Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 33 Thường Niên - B

21/11. Thứ Bảy. 1Mcb 6,1-13; Lc 20,27-40
Bài Ðọc I - 1Mcb 6,1-13
Trong những ngày ấy, vua Antiôcô rảo khắp các tỉnh miền bắc. Vua nghe nói tại Ba-tư có thành Êlymai nổi tiếng là giàu có và lắm vàng bạc; trong thành lại có một ngôi đền thờ lắm bảo vật, đầy những binh giáp bằng vàng, chiến bào, khiên mộc di sản của Alexanđrô, con Philipphê, vua xứ Macêđônia, là vua tiên khởi cai trị dân Hy-lạp. Vậy ông đến tìm cách chiếm lấy thành để cướp của. Nhưng ông không thành công, vì dân thành đã biết trước ý định của ông, nên đã vùng lên chống lại. Ông bỏ chạy và buồn bực lui quân trở về Babylon.
Lúc vua còn ở Ba-tư, có người đến đem tin cho vua hay toán quân của ông ở Giuđa đã bị đánh bại chạy tán loạn, và Lysia, vị tướng chỉ huy một đoàn quân hùng hậu, cũng đã phải tháo lui chạy trốn quân Do-thái; quân Do-thái lại càng mạnh thêm nhờ ở khí giới, lương thực và chiến lợi phẩm rất nhiều đã lấy được của các đoàn quân họ đánh bại. Họ đã hạ tượng thần vua đã đặt trên bàn thờ ở Giêrusalem; họ cũng đã xây thành đắp luỹ cao như trước chung quanh Ðền thờ và chung quanh thành Bethsura.
Nghe tin ấy, nhà vua khiếp đảm và rất xúc động. Vua vật mình xuống giường và buồn đến lâm bệnh, (bởi vì) sự việc đã không xảy ra như vua ước muốn. Vua liệt giường nhiều ngày, càng ngày càng buồn. Và tưởng mình sắp chết, vua liền triệu tập tất cả bạn hữu lại mà nói với họ rằng: "Trẫm không còn chớp mắt được nữa và lòng trẫm tan nát vì ưu tư. Trẫm tự nghĩ: trước kia khi trẫm còn quyền thế, trẫm vui sướng và được người ta quý mến, mà giờ đây trẫm lâm cảnh buồn sầu và đau khổ biết bao! Bây giờ trẫm hồi tưởng lại các tai hoạ trẫm đã gây cho Giêrusalem: trẫm đã chiếm đoạt các chén bằng vàng bạc tại đó, và đã ra lệnh tiêu diệt dân Giuđêa cách vô cớ. Trẫm nhìn nhận là vì các việc ấy mà phải khốn khổ như thế này, mà giờ đây trẫm phải buồn bực mà chết nơi đất khách quê người".
Tin mừng - Lc 20,27-40
Khi ấy, có mấy người thuộc phái Sađốc, là những người chối không tin có sự sống lại, đến gần Chúa Giêsu hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, Môsê đã viết cho chúng tôi: nếu ai có một người anh cưới vợ, rồi chết đi mà không có con, thì người em phải cưới người vợ đó để anh mình có kẻ nối dòng. Vậy có bảy anh em: người thứ nhất cưới vợ, rồi chết mà không có con. Người kế tiếp cưới vợ goá đó, rồi cũng chết không con. Người thứ ba cũng cưới người vợ goá đó. Và tất cả bảy người đều cưới như vậy và đều chết mà không để lại người con nào. Sau cùng người thiếu phụ đó cũng chết. Vậy đến ngày sống lại, người đàn bà đó sẽ là vợ ai trong các người ấy, vì tất cả bảy người đều lấy người ấy làm vợ?"
Chúa Giêsu trả lời rằng: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, song những ai sẽ xét đáng được dự phần đời sau và được sống lại từ cõi chết, thì sẽ không cưới vợ lấy chồng; họ sẽ không thể chết nữa, vì họ giống như thiên thần, họ là con cái Thiên Chúa: vì họ là con cái của sự sống lại. Về vấn đề kẻ chết sống lại, thì Môsê trong đoạn nói về Bụi gai, khi ông gọi Chúa là Thiên Chúa Abraham, Thiên Chúa Isaac, và Thiên Chúa Giacóp. Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, mà là của kẻ sống, vì mọi người đều sống cho Chúa".
Bấy giờ có mấy luật sĩ lên tiếng thưa Người rằng: "Lạy thầy, Thầy dậy đúng lắm". Và họ không dám hỏi Người điều gì nữa.
Suy niệm
Vua Antiôcô ham thích những báu vật trong thành Êlymai, ông có ý định xâm chiếm. Dân trong thành đã đồng lòng đứng lên bảo vệ tài sản của mình, khiến nhà vua thất thế chạy về nước. Hơn thế nữa, dân Do Thái đã nổi dậy để đánh đuổi quân đội của nhà vua, họ đã chiếm lại thành Giêrusalem, nhất là đã đem được “đồ ghê tởm” ra khỏi đền thờ của họ. Cuộc chiến này thực sự ra là cuộc chiến của niềm tin.
Thấy được những thất bại của mình, vua Antiôcô buồn và lâm trọng bệnh. Trong cơn đau, nhà vua hồi tưởng lại những việc mình làm, và ông nhận ra : “Chính vì những hành vi tàn bạo tôi đã làm ở Giêrusalem mà tôi phải chịu buồn phiền vô hạn”. Chính nhà vua cũng đã nhận thấy hậu quả của sự xúc phạm đến Đền Thờ, đến Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là cuộc đối đầu giữa Chúa Giêsu với nhóm Xa đốc, là nhóm không tin có sự sống lại. Họ đặt ra câu chuyện hoàn toàn giả tưởng về việc một người phụ nữ lần lượt lấy bảy anh em trong gia đình, mà không có con để nối dõi. Vậy nếu có sự sống đời sau, thì người phụ nữ này sẽ là vợ của ai?
Để trả lời, Chúa Giêsu đã dựa vào Thánh Kinh để nói về sự sống mai sau, sự sống đó chỉ được dành cho những con người xứng đáng, và trong sự sống đó, bận tâm duy nhất của người ta là việc phụng sự và ngợi khen Chúa như các thiên thần, chứ không phải là mối bận tâm theo kiểu phàm tục.
Câu trả lời của Chúa Giêsu khiến cho một người trong nhóm kinh sư lên tiếng khen: “Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm”.
Vấn đền chính yếu ở đây là cuộc chiến của niềm tin, mà hậu quả của những kẻ không tin, còn xúc phạm đến Thiên Chúa là phải khốn khổ giống như vua Antiôcô.
Lạy Chúa, xin cho con đừng cứng lòng, xúc phạm đến Chúa, nhưng cho con biết tìm cách để ngợi khen và phụng sự Chúa trong suốt cả cuộc đời. Sống như vậy là con đang sống tương lại hạnh phúc trong chính giây phút hiện tại này.

LỄ ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH TRONG ĐỀN THỜ


 BÀI ĐỌC I: Dcr 2, 14-17
Chúa phán: “Hỡi thiếu nữ Sion hãy ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự giữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi. Ngươi sẽ biết rằng Chúa các đạo binh đã sai Ta đến cùng ngươi”. Thiên Chúa sẽ chiếm lấy Giuđa làm sản nghiệp của Người trong thánh địa, và sẽ còn tuyển chọn Giêrusalem. Mọi xác phàm hãy thinh lặng trước nhan thánh Chúa, vì Người đã chỗi dậy trong thành thánh của Người.

ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1.4-5.6-7.8
Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).
1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang.

ALLELUIA: Lc 1,28 - All. All. - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - All.

PHÚC ÂM: Mt 12, 46-50
Khi ấy, Chúa Giêsu còn đang nói với dân chúng, thì mẹ Người và anh em Người đứng ngoài tìm cách nói chuyện với Người. Có kẻ thưa rằng: "Kìa, mẹ Ngài và anh em Ngài đang đứng tìm Ngài ngoài kia". Nhưng Người trả lời kẻ ấy rằng: "Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?" Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ mà nói: "Đây là mẹ Ta và là anh em Ta, vì hễ ai làm theo ý Cha Ta trên trời, thì người ấy là anh em, chị em và là mẹ Ta vậy".

Suy niệm
“Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi”.
Cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc hành trình trong yêu thương. Hành trình đó được khởi đi từ sự ý thức về một Thiên Chúa yêu thương, để rồi qua đó, Mẹ cũng ý thức sống trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa qua việc dâng mình thuộc trọn về Chúa. Và chính khi sống trong tình yêu thương đó, Mẹ đã sẵn sàng đáp lời “Xin vâng”, cũng như sẵn sàng chịu bao đau khổ, bao khó khăn trong trọn cuộc sống Mẹ. Nhìn vào cuộc đời Mẹ, mấy ai có thể nghĩ rằng một thiếu nữ mỏng dòn yếu đuối lại có thể vượt qua tất cả những điều đau khổ trong cuộc đời. Thế nhưng, chính khi Mẹ sống trong tình yêu của Thiên Chúa thì tất cả những đau khổ, những khó khăn trong cuộc đời chẳng có thể làm cho Mẹ suy sụp, chẳng thể làm cho Mẹ nản chí hay từ bỏ.
Khi sống trong ân sủng và tình yêu thương của Thiên Chúa, Mẹ đã biết sống theo những điều Thiên Chúa muốn, bởi vì điều đó không chỉ làm đẹp lòng Thiên Chúa nhưng còn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho Mẹ nữa. Chính vì thế mà đoạn Tin Mừng hôm nay tưởng chừng như một lời nói vô tình của Chúa Giêsu đối với Mẹ, nhưng thật ra đó lại là một lời khen ngợi, một dấu chỉ của sự yêu thương mà Chúa Giê su đã dành cho Mẹ mình. Bởi Ngài biết rằng, Mẹ Maria không chỉ là một người mẹ của tình mẫu tử thông thường, nhưng vượt trên tất cả, Mẹ còn là một người mẹ sống trọn vẹn theo thánh ý Thiên Chúa, đó mới thực sự là điều quan trọng và là điều thiết yêu hơn cả. Cuộc đời Mẹ cho dù phải trải qua những bước thăng trầm sóng gió, nhưng Mẹ vẫn không hề chùn bước, vì Mẹ đã luôn “ghi nhớ và suy niệm trong lòng” nhằm vâng theo thánh ý Chúa và sống trọn vẹn thánh ý Chúa.
Ý thức về tình yêu Thiên Chúa là ý thức về những hồng ân cao cả của Ngài. Điều đó đã giúp Mẹ có đủ tình yêu thương để đồng hành với Chúa Giêsu trên đường khổ giá, có đủ sức mạnh để tha thứ cho những kẻ làm hại Con mình, có đủ nghị lực để vượt qua tất cả những sóng gió và có đủ can trường để yêu thương tất cả mọi người. Mẹ đã không dừng lại nơi một tình mẫu tử máu thịt, nhưng đã vượt lên trên tất cả để sống trọn vẹn tình mẫu tử thiêng liêng, tình mẫu tử gắn liền với thánh ý của Thiên Chúa. Chỉ có như thế, Mẹ mới có thể thấu hiểu được và sống cùng với những trái ý những thách đố trong cuộc đời Mẹ. Để rồi, khi về trời, Mẹ vẫn hiểu được con cái của Mẹ dưới trần này, và Mẹ vẫn mãi đồng hành với đoàn con trong bất kỳ hoàn cảnh trái ngang nào của cuộc sống.
Lạy Mẹ Maria, trong giây phút đầu tiên khi Mẹ dâng mình trong đền thờ, Mẹ đã ý thức và sống trong tình yêu thương của Thiên Chúa, để rồi suốt cuộc đời Mẹ là một bài ca tình yêu trong cả niềm vui lẫn khổ đau. Xin cho mỗi người chúng con, nhờ sự trợ giúp của Mẹ, biết sống trọn vẹn theo thánh ý của Thiên Chúa để qua đó chúng con được cảm nếm và sống thân tình trong tình yêu Thiên Chúa mỗi ngày. Amen.
Phêrô Dương Hải Văn SDB


Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần 33 Thường Niên - B

20/11. Thứ Sáu. 1Mcb 4, 36-37.52-59; Lc 19,45-48
Bài Ðọc I - 1Mcb 4, 36-37.52-59
Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: "Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại".
Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.
Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.
Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.
Tin mừng - Lc 19,45-48
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.
Suy niệm
Bài đọc thứ nhất là niềm vui của những con người trung thành với Thiên Chúa, đứng đầu là ông Giuđa, vì sau một thời gian chiến đấu với kẻ thù, họ đã chiến thắng. Hôm nay ông mời gọi anh em của mình: “Kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh”. Thế là “Họ cử hành lễ cung hiến bàn thờ và hoan hỷ dâng lễ toàn thiêu”.
Còn bài Tin Mừng hôm nay nói về việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem. Ngài muốn trả lại cho nơi thờ phượng Thiên Chúa sự trang nghiêm thánh thiện đúng với ý nghĩa của Đền Thờ. Vì vậy Ngài không ngần ngại “đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ”.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay muốn gởi đến chúng sứ điệp về sự bảo vệ Đền Thờ. Ông Giuđa và anh em ông đã phải chiến đấu để bảo vệ Đền Thờ. Chúa Giêsu cũng vì lòng nhiệt thành mà Chúa mà phải thiệt thân.
Mỗi người chúng ta là ngôi Đền Thờ để Chúa ngự. Chúng ta có bổn phận gìn giữ cho sạch đẹp. Chúng ta phải can trường chiến đấu với thế lực kẻ thù muốn chiếm lấy Đền Thờ chúng ta. Chúng ta phải mạnh mẽ để đánh đuổi những kẻ làm chuyện ô uế, phàm tục ra khỏi Đền Thờ này.
Chúng ta gìn giữ Đền Thờ này bằng hàng rào vững chắc của đức tin. Chúng ta đánh đuổi kẻ thù ra khỏi Đền Thờ này bằng vũ khí sắc bén của lòng trông cậy. Chúng ta bảo vệ Đền Thờ này bằng vật liệu kiên cố của lòng mến.

Lạy Chúa, hằng ngày xin cho con gặp Chúa trong các giờ cầu nguyện, thánh lễ và lãnh nhận các bí tích để Chúa thanh tẩy tâm hồn con sạch mọi vết nhơ; đồng thời tăng thêm sức mạnh để con mạnh mẽ loại trừ những sự phàm tục, bất xứng ra khỏi Đền Thờ tâm hồn con.

THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

BÀI ĐỌC I: 1 Mcb 4, 36-37, 52-59

PHÚC ÂM: Lc 19, 45-48
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Suy niệm
“Nhà Ta là sẽ nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp”.
Với mỗi người Kitô hữu, thì ngôi nhà thờ chính là nơi thánh thiêng nhất và cũng là nơi thân thương nhất. Bởi chưng đức tin của mỗi người được gắn liền với ngôi nhà thờ, nơi mà đời sống đức tin được lớn lên theo năm tháng qua việc rửa tội, qua việc học giáo lý, qua thánh lễ và qua các bí tích được lãnh nhận. Không chỉ thế, nhà thờ còn là nơi con người đến để gặp gỡ Thiên Chúa và gặp gỡ nhau trong việc tôn thờ và chia sẻ đời sống đức tin cho nhau. Bởi vì nhà thờ là nơi giúp cho đức tin được khai mở và được triển nở theo năm tháng của một đời người.
Lời Chúa hôm nay không cho tôi có những cảm nghiệm về sự xúc phạm đến ngôi nhà thờ thân thương, nơi mà tôi thường hay cầu nguyện và tham dự thánh lễ. Bởi vì tôi chưa thấy một ngôi nhà thờ nào bị xúc phạm như thế cho đến bây giờ. Thế nhưng Lời Chúa lại như xoáy sâu vào con tim tôi, đi vào chính cuộc đời tôi để rồi đánh thức tâm hồn tôi qua chính ngôi nhà thờ đã được xây nên trong tâm hồn của tôi. Từ khi được lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, tôi và tất cả mọi người kitô hữu được Chúa ban tặng cho một ngôi thánh đường thật đẹp trong tâm hồn, trong đời sống đức tin của mình. Nơi ngôi nhà thờ nội tâm này, tôi được gặp gỡ Thiên Chúa, được chia sẻ với Ngài mọi nỗi buồn vui trong cuộc sống. Và cũng từng ngày tôi cố gắng để làm đẹp cho ngôi nhà thờ tâm hồn của tôi. Tôi muốn cho ngôi nhà thờ tâm hồn, nơi mà Chúa ngự trong cuộc đời mình được tỏa hương bởi những nhân đức tốt lành, được trang hoàng bởi vẻ đẹp của những việc lành trong mỗi ngày sống của tôi. Thế nhưng, niềm vui mừng khi có được ngôi nhà thờ mới, niềm vui được gặp gỡ Chúa nơi đây, niềm vui khi cố gắng để làm đẹp ngôi nhà thờ ngày càng phai nhạt dần trong tôi. Để rồi có những lúc tôi đã biến ngôi nhà thờ tâm hồn của mình trở thành sào huyệt của bọn cướp, hay sào huyệt của chính tên cướp là bản thân tôi. Tôi đã không tôn thờ Chúa, đã không yêu mến Chúa nơi ngôi nhà thờ tâm hồn mình, nhưng tôi lại yêu mến tôi nhiều hơn qua lối sống ích kỷ, qua những tính toán lợi danh. Có những khi tôi đã không tôn thờ Chúa mà lại tôn thờ cho tiền bạc, cho những dục vọng của bản thân. Phải, tôi đã biến nhà thờ tâm hồn tôi trở thành nơi bẩn thỉu khi tôi không dám sống cho chân lý. Tôi sợ bị liên lụy, sợ bị người khác hiểu lầm, sợ ảnh hưởng đến đời sống của mình; những lúc đó tôi lại chẳng thấy sợ Chúa, sợ làm Chúa đau khổ, sợ lại đóng đinh Chúa thêm một lần nữa. Những điều đó vô hình chung đã biến ngôi nhà thờ tâm hồn tôi trở thành sào huyệt của tội lỗi, của sợ hãi và cũng một cách nào đó đã biến tôi thành ông chủ, thành chúa tể của ngôi nhà thờ tâm hồn tôi.
Lạy Chúa, mỗi lần con xúc phạm đến Chúa và tha nhân là mỗi lần con lại làm cho ngôi nhà thờ tâm hồn con trở nên sào huyệt của bọn cướp, là mỗi lần con cộng tác và là thành viên trong nhóm cướp đó. Và cứ như thế, con đã đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời con, khỏi ngôi nhà thờ mà chính Chúa đã ban tặng cho con. Lạy Chúa, xin cho mỗi người kitô hữu chúng con luôn ý thức về ngôi nhà thờ tâm hồn mình, để nơi đó luôn luôn là nơi đẹp nhất, là nơi thánh thiêng nhất và là nơi mà Chúa ở với chúng con trong từng giây phút của cuộc đời mình. Amen.

Phêrô Dương Hải Văn SDB


19/11/2015 Thứ Năm Tuần XXXIII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44 "Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi". Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xẩy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ. Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.AMEN.


Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: "Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng". Đó là lời Chúa.