léon-Dufour còn nhấn mạnh: “Thực ra người ta không đòi hỏi Chúa thực hiện ngay dấu lạ, mà chỉ cần nói cho biết Người sẽ làm dấu lạ nào” (O.C., trang 134).
Giống như phụ nữ Samari nại đến tổ phụ Giacóp (4,12), những người Do Thái nại đến tổ phụ Ápraham, thì đám đông người miền Galilê nại đến Môsê, người đã bầu cử với Chúa ban cho có manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc”.
- Đức Giêsu đã bài bác lối giải thích của họ, dựa vào lời họ trưng dẫn trong sách Xuất hành mà làm bằng cứ:
+ Người ban manna, “bánh bởi trời” không phải là Môsê, như ý họ muốn nói, nhưng là Đấng mà Người gọi là “Cha” của Người.
+ Điều cải chính trên về ai là kẻ ban phát manna không chỉ nói về thời dĩ vãng xa xưa của cha ông họ khi Xuất Hành, mà còn liên quan tới thời buổi này đối với những kẻ đang nghe Chúa nói. Ân huệ manna đó được ban cho chính họ ngay lúc này, ơn huệ đó là đích thực. Lương thực Chúa Cha ban cho hôm nay làm cho hình ảnh manna tiên báo và những lời hứa của Luật được ứng nghiệm. X.Léon-Dufour viết tiếp: “Giữa quá khứ và tương lai thì đây là “hiện tại” của Thiên Chúa. Từ việc nhớ lại “manna trong sa mạc” (hồi ức) và khao khát “được ăn mãi thứ bánh ấy” (trông mong) người ta đạt tới thực tại mang tính bản thể” (O.C., trang 137).
+ Sau cùng “Bánh Thiên Chúa ban, bánh từ trời xuống” không chỉ dành riêng cho một mình dân Israel thôi. “Bánh đem lại sự sống cho thế gian” ấy, hết mọi dân tộc trên trái đất đều có quyền được hưởng.
- “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”, dân chúng liền nói, giống như phụ nữ Samari đã nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi thứ nước ấy” (4,15).
- Với lời lẽ trang trọng Chúa nói với họ “chính tôi đây là bánh trường sinh”, bánh các ông ao ước ăn đó, là chính tôi đây. “Đức Giêsu làm ứng nghiệm nơi Người hình ảnh manna mang tính cánh chung vậy” (X.Léon-Dufour, Sđd, trang 136).
Bởi vậy, điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là “đến” với Người và “tin” vào Người. Vì tự coi mình là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (Kn 9,1: bài đọc I Chúa nhật 20), là Nguồn sống đáp ứng được sự đói, khát của con người, Đức Giêsu trân trọng mời gọi anh em Người tới dùng bữa: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

II. BÀI ĐỌC THÊM.
1.      “Từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ biểu thị”
     (R.Josse trong “Célébrer” tạp chí của CNPL, số 240, trang 41).
Câu hỏi tỏ vẻ quan tâm ghi ở đầu trình thuật này ("Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy") cho thấy đám đông có phần nào bị lạc hướng. Họ đã tìm kiếm Đức Giêsu, nhưng không phải để hiểu biết Người: dấu lạ đã chỉ khơi dậy nơi lòng họ ước muốn có bánh ăn, chứ không phải niềm khao khát được ánh sáng soi rọi giúp hiểu biết về con người Đức Giêsu. Họ chẳng hiểu được ám chỉ về quyền năng của Con Người. Theo kiểu đối thoại, Tin Mừng Gioan lần lượt trình bày cho biết sự ngộ nhận do họ không hiểu biết.
Họ ỷ mình đã từng được biết câu chuyện manna ghi trong sách thánh. Đức Giêsu vịn vào lý lẽ của họ và hướng người nghe chú tâm đến Thiên Chúa: Môsê xưa đã cho các ngươi ăn bánh bởi trời, nhưng không phải là bánh bởi trời đích thực, mà chỉ là bánh nếm thôi. Trong Xuất Hành, manna nói lên ân huệ cụ thể thật cần thiết, là lương thực được cung cấp sáng chiều: người ta hầu như nghĩ tưởng đến trình thuật về sáng tạo, lực sáng tạo của Chúa hoạt động một cách vô cùng rộng rãi. Nhưng ân huệ ấy vì là dấu chỉ thôi thúc lòng tin, nên phải nhắc nhở (con người thụ hưởng) nhớ đến Đấng ban phát ơn tuy mắt không thấy, nhưng Ngài vẫn hiện diện và hoạt động, vẫn lèo lái con đường giải thoát. Bánh Chúa ban, lúc này đây, là chính Đấng từ trời xuống, Đấng đem lại sự sống cho thế gian.
Cuộc đối thoại sẽ còn dẫn đến một ngộ nhận mới cũng giống như ngộ nhận của phụ nữ Samari nơi Ga 4,15: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó!”. Nay Chúa không lấy một cái gì đó mà cho người ta, Chúa cho chính mình Người. Từ quan tâm đến việc Chúa làm, người ta chuyển quan tâm đến Người là ai. nghĩa là phải từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ ấy biểu thị. Lòng tin vào Đức Kitô đòi phải có một chuyển biến sâu xa tự thâm căn con người vậy.
2.      “Lương thực đích thực”
 (Đức Cha L.Daloz, trong “Nous avons vu sa gloire”, Desclée de Brouwer, trang 81-82).

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Lời khẳng định mạnh mẽ này phơi bày điều thầm kín từ đáy lòng họ. Họ đã biết đôi chút về Đức Giêsu. Họ đã muốn tôn Người làm vua, sau khi được thấy dấu lạ hóa bánh. Điều Chúa yêu cầu họ lúc này có tính cách bó buộc. Họ phải tin vào Người, phải từ bỏ những tính toán riêng tư để đem lòng tin cậy Người. Đó cũng chính là vấn đề quyết liệt được đặt ra cho tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu, cho cả chính chúng ta nữa. Ta có nhận là không nhờ Người để rà xem những ý tưởng riêng tư của ta đúng hay sai, để thực hiện những chương trình của ta, mà trái lại ta biết nhờ Người giúp đi vào chương trình Người hoạch định, đi theo Người đến nơi Người muốn đưa ta đến? Những người đàm đạo với Chúa khi ấy lẫn tránh không muốn sự lựa chọn quyết liệt này. Họ muốn được kiểm chứng, họ cần phải có được một cuộc “giám định lại”, một dấu lạ khác... Họ không muốn dấn thân: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”. Tuy họ đã được thấy dấu lạ về bánh, nhưng họ chưa lấy làm đủ. Nhân danh Sách Thánh họ từ khước Người: tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc. Cần phải có cái gì hơn thế mới có thể lay chuyển được họ, những con người được liệt vào bậc thầy về Kinh Thánh. Đối với người không tin Đức Giêsu, luôn luôn có cách tìm thoái thác. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc đối thoại. Người đi cho tới cùng mặc khải Người đã bắt đầu. Người biện bác khởi đi từ chính vấn để họ đặt ra: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu. Ơn manna khi ấy chỉ là một ân huệ tạm thời, chỉ là một loan báo mà giờ đây mới có ý nghĩa đích thực. Chính việc hóa bánh ra nhiều cũng chỉ là một dấu chỉ. Chính Đức Giêsu mới là bánh đích thực, từ trời xuống để cho thế gian được sống: Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.