Thứ Ba, 7 tháng 7, 2015

THỨ TƯ 08.07 - Tuần XIV Thường Niên


St 41:55-57; 42:5-7.17-24a; Mt 10:1-7
Mt 10,1-7
Khi ấy, Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần.”
Suy niệm :
TÌNH CHA MẸ
Một đám thanh niên khỏe mạnh tìm đường trèo lên núi giải cứu con tin nhưng không sao lên nổi. Họ đang tính quay về thì nhìn thấy người đàn bà từ trên núi đi xuống. Họ ngạc nhiên hỏi: “Chúng tôi trai tráng khỏe nhất làng mà vẫn không leo nổi lên núi này. Sao bà có thể lên núi được thế?” Bà chậm rãi trả lời: “Đơn giản vì đó là con tôi”.
Có bậc cha mẹ nào mà lại không mong muốn làm những điều tốt lành cho con mình?
Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu truyền cho các ông trước hết hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dân Israel như những người con nhiều lần bội nghĩa bất trung, nhưng với tấm lòng đầy yêu thương của người cha, Đức Giêsu khát mong những người con này sẽ lắng nghe lời dạy bảo các môn đệ mà ăn năn quay trở về cùng Chúa.
Là người con, chúng ta hãy vững tin mà từ bỏ lối sống xấu xa, quay về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng xót thương.

Lạy Chúa, tình thương của Ngài dành cho chúng con quả thật lớn lao. Xin cho chúng con cũng biết chia sẻ tình thương ấy đến cho mọi người.

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIV Thường Niên


08/7. Thứ Tư. St 41, 55-57; 42, 5-7a. 17-24a; Mt 10,1-7
Bài Ðọc I - St 41, 55-57; 42, 5-7a. 17-24a
Trong những ngày ấy, cả nước Ai-cập gặp nạn đói kém, dân chúng kêu vua Pharaon, xin cho họ của ăn. Vua trả lời họ rằng: "Các ngươi hãy đến cùng Giuse và ông bảo thế nào, các ngươi hãy làm như vậy". Cơn đói kém ngày càng gia tăng khắp mặt đất. Bấy giờ ông Giuse mở các kho lúa, bán cho người Ai-cập, vì họ cũng đói kém khổ sở. Khắp mọi nước, người ta tuôn đến Ai-cập để mua lương thực ăn cho đỡ đói.
Các con ông Giacóp cũng đi chung với những người khác đến Ai-cập để mua lúa, vì nạn đói cũng hoành hành trong đất Canaan. Giuse có quyền trên toàn lãnh thổ Ai-cập, nên ông bán lúa thóc cho hết mọi người. Khi các anh của Giuse sấp mình lạy ông, ông nhận ra các anh, nên ông nói giọng cứng cỏi như nói với khách lạ. Ông hỏi họ: "Các ngươi ở đâu đến?" Họ đáp: "Chúng tôi từ đất Canaan đến mua thực phẩm".
Giuse đã truyền giam họ trong ba ngày; đến ngày thứ ba, ông cho dẫn họ ra khỏi tù và bảo rằng: "Các ngươi hãy làm điều ta dạy bảo, thì sẽ được sống: vì ta kính sợ Thiên Chúa. Nếu các ngươi là người lương thiện thì một người trong các ngươi sẽ ở lại trong tù, còn những người khác hãy đem lúa về nhà. Rồi các ngươi hãy dẫn đứa em út các ngươi tới đây cho ta, để ta có thể tin lời các ngươi, và các ngươi sẽ khỏi chết. Họ đã làm như Giuse dạy bảo.
Bấy giờ họ mới nói với nhau rằng: "Chúng ta phải chịu thế này thật xứng đáng, vì chúng ta đã phạm đến em chúng ta. Chúng ta đã thấy tâm hồn em chúng ta khổ sở, khi nó năn nỉ chúng ta tha cho nó, nhưng chúng ta không chịu nghe. Vì thế nên chúng ta phải chịu nỗi khốn khổ này". Bấy giờ, một người trong anh em là Ruben nói rằng: "Chớ thì tôi đã chẳng bảo anh em đừng có phạm đến đứa trẻ sao". Nhưng không ngờ rằng Giuse hiểu tiếng họ, vì ông dùng thông ngôn mà nói với họ. Ông Giuse lánh mặt đi một chút mà khóc.
Tin Mừng - Mt 10,1-7
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Ðây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'".
Suy niệm:
Câu chuyện của Giuse và các anh em trong bài đọc 1 hôm nay là một câu chuyện rất hay và cảm động về tình thương của Chúa và tình người với nhau.
Tình thương của Chúa được thể hiện qua sự quan phòng của Ngài đối với con người trong mọi nơi mọi lúc. Thật vậy, vì sự ganh tị và ghen tức mà các anh em của Giuse đã bán ông. Ông Giuse trở thành một món hàng như một người nô lệ. Theo lẽ tự nhiên thì ông phải chịu nhiều đau khổ và mất mát. Nhưng, với tình yêu và sự quan phòng của Chúa, ông Giuse đã được che chở giữ gìn và trở thành người hùng cứu gia đình và cứu dân tộc thoát khỏi giai đoạn hiểm nghèo.
Cũng vậy, tình người chan hòa được thể hiện qua con người ông Giuse ngay cả khi khi ông trở thành một người quyền thế, khi ông gặp lại những anh em đã hại mình. Ông Giuse không trả thù những người hại mình, nhưng ông luôn yêu thương và tìm cách cứu giúp họ.
Trong cuộc sống của mình, nhiều lúc tôi cũng gặp thử thách hay thất bại. Nhiều lúc tôi chán nản hay thất vọng. Tôi cũng gặp những hiểu lầm hay những rạn nứt trong tình người, những bất hòa trong tương quan với tha nhân.
Lời Chúa trích sách Sáng thế hôm nay là một sự an ủi, khích lệ và động viên cho tôi vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Lời Chúa cũng giúp cho tôi xác tín vào tình yêu và sự quan phòng của Chúa dành cho tôi. Chúa vẫn ở bên tôi mọi nơi mọi lúc và Chúa có thể làm cho tôi những điều tốt đẹp ngay trong những lúc tôi nghĩ rằng mình thất bại. Và Lời Chúa hôm nay nhắc nhở tôi luôn biết yêu thương, đối xử tốt và sống tốt với tha nhân qua mẫu gương của ông Giuse.

Lạy Chúa, xin cho con nhận ra sự hiện diện và quan phòng của Chúa mọi nơi mọi lúc để con sống trong bình an của Ngài. Xin cho con luôn yêu thương tha nhân trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen.

08/07/2015 Thứ Tư Tuần XIV Mùa Thường Niên Năm B



Tin Mừng: Mt 10, 1-7
"Các con hãy đến cùng chiên lạc nhà Israel".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ Người lại, và ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.
Đây là tên của mười hai Tông đồ: Trước hết là Simon cũng gọi là Phêrô, rồi đến Anrê em của ông, Giacôbê con ông Giêbêđê và Gioan em của ông, Philipphê và Bartôlômêô, Tôma và Matthêu người thu thế, Giacôbê con ông Alphê và Tađêô, Simon nhiệt tâm và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.
Chúa Giêsu đã sai mười hai vị này đi và truyền rằng: "Các con đừng đi về phía các dân ngoại và đừng vào thành của người Samaria. Tốt hơn, các con hãy đến cùng các chiên lạc nhà Israel. Các con hãy đi rao giảng rằng: 'Nước Trời đã gần đến'". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ :
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta trở về cội nguồn của Giáo Hội. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Kitô. Ðể thực hiện chương trình cứu rỗi, Chúa Giêsu đã kêu gọi một số môn đệ đi theo Ngài để rao giảng Tin Mừng. Trong số các môn đệ ấy, Ngài đã chọn mười hai người làm Tông Ðồ và trở thành cột trụ của Giáo Hội mà Ngài sẽ thiết lập. Nếu Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh của Chúa Kitô, thì Giám mục đoàn mà đứng đầu là Ðấng kế vị thánh Phêrô cũng chính là những người tiếp tục làm cột trụ của Giáo Hội.
Chúa Kitô quả thật đã thành lập một Giáo Hội hữu hình có phẩm trật, phẩm trật ấy hiện hữu không ngoài mục đích tiếp tục sứ mệnh Ngài đã ủy thác cho các Tông Ðồ. Do đó, tiếp nhận quyền bính trong Giáo Hội cũng chính là chấp nhận quyền bính mà Chúa Giêsu đã trao cho các Tông Ðồ. Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng Giáo Hội tông truyền, điều đó không chỉ có nghĩa là Giáo Hội được xây dựng trên nền tảng các Tông Ðồ, mà còn có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận quyền bính mà các Tông Ðồ đã truyền lại cho các đấng kế vị, tức Giám mục đoàn mà thủ lãnh là Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô. Ðây chính là nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội. Không thể nói đến hiệp thông khi một Giám mục đứng riêng rẽ bên ngoài Giám mục đoàn để truyền dạy những điều nghịch đức tin và luân lý của Giáo Hội, và cũng không còn là hiệp thông khi một tín hữu không tuân giữ quyền giáo huấn của Giám mục đoàn và của thủ lãnh Giám mục đoàn là Ðức Giáo Hoàng.
Dân chủ vốn là một phạm trù dễ bị lạm dụng. Ngay tại những nước có dân chủ thực sự, thì hai chữ "dân chủ" cũng bị lạm dụng không kém. Khi một luật pháp bất công như luật cho phép phá thai chẳng hạn được số đông bỏ phiếu tán thành, phải chăng đây không phải là một lạm dụng của trò chơi dân chủ. Giáo Hội luôn đề cao tinh thần dân chủ đích thực, nhưng Giáo Hội không hề là một chế độ dân chủ, trong đó các thành phần có thể bỏ phiếu chọn người lãnh đạo hoặc tán thành một khoản luật. Giáo Hội cũng chẳng là một tổ chức mà người ta có thể xếp vào bất cứ chế độ nào. Giáo Hội là Giáo Hội của Chúa Kitô, chân lý chúng ta phải tuyên xưng là do Chúa Kitô mạc khải và ủy thác cho các Tông Ðồ, và truyền lại cho các đấng kế vị các ngài. Luật phải giữ cũng chính là luật của Chúa Kitô đã ủy thác cho các Tông Ðồ và các đấng kế vị các ngài. Tiêu chuẩn cho biết một thành phần Giáo Hội có hiệp thông với Giáo Hội hay không, là tinh thần tuân phục đối với quyền bính của những đấng kế vị các Tông Ðồ.
Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta tinh thần khiêm tốn, để luôn luôn biết đón nhận và tuân phục giáo huấn của Ngài được ủy thác cho các Tông Ðồ và Giáo Hội. Xin Chúa gìn giữ Giáo Hội được hiệp thông quanh đấng kế vị thánh Phêrô mà Chúa đã đặt làm thủ lãnh Giáo Hội.AMEN.


08/07/2015 THỨ TƯ TUẦN 14 TN

Mt 10,1-7 
Khi ấy, Ðức Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, ban cho các ông được quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Ðồ: đứng đầu là ông Simon, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philipphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, chính là kẻ nộp Người. Ðức Giêsu sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng Nước Trời đã đến gần.”

Suy niệm :

“Đức Giêsu sai mười hai ông ấy đi” (Mt 10,5). Con số 12 là đại diện của cả Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi toàn thể Giáo Hội lên đường, tất cả các tín hữu không chừa một ai đều được sai đi, đều cùng nhận lãnh một sứ vụ. Dù có là kẻ sẽ chối Chúa, dù có là kẻ sẽ nộp Chúa thì ngay lúc này cũng được Người tín nhiệm trao cho sứ vụ “đến với các con chiên lạc nhà Israel” để “rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,6.7).

Nếu hiểu được rằng mình đang thực hiện công việc cho Đấng quyền thế tuyệt đối và là Đấng cao sang tột đỉnh thì làm sao không hãnh diện thi hành thật chu đáo, thì làm sao có thể xao lãng, chối từ hay phản bội lại sứ vụ? Nhưng thực tế thì chẳng phải ai cũng ngộ được như vậy. Mà hầu hết đều thấy ngay trước mắt những khó khăn, gian nan; phần lớn sẽ thấy những chướng ngại, thất bại và chống đối. Bởi chính Chúa Giêsu đã gặp phải tất cả những điều đó, lại còn chịu hiểu lầm, chịu cái chết oan ức, tức tưởi. Thế gian với con mắt vẫn bị che phủ trong lớp mây mờ ám của ích kỷ và đam mê bất chính, nên sẽ dựng lên muôn vàn trở ngại cho công cuộc hiển trị của Nước Trời.

Tuy vậy, từ cuộc Phục sinh và vinh thăng của Chúa Giêsu, người môn đệ có thể xác tín sâu đậm rằng Nước Trời đã được đặt nền trong thời gian rồi và sẽ thành toàn trong chung cục. Nhân loại đang tiến về đó như đích điểm cuộc lữ thứ trần gian. Còn những bất trắc trong hành trình chỉ là tạm thời và không tránh khỏi, vì có qua thập giá mới tới vinh quang. Điều bảo đảm cho các nhà thừa sai là Chúa Giêsu đã kêu mời sự cộng tác thì Người cũng ban cho đủ năng lực hầu thi hành cách xứng hợp: “Người ban cho các ông quyền hành trên các thần ô uế để các ông xua đuổi chúng và chữa lành mọi bệnh hoạn, tật nguyền.” (Mt 10,1).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mời gọi con nên nhà thừa sai cho Chúa giữa trần gian. Vậy mà con vẫn còn thờ ơ, dửng dưng. Con chỉ lo theo đuổi những hưởng thụ an nhàn hay những dự án của riêng con. Con chưa ý thức đủ về sứ mệnh của con, và vẫn còn ngại ngùng, sợ phải dấn thân. Xin Chúa thứ tha cho con. Xin giúp con bắt đầu lại, biết điều chỉnh cuộc đời mình để hướng tất cả cho Nước Trời, cho hạnh phúc đích thực của mình cũng như của những người quanh con, những người chưa nghe biết Chúa và cả những người đang xa lìa Chúa. Amen.

Dân thành ở đây dễ thương không ?

Có vị đạo sĩ và đệtử khất thực ngoài cổng thành. Bất chợt một người đến hỏi:
– Thưa đạo sĩ, tôi vừa tới cư ngụ ở thành này.Xin ngài cho biết dân
chúng tại đây dễ thương hay khó thương?
Vị đạo sĩ từ tốn hỏi lại:
– Vậy dân chúng ở thành cũ của ông dễ thương hay khó thương?
Người ấy vui vẻ kể:
– Thật dễ thương! Tôi buộc phải đi xa nhưng lòng trí luôn gần gũi họ!
Tôi cảm thấy họ đúng là “bán anh em xa mua láng giềng gần!”
Vị đạo sĩ vui vẻ đáp:
– Vậy dân chúng thành này cũng thật dễ thương cho anh.
Lúc sau có người khác đến hỏi tương tự:
– Thưa đạo sĩ, dân chúng thành này khó thương hay dễ thương?
Vị đạo sĩ cư xử từ tốn như với người trước, và hỏi lại:
– Vậy dân chúng ở thành cũ của chị khó thương hay dễ thương?
Chị này đỏ mặt thóa mạ:
– Một lũ thô tục khó thương. Nếu dễ thương thì tôi đã không dọn tới đây!
Vị đạo sĩ trầm ngâm, rồi chậm rãi:
– Vậy dân chúng thành này cũng thật khó thương cho chị.
Chị tức tối bỏ đi. Người đệ tử cũng tức tối bỏ đi, có người tưởng anh bị gái dụ. Vị đạo sĩ nói to:
– Con nỡ xa thày sao?
Người đệ tử đổ uất ức trong lòng ra ngoài:
– Thày lừa dối thiên hạ! Tại sao cùng dân chúng trong một thành, mà thày bảo anh hỏi trước là họ dễ thương, rồi lại bảo chị hỏi sau là họ khó thương? Như vậy chính thày mới thật khó thương. Con muốn làm đệ tử người dễ thương, mà ghê tởm người khó thương như thày!
Vị đạo sĩ nhẫn nại giải thích:
– Anh trước có lòng nhân, bỏ qua khác biệt căng thẳng, thấy ai trong thành cũ cũng dễ thương, nên dân chúng ở thành mới này cư xử với anh cách nào, thì anh cũng thương, cũng nghĩ tích cực là họ dễ thương. Còn chị sau có lòng độc, dễ nghi ngờ căng thẳng, thấy ai trong thành cũ cũng khó thương, nên dân chúng ở thành mới này cư xử cách nào thì chị cũng đổ tội là khó thương, cũng nghĩ xấu cho họ như chị đã có lòng xấu sẵn.
Người đệ tử nghe ra, sụp lạy vị đạo sĩ:
– Lúc bất ngờ thày đã dẫn đưa con từ mù lòa trở thành sáng mắt tâm thần. Muôn tạ ơn thày!

Đừng xét đoán


"Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Âu Châu, đã phải chờ khá lâu phi trường Heathrow của London. Sau khi mua một ly cà phê một gói bánh quy, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo ăn bánh trong khi chờ máy bay. Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, nhận ra người làm gì đó sột soạt ở bàn mình.
Liếc nhìn qua tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô, bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình.
Một phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.
Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào.
Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.
Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, yêu cầu xuất trình vé, vẫn còn bừng bừng cơn giận...
Tuy nhiên, các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó! Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta!
Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng... Thật là một con người tốt bụng"
Suy nghĩ:

Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác KHÔNG LUÔN LUÔN CHÍNH XÁC, thậm chí nhiều khi còn NHẦM LẪN nữa. Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng THAY ĐỔI CÁI NHÌN của mình khi chúng không còn đúng với SỰ THẬT nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải THAY ĐỔI CÁCH NHÌN VỀ NGƯỜI KHÁC. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta.

Chúa Nhật XV TN B : Chúa sai tôi đi



Sau thế chiến thứ nhất, một linh mục trẻ người Pháp được bài sai đi coi xứ. Tay xách vali, cha mạnh dạn ra đi truyền giáo. Đến nơi chỉ thấy hầm sâu, tường đổ. Nhà thờ, nhà xứ, chỉ còn duy nhất một bức tường xiêu vẹo.

Không một chút sờn lòng, cha cùng với các tín hữu tích cực kiến thiết lại ngôi thánh đường đổ nát. Chẳng bao lâu sau, đền thờ vật chất đã hoàn thành khang trang đẹp đẽ. Giờ đây, cha lại tiếp tục xây dựng đền thờ tâm hồn. Nhờ đời sống gương mẫu, cha đã tu sửa lại lòng đạo đức của cả đoàn chiên.

Tuổi cha chưa cao nhưng đã kiệt sức, giữa lúc tình cha con đang mặn nồng, gắn bó. Dầu vậy, nằm trên giường bệnh, cha vẫn thản nhiên vui vẻ. Giờ hấp hối đến, cha nhỏ nhẹ nói với những người chung quanh :

- Giờ đây tôi vui mừng vì đã trung thành giữ lời nhủ bảo của thân phụ ngày tôi chịu chức linh mục : "Nay con làm linh mục Chúa, cha chỉ cầu ước cho con 3 điều : Thứ nhất, lúc con chết đừng nợ ai xu nào ; Thứ hai, khi qua đời con cũng chẳng còn xu nào ; Thứ ba, lúc lâm chung con đừng vướng một chút tội nào với Chúa". Và ngài an bình đi về với Đấng mình đã trọn đời dâng hiến.

*

Vị linh mục trong câu chuyện trên đây, không những đã làm theo lời khuyên của thân phụ, mà còn thi hành đúng lời dạy của Đức Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay. Khi sai các tông đồ đi truyền giáo, Chúa phán : "Không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc…" (Mc.6,8). Hành trang của các ông chỉ là chiếc áo đang mặc, cây gậy và đôi dép đi đường. Vì chính Người đã từng nói : "Con chồn có hang, chim trời có tổ, con Người không có chỗ dựa đầu". Người muốn các ông hoàn toàn nương tựa vào Chúa, phó thác cho tình yêu quan phòng của Người, và cậy dựa vào lòng tốt của tha nhân.

Đó là thân phận của kẻ được sai đi : ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi. Thành công không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Vì "Phaolô trồng, Apollo tưới và Chúa mới cho mọc lên" (1Cr.3,6).

Hôm nay Chúa cũng sai chúng ta đi vào lòng thế giới, để "rao giảng sự sám hối" (Mc.6,12). Sám hối rất khó nói vì chẳng mấy ai thích nghe. Đó cũng là thách thức của người tông đồ : can đảm nói lên những điều phải nói. Nói mà không giảm nhẹ những đòi hỏi của Tin mừng. Nói mà không lợi dụng tin mừng để mưu cầu cá nhân. Nói mà không trích dẫn Tin mừng để khoe khoang kiến thức. Nói mà không bóp méo Tin mừng để vuốt ve quần chúng. Dù sao Tin mừng vẫn phải được loan báo. Chúng ta hãy xem câu nói của Thánh Phaolô như là của chính mình : "Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng" (1Cr.9,16).

Hôm nay, Chúa cũng trao cho chúng ta những quyền năng như hành trang để lên đường. Đó là quyền rao giảng Tin mừng, quyền trừ quỷ và quyền chữa bệnh.

Chúng ta có thể chia sẻ Tin mừng với niềm hân hoan của người tìm được viên ngọc quí.

Chúng ta có thể nói về Chúa như nói về một người bạn thân.

Chúng ta có thể xua trừ quỉ bằng cách đẩy lui những thói hư tật xấu.

Chúng ta có thể chữa bệnh bằng cách lau khô những giọt lệ của bao người quanh ta.

*

Lạy Đức Giêsu, mỗi thánh lễ là một bài sai, mỗi bài Tin mừng là một sứ điệp Chúa gởi cho trần gian qua từng người chúng con. Xin cho chúng con đừng bao giờ cậy dựa sức riêng mình, nhưng tin tưởng vào quyền năng Chúa mà chu toàn sứ vụ Người đã trao ban. Amen.

 Thiên Phúc


Suy Niệm Chúa Nhật 15 TN, B


Am 7,12-15; Êp 1,3-14; Mc 6,7-13
SỐNG THANH THOÁT

Muốn đất nước phát triển, thì “Hãy loại trừ tham nhũng”. Đó là vấn đề được bàn luận sôi nổi nhất nơi các kỳ họp Quốc hội Việt Nam. Tham nhũng là gì? Tham nhũng không đơn thuần là lấy của công làm của riêng. Tham nhũng không dừng lại ở việc lợi dụng chức quyền để vun quén cho bản thân, mà còn cho cả dòng họ. Đúng như cha ông ta đã nói: “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Điều tệ hại của tham nhũng, đó là lòng tham đã ăn sâu vào xương tủy của những người làm quan. Lòng tham khiến họ không còn chí công vô tư khi thi hành chức vụ. Lòng tham khiến họ không thể sống thanh liêm chính trực. Lòng tham dẫn họ đi sâu vào tội ác và dối trá. Nếu xã hội không còn những người thanh liêm, thì làm sao tránh khỏi cảnh ăn bẩn, ăn cướp, ăn chặn những người thấp cổ bé miệng và đói nghèo. Nếu xã hội không còn những con người chí công vô tư, thì làm sao có công lý và tình thương trong xã hội hôm nay. Tất cả chỉ còn là sự dối trá và phỉnh lừa lẫn nhau mà thôi.
Lời Chúa hôm nay gợi lên một hình ảnh thật đẹp về những sứ giả Tin Mừng. Họ là những người được tuyển chọn để cứu nhân độ thế. Họ dấn thân vào đời để giải cứu thế gian khỏi “ba thù” hiểm nguy. Thế gian có quá nhiều mưu mô xảo quyệt. Ma quỉ có quá nhiều phương cách để cám dỗ. Vì thế, người sứ giả Tin Mừng cần phải ra đi với đôi chân nhẹ nhàng và tấm lòng thanh thoát. Họ không được mang bao bị, không được mang bạc tiền của nhân thế. Họ là những người chấp nhận cuộc sống nổi trôi “ba chìm bảy nổi chín lênh đênh”. Sứ mệnh của họ là đẩy lùi sự dữ và thi thố tình thương. Họ không được bận tâm đến của cải thế gian. Họ không để lòng mình bị ràng buộc bởi nhu cầu vật chất và những tiện nghi tối thiểu.
Nếu người sứ giả Tin Mừng quá quan tâm đến mình, thì họ sẽ bỏ quên đồng loại. Nếu họ quá chú trọng đến vật chất, thì vật chất sẽ dẫn họ đến hưởng thụ và tích góp cho bản thân. Dần dần thiện chí của họ sẽ mất, hướng đi sẽ chệch đường lạc lối, lí tưởng ban đầu sẽ bị đảo ngược. Thay vì cứu đời, thì họ sẽ chỉ còn lại sự lợi dụng địa vị chức quyền để vun quén cho bản thân. Thực vậy, vì tiền bạc mà nhiều người đã đánh mất lí tưởng cuộc đời. Vì tiền bạc mà “nhân chi sơ tính bổn thiện” đã không còn. Vì tiền bạc mà nhiều người chối bỏ niềm tin. Đó là nguy cơ mà bất cứ ai cũng có thể rơi vào. Đó cũng là bài học cho tất cả chúng ta. Đồng tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng nó không phải là cứu cánh cho cuộc đời. Vì thế ta đừng quá lệ thuộc vào của cải vật chất. Nó là con dao hai lưỡi. Nó có thể làm hại cuộc đời ta, nếu ta không khôn ngoan sáng suốt nhận định cho đúng giá trị của nó.
Con người luôn hướng về sự thiện “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Con người luôn mong muốn cống hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Đó là mục đích mà Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Thế nhưng ma quỉ luôn vẽ lối và xô đẩy ta đi sai đường lối Chúa.
Ước gì Lời Chúa hôm nay thức tỉnh ta: Tìm kiếm những điều đẹp ý Chúa hơn là thế gian. Hãy để tâm phụng sự Chúa hơn là làm tôi cho tiền bạc và tiện nghi. Đừng để lòng mình lệ thuộc vào vật chất mà quên đi giá trị tinh thần. Xin Chúa giúp ta biết sống theo Lời Chúa để được phúc lành. Vì “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3).


THỨ BA 07.07 - Tuần XIV Thường Niên


St
32:22-32 [Hr: 32:23-33]; Mt 9:32-38
Khi ấy, người ta đem đến cho Đức Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.” Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
CẢM THƯƠNG
Tổng thống Abraham Lincoln thường dùng lời hay ý đẹp để nói tốt về những chính trị gia đối lập với mình. Một phóng viên hỏi ông: “Tại sao ngài lại ca ngợi những địch thù, khi mà lẽ ra phải phê bình chỉ trích làm hạ giá họ?” Tổng thống trả lời: “Biến thù thành bạn đó lại không phải là cách tôi tiêu diệt kẻ thù của tôi hay sao?”
Con người thường quá nhấn mạnh đến quyền lực, danh tiếng mà quên đi sự cảm thương, phục vụ. Một chính trị gia có lòng khoan dung như Lincoln thật hiếm có.
Yêu nhân loại tội lỗi, nhìn thấy họ lầm than, trái tim Đức Giêsu đã “chạnh lòng thương”. Với trái tim đầy lòng xót thương, Đức Giêsu luôn quan tâm, chăm sóc cho con người cả về phần hồn lẫn phần xác.
Là Kitô hữu, chúng ta cần có một trái tim biết thương cảm như Đức Giêsu, đó là một trái tim biết tha thứ cho kẻ thù, biết đến với những con người đang cần đến tình thương của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đôi mắt tinh nhạy để con nhận ra Chúa đang hiện diện nơi những người anh chị em chúng con, đặc biệt nơi những con người nghèo khổ.


Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIV Thường Niên


07/7. Thứ Ba. St 32,22-32; Mt 9,32-38
Bài Ðọc I - St 32,22-32
Trong những ngày ấy, Giacóp chỗi dậy sớm, đem hai vợ, hai người đầy tớ gái, và mười một người con đi sang qua khe suối Giabốc. Sau khi dẫn họ và đem tất cả của cải qua bên kia suối, ông ở lại một mình, và đây, có một người vật lộn với ông cho đến sáng. Người ấy thấy mình không thể vật ngã Giacóp được, nên đá vào gân đùi ông, và lập tức gân ấy khô bại. Người ấy nói với ông rằng: "Hãy buông ta ra, vì đã hừng đông rồi". Ông trả lời: "Tôi chỉ buông ông ra khi nào ông chúc lành cho tôi". Vậy người ấy hỏi: "Ông tên gì?" Ông trả lời: "Tôi tên là Giacóp". Người ấy lại nói: "Tên ông sẽ không còn gọi là Giacóp nữa, nhưng sẽ gọi là Israel, vì nếu ông có sức mạnh chống lại Thiên Chúa, ắt ông sẽ còn mạnh sức thắng được loài người". Giacóp hỏi người ấy: "Xin ông cho tôi biết ông tên gì?" Người ấy đáp: "Tại sao ông lại hỏi tên ta?" Bấy giờ người ấy chúc lành cho Giacóp chính nơi ấy. Giacóp đặt tên cho nơi ấy là Phanuel, và bảo rằng: "Tôi đã thấy Chúa nhãn tiền mà mạng sống tôi vẫn an toàn".
Khi ông đã ra khỏi Phanuel, thì mặt trời liền mọc lên, nhưng ông đi khập khễnh một chân. Vì lẽ đó, con cái Israel không ăn gân đùi cho đến ngày nay, vì gân đùi Giacóp bị khô bại: bởi thiên thần đã đá vào gân đùi ông, nên ông bị bại.
Tin Mừng - Mt 9,32-38
Khi ấy, người ta đem đến Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi đã trừ quỷ, thì người câm nói được, đám đông dân chúng kinh ngạc và nói rằng: "Chưa bao giờ thấy xảy ra như vậy trong dân Israel". Nhưng các người biệt phái nói rằng: "Ông ta đã nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ".
Và Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn. Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Suy niệm:
Bài đọc 1 cho tôi nhận thấy những hành trang của ông Giacóp mang theo trong chuyến đi này gồm có vợ con của ông, những đầy tớ trong gia đình, của cải vật chất và nhiều thứ khác mà ông đã chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng. Tuy nhiên, trong những hành trang ấy, có một hành trang linh thiêng mà ông Giacóp luôn ấp ủ và mong muốn có nhiều, có mãi trong cuộc hành trình.. đó là ơn Chúa. Điều này được thể hiện qua việc ông xin được chúc lành, cũng có nghĩa là ông muốn có được ơn Chúa trong chuyến đi của ông, trong cuộc sống của ông. Thật vậy, trong mọi sự và vượt trên tất cả, chỉ có phúc lành của Chúa và chỉ nhờ ơn Chúa mới có thể che chở, giữ gìn ông và gia đình của ông trong suốt cuộc hành trình.
Cuộc sống của tôi cũng giống như cuộc hành trình của ông Giacóp trong bài trích sách Sáng thế hôm nay. Tôi cũng có những hành trang cho cuộc sống của mình. Lời Chúa hôm nay giúp cho tôi luôn ý thức rằng ơn Chúa là một điều quan trọng và cần thiết nhất trong cuộc sống của tôi, chỉ có ơn Chúa và nhờ ơn Chúa mà tôi mới có thể vững tâm vượt qua những khó khăn thử thách.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết khiêm tốn bám víu vào ơn Chúa trong mọi nơi mọi lúc, và xin ban cho con ơn Chúa để con sống xứng đáng là người con của Chúa, là môn đệ của Chúa trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.

Thứ ba tuần 14: Yêu thương hay ganh tị?


Mt 10, 32-37

Nhắc đến chuyện “Người Mù Xem Voi”, ai cũng cười chê anh mù, thế nhưng nhiều khi chúng ta cũng giống như người mù này mà không biết! Câu chuyện diễn tả phần nào sự giới hạn của con người. Khi đứng ở những vị trí khác nhau, chúng ta sẽ có cái nhìn không giống nhau. Nếu quan sát nhận định với cặp kính định kiến thì sự thật không con là sự thật.

Đức Giê-su đi khắp nơi rao giảng, chữa lành bệnh tật và trừ quỷ cho những người bị quỷ ám. Đám đông kinh ngạc thán phục, còn những người Pha-ri-sêu lại bảo “Ông ấy dựa thể quỷ vương mà trừ quỷ” (Mt 10,34). Ngạn ngữ vẫn có câu: “Yêu quả ấu cũng tròn, ghét quả bồ hòn cũng méo”. Khi người ta thiếu thiện cảm thì nhìn nhận mọi sự bằng nhãn quan định kiến thiếu khách quan và bảo thủ. Đức Giê-su nhập thể không phải để trở thành bác sĩ tài ba chữa trị các bệnh tật bằng phép thuật. Sự can thiệp vào nỗi khổ đau do bệnh tật cho đám đông vì “họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt10, 36). Ngài không dựa vào quyền năng thế lực nào, ngoài sức mạnh Thần linh và ý muốn Chúa Cha. Qua những dấu chỉ chữa lành thể xác, Ngài hướng đến chữa trị những vết thương sâu kín trong tâm hồn con người.

Ngày nay trong hành trình sống chứng tá đức tin, người môn đệ của Chúa, không ngừng bị chỉ trích lên án, nghi kị, chống đối. Những người đả phá ấy thường là “con cháu” của Pha-ri-sêu, người nhà của ma quỷ. Họ là những người không làm, nhưng lại hay lên tiếng chê bai, đặt điều, quấy phá. Tôi là ai trong số những người đứng bên Đức Giê-su? Phải chăng tôi là một trong số những người diễm phúc được Đức Giê-su chữa lành, một trong số đám đông đi theo Đức Giê-su để nghe lời Ngài dạy bảo, hay chỉ vì tính hiếu kì, tò mò! Cũng có thể tôi là con cháu của Pha-ri-sêu một cách nào đó.

Lạy Chúa, với thân phận bất toàn yếu đuối, nhiều mâu thuẫn, lại bảo thủ và định kiến, đôi khi chúng con đã có những suy đoán, chỉ trích, ghen tị làm buồn lòng người thân hữu. Xin Chúa tẩy rửa cặp mắt thiếu trong sáng, cất bỏ cặp kính đen mờ đang che đậy tầm nhìn làm sai hướng sự thật. Xin Chúa ban cho chúng con sự can đảm và lòng nhiệt thành để chúng con vượt thắng những chỉ trích, ghen tị mà quảng đại dấn thân làm chứng cho tình yêu Chúa trong cánh đồng bao la xã hội hôm nay.