Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

NƯỚC THIÊN CHÚA GIỐNG CÁI GÌ ĐÂY? ( CN XI TN)


Từ sau khi Gioan Tẩy Giả bị bắt, Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người tại Galilê, rao giảng Tin Mừng về Triều đại Thiên Chúa. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15).Với lời giới thiệu này, thánh sử Máccô nhấn mạnh địa điểm Galilê như muốn nói rằng Tin Mừng này được viết cho những người nghèo, người nhỏ bé,đồng thời đề tài“Nước Thiên chúa”hoặc “Triều đại Thiên Chúa” hoặc “Nước Trời” (Mt 4,23; 9,35) chính là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu.

Thánh sử Máccô thuật lại cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã sử dụng lối nói ẩn dụ, dưới hình thức là những dụ ngôn, để giải thích về Nước Thiên Chúa cho dân chúng. Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu ví như “hạt giống”, “hạt cải” nhỏ nhất được gieo vào lòng đất, âm thầm phát triển, rồi đâm bông kết trái hoặc trở thành một cây to. Những hình ảnh này muốn nói rằng Nước Chúa đã đến rồi, thời kỳ đã mãn và thời kỳ mới đã bắt đầu, nhưng vẫn còn ẩn giấu: “Nước tôi không thuộc thế gian này” (Ga 18,33-34) và sẽ hoàn tất vào ngày cánh chung, đồng thời nước ấy chỉ được mặc khải cho những người bé nhỏ thành tâm tìm kiếm (Mt 11,25). Nước ấy là chính là Chúa Giêsu, là Giáo Hội và ngự trị trong nội tâm con người.
Trước hết, “Nước Thiên Chúa” được ví như hạt giống được gieo vào trong thế gian là chính Chúa Giêsu. Điều này có nghĩa là Nước Thiên Chúa ở ngay trong con người của Chúa Giêsu. Ngài là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa nhân loại: “Triều đại [Nước] Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,19).Nước này hiện diện cách mới mẻ và thâm sâu trong thế giới của chúng ta, nhưngvượt lên trên thế giới của chúng ta. Vì trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đến với chúng ta, hoạt động và thống trị trong chúng ta theo cách thức của Ngài, một cách thức khiêm hạ, không có chút quyền lực của thế gian, nhưng bằng tình yêu cho đến cùng trên thập giá, giống như “hạt cải”, khi mới gieovào lòng đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trong các hạt giống, âm thầm phát triển, nhưng sau cùng lại trở thành một thứ rau lớn đến độ chim trời có thể làm tổ dưới bóng của nó (Mc 4,30-32). Như vậy, Chúa Giêsu đang giảng một Nước Thiên Chúa là chính Ngài chứ không phải bất cứ một vương quốc nào khác.
Kế đến, Nước Thiên Chúa mang chiều kích Giáo Hội đang hiện diện cách thiêng liêng và hữu hình trên mặt đất này. Nước đó chưa hoàn tất nhưng sẽ hoàn tất trong tương lai (trong ngày cánh chung). Chúa Kitô là tác nhân duy nhất và đích thực của ơn cứu độ,và Giáo Hội Hiền Thê là thân thể mầu nhiệm của Ngài tiếp nối sứ vụ này(x.Cv 20, 28; 1Tm 2,14).Chính vì thế, Chúa Giêsu đã thành lập Nước của Ngài ở trần gian là Giáo Hội và đưa Giáo Hội vào trong chương trình cứu độ của Ngài.
Mặc dù Giáo Hội xuất hiện như một thế giới mới, một vương quyền mới của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội vẫn còn là Giáo Hội lữ hành trần gian đang hướng về một Giáo Hội khải hoàn trên thiên quốc. Vì thế, khi nói Giáo Hội là Nước Thiên Chúa thì phải hiểu rằng nước ấy đang hiện diện thực sự ở trần gian và đang hướng đến ngày cánh chung. Do đó, chúng ta chẳng lạ gì khi Chúa Giêsu dùng những dụ ngôn như: người gieo giống (Mc 4,3-9), dụ ngôn về hạt cải (Mc 4,30-32), dụ ngôn về nắm men (Mt 13,33; Lc 13,20t), về hạt giống tự mọc (Mt 4,26-29), để nói đến Nước Thiên Chúa khởi đầu hiện diện thật khiêm tốn, nhưng rồi sẽ xuất hiện và phát triển cách mạnh mẽ, to lớn và mới mẻ trong ngày sau hết.
Sau cùng, theo lối giải thích thần bí, đặc biệt theo lối giải thích của Ôrigen, Nước Thiên Chúa ngự trị ngay trong chính lương tâm con người. Ông nói: “Ai khẩn cầu cho Nước Thiên Chúa mau đến, thực sự là cầu nguyện cho nước Thiên Chúa, nước đó họ đã mang ngay trong chính mình, và họ cầu nguyện để cho Nước này mang lại hoa trái và đạt tới viên mãn. Chỉ vì Thiên Chúa ngự trị trong người thánh thiện [và đó là vương quyền, là Nước Thiên Chúa]. Nếu chúng ta muốn Thiên Chúa ngự trị trong chúng ta [Vương quốc của Người hiện diện trong chúng ta], thì không thể để cho tội lỗi thống trị trong thân xác đáng chết của chúng ta (Rm 6,12). Bấy giờ Thiên Chúa sẽ đem lại hạnh phúc cho chúng ta như trong một địa đàng tinh thần (St 3,8) và chỉ mình Người ngự trị trong chúng ta cùng với Đức Kitô” (PG 11, trang 495t)[1]. Như thế, hạt giống là Nước Thiên Chúa đã được gieo và ngự trị trong nội tâm chúng ta. Nước ấy đang ngày đêm được Thiên Chúa tác động và làm cho phát triển trong chúng ta.
Qua đoạn Lời Chúa hôm nay chúng nhận ra rằng Nước Thiên Chúa đã và đang hiện diện với chúng ta nơi chính Chúa Giêsu, nơi Giáo Hội Hiền Thê của Ngài và ngay chính trong tâm hồn chúng ta. Với con mắt nhân loại, chúng ta không dễ gì có thể nhận ra Nước Thiên Chúa đang hiện diện, đang lớn lên, nhưng với con mắt đức tin chúng ta mới khám phá và hiểu rõ. Ở đây, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mở rộng lòng đón nhận Nước Trời, vì trời đất này sẽ qua đi (Mc 13,31). Đón nhận Nước Trời tức là chúng ta đón nhận chính Chúa Giêsu vào trong tâm hồn mình và để cho mình thuộc về Giáo Hội của Ngài. Và một khi chúng ta thuộc về Giáo Hội thì chúng ta sẽ sống dưới quyền thống trị của Thiên Chúa và không còn thuộc về thế gian này. Một khi không còn thuộc thế gian này chúng ta sẽ đón nhận một mầm sống mới vĩnh cửu và được biến đổi nên giống Chúa Giêsu trong ngày sau hết.
Vậy chúng ta hãy cùng dâng lời cảm tạ Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta một hình thức mới trong việc tôn thờ Thiên Chúa đã bắt đầu nơi chính Ngài. Hình thức thờ phượng mới này diễn ra ngay trong nội tâm chúng ta là của lễ sống động và đẹp lòng Thiên Chúa (Rm 12,1), để từ đó cuộc sống của chúng ta phải trở nên lời ca ngợi Thiên Chúa như Đức Trinh Nữ Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi ” (Kinh Manigificat).
Tu sĩ Phaolô Nguyễn Quốc Tuấn, MF.

14.06.2015, Chúa Nhật XI Thường Niên B


Đặc tính Nước Thiên Chúa
Mc  4, 26-34
Cây cỏ có sức tăng trưởng mạnh mẽ khiến ta lắm lúc phải kinh ngạc.chẳng hạn một rễ cây có thể âm thầm làm nứt cả  mảng sân bê tông hay một ngọn cỏ lại ngạo nghễ nhô lên khỏi kẽ nứt của nhựa đường.Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh  hạt giống hạt hạt cải để cho chúng ta thấy Nước Thiên Chúa khởi sự trong nhỏ bé,khiêm tốn, nhưng âm thầm tăng trưởng và rốt cuộc sẽ đạt kết quả lớn lao.Dù việc tăng trưởng của Nước Thiên Chúa diễn ra cách “tiệm tiến và lâu dài” nhưng chắc chắn vì dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.Mặc dù loài người chống đối,bách hại… nhưng kế hoạch của Thiên Chúa  vẫn tiếp diễn đến tận cùng lịch sử và không có gì ngăn chặn nổi.Giáo hội khởi sự từ nhóm mười hai tông đồ nhỏ bé, để rồi đến ngày hôm nay con số tín hữu  đã trên 1 tỷ người.Cho nên ta phải  tin chương trình của Thên Chúa luôn âm thầm tiến triển.Ta xác tín rằng ; tất cả mọi việc lớn hay nhỏ, công khai hay âm thầm, nếu làm vì tình yêu Chúa thì đều có giá trị để xây dựng Nước Thiên Chúa ngay từ bây giờ.


Lạy Chúa, không một yếu đuối nào của chúng con mà không nhắc tới quyền năng của Thiên Chúa.Vì trong cái yếu hèn của chúng con in sẵn dấu ấn Chúa Quyền Năng.Đứng trước sự chia rẽ của loài người.Tình yêu vô song của Chúa là lời đáp của sự Viên Mãn cho cái bất toàn của chúng con. Amen

Chúa Nhật XI Thường Niên B

CĐ: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NƯỚC TRỜI

*Bài đọc 1: Ed 17,22-24
Ngôn sứ Ê-dê-ki-en nói nới dân đang bị lưu đầy ở Babylon: Cây hương nam cao ngất ám chỉ vua Na-bu-kô-đô-nô-sô... và đế quốc của ông, nó sẽ bị Thiên Chúa đốn hạ xuống. Một chồi non được Thiên Chúa trồng và lớn lên thành cây hương nam vĩ đại ám chỉ dân Ít-ra-en, sẽ được hồi hương và đất nước sẽ được hồi sinh, thịnh vượng. Tất cả các cây rừng khác chỉ các vua và các nước khác. Họ sẽ nhận biết uy quyền của Thiên Chúa và vinh quang của Ít-ra-en.
**Bài đọc 2: 2Cr 5,6-10
Giữa những gian truân khổ nhục của cuộc sống, Thánh Phaolô vẫn bày tỏ lòng trông cậy vào Thiên Chúa: bởi sống ở đời này cũng chỉ là lưu đày, tạm thời xa cách Thiên Chúa mà thôi. Một ngày kia, chúng ta sẽ được thoát cảnh lưu đày là về với Chúa. Trong khi đợi chờ, chúng ta hãy cố gắng sống sao cho đẹp lòng Chúa, để dến ngày đó, chúng ta được Chúa xét là đáng được thưởng vinh quang !

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô
Mc 4,26-34
26Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: "Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. 27Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. 28Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. 29Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa."
30Rồi Người lại nói: "Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? 31Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. 32Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
33Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. 34Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.                    Đó là Lời Chúa
Suy Niệm Tin Mừng
Đại ý: Thiên Chúa đã gieo hạt giống Nước Trời trong lòng chúng ta, chúng ta phải làm cho hạt giống ấy mọc lên.
-Hạt giống Cây Tre Trung Quốc. Weldon kể rằng: có một hạt gống kỳ lạ nhất là hạt giống cây tre Trung quốc. Nó phải nằm trong lòng đất 5 năm mới nảy mầm và chồi lên. Vâng, phải mất 5 năm nó mới nảy mầm mọc lên được! Trong suốt 5 năm, người ta phải chăm sóc nó, nghĩa là phải tưới tắm, giữ đất cho ẩm, bón phân cho thích hợp, để nó sống được và nẩy mầm... Thế rồi, sự ngạc nhiên vô cùng to lớn đã xuất hiện, cây tre đã trồi lên khỏi mặt đất, và chỉ trong sáu tuần lễ, nó đã vọt lên gần 3 mét!
Tại sao mầm non cần nhiều thời gian như thế để mọc ra? Và tại sao khi nhú lên khỏi mặt đất, nó tăng trưởng mau như vậy? Các chuyên gia nói rằng: vì nó đã ở trong lòng đất 5 năm, và thời gian ấy nó đã hình thành cho mình một hệ thống rễ phức tạp, nhờ chính hệ thống rễ này mà thân cây tăng trưởng mau lẹ chỉ trong 3 tuần lễ.
Nhiều khi chúng ta cũng tự hỏi: Liệu Hạt giống Đức Tin Chúa gieo vào lòng chúng ta ngày Rửa Tội có bám rễ và hấp thụ được nhiều sự sống như thế không? Hay Hạt giống đó đã rơi vào bụi gai, sỏi đá, vệ đường, hoặc đã bị chim trời đến ăn mất?
Câu chuyện về Hạt giống cây tre Trung quốc nhắc nhớ cho chúng ta phải biết tưới tắm, chăm sóc phân bón cho hạt giống Đức tin của mình, mà Chúa đã gieo vào linh hồn ta ngày ta được Rửa tội, cụ thể là ta hãy sống đạo tích cực, bằng cách năng tham dự Thánh Lễ, lãnh nhận các Bí tích như Hòa Giải (Xưng tội) với Chúa, cầu nguyện hằng ngày, đọc Lời Chúa và thực hành, tuân giữ các điều răn, thực thi bác ái huynh đệ vối mọi người... Vì “Đức Tin không có việc làm là Đức tin chết”. (Gc2,17)
Bạn hãy năng đọc kinh Lạy Cha, bạn sẽ biết phải sống đức tin thế nào, và bạn sẽ được những gì, nhờ đời sống đức tin ấy.
Lạy Cha chúng con ở trên trời...

Chúa nhật XI Thường Niên B



( Mc 4, 26-34 )
Khi chúng ta sống những giờ phút khó khăn, hay khi chúng ta nhìn thấy những con người phải chiến đấu trong những hòan cảnh hầu như không được nâng đỡ, tự nhiên chúng ta quay về phía Thiên Chúa để chất vấn ngài: “ Ngài ở đâu ?- Ngài làm gì ?- Ngài không nhìn thấy chúng con đang gặp rắc rối thế nào sao ?- Ngài không nhìn thấy những con người này chiến đấu trong cái địa ngục nào sao ?- Ngài là Đấng Tòan Năng. Người ta gọi ngài là Đấng Tối Cao, là Đấng Hùng Mạnh nhất. Thế thì tại sao, tại sao ngài thinh lặng ?- Tại sao ngài vắng mặt ?- Tại sao ngài bất động ?- Lạy Chúa, tại sao ngài ngủ quên ?-“
Vấn nạn này xưa như trái đất. Người ta đã đặt ra vào thời Chúa Giêsu. Các môn đệ của Chúa cũng đã đặt ra trong nhiều thập niên sau khi ngài sống lại. Chúa Giêsu đã loan báo việc Nước Thiên Chúa sắp đến. Thế nhưng, rõ ràng là nó đến và cắm rễ vào trái đất thì quá chậm. Thiên Chúa ở đâu ?- Ngài đang làm gì ?- Tại sao ngài không can thiệp một cách mãnh liệt để Vương Quốc của ngài xâm nhập vào thế gian như là một luồng gió lớn, và sưởi nóng các tâm hồn như một ngọn lửa bùng phát ?-
Chúa Giêsu trả lời những vấn nạn của các môn đệ bằng cách khẳng định rằng, Cha của ngài luôn luôn hiện diện trong thế giới, và ngài hành động không mệt mỏi để Vương Quốc của ngài cắm rễ và phát triển. Thế nhưng, điều đó không nhất thiết phải diễn ra theo kiểu các môn đệ ưa thích.

Những cách hành động của Thiên Chúa thì huyền nhiệm, kín đáo và thường là gây ngỡ ngàng. Hành động của ngài trong thế giới và trong Giáo Hội có thể so sánh với cách hành động mà ngài thực hiện, từ giờ này qua giờ khác, đêm cũng như ngày, để hạt giống đựơc trồng trong đất mọc lên và sinh hoa kết quả theo đúng thời điểm thích hợp. Sự tăng trưởng được thực hiện,  trong bóng tối, tận thẩm sâu tâm hồn và rất thường khi trong những gì là khiêm tốn, nghèo hèn và yếu đuối. Tự nhiên, người ta không nhận ra một hành động giống như thế. Cần phải có một cái nhìn sâu sắc để có thể đạt đến đó. Cần phải có cái nhìn của đức tin.
Chúng ta quá mơ mộng về một Thiên Chúa hành động rập theo khuôn mẫu của chúng ta. Chúng ta mong muốn phải xảy ra nhanh chóng và ngoạn mục. Thế nhưng Thiên Chúa thì kín đáo, hết sức tôn trọng con người. Ngài không tự mình xuất hiện trước sân khấu. Ngài không phải là người chuyên làm phép lạ. Ngài hành động ở tận thẩm sâu tâm hồn, trong khi vẫn dùng thời điểm thích hợp và tôn trọng sự tự do của mỗi ngừơi. Chỗ này chỗ khác, ngài khơi dậy những việc thực hiện nhỏ, chỉ sau này mới lớn lên, chỉ sau này mới mang nhiều hoa trái.
Vì thế, chúng ta cần phải biết kiên nhẫn với Thiên Chúa và phải biết sống bằng hy vọng. Phải biết để Thiên Chúa làm việc theo nhịp độ của ngài. Phải chấp nhận là không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy bằng chính đôi mắt của chúng ta những gì mà ngài thực hiện. Cần phải tin vào những gì vĩ đại và độc đáo mà ngài chuẩn bị cho chúng ta. Cần phải học biết lắng nghe tiếng nói của ngài trong thinh lặng, cần phải biết nhận ra hành động của ngài trong đêm tối, và khám phá sự hiện diện của ngài nơi những người bé mọn nhất và khiêm hạ nhất.
Những nhận xét ngắn ngùi này được áp dụng cho những gì mà chúng ta đang sống trong Giáo Hội. Nhiều khi chúng ta có cảm tưởng là Giáo Hội của chúng ta đánh mất tốc độ, mất sân chơi và mất ảnh hưởng. Có phải Thiên Chúa đành khoanh tay  không ?- Có phải ngài đã bỏ rơi chúng ta không ?-
Bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta tin vào sự hiện diện của ngài… tin vào sự hiện diện năng động và phong phú của ngài, dù cho bề ngòai có thế nào đi nữa. Chúa Giêsu đã nói: “Nước Trời giống như một người đi gieo hạt giống trong ruộng của mình: đêm hay ngày, người đó ngủ hay thức, hạt giống nẩy mầm và lớn lên, người đó không biết thế nào.” Dù chúng ta ngủ hay làm việc, chính Thiên Chúa làm cho hạt giống nẩy mầm và lớn lên. Và ngày cũng như đêm, Giáo Hội của Chúa, vẫn được xây dựng, Vương Quốc của ngài vẫn được thiết lập, chúng ta không biết như thế nào.
Chúng ta có tin điều đó không ?- Chúng ta có tin điều đó một cách vững vàng không ?- Nguyện xin ân sủng được trao ban cho chúng ta khi chúng ta cùng nhau tuyên xưng đức tin của các tông đồ, cũng là đức tin của chúng ta.