Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

DÁM HAY KHÔNG ?

Chúa Nhật XIV Thường Niên B                           

Nt. M. Paul Kiền Thu, FMSR

Tin mừng Maccô hôm nay thuật lại cho chúng ta một sự kiện không mấy vẻ vang gì trong sứ vụ của Chúa Giêsu :Người bị từ chối ngay chính nơi quê hương và cả trong họ hàng của mình.Thế nhưng có một nghịch lý thú vị là người nhận thất bại không phải là người bị từ chối mà chính là những kẻ từ chối.
     Tin Mừng cho chúng ta biết “họ vấp ngã vì Người”.Vì thế câu “Ngôn sứ có bị rẻ rúng,thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình,hay giữa đám bà con thân thuộc,và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4) không phải là lời bào chữa để tự an ủi,mà là một lời chất vấn về thái độ đón nhận Tin Mừng của mỗi người.Hẳn nhiên Chúa Giêsu nói lên câu đó theo kinh ngiệm lich sử của các tiên tri, song trình thuật Tin Mừng lại giải thích cho chúng ta tại sao những người đồng hương lại không chấp nhận,hay đúng hơn họ không thể tin vào Đức Giêsu.Bởi lẽ trong khi Chúa Giêsu cố gắng mặc khải cho họ về nguồn gốc thiên sai của người qua những lời giảng dạy khôn ngoan và các phép lạ,thì họ lại chỉ bám lấy nguồn gốc nhân loại của Ngài “Ông ta không phi là bác thợ con bà Maria …Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?”(Mc 6,3)Chính thái độ bám ghì lấy,không dám buông bỏ những hiểu biết giới hạn của mình mà họ đã không thể nhận biết Đấng thiên sai, đang ở giữa họ để rồi nhờ đó được đón nhận ơn cứu độ, bởi Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào tại đó vì họ không tin .
 Chúng ta có thể cho rằng những người đồng hương của Chúa Giêsu thật “dại”, bời thay vì “ một người làm quan cả họ được nhờ”thì họ lại đánh mất cơ hội khi quan niệm “bụt nhà không thiêng”.Thật dễ để nhận ra hay để nói về sai lầm của người khác, nhưng thực tế cái nhìn của chúng ta nhiều lúc cũng rất giới hạn.Cái định kiến kiểu “nhìn mặt là biết số nhà” khiến chúng ta không ít lần rơi vào sai lầm như những đồng hương của Chúa Giêsu hôm nay.Có bao giờ việc một người ngoại đạo nhận được phép lạ (mà chúng ta được nghe kể rất nhiều hay đã được chứng kiến) khi họ cầu xin với Chúa Giêsu hoặc với Mẹ Maria khiến chúng ta suy nghĩ? Hay trước họ chúng ta lại cảm thấy hãnh diện vì Chúa của mình làm được phép lạ,và có thể nói không dứt với những hiểu biết của chúng ta về “Chúa của mình”, song lại chẳng bao giờ thấy có một phép lạ nào xảy ra trong cuộc đời mình.Thật ra,mỗi hiện hữu của chúng ta đã là một phép lạ,và mỗi ngày Chúa vẫn đang tiếp tục thực hiện những phép lạ trong cuộc đời của mỗi người.Thánh lể với Bí Tích Thánh Thể không là một phép lạ nhãn tiền cho chúng ta đó sao ?Song để nhận ra phép lạ,cần phải có đức tin, và để nhận ra được hiệu quả của những phép lạ, cần phải dám tin.Thế mà đức tin lại đòi chúng ta phải vượt lên trên những gì ta có thể biết,cảm, nếm,sờ,thấy bằng giác quan.Như chính Chúa Giêsu đã nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô “không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy,nhưng là Cha của Thầy”(Mt 16, 17).

  Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại cách thức và thái độ của chúng ta khi lắng nghe lời Chúa cũng như những giáo huấn của Giáo Hội.Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội,chúng ta được đón nhận hạt giống đức tin,và phải có bổn phận làm cho hạt giống đức tin đó được lớn lên.Mà đức tin thì luôn luôn đòi chúng ta làm một cuộc ra khỏi mình là ta đã đi được rất xa trên hành trình đức tin.Vấn đề là mỗi người có dám hay không để làm cuộc hành trình này.   

Chúa nhật XIV Quanh năm B


 ( Mc 6,1-6 )
Nghịch lý là dư luận hay thực tế đi ngược lại những gì cách chung đã được chấp nhận, hay là những gì đi ngược lại những gì bình thường phải có. Trong đời sống xã hội, hay trong sinh hoạt tôn giáo, đạo đức, cũng có nhiều nghịch lý. Lời Chúa hôm nay đề ra hai nghịch lý điển hình.
Truớc hết là việc Chúa Giêsu bị ruồng bỏ bởi những người thân. Chúa Giêsu trở về quê nhà sau khi đã đi một vòng bên ngoài. Người ta đã nghe nói nhiều điều tốt đẹp về ngài. Ngài giảng dạy như là chưa từng có ai giảng dạy như ngài. Ngài thực hiện những phép lạ. Ngài chữa lành nhiều bệnh nhân. Ngày ngài trở về quê, người ta chờ đón ngài như đón một ngày lễ lớn, ở trong hội đường.
Ấy thế mà, “ đứa con của quê hương” lại được đón tiếp một cách lạnh nhạt. Người ta khó lòng mà hình dung ra, con của một bác thợ mộc và bà Maria lại có thể là một nhân vật mà người ta đồn thổi, giảng hay và làm nhiều phép lạ. Và họ đã vấp phạm vì ngài.
Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến việc chúng ta có khuynh hướng là khó lòng nhìn nhận những tài năng, không phải của con cái, hay của những người trong gia đình, mà là của những người hàng xóm, láng giềng, hay của đồng bào. Thái độ ti tiện không phải là không có những hậu quả, bởi vì nó làm tổn thương anh em, và cản trở những dự án giá trị được thực hiện.
Nó cũng khiến chúng ta nghĩ đến cách thế mà chúng ta đón nhận hoặc không đón nhận, lắng nghe hoặc không lắng nghe những người, rất gần gũi với chúng ta, lại là những chứng nhân của Thiên Chúa. Đó có thể là một đứa trẻ, do sự sốt sắng, đã chất vấn chúng ta. Đó có thể là một người hàng xóm nói với chúng ta về tôn giáo. Đó có thể là một thanh niên phản kháng những cái mà anh ta cho là những giá trị giả trá. Đó có thể là vị linh mục, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cáo giác một vài cách thế hành động và cách nghĩ không đúng của chúng ta. Bởi vì chúng ta biết tất cả những người này, có thể là quá biết. Bởi vì chúng ta biết rõ những khuyết điểm và yếu đuối của họ, vì thế chúng ta đánh giá thấp chứng từ của họ.
Chúa Giêsu đã khẳng định: “ Không một tiên tri nào mà không bị khinh bỉ ở quê hương, gia đình họ hàng mình”. Nếu chúng ta thuộc vào số những người không có quyền ăn nói, không được tiếp đón ân cần trong nhà riêng của họ, trong cộng đoàn của họ, trong môi trường của họ, thì chúng ta hãy nhớ, Chúa Giêsu cũng đã trải qua hoàn cảnh đó. Và môn đệ không cao trọng hơn thầy mình.

Nghịch lý thứ hai là thánh Phaolô, khi phát biểu lời Thiên Chúa: “ Sức mạnh của Ta được bày tỏ trong sự yếu đuối”. Như thế, Con người càng mạnh mẽ, kiêu hãnh và chắc chắn về mình, càng ý thức được những khả năng của mình, thì sức mạnh của Thiên Chúa vượt qua khỏi người ấy. Ngược lại, người đó càng khiêm nhường, nhỏ bé, ý thức được những giới hạn của mình, nhưng hoàn toàn trông cậy vào Chúa, thì bấy giờ sức mạnh của Thiên Chúa có thể được tỏ bày nơi người ấy.
Rõ ràng là một nghịch lý, hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà chúng ta nghe nói hằng ngày, và đi ngược với những gì mà chúng ta nhiều phen tin tưởng. Cần phải thông thái, giàu có, thống trị kẻ khác… để thành công trong cuộc đời. Đó là cái triết lý hiện hành. Hoàn toàn trái ngược những gì mà Thiên Chúa nghĩ. Thiên Chúa vui lòng thực hiện những việc vĩ đại thông qua những người nhỏ bé, nghèo hèn, yếu đuối, tầm thường; những con người không ví mình là những vĩ nhân, những người xác tín rằng, nếu họ làm được điều gì lớn lao, thì không phải là do sự quan trọng của họ, mà là do sự vĩ đại của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi họ.
Chúng ta còn nhớ Đức Maria. Người ta không chú ý đến ngài. Thế mà biết bao điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi ngài và nhờ ngài. Thánh Phaolô, một con người kiêu hãnh và tự phụ, đã bị thử thách rất nhiều và đã bị tổn thương trong thân xác của ngài… và đã trở thành một người khiêm nhường. Nơi ngài và nhờ ngài, Thiên Chúa đã thực hiện những việc vĩ đại.
Luôn luôn là như thế. Những người đau bệnh, Thiên Chúa thích làm việc qua họ. Những người có vẻ không là gì, chính những người đó Thiên Chúa rất thường chọn để thực hiện những chương trình và dự án tốt đẹp nhất.
Chúng ta hãy nhìn về chính chúng ta. Nếu chúng ta đau khổ về những yếu đuối của chúng ta, về những nỗi nhút nhát, lo sợ, những bất tài của chúng ta, thì chúng ta đừng chìm đắm trong nỗi chán nản. Tốt hơn hết là chúng ta hãy phục vụ Thiên Chúa với tất cả tấm lòng, và nài xin ngài thực hiện trọn vẹn cho chúng ta những gì mà ngài đã hòan tất cho những người khác.
Chớ gì sự tòan năng của Thiên Chúa trao bao cho chúng ta tất cả những năng lực của ngài, trong sự yếu đuối của chúng ta.