Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN - B Ds 11, 25-29; Gc 5, 1-6; Mc 9, 38-43. 45. 47-48


Chủ đề: TINH THẦN BAO DUNG
 Đừng ngăn cản người ta…
ai không chống lại chúng ta
là ủng hộ chúng ta

(Mc 9, 39-40)
I
. CÁC BÀI ĐỌC
1. BÀI ĐỌC 1: Ds 11, 25-29
Sách Dân Số là quyển thứ tư trong Bộ Ngũ Thư (Sáng Thế, Xuất Hành, Lê-vi, Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về mặt nội dung Sách Dân Số có thể được chia thành ba phần chính:
1/ Chương 1-10: Dân Israel chuẩn bị tiến về Đất Hứa
2/ Chương 11-25: Dân Israel đi trong sa mạc khoảng 40 năm
3/ Chương 26-36: Dân Israel lại chuẩn bị chiếm Đất Hứa làm gia sản
Bài đọc 1 hôm nay – Ds 11, 25-29 – thuộc về Phần II của Sách Dân Số, vốn bàn nhiều đến một sự thật đáng buồn trong dân Israel: trong hành trình tiến về Đất Hứa, dân Israel đã nhiều lần kêu trách Đức Chúa. Khi thấy những đám dân hùng mạnh trong đất Canaan, dân Israel đã khiếp sợ, họ không chịu tiến vào Đất Hứa như Đức Chúa đã truyền cho họ. Họ nổi lên chống đối Môsê và Aaron. Họ đòi lập một nhà lãnh đạo khác để dẫn họ trở lại Ai-cập. Hậu quả cho một loạt các hành vi phản loạn của dân là Đức Chúa bắt họ phải đi trong sa mạc đến 40 năm trước khi họ có thể vào Đất Hứa. Thế hệ những kẻ chống đối cũng phải bỏ xác trong sa mạc.
Đi vào chi tiết hơn của nội dung Sách Dân Số, chúng ta nhận thấy Phần II này bắt đầu bằng những lời than trách của dân Israel. Trước hết tại Taberah, dân ta thán về những khổ cực của họ (x. 11, 1-3). Kế đó, dân lại ta thán về tình trạng mà họ xem là đáng thất vọng khi đem so sánh với cuộc sống trước đó của họ bên Ai-cập: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sách, chỉ còn thấy manna thôi” (11, 4b-6). Rồi họ lại tụm năm tụm bảy tại kêu khóc tại cửa lều của mình (x. 11, 10). Đứng trước những cảnh than trách này, Môsê cảm thấy mỏi mệt, ông thấy mình không thể chu toàn nổi vai trò lãnh đạo đối với đám dân này. Môsê thưa với Đức Chúa: “Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con” (11, 14).
Đức Chúa đã trả lời bằng việc hứa ban ban Thần Khí cho 70 vị kỳ mục để họ cùng chia sẻ gánh nặng với Môsê. Đức Chúa đã lấy một phần Thần Khí đang ngự trên Môsê mà ban cho 70 vị kia. Khi Thần Khí ngự trên họ, họ bắt đầu tuyên sấm. Chúng ta đã biết trong Sách Xuất Hành, trước lời khuyên chí tình của nhạc phụ Jethro, Môsê đã đặt các vị thẩm phán để họ xử kiện cho dân. Khi gặp phải những việc khó thì họ mới trình lên Môsê để chính ông đứng ra xét xử (x. Xh 18, 13-26). Theo một số nhà chú giải, 70 vị kỳ mục ở đây có lẽ là những người trước đó đã cùng lên núi Sinai với Môsê (x. Xh 24, 9-11). Vì lòng xót thương dành cho Môsê, Đức Chúa đã ban cho Môsê 70 vị này để Môsê không còn cảm thấy gánh nặng trách nhiệm quá mức khi ông phải một mình lãnh đạo toàn dân. 70 vị này, với Môsê đứng đầu, tạo nên một kiểu hội đồng “hành pháp” đối với dân Israel trong thời gian 40 năm họ đi trong sa mạc.
Tương tự như những trường hợp sau này được Kinh Thánh ghi lại (x. 1Sm 10, 6-13; Ge 2, 28; Cv 2, 4; 1Cr 12, 10), dấu chỉ chứng thực Thần Khí ngự xuống trên 70 vị kỳ mục này là họ bắt đầu phát ngôn (cũng có thể hiểu là tuyên sấm, hay nói tiên tri). Tuy nhiên, câu chuyện muốn nhấn mạnh đến một điểm quan trọng khác, là mặc dù Thần Khí thường được thông ban qua một định chế tôn giáo, nhưng việc Đức Chúa ban Thần Khí của Ngài lại không bị giới hạn vào một định chế hay thể thức cụ thể nào. Quả vậy, có hai vị tên là Êl-đát và Mê-đát cũng được Thần Khí ngự xuống trên họ, họ cũng phát ngôn, dù họ không theo một thể thức đã được ấn định trước đó: “tập hợp quanh Lều Hội Ngộ” (x. 11, 16.24).
Sự kiện hai vị này “phát ngôn” hiển nhiên gây thắc mắc, thậm chí gây khó chịu cho nhiều người. Như thể đại diện cho những người không ưa chuyện này, Giôsuê đề nghị Môsê cấm chỉ việc tuyên sấm của hai kỳ mục này. Môsê, trái lại, không giữ một thái độ hay lối nhìn hạn hẹp. Ông nhìn nhận thẩm quyền tối cao của Đức Chúa trong việc này: Ngài có quyền ban Thần Khí cho ai Ngài xét thấy là xứng hợp để mưu ích cho toàn dân; Đức Chúa không phải lệ thuộc hay phải tùng phục bất cứ một định chế nào. Môsê cũng không xem việc tuyên sấm, hay nói tiên tri, là một đặc quyền của một nhóm người nào. Trái lại, Môsê ao ước mọi người Israel đều được Đức Chúa ban cho Thần Khí của Ngài và đều được ơn nói tiên tri, nghĩa là họ được ơn đón nhận và làm lan tỏa Lời Chúa cho mọi người, cho muôn dân.
2. BÀI ĐỌC 2: Gc 5, 1-6
Theo nhiều nhà chú giải, thư của thánh Giacôbê được viết cho những tín hữu đang phải đối diện với nhiều thử thách nghiêm trọng khi họ tìm cách sống đức tin của mình: bị đe dọa, bị bách hại, chịu tử vì đạo. Lá thư này cũng rất tương thích với những hoàn cảnh xã hội của người tín hữu hôm nay, khi có hiện trạng phân cách giàu nghèo càng lúc càng tăng trong xã hội, khi người nghèo thường không được tôn trọng, khi đức tin thiếu chiều kích thực hành, khi những mối bất hòa vẫn thường xuyên xuất hiện trong các cộng đoàn tín hữu, khi lời ăn tiếng nói thiếu sự kiểm soát gây ra nhiều mối nguy hại. Nếu chúng ta đang gặp phải những vấn đề này, thì chúng ta sẽ tìm thấy nơi thư của thánh Giacôbê những lời khuyên mục vụ thiết thực, hữu ích.
Trong thư của thánh Giacôbê, chúng ta cũng bắt gặp nhiều câu nói, nhiều sứ điệp, hay những hình ảnh quen thuộc mà chính Chúa Giêsu đã sử dụng khi Ngài giảng dạy dân chúng. Bài đọc thứ 2 hôm nay phần nào minh họa điều này. Trong đoạn thánh thư này, thánh Giacôbê với vai trò như một vị ngôn sứ đã mạnh mẽ lên án những kẻ giàu thiếu lòng quảng đại, bất chính và gian tà. Ngài chỉ cho họ thấy:
1/ Của cải vật chất đời này chỉ có tính tạm thời, chóng qua. Việc tích trữ chúng chẳng giúp ích gì cho các chủ nhân của chúng. Thậm chí, chúng là bằng chứng tố cáo các chủ nhân, vì họ chỉ biết ky cóp làm giàu cho bản thân, nhằm hưởng thụ một cuộc sống xa hoa, buông theo khoái lạc, nhưng lại thiếu lòng quảng đại, thiếu lòng xót thương, vô cảm trước nỗi khổ của tha nhân, không biết dùng của cải để chia sẻ với tha nhân, nhất là với những người nghèo khổ. Kẻ tích trữ cho mình của cải như vậy chính là đang tích trữ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Chúng ta như đang nghe lại, qua ngôn từ của thánh Giacôbê, những lời do chính Chúa Giêsu đã từng nói: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng thế đó [giống như người phú hộ ngu ngốc]” (Lc 12, 21). Hay Chúa Giêsu cũng từng nói về cách thức “làm giàu” trước mặt Thiên Chúa: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá” (Lc 12, 33). Hay chúng ta cũng đang nghe vang vọng bên tai dụ ngôn người phú hộ và anh Lazaro nghèo khổ (x. Lc 16, 19-31).
2/ Tồi tệ hơn, có những kẻ làm giàu do sống bất công, do gian lận tiền công của những kẻ làm công ăn lương. Luật Môsê đã từng qui định: “Ngươi không được bóc lột người đồng loại, không được cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi không được giữ lại cho đến sáng” (Lv 19, 13; x. Đnl 24, 14-15). Nhưng trong một xã hội mà tiếng kêu thống thiết của người nghèo thường bị làm ngơ bởi thái độ vô cảm, phớt lờ bởi những kẻ có quyền, thì tiếng kêu ấy chỉ còn có thể trông chờ vào tiếng trả lời của Thiên Chúa mà thôi. Tương tự như trường hợp của Abel, khi tiếng máu của Abel đã kêu thấu tai Đức Chúa (x. St 4, 10); như trường hợp của dân Israel, khi nỗi thống khổ vì cảnh bị áp bức của dân Israel tại Ai-cập cũng đã thấu đến Đức Chúa (x. Xh 3, 23-25), cụm từ “tiếng kêu … đã thấu đến tai Đức Chúa” (Gc 5, 4) cho chúng ta thấy tình trạng bất công, bóc lột, hay gian ác đã ở mức trầm trọng, và đích thân Thiên Chúa sẽ hành động để chống lại tình trạng tồi tệ này.
3/ Tồi tệ nhất, có những kẻ giàu có đã dùng sức mạnh của tiền bạc và quyền lực trong tay để kết án và sát hại người khác, nhất là những người vô tội (hay công chính), ngay cả khi họ không có khả năng tự vệ.
Bài đọc 2 như thể đang chất vấn lương tâm chúng ta: nếu chúng ta đang sở hữu nhiều của cải, thì chúng ta nên tự hỏi:
- Của cải này từ đâu mà có, có phải phát xuất từ lối sống bất công của chúng ta không?
- Chúng ta đang sử dụng chúng như thế nào để mưu ích thực sự cho chính mình và cho tha nhân?
- Chúng ta có đang sử dụng chúng để chiếm thế thượng phong cho mình, để lấn át kẻ khác, để mưu lợi bất chính cho mình?
3. BÀI TIN MỪNG: Mc 9, 38-43. 45. 47-48
Sách Tin Mừng Marcô chính yếu bàn đến ba nội dung chính: Đức Giêsu Kitô là ai? Thế nào là người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã đi qua con đường nào?
Tin Mừng Marcô đã từng bước làm sáng tỏ chân lý này: Đức Giêsu Kitô, Đấng là Con Thiên Chúa, đã đi qua con đường thập giá để đem ơn cứu độ đến cho nhân loại; người môn đệ đích thực của Ngài cũng phải đi qua con đường hẹp này.
Cuộc đời và sứ mạng của người môn đệ là họa lại cách trung thực nhất dung mạo, cuộc sống, và sứ mạng của Thầy Giêsu trong từng hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy người môn đệ cần học nơi Thầy Giêsu một tinh thần “rộng lượng”, không cục bộ, không bè phái, không ganh đua – ganh tị trước những việc tốt đẹp người khác làm “nhân danh thầy Giêsu”.
Thật vậy, Gioan trong bài Tin Mừng này, đã hành xử như cậu bé trong bài đọc 1, ông đến “mách lẻo” với Chúa Giêsu về chuyện có “kẻ lấy danh Thầy mà trừ quỉ” (x. 9,38a). Ông và các môn đệ khác cũng hành xử theo cùng một cách nghĩ “chật hẹp” như Giôsuê trước kia, nghĩa là “chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta” (9, 38b). Trái lại, cùng một tinh thần như Môsê, Chúa Giêsu lại có cái nhìn khoáng đạt và rộng lượng: “Đừng ngăn cản người ta… ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (9, 39-40).
Người môn đệ đích thực cũng cần phải biết chọn lựa điều tốt nhất đối với mình. Họ cũng cần phải sẵn sàng đánh đổi những gì rất thiết thân với mình để không đánh mất đời sống tương quan mật thiết với Thiên Chúa, để không đánh mất “sự sống vĩnh cửu” của chính mình, vì “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống mình, thì nào có lợi gì?” (Mt 16, 26).
Thật vậy, tay, chân, mắt là những cơ phận thiết yếu của thân thể con người. Những anh chị em khiếm thị hay khuyết tật mà chúng ta gặp gỡ trong đời hẳn đã cho chúng ta cảm nghiệm được phần nào tầm quan trọng lớn lao của những cơ phận này. Chúng không chỉ có những chức năng không thể thay thế được. Chúng còn “tô điểm” tấm hình hài của chính chúng ta. Kinh Thánh còn khai triển rộng hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của những cơ phận này. Chẳng hạn, đôi tay được Jacob dùng để chúc lành cho Ephraim và Manasseh (x. St 48, 14); Môsê đặt tay phong Giôsuê làm người kế nhiệm (x. Ds 27, 18); đôi tay được nâng lên để cầu xin Thiên Chúa (x. Xh 17, 11) hay được giơ lên để chúc phúc cho người khác (x. Lv 9, 22).
Khi Chúa Giêsu bảo chúng ta “chặt nó”, “móc nó” đi, khi chúng gây cớ cho chúng ta vấp ngã hay phạm tội, Ngài không bảo chúng ta phải làm theo nghĩa đen của hạn từ, nhưng Ngài hàm ý chúng ta phải dám chấp nhận từ bỏ cả những gì rất thiết thân với chúng ta để chúng ta có được chính sự sống đích thực của mình. Bỏ chúng đi là dám chấp nhận cắt bỏ một cách đau đớn, cắt bỏ chính một phần con người của chúng ta, là dám chấp nhận thập giá trên con đường theo Chúa. Chỉ như vậy, chúng ta mới có khả năng đón nhận được sự sống vĩnh cửu Thiên Chúa đã ưu ái dành cho chúng ta.  
II. CÂU HỎI PHẢN TỈNH
1. Ngày nay, có nhiều anh chị em không cùng tôn giáo với chúng ta, nhưng họ cũng đang dấn thân phục vụ xã hội, phục vụ con người một cách thành tâm, thiện chí. Bài đọc 1 và bài Tin Mừng hôm nay dạy tôi cần phải có thái độ như thế nào đối với họ? 
2. Việc suy niệm với bài đọc 2 có thể đòi chúng ta phải tự tra vấn lương tâm mình. Ba câu hỏi được gợi ý ở phần cuối bài đọc này mời gọi tôi phải có thái độ thế nào với “của cải” hay “tài sản” mình đang có?
3. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết “cắt bỏ” những gì rất thiết thân nhưng có thể đang gây nguy hiểm cho cùng đích đời sống chúng ta. Đối với bản thân tôi, tôi cần “cắt bỏ” điều gì để có thể sống được mối tương quan thiết thân với Thiên Chúa, với chính mình, và với tha nhân?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót muốn cho tất cả mọi người được lãnh nhận dồi dào ân huệ của Chúa Thánh Thần và được cứu độ. Với niềm xác tín và tâm tình tri ân, chúng ta thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết cầu nguyện.
1. Hội Thánh có sứ mạng loan báo và đem ơn cứu rỗi đến cho mọi người. Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn và mọi thành phần Dân Chúa, được ơn Chúa Thánh Thần soi dẫn, luôn ý thức và nhiệt tâm chu toàn sứ vụ ngôn sứ đã lãnh nhận.
2. Ghen tương tranh chấp là nguồn gốc những xáo trộn và xung đột xã hội. Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho các dân tộc trên thế giới biết tôn trọng lẫn nhau, và nỗ lực hợp tác nhằm góp phần xây dựng một thế giới hoà bình, văn minh và thịnh vượng.
3. Ai nhân danh Chúa Kitô mà phục vụ những kẻ bé mọn thì sẽ được Thiên Chúa ân thưởng. Trong ngày Trung Thu hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho các em thiếu nhi luôn nhận được sự quan tâm chăm sóc và giáo dục từ gia đình, xã hội và cộng đoàn.
4. “Ai không chống đối các con, là ủng hộ các con.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết vượt qua những khác biệt ngăn cách, sống hòa thuận yêu thương và trách nhiệm, để cộng đoàn ngày càng trở nên dấu chỉ của sự hiệp nhất.
Chủ tếLạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa luôn yêu thương và sẵn sàng xuống ơn cho những ai tin tưởng cậy trông Chúa. Xin nhậm lời chúng con cầu nguyện và khứng ban muôn ơn lành giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa trong mọi người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 25 Thường Niên - B


26/9. Thứ Bảy. Dcr 2,1-5.10-11a; Lc 9,43b-45
Bài Ðọc I - Dcr 2,1-5.10-11a
Tôi đã ngước mắt lên và đã nhìn thấy: Kìa, có người cầm dây đo trong tay. Tôi đã hỏi rằng: "Ông đi đâu?" Người ấy đáp: "Tôi đi đo Giêrusalem, coi nó rộng bao nhiêu và dài bao nhiêu". Và đây vị thiên thần đang nói chuyện với tôi ra đi, một thiên thần khác đến đón người và nói: "Hãy chạy lại nói với đứa trẻ ấy rằng: Giêrusalem là nơi trú ngụ không có tường thành, vì trong đó có đông dân cư và súc vật. Chúa phán: "Phần Ta, Ta sẽ nên tường thành lửa đỏ chung quanh nó, và Ta sẽ tỏ vinh quang Ta giữa nó". Chúa lại phán: "Hỡi thiếu nữ Sion, hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta, và Ta sẽ ngự giữa ngươi".
Tin mừng - Lc 9,43b-45
Ðang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các môn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy.
Suy niệm
Kiểu nói: “Hãy lắng tai nghe cho kỹ những lời sau đây” của Chúa Giêsu khiến chúng ta nhớ đến những lời trong sách Dân Số: “Hãy đặt vào tai anh em những lời này…”. Điều đó cho chúng ta thấy đây là một điều hết sức quan trọng. Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ về điều quan trọng nào?
Thưa đó là sự thật về Đấng Mêsia mà Phêrô vừa đại diện cho anh em mình tuyên xưng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”
Đó là sự thật về Đấng Mêsia mà các ông phải luôn luôn ghi nhớ. Một Đấng Mêsia bị bắt bớ, chịu đau khổ, và chịu chết… Tất cả những điều đó cho chúng ta một quan niệm về tình yêu mới. Tình yêu là phải hy sinh trọn vẹn cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã cho các môn đệ của mình thấy chỉ một mình Đấng Mêsia, Con Thiên Chúa mới có tình yêu đó. Dĩ nhiên vì người đời không ai chấp nhận tình yêu theo kiểu đó.
Lạy Chúa, con không tin Chúa vì Chúa làm cho cuộc đời của con màu hồng, nhưng con tin Chúa vì Chúa gột rửa cuộc đời con từ đen tối trở nên sạch trong. Con không tin Chúa vì Chúa luôn cho con được bình an, nhưng con tin Chúa vì giữa những xáo động của cuộc đời, luôn có Chúa bên con. Con không tin Chúa vì Chúa cho con những thuận lợi, nhưng con tin Chúa vì giữa những khó khăng thử thách, Chúa ban thêm sức mạnh cho con…
Xin tin yêu và cảm tạ Chúa trong cuộc đời này.

Triết lý sống...cho mình


Mỗi một câu chuyện đều có những ý nghĩa và bài học giá trị riêng của nó. Tôi chắc rằng trong những câu chuyện dưới đây bạn đã từng đọc ở đâu đó nhưng bạn chưa thực sự hiểu được hết ý nghĩa sâu sắc mà câu chuyện mới đề cập tới. Vậy nên hãy đọc và cũng suy ngẫm những bài học giá trị dưới đây.
1. AI MỚI LÀ KẺ NGU
Một ông thầy giáo mới dạy nhận ra rằng trong lớp có một cậu bé luôn luôn bị chửi là ngu. Trong giờ ra chơi ông hỏi nhóm bạn lý do.
- Thì nó là thằng ngu thật mà thầy. Nếu mà đưa cho nó đồng xu to 5 rúp và đồng xu nhỏ 10 rúp, thì nó sẽ chọn đồng 5 rúp, vì nó nghĩ đồng 5 rúp có kích thước to hơn thì là tốt hơn. Đây, thầy nhìn nhé.
Một bạn trong nhóm giơ 2 đồng xu và cho cậu kia chọn. Và cậu vẫn chọn đồng 5 rúp như trước. Thầy giáo ngạc nhiên hỏi:
- Sao em lại chọn 5 rúp mà không chọn 10 rúp?
- Thầy nhìn này, đồng 5 rúp to hơn mà.
Tan trường, thầy đến chỗ cậu bé hỏi lại:
- Chẳng nhẽ em không thể hiểu được đồng 5 rúp chỉ to hơn về mặt kích thước, nhưng đồng 10 rúp thì em có thể mua được nhiều thứ hơn?
- Nếu em lấy 10 rúp thì lần sau bọn nó sẽ không còn thử em nữa...
Cậu bé trả lời.
Kết luận: "NGU MÀ TỎ RA NGUY HIỂM THÌ KHÔNG CÓ GÌ PHẢI SỢ,... ĐÁNG SỢ LÀ NGUY HIỂM MÀ TỎ RA NGU." Kẻ đối diện bạn không ngu đâu...

2. NGƯỜI TIỀU PHU VÀ HỌC GIẢ
Tiều phu cùng học giả đi chung một chiếc thuyền ở giữa sông. Học giả tự nhận mình hiểu biết sâu rộng nên đề nghị chơi trò đoán chữ cho đỡ nhàm chán, đồng thời giao kèo, nếu mình thua sẽ mất cho tiều phu mười đồng. Ngược lại, tiều phu thua sẽ chỉ mất năm đồng thôi. Học giả coi như mình nhường tiều phu để thể hiện trí tuệ hơn người.
Đầu tiên, tiều phu ra câu đố: "Vật gì ở dưới sông nặng một ngàn cân, nhưng khi lên bờ chỉ còn có mười cân?". Học giả vắt óc suy nghĩ vẫn tìm không ra câu trả lời, đành đưa cho tiều phu mười đồng. Sau đó, ông hỏi tiều phu câu trả lời là gì.
"Tôi cũng không biết!", tiều phu đưa lại cho học giả năm đồng và nói thêm: "Thật ngại quá, tôi kiếm được năm đồng rồi." Học giả vô cùng sửng sốt.
Nhiều người cứ hay ra vẻ mình thông minh hơn những người ít học hay có học vị thấp hơn họ. Tuy nhiên, họ không biết một điều rằng "thông minh sẽ hại thông minh", người quá thông minh và tinh tướng nhiều khi sẽ tự hại lấy mình vì quá tự cao.
Lẽ vậy ở đời, đừng sợ kẻ thông minh, hãy sợ kẻ ngốc mà tưởng mình thông minh. Và hãy làm một người khiêm tốn đáng được tôn trọng.

3. MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY
Sự cảm thông bí quyết gìn giữ hạnh phúc Gia Đình...
“Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét.
Một tối nọ, mẹ tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất thường của chúng và lên tiếng hay không.

Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì. Và tôi không bao giờ quên được những gì cha tôi nói với mẹ tôi:
“Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác tay qua vai tôi và nói:
“Mẹ con đã làm việc rất vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”
Rồi ông nói tiếp: “Con biết đó, cuộc đời đầy rẫy những thứ không hoàn hảo và những con người không toàn vẹn.
Cha cũng khá tệ trong rất nhiều việc, chẳng hạn như cha chẳng thể nhớ được sinh nhật hay ngày kỷ niệm như một số người khác.
Điều mà cha học được qua nhiều năm tháng, đó là học cách chấp nhận sai sót của người khác và chọn cách ủng hộ những khác biệt của họ. Đó là chìa khoá quan trọng nhất để tạo nên một mối quan hệ lành mạnh, trưởng thành và bền vững con ạ. Cuộc đời rất ngắn ngủ để thức dậy với những hối tiếc và khó chịu. Hãy yêu quý những người cư xử tốt với con, và hãy cảm thông với những người chưa làm được điều đó.”
Một hôm, anh A lái xe trên một con đường nhỏ, khi anh ta đang nhìn ngắm phong cảnh tươi đẹp, thì tài xế của chiếc xe chở hàng đi ngược chiều bỗng hạ cửa kính xuống lớn tiếng nói: “Lợn!”.
Anh A càng nghĩ càng điên tiết, quyết định hạ cửa kính xuống quay đầu mắng chửi: “Mày mới là lợn ấy!”.
Vừa mắng chửi xong, anh A bèn đụng phải một đàn lợn đi ngang qua đường.
Đừng vội hiểu lầm ý tốt của người khác, điều này không chỉ thiếu tôn trọng đối phương, mà còn khiến bạn chịu thiệt thòi hơn. Trước khi tìm hiểu rõ ràng nguyên nhân, hãy học cách kìm nén cảm xúc, nhẫn nại quan sát, tránh xảy ra những chuyện đáng tiếc.

4. HỌC CÁCH HIỂU VÀ THÔNG CẢM VỚI NGƯỜI KHÁC
Chị vợ đang nấu nướng trong nhà bếp, anh chồng cứ đứng bên lải nhải không ngừng:
- Chậm thôi! Cẩn thận! Lửa lớn quá! Mau lên! Lật cá đi! Ôi cho nhiều dầu quá!
Chị vợ nói:
- Em biết phải nấu nướng thế nào mà!
Anh chồng:
- Em đương nhiên là biết, bà xã.
Anh bình tĩnh nói tiếp:
- Anh chỉ là muốn em biết, khi anh lái xe, em ở bên lải nhải không ngừng, cảm giác của anh thế nào thôi!
Học cách thông cảm cho người khác không khó, chỉ cần bạn nghiêm túc đứng ở góc độ và lập trường của đối phương để nhìn nhận vấn đề.

5. NẾU BẠN THAY ĐỔI, THẾ GIỚI SẼ THAY ĐỔI
Ngày xưa, có ông vua cai trị ở một đất nước phồn vinh nọ. Một ngày kia, vị vua đi ngao du sơn thủy. Khi quay trở lại hoàng cung, vị vua phàn nàn chân mình rất đau, bởi vì đây là lần đầu tiên vua phải trải qua một cuộc hành trình dài như thế và chặng đường ông đi lại rất gồ ghề, đá lởm chởm.
Sau đó, vị vua hạ lệnh – cho bọc tất cả con đường trong đất nước lại bằng da. Điều này sẽ dẫn đến việc phải cần hàng ngàn bộ da bò và một số lượng khổng lồ tiền bạc.
Bỗng có một hôm, người vợ của tên hầu nhà vua đã dũng cảm hỏi nhà vua: “Tại sao ngài lại tốn một số lượng tiền không cần thiết như thế? Tại sao ngài không dùng một miếng da nhỏ để bọc lại chân của ngài?”.
Nhà vua ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng đồng ý làm một đôi
giày.
Để có một cuộc sống, một nơi chốn hạnh phúc để sống, tốt hơn là bạn nên thay đổi chính mình, trái tim bạn – chứ không phải thế giới.
“Nếu bạn thay đổi, cả thế giới sẽ thay đổi”

6. BÀI HỌC THÀNH BẠI TỪ HƯƠU CAO CỔ
Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng.
Mỗi lần một chú hươu con ra đời đều là một bài học. Khi sinh con, hươu mẹ không nằm mà lại đứng, như vậy hươu con chào đời bằng một cú rơi hơn 3m xuống đất và nằm ngay dưới đó. Sau vài phút, hươu mẹ làm một việc hết sức kỳ lạ, đó là đá vào người con mình cho đến khi nào nó chịu đứng dậy mới thôi.
Khi hươu con mỏi chân và nằm, hươu mẹ lại thúc chú đứng lên. Cho đến khi thực sự đúng được, hươu mẹ lại đẩy chú ngã xuống để hươu con phải nỗ lực tự mình đứng dậy trên đôi chân còn non nớt.
Điều này nghe có vẻ lạ với chúng ta, nhưng lại thực sự cần thiết cho hươu con bởi chúng phải tự đúng được để có thể tồn tại với bầy đàn, nếu không sẽ bị trơ trọi với cuộc đời và trở thành miếng mồi ngon cho thú dữ.
Con người chúng ta cũng vậy, thật dễ nản chí khi mọi việc đều trở nên tồi tệ. Nhưng cho dù đang phải đối mặt với nhiều gian khổ thì ta vẫn phải giữ vững niềm tin. Hãy ghi nhớ rằng mỗi khi ta phải đối mặt với nghịch cảnh, trong ta luôn có một sức mạnh tiềm ẩn.
Đừng bao giờ để thất bại quật ngã mà hãy để nó trở thành "thầy" của chúng ta. Đây chính là bí quyết để thành công. Người ta không thua khi bị đánh bại mà chỉ thua khi đầu hàng."Tôi không bao giờ nản chí vì đối với tôi mỗi một nỗ lực không thành công là một bước tiến bộ"


Sưu tầm

Thứ Bảy Tuần XXV Thường Niên Năm B Lc 9, 43 – 45



Trang TM chúng ta vừa nghe, qua ngòi bút của Thánh Luca, Chúa Giêsu đưa ra lời loan báo thứ hai về cuộc khổ nạn của Ngài. Ngài đã nhắc đến việc ngài sắp bị nộp vào tay người đời, và qua đó Ngài mạc khải một Đấng thiên sai như tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa, Đấng thiên sai ấy được nhắc đến trong sách ngôn sứ Isaia. Đồng thời Thánh Luca còn ghi lại khá chi tiết phản ứng của các môn đệ là lúc đó các ông không hiểu ý Chúa muốn nói gì. Tuy nhiên, các ngài có một trực giác như có điều gì khủng khiếp sắp xảy ra cho Chúa và cả cho các ông nữa. Bởi vì trước đó, trong lần thổ lộ trước về cuộc khổ nạn tại Jerusalem, Chúa Giêsu có nhắc đến điều kiện cần phải vác lấy Thập giá để theo Chúa, các ông không hiểu nên các ông lo sợ, lo sợ và e ngại nên cũng không còn dám hỏi Chúa thêm gì nữa."Hãy theo Thầy" (Mt 4, 19), đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu khi gặp các nhà ngư phủ bước theo để trở thành Tông đồ. Ngay lập tức, các ông đã từ bỏ mọi sự để cất bước đi theo Chúa, các ông cùng đồng hành với Ngài trên khắp nẻo đường xứ Palestin, và các vùng lân cận. Các ông đã chứng kiến biết bao nhiêu phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm, cùng với muôn vàn lời tung hô chúc tụng Chúa từ phía dân chúng. Niềm hy vọng cho tương lai của các ông đang dâng cao, đầy hy vọng tràn trề, thì bỗng dưng Chúa làm cho các ông cụt hứng, khi Ngài tiên báo cho các ông biết: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời" (Lc 9, 44). Vừa cụt hứng kèm theo chút ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi vì khi chứng kiến những phép lạ Chúa thực hiện, cùng những lời Ngài giảng dạy đầy uy quyền, không một ai trong các ông lại nghĩ rằng Thầy của mình lại phải đau khổ vì người đời, và phải chết do tay người đời hành xử, nhưng ngược lại trong tâm trí của mình, các ông đang nuôi một ảo mộng rất lớn là mình cũng sẽ được ngồi bên hữu và bên tả của Chúa, để cùng Chúa lãnh đạo muôn dân nước. Một vinh quang oai phong hiển hách đang đợi các ông phía trước.Hơn bao giờ hết, trong khi các môn đệ đang bỡ ngỡ và hâm mộ quyền uy của Chúa như thế, thì chính là lúc Ngài huấn luyện các ông đi theo vào con đường của Ngài đi, là con đường thập giá, một con đường phủ đầy những chông gai, một con đường vinh quang trong nước mắt, trong đau thương.Khi loan báo cuộc khổ nạn sắp xảy đến cho ngài như thế, Chúa Giêsu muốn mời gọi các môn sinh là hãy đối đầu với khổ đau. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối diện với nó.Trong cuộc sống ngày hôm nay, đôi lúc chúng ta cũng có thể hành xử như các môn đệ xưa, chúng ta không hiểu được mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong đời sống, không hiểu được mầu nhiệm Thập giá trong cuộc đời của Chúa cũng như trong cuộc đời chúng ta, nhưng lại ngại ngùng không dám tiến tới, không dám tiếp tục con đường theo Chúa.Lạy Chúa, xin thương tha thứ vì những lần con nghi ngờ về Chúa, vì những lẩn con tỏ ra nguội lạnh làm biếng không muốn tìm biết về mầu nhiệm của Chúa, không muốn đến với Chúa để được Chúa mạc khải. Xin thương ban cho chúng con một con tim mới, xin mạc khải cho con được hiểu thêm về Chúa và về con đường Thập giá phải đi qua. Xin cho chúng con bước đi với Chúa, cùng vác Thập giá với Chúa trên những nẻo đường chúng con đang đi.Lạy Mẹ Maria Sầu bi, xưa Mẹ đã đứng dưới chân Thánh giá để đón nhận những đau thương của con Mẹ. Xin Mẹ bầu cử cùng Chúa cho chúng con, để chúng con cũng biết noi gương Mẹ mà đón nhận những đau khổ và trái ý mà Chúa gửi đến, và hân hoan vác thập giá đời mình cùng Chúa Giêsu tiến về đồi Canvê, để rồi cùng với Ngài đóng đinh chính thân xác mình vào thập, và cùng với Ngài phục sinh trong vinh quang. Amen.

26/09/2015 Thứ Bảy Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 9, 44b-45 (Hl 43b-45)
"Con Người sẽ phải bị nộp. Các ông không đám hỏi Người về lời ấy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Đang lúc mọi người thán phục về tất cả các việc Chúa Giêsu làm, thì Người phán cùng các mộn đệ rằng: "Phần các con, các con hãy ghi vào lòng những lời này là: Con Người sẽ phải bị nộp vào tay người đời". Nhưng các ông không hiểu lời đó, vì nó còn bị che khuất, nên các ông không lĩnh hội được ý nghĩa, và các ông không dám hỏi Người về lời ấy. Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:Trong Tin Mừng hôm nay, khi loan báo cuộc khổ nạn của Ngài, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài hãy đối đầu với khổ đau, nếu khổ đau là thành phần thiết yếu của cuộc sống. Vấn đề không phải là chối bỏ hiện thực của khổ đau hay tìm cách tránh né khổ đau, mà là đối đầu với nó. Chúa Giêsu đã vạch ra cho chúng ta cách thế đối đầu với khổ đau, đó là chấp nhận khổ đau với tình yêu. Ðau khổ mà không có tình yêu thì chỉ là hỏa ngục mà thôi.
Xem chừng tất cả các vấn đề của con người đều được gắn liền với khổ đau. Vì không muốn chấp nhận khổ đau mà con người gây ra bao nhiêu tội ác, vì không muốn hy sinh mà một người mẹ đang tâm giết đứa con trong lòng mình, vì không muốn thấy người thân đau khổ mà người ta giết họ một cách êm dịu, vì không muốn đối đầu với thực tại khổ đau mà người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và mọi thứ kích thích khác: hỏa ngục là như thế đó.
Chúa Giêsu đã đón nhận khổ đau, Ngài đã biến khổ đau thành hiến lễ tình yêu, do đó khổ đau đã trở thành nguồn ơn cứu thoát cho nhân loại. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy vác lấy thập giá mình mà đi theo Ngài. Mỗi ngày có nỗi khổ riêng của ngày đó, hạnh phúc hay không, bình an hay không, là tùy con người có biết đón nhận khổ đau với tình yêu hay không.
Giữa muôn nghìn khổ đau và thử thách của cuộc sống, xin Chúa cho chúng ta đón nhận tất cả với lòng tin yêu, phó thác và cảm tạ tình yêu Chúa.AMEN.