Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Thứ Bảy - Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Ghi nhớ trong lòng
Lời Chúa: Lc 2,41-52

41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. 43 Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. 44 Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. 45 Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. 46 Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. 47 Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. 48 Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". 49Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" 50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.
51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. 52 Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

"Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng." (Lc 2,51)
Suy niệm: 
Trong các lễ nhớ dành riêng cho Mẹ Maria liên quan tới lễ Đức Mẹ Lộ Đức, có lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Kiểu nói ”trái tim vô nhiễm” mới có sau này, và trở thành thông dụng sau khi Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín lý Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854. Trước đó có các kiểu nói thông dụng như ”trái tim rất thanh sạch”, hay ”trái tim rất vẹn tuyền”, hoặc ”trái tim rất thánh” Đức Mẹ Maria...

Việc tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ được dựa trên nền tảng Phúc Âm: “Maria ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19), và“Còn Mẹ Ngài thì ghi nhớ những điều này trong lòng” (Lc 2, 51). Trong Cựu Ước, trái tim được xem là biểu tượng thẳm sâu trong tâm lòng con người, là trung tâm của mọi chọn lựa và cam kết. Còn đối với nhân loại thì đó là biểu tượng của tình yêu. Trong sách Đệ Nhị Luật ta đã nghe rằng: “Ngươi hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết tâm lòng, hết sức lực và trí khôn ngươi.” (Đnl 6,5). Trong Tin Mừng theo thánh Máccô thì khi các biệt phái chất vấn Đức Kitô về giới răn nào là trọng nhất, Ngài đã nhắc lại đoạn Kinh Thánh này để trả lời cho họ (Mc 12, 29-33).
Chính Trái Tim Mẹ đã đáp trả bằng tiếng “Xin vâng” với Thiên Chúa khi được sứ thần Gabrien truyền tin. Do sự ưng thuận vì tình yêu, Mẹ Maria trước hết đã cưu mang Đức Giêsu trong trái tim mình và rồi cũng cưu mang trong cung lòng của Mẹ.
Theo lịch sử, việc tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ được tìm thấy đầu tiên vào thế kỷ 12 với nhiều sử gia như Thánh Anselm (1109) và Thánh Bernard thành Clairvaux (1153) là thánh viết rất tài tình về việc tôn sùng thánh thiện này. Thánh Bernadine thành Siena (1380-1444) đã được gọi là Tiến Sĩ về lòng sùng kính Trái Tim Mẹ vì những trước tác về Trái Tim Mẹ. Ngài viết, “từ trái tim Mẹ, như lò lửa của Tình Yêu Rất Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã nói lên ngôn ngữ tuyệt vời nhất của một tình yêu mãnh liệt.”Thánh John Eudes (1601-1680) qua các bài viết của Ngài đã giúp khơi lại lòng sùng kính này. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô X gọi ngài là “cha, thầy dạy và là tông đồ phụng vụ lòng sùng mến Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria”. Thánh John Eudes và những người theo ngài đã dành ngày 8 tháng 2 trong khoảng năm 1643 để kính nhớ Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Về sau, Đức Piô VII cho mở rộng ngày mừng kính này để các giáo xứ hoặc hội đoàn nào muốn tôn sùng thì cũng được phép.
Việc tôn sùng Trái Tim Mẹ Maria có một truyền thống đẹp đẽ hơn nữa qua tấm ảnh đeo của Thánh Catarina Laboure năm 1830 và việc hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima từ ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 năm 1917. Mẹ đã hiện ra với 3 trẻ là Jacinta, Phanxicô và Luica tại Fatima, Bồ Đào Nha. Trong ngày 13 tháng 7, Mẹ đã cho các trẻ này biết rằng ''để cứu những người tôi lỗi, Thiên Chúa đã ước ao thiết lập việc sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ''. Toàn bộ lời nhắn nhủ của Mẹ là một lời cầu nguyện, thống hối và bằng những việc hy sinh, đền bù phạt tạ Thiên Chúa về những xúc phạm đến Ngài.
Vào năm 1942, kỷ niệm 25 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, Đức Thánh Cha Piô XII đã dâng thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ. Cũng vào năm ấy, ngài đã chọn mừng lễ này vào ngày 22 tháng 8, một tuần sau lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời. Ngày 4 tháng 5 năm 1944, ngài loan báo mở rộng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm cho Giáo Hội hoàn vũ. Với những cải cách về phụng vụ trong Công Đồng Vatican II, lễ kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ được dời về một ngày ngay sau Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, chính là ngày thứ bảy sau chúa nhật thứ hai sau Lễ Hiện Xuống.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại. Chúa cũng mời gọi sự cộng tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
Cầu nguyện: 
Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin cảm tạ Cha, vì Cha đã mặc khải cho con lòng nhân hậu và tình yêu lân tuất của Cha. Cha thật sự là Đấng duy nhất có thể ban cho con đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống con. Con yêu mến cha con, và Người chính là Cha của con; con yêu mến mẹ con, và Người chính là Mẹ của con. Ngay cả khi con không biết tình yêu thương của cha mẹ con, thì con biết rằng Chúa là Tình Yêu, Chúa ở bên cạnh con và Chúa đang chờ đợi con trong ngôi nhà muôn đời mà Chúa đã dọn sẵn cho con từ thuở tạo dựng vũ trụ.

Xin Chúa ban cho con, cùng với những thân bằng quyến thuộc trong gia đình con, cho anh chị em con, cho tất cả những ai trong cộng đoàn đang đồng hành với con, xin cho chúng con có thể thi hành ý Chúa trên thế gian để sau đó con sẽ được tận hưởng sự kỳ diệu của tình yêu Chúa trên nước thiên đàng.
Lạy Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, tràn đầy tình yêu mến đối với Thiên Chúa và mọi người, con xin tận hiến toàn thân cho Mẹ. Con xin trao phó cho Mẹ phần rỗi của con. Với ơn phù trợ của Mẹ, ước chi con biết gớm ghét tội lỗi, biết yêu mến Thiên Chúa và người chung quanh, và đạt đến cuộc sống muôn đời với những người con yêu mến. Amen.
Pet. Hải Văn, SDB

13/06/2015 Thứ Bảy Tuần X Mùa Thường Niên Năm B


Lễ Trái tim Vô nhiễm Đức Mẹ
Phúc Âm-Lc 2,41-52
Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và người ta.Đó là lời Chúa .
CHIA SẺ PHÚC ÂM:

Ngày hôm qua, chúng ta đã chiêm ngắm Trái tim Chúa, một Trái Tim ban sự sống và yêu thương dân Người. Hôm nay, chúng ta nhớ đến trái tim của một người Mẹ, Mẹ Maria. Có một điểm chung giữa 2 cuộc đời, 2 Trái tim mà chúng ta chiêm ngắm là cả hai đều mang tình yêu và chịu khổ vì tình yêu.
Khi dâng tiến Chúa vào đền thờ, cụ Simêon đã nói tiên tri về cuộc đời Đức Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35); nghĩa là Mẹ phải chịu nhiều đau khổ. Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Mẹ phải thốt lên: “"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Đức Mẹ khổ vì là Mẹ của Chúa; Đức Mẹ khổ vì cuộc khổ nạn của Chúa, Đức Mẹ khổ vì hiệp thông với Con trong công trình cứu độ. Như thế, những ai càng gần Chúa, gần công trình cứu độ yêu thương của Chúa thì càng phải đau khổ nhiều. Do đó, chắc hẳn Đức Maria là người phụ nữ đau khổ nhất. Theo lời Đức Gioan Phaolô II: Trái tim Mẹ Maria đã luôn theo sát sự nghiệp của Con Mình và cũng đập cùng một nhịp thương mến đối với tất cả những ai mà Đức Kitô đã và đang ấp ủ trong tình thương mến vô biên của Ngài. Trái tim Vô nhiễm Mẹ Maria đã mở ra khi Chúa nói: "Hỡi Bà, này là con Bà". Một cách thiêng liêng, Trái tim Mẹ đi gặp gỡ Trái tim Con Mẹ đã mở ra khi bị lưỡi đòng của người lính đâm thâu. Trái tim Mẹ mở ra vì cùng một tình yêu thương người ta và thế giới mà Chúa Kitô đã yêu thương, đã tự hiến trên cây Thánh giá.
Do đó, để bắt chước Đức Maria mà bước theo Chúa trên con đường yêu thương và phục vụ không thể loại trừ sự khổ đau.


Lạy Mẹ Maria, xin dạy con biết hiệp những đau khổ trong đời con với những khổ đau của Chúa Kitô và Mẹ, để con cũng có một tâm tình và một trái tim giống như các Ngài để yêu thương và phục vụ con người. Amen.

Con voi và con ruồi



Đệ tử và thiền sư đang đi bộ xuyên qua rừng. Người đệ tử bối rối vì thực tế tâm trí anh đang chộn rộn.
Anh hỏi thầy: “Tại sao tâm trí của hầu hết chúng ta đều không ngừng nghỉ, và chỉ rất ít người mới có tâm trí tĩnh lặng? Chúng ta có thể làm gì để giữ tĩnh lặng cho tâm trí?”
Thiền sư nhìn đệ tử, mỉm cười và nói:
“Ta sẽ kể cho con nghe một câu chuyện.
Một con voi đang hái lá từ một cây xanh. Một con ruồi nhỏ tới và bay vo vo gần tai con voi. Con voi phe phẩy đôi tai dài để quạt con ruồi đi. Con ruồi bay đi và lại bay tới.Con voi lại phẩy nó đi lần nữa.
Điều này lặp lại nhiều lần. Sau đó, con voi hỏi con ruồi:
- Tại sao anh không nghỉ và mãi làm ồn thế? Tại sao anh không đứng yên một lúc?
Con ruồi trả lời:
- Tôi bị thu hút bởi tất cả những gì mà tôi nhìn thấy, nghe thấy và ngửi thấy. Cả 5 giác quan và mọi thứ xảy ra xung quanh tôi đều kéo tôi liên tục ở tất cả mọi hướng và tôi không thể nào chống cự lại chúng. Thế bí mật của anh là gì vậy? Làm như thế nào mà anh luôn điềm tĩnh và tĩnh lặng đến như vậy?
Con voi ngừng ăn và trả lời:
- Cả 5 giác quan đều không cai quản sự chú ý của tôi. Tôi kiểm soát sự chú ý của mình và có thể hướng nó tới bất cứ nơi nào tôi muốn. Điều này giúp tôi chìm đắm vào bất kỳ điều gì tôi làm và do đó giữ cho đầu óc tôi luôn tập trung và tĩnh lặng. Giờ thì tôi đang ăn và tôi hoàn toàn chìm đắm vào việc ăn. Theo cách này, tôi có thể thưởng thức món ăn của tôi và nhai tốt hơn. Tôi kiểm soát sự chú ý của tôi, chứ không bị kiểm soát ngược lại. Chính điều này giúp tôi được tĩnh lặng.”
Nghe những lời này, mắt người đệ tử mở to và một nụ cười hiện lên gương mặt anh. Anh nhìn thiền sư và nói:
- Con hiểu rồi! Tâm trí con sẽ luôn không yên nếu con để cả 5 giác quan và mọi thứ trong thế giới xung quanh kiểm soát của tâm trí. Mặt khác, nếu con điều khiển 5 giác quan của con, có thể bỏ qua những ấn tượng của cảm giác, thì tâm trí con sẽ trở nên tĩnh lặng, và con sẽ có thể bỏ qua trạng thái xung động.
- “Đúng thế!” Thiền sư trả lời:
“Tâm trí luôn xung động và nó đi đến bất kỳ nơi nào con chú ý. Kiểm soát sự chú ý, thì con kiểm soát được tâm trí.”
(Phạm Thu Hương dịch)




Cho là nhận



Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kì cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát.

Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân của ông đã sưng lên nhức nhối, ông thấy 1 căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở 1 góc tối, có 1 cái máy bơm nước cũ và rỉ sét. Tất cả trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm nước, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt vào tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có 1 giọt nước nào chảy ra cả.

Thất vọng, người đàn ông lại nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy 1 cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạc viết bằng cách lấy viên đá cào lên: “Hãy đổ hết nuớc trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy lại vào chiếc bình này”.

Người đàn ông bật cái nắp bình ra, và đúng thật, trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào 1 tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất - rất nhiều nước.

Ông cân nhắc khả năng của cả hai sự lựa chọn: nên mạo hiểm rót nườc vào máy bơm để có nguồn nước trong lành hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không......

Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước váo cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần của máy bơm, một lần, hai lần ….chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hy vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa …. nước mát và trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.

Rồi ông hứng đầy bình, dành cho người nào đó có thể không may mắn bị lạc đưòng như ông và sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm 1 câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn. Bạn phải cho trước khi bạn có thể nhận.”


Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ

13.05.2015-Thứ Bảy tuần X Thường Niên 
Lc 2,41-51

Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: "Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! " Người đáp: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? " Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng.

KÝ THÁC CUỘC ĐỜI CHO MẸ

Năm 1836, cha Carolos des Genettes, coi sóc giáo xứ Đức Bà Thắng Trận tại Paris, rất buồn vì xứ đạo của mình quá khô khan. Một hôm đang dâng lễ, cha nghe có tiếng lạ nói: “Hãy dâng nhà thờ và giáo xứ cho Trái tim Vô nhiễm Đức Maria”. Cha Carolos thi hành sứ điệp đó thì đời sống đạo dần dần hồi phục.

Mẹ Maria đã được Chúa tuyển chọn làm Mẹ của Đức Giêsu nên trái tim Mẹ trọn vẹn thuộc về Chúa. Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình yêu thương cứu rỗi nhân loại. Nhờ đó, Mẹ là cầu nối giữa Thiên Chúa và con người.

Trái tim hiền mẫu của Mẹ Maria cũng luôn mở rộng để cùng với Chúa Giêsu qui tụ mọi người, thông truyền ơn cứu độ của Chúa đến với mọi người. Mẹ đã “cực lòng” tìm kiếm Đức Giêsu vì Mẹ một mực thương yêu Chúa. Mẹ cũng là Mẹ của mọi người, nên chắc chắn Mẹ sẽ trợ giúp nếu chúng ta kêu cầu.

Lạy Mẹ Maria, chúng con xin ký thác cuộc đời cho Mẹ, xin Mẹ giữ gìn, yêu thương và bảo vệ chúng con trong ân huệ của Thiên Chúa. Xin cầu bầu giúp sức để chúng con vượt thắng cám dỗ thế gian, được cùng Mẹ vui hưởng hạnh phúc Chúa muôn đời.


Thứ Sáu Tuần X TN Năm B - Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lễ Trọng


HỌ ĐÃ NHÌN LÊN ĐẤNG HỌ ĐÃ ĐÂM THÂU (Ga 19,31-37)
“Họ đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. Thánh Gioan khẳng định, lời Kinh Thánh trên đã được ứng nghiệm như lời ngôn sứ Dacaria đã báo trước: “Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một”(Dr 12,10). Hình ảnh lưỡi đòng đâm thâu trái tim nói về tình thương của Thiên Chúa đối với tội lỗi của chúng ta, chính máu và nước chảy ra là để thanh tẩy tội lỗi con người, cũng nhờ đó con người được thánh hóa trong máu Con Chiên Thiên Chúa. Trái tim Chúa Giêsu đã mở ra để chữa lành mọi thương tích tật nguyền, cả thể xác và tinh thần, hầu đem lại sự bình an và tự do cho tâm hồn, như lời Thánh thi: “Kìa ngọn giáo đã dụng tâm rộng mở, Trái tim Người cho tất cả chúng ta, Để từ đây nhờ máu nước chan hòa, Muôn tội lỗi được Người thương thanh tẩy”.
Cuộc sống của kiếp nhân sinh nhiều khi cũng mang những nỗi lo âu, những ràng buộc và gánh nặng trần thế…Chúa cũng mời gọi:“Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Tôi, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Quả thật, con người chỉ có thể tìm thấy lời giải đáp thỏa đáng cho mọi vấn nạn của cuộc sống hiện sinh khi đến bên Thánh Tâm mà chiêm ngắm trái tim cực thánh của Chúa Giêsu. Một tình yêu biểu lộ qua trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, để những ai tin, đón nhận, và trở nên một với Chúa sẽ được biến đổi và trở nên con người mới.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết chiêm ngắm trái tim Chúa từng giây phút trong cuộc đời, để cảm nghiệm sâu hơn tình thương Chúa dành cho chúng con, hầu chúng con sống xứng đáng với nhân phẩm của người được Chúa yêu. Xin ban cho chúng con trái tim nhân hậu của Chúa, để chúng con biết yêu thương và tha thứ như Chúa. Amen.

Giuse Nguyễn Ngọc Cẩn, MF

THỨ SÁU 12.06 THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU, Lễ trọng


Hs 11:1.3-4.5c.8ac-9; Ep 3:8-12.14-19; Ga 19:31-37

Ga19,31-37
31Hôm ấy là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế, họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. 32Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng chịu đóng đinh với Đức Giêsu

. 33Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. 34Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. 35Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực ; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. 36Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. 37Lại có lời Kinh Thánh khác : Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
Đó là Lời Chúa.


TRÁI TIM YÊU THƯƠNG

Tại nhà thờ chánh tòa Wurzburg, nước Đức, có một tượng thánh giá nổi tiếng được chạm trổ vào khoảng thế kỷ XIV. Tượng này có điểm đặc biệt: hai cánh tay của Chúa khoanh lại trước trái tim như thể đang ôm vào lòng một người nào đó.

Trái tim Chúa bị đâm thâu: nguồn suối ân sủng tuôn chảy đến những ai đang khát tình yêu.

Trái tim Chúa bị đâm thâu, máu cùng nước chảy ra: thanh tẩy muôn vàn tội lỗi mà con người đã gây ra.

Trái tim Chúa luôn mở ra: mời gọi những ai bơ vơ sầu khổ đến ẩn náu trong tình yêu Người.

Trái tim Chúa bị đâm thâu, cửa Thiên Đàng mở ra: mời gọi con người bước vào hạnh phúc vĩnh cửu.

Trái tim Chúa bị đâm thâu: trời đất giao hòa, Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với con người.

Trái tim Chúa bị đâm thâu: bằng chứng cho đức tin, hiện thực hóa niềm hy vọng, tuôn trào đức ái; mời gọi con người đến tôn thờ và ca tụng Người.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ và cảm tạ tình yêu vô bờ của Chúa. Xin Thánh Tâm Chúa luôn là sự nghỉ ngơi an toàn của cuộc đời chúng con.