Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 24 Thường Niên - B



19/9. Thứ Bảy. 1Tm 6,13-16; Lc 8,4-15

Bài Ðọc I - 1Tm 6,13-16

Con thân mến, cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa, Ðấng làm cho muôn vật được sống, và trước mặt Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã làm trước mặt Phongxiô Philatô lời tuyên xưng thẳng thắn, con hãy giữ gìn huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Ðức Giêsu Kitô lại đến, mà tới thời đã định, Ðấng phúc lộc và quyền năng duy nhất sẽ tỏ ra Người là Thiên Chúa, Vua các vua và Chúa các chúa, Ðấng độc nhất trường sinh bất tử, Người ngự trong ánh sáng siêu phàm, không một ai trong loài người đã xem thấy, hay có thể xem thấy: Vinh dự và quyền năng (xin kính dâng) cho Người muôn đời. Amen!

Tin Mừng - Lc 8,4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Suy niệm

“Cha chỉ thị cho con trước mặt Thiên Chúa,….hãy gìn giữ huấn lệnh đó cho tinh tuyền và không thể trách được cho tới ngày Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô lại đến…”

Những huấn lệnh mà Phaolô muốn Timôthêo gìn giữ là huấn lệnh nào? Nếu chúng ta để ý thì Lời Chúa trong bài đọc 1 hôm nay chính là đoạn kết thúc của bức thư Phaolô gửi cho Timôthêo mà chúng ta nghe suốt tuần vừa qua. Vậy những huấn lệnh đó là:

- Là phải biết yêu quý tinh thần nghèo khó, tránh đam mê triền bạc cách bất chính, nếu không sẽ mất linh hồn mình.

- Là sống làm sao để khỏi bị người ta khinh dễ mình là trẻ con, trẻ con trong tuổi tác và trẻ con trong đức tin. Cố gắng trao dồi kiến thức giáo lý, siêng năng học hỏi Lời Chúa và suy gẫm những ân sủng Người đã ban.

- Là phải biết cảm nhận giá trị của mầu nhiệm tình thương mà Chính Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta qua cuộc khổ nạn của Con Một Người.

- Là phải biết đứng đắn trong tư tưởng, lời nói và hành động, bởi đó là đòi hỏi để trở thành người lãnh đạo…

Và đó cũng là những lời nhắn nhủ cho từng người chúng ta, cũng phải biết gìn giữ những điều đó, thực hành những điều đó cho tới ngày Chúa chúng ta Quang lâm.

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN - B


Lời Chúa: Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,30-37
Bài đọc I - Kn 2,12.17-20
Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
Bài đọc II - Gc 3,16-4,3
Thật vậy, ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình. Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc đời công chính. Bởi đâu có chiến tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.
Tin Mừng - Mc 9,30-37
Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: "Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại." Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: "Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?" Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: "Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người." Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: "Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy."
Suy niệm: Chọn lựa để phục vụ
Nơi nào có phục vụ, có chăm sóc, có chia sẻ không tính toán và cầu cạnh giữa con người với nhau, thì nơi đó người ta sẽ thấy được sự chân thực của tình yêu. Trái lại, khi con người cố gắng tìm kiếm những thành công thế tục, muốn có chức có danh, muốn mình phải được hơn kẻ khác, thì con người bắt đầu xa dần với ý định của Thiên Chúa.
Chả thế mà khi Chúa Giêsu bảo các môn đệ: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Ngài nhưng ba ngày sau Ngài sẽ sống lại... thì các ông hiểu và không muốn hiểu. Các ông nghe mà chẳng muốn nghe, nhưng các ông cũng chẳng muốn hỏi Ngài xem lời đó có ý nghĩa gì. Các ông sợ và không muốn nghe những điều xui xẻo, cũng giống như bao nhiêu người khác đã không muốn nghe những sự chẳng lành xảy đến cho mình.
Thế nhưng, đó lại là chính sự mạc khải của tình yêu mà Thiên Chúa muốn tỏ bày cho con người, trước tiên là với các môn đệ, Chúa Giêsu không muốn điều xui xẻo xảy đến, Ngài không đi tìm cái khổ, cái mất; nhưng trong sự loan báo này có hàm chứa đựng một nội dung sâu xa của tình yêu. Thương là phải chịu vất vả, chịu thiệt thòi, dù là thiệt thòi ngay cả mạng đến sống mình, như dấu chỉ của một tình yêu tuyệt hảo nhất: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.
Nếu dọc đường các môn đệ đã tranh luận và cãi vã với nhau về chuyện ai sẽ là người làm lớn hơn cả, thì khi hiểu cái giá phải trả nơi tình yêu thương của Thầy, các ông sẽ thấy những toan tính của mình quá mong manh. Khi đi theo thầy, các ông đã thầm mong được vinh hoa phú quý. Thầm mong này sẽ chẳng bao giờ ăn khớp được với ý định của Thầy.
Chính vì thế, Chúa Giêsu đã nói với các ông: Ai muốn làm đầu thì phải là kẻ rốt hết và trở nên tôi tớ cho mọi người. Ai tiếp đón một trẻ nhỏ là tiếp đón Thầy. Từ đây, các ông thấy được việc đi theo Đức Kitô là sắm lấy cho mình một vị trí trong Nước Trời bằng tinh thần của một đời sống xả thân, khiêm tốn, vô vị lợi.
Khi ai đó xem vinh hoa trần tục như những giá trị để trau chuốt phải đạt tới bằng bất cứ giá nào, là người ấy đã xa lìa tinh thần của Chúa. Người của Tin Mừng phải là tôi tớ cho mọi người, phải biết phục vụ để mưu cầu lợi ích cho người khác, mà không được đặt mình trong một vai vế, trong một chức vụ, trong một địa vị nào cả. Chúa Giêsu đã lấy một em nhỏ làm khuôn mẫu cho Nước Trời. Có nghĩa là chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ, đồng thời phải quan tâm giúp đỡ những người rất tầm thường, bé nhỏ, không có gì trả lại hay đền ơn được cho chúng ta.
Đối chiếu lời Chúa dạy hôm nay với cuộc sống thực tế của bản thân, chúng ta cảm nhận được những gì? Sự dấn thân và phục vụ của chúng ta đã ở vào chừng mực nào và mục đích của nó là gì, giúp đỡ người khác hay mưu cầu danh lợi cho riêng bản thân mình.

hứ hai 21.9.2015 –Thánh Matthêu, Tông đồ, tác giả sách Tin Mừng

Lời Chúa: Mt 9, 9-13
Khi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêô đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người.
Ðức Giêsu đang dùng bữa trong nhà, thì kìa, nhiều người thu thuế và người tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pharisêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?” Nghe như thế, Ðức Giêsu nói: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
Suy niệm:
Trong các giai thoại về những Thiền sư nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta có kể một câu chuyện như sau : Một buổi tối nọ, Thiền sư Shecchery đang ngồi thiền thì có một tên cướp xông vào nhà chùa, hắn dí gươm vào cổ nhà tu hành và doạ sẽ giết nếu không trao hết tiền bạc cho hắn.Vị Thiền sư không để lộ một chút sợ hãi nào, ông chỉ vào cái hộp rồi nói với tên cướp :
- Tiền đựng trong cái hộp kia, ngươi hãy để cho Ta yên.Nói xong ông tiếp tục tụng niệm.
Sau một phút, ông nói với tên cướp:
- Đừng lấy hết tiền của Ta, để lại cho ta một ít vì ngày mai ta còn phải đóng thuế. Nhưng tên cướp đã không màng gì đến lời yêu cầu của vị thiền sư, hắn lấy hết tiền trong cái hộp, và hắn vừa ra đến cửa thì nhà sư nói vọng ra:
- Ngươi không biết nói một tiếng cám ơn khi nhận được một món quà sao? Không quá tiếc lời với khổ chủ, tên cướp đành nói tiếng cám ơn và bỏ đi .
Vài ngày sau, vị thiền sư được tin là kẻ gian ác bị bắt.Hắn nêu đích danh vị thiền sư là người đã bị hắn uy hiếp.Thiền sư Secchery được mời ra toà để làm chứng.Trước mặt mọi người ông đã tuyên bố như sau:
- Đối với riêng cá nhân tôi, thì người này không phải là một tên cướp.Tôi đã cho anh ta tiền và anh ta đã mở miệng cám ơn tôi.Thật đúng như thế! Vì có quá nhiều tiền án cho nên tên cướp đã bị tống giam.Sau khi mãn hạn tù, anh ta đã tìm đến với vị thiền sư nhân hậu đó và xin làm đệ tử của ông .
Câu chuyện của Thiền sư Secchery trên đây gợi lên cho chúng ta về lòng cảm thông và tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ của Ngài với các tội nhân.Tha thứ thiết yếu có nghĩa là tạo ra một cơ may cho người khác.Với người thu thuế tên là Mathêu như trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu đã kết nạp ông vào hàng ngũ các môn đệ của Ngài, bất kể ông là người thu thuế, hạng người mà xã hội Do thái thời đó đã gạt bỏ, đã loại trừ ra khỏi cộng đồng.Vì họ quan niệm những người thu thuế của dân Do thái nộp cho đế quốc Rôma là những người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, nhưng thái độ của Chúa Giêsu lại khác hẳn.Ngài không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong.Ngài là người đi bước trước tới với ông,và nhất là, Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương,ánh sáng của lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến Matthêu từ một người thu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.Bởi thế, Mathêu rất mừng và nhanh chóng đáp lại nghĩa cử yêu thương ấy của Chúa: “Ông đứng dậy và đi theo Người”.
- Ông mừng đến nỗi ngay sau đó đã mở tiệc để khoản đãi Chúa Giêsu và các bạn thu thuế của mình.
Qua việc Chúa kêu gọi Mathêu gia nhập nhóm đồ đệ thân yêu từ một người thu thuế, chúng ta thấy được rằng: Tình yêu Thiên Chúa toàn năng, Ngài luôn xoay sở mọi cách thế cho chúng ta được cứu rỗi, bất cứ chúng ta ở trong tình trạng nào. Hãy đến với Ngài, tin tưởng phó thác nơi Ngài, Ngài sẽ chữa lành chúng ta và nên bạn nghĩa thiết của chúng ta. Đừng sợ đến với Ngài, Ngài là đấng giầu có cao sang uy dũng tốt lành, Ngài bá chủ kho ân sủng phong phú, Ngài sẽ không thể ngồi yên nhìn chúng ta gục ngã giữa sa mạc khô cằn không giọt nước. Bằng mọi cách, Ngài sẽ mưa ân sủng xuống trên chúng ta trong mọi nơi mọi lúc.
Chính vì thế :
- Là Kitô hữu, chúng ta hãy đáp lại tình yêu Thiên Chúa bằng cách sống xứng đáng phẩm giá là Con Thiên Chúa trong mọi lãnh vực đời sống của chúng ta.
- Là Kitô hữu, chúng ta là cánh tay và đôi chân nối dài của Chúa Kitô, chúng ta cùng với Ngài cầu nguyện và đồng hành, đi tìm tội nhân, dìu họ về cùng Chúa Cha.
- Là Kitô hữu, chúng ta vui mừng tiến bước về dự bàn tiệc mà Chúa Cha đang đón chờ.
Lạy Chúa, xin tha thứ mọi tội lỗi chúng con đã trót phạm và xin ban cho chúng con một quả tim rộng lớn, một tấm lòng quảng đại, để chúng con biết noi gương Chúa, biết tha thứ và cảm thông với những người chung quanh chúng con. Xưa Chúa đã gọi mời các môn đệ theo Chúa trên đường đi tìm tội nhân và những kẻ khốn cùng trong mảnh đời đau khổ. Giờ đây, xin Chúa cũng gọi chúng con đồng hành với Chúa trên mọi nẻo đường thế giới hôm nay trong sứ vụ truyền rao Tin Mừng, để đem mọi anh em trở về với Cha trên Quê Trời. Amen .