Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần IX Thường Niên


05/6. Thứ Sáu đầu tháng. Thánh Bônifatiô, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ. Tb 11,5-17; Mc 12,35-37
Bài Ðọc I: Tb 11,5-17
Trong những ngày ấy, mỗi ngày bà Anna đến ngồi ở vệ đường bên sườn núi, nơi đó có thể nhìn xa được.
Cũng tại chỗ đó, đang lúc bà ngóng chờ con bà trở về, thì bà thấy và nhận ra con bà từ đàng xa đi đến, bà chạy báo tin cho chồng rằng: "Kìa, con mình đang về tới kia".
Và Raphael nói với Tobia rằng: "Lúc bạn vào nhà rồi, lập tức bạn hãy thờ lạy Chúa là Thiên Chúa bạn, và cảm tạ Người, rồi bạn đến gần mà hôn cha của bạn. Liền sau đó, bạn hãy lấy mật cá đem theo mình, xức lên mắt ông. Mắt của ông sẽ mở ra, cha của bạn sẽ thấy ánh sáng mặt trời, và hân hoan trước mặt bạn".
Bấy giờ con chó đi theo Tobia, chạy về trước, nó vui mừng vẫy đuôi như báo tin. Người cha mù lòa của Tobia chỗi dậy, loạng choạng đi ra cửa đón con mình.
Ông đón lấy và hôn con ông và vợ nó.Cả hai oà lên khóc vì vui mừng.Sau khi thờ lạy và cảm tạ Thiên Chúa, họ cùng ngồi xuống.Bấy giờ Tobia lấy mật cá, xức lên mắt cha mình.Chờ đợi nửa giờ, thì một vẩy trắng tựa như màng trứng tách ra khỏi hai mắt.Tobia cầm vẩy trắng ấy kéo ra khỏi mắt cha mình, ông liền thấy được. Rồi ông, vợ ông và những người quen thuộc ca tụng Chúa.
Còn Tobia thì cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, tôi chúc tụng Chúa, vì Chúa sửa phạt tôi, và lại cứu chữa tôi; đây chính tôi đang nhìn thấy Tobia con trai của tôi".
Tin Mừng: Mc 12,35-37
Khi ấy, Chúa Giêsu cất tiếng giảng dạy trong đền thờ rằng: "Sao các luật sĩ lại nói Ðấng Cứu Thế là con vua Ðavít? Vì chính Ðavít được Chúa Thánh Thần soi sáng đã nói: Thiên Chúa đã phán cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Cha, cho đến khi Cha đặt các kẻ thù con làm bệ dưới chân con". Chính Ðavít gọi Người là Chúa, thì sao Người lại có thể là Con Ðavít được?" Và đám dân chúng thích thú nghe Người nói.
Suy niệm
Sau khi thực hiện những điều cha mình muốn và cưới được Sara, Tôbia trở về nhà mình. Cả gia đình vui mừng gặp nhau. Tôbia con đã theo lời hướng dẫn của thiên thần Raphael để làm cho cha mình được sáng mắt. Tôbia cha đã cầu nguyện: “Con xin chúc tụng Ngài vì Ngài đã sửa phạt con, nhưng cũng chính Ngài đã cứu thoát con; và này đây, con đang nhìn thấy Tôbia, con trai của con”.
Niềm vui của Tôbia cha chỉ đơn giản là được nhìn thấy con trai mình, nhìn thấy dòng dõi mình được lưu truyền. Nhưng có một điểm cần lưu ý ở đây, người con lại là người làm ơn cho cha mình.
Nếu thấy được điều đó nơi cha con Tôbia, chúng ta sẽ dễ hiểu hơn khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu giảng dạy về vị trí của vua Đavit và Đấng Kitô. Đấng Kitô theo xác phàm là dòng dõi vua Đavit. Nhưng về thần tính, vua Đavit lại gọi Đức Kitô là Chúa. Về xác phàm, Đức Kitô được gắn kết với dòng tộc vua Đavit, nhưng ngược lại, Đức Kitô lại ban cho vua Đavit rất nhiều điều.
Từ những hình ảnh này, chúng ta nhận ra một chân lý trong cuộc đời. Chúng ta vừa là ân nhân, nhưng cũng vừa là người thụ ân của người khác. Chúng ta đừng bao giờ tỏ thái độ là người ban phát, vì sẽ có những lúc chúng ta cần đến người khác.
Thân phận của Đức Kitô còn cần đến Đavit làm tổ phụ, thì chúng ta là gì mà bất cần anh chị em chúng ta?
Xin cho con biết khiêm tốn để cần đến người khác.

5.6.2015 – Thứ sáu Tuần 9 Thường niên




Lời Chúa: Mc 12, 35-37
Khi ấy, Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy trong Đền thờ rằng: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:
Những người Biệt Phái và nhóm Pharisiêu không tin Đức Giêsu là Đấng Messiah và là Con Thiên Chúa. Họ nghĩ Người chỉ là một nhân vật bình thường thuộc dòng dõi vua Đavít như bất kỳ một người hậu duệ nào khác trong dòng dõi vua mà thôi. Người không thể là Đấng Kitô của Thiên Chúa, vì hiện tại Người đang sống cùng thời với họ. Đứng trước những thắc mắc đó, Đức Giêsu đã dùng chính những lời của vua Đavít đã nói trước về Người để giúp họ nhận ra thân thế thật của Đấng Kitô. Vua Đavít đã gọi Đấng Kitô là “Chúa Thượng” của mình và “Chúa Thượng” này cũng chính là “Con của vua”. Để “thấy và hiểu” được điều ấy, nhất định vua đã được Thánh Thần soi dẫn.
Con người là một huyền nhiệm với nhiều điều sâu kín không thể hiểu thấu, thì Đức Ki-tô Con Thiên Chúa làm người lại là một mầu nhiệm cao vời, và thẳm sâu hơn nữa. Mầu nhiệm này vượt trên tất cả những suy tưởng. Để không hoài nghi như những người lãnh đạo Do Thái xưa, chúng ta nhất thiết phải có một “cặp mắt” như Đa-vít, cặp mắt của đức tin được Thánh Thần chiếu rọi để nhận ra sự thật về Đức Kitô. Điều đó luôn là một thách thức lớn lao trong việc tiếp nhận niềm tin Kitô giáo đối với nhiều người và ngay cả với người đang mang danh là Kitô hữu – Bạn của Đức Kitô.
Lạy Chúa Giê-su, phần chúng con, chúng con tin rằng Chúa là Đấng Messiah, là Con vua Đa-vít và là Chúa của chúng con. Chúng con trao dâng bản thân cho Chúa. Xin Ngài là Vua và là Chúa cai trị cõi lòng con. Amen.Suy niệm:

Những người Biệt Phái và nhóm Pharisiêu không tin Đức Giêsu là Đấng Messiah và là Con Thiên Chúa. Họ nghĩ Người chỉ là một nhân vật bình thường thuộc dòng dõi vua Đavít như bất kỳ một người hậu duệ nào khác trong dòng dõi vua mà thôi. Người không thể là Đấng Kitô của Thiên Chúa, vì hiện tại Người đang sống cùng thời với họ. Đứng trước những thắc mắc đó, Đức Giêsu đã dùng chính những lời của vua Đavít đã nói trước về Người để giúp họ nhận ra thân thế thật của Đấng Kitô. Vua Đavít đã gọi Đấng Kitô là “Chúa Thượng” của mình và “Chúa Thượng” này cũng chính là “Con của vua”. Để “thấy và hiểu” được điều ấy, nhất định vua đã được Thánh Thần soi dẫn.Con người là một huyền nhiệm với nhiều điều sâu kín không thể hiểu thấu, thì Đức Ki-tô Con Thiên Chúa làm người lại là một mầu nhiệm cao vời, và thẳm sâu hơn nữa. Mầu nhiệm này vượt trên tất cả những suy tưởng. Để không hoài nghi như những người lãnh đạo Do Thái xưa, chúng ta nhất thiết phải có một “cặp mắt” như Đa-vít, cặp mắt của đức tin được Thánh Thần chiếu rọi để nhận ra sự thật về Đức Kitô. Điều đó luôn là một thách thức lớn lao trong việc tiếp nhận niềm tin Kitô giáo đối với nhiều người và ngay cả với người đang mang danh là Kitô hữu – Bạn của Đức Kitô.Lạy Chúa Giê-su, phần chúng con, chúng con tin rằng Chúa là Đấng Messiah, là Con vua Đa-vít và là Chúa của chúng con. Chúng con trao dâng bản thân cho Chúa. Xin Ngài là Vua và là Chúa cai trị cõi lòng con. Amen.

Hai điều răn (4.6.2015 – Thứ năm Tuần 9 Thường niên)


Lời Chúa: Mc 12, 28b-34
Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa. Đó là lời Chúa.

Suy niệm:
Trong những ngày cuối tại Giêrusalem, Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27). Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy, và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý. Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị. 
Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm. “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu ?” (c. 28). Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc. Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài. “Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.” Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông. Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33). Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33). Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở. Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34). 
Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu. Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31). Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai. Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”. Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực, và yêu tha nhân như yêu chính mình (cc. 29-31). Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa. Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân. Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá. Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật, thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình. Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín. 
Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự: Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội? Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa. Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu. Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa, và biến đời tôi thành tình yêu.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con, nếu Hội Thánh được ví như một thân thể gồm nhiều chi thể khác nhau, thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất. Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu. Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động. Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu, thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng, các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình...
Lạy Chúa Giêsu, cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con, ơn gọi của con chính là tình yêu. Con đã tìm thấy chỗ đứng của con trong Hội Thánh: nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu, và như thế con sẽ là tất cả, vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.
Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con, mọi ước mơ của con được thực hiện. 
(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

NGÀY 4-6-2015 THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

LỜI CHÚA: Mc 12, 28b -34

28 Có một người trong các kinh sư đã nghe Đức Giê-su và những người thuộc nhóm Xa-đốc tranh luận với nhau. Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi: "Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? "29 Đức Giê-su trả lời: "Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.31 Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó."32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác.33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ."34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! " Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
 SUY NIỆM

Với lời khen ngợi ông kinh sư,“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa”, cho thấy Chúa Giêsu vui.
- Không vui sao được, khi mà hạng “kinh sư” – những “bậc thầy trong dân”, những người thông hiểu Kinh Thánh, thường thấy trong Tin Mừng, là những kẻ không những thù ghét Chúa Giêsu, mà còn ra mặt đối đầu với Chúa.
Nhưng hôm nay, người kinh sư này là một ngoại lệ. Bởi là kinh sư, chắc chắn ông thông hiểu rành rẽ về Kinh Thánh, vì đó là lãnh vực chuyên môn của ông. Hơn nữa, Chúa không có “bằng cấp” kinh sư như ông, thế mà ông lại đến hỏi Chúa: “Điều răn nào đứng hàng đầu?”.
- Không vui sao được, khi mà ngay từ đầu, người kinh sư không hề có ý thách thức Chúa. Ông cũng không tìm kẽ hở để bắt bẻ Chúa, mà chúng ta quen thấy nơi những kẻ lãnh đạo trong Dothái giáo lúc bấy giờ. Qua thái độ và những lời nói của ông, không cho thấy ông cậy mình hiểu biết mà kênh kiệu hay kiêu ngạo. Ông cũng không tỏ ra mình là “thầy”, là “kinh sư”.
- Không vui sao được, khi thái độ của người kinh sư là thái độ hết sức tích cực:
Bởi sau lời hỏi “Điều răn nào đứng hàng đầu?” của ông, Chúa dùng lời của sách Đệ Nhị Luật mà mọi người Dothái đều thuộc nằm lòng, để trả lời:“…Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi(Đnl 6, 4-5).
Rồi Chúa gắn giới răn hai (được nhắc đến trong sách Lêvi) vào giới răn thứ nhất: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Lv 19.18).
Ông kinh sư tỏ ra nể trọng Chúa, chấp nhận giáo lý và giáo huấn của Chúa. Không chỉ có thái độ, ông còn xác tín trong lời nói của mình: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng”.
Ông hoàn toàn khâm phục Chúa. Ông lặp lại ý của Chúa bằng những từ ngữ sát thực tế hơn. Rồi ông kết luận: Tình yêu Chúa và tha nhân phải được coi trọng hơn các hiến lễ dâng cúng của Dothái giáo: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.
Hơn nữa, thái độ và câu trả lời của người kinh sư rất hợp với thánh ý của Chúa. Bởi Chúa đã từng nói: “Ta muốn lòng nhân chứ không phải hy lễ, thích được các ngươi nhận biết hơn là của lễ toàn thiêu”. Vì thế mà Chúa vui.
Qua lời giải thích cho người kinh sư, Chúa Giêsu cho thấy, chính Người là bậc Thầy tuyệt diệu đã nối kết tình yêu Thiên Chúa với tình yêu anh em, hợp thành một giới răn duy nhất: Để từ nay, ai yêu Chúa thì phải yêu người. Ai yêu người, thì đó là bằng chứng chứng minh họ có lòng yêu Chúa. Nói cách khác, Chúa dạy: Yêu Chúa để yêu người. Yêu người là cách cụ thể hóa lòng yêu Chúa.
- Không vui sao được, vì ít ra cũng có một người trong giới chức trách của dân Chúa, muốn lắng nghe lời Chúa dạy, hiểu được đâu là điều quan trọng trong Luật Chúa truyền và đâu là cốt lõi của việc giữ luật.
- Không vui sao được, vì các kinh sư chiếm vị trí quan trọng trong đền thờ. Vậy mà hôm nay, trong số họ lại có một người phán đoán một cách khôn ngoan, phù hợp thánh ý Chúa.
- Chúa vui còn vì tư tưởng của ông rất gần với Tin Mừng của Chúa, gần những điều luật mà Chúa kiện toàn. Vì thế, trước câu trả lời khôn ngoan của ông, Chúa không khen ông thông thái, nhưng lại khen: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu”.
- Niềm vui của Chúa còn lớn hơn, khi Chúa thấy linh hồn của người kinh sư thật gần Chúa, gần Nước Trời mà Chúa luôn sẵn lòng ban cho những ai tin và sống theo lời Chúa dạy. Chúa thông báo điều đó cho ông, để ông biết và ra sức giữ gìn đời sống tốt ấy, để càng ngày càng gần Nước Thiên Chúa hơn.
Lạy Chúa, xin dạy chúng con yêu Chúa và yêu người. Xin cho chúng con biết thể hiện tình yêu của Chúa bằng việc làm cụ thể hằng ngày trong đời sống chúng con, để nâng đỡ bao nhiêu người khổ đau, trợ giúp bao nhiêu người khốn cùng, cảm thông cùng bao nhiêu người phận nhỏ, đón nhận bao nhiêu người yếu đuối… Lạy Chúa, xin cho chúng con thấy Chúa nơi cuộc sống, thấy Chúa nơi từng con người, thấy Chúa nơi mọi hoàn cảnh, để luôn luôn sống trong tin yêu và hy vọng. Amen

Ngày 04-06-2015, Thứ Năm tuần IX Thường Niên




Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa. 
Suy niệm :
 Chúa Giêsu đã liên kết luật mến Chúa và yêu người thành một giới răn duy nhất. Người kêu mời chúng ta thực hành luật yêu thương ấy như một dấu chỉ đặc biệt của con cái Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa là ra khỏi tình trạng thụ động, lãnh đạm, hời hợt, ngờ vực để hướng trọn vẹn lòng trí và cả con người mình về Thiên Chúa. Yêu mến Thiên Chúa là vận dụng tất cả năng lực trí tuệ và ý chí để biết Người, gặp gỡ Người, đón tiếp Người trọn vẹn. Vì yêu mến Chúa, chúng ta cũng yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương chúng ta.
 Giới răn mến Chúa mời gọi chúng ta phải đổi mới tận căn về suy nghĩ và hành động. Mến Chúa với cả tâm hồn đơn sơ. Chân thành thực thi các giới luật của Người. Yêu mến Chúa cũng là yêu thương tha nhân vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người bé nhỏ, đói khát, tù đày (x. Mt 25, 31-46). Như vậy, khi nhận ra Chúa hiện diện nơi tha nhân, chúng ta sẽ vượt lên trên ác cảm, thù hằn, ghen tương trong cuộc sống.
Lạy Chúa, để gặp gỡ tha nhân, chúng con phải mở to đôi mắt. Để đón tiếp tha nhân, chúng con phải dọn dẹp cho trống trải lòng mình. Để yêu thương tha nhân, chúng con phải biết quên mình. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng chúng con chỉ kính mến Chúa khi thực sự yêu thương anh chị em mình. Bởi vì “tình yêu có đôi chân đến với người nghèo. Tình yêu có đôi mắt để thấy những người bất hạnh và thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để nghe được tiếng than thở và nỗi buồn phiền của tha nhân”. Amen.