Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015



Trong đời, có rất nhiều dịp để bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với cha mẹ, anh em, bạn bè và những người xung quanh. Hơn thế nữa, ta còn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa của mình. Vâng, đó là một biểu lộ đẹp của con người với nhau, là một nghĩa cử quý báu của tạo vật đối với Đấng Tạo Hoá.

Tạ ơn là một bổn phận
Thật là phải đạo khi tạ ơn cha mẹ về công lao sinh thành dưỡng dục. Các ngài đã chịu đủ mọi vất vả lo toan, không thiếu điều cay đắng tủi nhục, dư đầy những khó nhọc gian nan. Công lao của cha mẹ lớn lắm. Ta có thể xây nhà, cho tiền, tạo mọi điều kiện cho cha mẹ. Nhưng nói đến việc báo hiếu thì không thể nào có dấu chấm hết.
Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha
Công cha như núi Thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Thật là hợp lý khi tạ ơn người thân, lối xóm làng giềng, bạn bè và những người xung quanh. Tất cả đều cộng tác vào việc đào tạo, hỗ trợ cuộc sống của ta. Quả không sai khi nói : mọi người đều là ân nhân của nhau. Nhờ Giáo hội, xã hội mà các khả năng của ta được phát triển, đường tiến thân và hiến thân của ta được phát huy. Và ta trở thành người có giá trị, hữu ích cho mọi người.
Thật là chính đáng khi tạ ơn Thiên Chúa, Đấng chẳng để ta không không mãi ngàn đời, nhưng vui lòng chia sẻ sự sống, tác tạo nên ta theo hình ảnh Ngài. Rồi còn đưa vào Giáo hội để ta sống trong đức tin và ân nghĩa Chúa. Trong ân nghĩa ta mới có thể biểu lộ niềm tin và trong đức tin ta mới có thể hiểu được thế nào là ân sủng.
Tạ ơn là một trách nhiệm
Con người không hiện hữu một mình, nhưng là sống với, sống cùng. Vì vậy, con người không đơn giản chỉ thực hiện việc cám ơn cha mẹ, biết ơn nhau, tạ ơn Chúa một mình. Mà mỗi người, mỗi ơn gọi đều có trách nhiệm tạ ơn trong cộng đoàn liên hệ là : gia đình, học đường, dòng tu, cộng đoàn mình sống. Vì tất cả đều là anh em con cùng một Cha trên trời. Vì tất cả đều đã được nhận ơn từ trời. Vì thế, tất cả đều có trách nhiệm phải giúp nhau tạ ơn. Ta không nên thánh một mình nhưng là cùng nhau nên thánh.
Tạ ơn là một ân sủng
Thật trân trọng khi con người biết tạ ơn nhau, nhưng xét cho cùng cũng chỉ ở bình diện nhân loại. Còn khi tạ ơn Thiên Chúa mới thật sự vinh phúc, vì ta không tạ ơn người phàm, mà tạ ơn thần linh - Đấng đã tạo dựng muôn loài muôn vật. Tạ ơn chỉ có lợi cho con người mà thôi. Và Thiên Chúa cũng “chẳng cần chúng ta ca tụng, nhưng việc chúng ta cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ” (kinh tiền tụng IV). 
Khi tạ ơn, con người được thoát ra khỏi cái hạn hữu bé nhỏ của mình để hoà nhập vào vinh quang Thiên Chúa, Đấng đã ban cho ta ơn có thể mở miệng, mở lòng mà tạ ơn. Ta hãy hãnh diện vì vì ân sủng này. Càng tạ ơn, ta càng nhận thấy nhiều điều lớn lao kỳ diệu của Thiên Chúa. Ta càng nhìn thấy Thiên Chúa thật và con người thật của mình. Ta sẽ thành chúa, chúa trong Chúa. Ta và Ngài là một. Nói khác đi : “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là chính Chúa sống trong tôi” (Gl 2,20)
Hai tiếng tạ ơn thật cũ kỹ nhưng ý nghĩa thì luôn chuyển động. Vì mỗi giây phút qua đi, tạ ơn lại là một hành động mới, một ý nghĩa mới. Giá trị cao đẹp nhất của đời người là biết tạ ơn Chúa, cám ơn người, biết ơn nhau.

Thứ 6 tuần 34: Tồn tại qua muôn đổi thay


Lc 21, 29-33

Nhân loại đã và đang bước đi trên đại lộ của thế kỷ được coi là ánh sáng trong một thế giới khoa học tân tiến và tự do. Khung trời ấy tạo ra cho con người những khả năng mới với những thuận lợi mới mà nhiều khi con người không bao giờ nghĩ tới. Tuy nhiên, sự chuyển mình với não trạng duy khoa học của nhân loại nhiều khi lại khai tử đời sống đạo đức, ‘‘thu hẹp’’ Thiên Chúa vào trong một chấm nhỏ của lịch sử. Trước sự “thay da đổi thịt” của lối sống tân thời, điều gì sẽ còn và mãi tồn tại qua thời gian? Nơi Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã hướng con người đến điều mãi luôn hiện diện dẫu có muôn vàn đổi thay “Trời đất này sẽ qua đi nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33).

“Trời đất này sẽ qua đi” (Lc 21,33a). Đây là lời khẳng định của Chúa Giêsu về tương lai của vũ trụ vật chất. Cái hữu hạn sẽ tan biến qua vòng luân chuyển của thời gian. Cái hữu hạn ở đây là chính sự giới hạn mong manh của kiếp nhân sinh, là những gì mỗi người đang nắm giữ. Kinh nghiệm và Kinh Thánh cho thấy mỗi người sẽ không ở địa cầu mãi mãi vì mọi sự sẽ qua đi. Những giới hạn của thực tại hữu hạn ấy gợi lên nơi tâm thức mỗi người những suy nghĩ về chính cuộc đời với ý nghĩa của nó “Tôi là ai? Tôi đến từ đâu và sẽ đi về đâu? Đâu là nơi an toàn vững chắc để tôi có thể thả neo cuộc đời?”

“Những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Lc 21,33b). Lời xác quyết của Chúa Giêsu gọi về sự hiện diện thường hằng của Người giữa nhân gian. Không những hiện diện trong Lời (Logos) được lưu truyền qua muôn thế hệ mà Ngài còn có mặt mọi nơi, mọi lúc qua các biến chuyển của thời đại. Hơn nữa, Ngài còn hiện diện trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời mỗi người. Sự hiện diện đầy yêu thương đó khơi lên niềm hy vọng của con người về một viễn tượng mới nơi Công Lý ngự trị. Đắm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa giúp mỗi người xác tín hơn ý định và tình yêu quan phòng của Đấng là Chủ dòng thời gian trong những bước thăng trầm của lịch sử nhân loại nói chung và cách riêng với những biến cố của mỗi nhân vị.

Lạy Thiên Chúa là Cha Hằng Hữu, là Đấng luôn hiện diện và quan phòng nhân thế. Xin cho chúng con mãi luôn ý thức và nhận ra sự hiện diện trường tồn của Ngài trong mọi biến cố ngõ hầu mỗi người chúng con luôn biết từ bỏ những gì phù vân mà gắn mình với thực tại hằng hữu là chính Chúa.

Thứ 7 tuần 34: Hành trình cuối cùng


Thứ Bảy tuần 34 ( Lc 21, 34 - 36)


Nếu con người có ngày sinh ắt sẽ có ngày tử. Nghe có vẻ rất tiêu cực, nhưng đó lại là một sự thật không ai chối cãi được. Cũng vì nó là một sự thật, một sự thật đau lòng nên người ta tìm cách tránh né nói đến nó, và thay vào đó là tìm cách để cho mình được sống, càng lâu càng tốt. Nhưng khổ nỗi, cái chết lại như hình với bóng đeo đuổi con người suốt hành trình dương thế này. Vì không tìm được lối thoát nên nhiều người đã thất vọng khi phải đối diện với cái chết. Với người Ki-tô hữu, cái chết không phải là kết thúc nhưng là mở ra một viễn tượng mới. Đó là ngày họ được trở về với Đấng mà suốt cả cuộc đời tin tưởng cậy trông và khao khát đạt tới. Phải chăng tất cả mọi Ki-tô hữu đều được hạnh phúc vào ngày Chúa quang lâm hay còn phải chuẩn bị những gì cho ngày đó?

Không phải cứ là Ki-tô hữu là nắm chắc phần phúc đời sau. Đức tin chúng ta lãnh nhận ngày chịu Bí tích Rửa tội mới là khởi đầu, còn phải làm cho đức tin ấy sinh hoa kết quả nữa. Sống đức tin trong cuộc sống dương thế này là một cơ hội tốt để rèn luyện đức tin của chúng ta. Với một cuộc sống bình thường hằng ngày chúng ta đã thấy biết bao nhiêu khó khăn thử thách, đôi lúc còn làm cho chúng ta lo lắng bất an về sự lựa chọn tin theo Chúa của mình. Vậy mà ngày Chúa đến còn khủng khiếp biết là chừng nào? (x. Lc 21, 23-27). Hiểu thấu được sự lo lắng bất an đó, Chúa Giê-su đã căn dặn các môn đệ cũng như chúng ta hôm nay là hãy đề phòng: cách tiêu cực là “chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời” (Lc 21,34); cách tích cực là “phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21.36).

“Tỉnh thức và cầu nguyện” là những việc chúng ta cần chuẩn bị cha ngày mà Chúa đến viếng thăm. Tỉnh thức là gắn bó với Đấng mình trông đợi. Một sự tỉnh thức như vậy không thể tách rời việc cầu nguyện, vì cầu nguyện giúp ta hướng lòng lên Chúa. Chỉ có tỉnh thức và cầu nguyện mới giúp cho người Ki-tô hữu có đủ sức và đứng vững trong cuộc chiến đấu quyết liệt của những ngày cuối cùng. Tỉnh thức cũng có nghĩa là chu toàn nhiệm vụ được giao phó (Lc 12,42-44), là luôn mang một thao thức muốn sống phù hợp với những giá trị Tin mừng. Một cuộc sống biết tỉnh thức và cầu nguyện như thế sẽ giúp cho cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta ở đời này luôn đượm màu sắc của hy vọng, hy vọng về một trời mới đất mới nơi công lý ngự trị. Luôn biết chuẩn bị sẵn sàng như vậy, thì ngày Chúa quang lâm sẽ không còn gì là bất ngờ nữa, nhưng sẽ là ngày mà mọi ước mong của chúng ta được thành toàn.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết sống tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu chuẩn bị những gì tốt nhất cho ngày Chúa đến viếng thăm. Để khi Chúa đến chúng con đã sẵn sàng không còn phải hoang mang lo lắng nữa, vì được ở bên Chúa mãi mãi.