Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

NGÀY 12-8-2015, THỨ TƯ TUẦN XIX THƯỜNG NIÊN


Mt 18,15-20
15 "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân.17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Hiệp lời cầu nguyện19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho.20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ".

SUY NIỆM

Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy thánh Phê-rô đặt giới hạn của lòng tha thứ: “Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải bảy lần không?” Có lẽ thánh Phê-rô nghĩ rằng, mình chỉ cần tha cho anh em bảy lần dã là nhiều lắm, đã là quảng đại lắm, đã là to tác lắm. Biết đâu Chúa sẽ khen mình. Nhưng thánh Phê-rô lầm to. Bởi đối với Chúa, lòng yêu thương, sự tha thứ không bao giờ có giới hạn. Đúng hơn, giới hạn của sự tha thứ là tha thứ không giới hạn.

Trước giới hạn của lòng tha thứ mà thánh Phê-rô tự đặt ra, Chúa dạy ta hãy tha thứ đến cùng: “Thầy không bảo anh phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”. “Bảy mươi lần bảy” chỉ là con số tượng trưng để nói đến sự tha thứ liên tục, tha mãi, tha hoài, tha không bao giờ ngưng.

Chúng ta cần khắc ghi Lời Chúa hôm nay để luôn sẵn sàng tha thứ cho anh chị em của mình. Học lấy bài học của lòng tha thứ mà chính Chúa đã nêu gương, ngay giờ phút này, chúng ta hãy thực tâm bỏ qua hết những gì mà anh em gây ra cho ta. Có một câu chuyện về lòng tha thứ thật cảm động, giúp chúng ta học đòi bắt chước. Câu chuyện như sau:

Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 12 năm 1998, những kẻ bất lương đã gài một trái lựu đạn rồi nổi lửa đốt một cửa tiệm bán điện thoại di động tại Udine, Italia. Trong khi mọi người tìm cách dập tắt lửa, thì trái lựu đạn nổ tung, khiến hai cảnh sát chết liền tại chỗ, một người khác chết trên xe cứu thương trên đường về khu cấp cứu. Nhân viên cảnh sát thứ Tư cùng với một trong những người chủ tiệm có mặt lúc đó bị thương nặng.

Đúng một tháng sau vụ khủng bố đớn hèn nói trên, hơn 500 người dự thánh lễ cầu nguyện cho ba nhân viên cảnh sát đã bỏ mình vì công vụ nói trên. Cùng ngày hôm ấy, ông bà Ermes, cha mẹ của một cảnh sát viên tên là Paolo đã tử nạn trong vụ nổ, đã viết thơ gửi đăng trên một nhật báo, trong thơ, ông bà xác tín rằng: “Chúng tôi không đòi hỏi trả thù, vì oán thù không làm cho con chúng tôi sống lại và trở về với chúng tôi được. Chúng tôi chỉ muốn kêu gọi những người đã gài trái lựu đạn giết chết con chúng tôi hãy hồi tâm hối hận về lỗi phạm của họ và cầu xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Còn về phần chúng tôi, chúng tôi đã thực tâm tha thứ cho họ rồi”.

Tha thứ là một nghĩa đẹp của đời sống con người. Viên cảnh sát Paolo chết trong khi thi hành nhiệm vụ đã đẹp, tấm lòng tha thứ của cha mẹ anh ta dành cho người sát hại anh ta lại càng đẹp. Mỗi người trong chúng ta đều rất cần sự tha thứ của nhau để được sống bình yên, sống hạnh phúc.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con không thể tha thứ cho anh chị em chúng con, xin cho chúng con nhớ lại bài Tin Mừng này, nhớ lại lòng thương xót tha thứ mà chính chúng con đã được Chúa thương ban, để biết tha thứ tất cả, quên đi tất cả lỗi lầm của anh chị em chúng con. Amen.

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN


Đón nhận Chúa Giê-su là sự sống muôn đời

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 6:51-58)
          Câu chuyện “bánh bởi trời” bắt đầu từ sau phép lạ Chúa Giê-su hóa bánh và cá ra nhiều, rồi đưa tới những phản ứng của dân chúng mỗi lần Chúa nói với họ về sứ mệnh của mình.  Khi Người nói:  “Tôi là bánh từ trời xuống”, thì dân chúng phản đối và bảo rằng họ đã biết rõ lý lịch và gia đình của Người.  Tiếp đến Người khẳng định:  “Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”, thì người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau.  Sau cùng, Chúa Giê-su nói thẳng:  “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”.  Đến đây, ngay cả các môn đệ còn cho đó là lời chướng tai, nói chi tới dân chúng, nên họ đã không đi theo Người nữa.
          Chúng ta đều hiểu là Chúa Giê-su không có ý nói những lời này theo nghĩa đen, nhưng theo ý nghĩa bí tích.  Thịt và máu nói lên toàn bộ con người, từ thân xác tới linh hồn và tất cả những gì liên hệ đến con người ấy.  Như vậy, khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu Người” có nghĩa là Chúa mời gọi chúng ta hãy đón nhận tất cả con người của Người, nhận biết Người là Con Thiên Chúa được sai đến để ở giữa chúng ta.  “Ăn thịt và uống máu Chúa Giê-su” có nghĩa là chúng ta lắng nghe và đón nhận vào tâm hồn tất cả những điều Người dạy dỗ, vì “Đấng được Thiên Chúa sai đến, thì nói những lời của Thiên Chúa” (Gio-an 3:34).  Nếu hiểu theo ý nghĩa bí tích như vậy, chúng ta sẽ được gì khi tiếp nhận Chúa Giê-su?
          Trước hết, Chúa Giê-su trả lời người Do-thái:  “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình”.  Trong Tin Mừng Gio-an, từ “người Do-thái” có nghĩa là những kẻ chống đối Chúa Giê-su, tức là nhóm thượng tế, Pha-ri-sêu và kinh sư.  Họ là những kẻ không nhìn nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ.  Mà Chúa Giê-su là lời ban sự sống của Thiên Chúa, cho nên họ không tiếp nhận lời ban sự sống là họ “không có sự sống nơi mình” và tự đi vào cõi chết.  Để xác định sự sống ấy là sự sống nào, Chúa nói đó là “sự sống muôn đời”.  Đúng thế, ngoài Thiên Chúa Cha là Đấng hằng sống ra, ai có thể ban cho chúng ta sự sống đời đời?  Chúa Giê-su còn giải thích rõ ràng sự sống muôn đời ấy:  “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”.  Tóm lại, sự sống và sự sống đời đời phát sinh từ Thiên Chúa Cha, qua Chúa Giê-su mà đến với chúng ta là những kẻ đón nhận Người.  Dòng sống lưu chuyển ấy nói lên mối tương quan sống động từ Chúa Cha qua Chúa Con rồi tới với chúng ta và được thần học gia Phao-lô gọi là “đời sống trong Chúa Thánh Thần”, tức là chúng ta sống sự sống mới Thiên Chúa ban cho và sống theo đường lối của Người.
          Như thế, khi lãnh nhận Mình Máu Chúa Giê-su là chúng ta mở lòng lãnh nhận chính sự sống của Thiên Chúa, để chúng ta sống theo đường lối Thiên Chúa và đường lối ấy sẽ đưa chúng ta đến cuộc sống vĩnh cửu bên cạnh Đấng tạo dựng chúng ta.
Sống sứ điệp Tin Mừng
          Từng bước một, Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu ý nghĩa tại sao Người được Chúa Cha sai đến ở giữa chúng ta.  Tất cả chúng ta được kêu gọi lên đường trở về nhà Cha trong cuộc lữ hành trần thế này.  Chúng ta cần duy trì sự sống phần xác, nhưng cũng không thể sao lãng bồi dưỡng sự sống thiêng liêng.  Đến với Chúa Giê-su Thánh Thể và múc lấy ở nơi Người sự sống của Thiên Chúa, chẳng những chúng ta có sự sống nơi mình mà còn chuẩn bị cho sự sống đời đời của chúng ta.  Khi lãnh nhận Mình Máu Chúa Giê-su, Người muốn chúng ta “ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta”.  Chính Chúa Giê-su đã làm gương mẫu “ở lại với Chúa Cha” qua cầu nguyện và nhất là qua việc thi hành thánh ý Người.  Người ở lại với Chúa Cha đến cùng khi Người phó thác linh hồn trong tay Chúa Cha, để rồi sau khi sống lại từ kẻ chết, Người ở lại muôn đời với Đấng đã sai Người xuống trần gian.  Chúa Giê-su cũng ở lại với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể cho đến tận thế.  Vậy bạn sẽ đáp lời mời gọi “ở lại với Chúa Giê-su” như thế nào?  Dù chỉ là một ít phút đặc biệt sau khi bạn rước lễ, nhưng Chúa cũng vui lòng lắm đấy!

          Lm. Đaminh Trần đình Nhi

NGÀY 11 -8-2015, THỨ BA TUẦN XIX THƯƠNG NIÊN



LỜI CHÚA: Mt 18,1-5,10,12-14

1 Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?"2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông3 và bảo: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. 4 "Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời 5 "Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy 10"Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. 12 "Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao?13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc.14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.
SUY NIỆM
Văn hào Nga Dostoievski, là người đã trải qua một cuộc đời đầy sóng gió. Sau một thời gian dài bị giam cầm vì lý do chính trị, ông bị kết án tử hình. Nhưng, như một phép lạ, vào giữa lúc sắp sửa bị hành quyết, ông bỗng nhận được lệnh tha. Khi từ trên chiếc máy chém nhìn xuống đám người đang đứng dưới chân mình, ông chỉ còn thấy họ là những người bị áp bức, những người nô lệ đáng thương. Dù họ có phạm tội ác tày trời đi nữa, tâm hồn họ vẫn là tâm hồn của những con người vô tội, do đó đáng được sự tha thứ. Khi bước xuống khỏi máy chém, Karamazov thấy mọi sự như vô nghĩa, điều duy nhất còn có ý nghĩa đối với ông chính là tình yêu.
Vâng, tình yêu là cốt lõi của đức tin Ki-tô giáo, bởi chính nhờ tình yêu mà cộng đoàn Ki-tô hữu được hình thành. Thánh Kinh tường thuật cho chúng ta về lịch sử hình thành Dân Chúa, và qua Thánh Kinh chúng ta nhận biết Thiên Chúa đi đến với chúng ta, “tìm cách chinh phục chúng ta mãi cho đến bữa Tiệc ly, mãi cho đến trái tim bị đâm thâu trên thập giá, mãi cho đến những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh và những kỳ công của Người, qua đó Người đã hướng dẫn Hội Thánh mới được hình thành nhờ hoạt động của các Tông Đồ. Và trong lịch sử tiếp đó của Hội Thánh, Chúa cũng không vắng mặt: Người luôn luôn tìm đến chúng ta - qua những con người mà Người soi sáng; qua Lời của Người, trong các bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể. Trong phụng vụ của Hội Thánh, trong lời cầu nguyện, trong cộng đoàn sống động của các tín hữu, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa, cảm nhận sự hiện diện của Người” (Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 17).
Vì thế, là Ki-tô hữu, chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về cộng đoàn yêu thương, chúng ta hãy thể hiện tình yêu trong cuộc sống qua các mối tương giao. Một tình yêu đơn thành như trẻ nhỏ. Chúa Giê-su đã công khai xác nhận nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời, có nghĩa là ở trong Nước Trời mối tương giao với nhau được xây dựng trên nền tảng của một tình yêu đơn sơ, chân thành, không vị lợi, so đo tính toán, một tình yêu tín thác, được gọi là tình yêu trẻ thơ, điều mà Thánh Nữ Tê-rê-sa Hài Đồng đã thể hiện trong suốt cuộc đời của mình.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống bao dung, quảng đại và vị tha. Trong mối tương giao, xin dạy chúng con đừng tìm tư lợi, nhưng luôn nghĩ đến thiện ích của tha nhân, và nhất là đừng xây dựng một pháo đài bởi định kiến, điều đó đi ngược lại với giáo huấn yêu thương của Chúa. Amen.

THỨ BA TUẦN 19 THƯỜNG NIÊN


Mt 18,1-5.10.12-14
Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến,
đặt vào giữa các ông và bảo:
"Thầy bảo thật anh em :
nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,
thì sẽ chẳng được vào Nước Trời."
(Mt 18,2-3)
Tin Mừng Matthêô hôm nay được trích từ bài gảng dài của Chúa Giêsu. Trong bài giảng này Chúa nói về những đức tính của người môn đệ trong đời sống cộng đoàn.Đức tính đầu tiên mà người môn đệ phải có. Đó là sự đơn sơ của tuổi thơ.
Có lần, mẹ Têrêsa Calcutta nhắc lại Lời Chúa: "Nếu bạn không trở nên như trẻ nhỏ, bạn sẽ không thể vào được Nước Trời".(Mt 18,3) Rồi mẹ tự hỏi: "Vậy thực tế trẻ thơ là gì? Đó là có một trái tim ngây thơ, một tâm hồn vô tội, một tâm hồn chứa đựng Chúa Giêsu."
Một tiểu thuyết gia nọ cũng đã đưa ra nhận định: "Khi người lớn chúng ta không còn giữ được mối liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền". Thái độ trẻ nhỏ khâm phục trước vũ trụ thiên nhiên, sẽ nhắc nhớ cho chúng ta về sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa tạo thành. Thái độđáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương, nhắc cho chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa và cuối cùng là lòng tin tưởng của trẻ nhỏ, sẽ giúp cho chúng ta nhận ra lòng tin tưởng mà chúng ta phải có đối với Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời là lòng tin như thế nào.
Hôm ấy, trong lúc các bạn trẻ cùng tuổi với Becco cắp sách đến trường thì Becco lại trốn học. Becco chạy lên một ngọn đồi, với chiếc bong bóng màu hồng ở trong tay. Tới đỉnh đồi, Becco ngồi xuống, cẩn thận cột vào chiếc bong bóng một bức thư, mà tối hôm trước em đã ngồi viết thật nắn nót. Em viết:
"Chúa ôi, vài tuần nữa nhà con có thêm một em bé. Gia đình con đã có 6 anh chị em rồi. Cha mẹ con nghèo lắm, nhà cửa lại chật hẹp. Lần này con không xin Chúa điều gì cho con đâu, mà con chỉ xin Chúa cho đứa em sắp được sinh ra của con một ít tã lót. Nhà con ở làng Aconi, miền Nam Italia. Tên con là Becco, cha con là Petro Becco".
Cột bức thư vào chiếc bong bóng xong, Becco thả tay ra cho chiếc bong bóng bay lên trời. Như một con chim vừa mới xổ lồng, chiếc bong bóng màu hồng đã bay lên cao và nổi bật trên nền trời xanh vào buổi sáng hôm ấy. Becco đứng đó, mắt đăm đăm dõi theo chiếc bong bóng, mỗi lúc một cao hơn và xa hơn, rồi cuối cùng, nó đã lẩn khuất vào trong mây. Mãi đến lúc đó, Becco mới chịu quay trở về nhà.
Những ngày sau khi đã thả chiếc bong bóng bay màu hồng, có mang theo bức thư gởi cho Chúa, đó là những ngày vô cùng hồi hộp đối với Becco.
Sau những ngày nặng nề vì quá hồi hộp, một hôm, đang lúc Becco chơi với bọn trẻ con trong xóm, thì thấy người giao bưu phẩm vác một thùng đồ vào nhà em. Becco vội vã chạy về. Em nghe ba em đang nói với nhân viên bưu điện rằng:
- Ông lầm rồi. Tôi có quen ai ở đây đâu.
Nhân viên bưu điện nói:
- Thùng đồ này ghi tên và địa chỉ của ông. Vậy không phải của ông thì là của ai? Ông cứ nhận đi cho mau việc của tôi. Tôi còn phải đi nhiều nơi khác nữa.
Thế nhưng, ba Becco vẫn không chịu nhận. Thấy hai người cứ nói qua nói lại mãi, Becco nói chêm vào:
- Thì ba cứ mở ra xem thử, nếu không phải của mình thì gói lại rồi trả chứ có sao đâu?
Thế là thùng đồ được mở ra. Trong thùng toàn là những đồ cho trẻ con sơ sinh: nào là tã lót, nào là những chiếc áo nhỏ xíu, những cuốn băng rốn.... Người gởi cũng không quên gởi thêm 2 hộp phấn cho em bé.
Nhìn thấy những món đồ trên, mắt Becco sáng rực lên. Em nói với ba em:
- Thùng đồ này là của nhà mình đó ba.
Nói xong em bỏ nhà, chạy ngay lên ngọn đồi mà mấy ngày hôm trước em đã lên để thả chiếc bong bóng bay màu hồng. Tới nơi em ngước mắt lên trời, miệng thì thầm trong hơi thở hổn hển rằng:
- Chúa ôi, con cám ơn Chúa lắm, con đã nhận được thùng đồ Chúa gởi rồi.
Vâng! Đơn sơ, thành thật, khiêm tốn, trong sạch, đó là những đức tính nổi bật nơi các trẻ nhỏ. Chúa Giêsu gọi những đức tính này là những đức tính của người công dân Nước Trời.
Vì thế để trả lời cho câu hỏi của các Tông Đồ rằng: "Ai là người lớn nhất trong Nước Trời", Chúa Giêsu đã gọi một trẻ nhỏ đến rồi đặt em giữa các ông và nói:
"Ai không trở nên giống như em nhỏ này thì sẽ không được vào Nước Trời".(Mt 18,3)
Rồi Chúa nói tiếp:"Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời".(Mt 18,4)

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
để dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. (Rabboni)