Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

ĐỜI SỐNG QUÂN BÌNH


Một du học sinh người Nhật, đã từng có hơn bốn năm học tập tại Việt Nam, cho rằng người Việt có nhiều điều kiện thuận lợi “rừng vàng, biển bạc, bốn nghìn năm văn hiến” thiên nhiên ưu đãi, hơn hẳn rất nhiều so với nước Nhật. Thế nhưng nhìn vào thực trạng hôm nay, khoảng cách phát triển ta và Nhật mỗi ngày một xa. Tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, chỉ biết giữ vệ sinh nhà mình, còn ngoài đường xả rác bừa bãi, không cần biết bẩn đến đâu “Người Việt không biết xếp hàng, ... chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị.... các bậc mẹ cha dạy dỗ con cháu cố gắng học hành để sau này là bác sỹ, phi công, thuyền trưởng… mà xuất phát không vì đam mê mà vì phong bì nhiều, đút lót dễ, giàu sang mấy hồi…”

Chắc không phải là hoàn toàn đúng như vậy, nhưng khiêm tốn một chút, đây không phải là chuyện không có, hoặc không xẩy ra trong xã hội chúng ta. Vì nhắm lợi nhuận trước mắt, cha mẹ đổ xô cho con học những môn học tự nhiên, rất ít chú tâm đến những môn học xã hội nhân văn, dạy làm người.
Chuyện đạo cũng không thiếu nhiếu những điều như vậy. Việc học giáo lý bị xem nhẹ, học cho xong thủ tục, cấp tốc, qua lần chiếu lệ, miễn sao được lãnh bí tích. Các biện pháp giáo dục, đạo tạo huấn luyện nơi nhà thờ, để trở thành con người trưởng thành, có giờ giấc, sống biết ơn, lễ phép...cũng bị nhiều phụ huynh than phiền “khó quá”. Hậu quả của việc giáo dục khập khiễng này, ngày càng có quá nhiều trẻ em hư, vô cảm, bất cần, tệ nạn xã hội, đâm chém, hận thù, gian tham... mỗi ngày một gia tăng.
Một con người trưởng thành cần phải hai yếu tố, đời sống vật chất, thể lý và đời sống tinh thần. Chúa Giêsu đã khẳng định điều đó. Sau khi các môn đệ, vui mừng, báo cáo cho Chúa nghe những thành quả đạt được, Ngài bảo các ông hãy vào nơi thanh vắng để nghỉ ngơi chút ít. Điều ấy thật quan trọng, chỉ khi nào biết nghỉ ngơi, trầm lắng bên Chúa, ta mới cậy dựa vào Ngài, nhận ra những thành quả đó không phải là của mình, mà tất cả là hồng ân.
Chỉ khi nào ta dám dành thời giờ, để cầu nguyện, học hỏi giáo lý, tham dự thánh lễ, sinh hoạt các hội đoàn, kín múc sức mạnh nơi Chúa, hoa trái của sự thành công chính là cầu nguyện, và hoạt động lại trở thành chất liệu để cầu nguyện. Chỉ khi nào ta biết dung hòa giữa đời sống hoạt động, học hành, làm việc, vui chơi, giải trí với đời sống tâm linh, tham dự thánh lễ, dành thời gian cho Chúa, ta mới thực sự phát triển quân bình, trở thành một con người trưởng thành thực sự, trong tương quan hài hòa với mọi người. Một phụ huynh đã phải thốt lên, “giá mà hồi xưa, tôi cho nó học giáo lý đoàng hoàng, có lẽ bây giờ, không phải vào tù”.
Biết bao nhiêu những hấp dẫn lôi cuốn trước mắt, xin cho ta cũng biết dung hòa, dành thời gian, nghỉ ngơi bên Chúa. Amen.

SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU

                                     

Người Mục Tử có lẽ là hình ảnh thị vị nhất của Kinh Thánh khi nói về Thiên Chúa.Một Thiên Chúa chăm sóc, chăn dắt đoàn chiên không để thiếu thốn gì.
      Bước ra từ những truyền thống ngàn đời của Cựu ước, Đức Giêsu xuất hiện như một mục tử nhân hậu làm tất cả những gì có thể được cho đàn chiên và, bao trùm lên tất cả, là lời của Tin Mừng thường xuyên được gửi đến không chỉ bằng lời rao giảng mà còn bằng chính cuộc sống của mình.
     Điểm nổi bật trong tấm lòng mục tử của Đức Giêsu (Tin Mừng Mác-cô và Mát-thêu đều ghi lại) là mối chạnh lòng trở thành cử chỉ quan tâm, chăm sóc ngay cả việc nghỉ ngơi,ăn uống.
 Từ vị trí chủ chăn, Đức Giêsu còn là hiện thân của hòa bình,liên kết tập họp mọi người lại với nhau,khiến “Do thái và chư dân nên một,anh em xưa kia xa cách nay đã gần kề” như Thánh Phao-lô đã viết trong thư Ê-phê-sô.Đám đông theo Chúa Giêsu không nói gì cũng không đòi hỏi gì nhưng từ mối quan tâm chân tình của Người Mục Tử,Ngài đã nghe được tiến nói của đàn chiên im lặng.
 Hình ảnh người mục tử Cựu Ước đã được Đức Giêsu tái hiện cách sinh động cho đến hôm nay vẫn còn nguyên gái trị và vẫn là một đòi hỏi,thách thức cho những ai được giới thiệu là chủ chăn.
      Đã không thiếu những mục tử bị kết án “làm cho đàn chiên trong đồng cỏ của Ta phải tan lạc chết chóc”,đôi khi chỉ vì những hiềm khích cá nhân,những hẹp hòi cục bộ.Ngược lại có nhiều chủ chăn xem đàn chiên của mình chỉ đơn thuần là một bầy cừu im lặng,muốn dẫn dắt đi đâu tùy ý, không lắng nghe, không quan tâm đến những đòi hỏi,thiếu thốn có thực của đàn chiên.Tin Mừng vẫn được họ rao giảng nhưng không với ngôn ngữ của cuộc sống,chỉ là những tiếng nói dở dang.Trách nhiệm mục tử có thể vẫn được thực hiện nhưng chưa là kết quả của mối chạnh lòng và lắng nghe.Họ đã dừng lại ở bên này khoảng cách với dàn chiên và trở nên xa lạ với sứ vụ hòa bình,liên kết vốn chỉ nảy nở từ những mối thân tình gần gũi với đàn chiên.
     Giữa một thế giới và một xã hội luôn biến động,luôn đi tìm những giải pháp mới cho cuộc sống,cho lòng tin,người chủ chăn nếu không nghe được tiếng nói im lặng của đám đông cũng có nghĩa là đang làm biến dạng đi khuôn mặt mục tử của Tin Mừng.
     Khi nhà thờ chỉ còn lại mấy cụ già trong thánh lễ chúa nhật,các Giáo hội phương Tây mới nhận ra trách nhiệm của mình- dù đã muộn – khi lắng nghe và đáp trả tiếng nói của đàn chiên im lặng qua những dấu chỉ sinh động của đời thường.

     Sự im lặng của đàn chiên là một im lặng chờ đợi và đòi hỏi.Chỉ khi bắt nguồn từ mối chạnh lòng, sự quan tâm tâm theo khuôn mẫu mục tử Giêsu, người chủ chăn mới nghe được tiếng nói của đàn chiên im lặng.

18/07/2015 Thứ Bảy Tuần XV Mùa Thường Niên Năm B


PHÚC ÂM: Mt 12, 14-21
"Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời đã phán".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các người biệt phái đi ra ngoài, bàn mưu kế chống lại Chúa Giêsu để hãm hại Người. Biết thế, Chúa Giêsu rời bỏ nơi ấy. Có nhiều kẻ đi theo Người, và ai có bệnh, đều được Người chữa lành. Người cấm họ đừng cho ai biết Người, để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã chép rằng:

"Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi cọ hay dức lác, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Chúa Giêsu biết rõ những người Biệt Phái ghen ghép và mưu hại Ngài, Ngài đã kín đáo rời khỏi miền Galilê để tiếp tục sứ mệnh của Ngài tại nhiều nơi khác, Ngài còn cấm những kẻ theo Ngài không được tiết lộ cho thiên hạ biết Ngài là ai. Thánh Mátthêu đã nhận ra trong sự kiện này lời tiên tri Isaia đã ứng nghiệm, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Ðấng Thiên Sai là Con Thiên Chúa. Thần Khí Thiên Chúa luôn ngự trên Ngài, nhưng theo lời tiên tri Isaia, khi Ngài xuất hiện thì đây là dấu để nhận ra Ngài; một con người hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng, Ngài không cãi vả, không la lối, Ngài không bẻ gẫy cây sậy đã dập, không dập tắt tim đèn còn khói. Ðó chính là lòng nhân từ kiên nhẫn, xót thương của Chúa. Nhưng Ngài hiền lành không phải để buông xuôi, mà là để thâm nhập tâm hồn con người, cho đến lúc sự công chính được toàn thắng và muôn dân nước đều hy vọng vào Ngài.
Thật ra, trong suốt cuộc sống tại thế và cho đến hôm nay, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng mọi người trở về với Ngài để được cứu thoát. Chẳng hạn với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, một thứ tội phải bị ném đá, Chúa Giêsu chỉ nói: "Tôi cũng không kết án chị, chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa". Ngài luôn quả quyết: "Tôi đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn trở lại", và thực tế, Ngài đã chữa lành những kẻ bị coi là tội lỗi và bị xã hội ruồng bỏ.
Lời Chúa hôm nay một lần nữa cho thấy ơn cứu rỗi ở tầm tay chúng ta: được cứu rỗi hay không là do chúng ta, vì Chúa vẫn kiên nhẫn và ban ơn đầy đủ, chỉ cần chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Người trộm lành chỉ trong giây phút hướng tâm hồn về Chúa và tin tưởng nơi Ngài, đã được Chúa hứa cho ở trên Thiên Ðàng với Chúa ngay hôm đó. Còn Giuđa đã thất vọng đến chỗ tự vẫn, thì đó là dấu chưa hiểu lòng Chúa thương yêu bao la đến mức nào.
Xin Chúa cho chúng ta thấu hiểu lòng Chúa luôn yêu thương kiên nhẫn chờ đợi chúng ta. Xin cho chúng ta hết lòng trở về với Chúa để được ơn cứu độ.
*Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết sống đơn sơ, khiêm tốn để loan báo Tin Mừng bằng việc làm phục vụ anh chị em. Amen.