Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

02/07/2015 thứ năm tuần 13 tn

02/07/2015 thứ năm tuần 13 tn
Lời Chúa: Mt 9, 1-8
Khi ấy Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn?” Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.


Suy niệm: Chứng bệnh bại liệt tuy không ghê sợ như bệnh phong hủi, nhưng nó cũng là đáng sợ, khi làm cho người bệnh tê liệt, không còn khả năng tự mình hoạt động như mình muốn. Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta một bài học thật cảm kích: tấm lòng nhân ái của những người khiêng bệnh nhân đến với Chúa Giê-su, tình thương của họ đã bù đắp những khiếm khuyết nơi người bại liệt và nhờ đó anh ta đã đến được với Chúa Giê-su và được chữa lành.
Ngày nay, bại liệt hầu như không còn là một chứng bệnh hiểm nghèo: người ta được tiêm chủng phòng ngừa ngay khi còn là trẻ sơ sinh. Thế nhưng, chứng bại liệt tinh thần vẫn còn là một căn bệnh đáng sợ, khi mà con người ngày nay dễ dàng mất đi khả năng phân định tốt xấu, không đủ sức mạnh để chọn lựa, bênh vực cho chân lý và sự thật, kéo theo biết bao vấn đề xã hội: bất công, tham nhũng, hối lộ, nạo phá thai, ăn chơi truỵ lạc… Bao kế hoạch hành động chỉ là “phong trào” nếu không trị tận căn chứng bại liệt tinh thần này.
Tại môi trường ta đang sinh sống và làm việc vẫn có những người đang mắc những chứng bệnh bại liệt đối với những giá trị Tin Mừng? Ta hãy cùng với vài người thiện chí “khiêng” họ đến với Chúa Giê-su bằng những lời nói chân thành, nụ cười cảm thông và hành động giúp đỡ thiết thực..
Lạy Chúa Giê-su, Vua Tình Yêu! Thế giới thật bao la mà vòng tay chúng con thật quá nhỏ, xin ban cho chúng con trái tim bén nhạy và đôi tay rộng mở để chúng con luôn sẵn sàng đến với những anh chị em đang cần tình thương và sự nâng đỡ. Amen.



02.07.2015 – Thứ năm Tuần 13 Thường niên


Lời Chúa: Mt 9, 1-8
Khi ấy Đức Giêsu xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!” Có mấy kinh sư nghĩ bụng rằng: “Ông này nói phạm thượng.” Nhưng Đức Giêsu biết ý nghĩ của họ, liền nói: “Sao các ông lại nghĩ xấu trong bụng như vậy? Trong hai điều: một là bảo: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy mà đi’, điều nào dễ hơn?” Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế.
Suy niệm
Khi thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng : "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi". Chúa Giêsu gắn liền việc chữa lành với lời tha tội, Ngài chứng minh điều Cựu ước đã nói nay đã ứng nghiệm: thời sau hết là đây, và chính Ngài là Con Người nắm quyền xét xử trong thời gian sau hết, và ở dười đất Ngài dùng quyền đó để tha tội cho con người. Bằng chứng là Chúa Giêsu đến đưa con người ra khỏi bệnh tật và tội lỗi. Tuy nhiên, Ngài không ám chỉ tội của người bệnh là nguyên nhân gây bệnh và Ngài cũng không cho rằng tội của anh bại liệt nặng hơn những người khác. Chính Ngài chữa và tha tội cho người bất toại, là cách Ngài công khai tỏ mình là Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội.
Chúa đã ra lệnh cho anh bất toại trỗi dậy, anh được sống lại bằng đời sống mới và không còn trong kiếp tội nhân. Hôm nay, Chúa cũng truyền lệnh cho mỗi chúng ta cũng hãy trỗi dậy từ sự bất toại của mình. Đó là bất toại do tội lỗi và hệ lụy của nó. Việc Chúa Giêsu xác nhận niềm tin của thân hữu bệnh nhân và tha tội cho bệnh nhân là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu cũng phải biết cầu nguyện cho tội nhân được ơn trở lại, để được ơn tha thứ. Đồng thời, những việc làm, lời nói biểu lộ lòng tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống đời thường của mỗi chúng ta cũng có ảnh hưởng đến anh chị em mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chạy đến với Chúa mỗi ngày, để nhờ đó chúng con cần lấy ánh sáng niềm tin, lòng cậy và lòng mến để thoát ra khỏi sự bất toại của lòng mình và bước vào một đời sống mới trong ơn nghĩa Chúa. Amen.



CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN


Chúa Giê-su đối phó với định kiến
  (Mác-cô 6:1-6)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô
1Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là con bác thợ mộc, con bà Maria và là anh em với các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Giu-đa và Si-môn sao? Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giêsu bảo họ: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên vài 
bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Đó là Lời Chúa.
Suy niệm :
          Trên đường thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su có dịp trở về Na-da-rét, nơi Người đã lớn lên và sinh sống.  Không cần biết lý do gì khiến Người ghé lại quê nhà, đây vẫn là một cơ hội để sống lại tình thân và những kỷ niệm êm đềm.  Mặc dù Chúa Giê-su đã là người của công chúng, nhưng Người không quên mình luôn là một người con của Na-da-rét.  Do đó phố xá và người dân Na-da-rét là những gì thân thương của Người.  Tuy nhiên giữa lòng Na-da-rét còn một nơi đáng ghi nhớ nhất, đó là hội đường, nơi Chúa Giê-su đã vun trồng đời sống thiêng liêng của mình qua những buổi chia sẻ lời Chúa với anh chị em tại hội đường.  Những lời giảng dạy và chia sẻ của Người đầy khôn ngoan làm cho nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên.  Ngạc nhiên về sự khôn ngoan của Chúa Giê-su, người dân Na-da-rét bắt đầu có vấn đề, vấn đề định kiến.
          Việc Chúa Giê-su thi hành sứ vụ đã làm cho Người nổi tiếng.  Dân làng Na-da-rét nghe đồn về Người.  Hôm nay Người trở về quê nhà và sau khi Người giảng dạy tại hội đường, dân chúng thấy quả thực lời đồn không sai.  Sự đố kỵ khiến họ nêu lên một thắc mắc chung:  “Bởi đâu ông ta được như thế?” và họ muốn có câu trả lời thỏa đáng.  Nhưng đố kỵ và định kiến đã che mất tầm nhìn của họ, để họ không thấy được sự khôn ngoan và quyền năng của Chúa Giê-su là từ Thiên Chúa mà có.  Họ nhìn Người không vượt qua những liên hệ nhân loại như bác thợ, con bà Ma-ri-a, anh em với một số người tại Na-da-rét.  Rồi vì không thấy được nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giê-su, họ coi Người chỉ là con người họ đã từng gặp trước đây, điều mà thánh sử Mác-cô gọi là “họ vấp ngã vì Người”.  Việc vấp ngã của dân làng Na-da-rét chính là định kiến về xuất xứ của Chúa Giê-su. Với họ, Chúa Giê-su không phải là người Thiên Chúa đã sai đến với con cái Ít-ra-en (Ê-dê-ki-en 2:3), cũng không phải là một ngôn sứ đang ở giữa họ (2:5), mà đơn thuần chỉ là một con người tầm thường.
          Tuy nhiên điều quan trọng chúng ta học được ở câu chuyện Tin Mừng hôm nay không phải từ nơi dân làng Na-da-rét, mà là cách Chúa Giê-su ứng phó với thử thách do định kiến và ghen tương của họ.  Trước hết Người không sử dụng quyền năng Thiên Chúa của mình để sai lửa từ trời xuống thiêu hủy Na-da-rét (xem Lu-ca 9:51-56).  Người chỉ bình tĩnh nói lên một sự thật bình thường:  bụt nhà không thiêng!  Lòng tin là điều kiện tất yếu để phép lạ xảy ra, cho nên sự kiện Người “không thể làm được phép lạ nào tại đó” không phải vì Người không đủ quyền năng,  nhưng vì họ thiếu lòng tin.  Chúng ta có thể nghĩ là Người cảm thấy buồn và lấy làm lạ vì họ không tin.  Nhưng sự kiên nhẫn đã giúp Người dừng lại ở đó và tìm cách giải quyết sao cho thích hợp với việc thi hành sứ vụ, đó là “đi các làng chung quanh mà giảng dạy”.  Ưu tiên của Người là rao giảng Tin Mừng chứ không phải là chỉ tìm kiếm thành công và làm cho người khác ngưỡng mộ.  Người coi nhu cầu đón nhận Tin Mừng của những người dân các làng chung quanh lớn hơn cả danh thơm tiếng tốt của cá nhân Người đã bị dân làng Na-da-rét coi thường.  Không những Người vững lòng tiếp tục thi hành sứ vụ, mà còn “gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một” để họ nâng đỡ nhau mà đối phó với thử thách (Mác-cô 6:7-13).
 Sống sứ điệp Tin Mừng
          Đối phó với thử thách do ghen tương, đố kỵ là điều chúng ta không ai tránh khỏi.  Nhưng chúng ta thường đối phó theo cảm tính hoặc với não trạng bảo vệ hay trả thù. Không thiếu những trường hợp chúng ta tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng hay giáo xứ và trở thành nạn nhân của đố kỵ và ghen tương.  Một ca viên nổi trong ca đoàn có thể bị ca viên khác chê bai.  Một thành viên đắc lực của hội đồng mục vụ có thể bị đổ oan là muốn quảng cáo cho dịch vụ của mình.  Biết bao nhiêu ví dụ nữa khi chúng ta đóng góp xây dựng cộng đoàn.  Đố kỵ ganh ghét là con đẻ của lòng kiêu căng.  Vì thế chúng ta hãy tập cách đối xử của Chúa Giê-su, Đấng mời gọi chúng ta hãy học với Người, vì Người hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, luôn bỏ đi thái độ tự ái để tiếp tục chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa trao ban.
                     Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


CHÚA NHẬT XIV / TN / B



CĐ: TIN MỪNG ĐƯỢC LOAN BÁO CHO NGƯỜI NGHÈO HÈN 
*Bài đọc 1: Ed 2,2-5 
Khi gọi Ê-dê-ki-en làm tiên tri, Thiên Chúa ban Thần Khí cho ông, để ông có đủ khả năng thực thi sứ vụ. Chúa đòi hỏi Tiên tri phải tin tưởng, can đảm đứng vững, nói những lời Chúa muốn, nếu cần, phải ngăm đe, để người ta ăn năn sám hối... Cụ thể như khi được sai đến với dân Ít-ra-en, một dân cứng đầu, phản nghịch, đang nổi loạn chống lại Chúa. Dù biết chúng chẳng nghe lời, thậm chí còn hãm hại mình, nhưng Tiên tri vẫn phải nhẫn nại rao giảng cho họ. Tiên tri Ê-dê-kien là tấm gương kiên trì sống đức tin cho chúng ta ngày nay! 

**Bài đọc 2: 2Cr 12,7-10
Thánh Phaolô thú nhận về những sự yếu đuối nơi bản thân mình mà Người phải chịu, khi thi hành sứ vụ: “Một cái dằm đâm vào thân xác tôi và thủ hạ của Satan được sai đến để vả vào mặt tôi”… Nhưng đó lại là những cơ hội Chúa ban ơn cho Người. Vì thế, khi Người xin Chúa cất chúng đi, thì Chúa bảo: “Không cần, Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Như vậy, khi ta cảm thấy mình yếu đuối, thì đừng thất vọng, nhưng hãy khiêm nhường và phó thác cho Chúa, nghĩa là để cho Chúa được toàn quyền hành động nơi mình. 

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô
 Mc 6,1-6
1Khi ấy, Đức Giêsu trở về quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. 2Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? 3Ông ta không phải là con bác thợ mộc, con bà Maria và là anh em với các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Giu-đa và Si-môn sao? Và họ vấp ngã vì Người. 4Đức Giêsu bảo họ: “Tiên tri có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” 5Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên vài 
bệnh nhân và chữa lành họ. 6Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.
Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm Tin Mừng 
Tin Mừng chỉ được loan báo cho người nghèo hèn.
Đại ý: Đức Giêsu trở về quê nhà giảng dạy, nhưng những người đồng hương không tin Người, vì óc hẹp hòi, thiển cận, ganh tị, nhất là vì họ kiêu căng... Vì chỉ ai có tâm hồn khiêm nhường nghèo khó mới có khả năng đón nhận được Tin Mừng mà thôi. Ta Suy Niệm hai điều:
1-TIN YÊU và CHIA SẺ với những Đấng được Chúa sai đến với ta? 
Các Giám mục, linh mục… cũng chỉ là những con người, thể chất yếu đuối bệnh tật và phải chết, tri thức hạn chế, tâm hồn tội lỗi, như chúng ta, nhưng Chúa trao các ngài BA NHIỆM VỤ NẶNG NỀ phải làm cho dân Chúa: Một là, RAO GIẢNG Tin Mừng Nước Trời; Hai là, DẪN DẮT đi trên đường cứu độ; Ba là, THÁNH HÓA bằng các Bí tích và Cầu nguyện.
Đó là BA Nhiệm vụ thánh Chúa Giêsu đã trao cho Phêrô và các tông đồ để chăn dắt Đoàn Chiên của Chúa. (Ga20,22-23+21,15-19Mt 16,19) Bạn đã TIN YÊU VÀ CHIA SẺ với Giáo Hội về ba nhiệm vụ nặng nề đó thế nào?
2-LẮNG NGHE VÀ CỘNG TÁC…. Nếu đồng cảm và chia sẻ, các kitô hữu sẽ biết “lắng nghe” Lời các Đấng nhân danh Chúa “rao giảng”. Vì đó không phải là nghe lời của người phàm, mà là Lời Chúa, Lời cứu rỗi linh hồn. Chúa Giêsu đã nói: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10,16). Và như thế, các kitô hữu sẽ vui lòng “cộng tác” với các Đấng trong những công việc và hoàn cảnh cho phép, hầu giúp cho chính mình và nhiều anh em khác được ơn cứu độ. Đó là truyền giáo! 
*“ĐÂY XÈM VÀO!” Một linh mục cao niên đức độ kể lại rằng: tại một Giáo xứ nọ, cha chính xứ và cha phụ tá thường thay phiên nhau ngồi tòa giải tội. Một hôm, bà Cố, Dì Ghẻ của cha phụ tá tưởng là Cha xứ đang ngồi tòa, nên vui vẻ vào xưng tội. Đến khi nghe cha đọc lời ban Bí tích tha tội: “Cha tha tội cho con Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,” thì bà mới biết là cha phụ tá, nên thay vì, như mọi người thưa: “Amen, tạ ơn Chúa”… thì bà đùng đùng “nổi đóa” lên, “phán” một câu xanh rờn: “Tưởng là Cha xứ, chứ biết… thì đây “xèm” vào,” rồi bà quay ngắt ra!!! 
Tội nghiệp: Khuôn mặt của Chúa Giêsu trong tòa giải tội đã bị “bóp méo” thành mặt của người “con chồng” đáng ghét đối với bà dì ghẻ, đến nỗi bà không “xèm” nhìn nữa!… Có lẽ trong nhiều tòa giải tội khác nữa, khuôn mặt của Chúa Giêsu cũng bị “bóp méo” như thế, nên “người ta” mới phải đi tận “chân trời góc bể xa xôi” để xưng tội, để “sinh hoạt phục vụ” vv… đang khi Chúa luôn ở bên cạnh họ, hằng ngày đợi chờ họ đến! Có lẽ vì: “bụt chùa nhà không thiêng!” “quen quá hóa nhàm”, “cần thay đổi khẩu vị”, nên họ đã tìm đến với bụt ở tận “chân trời góc bể” “linh thiêng” hơn, “hấp dẫn” hơn! Cũng có lẽ vì họï thiếu BA nhân đức căn bản này: Một là, thiếu Đức Tin vào các linh mục, bởi không biết rằng: dù là linh mục dòng hay triều, dù được họ “vo tròn” hay “bóp méo” thế nào, thì linh mục cũng chỉ là những “dụng cụ” của Thiên Chúa để “chuyển giao” Ơn cứu độ cho loài người!… Hai là, họ thiếu “Đức Ái”, vì họ đã “loại trừ” và “chối bỏ” Con Người Chúa sai đến với họ! Ba là, thiếu “Đức khiêm nhường sám hối” nhân đức không thể thiếu để được ơn tha thứ. Vì họ không tìm đến với linh mục “như là người của Thiên Chúa”, nhưng tìm đến với linh mục như là “người phàm mà họ ưa thích!” Thật nguy hiểm, vì người phàm thì “không thể tha tội cho ai!” Họï cũng không để Chúa Thánh Thần soi dẫn, nhưng để lòng “ganh tị, óc thiển cận” dẫn dắt và điều khiển! Mà Kinh thánh nói: “Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết xâm nhập thế gian, Những ai về phe nó đều phải chết ” (Kn2,24).
Họ đã sa vào vết xe ganh tị của những người đồng hương với Chúa Giêsu. Họ chính là những người “đồng hương khác” của Chúa Giêsu hôm nay! 
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm Đức tin cho chúng con,
để chúng con nhận ra Chúa trong Hội Thánh
và trong những Người Chúa sai đến
để phục vụ, giảng dạy, dẫn dắt và thánh hóa chúng con.
Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Lời Nói Không Mất Tiền Mua


Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá tị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.
Lời Trăn Trối Của Người Mẹ
Thời cách mạng Pháp, người ta hay nhắc đến một khuôn mặt dữ tợn, chuyên săn lùng các linh mục: đó là đại úy Laly.
Ông đã gia nhập vào đảng Jacobins đi khắp nơi để reo rắc kinh hoàng cho dân chúng. Nhiều vị linh mục đã kín đáo đến khuyên nhủ để lôi kéo ông ra khỏi tội ác. Nhưng tất cả mọi cố gắng của người khác đều vô ích. Con người độc ác đó chỉ đáp lại bằng lãnh đạm và những lời lẽ thô tục.
Thế nhưng một hôm, khi mọi người tưởng như không còn một chút hy vọng, Laly đã lần mò đến một linh mục để xin xưng tội và hòa giải với Giáo Hội. Sau đó ông đã thú nhận: "Cả đời, ngày nào tôi cũng đọc một kinh Kính Mừng, theo lời trăn trối của mẹ tôi trước khi chết".
Có những câu ca dao, có những bài hát, có những bài học làm người, chúng ta tiếp thu ngay khi còn ngồi trên gối mẹ. Trí óc non dại của chúng ta chưa đủ khả năng để lĩnh hội ý nghĩa sâu xa của những bài học đó. Nhưng dần dà với thời gian, khi bắt đầu chúng ta biết suy nghĩ, những bài học đó trồi lên một cách trong sáng trong kiến thức của chúng ta. Có lẽ người mẹ nào cũng hiểu được giá trị của câu: "Dạy con từ thuở còn thơ...".
Mẹ Maria, Hiền Mẫu của chúng ta, vừa là một mẫu gương vừa là một nhà giáo dục tuyệt hảo trong Đức Tin. Lời kinh dâng Mẹ mà chúng ta bập bẹ khi vừa biết nói là bài ca dao đẹp nhất không ngừng ngân vang trong cuộc sống Kitô chúng ta. Có thể, đôi lúc chúng ta cũng ngâm nga một cách máy móc, nhưng Mẹ vẫn có đó và Mẹ vẫn đeo đuổi, ấp ủ chúng ta trong Tình Yêu bao la của Mẹ.

Những Niềm Vui Nhỏ


Biết tận hưởng những niềm vui nhỏ trong cuộc sống: đó là một trong những bí quyết của hạnh phúc.
Người Nhật Bản thường kể câu chuyện như sau: Một người đàn ông nọ đi qua một cánh đồng, thình lình bị cọp đuổi... Anh ta chạy bán sống bán chết mà vẫn không tìm ra chỗ dung thân. Anh chạy mãi để rồi cuối cùng thấy mình đứng bên bờ vực thẳm. Phía sau lưng, con cọp vẫn không buông tha. Không còn biết làm gì nữa, người đàn ông phải lấy sức để đu lên một cành cây bắc qua vực thẳm. Nhìn xuống dưới thung lũng, anh ta lại thấy một con cọp khác cũng đang nằm chờ chực. Người đàn ông đáng thương chỉ còn niềm hy vọng duy nhất: đó là nằm chờ đợi cho đến khi hai thú vật mệt mỏi bỏ đi... Chờ đợi trong lo sợ vẫn là cực hình lớn lao nhất đối với con người.
Giữa lúc anh ta đang phải chiến đấu với sợ hãi và mệt mỏi, thì tình cờ bỗng có hai con chuột bỗng từ đâu xuất hiện trên chính cành cây anh đang đu vào. Hai con vật bắt đầu gặm nhấm lớp vỏ xung quanh cành cây. Bình thường, chuột là một trong những loài thú mà anh gớm ghiếc nhất vì sự dơ bẩn của nó. Tiếng kêu của nó cũng là một âm thanh làm cho lỗ tai anh khó chịu. Thế nhưng, trong cơn sợ hãi tột cùng này, người đàn ông bỗng nhìn thấy hai con chuột thật đáng yêu. Những hàm răng mũm mĩm của chúng trông dễ thương làm sao! Tiếng kêu của hai con vật cũng trở thành một âm thanh êm dịu hơn tiếng gầm thét của hai con cọp.
Giữa lúc anh đang theo dõi từng động tác của hai con chuột, thì một con chim bỗng từ đâu bay lại, thả rớt trên cành cây một trái dâu rừng. Anh đưa tay nhặt lấy trái dâu và thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái rừng bỗng nên thơ đáng yêu lạ lùng.
Thiên Chúa tạo dựng con người để được sống hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Do đó, hạnh phúc không chỉ đến trong cuộc sống mai hậu, hạnh phúc không hẳn nằm ở ngoài tầm tay với con người. Kitô giáo không chỉ hướng chúng ta đến hạnh phúc đời sau, nhưng còn mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy trong cõi đời này.
Mang lấy thân phận con người, nhập cuộc vào trần gian này, Chúa Giêsu như mang hạnh phúc Thiên Đàng đến với con người. Ngài mời gọi chúng ta hưởng niềm hạnh phúc ấy, Ngài nói với chúng ta rằng cuộc sống trần gian này là một cuộc đời đáng sống. Chấp nhận cuộc sống, chấp nhận chính bản thân, chấp nhận ngay cả những nghịch cảnh trong cuộc sống: đó chính là bí quyết của hạnh phúc trên đời này.
Bí quyết của hạnh phúc cũng chính là biết đón nhận những niềm vui nhỏ trong cuộc sống mỗi ngày. Có những ngày tù đày, chúng ta mới thấy được giá trị của hai chữ tự do. Có sống xa gia đình, chúng ta mới nhung nhớ những ngày sống bên những người thân. Có những lúc nằm quằn quại trên giường bệnh, chúng ta mới thấy được giá trị của sức khỏe... Cuộc sống của chúng ta tràn ngập những niềm vui nhỏ mà chỉ khi nào mất đi, chúng ta mới cảm thấy luyến tiếc.
"Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống": đó là lời kêu gọi Chúa Giêsu không ngừng nhắn gửi cho chúng ta khi Ngài mời gọi chúng ta chiêm ngắm hoa huệ ngoài đồng và chim chóc trên rừng... Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống có nghĩa là đón nhận từng phút giây trong cuộc sống với cảm mến và hân hoan. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống cũng có nghĩa là biết nhìn thấy xuyên qua những mất mát, thua thiệt, và ngay cả tội lỗi, bàn tay quan phòng nâng đỡ của Chúa... Chúa Giêsu không bao giờ loan báo cái chết một cách riêng rẽ, Ngài luôn gắn liền nó với sự Phục Sinh

. Quyển Sách Cao Siêu Nhất


Người ta thường mượn câu chuyện sau đây để nói đến tinh thần hy sinh, chấp nhận trong cuộc sống.
Có một người kia cứ phàn nàn trách Chúa vì đã gửi đến cho mình một thập giá quá nặng... Chúa bèn đưa người đó đến một cửa hàng có các thập giá đủ cỡ để người đó chọn lựa.
Người đó hăm hở bước vào cửa hàng và dựng cây thập giá của mình vào tường. Người đó tự nhủ trong lòng: "Đây là chuyện cả đời người, ta phải hết sức cẩn thận".
Thế là anh ta đi rảo khắp hết mọi lối đi của cửa hàng và thử hết cây thập giá này đến cây thập giá khác. Nhưng không có một cây nào làm anh vừa lòng. Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn. Cây thì quá nhẹ, cây thì quá nặng... Anh lại tiếp tục tìm kiếm. Cuối cùng, anh đã tìm được cây thập giá mà anh cho là ưng ý nhất. Anh mang đến với Chúa và nở nụ cười mãn nguyện: "Lạy Chúa, đây chính là cây thập giá mà con hằng tìm kiếm. Con xin vác lấy". Khi anh vừa hí hửng ra khỏi cửa hàng, thì Chúa mỉm cười nói với anh: "Ta rất vui mừng vì con đã chấp nhận cây thập giá. Đây cũng chính là cây thập giá mà con đã vác vào và dựng ở tường của cửa hàng".
Hôm nay Lễ Suy Tôn Thánh Giá, Giáo Hội mời gọi chúng ta đào sâu Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời sống Đức Tin của chúng ta. Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars bên Pháp, đã nói: "Thập giá là quyển sách cao siêu nhất... Chỉ có những ai yêu mến, nghiền ngẫm quyển sách này, những người đó mới thật sự là người thông thái".
Thập giá Chúa Giêsu là quyển sách cao siêu nhất, bởi vì, đó là dấu chứng cao cả nhất của Tình Yêu. "Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người thí mạng vì người mình yêu". Từ một khí cụ độc ác đê hèn nhất của con người đã có thể nghĩ ra để hành hạ người khác, Chúa Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của Tình Yêu: Tình Yêu vâng phục đối với Chúa Cha và Tình Yêu dâng hiến cho nhân loại...

Suy tôn Thánh Giá Chúa, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta được đi vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Chúa. Trong Mầu Nhiệm ấy, cuộc sống của chúng ta không còn bị đè bẹp dưới sức nặmg của những đau khổ nữa, nhưng luôn mang lấy một ý nghĩa: đó là ý nghĩa của Tình Yêu.

THỨ TƯ 01.07 - Tuần XIII Thường Niên


St 21:5.8-20; Mt 8:28-34

 Mt 8, 28-34
Khi Ðức Giêsu sang bờ bên kia, và đến miền Gađara, thì có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Và kìa, chúng la lên rằng: “Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?” Khi ấy, ở đàng xa, có một bầy heo rất đông đang ăn. Bọn quỷ nài xin Người rằng: “Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi nhập vào bầy heo kia”. Người bảo: “Ði đi!” Chúng liền ra khỏi hai người đó và nhập vào bầy heo. Thế là tất cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết. Các người chăn heo chạy trốn vào thành, kể lại mọi sự, và những gì đã xảy ra cho những người bị quỷ ám. Và kìa, cả thành ra đón Ðức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.

TIẾP ĐÓN CHÚA
Ở Rôma, có một ngôi nhà mang tên Nhà Hồng Ân của Đức Maria được đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêsa Calcutta khánh thành ngày 21-5-1988 như một nhà tiếp đón và giúp đỡ người nghèo.
Đức Giêsu trừ quỷ cho hai người bị quỷ ám dù họ không xin Người. Người giúp họ phục hồi phẩm giá con người để tái hòa nhập cộng đồng. Người đã đem lại sự sống cho hai con người dường như đã chết.
Dân làng Gađara được chứng kiến một phép lạ, nhưng họ xin Đức Giêsu rời khỏi vùng đất của họ, vì có lẽ họ sợ Người ở lại sẽ gây thêm thiệt hại vật chất cho họ chăng? Họ coi trọng vật chất hơn sự sống con người, coi trọng đàn heo hơn đồng loại. Họ khước từ sự hiện diện của Đức Giêsu, và như thế, họ đánh mất nhiều điều lớn lao hơn nữa.
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta xem trọng lợi ích vật chất hơn sự sống của những người xung quanh. Nhiều lần, vì sợ bị thiệt, chúng ta không muốn đưa tay giúp đỡ những người đau khổ, nghèo khó. Chúng ta đánh mất cơ hội đón tiếp Chúa đến với chúng ta.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sẵn sàng đón tiếp Chúa qua việc tiếp đón anh chị em, với lòng tôn trọng và quý mến.


Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIII Thường Niên


01/7. Thứ Tư. St 21,5.8-20; Mt 8,28-34
Bài đọc I - St 21,5.8-20
Khi Abraham được một trăm tuổi, thì Isaac sinh ra. Ðứa trẻ lớn lên và thôi bú. Ngày Isaac thôi bú, Abraham thết tiệc linh đình.
Bà Sara thấy con của Agar, người đàn bà Ai Cập, chơi với Isaac, con của bà, liền nói với Abraham rằng: "Hãy đuổi mẹ con người tì nữ này đi, vì con của người đầy tớ không được thừa hưởng gia tài cùng với con tôi là Isaac". Abraham lấy sự ấy làm đau lòng cho con mình.
Chúa phán cùng Abraham rằng: "Người đừng buồn vì con trẻ, và con của nữ tì ngươi. Bất cứ Sara nói gì, ngươi hãy nghe theo vì nhờ Isaac, sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Nhưng Ta cũng sẽ cho con trai của nữ tì trở thành một dân tộc lớn, vì nó thuộc dòng dõi của ngươi".
Sáng sớm, Abraham chỗi dậy,lấy bánh mì và bầu nước, đặt lên vai người nữ tì, trao con trẻ cho nàng rồi bảo nàng đi.
Sau khi ra đi, nàng đến rừng Bersabê. Và khi đã uống hết bầu nước, nàng bỏ con trẻ dưới gốc cây trong rừng. Nàng ra ngồi cách xa đó khoảng tầm một tên bắn. Vì nàng nói: "Tôi chẵng nỡ thấy con tôi chết", và nàng ngồi đó, thì bên trong đứa bé cất tiếng khóc.
Chúa đã nghe tiếng khóc của đứa trẻ, và thiên thần Chúa từ trời gọi Agar mà rằng: "Agar, ngươi làm gì thế? Ngươi đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe tiếng đứa trẻ khóc từ chỗ nó đang nằm kia.

Ngươi hãy chỗi dậy, ẵm con đi, và giữ chặt tay nó, vì Ta sẽ cho nó trở thành một dân tộc vĩ đại". Và Thiên Chúa mở mắt cho Agar, nàng thấy một giếng nước và đến múc đầy bầu nước cho đứa trẻ uống.
Chúa phù trợ đứa trẻ; nó lớn lên, cư ngụ trong rừng vắng, và trở thành người có tài bắn cung tên.
Tin mừng - Mt 8,28-34
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.
Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?"
Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn. Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo". Người bảo chúng rằng: "Cứ đi". Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo. Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.
Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Suy niệm
Cũng tiếp nối chủ đề Lời Chúa ngày hôm qua, Lời Chúa ngày hôm nay vẫn tiếp tục soi sáng, nhắc nhở cho ta về quyền năng của Thiên Chúa trước sự dữ. Trong bài đọc I, quyền năng của Chúa đã dẫn dắt, đã che chở mẹ con bà Haga khỏi sự mưu hại của người đời. Trong bài Tin mừng, quyền năng của Đức Giêsu đã làm cho ma quỷ, làm cho sự dữ phải sợ hãi, phải khuất phục trước Ngài.
Hôm nay, sự dữ, tội lỗi tràn lan vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Biết bao nhiêu cuộc tàn sát, tước đoạt mạng sống, chà đạp danh dự, lừa gạt, bôi nhọ nhân phẩm xảy ra hàng ngày, nhiều khi ngay cả trong gia đình những Kitô hữu. Con người trở nên mất lòng tin nơi nhau. Lòng dạ con người trở nên chai đá trước những đau khổ của tha nhân.
Mong sao, tôi đứng về phía Chúa để chiến đấu cho sự thiện.

Mong sao, Lời Chúa và Luật Chúa sẽ là vũ khí hữu hiệu, giúp tôi chiến thắng khi đương đầu trước thế lực của sự tội, sự ác.