Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

02/9/2015- Thứ Tư Tuần 22 TN1


LỜI CHÚA :(Lc 4:38-44).
38 Đức Giê-su rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà.
39 Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
40 Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ.
41 Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: "Ông là Con Thiên Chúa!" Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô.
42 Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Đám đông tìm Người, đến tận nơi Người đã đến, và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi.
43 Nhưng Người nói với họ: "Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó."
44 Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giu-đê. 
SUY NIỆM ;
Đoạn Tin Mừng hôm nay phác họa lại một ngày sống tiêu biểu của Chúa Giêsu. Vào buổi sáng, Người vào hội đường để giảng dạy và chữa lành một người bị thần ô uế ám (Lc 4,31-37). Sau đó, khoảng gần trưa, Người rời hội đường đến nhà ông Simon. Thấy mẹ vợ ông Simon đang bị sốt nặng, Người ra tay cứu chữa. Xế chiều, Người đặt tay chữa lành tất cả các bệnh nhân trong làng được đưa đến với Người. Sáng sớm ngày hôm sau, Người ra nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mt 1,35). Ngài làm việc luôn tay luôn chân, không quản ngại gian lao vất vả vì Nước Trời và ích lợi mọi người. Những hy sinh, cống hiến đó chắc chắn phải phát xuất từ một trái tim đầy tình yêu thương, một tâm hồn đầy lòng trắc ẩn.
     Tình yêu chân thật phải được thể hiện bằng hành động. Không thể có một tình yêu thuần túy trong ý tưởng. Ngoài linh hồn là phần thiêng liêng, con người còn có thể xác. Tình yêu dành tặng cho nhau vì thế cũng cần được thể hiện cụ thể ra bên ngoài để giác quan có thể cảm nghiệm. Tình yêu chân thật còn phải mang đến sự hiệp thông vì tự bản chất, tình yêu là thế. Nó đưa mọi người đến với nhau. Đây chính là nét đặc trưng làm nên vẻ đẹp Kitô giáo. Ước chi mọi việc chúng ta làm đều được thúc đẩy và quy hướng về tình yêu, và tình yêu đưa đến hiệp thông với Thiên Chúa và với mọi người.
     Lạy Chúa, xin khai trí mở lòng chúng con, để con biết yêu Chúa và yêu mọi người. Xin cho con không chỉ yêu mọi người nơi đầu môi chót lưỡi nhưng còn biết thể hiện tình yêu ấy ra bên ngoài, qua những hành động bác ái, qua sự hiệp thông gắn kết với mọi người. Amen.


NHỮNG CÂU CHUYỆN NGẮN THÂM THÚY VỀ CUỘC ĐỜI


Cuộc sống cần những câu chuyện nhỏ để giúp bạn có được kinh nghiệm sống quý báu, hay ít ra nó cũng có thể giúp các bạn có được chút niềm vui trong những bộn bề này.
1. Mark Twain và người phụ nữ kiêu ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá, phải cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào.
Gợi ý nhỏ:
Tảng đá mà bạn ném ra, người bị nó làm cho vấp té sẽ luôn luôn là chính bản thân bạn;
Bạn nói lời cay nghiệt, sau cùng cũng sẽ tự mình rước lấy nhục nhã mà thôi.
2. Chuột sa hũ gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.
Gợi ý nhỏ:
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.
3. Con thỏ câu cá bằng cà rốt
Ngày đầu tiên, chú thỏ con đi câu cá, không thu hoạch được gì cả.
Ngày thứ hai, nó lại đi câu cá, kết quả vẫn không đổi.
Ngày thứ ba, nó vừa đến nơi, một con cá lớn từ trong hồ nhảy lên, lớn tiếng quát: “Nếu như ngươi còn dám dùng cà rốt để làm đồ ăn cho cá, ta sẽ làm thịt ngươi”.
Gợi ý nhỏ:

Những gì bạn cho đi đều là những gì bạn muốn cho, chứ nó không nhất định là những gì mà đối phương muốn; thế nên điều bạn cho đi ấy trong con mắt người ta căn bản vốn không có giá trị gì cả. Hãy biết cân nhắc đến người khác để giá trị cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa.


4. Ông lão vứt bỏ đôi giày
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc dép mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.
Gợi ý nhỏ:

Đối với nỗi thống khổ đã định sẵn là không thể vãn hồi, chi bằng hãy buông bỏ từ sớm.

2.9.2015 – Thứ tư Tuần 22 Thường niên


Lời Chúa: Lc 4, 38-44
Khi ấy, Đức Giêsu rời khỏi hội đường, đi vào nhà ông Simôn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Simôn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. Ðức Giêsu cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt rời khỏi bà: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài.
Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Ðấng Kitô.
Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Ðám đông tìm Người, đến tận nơi Người đang ở và muốn giữ Người lại, kẻo Người bỏ họ mà đi. Nhưng Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” Và Người rao giảng trong các hội đường miền Giuđê.
Suy niệm :

Thuật lại biến cố Chúa Giêsu chữa bệnh bà mẹ vợ ông Simon và nhiều người khác, thánh sử Luca ghi lại: "Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người nhà đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, tật nguyền, đều đưa tới Ngài. Ngài đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa lành họ". Những dòng kế tiếp cho thấy Chúa Giêsu có uy quyền trên sự dữ. Ở đây sự dữ xuất hiện dưới hai hình thức: bệnh tật và ma quỉ. Chúa Giêsu ra lệnh và quở mắng để chế ngự, nhưng Ngài không tiêu diệt chúng. Ngoài ra, trong nhiều cơ hội khác, Chúa Giêsu làm gương bằng sự ân cần của Ngài đối với các bệnh nhân, kể cả những người mang chứng bệnh khiếp sợ nhất lúc bấy giờ là bệnh phong cùi.
Trong giáo huấn của Ngài, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: Ngài đồng hóa mình với những người bệnh tật, những người nghèo đói, những kẻ sa cơ lỡ bước, những người bị cầm tù. Ngài nói: "Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta". Qua cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đem lại cho đau khổ và bệnh tật ý nghĩa và giá trị cứu rỗi.
Xin cho công trình giải phóng và cứu rỗi của Chúa được nhiều người quảng đại dấn thân tiếp tục. Xin cho đôi mắt đức tin chúng ta sáng suốt để nhận ra Chúa nơi những người đang cần được giúp đỡ.AMEN.