Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIII Thường Niên


30/6. Thứ Ba. Các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma. St 19,15-29; Mt 8,23-27
Bài đọc I - St 19,15-29
Trong những ngày ấy, các thiên thần hối thúc ông Lót rằng: "Hãy chỗi dậy đem vợ và hai con gái của ngươi đi, kẻo chính ngươi cũng phải chết lây vì tội của thành Sôđôma!" Khi ông Lót còn đang do dự, các thiên thần nắm tay ông cùng vợ ông và hai con gái ông, vì Chúa muốn cứu thoát ông. Các thiên thần kéo ông ra ngoài thành và nói: "Ngươi muốn sống thì hãy chạy đi, đừng nhìn lại phía sau; cũng đừng dừng lại nơi nào cả trong miền quanh đây, nhưng hãy trốn lên núi, để khỏi chết lây!" Ông Lót thưa: "Lạy Chúa tôi, tôi van xin Ngài: Tôi tớ Chúa đã được Chúa thương yêu, và Chúa đã tỏ lòng khoan dung đại độ gìn giữ mạng sống tôi. Tôi không thể trốn lên núi kẻo gặp sự dữ mà chết mất. Gần đây có một thành phố nhỏ, tôi có thể chạy tới đó và thoát nạn. Thành đó chẳng nhỏ bé sao, xin cho tôi ẩn tránh tại đó để được sống". Thiên thần nói: "Thôi được, ta cũng chiều ý ngươi xin mà không tàn phá thành ngươi đã nói tới. Ngươi hãy mau mau trốn thoát tới đó, vì ta chẳng làm được gì trước khi ngươi đi tới đó". Bởi đó đã gọi tên thành ấy là Sêgor.
Mặt trời vừa mọc lên thì ông Lót vào đến thành Sêgor. Vậy Thiên Chúa cho mưa sinh diêm và lửa từ trời xuống trên thành Sôđôma và
Sáng sớm (hôm sau) ông Abraham thức dậy, đi đến nơi ông đã đứng hầu Chúa trước đây, ông nhìn về phía thành Sôđôma, và Gômôra và cả miền ấy, ông thấy khói từ đất bốc lên cao như khói một lò lửa hồng.
Khi Chúa phá huỷ các thành trong miền ấy, Người đã nhớ đến Abraham mà cứu ông Lót thoát cảnh tàn phá tại các thành mà ông đã cư ngụ.
Tin mừng - Mt 8,23-27
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền, có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy, truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?"
Suy niệm
Với bài đọc I hôm nay, chúng ta nhận ra quyền năng của Đức Chúa đã cứu gia đình ông Lót khỏi chết trước tai họa mưa diêm sinh và lửa, khi Người giáng phạt thành Xơđôm và Gômôra. Và trong bài Tin mừng, ta lại tiếp tục ngỡ ngàng trước lời quyền năng của Đức Giêsu, khi Ngài khiến cơn biển động trở nên lặng như tờ.
Đức Giêsu vẫn hiện diện trong “thuyền” cuộc đời tôi. Và quyền năng của Ngài có thể dẹp tan những sóng gió trong đời tôi, khi tôi kêu cầu Ngài, khi tôi ý thức có Ngài bên cạnh. Vậy mà nhiều khi, trong những cảnh ngộ đời mình, tôi chỉ đi tìm tựa nương nơi những sức mạnh khác, không phải là Chúa.
Mong sao, tôi luôn ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời mình. Ngài ở ngay trong con thuyền cuộc đời tôi, để tình bạn giữa Ngài và tôi luôn là một tương quan thân thiện, tin tưởng.

Mong sao, tôi luôn tin vào sức mạnh của quyền năng Chúa, để tôi kiên nhẫn hơn trước những nhu cầu của đời mình.

30.6.2015 – Thứ ba Tuần 13 Thường niên


Lời Chúa: Mt 8, 23-27
Khi ấy Đức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ đi theo Người. Bỗng nhiên biển động mạnh khiến sóng ập vào thuyền, nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: “Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất!” Đức Giêsu nói: “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin!” Rồi Người trỗi dậy, ngăm đe gió và biển: biển liền lặng như tờ. Người ta ngạc nhiên và nói: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?”

Suy niệm
 Thiên Chúa hằng che chở bảo vệ dân Người. Qua cuộc Xuất Hành, cảm nghiệm của dân Israel chính là lòng tri ân Thiên Chúa, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai-cập: "Đức Chúa, Đấng đã vượt qua các nhà của con cái Israel tại Ai-cập, khi Người đánh phạt Ai-cập và cho các nhà chúng ta thoát nạn" (Xh 12,27). Cảm nghiệm lớn lao ấy luôn được nhắc nhớ cho các thế hệ (x. Xh 12,24). Sự che chở của Thiên Chúa với dân một lần nữa được thể hiện nơi Đức Giêsu - Con Thiên Chúa. Trước cơn bão tố, dấu hiệu của sự dữ đang lộng hành, Đức Giêsu chỉ phán một lời, tức thì gió liền tắt và biển lặng như tờ. Như thế, quyền lực sự dữ phải khuất phục khi có sự hiện diện của Chúa Giêsu. Các Tông Đồ lại có được sự bình an. Hôm nay, Đức Kitô cũng đang yêu thương, che chở từng người chúng ta vì Ngài hứa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20).
 Hành trình cuộc đời ta cũng có lúc chòng chành như chiếc thuyền giữa biển khơi bão tố. Dẫu biết rằng những "bão tố" trong cuộc đời là dịp để thức tỉnh ta nhưng nhiều khi chúng thật khắc nghiệt và phũ phàng. Trước những nghịch cảnh và khó khăn, chúng ta phải chèo chống vất vả và với giới hạn của phận người, sức chèo chống của ta sẽ vơi cạn dần dễ khiến ta thất vọng, sợ hãi. Những lúc đó, lời nhắc nhở, trấn an của Chúa Giêsu: "Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ" (Mt 14,27) là sự khích lệ và là điểm tựa vững chắc cho chúng ta. Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện bên ta, cả trong những giây phút tăm tối của cuộc đời; dù có lúc, ta tưởng chừng như Ngài đang "ngủ" hay "vắng mặt". Như các Tông Đồ xưa, chúng ta không đương đầu với sự dữ một mình, cũng không cậy dựa vào tài khéo hay sức riêng nhưng luôn biết khiêm tốn kêu lên cùng Chúa: "Lạy Ngài, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" (Mt 8,25).
Lạy Chúa, Ngài là núi đá, là ơn cứu độ của con, là thành luỹ chở che: con chẳng hề nao núng bao giờ (x. Tv 62,3). Amen. 


«Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống ? »


(
29.6.2015 – Thứ Hai – Lễ thánh Phêrô và thánh Phaolô, tông đồ)

Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường đi đến các làng xã vùng Cêsarê Philiphê, là miền dân ngoại ở phía bắc Galilê. Đó là một nơi xa khỏi vùng mà Đức Giê-su và các môn đệ của Người thường xuyên lui tới. Dọc đường, Đức Giê-su hỏi các môn đệ hai câu hỏi liên quan đến chính căn tính của mình : câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? » chuẩn bị cho câu hỏi thứ hai : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? ».
Dường như để đặt cho nhau những câu hỏi thiết thân, nghĩa là tỏ bày cho nhau người này là ai đối với người kia, người ta cần phải giữ khoảng cách với thực tại, bằng cách đến một nơi xa lạ để sống thân tình với nhau.
1. « Người ta nói Thầy là ai ? »
Đúng là, để trả lời đích thân cho Chúa và đi vào tương quan thiết thân với Ngài, chúng ta phải vượt qua những gì « người ta » nói về Ngài, và cũng đúng là những gì người ta nói về Ngài vẫn chưa là điều Ngài thực sự là trong tương quan với Thiên Chúa và với con người. Nhưng, để giúp các môn đệ và giúp chúng ta hôm nay hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và nhất là về cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ, những gì người ta nói về Ngài có một ý nghĩa thực sự quan trọng.

Thật vậy, các môn đệ trả lời : « Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ ». Như thế, Chúa Giê-su ứng xử giống như những người đi trước Ngài, mỗi người một chút : một chút của ngôn sứ Gioan, một chút của ngôn sứ Elia, một chút của ngôn sứ Giêrêmia ; Ngài hòa nhập vào một truyền thống, hay đúng hơn, Ngài xuất phát từ một truyền thống, từ lịch sử, văn hóa, tôn giáo của dân tộc Ngài. Ngài không từ trên trời « nhảy xuống » cách ngoạn mục, để mọi người thán phục, như ma quỉ gợi ý. Nếu làm thế, chắc hẳn Ngài sẽ được nhìn nhận là Con Thiên Chúa, nhưng là Con Thiên Chúa theo kiểu của ma quỉ. Ngài đến để hoàn tất, chứ không phải hủy bỏ.
Ngài ứng xử giống với nhiều người đi trước Ngài, và tất cả đều là ngôn sứ. Như chính Ngài đã nói về mình : « Không một ngôn sứ nào được đón nhận nơi quê của mình ». Số phận của các ngôn sứ loan báo số phận của Đức Giêsu, mà gần Ngài nhất là số phận của ngôn sứ Gioan. Theo mặc khải Cựu Ước, Người Tôi Tớ Đau Khổ là hình ảnh biểu tượng của tất các các ngôn sứ thuộc mọi thời đại. Đức Giêsu đến để hoàn tất cách trọn vẹn và duy nhất thân phận của Người Tôi Tớ đau khổ nơi chính cuộc đời của mình.
Thánh Phê-rô đã không hiểu ra điều này, mặc dù đã tuyên xưng đúng căn tính của Chúa. Bởi vì, điều khó vừa khó hiểu và vừa khó chấp nhận, đó là con đường Ngài chọn để bày tỏ căn tính Ki-tô và Con Thiên Chúa cho các môn đệ, cho loài người, cho từng người trong chúng ta. Chính vì thế, bao lâu mầu nhiệm Vượt Qua chưa được hoàn tất, Ngài « cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô » (c. 20).
2. « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? »
Sau câu hỏi thứ nhất « Người ta nói Thầy là ai ? », Ngài hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? » Chúng ta hãy dừng lại thật lâu để lắng nghe câu hỏi này của Đức Giê-su, vì đây là câu hỏi không thể tránh né được, nhằm đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong hành trình đi theo Thầy Giê-su của các môn đệ, và vì đó cũng là câu hỏi Đức Giê-su hỏi đích thân mỗi người chúng ta. Thật vậy, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta, trong đời sống gia đình hay trong ơn gọi dâng hiến, có một lúc nào đó, và có thể là lúc này, Ngài cũng đích thân hỏi chúng ta : « Còn con, con nói Thầy là ai ? ».

Với câu hỏi thứ nhất, các môn đệ đã đồng thanh trả lời. Bởi lẽ, đó là nói lại điều người khác nói về Chúa, đó là những thông tin. Đức Giêsu đặt câu hỏi thứ hai, cũng cho tất cả các môn đệ, nhưng một mình thánh Phêrô trả lời, bởi lẽ câu hỏi này đòi hỏi mỗi người phải trả lời đích thân. Và sau khi người môn đệ tuyên bố Đức Giê-su là ai đối với mình, Ngài sẽ dẫn các ông đi xa hơn và sâu hơn vào cách thức Ngài hoàn tất lịch sử cứu độ và qua đó, Ngài bày tỏ ngôi vị thần linh và tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa : “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại” (c. 21)
Giống như hai người trẻ, sau một thời gian tìm hiểu, và nhất là đón nhận những ân huệ của nhau (quà tặng, thời gian, sự hiện diện và nhất là tình yêu), nhưng sẽ đến một lúc nào đó phải dừng lại, tìm một nơi thanh vắng, cách xa với môi trường sống quen thuộc, để tĩnh tâm, cầu nguyễn và suy nghĩ về việc có nên trao ban cho nhau lòng tin hay không, nghĩa là đặt cuộc đời của mình vào tay người kia, và cùng nhau suy nghĩ về một lựa chọn dứt khoát : có nên thuộc về nhau suốt đời hay không ? Mỗi người được mời gọi đưa ra quyết định : người kia là ai đối với mình suốt đời ? Cũng vậy, trong hành trình đi theo Chúa trong một ơn gọi, mỗi người được mời gọi đến một lúc nào đó, không nói theo người khác (cho dù là rất đúng, rất hay), không nói theo công thức có sẵn (cho dù đó là giáo lý, tín lý hay truyền thống), nhưng đích thân công bố Đức Giêsu là ai đối với mình; và khi công bố bằng lời Đức Giêsu là ai đối với mình, mỗi người được mời gọi cư ngụ trong câu trả lời của mình, dấn thân trong điều mình nói, đến độ mình và điều mình nói là một.
Vậy sau bằng đó năm đi theo Chúa, với tư cách là Ki-tô hữu trong ơn gọi gia đình hay dâng hiến, mỗi người chúng ta đã nghe Chúa đặt câu hỏi này cho mình chưa : « còn con, con nói Thầy là ai ? » Nếu có, chúng ta đã trả lời thực sự và dứt khoát cho Chúa chưa? Hay chúng ta chỉ nghe và trả lời giống như người ta nói về Chúa mà thôi, chứ chưa đích thân nghe được tiếng Chúa và đích thân trả lời cho Chúa như một người trưởng thành ?
Dĩ nhiên là chúng ta có thể trả lời như thánh Phêrô: “Thầy là Đức Kitô”; nhưng những lời ngày có nghĩa gì đối với tôi? Đâu là cách thức hay con đường Ngài trở nên Đấng Kitô? Và tôi sẽ đi theo Ngài và dấn thân như thế nào để sống câu trả lời của tôi ?
3. Mối phúc và sứ mạng
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Đây là lời tuyên xưng đức tin, qua đó thánh Phê-rô đại diện cho tất cả những người tin thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, nhìn nhận căn tính thần linh của con người Đức Giê-su Nazareth. Lời tuyên xưng đức tin này không có nguồn gốc con người, như Đức Giê-su xác nhận : « không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy », nhưng đến từ mặc khải của Thiên Chúa, Cha của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng ngự trên trời. Và niềm tin nơi Đức Ki-tô là một mối phúc : « Này anh Simon, con ông Giô-na, anh thật là người có phúc », phúc của thánh Phê-rô đã tuyên xưng niềm tin nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, nhờ mặc khải của Thiên Chúa, và phúc của chúng ta hôm nay, vì cũng tuyên xưng và sống cùng một niềm tin. 
Xin cho chúng ta cảm nhận được mối phúc này mỗi ngày và suốt đời trong niềm vui, vì niềm tin chúng ta đặt để nơi Đức Ki-tô : đức tin của chúng ta thiết yếu không phải là một hệ thống tư tưởng hay nguyên tắc luân lí, nhưng là ngôi vị sống động và thần linh, là Đấng Cứu Độ, mang lại cho chúng ta tình yêu, lòng bao dung, ý nghĩa, đường đi, sự hiểu biết, sức sống và chính sự sống.

Nhưng thế nào là một mặc khải của Thiên Chúa về Đức Ki-tô ? Chắc chắn đó không phải là một sự nhận biết bất chợt và một lần là xong ; như chính Đức Ki-tô nói với thánh Phê-rô : « Điều Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu » (Ga 13, 7). Đặt mối phúc của thánh Phê-rô trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của ngài, chúng ta nhận ra rằng, mặc khải về căn tính thần linh của Đức Ki-tô đến từ chính kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô, đi theo, ở lại, lắng nghe, hiểu biết, để cho Người rửa chân, trao ban và yêu thương đến cùng, mỗi ngày và suốt đời. Kinh nghiệm đức tin của hai Thánh Tông Đồ giúp chúng ta nhận ra điều này : Nhưng, những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người. (Pl 3, 7-9)
Đó là lời của thánh Phao-lô, nhưng thánh phê-rô cũng có cùng một kinh nghiệm sâu đậm về hiểu biết và lòng mến đến cùng dành cho Đức Ki-tô (x. Ga 21, 1-20). Chúa tin tưởng trao ban cho thánh Phê-rô, vừa với tư cách là “Đá Tảng” và vừa với tư cách là đại diện các tông đồ và các thừa tác viên (x. Ga 20, 23) một quyền rất lớn, đó là quyền tháo cởi hay cầm buộc. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự tin tưởng trọn vẹn mà Đức Ki-tô đặt để nơi Giáo Hội, vì quyền ở trên trời, nhưng lại được trao hết cho con người mòng dòn ở dưới đất. Nhưng trong lịch sử, đã có lúc Giáo Hội mê quyền cầm giữ hơn quyền tha tội, đã tách biệt quyền bính với sứ mạng loan báo Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô. Không gắn bó với Đức Ki-tô, không hiểu Ngài cách sâu xa, nhất là mầu nhiệm Thập Giá , không nhớ lại kinh nghiệm được thương xót, không để cho Thánh Thần dẫn dắt, chúng ta rất dễ sử dụng quyền bính Chúa ban không phải để giáo huấn, làm cho lớn lên và cứu sống, nhưng để lên án loại trừ và giết chết, theo năng động của Sự Dữ.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phê-rô, nhưng đá tảng Phê-rô lại được nâng đỡ bởi lòng thương xót.
(Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

Lễ Thánh Phê-rô và Phao-lô: Canh Tân Để Tồn Tại


Trong những loài chim, đại bàng là loài có tuổi thọ cao nhất. Tuổi thọ cao nhất của nó có thể đạt tới 70 tuổi. Để sống được lâu như vậy, lúc 40 tuổi, nó bắt buộc phải đưa ra một quyết định rất khó khăn nhưng vô cùng quan trọng.Khi đại bàng sống đến 40 tuổi, móng vuốt của nó đã bắt đầu bị lão hóa, sẽ không còn khả năng bắt được mồi như xưa nữa. Đôi cánh của nó cũng trở nên vô cùng nặng nề, bởi lông vũ của nó mọc vừa dài, vừa dày, vừa nhiều, mỗi khi cất cánh bay lên là cảm thấy rất tốn sức. Lúc này chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc chết, hoặc trải qua một quá trình đổi mới cực kỳ đau khổ.Quá trình đổi mới này kéo dài tới 150 ngày, đại bàng buộc phải cam chịu gian khổ để bay lên đỉnh núi, xây tổ trên vách cheo leo, tại đó nó hoàn thành sự đổi mới.Đầu tiên, nó dùng mỏ của mình mổ vào đá nham thạch cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rơi xuống, sau đó yên lặng chờ đợi cho mỏ mới mọc dài ra. Thế nhưng, nó phải dùng cái mỏ mới dài ra đó nhổ từng cái móng chân của mình. Sau khi móng chân dài ra, nó lại nhổ từng sợi lông vũ đi. Sau 5 thàng, lông vũ mới mọc dài ra.Lúc này con đại bàng đã dành được sự sống mới và đã có thể bắt đầu bay lượn , tìm mồi và sống sung mãn như ngày nào.Thật đáng khen cho Đại Bàng đã biết tồn tại bằng việc đổi mới. Có bỏ cũ nó mới có cơ hội sở hữu cái mới. Có lột bỏ những thứ đang chết dần mới chiếm hữu được những sự sống mới trổ sinh. Nhìn vào cách đổi mới của Đại Bàng chúng ta càng cảm phục tính gan dạ của nó. Dám chấp nhận lột xác thật đau để nuôi dưỡng mầm sống mới. Nó phải can đảm bẻ gãy cái mỏ già nua, những móng vuốt bị lão hóa, những chiếc lông vũ dầy cộm để thay hình đổi dạng thêm trẻ trung và khỏe mạnh hơn, nhờ vậy mà nó có thể tiếp tục bay cao trên bàu trời.Hóa ra để được tồn tại không phải là bám vào cái cũ mà là phải loại bỏ cái cũ để đổi mới, để thích nghi với môi trường, nhất là cái cũ ấy là vật cản cho ta tiến thân, là nguyên do làm cho chúng ta trì trệ tinh thần lẫn thể xác.Cuộc sống con người tưởng chừng như chỉ biết vun quén, xây đắp để tồn tại, thực ra muốn tồn tại phải biết bỏ đi. Bỏ đi những cái cồng kềnh vô ích. Bỏ đi những cái cũ để có khả năng sở hữu cái mới. Bỏ đi những cái đeo bám vào ta nhưng chỉ làm ta trì trệ, yếu đuối. Bỏ đi để ta khỏe mạnh hơn, lạc quan hơn và đầy sức sống hơn.Cuộc đời của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô là một điển hình. Các ngài có những khuyết tật, có những yếu đuối, nhưng các ngài đã dám lột bỏ con người cũ để làm lại, để dấn thân hoàn thiện con người của mình. Phê-rô đã từng sa ngã, bồng bột. Ông đã từng can ngăn Chúa bước vào tuần thương khó. Ông đã từng vấp phạm chối Chúa đến ba lần. Còn Phao-lô thì lại hăng say nhưng bồng bột. Ông nhân danh chân lý để tàn sát người theo đạo. Ông từng góp mặt trong vụ án giết Ste-pha-nô. Ông đã từng cầm tráp truy đuổi người theo Đức Ky-tô. Thế nhưng, các ngài đã cùng đứng dậy làm lại cuộc đời. Các ngài đã anh dũng đổi đời dù biết rằng cuộc đổi đời ấy sẽ dẫn đến các ngài phải đối diện với bao khó khăn thử thách cùng sự bách hại.Phê-rô đã đổi đời từ con người nhút nhát hay bàn rùn nay trở nên mạnh mẽ can trường, dám đối diện với sự bách hại mà không hề sợ hãi. Phê-rô đã từng tuyên bố với giới cầm quyền: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Phê-rô đã làm chứng cho Chúa trong sự can trường đến hơi thở cuối cùng qua cái chết cùng phận số với Thầy là đóng đinh trên thập giá, nhưng ông đã xin ngược đầu xuống đất!Phao-lô đã lội ngược dòng khi ông được Chúa đưa vào sa mạc để thực hiện cuộc đổi đời. Từ con người bách hại đạo lại trở thành người rao truyền đạo. Từ lòng nhiệt thành đi bắt bớ người theo đạo lại trở thành người ra đi đem lời Chúa đến khắp năm châu. Lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt ngài đến mức độ thánh nhân đã từng nói: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”.Con người luôn mang thân phận yếu đuối. Càng sống lâu càng chồng chất những yếu đuối lỗi lầm. Nhưng nhìn vào hai tấm gương tông đồ Phê-rô và Phao-lô cho chúng ta một niềm hy vọng về sự trở về của chúng ta là không bao giờ chậm trễ. Sự trở về là cơ hội giúp chúng ta đổi mới con người, lột bỏ con người cũ để thay đổi đời sống. Nhất là biết cậy dựa vào ơn Chúa để thay đổi đời sống theo thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn tạo những cơ hội thuận tiện để chúng ta thực hiện cuộc đổi đời. Thiên Chúa luôn ban những ơn cần thiết để chúng ta có khả năng thay đổi cuộc sống. Ước gì chúng ta luôn biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình để chấp nhận cộng tác với ơn Chúa để thực hiện cuộc đổi mới. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân nhưng luôn can trường gột rửa con người mình nên hoàn hảo hơn. Và xin cho chúng ta cũng trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. AmenLm.Jos Tạ Duy Tuyền

Suy Niệm Lời Chúa Hàng Ngày Tuần XIII Thường Niên



29/6. Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ. Lễ trọng. Cv 12,1-11; 1Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16,13-19

Mt 16,13-19
Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.
Suy niệm

Hôm nay, chúng ta mừng kính hai vị đại Thánh: Phêrô và Phaolô – tảng đá và cột trụ của Giáo hội. Dù hoàn cảnh của hai vị rất khác nhau, nhưng cả hai đều được Chúa gọi và trao sứ mạng dựng xây và mở mang Nước Chúa.
Với Phêrô, ông được dành riêng cho chương trình của Chúa, và chính Chúa đã dẫn đưa ông qua những nẻo đường, mà chính ông cảm nhận được trong bài đọc I: "Bây giờ tôi biết thật Chúa đã sai thiên thần cứu tôi khỏi tay Hêrôđê và khỏi mọi âm mưu của dân Do Thái". Và qua lời tuyên xưng trong bài Tin mừng hôm nay: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”, Đức Giêsu đã trao cho ông sứ mạng làm Tảng Đá xây nền Giáo Hội.
Với Phaolô, qua biến cố ngã ngựa thành Đamas, Đức Giêsu đã đưa ông vào con đường của Chúa để loan truyền Tin mừng cho dân ngoại, mà chính ông xác tín trong bài đọc II: “Có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy”.
Thánh Phêrô và Phaolô đã sống sứ mạng của mình cách trọn hảo, nhờ đức tin và tình yêu nồng nàn vào Đức Kitô.
Hôm nay, sống giữa những trào lưu duy thế tục, Kitô hữu dễ thấy mình lạc lõng, khó giữ vững đức tin. Vì thế, Giáo Hội vẫn cần những Phêrô và Phaolô của ngày hôm nay – những Tảng Đá, những Cột Trụ xây dựng đức tin, hun đúc đức tin cho khu xóm mình, cho gia đình mình.
Mong sao, tôi có một tâm tình yêu mến Chúa như Phêrô: “Thầy biết con yêu mến Thầy”, để trở nên “đá tảng”, góp phần xây dựng Giáo Hội trong bậc sống của mình.
Mong sao, tôi có một nhiệt huyết với Tin mừng của Chúa như Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc tôi”, để trở nên “cột trụ”, góp phần giữ vững Giáo Hội trong tinh thần của một Kitô hữu.