Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 24 Thường Niên - B



15/9. Thứ Ba. Lễ Ðức Mẹ Sầu Bi. Dt 5,7-9; Ga 19,25-27 

Bài Ðọc I - Dt 5,7-9 

Anh em thân mến, khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu mình khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. 

Tin Mừng - Ga 19,25-27 

Khi ấy, đứng gần thập giá Chúa Giêsu có Mẹ Người, cùng với chị Mẹ Người là Maria vợ ông Clopas, và Maria Mađalêna. Khi thấy Mẹ và bên cạnh có môn đệ Người yêu, Chúa Giêsu thưa cùng Mẹ rằng: "Thưa Bà, này là Con Bà". Rồi Người lại nói với môn đệ: "Này là Mẹ con". Và từ giờ ấy, môn đệ đã lãnh nhận Bà về nhà mình. 

Suy niệm 

Trong bài đọc một tác giả Thư Do Thái đã trình bày cho chúng ta Chúa Giêsu đã mặc lấy thân phận con người và đón nhận những đau khổ của con người bằng cách tự hiến tế để trở thành lễ vật cứu độ muôn người. 

Trong bài Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại cảnh Đức Giêsu chịu chết trên Thánh Giá và có Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá chứng kiến cái chết và thông phần vào sự đau khổ của con mình. 

Hôm nay lễ Đức Mẹ Sầu Bi Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngắm Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa để cảm nhận về ý nghĩa và giá trị những đau khổ của Đức Mẹ. Dưới chân Thánh Giá, Đức Mẹ cùng chia sẻ những đau khổ của con mình như lời tiên báo của tiên tri Simêon. Nhờ những đau khổ Mẹ chịu đựng trong cuộc đời Mẹ được trở nên Mẹ của Hội thánh, Mẹ của mỗi người chúng ta. 

Nhắc nhớ đến những đau khổ của Đức Mẹ trong ngày lễ hôm nay không phải để chúng ta bi quan về những khổ đau chúng ta phải chịu trong cuộc sống trần thế này. Nhưng ngược lại chúng ta chiếm ngắm những đau khổ của Đức Mẹ để chúng ta thêm tin tưởng và hy vọng. Chúng ta tin rằng những đau khổ chúng ta phải chịu trong cuộc sống này là để thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa như lời Thánh Phaolô đã nói “trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích.” (1Cr 15,58b)

LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ



Một trong những hình ảnh thánh thiện và cảm động nhất của người Kitô hữu có lẽ là hình ảnh những người hấp hối, cận kề cái chết, đang khi họ cầm thánh giá trên tay để trên ngực.
Có một người đàn bà đạo đức nọ, trong cơn bệnh thập tử nhất sinh, chỉ có phẫu thuật ngay mới hy vọng sống sót nhưng rất ít phần trăm. Người đàn bà chấp nhận giải phẫu vì hy vọng còn sống để lo cho người con trai của bà. Khi người ta bắt đầu giải phẫu, bà yêu cầu cho con bà được chứng kiến giờ đau khổ của bà. Vào thời mà thuốc gây tê chưa có, bệnh nhân thường phải trải qua những cơn đau khủng khiếp. Mặc dù đau đớn, nhưng người đàn bà vẫn can đảm chịu đựng. Thế nhưng, vào cuối giờ mổ, khi các y sĩ chạm đến gần tim của Bà, bà rùng mình và kêu : “Lạy Chúa”. Chứng kiến cảnh đau đớn của mẹ, đứa con trai không làm chủ được cảm xúc, nó đã thốt lên những lời xúc phạm đến Chúa. Nghe được, người đàn bà nghiêm chỉnh bảo con : “Hỡi con ơi, hãy im đi, con đã làm đau đớn mẹ hơn các bác sĩ đã giải phẫu cho mẹ; con đã sỉ nhục Đấng ban sức mạnh và an ủi cho mẹ”. Nói xong, bà mở tay cho mọi người xem một tượng chịu nạn nhỏ bà nắm chặt trong tay suốt giờ mổ, và đó là thuốc tê đã làm dịu cơn đau của bà. Sau mấy tháng quằn quại đau đớn, vì chứng bệnh tim quá nặng, cho nên bà đã an nghỉ trong Chúa. Trước khi lìa đời, bà trao Thánh giá cho con trai và căn dặn : “Con hãy giữ lấy Thánh Giá này, vì đó sẽ là sự an ủi cho con”.
Kính thưa…Đã gần hai ngàn năm qua, kể từ khi lính Roma cưỡng bách Chúa Giêsu vác Thập giá đi xuyên qua con đường chật hẹp ở Jerusalem. Thập giá mà Chúa vác và chịu đóng đinh, đã trở thành biểu tượng của một Thiên Chúa giáo có hơn một tỷ tám tín đồ: có mặt trên 220 nước và lãnh thổ trên khắp mặt đất này. Kể từ khi thập hình của người La mã được áp đặt cho Chúa Giêsu, bóng thánh giá của Ngài đã bao trùm cả trái đất. Không ai có thể đứng ngoài bóng mát của thánh giá. Không ai có thể ở ngoài vòng lôi kéo của Chúa Giêsu. Thánh giá không chỉ được dựng lên trên nóc thánh đường, trong cung thánh, hay trong nhà của người tín hữu, mà còn phải được tôn vinh giữa phố chợ, ở khắp mọi nơi nữa.
Suy tôn Thánh giá không có nghĩa là đề cao một hình phạt, mà chính là ca ngợi tình yêu của Đấng đã hy sinh vì người mình yêu. Nơi Thánh giá không những tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện một cách trọn vẹn, mà chân lý về con người còn được tỏ bày một cách trong sáng nhất. 
Kính thưa…Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngòai thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).Đức Cha Lambert de la Motte sáng lập Dòng Mến Thánh Giá. Chắc hẳn ngài đã cảm nghiệm sâu sắc về Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô nên mới có ý tưởng sáng lập ra Hội Dòng MTG! Dòng Mến Thánh Giá là Hội Dòng lớn trong Giáo Hội chọn Đức Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của tình yêu của lòng trí. Kể cũng thật lạ! Không chọn cái gì nhẹ nhàng mà lại chọn Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá. Thế nhưng, Đấng chịu đóng đinh là hồng ân cứu rỗi của Hội Dòng. Chọn con đường theo Chúa là tất nhiên Quý Sơ đi vào con đường hẹp. Một chọn lựa khôn ngoan vì quý Sơ đã chọn chính Đấng Cứu Độ. Thánh Giá là đỉnh cao ơn cứu độ. Mến Thánh Giá là tình yêu cao nhất của đời dâng hiến. Từ đó nẻo đường cứu độ mở ra cho bản thân và có khả năng giúp cho những người khác tiến vào nẻo đường ấy. chúng ta luôn cầu nguyện để ngày càng có nhiều bạn trẻ quảng đại dấn thân theo Chúa trên đường dâng hiến trong ơn gọi MTG. 
Trong xã hội tiêu thụ và hưởng thụ ngày nay, bóng tối của quyền lực, tiền của, danh vọng, lạc thú đang che mờ bóng thánh giá. Con người đang lao mình vào bóng tối bằng mọi giá. Xã hội hôm nay cần phải được ánh sáng của Thánh Giá soi dẫn. Suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn tình yêu, sự sống của Chúa Kitô.
Nguyện cho bóng mát của thánh giá Chúa Giêsu luôn bao phủ chúng ta để chúng ta không ngừng tiến bước trong hân hoan, tin tưởng và yêu thương.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban sức mạnh và niềm vui cho các tín hữu Chúa, để khi tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Chúa bằng chính cuộc sống chấp nhận hy sinh và tin yêu, họ trở thành tín hiệu mời gọi mọi người xung quanh đến nép mình dưới bóng thập giá Chúa./.

LỄ MẸ SẦU BI


Lc 2, 33-35

Sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, cửa thiên đàng đóng lại, chiếc màn đen tối của đau khổ và chết chóc che phủ khắp trần gian, con người tự tách mình ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Người đàn bà đầu tiên của nhân loại bị nguyền rủa một cách đáng thương. Vì thế Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Với lời thưa “Xin vâng” của Mẹ Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể vào trần gian, mở ra cho loài người một chân trời của niềm hy vọng và được giao hòa với Thiên Chúa. Như giọt sương sớm thanh khiết dịu hiền, Mẹ Maria chính là Eva Mới làm bừng nở đóa hoa sự sống nơi địa đàng. Mẹ là trời mới đất mới tinh tuyền đón Ngôi Lời nhập thể vào trần gian.
Mẹ Maria đã tham dự trọn vẹn vào sứ mạng cứu chuộc nhân loại của Đức Giêsu Kitô. Ngay từ đầu sách Tin Mừng, thánh sử Luca thuật lại khung cảnh tiến dâng trẻ Giêsu trong đền thánh, gặp gỡ ông già Simêon và đã được tiên báo về vai trò của Mẹ và sứ mạng của Chúa Giêsu: “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Israen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra”.
Lời tiên tri không làm Mẹ hoang mang sợ hãi bởi cả cuộc đời của Mẹ đã gắn chặt Chúa Giêsu và Mẹ tin rằng không điều gì xảy ra nằm ngoài kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu đã từng nếm trải cảnh sống “không có chỗ tựa đầu”, chịu đói khát, bị người đời chống đối và sát hại.
Trong cuộc thương khó, khi Chúa Giêsu vác cây thập giá lên Núi Sọ, đám người theo sau cuồng loạn, hò la, chế giễu. Chen lẫn trong đám đông đang bừng bừng phẫn nộ, Mẹ Maria lặng lẽ dõi theo bước chân của Người Con Yêu. Bỏ ngoài tai những lời nhiếc móc, mỉa mai và những cái nhìn ác cảm, tâm hồn Mẹ hoàn toàn hướng về Chúa.
Khi Chúa Giêsu bị treo trên thánh giá, Mẹ đứng bên dưới lặng nhìn con yêu hiến tế chính mình cho Thiên Chúa. Mẹ đứng đó, im lặng thông phần khổ đau với Chúa Giêsu. Đây là giây phút trọng đại Con Thiên Chúa hiến thân vì nhân loại. Từ trên thập giá, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn Mẹ và những những con người trung kiên đi với Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn của Chúa. Giờ thì mọi sự đã hoàn tất, tình yêu đã trao trọn, Chúa có thể yên lòng ra đi. Nơi kia, Cha Ngài đang dang tay chờ đón lễ vật cao quý nhất được dâng lên. Suốt cuộc đời Chúa Giêsu đã sống theo thánh ý Cha, thì giờ đây Ngài cũng chết để chu toàn thánh ý đó: "Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha". Mẹ Maria đứng đó, can đảm lặng nhìn xác Chúa Giêsu treo trên thập giá, lòng Mẹ những ước ước ao được hiến tế chính mạng sống mình cùng với Con Mẹ. Lời tiên tri của cụ già Simeon năm xưa lại thêm một lần ứng nghiệm: “Này đây một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”.
Với tất cả tấm lòng khiêm tốn và phó thác, Mẹ Maria đã đón nhận Chúa Giêsu không chỉ trong những lúc tràn trề niềm vui hạnh phúc nhưng cả những lúc đứng bên bờ vực thẳm của khổ đau. Mẹ không hề tỏ thái độ tuyệt vọng nhưng luôn kiên vững trong niềm tín thác vào tình thương Thiên Chúa. Mẹ đã để cho Thiên Chúa thực hiện công trình cứu độ nhân loại. Nhờ thánh giá Chúa mà những hy sinh của Mẹ trở nên ý nghĩa. Nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ và lời “Vâng phục” của Chúa Giêsu được nên trọn. Chúa Giêsu gieo rắc hạt giống sự sống trên thửa đất tốt của lòng Mẹ. Nhờ những giọt máu thánh Chúa đổ ra hòa với nước mắt của Mẹ làm nảy sinh hạt giống sự sống khai sinh nhân loại mới.
…Mang thân phận con người, chúng ta không tránh khỏi những lầm lỗi yếu đuối, phải đau khổ và phải chết. Noi gương Mẹ, ước gì chúng ta biết kết hợp những đau khổ trong đời sống hàng ngày với đau khổ của Chúa Giêsu trên thập giá để nên như phương tiện thánh hóa chúng ta nên giống Chúa Giêsu hơn. Mẹ Maria là Đấng hiệp công cứu chuộc, Mẹ đã đồng hành với Chúa trong suốt cuộc đời, xin Mẹ dạy chúng ta biết can đảm bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đã đi, biết mở rộng cánh cửa con tim để yêu thương, dám trao ban chính bản thân mình cho Chúa và anh chị em, để được tham dự vào công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Amen.