Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

29.12.2015 – Thứ ba

 Lc 2, 22-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí run rủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”
Suy niệm:
Tin mừng theo thánh Lu-ca hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Đức Maria và thánh Giuse đã dâng hiến Đức Giêsu trong đền thờ theo luật dạy (c 22-23). Theo như luật Mô-sê, thì Thiên Chúa truyền rằng: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Ít-ra-en, dù là người hay thú vật, nó thuộc về Ta” (Xh 13,2). Lệnh truyền ấy được thực thi cách nghiêm túc bởi con cái Ít-ra-en, và gia đình của Giuse - Đức Maria cũng không ngoại lệ. Nhưng có thể chúng ta sẽ thắc mắc, tại sao Đức Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, là Thiên Chúa thật mà lại phải làm theo tục lệ ấy? Nó có ý nghĩa gì trong niềm tin của chúng ta?
Để trả lời cho câu hỏi ấy, chúng ta cùng chiêm ngắm thái độ vâng phục của gia đình thánh gia và lòng hân hoan nhờ sự kiên nhẫn của cụ già Si-mê-on.
1.   Đức Maria và Giuse, khiêm tốn và trung tín trong mọi biến cố.
Một gia đình nhỏ miền quê nghèo, chỉ có thể mang theo lễ vật tối thiểu (đôi chim gáy hay cặp bồ câu non) và dẫn con mình lên dâng cho Thiên Chúa. Dù rằng, cả hai ông bà đều được sứ thần mặc khải về Đấng Em-ma-nu-el, vị Thiên Chúa làm người để cứu độ muôn dân. Nhưng các ngài vẫn làm theo chỉ dẫn của luật Mô-sê mà không đòi thêm một đối xử đặc biệt hay một ân huệ nào khác.
Đến lúc dâng Đức Giêsu trong đền thờ, ông già thánh thiện Si-mê-on đã bế Đức Giêsu trên tay và hân hoan nói tiên tri về Ngài “ơn cứu độ của Ít-ra-el” (c 30-32), thì ông bà vẫn im lặng, suy gẫm mọi lời của cụ già mà không có thái độ tự mãn hay kiêu hãnh về vai trò của mình.
Đó quả là thái độ khiêm tốn và vâng phục cách tín trung trong mọi biến cố của các ngài. Điều đáng cho ta suy ngẫm.
2.   Cậu bé Giê-su, nêu gương giữ luật.
Cậu bé Giê-su ấy chính là Ngôi Lời nhập thể, nhưng lại chọn hiện diện với con người bằng thân phận nghèo hèn, để thấu cảm cảm sự “cùng khổ khốn cùng” của con người nơi dương thế (sinh ra nơi hang lừa, chết nhục trên thập tự). Vị Thiên Chúa ấy đã chịu để cho cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa Cha theo lề luật. Đó là thái độ rất “người”, mà đã là người thì luôn tùng phục Đấng tác tạo nên mình. Ngài đã không đòi hỏi một vị thế của Thiên Chúa ở trần thế, nhưng là một mẫu gương vâng phục Chúa Cha trong mọi sự bởi nhân tính của mình. Tôi là thụ tạo, chẳng lẽ tôi nên làm khác hơn Đức Giêsu chăng?
3.   Cụ già Si-mê-on, khát khao và kiên nhẫn đợi chờ ơn cứu độ.
Cụ già Si-mê-on là con người kiên nhẫn, thánh thiện và hằng khát khao ơn cứu độ của It-ra-el. Bởi lòng khát khát mãnh liệt ấy của cụ, Thiên Chúa đã hứa cho cụ thấy Đấng Mê-si-a trước lúc nhắm mắt lìa trần. Hôm nay, được Thánh Thần thúc đẩy, cụ đã vào đền thờ và được bồng ẩm Đức Giêsu trên đôi tay của mình và miệng không ngớt lời hân hoan ca tụng (x. c 27-32). Thiên Chúa đã hoàn tất ước mơ của cụ, và cũng là ước mơ cho dân tộc It-ra-el, cho mỗi người chúng ta.
Trong đời sống đạo, tôi có khát khao Chúa, khát khao ơn cứu độ cho chính tôi như thế chăng?
Chiêm ngắm các nhân vật trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, giúp chúng ta ý thức lối sống đạo của mình bằng hai thái độ.
-                     Vâng phục và thực thi luật Chúa cách khiêm tốn và trung thành như gia đình Chúa. Bởi Luật Chúa là luật sự sống, sẽ dẫn chúng ta đến sự thiện hảo và vinh phúc vĩnh cửu.
-                     Lòng khát khao chờ đợi Chúa như cụ già Si-mê-on. Bởi lẽ, chỉ có lòng khát khát chân thành, sự kiên nhẫn bền chí mới giúp chúng ta gặp được Chúa trong đời sống này. Nhờ đó, ta luôn vui tươi hạnh phúc qua lối sống của người Ki-tô hữu và vững tâm mong đợi Chúa đến lần thứ hai.
Lạy Chúa Giê-su Hài Đồng, xin ban cho chúng con Thánh Thần bình an và hoan lạc của Chúa, để trong mọi bộn bề của đời sống thường nhật chúng con biết tin tưởng và tín thác vào Lòng Thướng Xót của Chúa. Amen.
(Xuân Hạ, O.M.I)


NGÀY 29/12 /2015

Lc 2,28-35
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giêrusalem, có một người tên là Simêon. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Ðấng Kitô của Ðức Chúa. Ðược Thần Khí run rủi, ông lên Ðền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Ðó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simêon vừa nói về Người. Ông Simêon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen phải vấp ngã hay được trỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra.”


Một đêm khuya nọ, tại một vùng quê hẻo lánh bên Anh quốc, một cậu bé hấp hối và người mẹ goá phải đi bộ cả chục cây số để tìm bác sĩ. Nhìn dáng vẻ quê mùa nghèo nàn của người đàn bà, ông bác sĩ không tỏ ra mấy sốt sắng. Ông bác sĩ định từ chối. Thế nhưng bị lương tâm nghề nghiệp cắn rứt, cuối cùng ông đã đến chữa bệnh cho đứa bé. Sau này đứa bé đó đã trở thành một trong những nhà chính trị lỗi lạc nhất của nước Anh. Người Mỹ thường nói : " Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một tổng thống tương lai của Hoa Kỳ". Qủa thực mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang lại hy vọng cho người lớn. Với cái nhìn đức tin thì niềm hy vọng ấy lại càng lớn lao hơn. Đó là cái nhìn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu. Nơi Hài nhi Giêsu, cụ đã nhận ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại vinh quang của Israel Dân Chúa. Thế nhưng ánh sáng và vinh quang ấy được tỏ lộ xuyên qua tăm tối của Thập giá và khổ đau.
Đó cũng là cái nhìn chúng ta phải có khi chiêm ngắm Hài nhi trong máng cỏ. Trong Hài nhi bé nhỏ chúng ta nhìn thấy Đấng cứu độ trần gian, trong cảnh nghèo hèn tăm tối của máng cỏ, chúng ta nhận ra hào quang sáng chói của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Sứ điệp trang TM hôm nay cho chúng ta những nhận thức và những bài học áp dụng cho cuộc sống:
1. Câu chuyện Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thờ thường được hiểu như là sự tuân phục Lề Luật. Điều đó không sai, vì Con Thiên Chúa xuống thế trong lòng dân tộc Do thái thì phải vâng theo Lề Luật Do Thái. Đó cũng là việc tiến dâng Chúa Giêsu cho Chúa Cha của Cha Mẹ Hài Nhi Giêsu.Nghi lễ dâng con trai đầu lòng có mục đích nhắc lại rằng mỗi con trai đều là của thánh, thuộc về Thiên Chúa. Ngôi Hai nhập thể muốn chứng tỏ mình là Con của Chúa Cha. Người Kitô hữu chúng ta được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa Tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Cho nên chúng ta hãy ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó.
Hài Nhi Giêsu được dâng vào đền thánh là Đấng Cứu Thế. Thế nhưng không một ai thuộc giới lãnh đạoGiêrusalem, không một ai trong hàng tư tế luật sĩ ra đón chào. Ngược lại, kẻ chào đón Vua của mình chỉ là ông Simêon và bà Anna : những kẻ thuộc nhóm những người nghèo của Giavê. Ngày diễm phúc vĩ đại đến với thành Thánh, thì chỉ có hai con người thấp kém, tầm thường, được ơn nhận biết diễm phúc. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ, khó nghèo, khiêm nhường và thanh thoát mới dễ đón nhận ơn soi sáng của Chúa để thực thi ý Chúa và nhận ra diễm phúc của mình. 
2 - Nhìn vào thánh Giuse và Đức Mẹ chúng ta thấy dù ông bà đang được diễm phúc làm mẹ Thiên Chúa và làm cha nuôi Chúa Giêsu. Đáng lẽ 2 đấng phải đòi hỏi đặc ân riêng cho mình, nhưng hai Đấng vẫn khiêm nhường tuân giữ lề luật : thanh tẩy và dâng con vào Đền Thờ. Noi gương hai Đấng : người kitô hữu chúng ta không nên tìm đặc ân gì để miễn chước cho mình những bổn phận đối với xã hội, cộng đoàn, gia đình và tha nhân, nhưng phải khiêm nhường đơn sơ và nhiệt tình tuân giữ mọi lề luật chính đáng. 
3. Nhìn vào ông Simêon : Sau khi đã nhận ra Hài nhi Giêsu là đấng Cứu Thế, ông đã bồng ẵm Chúa trên tay, cảm thấy tâm hồn mình bình an và thốt lên bài ca chúc tụng. Tâm hồn chúng ta chỉ có bình an thật khi có Chúa ở cùng; trái lại khi ta cảm thấy bất an trong tâm hồn, đó là dấu chỉ tâm hồn ta vắng bóng Chúa. Simêon mới được nhìn thấy và ẵm Chúa vào lòng mà ông đã cảm nghiệm được diễm phúc lớn lao như vậy, huống chi người kitô hữu chúng ta được rước Chúa vào lòng khi chúng ta hiệp lễ. Nhưng liệu chúng ta có biết cảm tạ Chúa sau khi được rước Chúa vào lòng không ? 
Nguyện xin Hài nhi Giêsu tiếp tục ban ơn và chúc lành cho tất cả mọi người trong cộng đoàn gx chúng ta biết hiệp thông với Chúa qua việc chu toàn luật Chúa và Giáo Hội bằng cách siêng năng tham dự thánh lễ, rước lễ và chuyên cần cầu nguyện theo mẫu gương của Thánh Gia. Cũng như biết hiệp thông với nhau bằng đời sống bác ái chia sẻ. Nhờ đó mà ánh sáng Tình Yêu Chúa được lan tỏa đến với mọi người, nhất là những người còn sống trong bóng tối của nghèo khổ và thất vọng trong cuộc sống hôm nay. Amen

NGÀY 28 / 12 / 2015

CÁC THÁNH ANH HÀI TỬ ĐẠO
Mt 2,13-18
Đức Thánh GH Gioan Phaolô II khi còn tại vị trong ngôi Giáo Hoàng đã viết thư gửi các thiếu nhi trên thế giới nhân năm quốc tế gia đình:" Những gì đã xảy ra cho Hài nhi Giêsu ở Belem cũng đang xảy ra cho các trẻ em trên khắp thế giới. Có biết bao trẻ em đang là nạn nhân của đói khổ, của chiến tranh, đang bị cha mẹ bỏ rơi, đang trong cảnh màn trời chiếu đất, đang đau khổ vì biết bao hình thức bạo động và gây hấn cuả người lớn"
Thật vậy, một trong những thảm trạng của thời đại chúng ta đang sống, đó là sự trà đạp hay chối bỏ quyền của trẻ em. Thảm trạng đã xảy ra cho trẻ em Do thái thời Chúa Giêsu sinh ra, ngày nay cũng đang được tiếp diễn trên khắp thế giới. Vấn đề trẻ em là một vấn đề chiến lược của thế giới, vấn đề trẻ em là vấn đề chính sách quốc gia.
Trang TM chúng ta vừa nghe đọc chỉ duy nhất có Thánh Matthêu thuật lại việc Vua Hêrôđê tìm giết các con trẻ tại Bêlem và toàn vùng lân cận. Theo gia phả thì Hêrôđê thuộc dòng tộc Esau. Ông giết vợ con mình, ông cướp vợ của người anh, ông giết cả tiên tri Gioan tiền hô. Và ông phạm tội tầy trời mà sử sách lưu truyền khi ông ra lệnh tru diệt tất cả các hài nhi mới sinh tính từ hai tuổi trở xuống. Tại sao ông lại có hành động dã man như thế? Thưa: Hài Nhi Giêsu được tiên báo là Vua Do Thái. Ông sợ rằng vị Vua ấy sẽ cướp đi vương miện của ông.Ông tính toán rằng, các hài nhi mới sinh làm sao đi xa được. Và khi ra lệnh giết các hài nhi , ông sẽ gối cao đầu ngủ yên và sẽ được sống lâu vì chắc chắn sẽ có Hài Nhi Giêsu trong số trẻ em mà ông ra lệnh giết. Nhưng ông không ngờ rằng Thánh Giuse và Đức Mẹ được sứ thần báo mộng đã đem Hài Nhi Giêsu trốn sang Ai Cập ngay trong đêm trước khi lệnh của ông được ban ra.
Tội nghiệp thay cho các trẻ nhỏ Do Thái sinh cùng thời với Hài Nhi Giêsu. Chúng vô tội mà bị giết, chúng đã chết vì đức Kitô mà chúng không hề biết. Chính Chúa đã làm cho những em bé măng sữa chưa biết nói này thành những chứng nhân của đức tin. Các thơ nhi đó khóc thét trong giây lát khi bị tên bạo Chúa Hêrôđê giết, để cười mãi trong vĩnh cửu vinh quang. Các em chưa biết nói gì mà đã biết tuyên xưng bằng sự sống. Các em chưa biết dùng chân tay để tự bảo vệ giao chiến mà đã giật được cành vạn tuế vinh quang. 
Thiếu nhi chúng con thân mến, chúng con có một địa vị xứng đáng của nước trời. Trẻ em là giấc ngủ của bình minh, là hương hoa của mùa Xuân vạn đại, là hạt giống nảy mầm vươn lên của cánh đồng, là những đọt non của cuộc sống khởi đầu. Cho nên, khi ý thức được như vậy, chúng con phải biết đóng góp cuộc đời của chúng con đem ơn cứu rỗi cho mình và cho nhân loại bằng việc chăm chỉ học hành, vâng nghe lời dậy bảo của cha mẹ thầy cô, siêng năng cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, và học hỏi giáo lý. 
Thưa những bậc làm cha mẹ, làm anh chị trong gia đình! chúng ta cần phải ý thức rằng với tư cách là cha mẹ, là anh chị, là người thâm trong gia đình, tất cả chúng ta đều là những người trước tiên có trách nhiệm đối với con em chúng ta. Thánh Giuse và Đức Maria đã lặn lội đưa Hài nhi trốn sang Ai cập, đó là điển hình của những bậc cha mẹ có trách nhiệm đối với sự sống của con cái. Sống cho con cái, giáo dục chúng nên người, đó là trách nhiệm hàng đầu của bậc cha mẹ.Nguyện xin Hài nhi Giêsu soi sáng hướng dẫn chúng ta trọng trách dưỡng dục con cái. Xin ngài đánh động chúng ta trước thảm cảnh của biết bao trẻ em đang lâm cảnh khốn khổ chung quanh chúng ta và ban cho chúng ta tấm lòng quảng đại để góp phần xoa dịu thương đau của dân tộc mà chính các thiếu nhi phải gánh chịu.