Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

07/08/2015 Thứ Sáu Tuần XVIII Mùa Thường Niên Năm lẻ


PHÚC ÂM: Mt 16, 24-28
"Người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai đành mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ được sự sống. Nếu ai được lợi cả thế gian mà thiệt hại sự sống mình, thì được ích gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi được sự sống mình?

"Bởi vì Con Người sẽ đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ trả công cho mỗi người tuỳ theo việc họ làm. Thật, Thầy bảo các con: trong những kẻ đang đứng đây, có người sẽ không nếm sự chết trước khi xem thấy Con Người đến trong Nước Người". Đó là lời Chúa.
CHIA SẺ PHÚC ÂM:
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ về những điều kiện để được làm môn đệ Ngài: từ bỏ mình, vác Thập giá, và đi theo Chúa Giêsu. Cả ba kiểu nói đều đồng nghĩa với nhau, và đều nói lên cái cốt yếu của đời sống Kitô hữu, đó là đón nhận đau khổ như chính Chúa Giêsu đã đón nhận cuộc khổ nạn và cái chết dành cho Ngài.
Chúa Giêsu đã đưa ra những điều kiện trên đây liền sau khi Ngài loan báo về cuộc tử nạn của Ngài: Ngài sẽ bị đau khổ và bị treo trên Thập giá. Thập giá vốn là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả vì cuộc sống và giáo lý của Ngài. Như vậy tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải trải qua con đường Thập giá ấy. Thật ra, đau khổ vốn là phần số chung của mọi người: đã mang tiếng khóc vào đời là mang lấy cả thân phận khổ đau, có khác chăng là thái độ của con người trước đau khổ mà thôi.
Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một thái độ mẫu mực. Ngài không bao giờ lý giải về nguồn gốc của khổ đau, nhưng Ngài đón lấy khổ đau và biến nó thành cội nguồn của yêu thương. Thập giá vốn là tận cùng sự bỉ ổi của con người, nhưng đã được Chúa Giêsu biến thành biểu tượng của tình yêu. Chúa Giêsu chịu treo trên Thập giá, không phải để đề cao đau khổ, mà chính là để biểu lộ tình yêu của Ngài. Như vậy, chính trong mầu nhiệm Thập giá, chúng ta đón nhận khổ đau; chính trong mầu nhiệm Thập giá Chúa Giêsu mà thái độ đón nhận đau khổ của chúng ta mang lấy ý nghĩa.
Nơi nào có Thập giá, nơi đó có Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tỉnh thức để nhận ra sự hiện diện yêu thương của Ngài ngay trong khổ đau, để giữa những giờ phút tăm tối và thử thách, chúng ta vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống.
Lạy Chúa, những lúc con chùn bước trên con đường theo Chúa, xin thêm sức mạnh để con tái khám phá vẻ đẹp, giá trị của người môn đệ. Xin cho con kết hiệp khó khăn, yếu đuối mình với tình yêu trao hiến của Chúa.AMEN.

Chúa Nhật XIX Quanh Năm B ( Ga 6, 41-52 )


Những người Do Thái đương thời kêu trách Chúa Giêsu, khi ngài nói cho họ biết, ngài là bánh ban sự sống từ trời xuống; ai muốn được sống đời đời, ai muốn được trường sinh bất tử, phải ăn và uống Mình và Máu ngài. Họ lẩm bẩm chỉ trích. Bởi vì họ biết rõ ông Giuse và bà Maria, cha mẹ ngài. Họ thấy ngài chỉ là một con người bình thường, giống như họ. Không thể nào từ trời xuống được. Ngài không thể nào có bánh ban sự sống đời đời., nói chi đến việc phải ăn và uống Thịt Máu ngài để có thể trường sinh. Vì thế, họ không tin, dèm pha, phản đối.
Trước sự từ chối thẳng thừng nầy, Chúa Giêsu đã phản ứng ra sao ?-
Ngài cho biết, trước hết, để có thể đến với ngài, để có thể chấp nhận ngài, phải có ơn Chúa. Chính Thiên Chúa khởi đầu, đi bước trước. Soi sáng tâm hồn, mời gọi dấn thân, Thiên Chúa lôi cuốn tất cả mọi người. Do đó, không ai đến được với ngài, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai ngài, không lôi kéo người ấy. Tin nhận Chúa Giêsu thực ra là một ơn huệ của Thiên Chúa, chứ không phải tự sức của loài người.
Thứ đến, ngài nhắc đến vai trò của sự tự do con người. Đã hẳn là, chính Thiên Chúa mời gọi trước tiên. Ngài lôi cuốn, giáo huấn, đề nghị… nhưng con người có thể lắng nghe, đáp lại, hay cũng có thể bịt tai và chối từ. Con người có thể chống cự lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúa tuyệt đối tôn trọng sự tự do đó. Chỉ những ai đồng ý lắng nghe lời giáo huấn của Chúa Cha mời có thể bước vào mầu nhiệm Bánh Hằng Sống.
Rõ ràng là, ơn thánh Chúa mà thôi thì chưa đủ. Thiên Chúa lôi cuốn: đó là việc của Thiên Chúa. Về phía con người, cần phải tự do đáp lại. Ơn thánh và tự do cộng tác: cả hai đều rất cần thiết, không thể thiếu.


Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh: đón nhận ngài là đón nhận sự thâm nhập của một ngôi vị Thiên Chúa. Ngài khẳng định là, ngài đến từ Thiên Chúa Cha, và chỉ một mình ngài mới biết Thiên Chúa Cha. Đón nhận ngài là đón nhận Đấng vô hình, Đấng Tối Cao, Đấng Tuyệt Đối. Đây là cuộc phiêu lưu kỳ diệu, đòi hỏi phải vượt qua những quan điểm lý trí thông thường. Lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa đưa con người vào đời sống của chính Thiên Chúa. Mà được Thiên Chúa là được tất cả.
Sau cùng, một khi đã hiệp thông với chính Thiên Chúa, con người sẽ được biến đổi, trở nên thần thánh. Sẽ không còn phải chết nữa, bởi vì đời sống nhân loại đã được hoà nhập, trở nên một với đời sống sung mãn của Thiên Chúa.
Như thế, để có thể sống đời đời, để không còn phải đói, không còn phải khát nữa, không phải nếm sự hủy diệt, chết chóc, nhất thiết phải ăn và uống Mình và Máu thánh Chúa Giêsu.
*** Sở dĩ chúng ta tụ họp nơi đây, là vì chúng ta xác tín là, Bánh ban sự sống đời đời, bí tích Mình Máu Thánh Chúa, được cử hành trong thánh lễ. Mỗi ngày, nhất là trong ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa, chúng ta được mời gọi đến, cùng với anh chị em trong cộng đoàn, tham dự bữa tiệc thần thiêng của Chúa. Nếu Chúa có thể làm cho lương thực vật chất biến đổi thành máu, thịt, chất bổ dưởng, nuôi sống thân xác chúng ta, thì ngài cũng dư khả năng nuôi sống linh hồn chúng ta, bằng cách biến đổi cuộc sống chúng ta trở nên cuộc sống của ngài, khi chúng ta lãnh nhận Mình Máu thánh ngài. Có Chúa trong cuộc đời, cùng sống sự sống của Thiên Chúa, đó chính là hạnh phúc thiên đàng của chúng ta. Việc còn lại là, chúng ta hãy tự nguyện, mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa. Chuẩn bị chu đáo cho việc tham dự thánh lễ, bằng cách xa tránh tội lỗi, có ý hướng ngay lành, sốt sắng rước Mình Máu Thánh Chúa, làm sinh hoa kết quả những ơn lành của Chúa trong cuộc sống. Đó là công việc của chúng ta.
Hiểu được như thế, thì khi đi lễ, nếu chúng ta đi trễ về sớm, nếu chúng ta không vui vẻ, tự nguyện đến gặp gỡ Chúa nơi bàn tiệc thánh, nếu chúng ta đứng ngồi bên ngoài, nói chuyện, hút thuốc, bấm điện thoại di động, nhắn tin, hay lơ đảng nhìn trời mây non nước… trong khi trong nhà thờ vẫn còn chỗ trống, nếu chúng ta hà tiện một vài phút, vội vã ra về trước khi buổi lễ chấm dứt… thì thật đáng tiếc. Bởi vì đó là dấu chỉ cho thấy rõ ràng, tấm lòng chúng ta chưa thật sự yêu mến Chúa, tinh thần chúng ta chưa thật sự sẵn sàng đến thăm viếng Chúa, để tâm sự với Chúa, tâm hồn chúng ta còn quá xa cách Chúa, con tim chúng ta chưa thuộc về Chúa trọn vẹn.
Thật đáng tiếc, nhưng cũng thật nguy hiểm. Bởi vì, cây nghiêng bên nào sẽ ngả về bên đó. Cách sống đó dần dần dễ làm cho chúng ta xa cách Chúa, là Đấng trao ban cho chúng ta sự sống và hạnh phúc viên mãn, vĩnh viễn. Mà đối với hạnh phúc Nước Trời, được thì được trọn vẹn, còn mất thì mất tất cả, ngàn thu.

CHÚA NHẬT 19 QUANH NĂM, B



Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: Ê-phê-xô 4:30-5:2

Đoạn thư hôm nay là huấn dụ thứ hai (4:25-5:2) trong ba huấn dụ nhỏ, khích lệ tín hữu Ê-phê-xô sống sao cho phù hợp với Tin Mừng họ đã nhận lãnh. Với tính duy nhất của Giáo Hội, Ki-tô hữu học sống hiệp nhất với nhau để thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội. Với sự thánh thiện của Giáo Hội, Ki-tô hữu thực thi đúng theo căn tính Ki-tô hữu của mình để “thực sự sống công chính và thánh thiện.” Để quảng diễn thêm những phạm trù căn bản của đời sống Ki-tô hữu, thánh Phao-lô hướng về đời sống cộng đoàn để mời gọi tín hữu hãy nỗ lực làm cho đời sống cộng đoàn được mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Các phần tử của Giáo Hội có trách nhiệm đối với nhau, vì họ đều là chi thể của cùng một thân thể Chúa Ki-tô. Họ thuộc về nhau là vì họ thuộc về Đức Ki-tô. Nói về đời sống cộng đoàn, thánh Phao-lô không thích lý thuyết dài dòng, nhưng ngài nhìn vào những gì thường xảy ra và căn cứ vào kinh nghiệm mục vụ của mình để đưa ra một số kết luận thực hành hết sức thực tế.


a) Làm tổn thương đời sống cộng đoàn là “làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa.”
Chúa Thánh Thần là mối dây độc nhất liên kết mọi chi thể trong nhiệm thể Chúa Ki-tô. Nếu hiểu Thánh Thần là Đấng ghi dấu ấn trên tín hữu để họ thực sự thuộc về Thiên Chúa, thì chúng ta có thể tưởng tượng Thánh Thần sẽ “buồn lòng” biết mấy khi dấu ấn ấy bị làm phai mờ đi do lối sống không phù hợp với lối sống và Tin Mừng của Đức Ki-tô. Chúa Thánh Thần không tách rời với cộng đồng Ki-tô. Sự hiện diện của Người nơi mỗi Ki-tô hữu là dấu ấn bảo đảm họ sẽ được cứu chuộc nếu họ giữ dấu ấn ấy cho tới khi Đức Ki-tô trở lại với họ.
Vai trò của Thánh Thần đã được thánh Phao-lô nói đến trước đây trong vinh tụng ca mở đầu: “Vẫn trong Đức Ki-tô, một khi đã tin, anh em được đóng ấn Thánh Thần, Đấng Thiên Chúa đã hứa. Thánh Thần là bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta, chờ ngày dân riêng của Thiên Chúa được cứu chuộc, để ngợi khen vinh quang Thiên Chúa” (1:13-14). Có hai điểm được nói đến ở đây. Trước hết ân huệ Thánh Thần là bảo chứng cho phần rỗi chúng ta. Thứ hai, vì Thánh Thần xác định căn tính của các tín hữu là những kẻ sẽ được cứu chuộc, nên lối sống vô luân là lối sống đi ngược lại căn tính của họ. Người ta sẽ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa khi họ tuy đã có phận được cứu chuộc mà lại còn sống theo con người cũ của mình.
Vậy để khỏi làm phiền lòng Thiên Chúa, theo lời khuyên của thánh Phao-lô, tín hữu “hãy bắt chước Thiên Chúa.” Lời khuyên có vẻ khác thường, gần như không ăn nhập gì với ý tưởng “đừng làm phiền lòng Thánh Thần.” Thực ra thì lời khuyên “hãy bắt chước Thiên Chúa” là câu trả lời đi thẳng vào vấn đề. Thánh Thần hướng dẫn chúng ta sống theo lối sống mới, tức là sống bác ái, yêu thương, hiệp nhất... Mà tất cả những điều này chúng ta sẽ học được ở nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi trao ban Con Một cho chúng ta. Đó là bài học để chúng ta làm đẹp lòng Thánh Thần khi chúng ta sống trong tình bác ái.


b) Sống trong tình bác ái
Bác ái là then chốt của đời sống cộng đoàn. Chúng ta trở lại với hai câu 31-32 chương 4 để lắng nghe những lời khuyên thực tế của thánh Phao-lô về đời sống cộng đoàn. Về phương diện tiêu cực, chúng ta tránh những thái độ tai hại sau: chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, la lối thóa mạ. Chắc chắn chúng ta ai cũng từng có những kinh nghiệm về những hành vi kể trên, hoặc mình là chủ nhân hoặc là nạn nhân! Những hành vi này phá hoại tình bác ái thật trầm trọng, nhiều khi vĩnh viễn không sao hàn gắn hay hòa giải được. Chúng đi ngược hẳn với đức ái đích thực (1 Cr 13:4-7) hoặc sinh ra những hoa trái ngược lại với những hoa trái của Thần Khí (Gl 5:22-23a).
Về phương diện tích cực, thánh Phao-lô khuyên tín hữu hãy đối xử tốt với nhau, biết thương xót và tha thứ cho nhau. Sống giữa dòng đời, đối xử tốt với người khác thường bị coi là để cho người ta lợi dụng mình. Thương xót và tha thứ được coi là nhu nhược. Não trạng của người đời là vậy. Nhưng não trạng Ki-tô thì khác. Không phải chỉ thương xót tha thứ thôi đâu, mà còn phải đi xa hơn nữa, đó là yêu thương kẻ thù là điều Thiên Chúa đã dạy con cái Người qua Đức Ki-tô.


c) Hướng về đời sống cộng đoàn
Hơn lúc nào hết, cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại cần phải bước ra khỏi lối sống cá nhân, đèn ai nhà nấy rạng, để dấn thân vào đời sống cộng đoàn nhiều hơn. Chúng ta không truyền giáo một cách đơn độc, cá nhân, nhưng như một cộng đoàn. Đời sống yêu thương bác ái là một bài giảng hùng hồn nhất và một chứng từ có sức mạnh lớn lao nhất. Phải chăng Thánh Thần của Thiên Chúa ít được chúng ta để tâm tới cho nên chúng ta cứ “làm phiền lòng” Người? Phải chăng chúng ta không nhận ra những dấu chỉ của sự hiện diện và hoạt động của Thánh Thần giữa cộng đoàn, nên chúng ta tưởng cộng đoàn là của riêng chúng ta và chúng ta muốn làm gì thì làm, bất kể bác ái yêu thương là gì, miễn là chúng ta không bị “làm phiền lòng”!
Lời khuyên của thánh Phao-lô tuy ngắn gọn, nhưng vô cùng thâm sâu và cốt lõi, đi thẳng vào những nhược điểm của con người. Lời khuyên càng ngắn gọn và rõ ràng thì sứ điệp càng mạnh mẽ và thúc giục chúng ta thực hành dễ dàng hơn. Mong được như vậy nơi mỗi anh chị em Ki-tô hữu chúng ta.


Câu hỏi gợi ý chia sẻ


Nhận định về đời sống cộng đoàn của tôi một cách khiêm nhượng và thẳng thắn. Tôi rút được những bài học nào về sự chia rẽ rạn nứt và về bác ái yêu thương nhau?
Thái độ nào của tôi dễ làm tổn thương tình bác ái cộng đoàn nhiều nhất? Tôi có ý thức điều ấy trước đây không? Tôi phải làm gì để sửa đổi?
Não trạng của tôi là não trạng nào? Của người đời hay của Chúa Ki-tô? Tôi học hỏi và tập sống não trạng Ki-tô ở đâu và như thế nào?


Cầu nguyện kết thúc


Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Đâu có tình yêu thương”.


Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XVIII Thường Niên


06/8. Thứ Năm. Lễ Chúa Giêsu Hiển Dung. Ðn 7,9-10.13-14; 2Pr 1,16-19; Mc 9,1-9
Tin Mừng - Mc 9,1-9

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu đã ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"

Suy Niệm
Ngày lễ Chúa Giêsu Hiển Dung nhắc nhở tôi về sự biến đổi trong đời sống đạo. Chúa Giêsu đã biến hình trước các môn đệ “áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết”. Theo Chúa cũng thế, mỗi ngày tôi phải nên mới, nên trắng hơn bởi đời sống trong sạch.
Muốn được thế đòi hỏi phải “leo núi”, phải đổ mồ hôi nghĩa là phải chịu cực khổ. Và đôi khi phải chấp nhận vấp váp trên đường đi lên, nhưng không chấp nhận thụt lùi vì Chúa Giêsu đã phán rõ: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62)
Khi làm một cuộc biến đổi, từ cuộc đời tối tăm tội lỗi trở nên trắng tinh thánh thiện, chắc chắn tôi sẽ đẹp lòng Thiên Chúa và ngày gặp Chúa tôi cũng sẽ nghe Chúa dịu dàng phán bảo: “Ðây là con Ta yêu dấu”.
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa là phải chịu lên núi cao để được biến đổi. Xin dạy chúng con khi sống ở đời cũng hướng tâm hồn lên trên cao thượng giới, để sống giáo huấn từ Trời và ngày sau được sum vầy với Chúa trên cõi phúc ngàn thu. Amen

06/08/2015 - Thứ Năm Mùa Thường Niên Năm B



Lễ Chúa Hiển Dung
PHÚC ÂM: Mc 9, 1-9

"Đây là Con Ta yêu dấu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.
Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.
Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" Đó là lời Chúa.

CHIA SẺ :
Ngày lễ Chúa Giêsu Hiển Dung nhắc nhở chúng ta về sự biến đổi trong đời sống đạo. Chúa Giêsu đã biến hình trước các môn đệ “áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết”. Theo Chúa cũng thế, mỗi ngày chúng ta phải nên mới, nên trắng hơn bởi đời sống trong sạch.
Muốn được thế đòi hỏi phải “leo núi”, phải đổ mồ hôi nghĩa là phải chịu cực khổ. Và đôi khi phải chấp nhận vấp váp trên đường đi lên, nhưng không chấp nhận thụt lùi vì Chúa Giêsu đã phán rõ: “Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau thì không xứng đáng với Nước Thiên Chúa” (Lc 9,62)
Khi làm một cuộc biến đổi, từ cuộc đời tối tăm tội lỗi trở nên trắng tinh thánh thiện, chắc chắn chúng ta sẽ đẹp lòng Thiên Chúa và ngày gặp Chúa chúng ta cũng sẽ nghe Chúa dịu dàng phán bảo: “Ðây là con Ta yêu dấu”.
Lạy Chúa Giêsu, theo Chúa là phải chịu lên núi cao để được biến đổi. Xin dạy chúng con khi sống ở đời cũng hướng tâm hồn lên trên cao thượng giới, để sống giáo huấn từ Trời và ngày sau được sum vầy với Chúa trên cõi phúc ngàn thu. Amen.