Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIV Thường Niên





10/7. Thứ Sáu. St 46,1-7.28-30; Mt 10,16-23
Bài Ðọc I - St 46,1-7.28-30
Trong những ngày ấy, ông Israel ra đi, đem theo tất cả những gì ông có và đến Giếng Thề; tại đây ông dâng hy tế lên Thiên Chúa của Isaac, cha của ông. Ban đêm trong một thị kiến, ông nghe Chúa gọi ông và nói với ông rằng: "Hỡi Giacóp, Giacóp!" Ông liền thưa: "Này con đây". Thiên Chúa nói tiếp: "Ta là Thiên Chúa rất hùng mạnh của cha ngươi, nên ngươi đừng sợ, hãy xuống xứ Ai-cập, vì ở đó Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân tộc vĩ đại. Ta sẽ xuống đó với ngươi. Cũng chính Ta sẽ đưa ngươi trở về, (sau khi) tay Giuse đã vuốt mắt cho ngươi".
Bấy giờ Giacóp bỏ Giếng Thề mà đi: các con cái đưa ông và vợ con lên các xe Pharaon đã phái đến rước cha già và tất cả những gì ông có ở Canaan; ông sang Ai-cập với tất cả dòng dõi ông, gồm con trai, con gái và cháu chắt.
Bấy giờ Giacóp sai Giuđa đi trước báo tin cho Giuse biết mà đón rước cha tại Ghêsen. Khi ông đến đó, thì Giuse thắng xe đi đón cha tại Ghêsen. Vừa thấy cha, ông ôm cổ cha mà khóc. Giacóp nói với Giuse rằng: "Cha chết cũng vui lòng, vì cha đã trông thấy mặt con và biết con còn sống".
Tin Mừng - Mt 10,16-23
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Này, Thầy sai các con đi như những con chiên ở giữa sói rừng. Vậy các con hãy ở khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Các con hãy coi chừng người đời, vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết. Nhưng khi người ta bắt nộp các con, thì các con đừng lo nghĩ phải nói thế nào và nói gì? Vì trong giờ ấy sẽ cho các con biết phải nói gì; vì chưng, không phải chính các con nói, nhưng là Thánh Thần của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ đem nộp giết em, cha sẽ nộp con, con cái sẽ chống lại với cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ. Khi người ta bắt bớ các con trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật các con: Các con sẽ không đi khắp hết các thành Israel trước khi Con Người đến".
Suy niệm:
Ông Giacóp trong bài trích sách Sáng thế hôm nay là một hình ảnh rất đẹp của một người kính mến Chúa và một người cha thương con.
Thật vậy, tôi nhận thấy rằng dù đi đến đâu, hay làm việc gì thì hầu như ông Giacóp cũng nhớ đến Chúa qua việc ông bày tỏ tâm tình tạ ơn và khấn xin Chúa ban ơn, che chở và giữ gìn. Hôm nay cũng vậy, trước khi đi gặp Giuse, ông Giacóp đã cầu nguyện với Chúa.
Cũng vậy, cuộc đời của ông Giacóp luôn diễn tả tấm lòng của người cha hết lòng vì con. Ông yêu thương các con của ông. Ông quan tâm đến các con. Ông làm tất cả vì thương con. Ông đau khổ khi mất con và ông vui mừng khi gặp con.
Trong cuộc sống, nhiều khi tôi mải mê với công việc, mải mê với những vui thú hay với những lo toan..mà tôi đã quên Chúa. Tôi không biết tạ ơn Chúa, không dành thời giờ đến với Chúa trong cầu nguyện, trong thánh lễ..
Cũng vậy, vì mải mê trong cuộc sống mà nhiều khi tôi không chu toàn bổn phận đối với những người tôi có trách nhiệm. Tôi không dành thời gian để quan tâm hay chăm sóc họ đúng với trách nhiệm của mình.
Ông Giacóp trong Lời Chúa hôm nay là một mẫu gương cho tôi trong việc thờ phượng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân.
Lạy Chúa, trong mọi nơi mọi lúc và mọi sự, xin cho con biết đến với Chúa để dâng lời tạ ơn và cầu nguyện với Chúa để con sống theo ý Chúa. Xin cho con cũng biết dành thời giờ cho tha nhân qua việc quan tâm và sống bác ái yêu thương như Chúa dạy. Amen.




THỨ SÁU 10.07 - Tuần XIV Thường Niên

St 46:1-7.28-30; Mt 10:16-23
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel , thì Con Người đã đến.”
ĐỪNG LO
Ở một làng kia, có một bác nông dân, ngày ngày trên đường ra đồng bác đều ghé vào nhà thờ. Có một thanh niên gần đó lấy làm ngạc nhiên không hiểu. Một hôm, anh tò mò lại hỏi: “Vì sao ngày nào bác này cũng ghé vào đây?” Bác nông dân trả lời: “Tôi vào nói chuyện cùng Chúa, tôi sẽ an tâm làm việc”.
Trong cuộc sống thường ngày, trước những vấn đề nan giải, chúng ta lo lắng, suy tư tìm cách giải quyết mà quên đi việc kêu cầu cùng Thiên Chúa để được Người soi sáng hướng dẫn.
Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nhắn nhủ các môn đệ hãy vững chí mà thi hành sứ vụ, vì đã có Thánh Thần của Chúa Cha hướng dẫn các ông để các ông biết cần làm gì và nói gì.
Đó cũng là lời Đức Giêsu nhắn nhủ chúng ta. Khởi đầu ngày mới, chúng ta cầu xin Chúa hóa giải mọi lắng lo trong ngày. Và kết thúc một ngày, chúng ta cảm tạ Chúa đã ban một ngày an bình.
Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn nhớ rằng Ngài vẫn đang đồng hành cùng chúng con trên muôn nẻo đường đời, trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN B


(Am 7,12-15; Ep 1,3-14; Mc 6,7-13)

Bài Tin Mừng hôm nay nói về sứ vụ của Nhóm Mười Hai, tức các tông đồ. Đoạn Tin Mừng được chia làm hai phần chính: Đức Giêsu sai Nhóm Mười Hai đi loan báo Tin Mừng (Mc 6,7-11) và các ông thi hành sứ vụ đó (Mc 6,12-13).
Quả thật, Đức Giêsu đã lập Nhóm Mười Hai với mục đích: để các ông ở với Người và để sai các ông đi rao giảng (x. Mc 3,14). Như thế, sau khi “đã ở với Người”, các ông được “sai đi làm chứng” để tiếp tục sứ vụ của Người.
Đức Giêsu sai các tông đồ đi từng hai người một. Điều này nói lên rằng chứng của các ông về Đức Giêsu là chứng thật vì theo quy định của Lề Luật, một lời chứng chỉ có giá trị nếu có hai nhân chứng trở lên (x. Đnl 17,6; 19,15; Ds 35,30; Mt 18,16; Ga 8,16-17). Hơn nữa, đi từng hai người một không chỉ để an toàn và giúp đỡ nhau, nhưng quan trọng hơn là để biểu lộ tinh thần hiệp nhất, và nói lên việc làm chứng cho Tin Mừng này mang chiều kích cộng đoàn.
Gắn liền với việc sai đi rao giảng, Đức Giêsu ban cho các tông đồ quyền trên các thần ô uế, tức trừ quỉ (x. Mc 6,7). Điều đó muốn nói lên rằng sứ vụ loan báo Tin Mừng của các ông bào gồm việc chữa lành cả thể lý: bệnh tật; lẫn tinh thần: trừ quỉ (x. Mc 3,14-15; 6,7.12-13). Đây cũng chính là sứ vụ của Đức Giêsu (x. Mc 1,14-15; 1,21-27; 1,39). Như thế, các tông đồ là người tiếp tục sứ vụ của chính Thầy mình. Quả thật, Đức Giêsu chia sẻ sứ vụ đó cho các tông đồ là những kẻ đã nghe lời Người và chứng kiến việc Người làm, nghĩa là đã được “huấn luyện” với Người.
Sứ điệp mà các tông đồ rao giảng là “kêu gọi người ta ăn năn sám hối” (Mc 7,12) và dĩ nhiên là vì “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”. Đó cũng chính là sứ điệp mà Đức Giêsu đã loan báo lúc bắt đầu sứ vụ rao giảng của Người (x. Mc 1,14-15). Sứ điệp Tin Mừng này đòi hỏi sự canh tân nơi người nghe, hầu có thể đón nhận ơn cứu thoát.
Lệnh truyền không được mang gì đi đường (x. Mc 7,8-9) nói lên tính cấp bách của sứ vụ loan báo Tin Mừng và sự tin tưởng ký thác hoàn toàn cho Thiên Chúa quan phòng khi thi hành sứ vụ đó. Như thế, cuộc đời tông đồ là một cuộc lữ hành. Hành trang vật chất các ông mang theo chỉ là những gì tối cần cho một lữ khách: một cây gậy, một áo choàng và đôi dép, không cần mang theo lương thực, bao bị, tiền giắt lưng và đi từ nhà nay qua nhà khác, làng này qua làng khác. Nếu không, các ông lại lo tìm kiếm những phương tiện mà quên đi mục đích. Chúa muốn rằng người tông đồ không cần mang theo và cũng chẳng cần sở hữu gì ngoài Sứ điệp Tin Mừng.

GỢI Ý SUY NIỆM
1. Làm chứng cho Chúa, loan báo Tin Mừng (hay truyền giáo) là sứ vụ làm nổi bật căn tính của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu. Chúng ta ý thức được điều đó qua việc mỗi khi tham dự Thánh lễ, trước khi ra về, mọi người được cầu chúc và mời gọi: “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.” Như thế, Thánh Lễ chưa kết thúc mà còn kéo dài suốt cả ngày và đi vào trong cuộc sống. Nói cách khác, đây là mời gọi đi loan báo Tin Mừng. Sau khi đã tham dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể trong Thánh lễ thì đến lượt, người Kitô hữu được mời gọi đem Lời Chúa, đem Đức Kitô đến cho người khác trong môi trường sống thường nhật của mình. Đó chính là đi làm chứng cho Đức Kitô giữa lòng đời. ĐGH Phanxicô cũng luôn tâm niệm điều trên khi ngài nhắc nhở chúng ta trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng: “Chúng ta hãy đi ra, đi ra để cung cấp cho tất cả mọi người sự sống của Ðức Chúa Giêsu Kitô”, và ngài nói “Tôi muốn có một Hội Thánh bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, còn hơn một Hội Thánh bệnh hoạn vì đóng cửa và thanh nhàn bám víu vào sự an toàn riêng của mình.” Ngài lưu ý thêm: “bên ngoài, có vô số người đói khát, và Chúa Giêsu liên tục nhắc cho chúng ta rằng: ‘Các con hãy cho họ ăn’” (số 49).
2. Về phía người nghe, không phải ai cũng đón nhận Sứ Điệp Tin Mừng mà người Kitô hữu loan báo. Hệ luận là trong khi thi hành sứ vụ, không phải lúc nào các sứ giả cũng được người ta tiếp nhận vui vẻ, nhiều khi còn bị người ta chống đối và xua đuổi như trường hợp ngôn sứ Amos. Thời đại của chúng ta cũng có nhiều thách đố tương tự và hơn thế nữa, như ĐGH Phanxicô đã đề cập trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (ss. 52-75). Tuy nhiên, dù gặp khó khăn và thách đố đi chăng nữa, người môn đệ của Đức Giêsu luôn xác tín thi hành sứ vụ của mình, vì biết rằng sứ vụ đó không do ý muốn của bản thân hay của người nào khác mà do ý muốn của Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu hôm nay có cùng một sứ vụ của các tông đồ xưa kia, đó là được Đức Giêsu sai đi để tiếp tục sứ vụ của Người: rao giảng Tin Mừng và đẩy lui sự dữ. Sứ giả Tin Mừng không chỉ nói suông nhưng còn có bổn phận đem niềm vui đến cho dân chúng bằng cách đổi mới đời sống của họ, cả về mặt tinh thần lẫn mặt vật chất. Trước hết, cần lo cho người dân “ăn năn sám hối” nghĩa là thay đổi lối sống tinh thần, hướng tới một đời sống luân lý lành mạnh, làm lành lánh dữ, đẩy lui những tệ nạn, và hướng đến một nền văn minh tình thương xuất phát từ tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô. Kế đến, khi điều kiện cho phép, cần cố gắng giúp họ cải thiện đời sống vật chất qua việc giáo dục, hướng nghiệp và chăm lo sức khỏe cho cộng đồng, vì chính Đức Giêsu và các tông đồ cũng chữa lành bệnh tật thể lý cho dân chúng trong lúc rao giảng.
4. Một nguyên tắc nghe rất cũ nhưng luôn mới, đó là “mình không thể đem đến cho người khác điều mình không có”. Do đó, trước khi đi loan báo Tin Mừng, người sứ giả phải được đào tạo. Các tông đồ xưa, trước khi được Đức Giêsu sai đi, họ đã “ở với Người” (Mc 3,14). Qua việc “ở với Đức Giêsu”, họ đã được huấn luyện để trở thành người môn đệ, đã được nghe lời, thấy việc và nhất là kết hiệp mật thiết với Đức Giêsu trong Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến. Người Kitô hữu cũng thế, cần phải được đào tạo các khía cạnh của đời sống Kitô hữu và thấm nhuần lối sống Tin Mừng. Có như thế, người Kitô hữu mới có thể đem đến cho người khác điều mình đã tin, đã hy vọng, đã yêu mến và nhất là đã sống.

MẢNH ĐẤT TỐT



Có một người nông dân bị mất một chiếc đồng hồ trong kho thóc. Đó chỉ là một đồng hồ thông thường thôi, nhưng nó có một giá trị đặc biệt đối với ông vì nó là kỷ niệm vô giá từ người cha kính yêu đã mất của ông.
Sau một thời gian dài tìm kiếm vô vọng, ông phải nhờ sự trợ giúp của những đứa trẻ đang chơi bên ngoài. Ông hứa, nếu ai tìm được chiếc đồng hồ bị mất sẽ được thưởng.
Nghe thấy vậy, đám trẻ nhanh chân chạy xung quanh kho thóc tìm kiếm. Chúng đi khắp nơi, lục tìm ở mọi chỗ, từ nơi chứa thóc đến chỗ cho gia súc ăn, nhưng vẫn không thấy. Khi ông đề nghị bọn trẻ dừng việc tìm kiếm thì có một bé trai chạy tới và yêu cầu ông cho nó một cơ hội nữa.
Người nông dân nhìn đứa bé và nghĩ: "Sao lại không? Vì cậu bé này có vẻ khá chân thành!"
Ông dẫn cậu bé trở lại trong kho. Một lúc sau, cậu đã chạy ra và trên tay là chiếc đồng hồ của ông. Người nông dân rất vui và ngạc nhiên, ông hỏi: "Làm cách nào mà cháu tìm được nó, trong khi tất cả các bạn đã bỏ cuộc?"
Cậu bé đáp: "Cháu không làm gì cả, cháu chỉ đơn giản ngồi im một chỗ và lắng nghe... Trong thinh lặng, cháu theo tiếng đồng hồ tích tắc mà tìm ra nó.”
Chúa là tình yêu. Bằng trái tim, Chúa nghe biết nỗi khổ của dân Chúa: "Chúa đã chẳng coi thường, chẳng khinh miệt kẻ nghèo hèn khốn khổ, cũng không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu.” (Tv 22,25)
Cũng bằng trái tim, và chỉ bằng trái tim, người ta mới nghe và hiểu được giáo lý của Chúa. Giáo lý tình yêu của Chúa đã được dạy cho dân Chúa, nhưng họ ”có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy”
Tại sao vậy? Những suy tính vị kỷ đã ồn ào át đi tiếng tích tắc của tình yêu, những suy tính đó làm cho ”lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được...”
Lòng nhân hậu là mảnh đất tốt để nghe và hiểu lời Chúa: ”Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục." (Mt 13,1-23)
Lm. HK

10/07/2015 THỨ SÁU TUẦN 14 TN


Mt 10,16-23
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Vậy anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em. Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát. Khi người ta bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác. Thầy bảo thật anh em: anh em chưa đi hết các thành của Israel, thì Con Người đã đến.”
SỨC MẠNH TRONG YẾU ĐUỐI
Suy niệm: Chúa Giêsu tiên báo những các môn đệ của Ngài sẽ bị bách hại. Quả thế, hơn hai mươi thế kỷ qua, thời nào các Kitô hữu cũng bị vua quan, bạo quyền giết hại, thù ghét cách này cách khác. Nhưng lạ thay, Chúa Giêsu không dự phòng cho các môn đệ những chiến lược võ trang để chống lại, mà lại dạy kế ‘đào vi thượng sách’: “Ai bách hại anh em trong thành này, thì hãy trốn sang thành khác.” Hơn nữa, ngay cả khi bị bắt nộp, Ngài cũng chẳng bày cho họ biết phải ăn nói làm sao. Cách ‘ứng phó tình thế’ bạc nhược như thế chẳng khác nào ‘đem con bỏ chợ’! Thế nhưng, Thiên Chúa vẫn tỏ sức mạnh bằng cách mà loài người cho là yếu nhược, như thánh Phaolô làm chứng: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô chịu đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục, và dân ngoại cho là điên rồ… Nhưng cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,23-25).
Làm môn đệ đi theo Chúa Giêsu có nghĩa là Ngài thế nào thì ta như vậy.Vì thế chỉ khi nào chấp nhận một Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa làm người chịu đóng đinh thập giá và chấp nhận từ bỏ mọi sự mà vác thập giá đi theo Ngài, ta mới đích thực là kitô hữu.Ta cần tập lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần để đón nhận những thập giá trong đời sống hằng ngày như thánh ý Chúa.
Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã gửi những thập giá đến cho con. Xin cho con biết đón nhận chúng như đón nhận thánh ý Chúa.