Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Thứ Năm sau Chúa Nhật 25 Thường Niên – Năm B



“Tiểu vương Hêrôđê nghe biết tất cả những gì đã xả ra, thì phân vân lắm.” (Lc 9,7a)

Cuộc sống công khai rao giảng của Chúa Giêsu, qua lời nói và việc làm của Ngài, đã gây nên tiếng vang lớn đến mọi người. Những người ngay lành và có thiện tâm thì vui mừng hân hoan cảm thấy Thiên Chúa đã đến gần. Nhưng đối với những ai không có tâm hồn ngay thẳng, những người bị danh vọng và dục vọng làm lu mờ tâm trí như vua Hêrôđê thì lại lo lắng. Vua Hêrôđê bối rối và lo sợ khi nghe đến danh tiếng Chúa Giêsu, vì ông đã nhiều điều sai trái.

Ngày hôm nay, lương tâm của mỗi chúng ta có bối rối lo sợ khi nghe nhắc đến Đấng là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống hay không? Chúa cần nơi mỗi người là lòng ăn năn sám hối, nhìn lại bản thân mình để biết từ bỏ con người tội lỗi mà quay về với Chúa để Chúa thứ tha và đón nhận vào Nước Trời.

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con điều kiện để được gặp Chúa, nhưng có lẽ vẫn còn nhiều thú vui, nhiều đam mê níu kéo chúng con trên đường đến gặp Chúa. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết can đảm đứng dậy, vứt bỏ những đam mê vô bổ, làm mới lại con người mình để đến được với Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết bắt đầu lại và lại bắt đầu cuộc hành trình biến đổi đời sống chúng con. Amen.



THỨ NĂM TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN


I. BÀI TIN MỪNG: Lc 9,7-9
Tiểu vương Hê-rô-đê nghe biết tất cả những gì đã xảy ra, thì phân vân lắm. Thật vậy, có kẻ nói: "Đó là ông Gio-an từ cõi chết trỗi dậy." Kẻ khác nói: "Ông Ê-li-a xuất hiện đấy! " Kẻ khác nữa lại nói: "Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại." Còn vua Hê-rô-đê thì nói: "Ông Gio-an, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế? " Rồi vua tìm cách gặp Đức Giê-su.
 II. SUY NIỆM
Vua Hêrôđê vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông đã phân vân lo lắng vì hành động của mình. Mới hay, đôi khi có những kẻ tìm kiếm Chúa không phải vì mến Người hay để xin theo Người, mà là vì sự phân vân lo lắng và lương tâm cắn rứt vì đã hành động tội lỗi:
 1. Tìm gặp Chúa vì phân vân.
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giêsu thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giêsu là Chúa: Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…), là Gioan Tẩy Giả (kêu gọi sám hối), là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Khi nghe những lời đồn đại về Chúa Giêsu, quận vương Hêrôđê đã phân vân và tìm cách gặp Người. Có thể cuộc gặp này để kiểm chứng thực hư, nhưng tiếc là ông ta không có cơ hội gặp, mà đến ngày Chúa bị kết án thì ông mới được Philatô giải đến cho gặp.
Còn chúng ta? Có bao giờ chúng ta dành ra những phút hồi tâm suy nghĩ về Thiên Chúa hiện hữu và tác động trên đời ta, qua những dấu chỉ cuộc sống, qua những gương chứng nhân, qua phụng vụ bí tích, qua đời sống đạo… để rồi chúng tìm đến gặp Chúa và tạ ơn Người không?
 2. Tìm gặp vì lương tâm cắn rứt.
Dân gian có câu:
“Hổ giết người hổ lăn ra ngủ,
người giết người thức đủ năm canh”
Thái độ thứ hai của Hêrôđê là hoang mang vì đã đổ máu người vô tội. Chính vì một chút sỉ diện và ham mê nhục dục mà ông đã ra tay giết hại thánh Gioan Tẩy Giả. Bây giờ khi nghe dân chúng đồn đoán Gioan đã sống lại nơi Đức Giêsu thì ông hoang mang muốn gặp…
Sự xuất hiện của Chúa đã làm phơi bày ra những tội ác của kẻ ác, và đặt mọi người vào thế đối diện với chính mình và phải tự vấn lương tâm.
Điều này cho thấy, khi chúng ta hành động tội lỗi, thì lương tâm sẽ cắn rứt và làm cho chúng ta mất bình an (trừ khi lương tâm đã ra chai đá). Để tìm lại được sự bình an, chúng ta hãy mau tìm đến gặp Chúa nơi Bí Tích Giải Tội, để được Chúa tha thứ và giúp chúng ta hoà giải với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa Chúa chất vấn từng người chúng con về niềm tin vào Ngài là ai? Xin cho chúng con dám đối diện với chính mình xem chúng con có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng con nữa không? Hay là chỉ tìm đến với Chúa vì những lời đồn đoán và vì phân vân lo lắng những hành động tội lỗi chúng con bị phơi bày… Amen.


Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 25 Thường Niên - B

24/9. Thứ Năm. Kg 1,1-8; Lc 9,7-9
Bài Ðọc I - Kg 1,1-8
Ngày mồng một tháng sáu năm thứ hai triều đại vua Ðariô, có lời Chúa sai tiên tri Khác-gai đến nói với Giorôbabel, con trai ông Giosêđec, thầy cả thượng phẩm những lời sau đây: "Ðây Chúa các đạo binh phán: Dân này nói: "Chưa đến lúc xây cất đền thờ Chúa". Và có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai phán rằng: "Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?" Giờ đây Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi. Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm, kẻ nhận tiền công lại bỏ vào túi lủng". Chúa các đạo binh phán như thế này: "Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi: Hãy lên núi mang gỗ về xây cất đền thờ, như thế sẽ đẹp lòng Ta và Ta sẽ được tôn vinh". Chúa phán như vậy.
Tin mừng - Lc 9,7-9
Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.
Suy niệm
Sau một loạt những dấu lạ Chúa Giêsu làm, danh tiếng của Ngài đã được nhiều người biết đến mặc dù Ngài đã “Ngăn cấm họ không được nói”. Tuy nhiên những cái biết này chỉ là những đồn đoán của người ta về Chúa Giêsu: “Đó là ông Gioan đã từ cõi chết sống lại”; “Ông Êlia xuất hiện đấy!”; “Đó là một ngôn sứ thời xưa sống lại”… Tất cả đều không đúng với sứ mạng của Đức Giêsu.
Luca kể lại, vua Hêrôđê cũng phân vân vì những việc Chúa Giêsu đã làm. Mátthêu và Máccô còn ghi rõ Hêrôđê tưởng Chúa Giêsu là hiện thân của ông Gioan. Còn đối với Luca, ông tiểu vương này thuộc văn hóa Hy Lạp thì khó mà tin chuyện như vậy được. Vì vậy ông đã quyết định tìm gặp Đức Giêsu.
Trong cuộc sống hằng ngày, Chúa cũng làm mọi cách để tôi gặp Ngài nếu tôi biết nhạy bén với những điều linh thánh. Tuy nhiên không phải sự gặp gỡ nào cũng đem đến niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ. Vì nếu tôi kiêu căng không chịu mở lòng ra để đón nhận Chân lý của Chúa, tôi chỉ gặp Chúa với kiến thức, với sự tự mãn của tôi thì không bao giờ tôi có thể có được niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ.
Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa mỗi ngày, trong nguyện cầu, trong trái tim thẳm sâu, khi tươi mầu hay lúc con âu sầu, để tình yêu của Chúa mãi vươn cao. Xin cho con gặp Chúa mỗi ngày, thấy được Ngài đang sống trong mọi người, qua mọi thời và trong hết mọi nơi, đang điểm tô đời rạng ngời trong tình yêu.

Mua về “cái Nghĩa”


Mạnh Thường Quân là Tướng quốc nổi tiếng nghĩa hiệp của nước Tề trong thời Chiến Quốc.Tấm lòng chân thành chiêu hiền đãi sĩ của ông ta, đã khiến Mã Huyên cảm động và kính phục.Mã Huyên đã tự động đến phủ, hầu hạ Mạnh Thường Quân.
Một lần, Mạnh Thường Quân sai người đến vùng đất của ông ta được vua ban để thu nợ. Mã Huyên xung phong nhận việc này và hỏi Mạnh Thường Quân, nếu đòi được tiền thì mua thứ gì mang về.Mạnh Thường Quân nói : “Ngươi hãy mua thứ gì trong nhà đang thiếu”.Mã Huyên vâng lệnh. Đến nơi, thấy cuộc sống dân chúng quá nghèo khổ,lại nghe nói có sứ giả của Mạnh Thường Quân đến, nên ai cũng than vãn.Thế là, Mã Huyên triệu tập dân chúng lại và tuyên bố : “Mạnh Thường Quân biết bà con nghèo đói, nên lần này phái ta đến, để nói cho mọi người biết, sẽ xoá hết các khoản nợ trước đây cũng như không cần phải trả lãi.Mạnh Thường Quân còn sai ta mang quyển nợ đến. Hôm nay ta sẽ đốt quyển nợ này trước mặt mọi người, kể từ nay không còn nợ nần gì nữa”.Nói xong, Mã Huyên đem đốt quyển sổ ghi nợ. Dân chúng không ngờ Mạnh Thường Quân lại nhân nghĩa như vậy, ai ai đều cảm động rơi nước mắt.
Sau khi về đến phủ, Mã Huyên thuật lại toàn bộ tình hình cho Mạnh Thường Quân.Mạnh Thường Quân tỏ vẻ không vui, cho rằng bị thiệt quá nhiều.Mã Huyên liền nói : “Chẳng phải ngài dặn con mua cái gì trong nhà đang thiếu đó sao ? Con đã mua về cho ngài cái gọi là “Nghĩa”. Xoá nợ lấy nghĩa, đấy chính là cơ hội tốt ngài thu phục lòng dân.”
Ít lâu sau, Mạnh Thường Quân không còn được làm Tướng quốc nước Tề nữa, đành trở về nơi vùng đất được phong của mình.Dân chúng vừa nghe tin, già trẻ gái trai vội ra đường nghênh đón thật đông vui, khiến Mạnh Thường Quân rất cảm động.Lúc này ông mới hiểu được những lời của Mã Huyên hôm nào.

(Theo Chuyện ngày xưa bài học thời nay)

24.9.2015 – Thứ năm Tuần 25 Thường niên


Tin Mừng : Lc 9, 7-9Khi ấy, quận vương Hêrôđê nghe biết tất cả các việc Chúa Giêsu đã làm thì phân vân, vì có kẻ nói rằng: "Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại"; còn kẻ khác lại nói: "Ông Êlia đã hiện ra"; kẻ khác nữa nói rằng: "Một tiên tri thời xưa đã sống lại". Nhưng Hêrôđê thì nói: "Ông Gioan trẫm đã chém đầu rồi. Ông này là ai mà trẫm nghe đồn làm những điều như thế?" và vua tìm cách gặp Người.
Suy Niệm :
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta nhớ đến mối tương quan giữa Chúa Giêsu và vua Hêrôđê. Vua Hêrôđê là ai? Dựa theo vài chi tiết trong Tin Mừng, chúng ta có thể nói ông là một con người dám làm điều nghịch lại với lương tâm mình vì say mê quyền hành và danh vọng. Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội. Khuyết điểm khác nữa cũng của vua Hêrôđê là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, ông muốn trấn an lương tâm và thuyết phục mình rằng không có gì sai quấy trong việc đã làm. Ông đã giết chết Gioan Tẩy Giả, nhưng khi ông thấy Chúa Giêsu Kitô thì ông tự nhủ là Gioan đã sống lại và như thế thì mình không có lỗi gì và rằng điều xấu ông đã làm đã được đền bù. Vua Hêrôđê đã hành động nghịch lại lương tâm và tệ hại nhất là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.
Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của chúng ta. Nhiều người trong chúng ta hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm điều đó, vì chúng ta sợ kẻ khác sẽ nói; chúng ta biết rõ điều gì nên làm nhưng chúng ta lại không làm, bởi vì chúng ta yêu thích những niềm vui nhục dục hơn mọi sự khác; chúng ta biết rõ điều gì nên làm, lương tâm chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta nên sống liêm chính, nhưng chúng ta vẫn gian lận với nhau và lường gạt những kẻ thân yêu nhất, bởi vì rất dễ làm như vậy. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò mọi sự vẫn như bình thường. Sau khi hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy tội ác, dường như thể không có gì xảy ra cả.
Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta là việc chối bỏ điều tội trong chúng ta. Chúng ta hãy trở về lại nơi chúng ta cần phải làm, trở về lại với bản tính tự nhiên của mình. Có lúc vua Hêrôđê khao khát muốn gặp Chúa Giêsu, chúng ta không biết đây là vì tò mò hay là vì tiếng lương tâm thúc đẩy, vì trong nội tâm còn có chút khao khát muốn thoát ra khỏi vòng nô lệ của tội lỗi, nhưng khao khát của vua Hêrôđê có lẽ còn quá yếu ớt và có thể là vì những điều trần tục và những sự đam mê không được phép bóp chết đi.
Chúa Giêsu đã cho vua Hêrôđê được dịp gặp Ngài trong cuộc thương khó và chúng ta biết rõ vua Hêrôđê đã bỏ qua tất cả cơ hội để sống với thực thể thật của Chúa Giêsu, đã bỏ mất cơ hội canh tân đời sống mình. Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của và từ vua Hêrôđê, ông đã hành động nghịch lại lương tâm và đã che giấu tội ác của mình.
Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa,


Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy.AMEN.

THỨ NĂM SAU CN 25 TN B.



BÀI GIẢNG CHO THIẾU NHI MÂN CÔI 2015

( Lc 9. 7-9)

Trong suốt giòng lịch sử ơn cứu rỗi, TC đã dùng nhiều cách và nhiều trung gian để trình bày sứ điệp của Ngài. Trong Cựu ước, TC đã dùng các sứ giả, các ngôn sứ, để mời gọi người ta đi theo Ngài. Thậm chí có lúc Ngài để xảy ra những biến cố đau thương, chẳng hạn như việc bắt dân đi lưu đày, để họ thấy điều chính yếu là phải biết yêu mến và phụng sự Thiên Chúa. 


Đến thời Tân Ước, TC cho chính người Con của mình là Đức Giêsu rao giảng sứ điệp Nước Trời. Ngài giảng một cách rất có uy quyền, Ngài làm nhiều phép lạ, chữa nhiều bệnh tật nên Ngài đã nổi tiếng ở khắp nơi.Tiếng đồn về Chúa Giêsu ngày càng lan rộng và đã đến tai của Vua Hêrôđê, vị tiểu vương cai quản vùng Galilê thời đó. Hêrôđê bối rối và lúng túng cũng như rất lo âu trước những thông tin mình nhận được. Ông vô cùng sợ hãi vì chính ông, qua một tích tắc hứng chí, ông đã sai người chặt đầu Gioan Tẩy Giả, chỉ vì ông không muốn làm mình mất mặt với các quan khách vì một lời hứa với đứa con gái dễ thương của người tình. Khi Gioan chết chưa được bao lâu, bây giờ lại xuất hiện một đấng khác mang tên Giêsu. Mà theo đồn đoán, ông Giêsu ấy là Gioan bị ông chém đầu nay sống lại. Ông không tin điều đó nên tò mò muốn biết ông Giêsu đó là ai. Và ông tìm cách gặp mặt Ngài. Tiếc thay Đức Giêsu đã không chiều Hêrôđê. Ngài đã không trả lời ông, cũng chẳng thèm gặp mặt ông nữa.
Dĩ nhiên, ông biết rõ điều gì đúng và điều gì sai, ông biết rằng ông không nên sống với người đàn bà không phải là vợ của mình, ông biết rõ ông không nên chiều theo áp lực của những bạn bè, ông biết rõ ông không được giết người vì sự sống con người là thiêng thánh. Nhưng ông đã làm những điều xấu đó, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm vì áp lực xã hội, và tệ hại hơn, đó là việc ông không muốn đối diện với yêu cầu của lương tâm, ông đã hành động nghịch lại với lương tâm và muốn che đậy những gì mình đã làm.
Căn bệnh của vua Hêrôđê tiếp tục là căn bệnh của mỗi người chúng ta. Nhiều người trong chúng ta đã hành động nghịch lại với lương tâm; chúng ta biết rõ điều gì nên hoặc phải làm, nhưng chúng ta lại không làm điều đó. Ðiều tệ hại là sau khi đã hành động nghịch lại lương tâm, chúng ta che đậy căn bệnh bằng miếng băng cứu thương và giả đò để mọi sự vẫn như bình thường, như thể không có gì xảy ra cả.
Thật là khủng khiếp biết chừng nào việc chúng ta phạm tội rồi chối bỏ không nhận tội. Tội nặng nề nhất của thời đại chúng ta ngày hôm nay, đó là chúng ta không ý thức về tội.. Phần chúng ta, ước chi chúng ta không rơi vào cùng một lỗi lầm như vậy và cũng đừng bóp chết chút khao khát còn sót lại trong tâm hồn sau phút lầm lỗi, để khiêm tốn ăn năn thống hối trở về với tình yêu Thiên Chúa.
Với thiếu nhi chúng con, cha muốn đọc cho chúng con một bản kiểm điểm của một bé gái học lớp 4, với giọng văn dễ thương và rất hài hước, được chụp lại nguyên bản kiểm điểm đó và đẩy lên facebook – Mạng xã hội khiến cư dân mạng rất thích thú. Bức ảnh đã nhận được hơn 40 ngàn lượt người xem, bấm like và có rất nhiều những bình luận, những chia sẻ rất hay. Nội dung bản kiểm điểm như sau: “Có lẽ đây là lần cuối cùng con viết bản kiểm điểm này. Lý do con viết bản kiểm điểm này vì con đã đổ cơm vào thùng rác. Không những thế mà con còn đổ cơm ra ngoài cửa sổ, rồi con còn ăn chậm, học dốt, tắm bẩn và ngu ngơ, lề mề chậm chạp. Cho con xin lỗi mẹ và nếu chuyện này còn tái phạm nữa, con xin hứa là sẽ ra đường ăn xin”.
Nhiều người tỏ ra thích thú và khen bố mẹ cô bé này biết cách dậy con. Nhiều người khi đọc bản kiểm điểm này nhớ về tuổi thơ. Cha ước gì chúng con không bao giờ phạm phải bất cứ tội gì dù nhỏ hay lớn, nhưng khi trót phạm, hãy biết nhận ra những lỗi phạm của mình và biết ăn năn thống hối, hồi tâm trở về.
Lạy Chúa,
Xin thương hướng dẫn con trở về với Chúa mỗi lần con lầm lỗi, xúc phạm đến Chúa và anh chị em chung quanh. Xin cho con biết lắng nghe lương tâm và thực hành và thực hành điều lương tâm chỉ dạy. Amen!

SUY NIỆM LỜI CHÚA THỨ TƯ TUẦN XXV THƯỜNG NIÊN B

 
Lc 9,1- 6
Khi ấy, Ðức Giêsu tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi.

Các kinh sư trong Cựu Ước cũng chiêu mộ các môn sinh để chia sẻ cuộc sống của Thầy, nhưng họ không bao giờ sai các môn sinh ra đi làm những công việc của Thầy. Nhưng sang thời Tân Ước,Chúa Giêsu đã tập họp nhóm mười hai lại, họ không phải là những người tài ba lỗi lạc, có quyền cao chức trọng trong xã hội, họ thuộc nhóm bình dân và xuất thân từ nhiều môi trường xã hội và chính trị khác nhau, tính tình khuynh hướng khác nhau, nhưng Chúa mời gọi họ đến ở với Chúa, xem xét nếp sống có Chúa, thấy các phép lạ Chúa thực hiện, thấy cả những thất bại của Chúa ở Nazaréth, được Chúa huấn luyện, nghe những Lời Chúa giáo huấn, được Chúa cải hóa để làm tông đồ cho Chúa, họ tạo được một mối tương quan với Chúa và với nhau, sau đó họ còn được Chúa ban cho năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa lành các bệnh tật, chế ngự Satan và sự dữ mà cứu giúp con người. Sau đó, họ được Chúa sai đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành các bệnh nhân. Chúa Giêsu chỉ thị cho họ rằng: “anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo”. Qua chỉ thị này Chúa Giêsu muốn các tông đồ có lòng siêu thoát với mọi sự trần gian để hăng say thi hành sứ vụ của mình. Với chỉ thị này, Chúa Giêsu cũng đòi hỏi các tông đồ phải có tinh thần phó thác và tin tưởng vào Chúa quan phòng. Chúa Giêsu còn căn dặn: “khi anh em vào bất nhà nào thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi”, lời khuyên dụ này chỉ dấu Chúa Giêsu cần căn dặn các tông đồ một sự ổn định nào đó. Chúa Giêsu còn tiên liệu cho các tông đồ: trong khi rao giảng có thể có những người khước từ, nên ngài nói với các ông “còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân lại” để tỏ ý phản đối họ, tuyệt giao với họ, chứ không phải có ý khinh bỉ họ đâu. Đây là một tập tục của người Do Thái sau một cuộc hành trình trở về, khi đặt chân lên miền đất Philitinh, họ giũ bụi đường khỏi giày dép, không đưa bụi phàm trần vào đất thánh của mình. Các tông đồ ra đi rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. Lời rao giảng của họ kèm theo việc trừ quỷ, xức dầu bệnh nhân và chữa lành bệnh tật. Các tông đồ xức dầu không như một phương thuốc nhưng như dấu chỉ biểu tượng một tác động siêu nhiên, về sau lại trở thành bí tích xức dầu bệnh nhân. 
Trong hoàn cảnh sống tại Việt Nam chúng ta, khi thi hành sứ vụ tông đồ, chúng ta cần phải có tính siêu thoát với mọi sự thế gian với lòng phó thác tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng. Luôn hăng say nhiệt thành trong sứ vụ, trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa, còn các điều khác Ngài sẽ ban cho sau. Sức mạnh của người tông đồ không hệ tại của cải và thế lực, nhưng do ơn Chúa và Lời Chúa hướng dẫn, cần cầu nguyện và sống Lời Chúa. Chúng ta làm tông đồ cần có sự hiệp nhất, hợp tác, dù có sự khác biệt thì mới có kết quả. Người tông đồ trước tiên phải là một chứng nhân, cần được ơn Chúa biến đổi nên người mới để lời rao giảng được củng cố bằng chính đời sống của mình.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn gọi chúng con làm tông đồ của Chúa trong mỗi bậc sống và hoàn cảnh sống,, dù chúng con bất xứng, xin Chúa dạy dỗ biến đổi chúng con nên những chứng nhân của Chúa, và giúp chúng con luôn hăng say trong sứ vụ rao giảng Tin mừng. Amen.