Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

NGÀY 9-8-2015 CHÚA NHẬT TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Ga 6, 41-51)

Khi ấy, những người Do-thái kêu trách Chúa Giêsu, vì Người đã phán rằng: "Ta là bánh hằng sống bởi trời mà xuống". Họ nói: "Chớ thì ông này chẳng phải là Giêsu, con ông Giuse sao? Chúng ta đều biết rõ cha mẹ của ông. Vậy làm sao ông lại nói: 'Ta bởi trời mà xuống'". Chúa Giêsu trả lời cùng họ rằng: "Các ngươi chớ thì thầm với nhau. Không ai đến được với Ta nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. "Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".Đó là Lời Chúa.
Ø  SUY NIỆM:
Sau phép lạ bánh hóa nhiều, khi đám đông định tôn Đức Giêsu lên làm vua, chắc họ đã nghĩ đến sự bảo đảm về mặt vật chất mà Ngài mang lại. Lúc nào cũng có bánh ăn no nê, đó là ước mơ của nhiều người nghèo thời ấy.
Nhưng Đức Giêsu đã từ chối đứng lên khởi nghĩa dành độc lập. Ngài không phải là một Mêsia làm chính trị. Bánh và cá mà Ngài giúp họ tạm thời vượt qua cơn đói chỉ là thứ lương thực mau hư nát dành cho xác thân . Lương thực đó là dấu chỉ cho một thứ lương thực khác Ngài sắp ban. Đó là lương thực thường tồn đem lại sự sống vĩnh cửu . Hẳn nhiên, lương thực sau này quan trọng hơn nhiều.
Theo Mẹ Têrêsa Calcutta, người nghèo hôm nay cần cơm bánh, nhưng còn cần những thức ăn tinh thần khác nữa. Cái đói của thân xác không cồn cào bằng cái đói tinh thần. Con người đói công bằng và hạnh phúc, đói yêu thương và kính trọng. Con người khát niềm vui và bình an, cảm thông và sự thật.
Trong nơi sâu thẳm, con người đói khát Ai đó để mình yêu mến tôn thờ. Đức Giêsu mời ta hãy tin vào Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến . Hãy đến với Giêsu để bắt đầu được nếm thử tấm bánh của Ngài. “Ta là Bánh ban sự sống” vì chính Ngài là Tình yêu, Sự thật và Bình an.
Lạy Chúa, ước mong sao lời Chúa hôm nay, không chỉ khơi lên cho ta thấy tình thương biển trời của Thiên Chúa khi trao ban cho ta chính thịt máu Người nơi Bí Tích Thánh thể, nhưng còn thúc đẩy ta khắc phục mọi khó khăn trở ngại để hằng ngày đến với Chúa, đón nhận thịt Máu con Chúa, là bảo đảm cho chúng ta trên đường hành trình về đến quê thiên đàng hạnh phúc. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

Suy Niệm Chúa Nhật 19 TN, B

1V 19,4-8; Êp 4,30-32-5,2; Ga 6,41-51
THỰC PHẨM TRƯỜNG SINH
Khái niệm “thực phẩm chức năng” được người Nhật sử dụng đầu tiên trong những năm 1980, để chỉ những thực phẩm chế biến có chứa nhiều thành phần tuy không có giá trị dinh dưỡng, nhưng giúp nâng cao sức khoẻ cho người sử dụng. Theo Viện Khoa Học và Đời Sống Quốc Tế (International Life Science Institute - ILSI), thì “thực phẩm chức năng” là những thực phẩm hay thành phần của chế độ ăn, có thể đem lại lợi ích cho sức khoẻ nhiều hơn giá trị dinh dưỡng cơ bản. “Thực phẩm chức năng” có thể là sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, hoặc là thực phẩm trong quá trình chế biến được bổ sung thêm các chất "chức năng". Hiện nay các nước phát triển có xu hướng ưa chuộng “thực phẩm chức năng” hơn là dùng thuốc. Chính vì vậy, đa số các tập đoàn sản xuất thuốc đang chuyển sang sản xuất “thực phẩm chức năng”; và họ đã tìm được nhiều đối tượng tiêu thụ lớn hơn. Theo dự báo của các chuyên gia, thì thức ăn của con người trong thế kỷ 21 này là “thực phẩm chức năng”. “Thực phẩm chức năng” không chỉ bảo đảm đủ calo, ăn ngon, ăn sạch, mà còn được bổ sung các hoạt chất sinh học có nguồn gốc tự nhiên cần cho sức khỏe và sắc đẹp. “Thực phẩm chức năng” không chỉ có tác dụng phòng một số bệnh, mà còn tạo cho con người có khả năng miễn dịch, chống sự lão hóa và điều khiển được chức năng của từng hệ cơ quan trong cơ thể (theo Wikipedia). Dẫu thế, “thực phẩm chức năng” cũng chỉ có thể giúp con người chậm đến cái chết, chứ không thể giúp con người vượt qua cái chết. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại giới thiệu một thực phẩm đặc biệt, không có gì sánh nổi, để nuôi dưỡng con người chiến thắng sự chết, đó là “Thực phẩm trường sinh”.
1. Thực phẩm Trường Sinh là Thánh Thể Chúa. Sách Các Vua quyển thứ nhất kể chuyện Tiên tri Elia đã buông xuôi, chờ chết, nhưng được cứu sống nhờ Bánh Từ Trời. Hình ảnh ấy dẫn các tín hữu đến Bánh Từ Trời có giá trị vô song, đó là “Thực phẩm trường sinh”. Chúa Giêsu đã công khai mặc khải: “Tôi là Bánh Trường Sinh. Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết” (Ga 6, 48-49). Với tình yêu vô biên, Chúa Giêsu đã lấy chính thân mình, tự dâng hiến để trở thành “Thực phẩm trường sinh”, nhằm cứu rỗi con người khỏi cái chết mục nát. Hơn nữa, Ngài còn ban cho họ đời sống vĩnh cửu.
2. Thực phẩm Trường Sinh là Lời Chúa. Lời Chúa cũng được coi là “Thực phẩm trường sinh” như ngôn sứ Amos đã cảnh báo dân Chúa: “Ta sẽ gieo nạn đói trên xứ này, không phải đói bánh ăn, cũng không phải khát nước uống, mà là đói khát được nghe Lời Đức Chúa”. (Am 8, 11). Bởi vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi". (Tv 119, 105). Chính Chúa Giêsu đã xác nhận: “Người ta sống không nguyên bởi bánh. Nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. (Mt 4,4). Những lời khẳng định trên đây đều cho thấy: Thánh Thể Chúa và Lời Chúa là “Thực phẩm trường sinh” không thể thiếu trong đời sống đạo của chúng ta, giúp ta sống kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và được hưởng hạnh phúc trường sinh với Ngài.
Lạy Chúa Giêsu! Con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng Chúa, vì Chúa đã ban cho con Thánh Thể Chúa và Lời Chúa là “Thực phẩm trường sinh”, để con được sống đời đời với Chúa.

NGÀY 08-8-2015, THỨ BẢY TUẦN XVIII THƯƠNG NIÊN

 LỄ THÁNH ĐA-MINH

LỜI CHÚA: Mt 17,14-20

14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: "Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được."17 Đức Giê-su đáp: "Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi."18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó. 19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: "Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy? "20 Người nói với các ông: "Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: "rời khỏi đây, qua bên kia!" nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.

SUY NIỆM

Có một làng nọ ngày ngày phải chiến đấu với tình trạng khan hiếm nước, ruộng đồng nứt nẻ, mất mùa triền miên, súc vật cũng chết dần theo, đẩy dân làng vào cảnh khốn cùng, với bao giải pháp được đưa ra nhưng thất bại vẫn là thất bại. Một ngày nọ cha xứ lên tiếng bàn với cư dân trong làng cùng làm một buổi lễ cầu nguyện, xin Chúa ban ơn cứu vớt cả làng. Vài ngày sau, mọi người cùng nhau tụ tập lại, bắt đầu làm dấu Thánh giá và cầu nguyện. Ai nấy cũng chú tâm hy vọng Chúa nhân từ đoái nhìn. Mọi người hầu như mang theo trong mình một vật làm tin như tràng hạt mới, nến to đùng, nhất là mấy cụ già lần hạt không ngừng nghỉ, mấy cô thiếu nữ thì đọc kinh to, hy vọng Chúa sẽ nghe lời họ nguyện cầu. Thật bất ngờ, chỉ sau 2 giờ cầu nguyện, những hạt mưa đầu tiên đã xuất hiện ai nấy đều mừng rỡ hét vang ca ngợi Đấng nhân từ. Ai nấy cũng tin rằng, chính lòng tin mạnh mẽ nơi mình nên Chúa nhận lời. Đột nhiên từ phái sau đám đông một cây dù bật lên! nó là vật làm tin của một cậu bé mới 10 tuổi đã gây sự chú ý đặc biệt cho cả làng. Cha xứ tiến lại gần cậu bé rồi hỏi: "cây dù này phải không?” Cậu bé đáp: vậng ạ! Hôm nay là ngày cầu mưa nên con phải mang dù, không thì con ướt hết ạ". Lúc ấy cha xứ chỉ biết thốt lên: Chúa ơi! Và nói rằng: dù cậu nhóc nhỏ tuổi nhất nhưng có ai biết rằng lòng tin của em lại lớn nhất, nó rất đơn sơ nhưng lại đẹp lòng Thiên Chúa hơn tất cả.

Đức tin có nghĩa là tin vào những điều mình không thấy và phần thưởng của đức tin là thấy những gì mình tin. Chúa đã phán rằng: Nếu các con có niềm tin bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: Hãy ra khỏi đây và sang nơi kia, thì nó liền sang, và chẳng có gì các con không làm được” (Mt 17,19). Tổ phụ Ab-ra-ham được gọi cha của những kẻ tin. Bởi vì Ngài tuyệt đối tin vào Thiên Chúa khi dâng chính đứa con một yêu dấu của mình. Đức Ma-ri-a đã tin vào Thiên Chúa và sống lời xin vâng suốt cuộc đời. Ngài trở thành người có phúc nhất trong những người phụ nữ. Hầu hết các phép lạ Chúa Giê-su đã làm, được thuật lại trong Tin Mừng đều dựa trên niềm tin: Lòng tin của con đã cứu chữa con.

Tin Mừng cũng thuật lại: Chúa Giê-su không làm phép lạ nào tại quê hương của Ngài vì họ cứng lòng tin.

Lạy Chúa, xin thêm cho đức tin yêu kém của chúng con. Vì thiếu niềm tin, nhiều khi Chúa đã không thể thi thố tình yêu và quyền năng của Ngài nơi cuộc đời của chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày biết cầu nguyện và tín thác để niềm tin được củng cố mỗi ngày. Amen.