Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

01/08/2015 Thứ Bảy Tuần XVII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Mt 14, 1-12"Hêrôđê sai người đi chặt đầu Gioan, và các môn đệ của Gioan đi báo tin cho Chúa Giêsu".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: "Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy". Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: "Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ". Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: "Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con". Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu. Đó là lời Chúa.CHIA SẺ PHÚC ÂM:Trong Tin Mừng hôm nay, tác giả hai lần nhắc đến Gioan Tẩy giả trong tương quan với Chúa Giêsu.Ở khởi đầu trình thuật, vua Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì ông cho đó chính là Gioan Tẩy giả, người mà ông đã cho chém đầu nay sống lại. Ơn gọi của Gioan Tẩy giả như chính miệng ông Zacaria loan báo trong ngày lễ đặt tên cho con mình: "Con là tiên tri của Ðấng tối cao, con sẽ đi trước dọn đường cho Ngài". Ơn gọi đó Gioan đã chu toàn một cách tốt đẹp. Gioan chuẩn bị cho Chúa Giêsu đến, không những bằng việc rao giảng thống hối, mà còn bằng chính cái chết vì trung thành với sự thật. Dung mạo của Gioan Tẩy giả loan báo dung mạo của Chúa Giêsu một cách tốt đẹp, đến nỗi khi Chúa Giêsu xuất hiện, vua Hêrôđê tưởng Ngài là hiện thân của Gioan Tẩy giả sống lại."Các con sẽ làm chứng về Thầy", đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu cho các Tông đồ, cho mỗi môn đệ của Chúa. Chúng ta cần trở nên một Chúa Kitô cho anh em mình, vận mệnh của Chúa sẽ là vận mệnh của chúng ta.Một chi tiết nữa, đó là các môn đệ Gioan Tẩy giả, sau khi chôn cất ông xong, thì đến báo tin cho Chúa Giêsu. Chi tiết này nói lên mối liên hệ thân tình giữa Gioan Tẩy giả và Chúa Giêsu, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Gioan Tẩy giả là hướng về Chúa Giêsu. Gioan Tẩy giả không phải là Chúa Giêsu, nhưng là người giúp anh em mình đến với Chúa. Chính Gioan Tẩy giả đã tuyên bố: "Tôi không phải là ánh sáng, nhưng tôi đến để làm chứng cho ánh sáng".Người Kitô hữu được mời gọi sống hướng về Chúa, kết hợp với Chúa, trở thành một Chúa Kitô thứ hai cho anh em. Nhưng đó là để giúp anh em đến với Chúa, chứ không dừng lại nơi mình. Người Kitô hữu không được chiếm chỗ của Chúa trong tâm hồn anh em: Chúa Kitô phải lớn lên trong tâm hồn anh em, còn tôi chỉ là phương thế, tôi không được cản trở anh em đến với Chúa.Xin Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm và trung thành với sự thật, dù phải hy sinh chính mạng sống mình, để giúp người khác đến với Chúa và tin nhận Chúa.Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã vượt qua những nỗi sợ cho bản thân để sống trọn thánh ý Chúa Cha. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, cũng vượt lên trên những nỗi sợ vu vơ của dư luận chê cười, của “ném đá” chê bai vì dám nói lên sự thật về Chúa và về con người. Xin cho chúng con không vì sợ mà đi xa đường lối Chúa. Amen.

01.08.2015 – Thứ bảy Tuần 17 Thường niên


"Lời Chúa: Mt 14, 1-12
Thời ấy, tiểu vương Hêrôđê nghe danh tiếng Ðức Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Ðó chính là ông Gioan Tẩy Giả; ông đã từ cõi chết trỗi dậy, nên quyền làm phép lạ mới tác động nơi ông.” Số là vua Hêrôđê đã bắt trói ông Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, là vợ ông Philipphê, anh của nhà vua. Ông Gioan có nói với nhà vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan, nhưng lại sợ đám đông, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một vài điệu vũ trước mặt quan khách, làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho. Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu ông Gioan tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô ta đem đến cho mẹ. Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem chôn, rồi đi báo cho Ðức Giêsu.

Suy niệm
 Hêrôđê với sức mạnh và uy quyền trong tay, ông đã làm một điều trái luân thường đạo lý là dụ dỗ và lấy chị dâu của mình làm vợ. Ông đã không nghe lời khuyên của Gioan Tẩy giả. Trái lại, ông còn bắt trói Gioan tống ngục và thủ tiêu. Điều này nói lên rằng, tâm hồn ông bất an, lương tâm ông không còn trong sáng. Ông đã không ngần ngại dùng những thủ đoạn gian ác để nhằm đạt được thỏa mãn cho riêng mình. Vì những hành động đó, ta thấy ông cũng là một con người yếu hèn: sợ hành vi sai trái của mình, sợ dân chúng và sợ mất danh dự. Còn Gioan Tẩy giả là một vị ngôn sứ sống trung thành với sứ mạng tiền hô của mình, được dân chúng kính nể. Ông đã can đảm nói lên sự thật dù biết rằng điều đó đe dọa đến chính mạng sống của mình. Ông thật xứng đáng là người dọn đường cho "Đấng là sự thật". Hêrôđê cảm thấy sợ khi phải đối diện với Gioan Tẩy giả, người tiền hô cho Đấng lả Chân Lý.
 Con người hôm nay đang sống trong hoàn cảnh xã hội mà vàng thau lẫn lộn, thật giả khó lường, cán cân công lý bị chi phối bởi sức mạnh của quyền lực và vật chất. Nhiều người chạy theo mục đích trước mắt bất chấp những phương tiện xấu. Xã hội được vận hành bằng sự dối trá, lừa lọc và muốn hất văng những gì là sự thật, chân lý. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người dám làm chứng cho sự thật và chân lý thì lại bị những quyền lưc cao nhất trong xã hội tấn công và loại trừ. Sống trong hoàn cảnh như thế, ta có thái độ như thế nào trước những bất công, sai trái? Ta có dám thẳng thắn, can đảm đối diện với sự thật hay ta im lặng, né tránh hay thoái lui trước sức mạnh của quyền lực? Sứ mạng của người làm chứng cho Tin Mừng Chúa Giêsu không gì khác hơn là dám nói sự thật, sống sự thật và làm chứng cho sự thật trong mọi biến cố của cuộc sống. Ta hãy nhìn vào cuộc đời của thánh Gioan Tẩy giả như một mẫu gương sống động trên hành trình bước theo Thầy Giêsu, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống.

Lạy Chúa, Chúa là đường, là sự thật và là sự sống. Xin ban cho chúng con được ơn can đảm sống theo tiếng lương tâm, dám đón nhận sự thật và làm chứng cho sự thật. Dù có phải chịu thiệt thòi, mất mát, hy sinh, thì chỉ khi sống theo sự thật, chúng con mới thuộc về Đấng là Ánh Sáng và Chân Lý. Amen.

CHÚA NHẬT 18 THƯỜNG NIÊN - B


Xh 16,2-4.12-15; Eph 4,17.20-24; Ga 6,24-35
T
ÍN THÁC NƠI CHÚA
“Chính tôi là bánh trường sinh. 
Ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Xh 16,2-4.12-15
    Sách Xuất Hành là quyển thứ hai trong bộ Ngũ Thư, tức 5 quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh (Sáng Thế – Xuất Hành – Lê-vi – Dân Số và Đệ Nhị Luật). Về nội dung, sách Xuất Hành ghi lại hai cột mốc quan trọng trong lịch sử cứu độ: Cuộc Xuất Hành của dân Israel khỏi Ai-cập (chương 1-18), và việc Thiên Chúa thiết lập Giao Ước với họ tại Núi Sinai (chương 19-40). Đây là hai sự kiện nền tảng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại. Có thể nói được, phần lớn các sách còn lại của Kinh Thánh phản ánh sự tương tác, giải thích, ứng dụng, hay kiện toàn chương trình cứu độ của Thiên Chúa như đã được Người mặc khải trong sách Xuất Hành. 
    Trong cuộc Xuất Hành khỏi Ai-cập, dân Israel đã gặp phải ba vấn nạn chính mà bất cứ ai đi trong sa mạc thường phải đối diện: vấn nạn về nước uống (Xh 15,22-27; 17,1-7), vấn nạn về lương thực (Xh 16), và vấn nạn về quân thù (Xh 17,8-16). Khi gặp phải những vấn nạn này, dân Israel thường kêu trách Moses và Aharon là hai nhà lãnh đạo Thiên Chúa đã đặt lên để dẫn dắt họ tiến về Đất Hứa. Xh 16, 3 ghi lại nội dung một trong những lời than trách đó: 
    “Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!”
    Lời than trách này hàm ý: cuộc sống tại sa mạc này tồi tệ hơn nhiều so với cuộc sống tại Ai-cập; tại sao phải bỏ lại sau lưng cuộc sống tốt đẹp hơn để nhận về một cuộc sống cơ cực? Tại sao lại bỏ “sự sống” tại Ai-cập để ôm lấy “cái chết” tại sa mạc này ? 
    Đành rằng cuộc sống tại sa mạc bao giờ cũng khó khăn và đầy thử thách. Nhưng cuộc sống của dân Israel trước đó tại Ai-cập không phải là mầu hồng như họ cường điệu ở đây. Làm gì có cảnh dân Israel bình an “ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê”. Các chương đầu của Sách Xuất Hành cho chúng ta thấy rõ cuộc sống của họ tại đó thật cơ cực và tủi nhục. Hơn nữa, dân tộc của họ đang phải đối diện với nguy cơ bị diệt vong tại Ai-cập sau những chính sách tàn bạo của Pharaoh (x. chương 1 và chương 5). Như thế, đằng sau những lời than trách này là thái độ thiếu niềm tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng vừa cho họ thấy cánh tay hùng mạnh của Người, khi Người dìm đoàn hùng binh của Pharaoh xuống lòng Biển Đỏ (x. Xh 14, 15-31). 
    Đứng trước lời than trách mang đậm tính kết án và thiếu niềm tin này, Thiên Chúa đã không đánh phạt dân, nhưng tỏ lòng xót thương họ, vì họ như một cậu thanh niên đang trong giai đoạn nổi loạn, rất cần nhận được sự tha thứ và kiên nhẫn từ phía cha mẹ trước khi cậu đạt đến độ tuổi trưởng thành. Thiên Chúa đã đáp trả những lời than trách ấy bằng việc Người hứa ban “bánh từ trời cho họ” (x. c4). 
    Thật vậy, Thiên Chúa đã ban cho dân thức ăn: chim cút vào ban chiều, và manna vào ban sáng. Ở đây, manna được mô tả chi tiết hơn, tạo được sự hứng thú nhiều hơn đối với dân Israel. Chi tiết văn chương này hàm ý: Manna sẽ có một vị thế quan trọng trong các bữa ăn thường ngày của dân Israel trên hành trình tiến về Đất Hứa. Còn chim cút thỉnh thoảng được ban, chứ không thường nhật như manna (x. Ds 11). Sách Giôsuê cho chúng ta biết, dân Israel dùng manna làm lương thực hằng ngày mãi cho đến khi họ cử hành xong đại lễ Vượt Qua tại vùng thảo nguyên Giêrikhô. Vào thời điểm đó, manna không còn nữa, và dân Israel bắt đầu dùng thổ sản trong đất Canaan (x. Gs 5,10-12). 
2. Bài đọc 2: Eph 4,17.20-24
    Thư gửi tín hữu Êphêsô có lẽ được thánh Phaolô viết khi ngài bị cầm tù tại Roma (x. Cv 28). Qua lá thư này, thánh Phaolô nhắc chúng ta về một chân lý quan trọng: Nhờ máu của Chúa Giêsu Kitô mà các tín hữu, dù là Do thái hay dân ngoại, đã được hiệp nhất thành một dân mới, thành một nhân loại mới (x. Ep 2,11-22). Vậy để chúng ta sống xứng đáng hơn với tư cách thành viên cao quí này, thánh Phaolô, qua Ep 4,17.20-24, khuyên các tín hữu cần phải biết cởi bỏ con người cũ, vốn bị những ham muốn lừa dối, để mặc lấy con người mới, vốn được thể hiện qua việc sống công chính và thánh thiện.  
3. Bài Tin Mừng: Ga 6,24-35
    Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu minh định: không ai khác nhưng chính Cha Ngài đã ban bánh từ trời xuống nuôi dân Israel trên hành trình họ tiến về Đất Hứa, như chúng ta đã tìm hiểu ở bài đọc 1. Hơn nữa, trong cách nói của mình, Chúa Giêsu còn đi xa hơn việc đề cập đến manna vật chất, khi Ngài đề cập đến “bánh đích thực”, “bánh đem lại sự sống cho thế gian”. Bánh đích thực và trường sinh này chính là Ngài, để những ai thành tâm đến với Ngài, sẽ “không hề phải đói”, và ai tin vào Ngài, sẽ “chẳng khát bao giờ”. Như thế, Chúa Giêsu trở nên nguồn suối sự sống cho con người ở mọi thời. Cuộc sống của con người nhờ Ngài sẽ không còn bị giới hạn vào thế giới này, không còn bị đóng khung vào không gian và thời gian, nhưng vươn tới sự sống vĩnh cửu trường tồn. 
    Điều kiện để chúng ta có thể tiếp nhận được nguồn suối sự sống là chính Ngài, chính là việc chúng ta tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng được Chúa Cha sai đến cứu độ trần gian. Niềm tin ấy, tuy nhiên, cần phải được thể hiện trong cuộc sống thường ngày của chúng ta bằng những hành động tốt đẹp, nhằm sinh hoa kết trái chân thiện mỹ ngay từ cuộc sống đời này, vì “đức tin mà không có hành động là đức tin chết” (x. Gc 2,17).

II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Thiên Chúa luôn tỏ lòng xót thương Dân Người. Dù họ kêu trách và chống đối hai nhà lãnh đạo Moses và Aharon, tức là chống đối chính Người, Người vẫn ban bánh từ trời xuống nuôi sống họ trong suốt 40 năm hành trình trong sa mạc để tiến về Đất Hứa. Có khi nào tôi thấy nơi mình cũng có thái độ trách móc, oán than Thiên Chúa, như dân Do-thái xưa kia, nhưng đồng thời cũng nghiệm thấy lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa đối với mình ?
2/ Thánh Phaolô khuyên chúng ta phải cởi bỏ “con người cũ” vốn bị những ham muốn lừa dối, vậy “con người cũ” là gì đối với tôi, và những ham muốn nào đang lừa dối tôi vào lúc này ? Làm thế nào để tôi có thể chiến thắng được con người cũ nơi mình ?
3/ Đức tin của tôi vào Chúa Giêsu Kitô hiện đang ở mức nào ? Ngài có thực sự là nguồn sống trường sinh của tôi vào lúc này, hay là tôi đang cậy dựa vào những thứ khác ? Nếu có, thì đâu là những thứ tôi đang bám vào ? Chúng có thực sự giúp tôi sống viên mãn không ? Làm thế nào niềm tin của tôi vào Chúa Giêsu mỗi ngày được thêm củng cố ?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa tình thương đã ban chính Con Một yêu dấu của Người làm “bánh ban sự sống” cho nhân loại. Cộng đoàn chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tin tưởng tha thiết nài xin.
1. “Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh luôn ý thức chăm sóc đoàn chiên Chúa trao bằng lương thực thần linh, qua việc cử hành và cổ vũ lòng sùng kính Bí tích Thánh Thể.
2. Chúa Giêsu nói :“Các ngươi hãy tin vào Ðấng Thiên Chúa sai đến.” - Chúng ta cùng cầu xin cho các dân tộc và quốc gia chưa đón nhận hay có thành kiến với niềm tin Kitô giáo, biết khao khát tìm kiếm chân lý và mở lòng trước Tin Mừng cứu độ mà Chúa Giêsu loan báo.
3. “Hãy ra công làm việc vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời.” - Chúng ta cùng cầu xin cho những ai đang chạy theo lối sống hưởng thụ vật chất, biết trân trọng và quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng để tìm thấy hạnh phúc đích thực và trường tồn.
4. “Hãy lột bỏ con người cũ và trở nên mới trong lòng trí anh em.” - Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, khi siêng năng tham dự thánh lễ và sốt sắng rước Chúa, được ơn thánh biến đổi trở nên những con người mới trong đời sống chứng tá.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và rộng ban muôn ơn lành giúp chúng con biết nhiệt tâm phụng sự Chúa và phục vụ mọi người, hầu đáng được thông phần sự sống Chúa ban qua Đức Giêsu Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

ĐỨC GIÊSU, BÁNH TRƯỜNG SINH

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

(Ga 6,24-35).
I. VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.
1. Từ lương thực “mau hư nát”... đến lương thực “trường tồn":
       Sau phép lạ hóa bánh, Đức Giêsu “đã lánh mặt đi lên núi một mình”. “Chiều đến”, các môn đệ Người xuống thuyền đi sang “bên kia Biển Hồ”, còn Đức Giêsu lát sau đó “đi trên mặt biển” mà đến với các ông. Hôm sau đám đông cũng xuống thuyền vượt qua Biển Hồ về hướng Capharnaum để tìm kiếm Người. Mọi người sắp được Chúa mời gọi sống một cuộc “vượt qua” khác, sâu xa hơn nhiều: vượt qua từ bánh hóa nhiều đến với Đấng ban bánh ấy, vượt qua từ dấu chỉ là bánh đến với Đấng chính là bánh trường sinh.
- Trước tiên Chúa cảnh giác đánh thính giả của Người về mong muốn lệch lạc của họ. Họ có sự hiểu lầm về lương thực (xem sự hiểu lầm của phụ nữ Samari về nước uống): “Các ông đi tìm tôi, Chúa nói với họ, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. X.Léon-Dufour nhận xét: “Động cơ thúc đẩy họ vẫn là mùi vị của bánh trần gian: họ đã không nhìn thấy trong ân huệ bánh dư thừa, dấu chỉ của một lương thực khác phải tìm kiếm, thứ lương thực thường tồn ban phúc trường sinh mà Con Người sẽ ban cho” (“Lecture de l'Evangile de Jean”, cuốn II, Seuil, trang 132). Chính thứ lương thực này mà con người phải khao khát được ăn; chính vì lương thực ấy mà con người phải “làm việc” để kiếm tìm.
- Ngộ nhận mới do những từ ngữ “làm”, “những việc” gợi nên. Dân chúng hỏi: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn?” Theo họ nghĩ, đó là những việc bên ngoài mà Chúa đòi hỏi nơi những kẻ thờ phượng Người, như những nghi lễ và một số những việc khác.
Lập tức Đức Giêsu bắt họ bỏ qua “những việc” (số nhiều) để nghĩ đến “Việc Thiên Chúa” (số ít); bởi lẽ “việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”.
2. Từ “bánh bởi trời”... đến chính Đấng là “bánh trường sinh"
Những người đàm đạo với Chúa xem ra sẵn lòng tin nhận Người là Đấng Thiên Chúa sai đến, nhưng dẫu sao cũng có điều kiện: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông?”.
Dân chúng vừa mới được thấy dấu lạ là bánh hóa nhiều, thế mà họ còn đòi xem một dấu lạ khác, thì kể cũng là lạ thường. Nhưng ta đừng quên câu chuyện mới xảy ra gần đây, khi những người miền Galilê này đã coi Đức Giêsu như Vị Ngôn sứ, đó là: theo truyền thống tiên tri, một dấu lạ được chứng thực là đúng thì phải được người thực hiện nó loan báo trước. X. Léon-Dufour còn nhấn mạnh: “Thực ra người ta không đòi hỏi Chúa thực hiện ngay dấu lạ, mà chỉ cần nói cho biết Người sẽ làm dấu lạ nào” (O.C., trang 134).
Giống như phụ nữ Samari nại đến tổ phụ Giacóp (4,12), những người Do Thái nại đến tổ phụ Ápraham, thì đám đông người miền Galilê nại đến Môsê, người đã bầu cử với Chúa ban cho có manna: “Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc”.
- Đức Giêsu đã bài bác lối giải thích của họ, dựa vào lời họ trưng dẫn trong sách Xuất hành mà làm bằng cứ:
+ Người ban manna, “bánh bởi trời” không phải là Môsê, như ý họ muốn nói, nhưng là Đấng mà Người gọi là “Cha” của Người.
+ Điều cải chính trên về ai là kẻ ban phát manna không chỉ nói về thời dĩ vãng xa xưa của cha ông họ khi Xuất Hành, mà còn liên quan tới thời buổi này đối với những kẻ đang nghe Chúa nói. Ân huệ manna đó được ban cho chính họ ngay lúc này, ơn huệ đó là đích thực. Lương thực Chúa Cha ban cho hôm nay làm cho hình ảnh manna tiên báo và những lời hứa của Luật được ứng nghiệm. X.Léon-Dufour viết tiếp: “Giữa quá khứ và tương lai thì đây là “hiện tại” của Thiên Chúa. Từ việc nhớ lại “manna trong sa mạc” (hồi ức) và khao khát “được ăn mãi thứ bánh ấy” (trông mong) người ta đạt tới thực tại mang tính bản thể” (O.C., trang 137).
+ Sau cùng “Bánh Thiên Chúa ban, bánh từ trời xuống” không chỉ dành riêng cho một mình dân Israel thôi. “Bánh đem lại sự sống cho thế gian” ấy, hết mọi dân tộc trên trái đất đều có quyền được hưởng.
- “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy”, dân chúng liền nói, giống như phụ nữ Samari đã nói với Đức Giêsu bên bờ giếng Giacóp: “Thưa Ngài, xin Ngài cho tôi thứ nước ấy” (4,15).
- Với lời lẽ trang trọng Chúa nói với họ “chính tôi đây là bánh trường sinh”, bánh các ông ao ước ăn đó, là chính tôi đây. “Đức Giêsu làm ứng nghiệm nơi Người hình ảnh manna mang tính cánh chung vậy” (X.Léon-Dufour, Sđd, trang 136).
Bởi vậy, điều kiện duy nhất để được ăn bánh đó là “đến” với Người và “tin” vào Người. Vì tự coi mình là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa (Kn 9,1: bài đọc I Chúa nhật 20), là Nguồn sống đáp ứng được sự đói, khát của con người, Đức Giêsu trân trọng mời gọi anh em Người tới dùng bữa: “Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ”.

II. BÀI ĐỌC THÊM.
1.      “Từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ biểu thị”
     (R.Josse trong “Célébrer” tạp chí của CNPL, số 240, trang 41).
Câu hỏi tỏ vẻ quan tâm ghi ở đầu trình thuật này ("Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy") cho thấy đám đông có phần nào bị lạc hướng. Họ đã tìm kiếm Đức Giêsu, nhưng không phải để hiểu biết Người: dấu lạ đã chỉ khơi dậy nơi lòng họ ước muốn có bánh ăn, chứ không phải niềm khao khát được ánh sáng soi rọi giúp hiểu biết về con người Đức Giêsu. Họ chẳng hiểu được ám chỉ về quyền năng của Con Người. Theo kiểu đối thoại, Tin Mừng Gioan lần lượt trình bày cho biết sự ngộ nhận do họ không hiểu biết.
Họ ỷ mình đã từng được biết câu chuyện manna ghi trong sách thánh. Đức Giêsu vịn vào lý lẽ của họ và hướng người nghe chú tâm đến Thiên Chúa: Môsê xưa đã cho các ngươi ăn bánh bởi trời, nhưng không phải là bánh bởi trời đích thực, mà chỉ là bánh nếm thôi. Trong Xuất Hành, manna nói lên ân huệ cụ thể thật cần thiết, là lương thực được cung cấp sáng chiều: người ta hầu như nghĩ tưởng đến trình thuật về sáng tạo, lực sáng tạo của Chúa hoạt động một cách vô cùng rộng rãi. Nhưng ân huệ ấy vì là dấu chỉ thôi thúc lòng tin, nên phải nhắc nhở (con người thụ hưởng) nhớ đến Đấng ban phát ơn tuy mắt không thấy, nhưng Ngài vẫn hiện diện và hoạt động, vẫn lèo lái con đường giải thoát. Bánh Chúa ban, lúc này đây, là chính Đấng từ trời xuống, Đấng đem lại sự sống cho thế gian.
Cuộc đối thoại sẽ còn dẫn đến một ngộ nhận mới cũng giống như ngộ nhận của phụ nữ Samari nơi Ga 4,15: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh đó!”. Nay Chúa không lấy một cái gì đó mà cho người ta, Chúa cho chính mình Người. Từ quan tâm đến việc Chúa làm, người ta chuyển quan tâm đến Người là ai. nghĩa là phải từ bánh được ban tới Người ban bánh, từ dấu lạ tới Đấng mà dấu lạ ấy biểu thị. Lòng tin vào Đức Kitô đòi phải có một chuyển biến sâu xa tự thâm căn con người vậy.
2.      “Lương thực đích thực”
 (Đức Cha L.Daloz, trong “Nous avons vu sa gloire”, Desclée de Brouwer, trang 81-82).

“Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến”. Lời khẳng định mạnh mẽ này phơi bày điều thầm kín từ đáy lòng họ. Họ đã biết đôi chút về Đức Giêsu. Họ đã muốn tôn Người làm vua, sau khi được thấy dấu lạ hóa bánh. Điều Chúa yêu cầu họ lúc này có tính cách bó buộc. Họ phải tin vào Người, phải từ bỏ những tính toán riêng tư để đem lòng tin cậy Người. Đó cũng chính là vấn đề quyết liệt được đặt ra cho tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu, cho cả chính chúng ta nữa. Ta có nhận là không nhờ Người để rà xem những ý tưởng riêng tư của ta đúng hay sai, để thực hiện những chương trình của ta, mà trái lại ta biết nhờ Người giúp đi vào chương trình Người hoạch định, đi theo Người đến nơi Người muốn đưa ta đến? Những người đàm đạo với Chúa khi ấy lẫn tránh không muốn sự lựa chọn quyết liệt này. Họ muốn được kiểm chứng, họ cần phải có được một cuộc “giám định lại”, một dấu lạ khác... Họ không muốn dấn thân: “Ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây?”. Tuy họ đã được thấy dấu lạ về bánh, nhưng họ chưa lấy làm đủ. Nhân danh Sách Thánh họ từ khước Người: tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc. Cần phải có cái gì hơn thế mới có thể lay chuyển được họ, những con người được liệt vào bậc thầy về Kinh Thánh. Đối với người không tin Đức Giêsu, luôn luôn có cách tìm thoái thác. Thế nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục cuộc đối thoại. Người đi cho tới cùng mặc khải Người đã bắt đầu. Người biện bác khởi đi từ chính vấn để họ đặt ra: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu. Ơn manna khi ấy chỉ là một ân huệ tạm thời, chỉ là một loan báo mà giờ đây mới có ý nghĩa đích thực. Chính việc hóa bánh ra nhiều cũng chỉ là một dấu chỉ. Chính Đức Giêsu mới là bánh đích thực, từ trời xuống để cho thế gian được sống: Vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian”.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

31.0.2015 – Thứ sáu Tuần 17 Thường niên



Lời Chúa: Mt 13, 54-58

Khi ấy, Đức Giêsu về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ mộc sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Gioxép, Simon và Giuđa sao? và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm vói chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Ðức Giêsu bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.

PHÁ ĐỔ BỨC TƯỜNG THÀNH KIẾN

Suy niệm: 

Phía tây Núi Đền Thờ Giêrusalem ngày nay còn sót lại một đoạn của bức tường thành được cho là được xây dựng thời Hêrôđê, gọi là Bức Tường Than Khóc, bởi vì người Do Thái ngày nay vẫn thường tới đây than khóc cầu nguyện và nhét vào kẽ đá tường thành những mảnh giấy ghi lời cầu của họ xin Thiên Chúa sai Đấng Mêsia đến xây lại Đền Thánh, khôi phục lại vương quốc. Thế nhưng khi Mêsia mà các tiên tri loan báo là chính Con Thiên Chúa đã đến cách đây hơn hai ngàn năm thì họ đã không đón nhận, kể cả những người đồng hương Nadarét với Ngài, bởi vì họ đã không nhận ra thiên tính ẩn giấu dưới dáng vẻ tầm thường của một người thợ mộc nghèo hèn. Chính óc bảo thủ, thành kiến đã là bức tường ngăn cản họ, “và họ vấp ngã vì Ngài.”

Bức tường thành kiến vẫn thường che chắn con mắt chúng ta khiến chúng ta không nhận ra giá trị độc đáo của những người chúng ta gặp gỡ thường ngày chung quanh chúng ta. Nếu thế, làm sao chúng ta có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa và thánh ý của Ngài trong cuộc sống chúng ta? Để phá đổ bức tường thành kiến cần có thái độ khiêm tốn, bao dung và hy vọng: khiêm tốn để nhận ra những ưu điểm của người khác; bao dung để đón nhận những thiếu sót của họ; và hy vọng vì tất cả chúng ta đều được mời gọi mỗi ngày một sống tốt hơn.Như vậy, ta phải tập thực hành sống khiêm tốn, bao dung, và xóa bỏ thành kiến về người khác



Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XVII Thường Niên


30/7. Thứ Năm. Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ Hội thánh. Xh 40,16-21.34-38; Mt 13,47-53
Bài đọc 1 - Xh 40,16-21.34-38
Trong những ngày ấy, Môsê thi hành tất cả những điều Chúa đã truyền dạy. Vậy ngày mùng một tháng Giêng năm thứ hai, đã dựng nhà xếp xong. Ông Môsê đã dựng nhà xếp, lắp ván, đặt trụ, xà ngang và dựng cột, rồi căng mái nhà xếp và màn che trên mái như Chúa đã truyền dạy. Ông đặt bia chứng từ vào hòm, xỏ đòn khiêng vào hai bên, và để toà phán dạy trên hòm. Khi đã rước hòm bia vào nhà xếp, ông treo màn trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, thì có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp.
Vì mây che phủ nhà xếp, và uy linh Chúa sáng rực trong nhà, nên ông Môsê không thể vào trong nhà giao ước, vì có đám mây che phủ mọi sự. Hễ mây lên khỏi nhà xếp, thì con cái Israel kéo nhau đi từng đám, còn khi mây che phủ nhà xếp, thì họ ở lại tại chỗ. Vì ban ngày, đám mây của Chúa che phủ nhà xếp, và ban đêm, có lửa trong mây, nên toàn dân Israel trông thấy suốt thời gian xuất hành của họ.
Tin mừng - Mt 13,47-53
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng như vậy: các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?" Họ thưa: "Có".
Người liền bảo họ: "Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình". Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.
Suy niệm
Đoạn sách Xuất Hành kể rất chi tiết về việc ông Môsê làm theo sự hướng dẫn của Đức Chúa để cung nghinh Hòm Bia vào Nhà Tạm: “Ông Môsê làm mọi sự đúng y như Đức Chúa đã truyền cho ông”. Sau khi Môsê đã thực hiện theo sự hướng dẫn, thì “Đám mây che phủ Lều Hội Ngộ và vinh quang Đức Chúa đầy tràn Nhà Tạm”. Đức Chúa đã dùng đám mây như dấu chỉ sự hiện diện giữa dân Người; và là dấu hiệu cho dân biết ý định của Người: “Khi nào đám mây bay lên khỏi Nhà Tạm, thì con cái Israel nhổ trại. Nếu mây không bay lên, thì họ không nhổ trại cho đến ngày mây lại bay lên”.
Qua đó chúng ta thấy được tình thương của Thiên Chúa. Người luôn muốn hiện diện giữa dân Người. Điều đó cũng nhắc nhở họ có Thiên Chúa luôn hướng dẫn những hành động của họ. Vì vậy họ phải luôn nhận ra để làm theo sự hướng dẫn của Người.
Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương nên đã ban Con Một Người là Đức Giêsu Kitô nhập thể làm người để được ở với chúng ta. Sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ, Ngài tiếp tục ở với chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể để thực hiện lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.
Nhận ra được tình thương của Thiên Chúa, chúng ta phải biết mở lòng mình ra để Chúa ngự vào. Ông Môsê đã phải chuẩn bị, làm tất cả mọi sự để cung nghinh Đức Chúa, thì tôi cũng phải chuẩn bị tâm hồn, dọn dẹp sạch sẽ để Chúa ngự vào nhà của tôi.
Thiên Chúa đến không chỉ là hiện diện, mà Ngài còn dẫn đường cho chúng ta đi. Vì vậy tôi phải quyết tâm để nhận ra hướng dẫn của Chúa và tuyệt đối thi hành theo hướng dẫn của Ngài.
Dụ ngôn mẻ lưới bắt được nhiều cá, rồi người ta chọn lựa cát tốt cá xấu không thể hiểu theo nghĩa thông thường, vì thông thường con cá nào bị bắt cho vào giỏ là coi như tiêu đời. Nhưng ở đây phải hiểu con nào được chọn sẽ là hạnh phúc cho nó.
Tiêu chuẩn để được xếp vào hàng “cá tốt” là con cá đó có ở trong nước hay không? Vì nếu cá không ở trong nước thì chắc chắn nó phải chết. Cũng vậy con người chúng ta nếu không ở trong tình thương của Thiên Chúa thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ chết.
Tiêu chuẩn thứ hai là con cá đó có ngoan ngoãn để người ta cho vào giỏ hay không? Nếu nó vùng vẫy không chịu vào giỏ để được tự do tung tăng trong đại dương, thì lẽ đương nhiên nó không được chọn. Điều đó muốn nói lên con người chúng ta cũng rất nhiều khi muốn được tự do theo ý của mình, không làm theo ý Chúa. Nhưng tự do sống theo ý mình sẽ dễ dẫn người ta đến chỗ chết. “Ở trong giỏ” là ở trong sự bao bọc chở che của Thiên Chúa, còn ở ngoài đại dương là ở trong sự vây hãm của ma quỷ.
Lạy Chúa, xin cho con biết chuẩn bị tâm hồn, bỏ đi những điều bất xứng để Chúa ngự vào. Khi có Chúa, xin cho con luôn biết lắng nghe và thực hành theo những điều Chúa chỉ dạy. Amen.

30.07.2015 – Thứ năm Tuần 17 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 47-53
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Ðến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ kho tàng của mình cả mới lẫn cái cũ”. Suy niệm:
Chiếc lưới thả xuống biển thu về đủ loại cá, lớn bé, tốt xấu lẫn lộn, đó là hình ảnh của Nước Trời không phải “ở trên trời” mà là Nước Trời ở trần gian này. Chiếc lưới cá có thời thả xuống biển và cũng có thời kéo lên bờ. Thả xuống biển, chiếc lưới thu gom tất cả mọi thứ tôm cá, cũng thế Nước Trời thời đón nhận mở rộng cửa cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, giai cấp, giàu nghèo, v.v…. Không chỉ những người lành thánh, mà cả những người bị coi là tội lỗi nữa, cũng được mời gọi vào Nước Trời. Thời kéo lưới là thời chọn lọc, đó chính là Nước Trời thời sau hết, thời cánh chung: đó là lúc ngồi lựa “cá tốt cho vào giỏ, cá xấu vất ra ngoài” (c. 48).
Việc chọn lựa cá tốt là việc của Chúa. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi ngày ấy, Ngài cho ta cơ hội để:
1/ gia nhập vào Nước Trời: việc này thật dễ dàng, vì Nước Trời đón nhận mọi người không loại trừ ai;
2/ lãnh nhận các bí tích là lương thực thiêng liêng giúp ta lớn lên thành “cá tốt.” Ta hãy nỗ lực tận dụng ơn thánh ngay trong thời gian hiện tại này để trở thành “cá tốt đạt chuẩn” để được chọn vào Nước Trời.
Tình trạng chung đụng người tốt kẻ xấu là điều tất yếu trong thân phận con người ở trần gian này. Làm thế nào để ta tránh được những hậu tiêu cực của tình trạng này gây nên và tận dụng những cơ hội tích cực nó đem lại?
Ta phải năng lãnh nhận các bí tích và thường xuyên cầu nguyện, đây là phương thế giúp ta tăng trưởng thiêng liêng và sống thánh thiện

29/07/2015- Thứ Tư Tuần XVII Thường Niên Năm lẻ


Lễ Thánh Nữ Mácta,Lễ Nhớ 
Ga 11, 19-27
19Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời.20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà.21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đa không chết.22 Nhưng bây giờ con biết:Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy."23 Đức Giê-su nói: "Em chị sẽ sống lại!"24 Cô Mác-ta thưa: "Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết."25 Đức Giê-su liền
phán: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đa chết, cũng sẽ được sống.26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin
thế không? "27 Cô Mác-ta đáp: "Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian."

Suy niệm :
Martha vất vả lo việc phục vụ Chúa Giêsu: Khi một thượng khách như Chúa Giêsu đến nhà, đó là lúc để chủ nhà biểu tỏ tài nội trợ, nấu nướng, và tính hiếu khách. Chúng ta không lạ gì khi Martha quá vất vả lo lắng tới độ cô tiến lại Chúa Giêsu và than phiền với Ngài: "Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!" Ngược lại với những gì Martha mong đợi, Chúa Giêsu đáp: "Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Có nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ câu trả lời của Chúa Giêsu:
+ Martha không hiểu rõ thứ tự ưu tiên của cuộc đời: Chúa Giêsu sữa chữa lỗi lầm cho cô khi Ngài nói: "Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." Thức ăn có ngon mấy chăng nữa rồi cũng qua đi; nhưng Lời Chúa sẽ ở lại trong tâm hồn và soi sáng cho con người biết cách sống thế nào để có hạnh phúc trong cuộc đời.
+ Martha không quan tâm đến người khác: Cô có thể nghĩ chỉ có việc của cô mới đáng làm, việc của Maria không quan trọng! Đây là một lỗi lầm mà nhiều người chúng ta mắc phải. Chúng ta đừng bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như mình, vì mỗi người có những suy nghĩ và hành động khác nhau. Chúng ta cũng không hiểu đủ để xác quyết việc nào là việc tốt nhất, cho đến khi được tuyên bố rõ ràng bởi Thiên Chúa.
+ Martha không biết sắp xếp thời giờ: Có thể Martha không biết khi nào Chúa đến, vì ngày xưa không có thói quen có giờ hẹn như thời nay. Dù sao chăng nữa, Martha không nên lo lắng quá nhiều đến chuyện ăn uống, vì khách tới nhà để thăm viếng chứ không chỉ để ăn! Các gia đình Việt-nam chúng ta cần chú trọng điều này, để đừng làm quá nhiều thức ăn mỗi khi tiếp khách. Hầu hết trong các bữa tiệc, khách không dùng hết một nửa các thức ăn của chủ nhà bày ra. Hậu quả là gia chủ phải ăn đồ thừa hay phải lãng phí thức ăn cách không cần thiết.
- Chúng ta phải dành ưu tiên hàng đầu cho mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa bằng cách dành thời giờ để cầu nguyện, lắng nghe, học hỏi, và thực hành những gì Chúa dạy. Lạy Chúa, giữa những gian truân và thử thách, xin cho con luôn biết sống phó thác và tìm được bình an trong Chúa. Amen.

Thứ Hai, 27 tháng 7, 2015

-28/7. Thứ Ba Tuần XVII Thường Niên




 Xh 33,7-11;34,5b-9.28; Mt 13,36-43
Tin mừng - Mt 13,36-43
Khi ấy, sau khi giải tán dân chúng, Chúa Giêsu trở về nhà. Các môn đệ đến gặp Người và thưa rằng: "Xin Thầy giải thích dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe". Người đáp lại rằng: "Kẻ gieo giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Còn hạt giống tốt là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Cũng như người ta thu lấy cỏ lùng, rồi thiêu đốt trong lửa thế nào, thì ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy: Con Người sẽ sai các thiên thần đi thu tất cả gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác khỏi nước Chúa, rồi ném tất cả chúng vào lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ kẻ lành sẽ sáng chói như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Suy niệm
Chỉ một mình Môsê mới có diễm phúc được “Đức Chúa đàm đạo với ông, mặt giáp mặt như hai người bạn”. Môsê chính là người hạnh phúc nhất vì được diện kiến, được đàm đạo với Thiên Chúa ngay khi còn sống. Sở dĩ có được diễm phúc này là vì ông đã chấp nhận làm việc cho Đức Chúa, làm việc thay Đức Chúa. Chính Đức Chúa đã chọn gọi ông để lãnh đạo dân Do thái, để dẫn dắt họ đến miền Đất Hứa. Là người thay mặt Chúa lãnh đạo dân nên Môsê với Đức Chúa cùng chung một thao thức, cùng chung một nỗi niềm, cùng chung một lo toan và cùng chung một ý hướng. Vì vậy ông cần phải gặp gỡ, trao đổi với Chúa…
Rõ ràng trong lúc gặp gỡ Đức Chúa, ông chỉ nói chuyện của dân, ông không nói gì đến nhu cầu của mình. Ông trình bày cho Đức Chúa những sai lỗi của dân, nhưng khi Đức Chúa muốn trừng phạt thì ông lại van xin gánh thay cho họ. Ông đã lấy tình nghĩa của mình với Đức Chúa để bảo lãnh cho dân…
Qua Môsê, chúng ta thấy một con người có mối tương quan thân tình với Đức Chúa và một tình yêu thương bao dung, quảng đại đối với anh chị em mình. Chính hai yếu tố này đã trở thành vinh quang bao phủ con người ông.
Chúa Giêsu cũng mặc khải cho chúng ta, đến ngày tận thế: “Người công chính sẽ chói lọi như mặt trời trong Nước của Cha họ”. Đó là số sót lại của “mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác”. Hay nói cách khác những người tội lỗi sẽ bị đau khổ muôn đời, còn những người công chính thì sẽ được vinh quang muôn kiếp.
Vinh quang này có được là do một đời sống gắn bó với Chúa và yêu thương anh chị em mình. Vì gắn bó với Chúa nên họ cùng chung một thao thức, cùng chung một ý hướng và hành động một cách công chính theo đường lối của Chúa. Vì yêu thương con người nên họ sẵn sàng cộng tác với Đức Chúa để làm mọi cách cho anh chị em mình được tốt hơn.
Lạy Chúa, rất nhiều khi con tìm kiếm những vinh quang ảo. Vinh quang không xuất phát từ Chúa, mà xuất phát từ những giá trị ở cuộc đời này, vinh quang do người đời, do quyền lực, do tiền bạc. Chính vì tìm kiếm vinh quang ảo nên con đã đối xử tệ bạc với người khác, với những người không đem đến vinh quang cho con, với những người không thuộc phe nhóm của con…
Xin cho con ý thức mọi thứ ở cuộc đời này rồi sẽ qua đi để đừng tìm kiếm những vinh quang giả tạo, đừng lôi kéo thêm những người thuộc về mình để thỏa mãn những sai trái, những lệch lạc của mình. Hãy biết buông ra những thứ làm cho con tưởng rằng mình vinh quang để con được nhẹ nhàng, thanh thoát.
Xin cho con biết yêu thương, phục vụ mọi người trong tự do chứ đừng vì ích kỷ để họ lệ thuộc vào mình.
Lạy Chúa, con van xin Chúa cho con được gắn bó với Chúa và yêu thương mọi người đúng đắn. Amen.



28.07.2015 – Thứ ba Tuần 17 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 36-43
Khi ấy, các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
SUY NIỆM:
Làm nghề nông, không ai muốn cỏ dại mọc trong ruộng nương của mình. Nhưng dù muốn hay không muốn, cỏ vẫn mọc. Dù cho bạn có chuẩn bị kỹ càng cách mấy, ít nhiều cỏ vẫn mọc lên cùng với cây trồng. Nếu không làm cỏ kịp thời, có khi cỏ chụp cả lúa, cả cây trồng của chúng ta.
Nói như vậy để chúng ta hình dung điều mà dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng lúa Chúa Giêsu muốn nói đến.
Nhiều lúc chúng ta tự hỏi, tại sao có những cái ác, tại sao lại có sự dữ trong thế gian? Có khi sự dữ quá lớn, đau khổ quá nhiều khiến ta không lý giải được. Rõ ràng là con người chúng ta đều muốn những điều tốt hay điều lành cơ mà. Thế mà những nghịch cảnh vẫn diễn ra hằng ngày và làm cho con người chúng ta đau khổ.
Chúa Giêsu đã giải thích dụ ngôn cho các môn đệ. “Người gieo giống tốt là Con Người”. Chúa luôn gieo cái tốt và Ngài mong muốn con người chúng ta hạnh phúc. Và hạnh phúc của chúng ta luôn gắn liền với sự thiện hảo của Chúa.
Thế nhưng cỏ lùng vẫn mọc lên trong ruộng, như trong đời vẫn lẫn lộn kẻ tốt người xấu, như trong lòng ta cũng lẫn lộn cái tốt cái xấu, cái thiện hảo tốt lành và cả điều tội lỗi xấu xa. Nhìn vào sự dữ trong thế gian, nhiều khi chúng ta lo sợ. nhưng có khi nào chúng ta lo sợ vài cái xấu đang manh nha trong cõi lòng của chúng ta không? Cỏ lùng có khi đang mọc lên trong chúng ta, từng ngày, từng ngày, nếu không cẩn thận nhổ đi, nó sẽ lớn lên, và đó là khởi đầu cho những sự dữ trong thế gian.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã gieo vào tâm hồn chúng con sự thánh thiện vốn có, xin gìn giữ chúng con, đừng để tâm hồn chúng con hoen ố vì tội lỗi. amen. 

28.07.2015 – Thứ ba Tuần 17 Thường niên


Lời Chúa: Mt 13, 36-43
Khi ấy, các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”
Suy niệm
Cỏ lùng mọc chung với lúa là điều chủ ruộng không hề mong muốn. Khi mọc chung, lúa có thể giảm năng suất do bị cỏ lùng chèn ép. Cỏ lùng gây nhiều tác hại cho lúa, nhưng chủ ruộng lại để cả hai cùng chung sống cho tới mùa gặt. Chủ ruộng không nhổ cỏ lùng ngay nhưng lại nhẫn nại chờ đợi. Chờ đợi vì sợ khi nhổ cỏ lùng lại làm bật luôn rễ lúa. Dụ ngôn đã diễn tả sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa biết chúng ta mỏng giòn yếu đuối và hay thay đổi, nhưng cũng có khả năng phục thiện nhờ ân sủng của Ngài. Thiên Chúa biết rõ chúng ta nên Ngài không trừng phạt kẻ dữ ngay lập tức nhưng gia hạn đến ngày tận thế. Ngài muốn chúng ta có thời gian để ăn năn hối cải mà trở về đường chính nẻo ngay. Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, Ngài không muốn chúng ta phải chết trong tội nhưng muốn chúng ta được sống đời đời. Chính Ngài đã từng phán hứa: "Ta lấy mạng sống ta mà thề - Sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống"(Ed 33, 11).
Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi chúng ta đến ngày tận thế. Thế nhưng ngày tận thế thì không ai biết được. Chúng ta càng không biết được ngày tận thế của chính mình. Con người khi sinh ra là đang từng bước tiến sát đến ngày cuối của cuộc đời. Vì thế, sẽ không đủ thời gian để chúng ta thong dong trên nẻo đường bất hảo, nhưng phải mau mắn quay về với Chúa. Đừng nghĩ rằng: để khi nào răng long tóc bạc, khi đó ta ăn năn trở về vẫn kịp. Ngày cuối cùng của đời ta, ta không hề biết được, và mộ bia ngoài kia có lắm kẻ tóc vẫn còn xanh. Ngoài ra, sự nhẫn nại của Thiên Chúa cũng nhắc nhở chúng ta không nên tự mãn. Bản tính con người là yếu đuối. Hôm nay chúng ta có thể tốt nhưng ngày mai có thể sẽ sa ngã và ngược lại. Chúng ta cũng không nên vội vàng đánh giá người khác vì như người ta thường nói: "mỗi vị thánh đều có quá khứ và mỗi tội nhân đều có tương lai". Hơn nữa, chính Thiên Chúa cũng đã kiên nhẫn đợi cho đến ngày sau hết mới phán xét mỗi người chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa luôn yêu thương và kiên nhẫn với chúng con. Chúa luôn muốn chúng con được sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa của Chúa. Chúa cũng luôn tạo mọi cơ hội tốt nhất để chúng con trở về bên Chúa mỗi khi chúng con sa ngã. Xin Chúa giúp chúng con biết mau mắn từ bỏ sự xấu xa gian ác mà trở về với Chúa. Xin cũng giúp chúng con biết học sự nhân từ kiên nhẫn của Chúa trong cách đối xử với những anh chị em chúng con qua tiếp xúc hằng ngày. Amen.


Con có thể mua thời gian của bố ?


Con trai: "Bố ơi, con có thể hỏi bố một câu hỏi?"
Bố: "Hỏi đi con."
Con trai: "Bố ơi, bố kiếm được bao nhiêu trong một giờ?"
Bố: "Đó không phải là việc của con. Tại sao con hỏi như vậy?"
Con trai: "Con chỉ muốn biết, bố kiếm được bao nhiêu 1 giờ thôi mà?"
Bố: "Bố kiếm 100 USD mỗi giờ”
Con trai: "Ồ (đầu cúi xuống).
Con trai: "Bố ơi, con có thể mượn 50 USD?"

Người bố đã rất tức giận.
Bố: "Nếu lý do duy nhất con hỏi đó là vì con muốn mượn một số tiền để mua đồ chơi vớ vẩn hay một làm cái khác, hãy đi thẳng vào phòng và ngủ ngay lập tức. Bố làm việc chăm chỉ mỗi ngày không phải chỉ để cho những đòi hỏi trẻ con vớ vẩn như vậy"

Cậu bé lặng lẽ đi vào phòng và đóng cửa lại.
Người đàn ông ngồi xuống, vẫn giận dữ vì câu hỏi của cậu bé. Làm sao nó dám hỏi như vậy chỉ để mượn một số tiền?
Sau một giờ miên man, người đàn ông đã bình tĩnh lại, và bắt đầu suy nghĩ: Có thể con mình thực sự cần 50 USD để mua một cái gì đó quan trọng. Cậu bé có khi nào hỏi vay tiền của bố đâu?
Người đàn ông đã đi đến cửa phòng của cậu bé và mở cửa.
Bố: "Con ngủ chưa, con trai?”
Con trai: "Chưa bố ạ, con còn thức".
BỐ: “Bố đã suy nghĩ lại. Có lẽ bố đã khắt khe sau một ngày dài mệt mỏi. Đây là 50 USD mà con cần!”
Cậu bé ngồi thẳng lên, mỉm cười.
Con trai: "Ồ, cảm ơn bố!"

Sau đó, cậu bé thò tay xuống dưới gối của mình, lấy ra một số tiền lẻ nhàu nát lên. 
Người cha thấy cậu bé đã có tiền, bắt đầu nổi giận trở lại. Đứa con từ từ đếm tiền của mình, và sau đó ngước nhìn cha mình.

Bố: "Tại sao con muốn có nhiều tiền hơn trong khi con đã có?"
Con trai: "Bởi vì con không đủ...”
“Bố ơi, nếu con có 100 USD, con có thể mua thời gian không? Bố vui lòng về nhà sớm hơn vào ngày mai. Con muốn ăn tối với bố”.
Người cha nghẹn ngào. Ông vòng tay quanh cậu bé…


VẾT SẸO CỦA MẸ

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học. Điều cậu bé sợ đã trở thành sự thật, mẹ câu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé. Cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình, mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi tại sao mẹ mình bị một vết sẹo lớn như vậy.

Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ, mặc cho vết sẹo đập vào mắt. Nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào trong góc tránh mặt mọi người, ở đó cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.
“Làm sao chị bị vết sẹo trên mặt như vậy?” – Cô giáo của cậu bé hỏi.
Người mẹ trả lời:
“Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì ngọn lửa bốc lên, mọi người đều sợ và không dám vào vì lửa bốc quá cao, và thế là tôi chạy vào, khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó, và tôi vội vàng lấy mình che cho nó, tôi bị ngất xỉu nhưng thật là may mắn nhờ có anh lính cứu hỏa cứu cả hai mẹ con tôi.”
Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt: ”Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho đến ngày nay, tôi không hề hối tiếc về điều mình đã làm.”
Đến đây cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình, cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
---
Có những nỗi lòng của mẹ cha nếu không nói ra thì chúng ta không bao giờ hiểu được. Khi còn bé, ta hay trách cha mẹ toàn bắt ta phải làm điều này điều nọ theo ý họ mà không chịu hiểu cho mình. Đến khi lớn lên, chúng ta mới hiểu rõ rằng cha mẹ làm điều gì cũng có cái lý của họ và từ một kinh nghiệm nào đấy trong quá khứ buộc họ phải hành xử như vậy, và cái lý ấy chúng ta chỉ hiểu được khi có con cái.
- ST -

ĐỪNG THAY ĐỔI THẾ GIỚI

Ngày xưa, có ông vua cai trị ở một đất nước phồn vinh nọ. Một ngày kia, vị vua đi ngao du sơn thủy. Khi quay trở lại hoàng cung, vị vua phàn nàn chân mình rất đau, bởi vì đây là lần đầu tiên vua phải trải qua một cuộc hành trình dài như thế và chặng đường ông đi lại rất gồ ghề, đá lởm chởm.

Sau đó, vị vua hạ lệnh – cho bọc tất cả con đường trong đất nước lại bằng da. Điều này sẽ dẫn đến việc phải cần hàng ngàn bộ da bò và một số lượng khổng lồ tiền bạc.

Bỗng có một hôm, người vợ của tên hầu nhà vua đã dũng cảm hỏi nhà vua: “Tại sao ngài lại tốn một số lượng tiền không cần thiết như thế? Tại sao ngài không dùng một miếng da nhỏ để bọc lại chân của ngài?”.

Nhà vua ngạc nhiên, nhưng rồi ông cũng đồng ý làm một đôi giày.

💎 Một bài học sống giá trị trong câu chuyện: để có một cuộc sống, một nơi chốn hạnh phúc để sống, tốt hơn là bạn nên thay đổi chính mình, trái tim bạn – chứ không phải thế giới.

- ST -

SANG SÔNG



Một tốp người đang hối hả đi trên đường. Trên chuyến lữ hành mạn trường, họ mong muốn dùng một phương thức nhanh nhất để thực hiện ước mơ của mình - đến được đích càng sớm càng tốt.

Đó là một con đường tắt dẫn đến đích, có một con sông nằm cạnh chắn ngang đường đi của họ. Nước sông chảy cuồn cuộn, không thể nào bơi qua được.
Tốp người đó đứng bên bờ sông quan sát một lúc rất lâu rồi mỗi người một hướng đi. Họ hy vọng tìm được một lối đi khác. Cuối cùng bên bờ sông chỉ còn lại ba người.
Người thứ nhất quan sát rất kỹ dòng chảy. Trước tiên, anh ta ném một viên đá xuống nước để thăm dò độ nông sâu của dòng sông, sau đó anh ta lại ném một cành cây để xác định tốc độ của dòng chảy, cuối cùng anh ta lựa chọn một địa điểm thích hợp, gỡ quần áo, dũng cảm nhảy xuống. Dồng sông rất rộng, nhưng cuối cùng anh ta vẫn có thể bơi sang bờ bên kia. Anh ta hãnh diện giơ cao cách tay vẫy chào hai người bạn.
Người thứ hai đi đi lại lại bên bờ sông, đăm chiêu suy nghĩ. Một lát sau, anh nhanh chóng đi vào trong rừng, chặt cây làm một chiếc bè. Anh ta đẩy chiếc bè xuống nước rồi nhảy lên. Tuy nước sông chảy xiết, chiếc bè chao đảo trên sông, nhưng con người dũng cảm ấy cuối cùng cũng sang được bờ sông bên kia.
Lữ khách thứ ba là một người gầy còm, ốm yếu,khi màn đêm buông xuống, anh ta vẫn còn đứng bên bờ sông bên này. Anh ta không biết bơi cũng không thể chặt gỗ làm bè. Nhưng anh ta biết rằng vượt qua con sông này là cách duy nhất để tới đích. Anh nhìn vào con sông dường như không thể vượt qua ấy, quan sát bầu trời đầy sao rồi ngồi bên bờ sông suy nghĩ rất lâu. Cuối cùng anh ta quyết định, tìm một nơi ngả lưng ở cạnh bờ sông.
Hết ngày này đến ngày khác, thời tiết mỗi ngày một lạnh. Anh ta lặng lẽ chờ đợi cơ hội xuất hiện. Cuối cùng một lớp băng dày đã xuất hiện trên mặt sông lớn và hung dữ ấy. Địa thế hiểm trở bỗng chốc trở thành đất bằng. Anh ta thành công sang bờ bên kia mà chẳng hề tốn chút sức lực. Ba lữ khách đều đến được đích, trong khi đó những người còn lại vẫn đang ở bờ bên kia khổ công tìm lối đi.
-------------------------------------------------------------------------
Chúng ta ai cũng muốn tìm con đường tắt ngắn nhất và dễ dàng nhất để đi đến bờ bên kia. Cùng một lộ trình, người dũng cảm dựa vào sự dũng cảm, người thông minh dựa vào trí thông minh để tới đích. Trong khi đó, những kẻ lười biếng, dốt nát chỉ biết oán trách, than phiền. Lối tắt có thể không phải là đường đi, có nhiều khi lối tắt là phương pháp,là khả năng,là trí tuệ. Muốn nhanh chóng và an toàn vượt qua dòng sông cuộc đời, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, nâng cao khả năng và trí tuệ của bản thân.
-ST-

27.07.2015 – Thứ hai Tuần 17 Thường niên



Lời Chúa: Mt 13, 31-35
Khi ấy Đức Giêsu giảng dạy dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.” Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.” Tất cả các điều ấy, Ðức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ:
Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn,
công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.”
Suy niệm
Người Kitô hữu như là hạt cải, nắm men được Thiên Chúa gieo vào trần gian để làm cho Nước Thiên Chúa phát triển. Hạt giống khi được gieo xuống để ươm trồng, thì cũng là lúc nó phải chịu cảnh khỏa lấp của lớp mùn đen, phải chịu cái nắng cái gió của tiết trời, chịu nỗi bấp bênh của số phận khi bị chim trời, sâu bọ rình rập. Thế nhưng, nó vẫn vươn lên và vượt qua mọi nghịch cảnh để âm thầm nứt hạt, nẩy mầm và phát triển đến nỗi chim trời có thể đến và làm tổ. Hình ảnh vươn lên của một hạt giống cũng phải là của chính mỗi người Kitô hữu chúng ta. Dù thế giới còn đầy dẫy những bóng tối của tội lỗi, của bạo lực, của bất công, của hưởng thụ …nhưng ánh sáng chân lý của Phúc Âm vẫn đang mời gọi chúng ta hãy đặt niềm tin, niềm hy vọng vào Thiên Chúa để cho chính Ngài biến đổi và làm cho cuộc đời ta vươn lên.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy như là những hạt cải bé nhỏ, là nắm men: hạt cải của sự khiêm nhường, của lòng quảng đại, hăng say và nhiệt tình, để Chúa có thể đến với mọi người, mọi nơi. Chúa cũng đang cần đến từng người trong chúng ta là những nhúm men trong thấu bột nơi gian trần này. Ngài mời gọi mỗi người trở nên chất men của lòng bác ái, bao dung, công bằng, của tinh thần trách nhiệm để làm dậy lên một cuộc sống mới khi mọi người biết yêu thương nhau. Để trở thành hạt cải, nhúm men như lòng Chúa mong muốn thật không phải là điều đơn giản vì chúng ta chỉ là phận người mang đầy yếu đuối tội lỗi, đức tin yếu kém và lòng mến nhạt nhòa. Nhưng chúng ta tin rằng với sức mạnh của ơn thánh, Chúa sẽ biến đổi chúng ta vì 'đối với Thiên Chúa không có gì là không thể'. Chúng ta hãy đặt trọn cuộc đời mình trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Chúa và chúng ta hay thưa với Ngài rằng : "Lạy Chúa, con chỉ là cây bút chì bé nhỏ trong tay Chúa". Bởi vậy, hãy can đảm để cho Ngài tự do sử dụng ta trong cuộc đời này với lòng khiêm nhường và tin tưởng phó thác.
Lạy Chúa, trong cuộc sống, mọi thái độ và hành động của chúng con một cách nào đó cũng đã ảnh hưởng sâu đậm trên tha nhân. Chúng con có thể trở thành nguyên lý của sự hân hoan hoặc nỗi ưu buồn, của bình minh hay đêm đen, của an bình hoặc lo âu. Chúng con có thể giúp người khác đến gần Chúa nhưng cũng có thể làm cho họ xa Chúa. Chúng con xác tín rằng: Không có ơn Chúa giúp chúng con không thể làm được gì. Xin hãy làm triển nở hạt giống tình yêu mà Chúa ươm trồng nơi tâm hồn mỗi người chúng con, để chính từ hạt giống bé nhỏ ấy sẽ làm trổ hoa kết trái và mưu ích cho mọi người. Amen!

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2015

KHÔNG GIEO RẮC THÀNH KIẾN CHÍNH LÀ THU HOẠCH NIỀM VUI



Cô giáo vì muốn tìm hiểu mức độ đoàn kết của học sinh trong lớp nên đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ. Cô yêu cầu mỗi học sinh lấy một tờ giấy trắng, sau đó viết tên những bạn mình không thích trong vòng 1 phút với tốc độ nhanh nhất. Có thể viết tên một người, cũng có thể viết tên rất nhiều người.

Trong 1 phút, có học sinh chỉ nghĩ ra tên của một bạn, có em thậm chí không viết được tên một bạn nào, nhưng có một số em có thể 1 phút viết ra tên mười mấy bạn.
Sau khi thu lại những tờ giấy đó, thông qua thống kê, cô giáo phát hiện, những người viết ra nhiều tên nhất chính là những người không được bạn bè yêu quý, còn những người không viết ra tên hoặc chỉ viết rất ít bạn cũng chính là những bạn học sinh rất ít bị người khác ghét.
---
Khi chúng ta có thành kiến với người khác thì sẽ đưa ra một vài thông tin thiếu thiện cảm về họ. Sau khi những thông tin này đến tai người khác, những thành kiến chúng ta tạo ra sẽ tác dụng ngược lại với chúng ta, thế là chúng ta cũng không được người khác đón nhận.
Trong cuộc sống này, rất nhiều việc tốt xấu và thị phi thực chất đều đến từ tư tưởng của chúng ta mà ra. Chúng ta lôi sự thật ra khỏi tim mình, dán lên chúng những cái nhãn cảm xúc không thích, đau khổ, đáng ghét, đồng thời qua đó tìm kiếm cảm giác bản thân ưu việt hơn người khác hoặc muốn tốt cho người khác. Những cái nhãn này chỉ là giải thích phiến diện của tư tưởng của chúng ta về sự vật, còn sự thật không hoàn toàn là như vậy. Con người hay sự vật trong cuộc sống không nhằm vào bất kì người nào trong số chúng ta, cũng sẽ không thay đổi vì bất kì người nào.
Bất kì một cách nhìn phiến diện nào về thế giới này đều có thể trở thành con hổ dữ chắn đường chúng ta tiến tới thành công. Thành kiến khiến chúng ta khó mà thoát khỏi đau khổ, lãng phí sức lực một cách vô ích.
Ví dụ, chúng ta không thích ăn sô cô la, cảm thấy ăn sô cô la không có tác hại này thì có tác hại kia, nhưng con chúng ta rất thích ăn sô cô la. Thế là chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian để cằn nhàn, la mắng con, cấm con không được ăn sô cô la. Con bắt đầu ghét chúng ta, chúng ta và còn đều vì thế mà không vui.
Nếu chúng ta phát hiện người mà mình rất ghét rất thân thiết với một người bạn thân của chúng ta, vậy thì khi gặp gỡ người bạn kia, chúng ta cũng sẽ vì thành kiến của mình mà cảm thấy có chút không vui.
Khi tất cả điều này xảy ra, thành kiến mà chúng ta gieo xuống bắt đầu phát tán. Con đường theo đuổi niềm vui của chúng ta bị chắn ngang, nhưng chúng ta lại cho rằng đó là chướng ngại vật người khác đổ lên người chúng ta mà không ý thức được rằng chính những thành kiến của bản thân đã dồn bản thân đến chỗ khốn cùng.
- SƯU TẦM -

TÔI KHÙNG CHỨ TÔI ĐÂU CÓ NGU



Một anh tài xế xe tải làm công việc thường ngày giao hàng cho một bệnh viện tâm thần, đang đậu xe bên cạnh một ống cống nước.
Lúc chuẩn bị rời bệnh viện, anh nhận thấy có một bánh xe bị xì hơi. Anh kích chiếc xe tải lên và tháo bánh xe xì hơi để thay vào đó một bánh xe dự phòng.

Lúc sắp sửa gắn bánh xe mới vào, đột nhiên anh làm rơi cả bốn chiếc bù lon xuống ống cống nước. Anh không thể nào vớt những chiếc bù lon ra khỏi ống cống được, và bắt đầu hoảng lên vì không biết phải làm gì.
Ngay lúc đó, một bệnh nhân đi ngang qua và hỏi anh tài xế tại sao trông anh có vẻ hốt hoảng như vậy. Người tài xế tự nghĩ, bởi vì mình mà còn không làm được huống gì cái gã điên này, nên để gã ta đi cho khuất mắt, người tài xế xe tải nói sơ qua tình hình và đưa một cái nhìn thất vọng.
Người bệnh nhân cười anh tài xế và nói:
“Chỉ mỗi cái việc đơn giản như vậy mà anh còn không cách nào làm được. Không lạ gì anh sinh ra chỉ làm cái nghề tài xế xe tải để sống”.
Người tài xế lấy làm ngạc nhiên khi nghe lời nhận xét như vậy từ một gã tâm thần.
“Đây là cái anh có thể làm”, gã tâm thần nói…
Trước khi đọc tiếp, các bạn thử nghĩ giùm một giải pháp giúp anh tài xế xem giải pháp của bạn có hay hơn của người bệnh tâm thần không?
.
.
“Tháo một cái bù lon từ mỗi trong ba bánh xe kia và gắn vô cái bánh xe này. Rồi lái xe xuống cửa tiệm gần nhất và thay những cái bù lon còn thiếu vô. Đơn giản quá phải không anh bạn?”
Người tài xế quá cảm kích với lối giải quyết nhanh chóng này liền hỏi người bệnh:
“Anh quá giỏi và thông minh như vậy sao lại có mặt ở cái bệnh viện tâm thần này nhỉ?”
Người bệnh trả lời:
“Anh bạn ạ! Tôi ở đây bởi vì tôi khùng chứ không phải tôi ngu”.
---
Chẳng có gì ngạc nhiên, có nhiều người, thái độ chẳng khác anh tài xế xe tải, cứ nghĩ rằng người khác toàn là kẻ ngu hơn mình một cái đầu.
Bởi vậy, các bạn ạ, mặc dầu tất cả các bạn được học hành tử tế và thông minh, nhưng cứ nhìn xem, có thể có nhiều gã điên quanh nhà và chỗ làm của chúng ta. Họ có thể cho bạn nhiều cách giải quyết nhanh chóng và vượt qua cả sự khôn ngoan mà chúng ta tưởng mình có.
- ST -

NGHỆ THUẬT THA THỨ


Một người cứ luôn luôn bị tỉnh dậy vào buổi đêm, vì một giấc mơ cứ lặp đi lặp lại. Anh ta thấy mình bơi trong một cái hồ, bơi giỏi như một vận động viên. Tuy nhiên, cái hồ rất rộng mà chân tay anh ta thì mỏi, anh ta khó lòng bơi tới được bờ. Bỗng nhiên, cha anh ta bơi thuyền đến gần, đưa tay ra, bảo anh ta bám lấy. Anh ta nhớ lại hồi nhỏ thường bị bố mắng mỏ, thậm chí đánh đòn, nên mỉm cười khinh khỉnh và nói: “Cảm ơn bố, cứ kệ con!”.

Anh ta bơi tiếp, cố hết sức hướng về phía bờ. Rồi anh ta nhìn thấy một người khác bơi thuyền lại gần. Ðó là cô em gái. Cô em gái quăng một chiếc phao về phía anh ta và bảo: “Anh dùng phao đi!”. Nhưng nhớ lại rất nhiều lần cô em gái hỗn hào ương bướng cãi lời mình, anh ta lắc đầu và xua tay.
Sau những nỗ lực lớn lao, cuối cùng anh ta cũng vào được đến bờ. Anh ta nằm vật ra trên bãi cát ướt, sự mệt mỏi làm đầu óc trở nên lơ mơ, còn chân tay thì không cử động nổi. Một đám đông người tụ tập quanh anh ta. Khuôn mặt nào anh ta cũng thấy quen. Ðó là gia đình, họ hàng, bè bạn của anh. Người thì muốn đưa anh vào bệnh viện, người thì muốn đốt lửa, người thì muốn lấy bộ quần áo khô và khăn cho anh lau… Nhưng cứ khi mỗi người định làm gì, anh ta lại nhớ lại những khi con người đó đối xử không tốt với mình. Và “Không, cảm ơn”- Anh ta lại nói – “Cứ kệ tôi”. Anh gượng đứng dậy, quần áo ướt sũng, dính đầy cát, chân tay rã rời, mệt mỏi đi xa đám đông.
Sau khi liên tục nằm mơ thấy giấc mơ đó trong vòng vài đêm, anh ta liền đi hỏi bà, người duy nhất chưa bao giờ làm gì không tốt với anh, và người mà anh tin tưởng sẽ không bao giờ làm gì không tốt với anh cả.
- Bà không phải là người biết ý nghĩa của những giấc mơ – bà anh nói – Nhưng bà nghĩ cháu đang giữ trong đầu quá nhiều bực bội và hằn học.
- Bực bội ư? Hằn học ư? Không thể thế được! – Anh ta kêu lên - Nếu có thì cháu phải cảm thấy chứ!
Bà của anh ngồi yên và bình tĩnh đáp :
- Những cố gắng của cháu và hồ nước trong giấc mơ chính là những gì cháu đang phải cố gắng trong tâm trí cháu. Cháu cần sự giúp đỡ, cháu muốn được quan tâm, nhưng cháu thấy không ai đủ tốt cho cháu tin tưởng. Cháu đã bơi được tới bờ một lần, nhưng còn những lần khác thì sao? Sự tha thứ không phải là những điều mà chúng ta làm cho người khác, mà chúng ta làm cho chính chúng ta đấy thôi. Vì khi chúng ta không tha thứ, có phải là chúng ta đã xây dựng trong tâm trí mình những bực bội và tức giận ngày càng lớn đó không?
💎 Bài học:
Bạn không phải là người hoàn hảo, nên bạn cũng có những sai lầm. Nếu bạn tha thứ những sai lầm của người khác đối với bạn, bạn cũng sẽ được những người khác tha thứ những sai lầm của bạn.
- ST -

CHẶT CÂY NÀO?



Thầy hỏi: “Nếu các trò lên núi chặt cây, vừa vặn trước mắt có hai gốc cây, một gốc cây to, một gốc cây nhỏ, các em sẽ chặt gốc nào?”
Câu hỏi vừa ra, tất cả học sinh đều nói: “Tất nhiên là chặt gốc cây to rồi.”

Thầy cười cười, nói: “Gốc cây to kia chỉ là một gốc bạch dương bình thường, mà gốc cây nhỏ kia lại là một cây thông, bây giờ các em sẽ chặt cây nào?”
Chúng tôi nghĩ, cây thông tương đối trân quý, nên trả lời: “Tất nhiên sẽ chặt cây thông, bạch dương không được bao nhiêu tiền!”
Thầy mang theo nụ cười không đổi nhìn chúng tôi, hỏi: “Nếu gốc cây dương là thẳng tắp, mà cây thông lại uốn éo xiêu vẹo, các em sẽ chặt cây nào?”
Chúng tôi cảm thấy có chút nghi hoặc, liền nói: “Nếu là như vậy, hay là vẫn chặt cây dương. Cây thông cong queo ngoằn ngoèo, làm gì cũng không làm được!”
Ánh mắt thầy lóe lên, chúng tôi đoán là thầy sẽ thêm điều kiện nữa, quả nhiên, thầy nói: “Cây dương tuy thẳng tắp, nhưng bởi đã lâu năm, nên phần giữa mục rỗng, lúc này, các em sẽ chặt gốc nào?”
Tuy không hiểu nổi trong hồ lô của thầy bán thuốc gì, chúng tôi vẫn từ điều kiện của thầy mà suy nghĩ, nói: “Thế thì lại chặt cây thông, cây dương ở giữa đã mục rỗng, càng không thể dùng!”
Sau đó thầy liền hỏi: “Thế nhưng dù cây thông ở giữa không mục rỗng, nhưng nó cong queo quá ghê gớm, bắt đầu chặt rất khó khăn, các em sẽ chặt gốc nào?”
Chúng tôi dứt khoát không suy nghĩ kết luận của thầy là gì nữa, liền nói: “Vậy chặt cây dương. Đều không thể dùng như nhau, đương nhiên chọn cây dễ chặt!”
Thầy không để chúng tôi thở, hỏi: “Thế nhưng trên cây dương có một tổ chim, mấy con chim non đang ở trong ổ, các em sẽ chặt gốc nào?”
Cuối cùng, có người hỏi: “Thầy ơi! Rốt cuộc thầy muốn nói gì cho chúng em vậy? Hỏi những thứ đó làm gì vậy thầy?”
Thầy thu hồi nụ cười, nói: “Các em vì sao không tự hỏi mình, rốt cuộc là chặt cây để làm gì? Tuy điều kiện của thầy thay đổi, nhưng yếu tố cuối cùng quyết định kết quả là động cơ ban đầu của các em. Nếu muốn lấy củi, các em liền chặt cây dương; muốn làm hàng mỹ nghệ, liền chặt cây thông. Các em tất nhiên sẽ không vô duyên vô cớ cầm theo búa lên núi chặt cây chứ?!”
Một người, chỉ khi trong nội tâm đã có mục tiêu từ trước, thì lúc làm việc mới không bị đủ loại điều kiện và hiện tượng bên ngoài mê hoặc. Mục tiêu của bạn đã rõ ràng sao? Tư tưởng thông suốt, mới có thể kiên trì.
- ST -

CÂU CHUYỆN CỦA QUÁ KHỨ VÀ TƯƠNG LAI




Một lớp của trường tiểu học Mỹ có 26 học sinh đặc biệt vì chúng đều có những quá khứ tội lỗi: em thì đã từng tiêm chích, em thì đã vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ trong một năm đã phá thai ba lần.

Gia đình đã từ bỏ chúng, các thầy cô giáo và nhà trường cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Cuối cùng, lớp học được giao cho cô giáo Phila chủ nhiệm.
Ngay ngày đầu tiên của năm học, Phila đã không dọa nạt, ra oai với chúng như những giáo viên trước mà cô nêu Ra cho cả lớp một câu hỏi sau: “Cô kể cho các em một số điểm trong quá khứ của 3 ứng cử viên như sau:
Người thứ nhất luôn tin vào y thuật của thầy cúng. Ông ấy từng có hai người tình, ông ta hút thuốc và nghiện rượu trong nhiều năm liền.
Người thứ hai đã từng bị đuổi việc hai lần. Ngày nào ông ta cũng ngủ đến trưa, tối nào cũng uống một lít rượu brandy và cũng từng hút thuốc phiện.
Người thứ ba từng là anh hùng trong chiến đấu. Ông ta luôn giữ thói quen ăn kiêng, không hút thuốc, thỉnh thoảng mới uống rượu, thường uống bia nhưng không uống nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp”.
Cô hỏi cả lớp trong 3 người, ai sau này sẽ cống hiến nhiều nhất cho nhân loại. Các em học sinh đồng thanh chọn người thứ 3, nhưng cô giáo làm cho cả lớp kinh ngạc khi trả lời:
“Các em thân mến, cô biết chắc chắn các em sẽ cho rằng chỉ có người thứ ba mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy.
Ba người này là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2:
Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường, ông đảm nhận chức vụ tổng thống Mỹ trong bốn nhiểm kỳ liên tiếp.
Người thứ hai là Winston Churchill, thủ tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Anh.
Người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.
Khi cô nói xong, tất cả học sinh đều ngây người nhìn cô và như không tin nổi những gì chúng vừa nghe thấy. Cô giáo nói tiếp: “Các em có biết không, những điều mà cô nói về ba nhân vật này là quá khứ của họ. Còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi họ thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu, vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ. Cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm nhất trong cuộc đời mình, các em sẽ trở thành những người xuất chúng… “.
Sau khi những học sinh này trưởng thành, rất nhiều người trên cương vị công tác của mình đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào: Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người trở thành nhà du hành vũ trụ. Điều đáng nói là, Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, giờ đây trở thành giám đốc tài chính trẻ nhất của phố Wall.
--------------------
Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ và hướng thiện, những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều trở thành dĩ vãng. Chỉ cần bạn thực sự chịu trách nhiệm với bản thân, chịu trách nhiệm với tương lai, tích cực nỗ lực để gia nhập vào đội ngũ những người cầu tiến, ngày mai chắc chắn bạn sẽ thành công.
-ST-

ĐIỂM YẾU


Trong hàng chục năm trời, Jay Thiessens, Chủ tịch Tập đoàn máy móc công cụ B&J (một doanh nghiệp lãi ít nhất 5 triệu USD/năm), giấu kín một bí mật - ông không biết đọc.

Hằng ngày, như mọi doanh nhân khác, ông luôn vội vã, bận rộn, bởi vậy cũng luôn "không đủ thời gian để xem các bản hợp đồng hay đọc thư, gửi email...". Mỗi buổi tối, vợ ông, bà Bonnie lại phải giúp ông xem lại các giấy tờ trong ngày.
Còn các nhiệm vụ khác, ông giao cho một nhóm quản lý đáng tin cậy, nhưng ngay cả những người đó cũng không hề biết rằng giám đốc của họ hoàn toàn không biết đọc.
"Tôi làm việc cho ông ấy 7 năm rồi mà không hề biết" - Jack Sala kể - "Tôi là giám đốc điều hành. Ông ấy thường mang những văn bản luật tới chỗ tôi và bảo: "Anh giỏi những vấn đề luật pháp hơn tôi mà!". "Tôi đã không biết rằng tôi là người duy nhất đọc chúng" - Jack nói.
Rất ít người biết được rằng mong ước lớn nhất của ông Jay là có thể đọc một câu chuyện cổ tích cho cháu mình nghe trước khi chúng ngủ. Nhưng ông cũng không giữ được bí mật này mãi mãi. Năm 56 tuổi, ông Jay mới bắt đầu biết đọc. "Kể từ khi tôi quyết định không giấu giếm nữa, tôi thấy nhẹ nhõm hơn hẳn".
Doanh nghiệp của ông Jay từng được bình chọn là một trong 6 doanh nghiệp thành công nhất nước Mỹ - những doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và thành công bất chấp khó khăn. Khi đó cũng không ai biết rằng ông từng bị cô giáo lớp 2 gọi là "ngu ngốc" và kể từ đó, ông trở thành một cậu bé lặng lẽ và đơn độc, luôn ngồi ở góc cuối cùng của lớp.
"Có lẽ các thầy cô phát mệt khi cứ phải thấy mặt tôi nên họ cho tôi lên lớp" - Ông Jay kể lại quá trình làm sao ông có được bằng tốt nghiệp cấp 2. "Tôi chỉ nhận toàn điểm C, D và F. Chỉ duy nhất một lần tôi có điểm A: Môn thực hành máy móc tự động".
Sau khi tốt nghiệp, ông Jay mở một cửa hàng linh kiện máy móc nhỏ với 200 đôla duy nhất của mình, và chẳng bao lâu sau, ông đã thành một trong những doanh nhân thành công lớn.
Ông bù đắp cho việc không biết đọc của mình bằng cách lắng nghe thật nhiều: Nghe đài, TV và nghe những người khác nói chuyện. Ông phát triển kỹ năng lắng nghe tập trung nên rất ít khi quên. Và tuy không biết chữ, nhưng khả năng tính toán và hình học của ông lại cực kỳ đáng nể.
Nhưng cuối cùng ông cũng thú thật trước tất cả mọi người, khi đó giọng ông run lên và ông nghĩ rằng mình sẽ bị cười nhạo. Nhưng trái lại, tất cả mọi người đều động viên và tôn trọng ông. Nhờ sự khuyến khích đó, ông Jay tự tin tìm một giáo viên dạy ông đọc 5 ngày/ tuần, mỗi ngày một giờ đồng hồ.
Bây giờ thì ông Jay đã đọc được rất nhiều sách. Ông cũng gửi nhận email hằng ngày, dù bà Bonnie vẫn phải giúp ông soạn thư gửi qua bưu điện khi ông quá bận. Nhưng mỗi lần nhắc đến quá khứ, ông không còn xấu hổ nữa mà hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ động viên mọi người, rằng mỗi người đều có điểm yếu và nếu bạn thật sự nỗ lực, bạn sẽ vượt qua được.
------------------------------------------------------------------
"Chẳng có gì xấu hổ trong việc bạn kém hơn mọi người về một kỹ năng nào đó, dù là một kỹ năng cơ bản" - ông Jay nói - "Bạn chỉ phải xấu hổ nếu bạn cứ ngồi yên mà chẳng tìm cách nào để khắc phục điều đó".
-ST-