Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2015

CHÚA NHẬT XXIII/TN/B


CĐ : ĐỨC GIÊSU KHAI MỞ THỜI ĐẠI CỨU ĐỘ

*Bài đọc 1 :Is35,4-7a :
Mắt người mù mở ra, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.
Lời Tiên tri I-sai-a loan báo về những Dấu Chỉ của Nước Trời, là thời đại Đấng Thiên Sai sẽ đến cứu độ dân Người… Những dấu chỉ, Người sẽ thực hiện để nhận ra Người là : chữa lành các bệnh nhân, cho người điếc nghe được, người câm nói được, người què đi được. Đây không chỉ là những dấu chỉ mà còn làø những biểu tượng về những biểu hiện tâm linh, là sự tha thứ tội lỗi. Tin Mừng hôm nay cho ta thấy lời tiên tri đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, khi Người chữa lành người ngọng và điếc về thể xác.

**Bài đọc 2 : Gc2,1-5 :
Thánh Giacôbê khuyên các tín hữu đừng khinh chê người nghèo …Cụ thể như phân biệt đối xử với người kẻ giàu có. Kẻ giàu người nghèo, đều là con cái Chúa và là anh em của Chúa Kitô. Thiên Chúa không phân biệt giàu nghèo, trái lại, Thiên Chúa còn ưu ái người nghèo, thậm chí Người đã chọn những kẻ nghèo khó, để họ thừa hưởng vương quốc của Người ! Người nghèo khổ có nhiều cơ hội gần gũi với Chúa hơn người giàu có . Vì họ không sống theo tiền bạc, của cải, mà chỉ biết tựa nương vào Chúa….Đây là dịp để mọi người chúng ta suy nghĩ về cách sử dụng tiền bạc của cải, vì nếu không biết sử dụng nó, có nguy cơ là dễ xa cách Thiên Chúa và anh chị em.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô Mc7,31-37
31Hôm ấy, Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Si-đôn, đến Biển Hồ Ga-li-lê và miền Thập Tỉnh. 32Người ta đem một người vừa điếc, vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng vào lưỡi anh. 34Rồi Người ngước mắt lên trời thở dài và nói:“Ép-pha-ta, nghĩa là : Hãy mở ra !” 35Lập tức tai anh ta mởi ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36Đức Giêsu cấm họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, họ càng đồn ra. 37Họ hết sức kinh ngạc, và nói: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được.”
Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm :
Đức Giêsu đến khai mở Nước Trời nơi trần thế.
ĐẠI Ý : Đức Giêsu chữa lành người câm điếc, để chứng tỏ Người là Đấng Thiên Sai đến khai mở Nước Trời trên trần thế. Ta Suy Niệm ba điều :
1-ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ đã được Isaia loan báo..“Người ta đem một người câm điếc đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh.” Đức Giêsu làm phép lạ này, để thể hiện lời Tiên tri Isaia đã nói về Người: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được” (Is35,5). Vì thế, khi thấy Đức Giêsu chữa lành người câm điếc, thì dân chúng reo mừng: “Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả.” (Mc7,37). Đây là dư âm những lời trong Sách Sáng Thế :“ Thiên Chúa thấy mọi sự là tốt đẹp.” (St1,31).
2-THỜI ĐẠI CỨU ĐỘ, NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN. “Người ngước mắt lên trời thở dài và nói: Ép-pha-ta, nghĩa là : Hãy mở ra !” Khi nói và làm cử chỉ này giữa vùng đất Dân Ngoại, Đức Giêsu muốn tỏ ra “Uy Quyền Thiên Chúa và Thời Đại Cứu Độ đã đến với muôn dân”. Hơn nữa, “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông…” Cử chỉ hết sức tế nhị và cao đẹp này, chứng tỏ rằng: Thiên Chúa cảm thông sâu sắc với con người tội lỗi. Vì tội nhân là bệnh nhân tâm linh, mỗi người đều có tâm trạng và nỗi khổ riêng, cần được cảm thông và đối xử thật tế nhị và khác biệt !
3-CHÚNG TA CŨNG RẤT CẦN được chữa lành … Phải khiêm nhường thú nhận: Chúng ta vẫn tỏ ra là những đứa con rất bướng bỉnh và ngoan cố với Chúa là Cha chúng ta ! Cụ thể như : Trong gia đình, Cha mẹ không dám la rầy con cái khi chúng sống tội lỗi, nhất là khi chúng bỏ Điều răn Chúa và Hội Thánh…Các Anh chị thấy em út có lỗi bất hiếu với cha mẹ, mà không bảo ban … Thấy bạn bè, đồng nghiệp, làm điều xấu, mà không khuyên can, để mặïc cho người vô tội, trẻ thơ, thai nhi bị giết không chút thương tâm… chỉ vì quá nhát đảm, sợ mất lòng bạn bè, sợ bị thiệt thòi đủ thứ, mà không hề sợ mất lòng Thiên Chúa, không hề sợ mất linh hồn ! Tiên tri của Chúa đã cảnh cáo : “Nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác làm điều gian ác, để nó phải chết vì tội ác, thì ta sẽ đòi ngươi nợ máu nó …” (Ed3,18) Chúa Giêsu cũng dạy: “Nếu anh em ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó…” (Mt 18,15). Đó là bổn phận bác ái, bổn phận cứu linh hồn người khác, chứ không chỉ là lời khuyên. Đó là trách nhiệm phải trả giá là : nợ máu !... Vì thế, mỗi người chúng ta hôm nay rất cần được Chúa Giêsu thương, kéo riêng ra một nơi chữa bệnh câm điếc cho và nói:“Ép-pha-ta, Hãy mở ra!”
*GIÁM MỤC TỰ TỬ để bảo vệ con chiên…Bạn đã có bao giờ nghe nói về một Đức Giám mục tự sát để bênh vực công lý chưa ? Một câu chuyện thật hi hữu, nhưng có thật ! Tại Pakistan, Hồi giáo có luật này: bất kỳ ki-tô hữu nào bị tố cáo là đốt hay xé kinh thánh Coran, là bị án tử hình, không cần xét lời tố cáo ấy có thật hay không ! Vì thế rất nhiều người ki-tô hữu bị oan. Sau khi đã dùng hết mọi cách để phản đối Luật Phạm thượng đàn áp người ki-tô hữu quá bất công này, ngày 06/05/1998, Đức Cha John Joseph, Giám mục Giáo phận Faisalabat, Pakistan, trước Toà an, đã tự bắn vào đầu mình tự sát để phản đối luật bất công này. Giáo Hội Công giáo Mẹ không hề kết tội, mà còn tuyên dương và cử hành Thánh lễ đồng tế trọng thể tại Đền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho Ngài….. Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống trên thánh giá cho loài người chúng ta vào Nước Trời. Theo Thánh Phaolô, Nước Trời là sự Công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.” (Rm14,17). Vì thế, chỉ khi nào con người được sống trong Công lý, Bình an và Hoan lạc trong Thánh Thần, thì mới được sống trong Nước Trời. … Là ki-tô hữu, chúng ta không chỉ CẦU XIN, mà còn phải HÀNH ĐỘNG làm sao, cho “NƯỚC TRỜI đến”, trước hết là trong tâm hồn mình, trong gia đình và giáo xứ mình, cũng như trên đất nước và toàn thế giới hôm nay !

Lạy Chúa Giêsu ,
 Xin hãy mở Tai con để con được nghe Lời Chúa,
Xin hãy mở Miệng Lưỡi con, để con được cảm tạ tình thương của Chúa ,
Xin hãy Rộng Mở Trái Tim con, để con hết lòng Mến Chúa yêu người,
Xin hãy Mở cửa Thiên đàng cho con được vào,
Để con được sống hạnh phúc với Chúa muôn đời.Amen.

LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai đã đến khai mở Nước Trời để nơi trần gian. Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người biết sống sao cho xứng được ơn cứu độ đời đời !

1-Người ta đem một người câm điếc đến xin Đức Giêsu đặt tay trên anh / ước chi các ki-tô hữu nhớ rằng / Vì Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa / nên Người có thể CỨU ĐỘ loài người.

2-Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông / ước chi các ki-tô hữu nhận ra rằng / TỘI LỖI LÀ TẬT BỆNH CỦA LINH HỒN / duy THIÊN CHÚA có thể THA THỨ CHỮA LÀNH mà thôi.

3-Người ngước mắt lên trời thở dài và nói : Hãy mở ra / ước chi các ki-tô hữu CAN ĐẢM, DÁM MỞ MIỆNG LÊN TIẾNG BÊNH VỰC / Khi CÔNG LÝ, TÌNH THƯƠNG và SỰ THẬT bị chà đạp.

4-Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả / ước chi các ki-tô hữu hiểu rằng / Đức Giêsu đến ĐỂ TÁI TẠO MỘT NHÂN LOẠI MỚI / BẰNG SỰ HY SINH CHÍNH THÂN MÌNH, làm GIÁ CHUỘC cho loài người.

5-Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả / ước chi các ki-tô hữu hiểu rằng / ở đâu có CÔNG LÝ, HÒA BÌNH và HOAN LẠC trong Chúa Thánh Thần / là ở đó có NƯỚC TRỜI . (Rm 14,17).


Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đến để khai mở triều đại Nước Chúa. Xin ban cho mọi người biết sống trong Công lý, hòa bình và hoan lạc của Chúa Thánh Thần. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

CN 23 TN B – NĂM 2015

Tin Mừng Mc 7,31-37   
Hôm ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Người đặt tay trên anh. Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Ép-pha-tha", nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. Đức Giê-su truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. Họ hết sức kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."
Chia sẻ :
Có một câu chuyện vui kể về một người giáo dân kia rất ngoan đạo, anh luôn luôn sống phó thác và tin tưởng vào Chúa.Một hôm bão lũ ập xuống trên ngôi làng anh đang sinh sống.Nước ngày càng dâng cao. Ban đầu là môt mét, sau dâng lên 3 rồi 4 mét nước ngập tới mái nhà.Anh bị mắc kẹt trên mái tôn nhà anh.Có tới 3 chiếc thuyền lần lượt tới để cứu anh ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, nhưng anh đã từ chối di tản và bảo những chiếc thuyền đó đi cứu người khác.Anh quyết bám vào mái nhà để chờ phép lạ của Chúa.Anh tin tưởng cầu nguyện xin Chúa làm phép lạ để Ngài đích danh tới cứu thoát anh.Nước càng ngày càng dâng cao hơn, và cuối cùng anh đã bị nước cuốn đi và bị chết chìm.Khi ra trình diện tại cửa thiên đàng, anh ta phẫn nộ thưa với Chúa rằng:
 Chúa ác quá, vì sao Ngài không tôn trọng đức tin của con? Chúa trả lời: -Ta đã ba lần đưa thuyền đến cứu con, nhưng con đã không chịu bước vào! Giờ còn kêu trách gì nữa.
Vâng, Thiên Chúa luôn cứu giúp chúng ta qua trung gian con người là hình ảnh của Chúa.Ngài vẫn luôn luôn thể hiện tình thương của Ngài qua tha nhân, qua bạn bè.Đó là lý do mà Ngài đã tao dựng con người chúng ta theo hình ảnh của Ngài.Cũng là lý do để Chúa thi ân giáng phúc mà chữa khỏi căn bệnh cho anh chàng bị câm và điếc từ khi mới sinh trong trang Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay.Vì thế con người cũng được mời gọi để liên kết với nhau trong một cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất.Sự liên đới, chia sẻ với nhau, nhất là với những hoàn cảnh kém may mắn, đó chính là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa thế gian.

Trở lại Trang tin mừng chúng ta vừa nghe đọc, Anh chàng vừa câm vừa điếc này đã lâm vào một tình cảnh bi đát: anh ta đau khổ biết bao vì không nói được với ai, cũng như không thể nghe được ai nói với mình, cũng như anh ta không thể hiểu người khác, và người khác cũng khó mà hiểu được anh ta. Cuộc đời của anh tưởng chừng như đi vào con đường cùng. Anh sinh ra trong câm lặng, và có thể sẽ chết trong âm thầm! Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên.Cảm thông tình cảnh của anh,Chúa Giêsu đã chữa anh khỏi câm và điếc, để anh được trở lại với cuộc sống bình thường.Tin mừng kể lại: Ngài kéo riêng người câm điếc ra khỏi đám đông,xỏ ngón tay vào lỗ tai anh,bôi nước miếng vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời lâm râm cầu khẩn rồi lớn tiếng truyền lệnh: “Ephata!” nghĩa là “Hãy mở ra!”.Tức thì lỗ tai điếc của anh mở ra, nghe được rõ ràng,cái lưỡi bị cột cứng của anh uốn được và nói rõ ràng.Cuối cùng là sự kinh ngạc thán phục của đám đông.Họ nói: “Ngài làm được mọi sự tốt đẹp. Ngài làm cho người điếc được nghe, người câm nói được”.

Nét đẹp của trang Tin Mừng hôm nay mà Thánh sử Maccô vẽ lên, chính là ở tình thương của Chúa và tấm lòng của những người thân.Anh sinh ra trong tật nguyền nhưng anh lại được mọi người thương mến,và cảm thông với nỗi bất hạnh của anh.Cha mẹ và hàng xóm láng giềng đều mong muốn cho anh có ngày nói được,có ngày nghe được như bao người khác.Họ đã nghe về một Giêsu quê ở Nagiaret đầy tình thương và đầy quyền năng.Một vị cứu tinh của nhân trần có thể sẽ giải thoát và cứu chữa anh khỏi tật nguyền.Họ đã đem anh đến với Chúa.Họ là những người đã được Chúa gửi đến để giúp anh.Họ cũng chính là những người đã đưa thuyền cứu hộ đến cứu anh chàng bị nạn trong câu chuyện vui được kể trên. 

Nhưng giữa đám đông dân chúng chứng kiến phép lạ của Chúa Giêsu, những người có tai nghe được, có miệng nói được, những lại câm, lại điếc. Họ giả điếc, giả câm trước Lời Chúa. Họ cố chấp không đón nhận sự thật. Đó là những người Biệt Phái Pharisêu: “Họ có mặt mà không thấy, có tai mà không nghe!” Quả thật, họ đang điếc trước công lý, mù trước phép lạ đang diễn ra. Họ chẳng những không chịu hiểu Lời Chúa mà còn loan truyền toàn những điều lệch lạc, sai trái.
Trong số những người câm điếc đó, ngày nay có thể có cả chúng ta nữa. Nghe và nói trong đời sống con người là hai phương tiện truyền thông luôn đi đôi với nhau.Ta thử nghĩ xem: Trong gia đình mà vợ chồng không biết lắng nghe nhau hoặc mạnh ai nấy phát ngôn bừa bãi, các ông chồng cứ rượu vào là ăn nói lung tung,các bà vợ thì càm ràm, nói dai như đỉa, hoặc ông nói gà bà nói vịt, không ai chịu nghe ai nữa, thì làm sao gia đình có được sự êm ấm và hạnh phúc? Nếu biết lắng nghe nhau và đối thoại cởi mở chân thành với nhau, chắc chắn sẽ giúp vợ chồng thông cảm chia sẻ, như thế sẽ tránh được biết bao bữa cơm không lành canh không ngọt! Tình cha mẹ và con cái cũng sẽ đậm đà mật thiết khi con cái biết lắng nghe cha mẹ và cha mẹ cũng biết lắng nghe con cái. Và nhất là ở trong nhà thờ, người Kitô hữu phải biết lắng nghe Lời Chúa để hiểu ý Chúa muốn nói gì với chúng ta và mở miệng lưỡi chúng ta ra để ca khen chúc tụng Chúa.
Nhờ Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã được Thánh Thần mở tai, mở miệng, mở mắt để hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Tuy nhiên, chúng ta thường vẫn điếc khi Chúa nói với chúng ta qua các biến cố thường ngày. Chúng ta vẫn câm, vẫn ngọng khi nói những lời ngợi khen Chúa và lời cảm thông với anh chị em. Chính cái tính kiêu căng, lòng ích kỷ, tội lỗi đã bịt tai, cột lưỡi chúng ta lại, không cho chúng ta hiệp thông với Chúa và với anh chị em. Qua bài Tin Mừng, Chúa muốn gởi đến chúng ta sứ điệp: Hãy luôn sống đời sống hiệp thông,hiệp thông với Chúa, hiệp thông với tha nhân ….
Lạy Chúa, xin Chúa chữa lành căn bệnh câm điếc nơi tâm hồn của chúng con, để chúng con biết nói những điều tốt lành với tha nhân và nhất là biết dâng lên Chúa lời chúc tụng và cảm tạ mỗi ngày.Xin cho chúng con biết lắng nghe nỗi khổ đau của mỗi người và mỗi tâm hồn, không chỉ bằng đôi tai mà còn biết lắng nghe với cả trái tim yêu thương, chân thành và quảng đại của chúng con. Amen

CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN B


Is 35,4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37
Chủ đề:
TIN VÀO CHÚA
ĐỂ ĐƯỢC CỨU CHỮA VÀ PHỤC HỒI
“Đức Giêsu làm cho kẻ điếc được nghe
và kẻ câm nói được”

(Mc 7,37)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Lời Chúa hôm nay nói đến việc Thiên Chúa ra tay cứu thoát con người trong khi họ gặp tình cảnh bất hạnh và bi đát nhất, qua đó giúp họ nhận ra ân huệ Thiên Chúa và bắt đầu một đời sống mới trong chương trình cứu độ của Người.
1. Bài đọc I (Is 35,4-7a):
Bài đọc I hôm nay thuộc phần Isaia đệ I (chương 1-39), được đặt trong bối cảnh Israel đang gặp thử thách trầm trọng vì phải sống dưới ách thống trị của ngoại bang và phải đi lưu đày ở Babylon do họ đã bất trung với Thiên Chúa. Thê thảm hơn, họ đã đánh mất niềm tin và không còn niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Một khi rơi vào hoàn cảnh như thế, họ nản lòng đến sợ hãi vì tương lai quá mịt mù trước sự thắng thế của quân thù. Tình trạng bi đát này hoàn toàn đi ngược lại ý định ban đầu của Thiên Chúa dành cho họ.
Trong tình cảnh buồn thê thảm đó, ngôn sứ Isaia đã đến loan báo tin vui cho họ. Ông đã gieo vào lòng họ niềm tin và hy vọng của thời Thiên Sai, kêu gọi họ đừng sợ vì thử thách sắp kết thúc, đời sống của họ sẽ được phục hồi vì đã đến thời Thiên Chúa đến để thưởng phạt công minh: kẻ thù sẽ bị trừng phạt và dân chúng sẽ được cứu. Tin vui này được diễn tả bằng những hình ảnh cụ thể: mắt người mù được mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót, người câm sẽ reo hò. Như thế, những người bất hạnh, tượng trưng cho tình trạng của Israel bấy giờ, sẽ được chữa lành, phục hồi và tìm lại được niềm vui. Tin vui mà ngôn sứ Isaia loan báo cho dân Israel này sẽ được chính Đức Giêsu thực hiện trọn vẹn như được thuật lại trong bài Tin Mừng.
2. Bài đọc II (Gc 2,1-5):
Bài đọc II cho thấy một tình trạng bi đát khác của một số người trong cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Tình trạng bi đát này không phải do kẻ thù ngoại bang gây ra như đối với Israel cũ được đề cập ở trong bài đọc I, mà do chính những người anh em khác trong cộng đoàn tạo nên. Cụ thể là một số cộng đoàn Kitô hữu thời đó có thói quen đối xử thiên tư khi dành chỗ ưu tiên cho người giàu mà lại bỏ quên người nghèo trong khi hội họp và tham dự Nghi lễ Bẻ Bánh. Chính thánh Phaolô cũng lên án điều này trong các thư của Ngài (x. 1Cr 11,17-22). Trong bài đọc II, thánh Giacôbê lên án thói quen đó, vì đi ngược với tinh thần của Đức Kitô. Không thể để cho người nghèo bị chà đạp phẩm giá, vì chính họ là những người được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn.
Ngay trong cộng đoàn Kitô hữu, vẫn có sự thiên tư và đánh giá con người theo tiêu chuẩn bên ngoài, nhất là phân biệt giàu nghèo trong việc đóng góp vật chất để xây dựng cộng đoàn. Điều này đi ngược lại với ý định của Thiên Chúa và gây ra sự mâu thuẫn và chia rẽ nội bộ. Chúng ta chỉ khắc phục được quan niệm và cách hành xử sai lầm này bằng con mắt đức tin để thấy được rằng Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, nhưng họ lại giàu đức tin và yêu mến Thiên Chúa hết lòng, để trao cho họ sự giàu có đích thực đó là nguồn ơn cứu độ tràn đầy.
3. Bài Tin Mừng (Mc 7,31-37):
Theo thánh Máccô, sứ mạng cứu độ của Đức Giêsu bao gồm việc công bố Tin Mừng Nước Thiên Chúa, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, được trình bày qua “một ngày mẫu của Đức Giêsu tại Caphácnaum” (Mc 1,21-34). Do đó, chữa lành bệnh tật là một phần căn bản trong sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại chuyện Đức Giêsu chữa lành người vừa điếc vừa câm trong vùng đất dân ngoại. Phép lạ này mang tính biểu tượng vì không đơn thuần là việc chữa lành bệnh tật về thể lý mà là về tinh thần. Quả thật, khi thuật lại việc chữa lành này, Máccô liên hệ đến sự câm điếc đức tin của con người: không thể nhận ra những dấu chỉ thời Thiên Sai, qua việc chữa lành bệnh tật, làm cho “kẻ điếc nghe được, kẻ câm nói được” như được đề cập trong sách Isaia. Như thế, qua việc Đức Giêsu chữa lành khiến cho người ta kinh ngạc này (Mc 7,37), ai có con mắt đức tin sẽ nhận ra Người là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa.
Cử chỉ Đức Giêsu đặt ngón tay vào tai và bôi nước miếng vào lưỡi mang tính tượng trưng chứ không phải là ma thuật. Theo Kinh Thánh, ngón tay Đức Giêsu đặt vào lỗ tai tượng trưng cho ngón tay quyền năng của Thiên Chúa (x. Xh 8,15; Lc 11,20) và nước miếng Đức Giêsu bôi vào lưỡi tượng trưng cho “hương vị khôn ngoan” và “hơi thở sự sống” của Thiên Chúa (trong nước miếng có hơi thở). Mỗi khi được chữa lành “mở tai ra” (Mc 7,45a) như thế, người ấy sẽ nghe được sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu; và mỗi khi “anh ta được tháo gỡ” và “nói được rõ ràng” (Mc 7,35b), người ấy có thể loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã làm cho mình và nhất là loan báo sứ điệp Tin Mừng mà mình đã được “mở tai” để nghe cho người khác.
Ngoài ra, kẻ vừa điếc vừa ngọng này cũng tượng trưng cho các tông đồ đang bước theo Đức Giêsu. Họ đã theo Đức Giêsu một thời gian dài, đã nghe nhiều lời Người giảng dạy và chứng kiến bao việc Người làm, nhưng họ vẫn chưa nhận ra căn tính Mêsia của Đức Giêsu và vì thế, làm sao hiểu được bản chất sứ vụ tông đồ của mình. Điều này được Máccô ám chỉ trước đó ít lâu (Mc 7,18a) và sau đó lặp lại lời trách một lần nữa (Mc 8,17-18). Bên cạnh, kẻ vừa điếc vừa ngọng thể lý này cũng tượng trưng cho phần đông dân chúng đã theo Đức Giêsu nhưng cách nào đó đang điếc và ngọng về mặt tinh thần. Vì thế, cần phải để cho Đức Giêsu đụng ngón tay vào tai, vào lưỡi và ra lệnh “Epphatha – hãy mở ra” để được chữa lành, hầu có thể “lắng nghe” sứ điệp Tin Mừng và rồi có thể “nói” sứ điệp ấy cho người khác.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các ngươi đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các ngươi.” Dù gặp hoàn cảnh bi đát hay tình trạng thê thảm đến mức nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng có thể được Thiên Chúa trợ giúp nếu không đánh mất niềm tin và hy vọng vào Người. Bên cạnh, trong mọi nơi và mọi thời, Thiên Chúa vẫn gửi đến cho chúng ta những trung gian để cũng cố niềm tin và gieo rắc hy vọng vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Trước mọi cảnh huống của cuộc đời, tôi có niềm tin và hy vọng vào Chúa như thế nào?
2. “Không phải Thiên Chúa chọn người nghèo trước mắt thế gian, để nhờ đức tin, họ trở nên giàu có và được hưởng nước Người đã hứa cho những kẻ yêu mến Người đó sao?” Trong cộng đoàn Kitô giáo, khi chúng ta sống thiếu xây dựng đời sống chung, so kè hơn thiệt, thiếu bác ái với người khác, dựa quyền cậy thế phân biệt đối xử giàu và nghèo, là chúng ta gây đau khổ, mâu thuẫn và chia rẽ lẫn nhau. Trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, ĐGH Phanxicô dạy chúng ta rằng đối với Hội Thánh, việc chọn yêu thương người nghèo là một loại chọn lựa thần học, chứ không phải là loại chọn lựa văn hóa, xã hội học, chính trị hay triết học. Bên cạnh, người nghèo có nhiều điều để dạy chúng ta: về cảm thức đức tin, về thông phần với Ðức Kitô chịu đau khổ, về cách nhận ra sức mạnh cứu độ trong cuộc sống của họ (x. s. 198). Tuy nhiên, ĐGH đau lòng nhận định rằng người nghèo chưa được chăm sóc tinh thần đúng mức (x. s. 200). Chúng ta suy nghĩ phản tỉnh gì về những lời này?
3. “Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta để được chữa lành”. Chúng ta có can đảm để cho Đức Giêsu “đụng chạm” vào con người và cuộc đời của ta để Người phục hồi khả năng “nghe” của đôi tai và “nói” của miệng lưỡi về mặt tinh thần chúng ta hay không? Chúng ta có muốn để Đức Giêsu chữa lành khỏi “điếc” để có thể “nghe” được Sứ điệp Tin Mừng, bao gồm các lời cảnh tỉnh nhưng cũng chứa đựng đầy những lời chân lý, hy vọng và yêu thương, và khỏi giả điếc làm ngơ trước những bất công của xã hội? Chúng ta có sẵn lòng cho Đức Giêsu “mở miệng” để chúng ta có thể “lên tiếng” bảo vệ sự thật và công lý; hoặc “nói” lời hay lẽ phải, lời đem lại bình an, thuận hòa, lời an ủi và nâng đỡ nhau, lời có tính xây dựng đời sống cá nhân và cộng đoàn?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã chữa lành những bệnh tật hồn xác của con người, giúp chúng ta nhận ra hồng ân cứu độ của Người và bắt đầu một đời sống mới. Cộng đoàn chúng ta hãy chân thành cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin cho mọi người được sống trong ân sủng.
1. Hội Thánh được mời gọi tiếp nối sứ mạng cứu độ của Chúa Kitô. Xin cho các vị chủ chăn trong Hội Thánh biết noi gương Thầy Chí Thánh, luôn yêu thương giúp đỡ mọi người, nhất là những người nghèo khổ bệnh tật, hầu đưa họ đến gần Thiên Chúa.
2. Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại. Xin cho các dân tộc và những ai chưa đón nhận Tin Mừng, được ơn tin nhận Chúa Giêsu là Đấng duy nhất cứu độ trần gian, thực thi lời Người truyền dạy hầu xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ.
3. Thiên Chúa là nguồn mạch mọi phúc lành. Xin Chúa thương đến những người đang gặp đau khổ thể xác và tinh thần, mở tai để họ lắng nghe và nhận biết ý Chúa, mở miệng để họ luôn cao rao ngợi khen Chúa giữa những nghịch cảnh của cuộc đời.
4. Thờ ơ trước sứ điệp Tin Mừng là một hình thức câm điếc thiêng liêng. Xin cho mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn chúng ta, không chỉ biết lắng nghe mà còn tích cực sống Lời Chúa bằng một đời sống yêu thương phục vụ và quảng đại chia sẻ.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Con Chúa giáng trần đã chữa lành và thi ân cho mọi người. Xin thương nhậm lời chúng con cầu nguyện, giúp chúng con luôn thực thi ý Chúa và ca tụng Danh Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Câm và điếc (CN 23 TN B)

Qua việc Chúa Giêsu chữa lành cho một người câm và điếc, chúng ta cùng suy nghĩ về việc sử dụng đôi tai và miệng lưỡi của mình.

Trước hết là đôi tai. Chúa đã ban cho chúng ta đôi tai để nghe, nhất là nghe những lời cha mẹ thầy cô và những người có trách nhiệm giáo dục chúng ta, để rồi chúng ta sẽ đem ra thực hành những lời khuyên nhủ đó, hầu trở thành những người hữu ích. Hơn thế nữa, chúng ta còn phải lắng nghe lời Chúa qua việc học hỏi Phúc Âm, qua việc tìm hiểu giáo lý, để sống xứng đáng người con ngoan của Chúa. Thế nhưng tội lỗi cũng thường hay đột nhập vào tâm hồn chúng ta qua đôi tai của mình. Bởi vì có những đôi tai đóng lại không muốn nghe những lời khuyên bảo và khiển trách, thế nhưng lại mở ra để lắng nghe những câu chuyện nhảm nhí do những người bạn xấu thổi vào. Vậy chúng ta thử xét xem mình có như thế hay không?

Tiếp đến là miệng lưỡi. Chúa đã ban cho chúng ta miệng lưỡi để chúng ta thân thưa với Chúa, để cùng với gia đình, chúng ta dâng lên Chúa những lời kinh ban tối và ban sáng, để chúng ta hát những bài thánh ca chúc tụng Chúa, để chúng ta xưng thú tội lỗi nơi toà cáo giải, để chúng ta luôn có những lời nói ôn tồn và thành thực đối với người khác. Trên môi miệng chúng ta phải luôn có những lời lẽ lịch sự, chẳng hạn như hai chữ: Cám ơn. Miệng lưỡi của chúng ta không phải chỉ mở ra đón nhận của ăn phần xác mà còn mở ra để đón nhận của ăn phần hồn, đó là rước lấy Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Ước chi chúng ta sử dụng miệng lưỡi chúng ta như thế.

Ngày xưa ở vùng Bretagne, có một em nhỏ đạo đức và thánh thiện. Em chưa biết đọc biết viết nhưng lại rất yêu mến Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Trong một ngày, nhiều lần em đọc lên lời kinh Ave Maria, kinh Kính Mừng. Ít lâu sau em bị bệnh và chết, nhưng rồi trên mộ em, có một loại huệ mọc lên. Và trên mỗi cánh huệ người ta đều thấy có hai chữa Ave. Người ta từ khắp nơi đến kính viếng và sau cùng đã xây một ngôi thánh đường kính Đức Mẹ trên phần mộ của em nhỏ.

Thế nhưng miệng lưỡi cũng chính là con đường dẫn tới tội lỗi. Thực vậy, có những miệng lưỡi tham ăn tục uống, lúc nào cũng nghĩ đến cái ăn được, lúc nào cũng đòi phần to hơn, tốt hơn và ngon hơn, nếu không được thì vùng vằng và phụng phịu. Chính vì thế chúng ta phải biết làm chủ miệng lưỡi của mình như một câu danh ngôn đã bảo: Người ta ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn, hay như thánh Phaolô đã cảnh cao: Đừng lấy cái bụng của mình làm chúa. Ngoài ra còn có những miệng lưỡi điêu ngoa, xảo trá và gian dối, không tôn trọng sự thật, luôn tìm cách lừa đảo người khác, nói những lời đầy ác ý, hạ nhục uy tín của người khác và tạo nên sự chia rẽ, hay nói những lời tục tĩu làm hoen ố tâm hồn trong trắng của mình. Đồng thời có những cái miệng cái lưỡi bị câm, không biết cầu nguyện và thân thưa cùng Chúa, Không biết nói lời bênh vực đức tin, không biết can ngăn người khác trước những ý đồ đen tối của họ.

Hãy cầu xin Chúa mở tai chúng ta để biết lắng nghe lời Chúa, cũng như mở miệng chúng ta để biết nói về Chúa cho những người chung quanh.

Chúa Nhật XXIII Thường Niên - Năm B

Khi đến thăm những trẻ em khuyết tật, ta thấy mình dễ tiếp xúc, gần gũi các em mù, hơn các em bị câm điếc. Thật khó làm cho các em câm điếc, hiểu được chúng ta, và chúng ta cũng không hiểu được điều các em diễn tả. Đôi bên cứ như ở hai thế giới, không gặp được nhau.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu chữa một người vừa ngọng vừa điếc. Người ngọng là người gặp khó khăn khi trình bày, khi phải diễn đạt bằng lời nói cho người khác hiểu. Ta có cảm tưởng lưỡi anh bị một sợi dây trói buộc. Đức Giêsu đã đụng đến lưỡi anh, và sợi dây đó được tháo cỡi. Giờ đây anh có thể nói được tự nhiên và rõ ràng. Nói sao để người khác hiểu được mình, đó là ước mơ của nhiều người trong chúng ta. Nhưng ta lại thấy có cái gì đó trói buộc mình khiến mình ngần ngại, sợ hãi, né tránh... Nhiều người đã trở nên ngọng hay câm vì đã trải qua những kinh nghiệm đau đớn: kinh nghiệm bị châm chọc, bị khinh miệt, bị khước từ... Bao kinh nghiệm làm con người mất tự tin và khép lại. Có những đe dọa ám ảnh làm con người câm nín. Ép-pha-tha, xin hãy mở miệng con để con có thể hồn nhiên vén mở thế giới của mình, hầu gặp được sự cảm thông và nâng đỡ. Nếu bệnh ngọng làm chẳng ai hiểu tôi, thì bệnh điếc làm tôi chẳng hiểu ai. Tôi như người đang xem một phim trên truyền hình mà máy đột nhiên mất tiếng. Tôi chỉ thấy hành động, nhưng không hiểu được ý nghĩa.
Chẳng ai muốn mình bị điếc hay lãng tai, nhưng trong thực tế, ta vẫn có thể mắc bệnh này, nghĩa là mất khả năng lắng nghe người khác. Chúng ta thường chỉ nghe điều mình muốn nghe, hay lắm khi nghe điều người khác nói nhưng lại hiểu dưới cái nhìn chủ quan của mình. Như thế vẫn là chưa hiểu được điều người kia muốn nói. Nghe bằng tai, không đủ. Cần lắng nghe bằng cả trái tim. Chỉ trái tim yêu thương mới giúp ta hiểu đúng, hiểu đủ, hiểu ý nghĩa đàng sau lớp vỏ ngôn từ. Ép-pha-tha, xin giúp con ra khỏi cái tôi cứng cỏi, ra khỏi những thành kiến, những suy nghĩ cứng nhắc, để nghe được cái tôi của anh em. Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại, vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những hòn đảo, chẳng có gì để cho, chẳng có gì để nhận, để rồi chết dần trong sự nghèo nàn của mình. Xin cho con đừng câm điếc trước Thiên Chúa và anh em, đồng thời giúp người khác ra khỏi sự câm điếc của họ.

THỨ BẢY SAU CN 22 TN NĂM B


Lời Chúa: Lc 6,1-5
"Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Trong một ngày Sabbat, khi Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, thì các môn đệ bứt bông lúa miến, vò xát trong tay, rồi ăn. Có mấy người biệt phái nói với các ông rằng: "Tại sao các ông làm điều không được phép làm trong ngày Sabbat?" Chúa Giêsu trả lời họ rằng: "Các ông chưa đọc điều Đavit đã làm khi ông và các người tuỳ tùng bị đói sao? Ngài đã vào đền thờ Thiên Chúa, lấy bánh dâng hiến mà ăn và cho các người bạn tuỳ tùng ăn, bánh đó họ không được phép ăn, nhưng chỉ dành cho các trưởng tế mà thôi". Và Người bảo họ rằng: "Con Người làm chủ cả ngày Sabbat".

Suy niệm :
Vừa mới sáng sớm, có một người đàn ông kia ra đứng trước hiên nhà, vừa khoan khoái giơ tay cử động một vài động tác thể dục, vừa nhìn ngắm chiếc xe tải mới mua của mình…Trước sự sửng sốt của ông là hình ảnh cậu con trai ba tuổi đang hăm hở dùng búa nện vào lớp sơn bóng lộn phía đuôi của chiếc xe. Trời đất như sụp xuống trước mắt ông ta. Không nói không rằng ông chạy thẳng đến chỗ thằng bé, kéo nó ra, giật chiếc búa đang ở trên tay của nó đập vào hai bàn tay đến dập nát để trừng phạt.
Khi ông ta lấy lại bình tĩnh, ông lập tức đưa con đến bệnh viện. Mặc dù bác sỹ đã dùng đủ mọi cách để giữ lại những khúc xương bị dập nát, nhưng cuối cùng thì bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt các ngón trên cả hai bàn tay của đứa bé.
Khi đứa bé tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật và nhìn đôi tay băng kín của mình, nó ngây thơ nói: “Cha ơi! Con xin lỗi về chuyện chiếc xe tải của cha.” Rồi nó hỏi: “Nhưng khi nào thì những ngón tay của con sẽ mọc ra lại vậy cha?”
Người cha trở về nhà suy nghĩ rất nhiều về câu hỏi của đứa con và sau đó ông đã nhảy xuống dòng sông gần nhà để kết liễu đời mình.
Một câu chuyện rất đau lòng đáng để cho chúng ta suy nghĩ. Chiếc xe tải bị bong sơn có thể được sữa chữa lại, nhưng những khúc xương bị dập nát và tình cảm bị thương tổn thì thường không thể bù đắp được.
Con người thì có sai phạm. Chúng ta không được phép phạm sai lầm. Nhưng những hành động chúng ta gây ra trong cơn cuồng nộ sẽ ám ảnh chúng ta suốt cả cuộc đời. Vì thế, sự khôn ngoan mời gọi chúng ta hãy có lòng bao dung. Bao dung để không khắt khe với lỗi lầm của người khác. Bao dung để tha thứ cho những lỗi lầm của tha nhân. Bao dung để đón nhận nhau trong tôn trọng và yêu thương.
Từ câu chuyện trên, để quay về trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, khi thấy các Tông Đồ cũng có những hành động ”phá hoại” như bứt lúa và ăn; hơn thế nữa, họ lại làm điều đó trong ngày Sabbath, một ngày lễ nghỉ, một ngày thánh thiêng của Do Thái Giáo, các Luật Sĩ và Pharisieu chứng kiến việc vi phạm đó nên không thể chấp nhận được! Chính vì thế, họ đã lên tiếng trách cứ việc làm khó coi đó của các Tông Đồ để Chúa Giêsu dạy dỗ cho các ông một bài học. Nhưng xem ra Chúa Giêsu đã không khiển trách, không dạy dỗ…mà lại còn có vẻ như bênh vực các đồ đệ của mình khi kể lại câu chuyện xưa của Vua Đavit. Vì đói cho nên Vua Davit đã vào đền thờ lấy bánh tiến mà ăn cùng với đoàn tùy tùng. Phải chăng Chúa Giêsu bao che cho các tông đồ làm điều xấu. Thực ra, việc làm của các tông đồ cũng không đẹp, tuy nhiên đó chỉ là chuyện nhỏ, không đến nỗi phải “bé xé ra to” như các Biệt Phái đã làm. Họ làm như vậy chỉ vì ghét Thày nên cũng chẳng thương trò, vì cái lỗi của trò nên muốn bêu xấu Thầy. nói như kiểu VN chúng ta là giận cá chém thớt.
"Con Người làm chủ cả ngày Sabbat".
Đó là câu trả lời của Chúa Giêsu với nhóm người biệt phái Pharisiêu như chúng ta vừa nghe. Ngài không dẹp bỏ ngày sabát, nhưng đặt nó ở dưới quyền của Ngài.
Ngày nay, Chúa Giê-su cũng nhắc nhở chúng ta ngày Sabat được đặt ra vì hạnh phúc con người. Thế nên, lề luật cũng phải mang con người đi vào tình yêu, hoan lạc, đi vào hạnh phúc. Lề luật vì lề luật sẽ là gánh nặng cho con người. Nhưng lề luật vì nhân sinh sẽ là ách êm ái mang lại bình an và hạnh phúc cho người. Ngày Sabbath của người Do Thái cũng được ví như ngày Chúa Nhật của các Kito hữu chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy thánh hóa ngày Chúa nhật bằng việc tham dự thánh lễ cách sốt sắng, thực hành bác ái, làm việc từ thiện và nghỉ ngơi theo tinh thần Kitô Giáo.
Ước gì chúng ta luôn biết dùng tình yêu để đối xử với nhau trong nhân ái và bao dung. Xin đừng dựa vào lề luật, vào nội quy để hạ thủ với nhau một các tàn ác thiếu bao dung.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã tạo dựng nên chúng con giống hình ảnh Chúa. Chúa còn ban cho chúng con tự do để sống trong hạnh phúc với Chúa. Tự do để sống theo lẽ phải. Tự do để sống theo sự thật, công lý và tình thương. Nhưng chúng con lại lạm dụng tự do để làm khổ và đầy đọa nhau.
xin dạy chúng con biết sống yêu thương để xây dựng hạnh phúc cho nhau. Xin loại trừ trong chúng con những cái nhìn xoi mói tầm thường làm mất đi sự hợp nhất yêu thương. Xin giúp chúng con biết bước đi trong luật pháp của Chúa để tình người, tình Chúa luôn đầy ắp trong trái tim mỗi người chúng con. Amen