Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

03/10/2015 Thứ Bảy Tuần XXVI Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 10, 17-24"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Đấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe". Đó là lời Chúa.CHIA SẺ PHÚC ÂM:Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: "Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống". Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.AMEN.

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN B LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

(Cv 1,12-14;  Gl 4,4-7; Lc 1,26-38)
Chủ đề:
ĐỨC MARIA
QUY TỤ NHỮNG NGƯỜI TIN
THÀNH CỘNG ĐOÀN SỐNG ĐẠO
Tất cả đều đồng tâm nhất trí,
chuyên cần cầu nguyện

(Cv 1,17)
I. CÁC BÀI ĐỌC:
Các bài đọc hôm nay làm nổi bật vai trò của Đức Maria trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa và là mẫu gương đời sống đức tin cho các Kitô hữu. Đức Maria không chỉ nói tiếng “xin vâng” trong niềm tín thác để Thánh ý Thiên Chúa được thực hiện, mà sau khi Đức Giêsu phục sinh và thăng thiên, Đức Maria còn quy tụ các môn đệ thành một cộng đoàn để nâng đỡ nhau thực hành đời sống đức tin.
1. Bài đọc I (Cv 1,12-14):
Bài đọc I thuật lại việc thực hành đời sống đức tin của cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi sau biến cố Đức Giêsu lên Trời. Trong cộng đoàn đó có các môn đệ và các tín hữu cùng với Đức Maria, thân mẫu Đức Giêsu. Dù đã nhận được lệnh truyền đi Phúc Âm hóa cho mọi người mọi nơi (Cv 1,8) nhưng trước khi thi hành sứ vụ, các môn đệ đã quy tụ quanh Đức Maria để học cho biết “Phúc âm bản thân” rồi “Phúc âm hóacộng đoàn những người tin” của mình trước khi ra đi “Phúc âm hóa người khác”. Quy tụ quanh Đức Maria, các môn đệ đã thực hành những yếu tố nền tảng và trở thành mẫu mực cho lối sống Tin Mừng trong cộng đoàn Kitô giáo, đó là “quy tụ với nhau trong đức tin”, cùng “đồng tâm nhất trí” và “chuyên cần cầu nguyện” (Cv 1,14). Để tạo được nếp sống như thế trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi, có thể nói Đức Maria đóng vai trò rất lớn.
- Trước hết, Đức Maria đóng vai trò kết nối quy tụ người tin về lại trong một gia đình duy nhất là Giáo Hội. Trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các môn đệ tán loạn, chỉ còn một mình môn đệ Gioan đứng với Đức Maria dưới chân thập giá. Sau cuộc khổ nạn, các môn đệ tản mác vì “sợ”. Tuy nhiên, lúc này tất cả đều quy tụ quanh Đức Maria.
- Kế đến, Đức Maria đóng vai trò thầy dạy về đời sống đức tin. Đức Maria đã hết lòng tín thác để nói tiếng “xin vâng” với Thiên Chúa. Kể từ đó, Đức Maria đã trở thành người môn đệ trung tín, theo Đức Giêsu trên hành trình đức tin. Từ tiếng “xin vâng” đầu tiên để “Con Thiên Chúa làm người” trong lòng mình, đến tiếng xin vâng ở núi Sọ để Người Con yêu dấu “chịu khổ nạn và chết”, Đức Maria đã trải qua một hành trình đức tin rất dài với bao lần “xin vâng” khác. Trên hành trình này, Đức Maria đã hết lòng tín thác để cho Thiên Chúa làm chủ đời mình, chấp nhận hy sinh những dự tính tốt đẹp cá nhân mà đón lấy chương trình của Thiên Chúa.
- Bên cạnh, Đức Maria còn đóng vai trò làm mẫu mực của đời sống cầu nguyện. Đức Maria luôn cầu nguyện để tìm kiếm Thánh ý Thiên Chúa và “suy niệm trong lòng”. Có thể đôi lúc Đức Maria chưa hiểu hết và hiểu ngay Thánh ý Thiên Chúa nhưng ngài chẳng gạt đi. Trái lại, ngài luôn “suy niệm trong lòng” vì tin rằng có ngày sẽ hiểu để tiến sâu hơn vào mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa sẽ thực hiện trên bản thân mình và trên những người tin. Qua việc luôn “suy niệm trong lòng”, Đức Maria đã dạy các môn đệ và các tín hữu rằng cầu nguyện không phải là nói nhiều, nhưng đúng hơn là nghe nhiều, và sau đó sống điều mình đã nghe.
Do đó, có thể nói các môn đệ và mọi tín hữu đón nhận được nhiều bài học về đời sống đạo từ Đức Maria, để dần dần, họ quy tụ thành cộng đoàn thực hành đời sống đức tin Kitô giáo trọn vẹn như được thuật lại: “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Đây là cách “Phúc âm hóa cộng đoàn” tụ họp nhân danh Chúa trước khi có thể đi thi hành sứ vụ “Phúc âm hóa người khác” đã được ủy thác.
2. Bài đọc II (Gl 4,4-7):
Cựu Ước và Tân Ước là hai giai đoạn trong lịch sử cứu độ. Hai giai đoạn này có sự tiếp nối, nhiều khi là tương đồng nhưng đôi lúc lại tương phản nhau. Bài đọc II trích thư Galát ngầm so sánh hai người “đàn bà” ở hai giai đoạn khác nhau này và thuộc về hai thái cực tương phản: một người thuộc thời Cựu Ước là căn nguyên của sự chết, đem “tin buồn” cho nhân loại; một người thuộc thời Tân Ước là Đấng sinh ra Đức Giêsu-Nguồn sự sống, đem “Tin Mừng” cho mọi người.
Nếu Eva làm cho nhân loại phải nô lệ tội lỗi và vì có tội nên có Lề Luật, do đó cũng làm cho nhân loại bị giam hãm trong Lề Luật (x. Gl 4,23), thì Đức Maria sinh ra Đấng làm cho nhân loại được tự do khỏi nô lệ của tội lỗi và khỏi sự giam hãm của Lề Luật. Nếu Eva làm cho nhân loại mất quyền làm con cái Thiên Chúa, thì Đức Maria sinh ra Đấng đem lại cho nhân loại phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa.
Quả thật, khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Mình tới làm con của Đức Maria để làm người, hầu giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của Lề Luật và tội lỗi; đồng thời, cho con người nhận lại ơn làm nghĩa tử của Thiên Chúa và được thừa kế gia nghiệp Nước Trời.
3. Bài Tin Mừng (Lc 1,26-38):
Bài Tin Mừng thuật lại biến cố truyền tin cho Đức Maria. Khi ấy, sứ thần Gábrien đã đến loan tin vui cho Đức Maria với lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng”. “Mừng vui lên” vì được Thiên Chúa viếng thăm. “Đấng đầy ân sủng” vì có Thiên Chúa ở cùng, qua việc được diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa. Đây cũng là ân sủng cao quý nhất và là nguồn gốc của mọi ân sủng khác mà Đức Maria nhận được. Thật vậy, vì được phúc làm Đức Mẹ Thiên Chúa nên Đức Maria được tiên liệu cho hưởng đặc ân vô nhiễm nguyên tội để chuẩn bị một cung lòng xứng đáng hầu cưu mang Con Thiên Chúa. Vì có diễm phúc làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được ơn trọn đời đồng trinh. Vì làm Mẹ Thiên Chúa nên ngài được hưởng trước hoa trái ơn cứu độ mà Con lòng Mẹ mang lại, đó là được hồn xác lên Trời trước mọi người chúng ta.
Trước ân sủng quá lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình, Đức Maria đã lo sợ với tâm trạng “rất bối rối” và “tự hỏi” về điều mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi mình là “làm Mẹ Đấng Cứu Thế”. Tuy nhiên, đó không phải là tâm trạng hoài nghi như trong trường hợp của ông Dacaria khi nghe sứ thần truyền tin (Lc 1,12.18) mà là biểu hiện của một đức tin trưởng thành. Sau khi đã nhận biết Thánh ý của Thiên Chúa trên cuộc đời mình, Đức Maria đã hoàn toàn tuân theo: “Vâng- Fiat, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói”. Như thế, Đức Maria là thầy dạy chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởngvào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, và vâng theo kế hoạch của Người.
Biến cố truyền tin cho Đức Maria trong bài Tin Mừng hôm nay là mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự vui của Chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gábrien trong biến cố này làm nên nội dung phần đầu của Lời Kinh Kính Mừng “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà…”.  Đối với Kitô hữu, khi suy gẫm Kinh Mân Côi với bốn mầu nhiệm Vui-Thương-Mừng-Sáng, chúng ta đang cùng với Đức Maria tham dự vào mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi khi bước theo Đức Giêsu trên con đường sứ vụ, cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa Cha và đón nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện…với Đức Maria.“Quy tụ”, “đồng tâm nhất trí” và “cầu nguyện” là các đặc tính căn bản của đời sống cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Sau đó, cộng đoàn này sẽ thực hành đầy đủ các chiều kích căn bản của đời sống đạo như: “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Đây cũng là tinh thần mà HĐGM Việt Nam muốn Dân Chúa sống trong năm 2015 này (x. Thư Mục vụ HĐGM VN 2015, các số 1-5). Các nhóm, hội đoàn, cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn tu trì của chúng ta có thực sự là môi trường để sống hiệp nhất và cầu nguyện hay không? Chúng ta có biết quy tụ bên Đức Maria và lấy ngài làm gương mẫu cho việc củng cố đức tin và tăng trưởng đời sống đạo hay không?
2. Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con của một người đàn bà, để cứu độ và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa.Chương trình cứu độ của Thiên Chúa có được thực hiện hay không cũng tùy thuộc một phần vào thái độ cộng tác hay từ khước của con người. Nếu Eva cũ đã khước từ ân sủng của Thiên Chúa qua việc bất tuân lệnh truyền của Người, khiến loài người mất phúc làm con cái Thiên Chúa và phải chết, thì Đức Maria, Eva mới, nhờ thái độ vâng phục, đã sinh hạ Đấng Cứu thế đem lại cho loài người quyền làm nghĩa tử và được sống muôn đời. Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta là ai: đang là “Eva cũ” cản trở chương trình của Thiên Chúa hay là “Eva mới” cộng tác vào chương trình của Người?
3. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Biến cố truyền tin cho Đức Maria được diễn tả trong mầu nhiệm thứ nhất thuộc năm sự vui của chuỗi Mân Côi. Còn lời chào của sứ thần Gábrien trong biến cố này là phần đầu của Kinh Kính Mừng. Do đó, Kinh Mân Côi diễn tả cách tuyệt vời mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và vai trò cộng tác của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta có siêng năng lần chuỗi Mân Côi và xem đó như là một phương thế để nuôi dưỡng đời sống đạo hay không?  
4. Vâng, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói. Đức Maria là mẫu gương của chúng ta về đời sống Kitô hữu qua ba thái độ cụ thể: tin tưởng vào, phó tháccho, và vâng phục Thánh ý Thiên Chúa. Khi soi vào tấm gương Đức Maria, chúng ta thấy bản thân mình đã đáp lại Thiên Chúa như thế nào: có hết lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, phó thác cho Thiên Chúa, tìm kiếm và vâng phục Thánh ý Người trên cuộc đời mình hay không?
5. Kinh Mân Côi diễn tả sứ điệp Tin Mừng và có sức “Phúc âm hóa các cộng đoàn giáo xứ” cũng như “các cộng đoàn sống đời thánh hiến”. Giáo Hội luôn cổ võ việc lần chuỗi vì thấy đây là phương thế hữu hiệu giúp các Kitô hữu “bước vào trường học của Đức Maria để Mẹ dạy chúng ta về Chúa Giêsu” (Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II), và nhìn nhận “Kinh Mân Côi là một trường học thật sự của đức tin và lòng đạo đức”; là phương thế để “Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, và dấu hiệu lời kinh chung gia đình” (ÐGH Bênêđíctô XV). Riêng với ĐGH Phanxicô, ngay ngày đầu tiên, sau khi được bầu làm Giáo hoàng vào 14-3-2013, ngài đã tới Đền Thờ Đức Bà Cả để cầu nguyện trước tượng Ðức Mẹ. Sau đó, vào ngày 4-5-2013, ngài lại tới đây để lần Chuỗi Mân Côi và dâng triều đại giáo hoàng của ngài cho Đức Mẹ. Kế đến, trong bài giảng Lễ Đức Mẹ Lên Trời ở Castelgandolfo vào ngày 15-8-2013, ngài đã nói: “Cầu nguyện với Mẹ Maria, đặc biệt, lần chuỗi mân côi, cũng có một ý nghĩa ‘đấu tranh’, nghĩa là cầu nguyện ủng hộ trận chiến chống ác thần và chống những kẻ đồng lõa với nó”. Một thời gian sau, trong buổi cầu nguyện với Đức Mẹ Fatima vào ngày 12-10-2013 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh 3 điều quan trọng về Đức Maria. Trước tiên, đức tin của Mẹ tháo gỡ cái nút thắt của tội lỗi, điều mà xưa bà Eva đã thắt lại bằng sự thiếu tin tưởng, thì nay Mẹ tháo gỡ bằng niềm tin của mình. Kế đến, Mẹ trao tặng xác thể cho Chúa Giêsu làm người ở với chúng ta. Cuối cùng, Mẹ đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin qua việc bước theo Con của Mẹ, nên Mẹ sẽ tháp tùng và nâng đỡ đức tin của chúng ta. ĐGH rút ra các điều này nhờ việc suy niệm Kinh Mân Côi mà Mẹ Fatima đã nhắn nhủ chúng ta: “hãy siêng năng lần hạt Mân Côi”.
Quả thật, Chuỗi Mân Côi là lời kinh mang tính kết nối và phương thế để giúp nhau canh tân đời sống. Khi lần Chuỗi Mân Côi chung, chúng ta đang quy tụ quanh Đức Maria để đến với Chúa và liên kết mọi người trong gia đình, thôn xóm, trong cộng đoàn giáo xứ hoặc dòng tu lại với nhau. Đối với chúng ta, việc lần Chuỗi Mân Côi có vai trò nào trong cuộc “Tân Phúc âm hóa giáo xứ” và “cộng đoàn sống đời thánh hiến” trong năm này?
II. GỢI Ý MỤC VỤ
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Nhờ niềm tin tưởng phó thác và sự khiêm tốn vâng phục của Ðức Maria mà Thiên Chúa đã khởi sự công cuộc cứu chuộc loài người qua mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta cùng chung lời ngợi khen Chúa và tha thiết cầu xin:
1. “Các Tông đồ luôn đồng tâm nhất trí và chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn hiệp nhất với nhau để lời rao giảng có thêm sức mạnh và việc phục vụ đem lại nhiều hoa trái.
2. “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa.” Chúng ta cùng cầu xin cho những người đang gặp khó khăn hay đau khổ về tinh thần lẫn thể xác biết học gương nhân đức của Mẹ, luôn sẵn sàng đón nhận và mau mắn thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời.
3. “Hãy siêng năng lần chuỗi mân côi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi tín hữu luôn ý thức giá trị của kinh mân côi, và siêng năng thực hành như một phương thế để tái khám phá đức tin và đào sâu các mầu nhiệm cuộc đời của Đấng cứu độ trần gian.
4. “Không có việc gì mà Chúa không làm được.” Xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết noi gương Đức Maria, vững lòng tin cậy nơi quyền năng của Thiên Chúa, luôn sống tín thác và trở nên khí cụ cho dự án yêu thương của Người trong xã hội hiện tại.
Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã muốn Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong cung lòng Trinh Nữ Maria. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và giúp chúng con biết noi gương Mẹ luôn trung thành gắn bó với Đức Kitô, Con Chúa. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.