Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Thứ Sáu tuần 30 mùa Thường niên (Lc 14, 1-6)


Bài Tin Mừng trình thuật lại việc Đức Giê-su chữa lành cho một người mắc bệnh phù thũng trong ngày sa bát. Đây không phải là lần duy nhất Chúa chữa bệnh trong ngày này, bởi chúng ta còn thấy trong các sách Tin Mừng theo thánh Gioan, Marcô và cách riêng là Tin Mừng theo thánh Luca đã kể lại nhiều lần khác Chúa đã chữa bệnh trong ngày hưu lễ như: chữa cho mẹ vợ ông Phê-rô (Lc 4,38); chữa cho người bại tay (Lc 6,6) ; chữa cho người đàn bà còng lưng mười tám năm (Lc 13, 10-13)…

Chúa Giê-su là Đấng giàu lòng thương xót, đi đến đâu là Ngài thi ân giáng phúc đến đó, và hôm nay Ngài tiếp tục chữa lành cho một bệnh nhân. Với quyền năng của mình, Ngài chỉ cần phán một lời là người bệnh sẽ được khỏi, nhưng ở đây thánh Luca đã miêu tả: “ Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về”. Hành động “đỡ lấy” nói lên tình yêu thương của Đức Giêsu dành cho những con người nghèo khổ, bất hạnh và kém may mắn. Ngài chạm vào nỗi thống khổ của kiếp người để chia sẻ, nâng đỡ, ủi an, chữa lành và giải thoát, hầu đem lại hạnh phúc cho con người.

Trong khi đó, những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật thời ấy luôn có thái độ tự mãn khi tự cho mình là thánh thiện và hiểu biết nhiều về Thiên Chúa và các giới luật. Bỏ điều chính yếu để coi trọng những gì là tùy phụ là căn bệnh trầm kha của họ. Do đó, họ có thái độ dửng dưng trước nỗi đau bệnh tật của người khác. Chính Đức Giêsu khi chữa cho người mắc bệnh phù thũng thì cũng chữa luôn căn bệnh nan y cho người Pharisêu khi để họ buộc phải tự vấn lương tâm: “Trong ngày Sabat, ai trong các ông có con lừa hay con bò rơi xuống giếng mà không lập tức kéo nó lên sao?”. Điều này đã khiến họ phải lặng thinh. Đối với Chúa Giê-su, con người là ưu tiên số một: luật lệ được đặt ra là vì con người và nền tảng của mọi luật lệ đó là yêu thương. Như thế, Chúa đã dạy cho những người Pha-ri-sêu một bài học căn bản về lòng nhân.

Bài học Chúa dạy cho những người Pha-ri-sêu xưa, cũng là điều Chúa muốn nhắn nhủ với mỗi tín hữu. Những thái độ vụ hình thức, vụ lề luật cần được loại bỏ, vì Chúa Giê-su đã kiện toàn lề luật, biến lề luật thành phương tiện giúp con người gần Thiên Chúa và gần nhau hơn. Chúng ta chỉ thực sự được gọi là môn đệ của Chúa khi chúng ta biết sống yêu thương. Và sống yêu thương là chúng ta sống đúng với tinh thần của lề luật như lời thánh Phao-lô đã nói: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn cảm nghiệm được tình yêu thương bao la của Chúa dành cho mỗi người chúng con, và xin cho chúng con cũng biết làm tỏa lan tình yêu ấy cho tha nhân qua đời sống yêu thương, phục vụ. Amen.

Suy Niệm Lời Chúa Thứ Năm Tuần XXX Thường Niên B

Lc 13, 31 – 35
Một lần kia Thánh Gỉoan Boscô hỏi các học sinh của Ngài đang chơi đùa: “Nếu ngay bây giờ các con biết mình sắp chết, các con sẽ làm gì?”. Một số em đã trả lời là sẽ đi vào nhà thờ để cầu nguyện; một số khác cho biết chúng sẽ đi xưng tội dọn mình chết lành; một số khác nữa thì nói chúng sẽ đi làm hòa với những bạn bè mà chúng đã làm mất lòng họ.
Riêng Đaminh Savio điềm nhiên trả lời: “Nếu bây giờ Chúa đến gọi con về, con đang chơi, con sẽ vẫn tiếp tục chơi".
Vâng, kính thưa…đó là thái độ của những con người luôn biết sống theo thánh ý Chúa. Đã sống theo thánh ý Chúa rồi thì không có gì có thể làm cho họ phải sợ hãi và cũng chẳng có gì làm cho họ chùn bước trước những khó khăn trên cõi đời này.
Theo như thư Do thái, Chúa Giêsu đã thưa: “Này con xin đến để thực thi ý Chúa” và chính sự vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa nên Ngài không nản chí hay sợ bất cứ điều gì.
Tin mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy: Chúa Giêsu đã tỏ ra rất bình thản trước việc Hêrôđê đang tìm cách sất hại Ngài. Sở dĩ Ngài bình thản được như thế là vì Ngài luôn trung thành tuyệt đối với ý định của Thiên Chúa Cha.
Thật vậy, cả cuộc đời Ngài là một tiếng xin vâng đối với thánh ý Chúa. Do đó, một khi biết có một hiến lễ phải hoàn tất và hiến lễ ấy đã nằm trong chương trình của Chúa thì không gì có thể làm cho Ngài phải bận tâm, lo sợ, ngoài việc chỉ lo chu toàn công việc được Chúa Cha giao phó cho Ngài.
Sở dĩ Chúa Giêsu coi thường và bình thản là vì Ngài biết Hêrôđê chẳng thể làm gì được Ngài trước khi thời gian dành cho sứ mạng của Ngài kết thúc. Bởi đó Ngài nói: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật”. Điều này chứng tỏ Chúa Giêsu đã đặt ý Chúa Cha trên ý riêng mình đặt việc bổn phận trên bản thân mình, và sức mạnh của tinh thần trách nhiệm trên chính mạng sống mình. Đó quả thực là mẫu gương tuyệt vời cho tinh thần tông đồ.
Như có người đã khuyên Ngài chạy trốn điều ấy có vẻ khôn ngoan theo sự tính toán của người đời, bởi vì Hêrôđê là một tên gian hùng, hắn dám khử trừ bất cứ ai mà ông không thích. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không theo sự khôn ngoan của thế gian, Ngài luôn tuân theo sự khôn ngoan của Chúa Cha. Ngài biết việc đi lên Giêrusalem để chịu nạn chịu chết là kế hoạch của Chúa Cha mà Ngài “phải” thực hiện cho xong.
Dù Hêrôđê có mưu đồ đi nữa, Chúa Giêsu vẫn coi thường. Dù sống giữa bầu khí bị đe dọa mạng sổng: do những nhà lãnh đạo Do Thái thù oán, và do sự ganh tị của Hêrôđê, Đức Giêsu vẫn tiếp tục sứ mạng cứu thế của Ngài, bằng những công việc trừ quỷ, chữa bệnh và rao giảng. Chúa Giêsu nêu gương cho người Kitô hữu chúng ta: dù sống trong hoàn cảnh nào: khó khăn hay thuận tiện, chúng ta đều phải ra công làm việc cho phần rỗi của mình và của tha nhân.
Kính thưa… Trong thánh lễ hiệp dâng hôm nay, ta hãy xin Chúa cho ta biết sống giây phút hiện tại bằng cách mau mắn đáp lại tiếng Chúa mời gọi để chu toàn sứ mệnh và bổn phận của mình, đồng thời xin cho ta trong mọi hoàn cảnh luôn biết gắn kết, phó thác vào Chúa nhiều hơn. Amen.

HAI THÁNH TÔNG ĐỒ SIMON VÀ GIUĐA


Một triết gia kia buồn vì người học trò xuất sắc của mình ngày càng ham suy tư hơn nhưng càng bớt cầu nguyện đi. Khi ông hỏi lý do thì người học trò đáp :- Thứ nhất, Chúa biết hết mọi sự, không cần chúng ta nói. Thứ hai Chúa tốt lành vô cùng, Ngài sẽ cho chúng ta mọi thứ chúng ta cần. Thứ ba Ngài là Đấng vĩnh cửu, lời cầu nguyện của chúng ta chẳng thay đổi Ngài gì cả.
Triết gia không nói gì. Ông đến ngồi dưới bóng cây, mặt buồn bã. Người học trò hỏi :
- Tại sao Thầy buồn thế ?
- Người bạn của Thầy có một thửa ruộng rất tốt, hằng năm sản xuất rất nhiều hoa màu. Nhưng bây giờ ông ta bỏ mặc không chăm sóc gì cho nó nữa.
- Bộ ông ta khùng ư ?
- Không đâu. Ông còn khôn nữa là đàng khác. Ông nói : Chúa yêu thương vô cùng. Ngài sẽ lo cho tôi mọi thứ cần để sống nên chẳng cần làm ruộng nữa. Chúa quyền phép vô cùng, dù tôi không cày xới, Ngài vẫn thừa sức cho nó sinh sản hoa màu.
- Như thế nghĩa là thử thách Chúa rồi còn gì nữa ?
- Thì con cũng thế thôi. Người học trò lúc đó mới cảm thấy hổ thẹn.
Chúa Giêsu tuy là Thiên Chúa, nhưng khi mang bản tính con người, ngài vẫn phải cầu nguyện để xin ơn phù giúp từ Chúa Chúa. Vì thế, Trước khi chọn 12 tông đồ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm. Ngài cũng khuyên môn đệ : “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa cám dỗ”. Phêrô đã sa cám dỗ chối Thầy vì trước đó trong vườn Cây Dầu, ông đã ngủ thay vì cầu nguyện. Giuđa, sau bữa Tiệc Ly, đã bỏ ra ngoài đang khi Chúa Giêsu và các tông đồ khác cầu nguyện. Cho nên Giuđa đã sa ngã nặng nề.
Trang TM chúng ta vừa nghe, Chúa Giê-su cũng chọn gọi nhóm 12 trong đó có Simon và Giu-đa sau khi đã cầu nguyện. Ngài đã cầu nguyện để chọn người phục vụ cho Nước Chúa. Ngài cầu nguyện để Chúa Cha nâng đỡ những người được chọn. Vì người được chọn làm công việc của Thiên Chúa, nhưng vẫn mang bản tính mỏng dòn của con người. Thế nên, vẫn có thể vấp ngã, có khi còn sa ngã trong tội lỗi. Như trường hợp Giu-đa, dù ơn Chúa vẫn đong đầy trên ông nhưng ông đã đóng cửa lòng mình và chết trong thất vọng buông xuôi.
Kính thưa….nhân ngày lễ kính hai Thánh TĐ hôm nay, xin được kể một câu chuyện về Thánh Giuda hay còn gọi là Thánh Tadêo: Có một người phụ nữ gặp hoàn cảnh khó khăn về tài chính, bà đã đến một nhà thờ ở New York làm tuần chín ngày cầu khấn thánh Giuđa, xin ngài giúp cho bà một số tiền là 10.000 đô la để bà giải quyết một vấn đề quan trọng. Mỗi ngày bà đến cầu nguyện trước toà kính thánh nhân. Sang đến ngày thứ chín, bà thấy trên bàn thờ vị thánh có một chiếc phong bì, bà mở ra thì trong đó có 10.000 đô la. Bà mừng quá, chạy vào nhà xứ kể cho cha xứ nghe sự việc, tin rằng đây là tiền của thánh Giuđa cho bà. Cha xứ cho biết cha vừa nhận được điện thoại của một người báo tin rằng ông ta cũng vừa được thánh Giuđa ban cho một ơn như ý, và để tỏ lòng biết ơn, ông có dâng kính thánh nhân 10.000 đô la, vì không gặp cha xứ, nên hiện số tiền đó ông đang đặt nơi bàn thờ thánh nhân, trong một phong bì, xin cha ra nhận và cất giữ. Như vậy, theo cha xứ, số tiền kia là của giáo xứ, bà phải đưa lại cho giáo xứ, còn người đàn bà thì lại quả quyết là của thánh Giuđa giúp bà. Vì vậy, để phân xử, hai người đồng ý đưa nhau ra toà. Người ta theo dõi vụ kiện qua báo chí và lấy làm thú vị về sự việc hi hữu này. Dư luận chia thành hai nhóm, một bên ủng hộ cha xứ, một bên ủng hộ người đàn bà kia. Và không biết toà sẽ phải giải quyết bằng cách nào trước một sự việc vừa mang tính pháp lý vừa mang tính thiêng liêng như thế này ? Đột nhiên, cha xứ tuyên bố rút đơn kiện, đồng ý để số tiền cho bà kia. Bà này bình thản nói rằng bà đã biết số tiền chắc chắn sẽ thuộc về bà, vì thánh Giuđa sẽ giúp bà cho đến cùng. Mọi người vui vẻ với kết cuộc này. Có lẽ thánh Giuđa không làm một phép lạ tỏ tường, nhưng ngài đã muốn dùng số tiền người ta dâng kính ngài, để tặng lại cho người phụ nữ trong lúc gặp sự khốn khó đã hết lòng tin tưởng chạy đến cùng ngài. Mừng lễ hai Thánh Tông Đồ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su luôn cầu nguyện thường xuyên. Cầu nguyện trước mỗi khi làm một việc quan trọng. Cầu nguyện trước khi bắt đầu một công việc và cũng cần cầu nguyện sau khi đã hoàn tất các công việc để

THỨ BA SAU CHÚA NHẬT 30 TN B: LC 13, 18-21

Trong vũ trụ vạn vật, có muôn vạn ức triệu tinh hoa sự sống rất nhỏ bé tầm thường nhưng khả năng và sức mạnh của nó thì thật phi thường. Chúa Giê-su đã lấy một vài vật bình dị điển hình trong cuộc sống làm ví dụ, như hạt cải, như nắm men trong trang TM chúng ta vừa nghe, để nói về sức mạnh và sự phát triển của nước trời. Như hạt cải là tinh hoa mầm sống của cây cải, nó chỉ như hạt tấm nhỏ, nhưng lại có khả năng phát triển thành cây cải cao lớn làm chỗ ẩn náu của chim trời (chúng ta cũng nên biết: cây cải ở Palestine cũng dùng làm thức ăn, nhưng không phải như cây rau cải bé nhỏ bình thường ở Việt Nam, mà nó có thể cao tới 3m); hay như nắm men nhỏ người đàn bà vùi vào ba đấu bột – men ở trong bột thì người ta không thể nhìn thấy nó, nhưng chút men đó, lại có khả năng cho cả khối bột dậy men; thì nước Thiên Chúa cũng thế, ban đầu rất nhỏ bé nhưng vẫn âm thầm phát triển lớn mạnh và sự hiện diện của nước Thiên Chúa có khả năng làm biến đổi thế giới..Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều rộng : từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to.; Còn dụ ngôn nắm men được đem trộn vào thúng bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa : từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. 
Kính thưa….qua hai dụ ngôn hạt cải và nắm men, thánh Luca muốn gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào, nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó. Cộng tác bằng cách nào? Thưa: bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hẳn còn nhớ câu nói bất hủ của Đức Hồng Y Etchegaray nhân chuyến viếng thăm Việt nam năm 1999, ngài nói: "Người ta dễ nghe thấy tiếng cây rừng ngã đổ hơn là nhận ra tiếng nói thì thầm của những mầm non đang nhồi lên . Vâng! Chúa Giêsu vẫn đang ở với Giáo hội của Ngài, Giáo hội của Ngài, nơi chúng ta đang là thành viên đây, vẫn tiếp tục tăng trưởng bằng những cách thế và dưới nhiều hình thức đòi hỏi chúng ta phải có đôi mắt Đức tin mới cảm nhận được. 
Trong kinh lạy cha, người Ki-tô hữu chúng ta qua bao thế hệ vẫn nguyện cầu cho “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”; và trong cuộc sống, chúng ta vẫn được mời gọi sống điều mình nguyện xin, trở nên cánh tay nối dài của Lời tình yêu qua việc sống đúng bản chất của người kytô hữu – đó là thực hiện những hành vi yêu thương từng ngày; có thể là những hành vi rất âm thầm, khiêm nhu và nhỏ bé nhưng lại có sức biến đổi con người, biến đổi môi trường như “nắm men vùi trong bột làm cho tất cả khối bột dậy men.” Tình yêu đã khiến cho một Tê-rê-sa Hài đồng Giê-su bé nhỏ, âm thầm nơi nhà kín trở thành một vị thánh tiến sĩ bổn mạng các xứ truyền giáo. Tình yêu đã khiến cho Chân phước Tê-rê-sa Calcutta, một nữ tu nhỏ bé được cả thế giới gọi bằng ‘Mẹ’ với lòng kính trọng, nể phục…. Cũng vậy, nước trời có sức phát triển, lan rộng là nhờ tình yêu: tình yêu hy sinh, tình yêu dâng hiến, tình yêu phục vụ, quên mình cách vô vị lợi – đó là tình yêu mà Đức Giê-su đã dùng cả cuộc đời để rao giảng và minh chứng và di ngôn lại cho các môn sinh của người. Là công dân của nước trời, Ki-tô hữu chúng ta phải tự vấn hằng ngày xem cuộc sống của chúng ta có giúp gì cho nước trời được phát triển, được lớn lên và lan rộng hay không? Cuộc sống của chúng ta có là một lời chứng cho tình yêu nhập thể trong thế giới, giữa con người, môi trường chúng ta hiện diện hay không?
Lạy Chúa Giê-su, chúng con chỉ là thụ tạo mỏng manh, yếu đuối và bé nhỏ. Chúng con biết Chúa không đòi hỏi chúng con những việc to tát vượt sức mình, nhưng biết đan dệt đời mình bằng những nghĩa cử yêu thương. Xin đổ đầy tình yêu Chúa vào trái tim mỗi người chúng con, cho chúng con biết gieo mầm tin yêu giữa bao hận thù và sa đọa. Năm Tân phuc âm hóa ds giáo xứ và các cộng đoàn sống đời dang hiến sắp được khép lại, xin Chúa tiếp tục ban ơn đức tin và nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con, để chúng con luôn vững tin vào quyền năng Chúa, vững tin vào nước Chúa sẽ hiển trị và mãi mãi trường tồn. Amen.

THỨ HAI TUẦN XXX THƯỜNG NIÊN


Lc 13, 10-17
Cha Giuse Tạ Duy Tuyền có kể một câu chuyện về Chú bé tên Bill. Câu chuyện thế này: Một hôm bé Bill chạy vào tiệm tạp hóa ở góc đường gần nhà:
- Bác chủ tiệm đâu rồi? Mau lên! Gấp lắm!
- Ông chủ vội vàng hỏi: Có chuyện gì thế?
- Bố cháu cưa cành cây, bị cái chạc móc vào thắt lưng đang treo lơ lửng trên cao...
- Chà! Vậy cháu muốn mượn cái thang hở?
- Không ạ! Cháu muốn mua cục pin, gắn vào máy ảnh cho cháu, mau lên! Cháu chụp hình nóng hổi về tai nạn hi hữu của bố cháu để đăng lên facebook!
Kính thưa…Xã hội hôm nay có rất nhiều người thích đứng lại chụp những mảnh đời bất hạnh, những vụ đánh nhau, những tai nạn xe cộ . . . , nhưng lạ kỳ là rất ít người ra tay cứu giúp. Họ nhìm những đau khổ của anh em với thái độ dửng dưng. Dửng dưng đến độ chỉ đứng lại chụp hình, quay phim để đăng trên face, trên mạng xem chơi!
Chúa Giê-su hôm nay đã mời gọi những người biệt phái hãy nhìn đến nỗi khổ của người lưng còng suốt 18 năm. Bà đã quá khổ sở. Bà đã chịu đựng rất nhiều năm nên bà đáng được tháo gỡ. Qua đây, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy có cái nhìn cảm thông với những nỗi khổ của anh em. Hãy sống liên đới với tha nhân. Hãy bao dung và đón nhận nhau. Đừng ngồi đó để nguyền rủa nhau hay gây hiềm thù lẫn nhau. Hãy sống yêu nhau trong tình yêu chân thành.
Là người, không ai ước muốn sự xấu cho mình, xin đừng để chúng ta gieo rắc sự ác, sự sợ hãi cho tha nhân. Chúng ta muốn được yêu thương, được tiếp đãi ân cần, được thân thiện và tôn trọng. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta thực thi điều đó cho tha nhân trước khi muốn họ thực hiện cho mình. Xin cho chúng ta biết khiêm nhường, đối xử với anh em những gì chúng ta đang mong đợi nhận lãnh từ họ.
Trong cuộc sống ngày hôm nay, hơn ai hết, Thiên Chúa biết rõ những yếu đuối của chúng ta. Người thấu hiểu từng ước muốn, từng nỗi lo âu trăn trở đang giằng xé trong con tim chúng ta. Hãy dâng trao cho Chúa bước đường tương lai và vận mệnh của đời ta để Chúa nâng đỡ. Như tác giả thánh vịnh 37 đã tin tưởng khẩn cầu “Hãy ký thác đường đời cho Chúa. Tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ”. Thiên Chúa luôn yêu thương chăm sóc từng người chúng ta, Người luôn hiện diện một cách tròn đầy mới mẻ trong mọi biến cố vui buồn của chúng ta. Vì thế trong mỗi ngày sống, chúng ta đều được mời gọi khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa chan chứa tình yêu thương.
Lạy Chúa! Xin Chúa giúp chúng con luôn nhận ra tình thương của Chúa dành cho chúng con để chính chúng con cũng biết trao ban tình yêu cho tha nhân. Xin loại trừ trong chúng con tính ganh ghét, hận thù nhưng luôn sống hài hoà với nhau. Ước gì chúng con hãy biết quan tâm lẫn nhau, đừng vô tâm với nhau như hãy quan tâm và chia sẻ cho nhau.
Lạy Chúa Giêsu là nguồn tình thương và chân lý, xin cho chúng con một con đức tin vững mạnh, biết vươn mình lên khỏi tính ù lì hẹp hòi ích kỷ để quảng đại sống cho những giá trị của Tin Mừng. Xin Chúa chữa lành mọi thương tích trong tầm hồn và thể xác của chúng con, và cho chúng con một đức mến nồng nànhầutrung thành bước theo Chúa đến cùng. Amen.