Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 32 Thường Niên - B

12/11. Thứ Năm. Kn 7,22-8,1; Lc 17,20-25
Bài Ðọc I - Kn 7,22-8,1
Trong sự khôn ngoan có tinh thần sáng suốt, thánh thiện, duy nhất, đa diện, tinh vi, lợi khẩu, linh động, tinh tuyền, chắc chắn, dịu dàng, phục thiện, sâu sắc, bất khuất, hào hiệp, nhân đạo, đại lượng, vững tâm, bền chí, vững chắc, bình thản, làm được mọi sự, kiểm soát hết thảy, thấu suốt mọi thần trí, những kẻ thông minh, những người thanh sạch và những người tế nhị. Sự khôn ngoan linh hoạt hơn mọi chuyển động, và vì trong sạch, nên thấu nhập mọi nơi.
Sự khôn ngoan là hơi thở của quyền năng Thiên Chúa, và là sự phát xuất tinh tuyền của vinh quang Thiên Chúa toàn năng; bởi thế không vật ô uế nào đụng tới được; sự khôn ngoan là phản ảnh của ánh sáng vĩnh cửu, là tấm gương vẹn tuyền của Uy quyền Thiên Chúa, và là hình ảnh lòng từ nhân của Người.
Tuy duy nhất, nhưng sự khôn ngoan có thể làm mọi sự, và dù bất biến, nhưng có thể canh tân mọi loài. Qua các thế hệ, sự khôn ngoan lan tràn trên các tâm hồn thánh thiện, làm cho các tâm hồn trở nên bạn hữu và tiên tri của Thiên Chúa.
Vì Chúa không yêu mến ai nếu không phải là kẻ ở với sự khôn ngoan. Khôn ngoan xinh đẹp hơn mặt trời, trổi vượt mọi tinh tú, và so với ánh sáng, nó còn trổi vượt hơn, vì ánh sáng có lúc phải nhường chỗ cho bóng tối, nhưng ngay cả gian ác cũng không thắng nổi sự khôn ngoan.
Vậy sự khôn ngoan đã lan tràn mạnh mẽ từ bờ cõi này đến bờ cõi kia, và hướng dẫn mọi loài cách khôn khéo.
Tin Mừng – Lc 17,20-25
Khi ấy, những người biệt phái hỏi Chúa Giêsu "Khi nào nước Thiên Chúa đến", thì Người đáp lại rằng: "Nước Thiên Chúa không đến để cho người ta quan sát, và người ta sẽ không nói được: "Này nước trời ở đây hay ở kia". Vì nước Thiên Chúa ở giữa các ông". Chúa lại phán cùng các môn đệ rằng: "Sẽ có ngày các con ước ao thấy được một ngày của Con Người mà không được thấy. Người ta sẽ bảo các con: "Này Người ở đây và này Người ở kia", các con chớ đi đến và đừng tìm kiếm. Vì như chớp sáng loè từ chân trời này đến phương trời kia thế nào, thì Con Người cũng sẽ đến trong ngày của Người như vậy. Nhưng tiên vàn Người phải chịu đau khổ nhiều, và bị dòng dõi này xua đuổi".
Suy niệm
Những gì tinh túy nhất, tuyệt vời nhất đều có trong sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan hướng dẫn con người ta tìm về Thiên Chúa, tìm về Chân-Thiện-Mỹ. Sự khôn ngoan phản ánh chính Thiên Chúa trong cách sống của họ. Chính vì thế Salômon đã xin được sự khôn ngoan, và vì xin sự khôn ngoan cho nên Chúa ban cho ông có tất cả những thứ khác.
Nhưng điều quan trọng đó là, sự khôn ngoan này phải là sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa. Khôn ngoan tìm về Thiên Chúa. Khôn ngoan theo thánh ý Thiên Chúa chứ không phải khôn lanh, khôn lỏi, khôn theo con cái thế gian, khôn ngoan để luồng lách. Bởi vì khôn ngoan đó chỉ làm hại bản thân, làm hại tha nhân và làm xa lìa Thiên Chúa.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, người Biệt phái cũng dùng sự khôn ngoan của mình để làm khó Thiên Chúa khi hỏi: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Không một người khôn ngoan nào có thể biết được điều này.
Thế nhưng Đấng Khôn Ngoan thật đã trả lời thật khôn ngoan: Nước Thiên Chúa đang ở giữ các ông.
Người ta nghĩ rằng người khôn ngoan thật phải tìm Thiên Chúa trong những gì cao siêu nơi những người khác không thể biết. Nhưng khôn ngoan thật sự là khiêm nhường sống tốt các mối tương quan, làm tròn bổn phận. Khi sống như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống và đang sống giữa thiên đường trần thế rồi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tìm đến Chúa là sự Khôn ngoan đích thực, để từ đó chúng con kín múc được sự khôn ngoan ấy để ứng xử tốt trong cuộc sống hàng ngày của chúng con. Amen.

Thứ Năm Tuần XXXII Thường Niên

(Lc 17, 20-25)
Trên thế giới hiện nay, con số các nhóm khủng bố có mầu sắc tôn giáo đang gia tăng đáng kể. Nổi bật nhất hiện nay đó là nhóm khủng bố tự xưng là nhà nước Hồi giáo cực đoan mang tên IS. Mới đây, vụ nổ máy bay của Nga làm 227 người chết có thể là nhóm khủng bố Hồi Giáo IS thực hiện vụ này. Mẫu số chung của các nhóm này đều tin vào ngày tận thế và chủ trương bạo động, vì các nhóm này tin rằng nhờ cuộc chiến tranh ở qui mô thế giới, họ sẽ được đưa vào Thiên Ðàng. Các giáo phái mong muốn ngày thế mạt đã khởi sắc tại Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 và hiện nay vẫn còn thu hút nhiều tín đồ tin theo cách mù quáng. Tuy nhiên mới đây một số đã giải tán vì gây ra bạo động nên chính phủ cho cảnh sát đàn áp. Cách đây vài năm, một giáo phái tại Nam Hàn đã lôi kéo nhiều tín đồ tin theo, nhưng nhóm này cũng đã tự giải tán, vì ngày thế mạt họ chờ đợi là ngày 21.12.2012 vừa qua đã không xảy ra.
Tin vào ngày thế mạt, ngày tận thế, tức ngày Chúa lại đến trong vinh quang cũng là một xác tín trong niềm tin của Kitô giáo chúng ta. Hàng ngày, trong Thánh Lễ, sau khi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa, Giáo Hội không ngừng nhắc nhở các tín hữu tuyên xưng: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến". 
Vâng! "Chúa lại đến", đó là xác tín của người Kitô hữu. Tuy nhiên, ngày đó có phải năm 2000, năm 2012, năm 3000 hay một thời điểm nhất định nào không? Năm 2000 đã qua, năm 2012 cũng đã qua mà chưa thấy tận thế. Năm 3000 thì chưa tới. Cái bí ẩn ấy không bao giờ được vén mở. Chúa Giêsu chỉ loan báo Ngài sẽ trở lại, nhưng không cho biết ngày giờ nào.
Trang TM chúng ta vừa nghe, khi người Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Chúa Giêsu trả lời: “Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được”. (Lc. 17, 20-21).Ngay thời ngôn sứ Đa-ni-en, dân Do thái đã bàn tán về ngày nước Thiên Chúa đến và sự chờ đợi cuồng nhiệt lan tràn khắp nước Ít-ra-en. Người ta khảo sát các điềm trời và các tai họa xảy ra. Họ tính toán khá thông thái để tiên báo về ngày giờ tận thế. Chúa Giêsu loan báo nước Thiên Chúa đã đến ngoài sức tính toán tự nhiên của con người, nên người biệt phái muốn hỏi Chúa Giêsu bao giờ triều đại Thiên Chúa đến là vậy.
Câu trả lời của Chúa Giêsu làm sửng sốt người biệt phái và những ai quan tâm tới ngày tận thế: Nước Thiên Chúa đến không ai có thể quan sát được. Tất cả mọi dấu chỉ loan báo và tính toán đều vô giá trị. Nước ấy đã đến mà người biệt phái không nhận ra vì con tim và lỗ tai của họ bị đóng kín, bị câm lặng. Thời cứu độ đã bắt đầu, nhưng những ai không đón tiếp Chúa Giêsu, tức là không thể nhận biết được nước Thiên Chúa.
Sau khi trả lời cho những kẻ không tin, Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ, các ông biết Chúa Giêsu đã đến phục hưng nước Thiên Chúa và Ngài phải trở lại để hoàn tất mọi sự. Ngài đã tiên báo cho các ông rằng trước ngày quang lâm sẽ xảy ra những khốn khổ, những ngày khủng khiếp làm mọi người xao xuyến lo âu. Lúc đó, họ không còn kiên nhẫn chờ đợi ngày Con Người trở lại và họ sẽ bị thôi thúc tìm dấu chỉ và tin những tiên tri giả. Họ sống giữa những cảnh buồn sầu khổ sở lớn lao rồi lại để mình bị loại bỏ.
Chính vì tính cách bất ngờ của Ngày Chúa đến, cho nên, người các tín hữu chúng ta ngày hôm nay phải tỉnh thức sẵn sàng. Tỉnh thức có nghĩa là dấn thân tích cực trong giây phút hiện tại, chứ không phải là ăn không ngồi rồi mà chờ đợi. Ðó cũng là giáo huấn của Chúa Giêsu mỗi khi Ngài nói đến Nước Thiên Chúa thời cánh chung: Nước Thiên Chúa sẽ thành tựu ở một thời điểm mà không ai biết trước được vào ngày Con Người sẽ quang lâm. 
Nguyện xin Chúa ban thêm niềm tin để mỗi người chúng ta biết kiên trì giữ vững đức tin Công Giáo, luôn luôn sẵn sàng tỉnh thức đón tiếp Con Người đến. Amen!