Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

THỨ BẢY SAU CHÚA NHẬT 30 TN NĂM B


Lc 14,1.7-11
Một trong những phương pháp giảng dạy của Chúa Giê-su là Ngài dùng chính những hình ảnh quen thuộc xảy ra trong đời sống hàng ngày, trong cách đối nhân xử thế và cả trong cái lề thói giữ luật của những người luôn cho mình hơn người… để nói về thái độ mà con người phải có đối với Thiên Chúa và đối với anh em đồng loại. Vì trong xã hội, ai cũng muốn mình được người khác xem trọng, kính nể, nên nhiều kẻ đã cố tạo ra một cái mặt nạ khi “tô son trát phấn” cho mình với những hình thức bên ngoài, để gây chú ý, có được một chút tiếng tăm hoặc tạo sự tin tưởng nơi người khác. Lúc đó, sự hoang tưởng biến họ thành nhân vật quan trọng, cho mình là “cái rốn” vũ trụ, sinh lòng tự cao tự đại và xem thường moị người. Hôm nay, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh Luca nói đến một bữa tiệc tại nhà ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu và một bài học mà Chúa Giê-su trao cho những vị khách được mời tới dùng bữa, đó là : “Hãy biết mình”.
Mở đầu trang TM, Thánh Luca cho biết:“ Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-siêu để dùng bữa: họ cố dò xét Người”. Chỉ trong một câu, Thánh Luca đã giới thiệu thời điểm xảy ra câu chuyện, đó là trong ngày sa-bát chứ không phải là ngày thường. Địa điểm là tại nhà một ông cấp cao trong giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái thời bấy giờ. Đây là nơi thuận lợi và hợp lý để nhóm Pha-ri-siêu tụ họp bày mưu tính kế, rình rập, bắt lỗi theo dự định của họ. Mục đích của những người Pha-ri-siêu hăm hở và nhiệt tình đến dùng bữa hôm ấy là để: “cố” dò xét hành vi của Chúa Giê-su có vi phạm luật Mô-sê trong ngày sa-bát không.
Còn Chúa Giê-su thì chẳng màng tới mục đích của họ, mà Ngài lại ngồi quan sát hành vi của các vị khách được mời đến dự tiệc. Dụ ngôn ngài đưa ra cho ông chủ và các khách dự tiệc để Ngài muốn nói rằng: “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Với hai động từ thụ động: “bị hạ xuống”, “được tôn lên”, ý nói rằng chính Thiên Chúa mới là tác giả của việc hạ xuống và tôn lên. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới ban vinh quang đích thực, danh dự chân chính cho những ai thành tâm, khiêm tốn tìm kiếm và mong được vào vương quốc của Ngài.
Cu Tí đi học về khoe với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con và môt số bạn được cô giáo chọn diễn kịch đó mẹ ơi!”
Mẹ bé phấn khởi hỏi: Thế cô giáo cho con đóng vai gì?
Bé trả lời: Cô cho con và các bạn đóng vai khán giả để vỗ tay . . . 
Vâng! Trong cuộc sống hôm nay, con người luôn có khuynh hướng đề cao mình. Họ làm thật nhiều để mưu tìm công danh, hiển hách. Họ muốn chứng minh mình hơn người bằng tiền bạc, bằng quyền bính, bằng sắc đẹp . . . Con người luôn tìm cách tôn mình lên để thoả mãn tính tự mãn của mình.
Thế nhưng, một tâm hồn đơn sơ thì luôn khiêm tốn, luôn cảm thấy mình nhỏ bé để kính trọng người khác, để sống đúng với giá trị của mình. Họ không cầu danh vọng. Họ không tìm khoe khoang chính mình. Họ luôn ẩn mình để phục vụ một cách vô vị lợi. Đây là một con người luôn đáng yêu vì họ sống chân thành và khiêm tốn như trẻ thơ. Họ là dấu chỉ của những kẻ bé mọn trong Nước Thiên Chúa.
Kính thưa…Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ khiêm tốn trước mặt mọi người. Đừng tìm cao vọng trước anh em. Đừng tìm vinh danh cho mình. Tất cả chỉ là phù vân. Quyền bính, sắc đẹp rồi cũng qua. Điều quan yếu là ta để lại một hình ảnh đáng yêu trước mặt anh em mình.
Qua đây Chúa cũng nhắc chúng ta: Nước Thiên Chúa là một vinh dự, một ân ban cho chúng ta. Nhưng chỉ những ai khiêm tốn, có tâm hồn tự hạ, nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa mới xứng đáng lãnh nhận, và Thiên Chúa cũng sẽ hạ bệ những ai kiêu căng, cậy mình.
Xin cho chúng ta hãy biết đi vào con đường khiêm nhường bằng cách sống đúng với giới hạn của một thụ tạo nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa vô biên, để nhờ đó Ngài sẽ là tất cả cho chúng ta.Amen

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 30 Thường Niên - B

31/10. Thứ bảy. Rm 11,1-2a.11-12.25-29; Lc 14,1.7-11
Bài Ðọc I - Rm 11,1-2a.11-12.25-29
Anh em thân mến, chớ thì Thiên Chúa đã bỏ rơi dân Người rồi sao? Hẳn là không. Vì chính tôi cũng là người Israel, miêu duệ của Abraham, thuộc chi họ Bengiamin. Thiên Chúa không từ bỏ dân Người mà Người đã chiếu cố trước.
Vậy tôi xin hỏi: Chớ thì họ đã vấp chân đến nỗi ngã xuống rồi sao? Hẳn là không. Nhưng vì lỗi lầm của họ mà Dân ngoại được ơn cứu độ, để họ ganh đua với những kẻ ấy. Nếu lỗi lầm của họ làm cho thế giới nên giàu có, và sự thiếu thốn của họ làm cho Dân ngoại được phú túc, thì sự dư đầy của họ còn lợi nhiều hơn biết bao.
Anh em thân mến, tôi không muốn để anh em không hay biết mầu nhiệm này (để anh em không tự cho mình là những kẻ khôn ngoan): là một phần dân Israel cứng lòng mãi cho đến khi toàn thể Dân ngoại nhập giáo, và bấy giờ toàn thể Israel cũng sẽ được cứu độ, như có lời chép rằng: "Từ Sion có Ðấng Cứu độ sẽ đến mà cất sự vô đạo khỏi Giacóp. Và đó là giao ước Ta ký kết với họ, khi Ta xoá bỏ tội lỗi của họ".

Xét theo Tin Mừng thì họ thật là kẻ thù nghịch vì anh em, nhưng xét theo kén chọn, thì họ là những người rất được yêu thương vì các tổ phụ. Bởi vì Thiên Chúa ban ân huệ và kêu gọi ai, Người không hề hối tiếc.
Tin Mừng - Lc 14,1.7-11
Khi ấy, Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:
"Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: "Xin ông nhường chỗ cho người này", bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến nói với ngươi rằng: "Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên", bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc.
"Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Suy niệm
Với nhiệt tâm rao giảng Tin mừng của Chúa cho mọi người và mọi dân tộc, Thánh Phaolô không ngừng rao giảng về Đức Kitô cho dân Israel cũng như những người chưa biết Chúa. Thế nhưng, đứng trước sự rao giảng của Thánh Phaolô, mỗi người có một niềm tin khác nhau vào Đức Kitô và sự đón nhận khác nhau về Đức Kitô tùy theo thái độ của họ.
Với một thái độ khiêm tốn, rất nhiều người mở rộng tâm hồn nghe lời rao giảng của Thánh Phaolô và tin vào Đức Kitô. Họ đã đón nhận Thiên Chúa và tin vào Thiên Chúa. Ngược lại, với những người có thái độ kiêu căng, tự phụ.. họ đã đóng kín tâm hồn trước những lời rao giảng của Thánh Phaolô. Họ đã không tin vào Đức Kitô và không đón nhận Thiên Chúa.
Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu đã nói đến trong bài Tin mừng: “ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên".
Sự khiêm tốn giúp tôi tin tưởng phó thác vào Chúa và nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi sự kiện biến cố của cuộc sống. Sự khiêm tốn giúp tôi nhận ra và đón nhận những điều tốt đẹp nơi người khác, nhận ra Chúa nơi tha nhân, thông cảm và yêu mến tha nhân như Chúa dạy.
Lạy Chúa, xin cho con biết sống khiêm tốn và mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa và đón nhận tha nhân trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.