Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

Bình thuốc tiên



Ngày xưa, có một vị thần đi dạo xuống cõi trần. Sau đó, ông thấy một người phàm cũng đang đi dạo trên đường. Vị thần liền tới và đi cùng người kia, cũng giống như một người bình thường.

Một lúc sau, người đàn ông cảm thấy khát. Ông ta thấy ông kia đang mang một bình nước bên hông, vì thế ông ta hỏi: “Có còn nước trong bình của ông không?”

Vị thần đưa bình nước cho ông ta và nói: “Cả bình còn đầy, ông có thể uống bao nhiêu tùy ý”.

Người đàn ông uống hết bình nước và cảm thấy nó chỉ thỏa được một chút cơn khát nhưng cũng làm xua tan sự mệt nhọc. Họ tiếp tục đi một lúc thì ông ta đột nhiên nói: “Tôi ước gì nó là rượu vang ở trong bình của ông”.

Vị thần mỉm cười, đưa bình nước cho ông ta nói: “Có rượu trong đó. Cứ uống nếu ông muốn”.

Ông ta không tin, nhưng vẫn uống thử. Và rất ngạc nhiên, những gì ông ta uống là rượu vang, rất thơm ngon.

Ông ta ngạc nhiên và nghĩ người bạn đồng hành của mình phải là một vị thần, bởi vì chỉ có thần mới có thể làm thế. Với nghĩ đó, ông bèn hỏi thêm: “Bây giờ tôi ước gì nó là thuốc tiên trong cái bình của ông”.

Vị thần cười và mở nắp bình. Người đàn ông nghĩ vị thần chắc lại cho mình thuốc tiên, nên ông ta mở miệng ra và chờ đợi. Nhưng chẳng có gì trong bình, vị thần lắc cái bình một lần nữa và biến mất.


Người tham lam muốn mọi thứ, nhưng cuối cùng họ sẽ mất mọi thứ.

SUY NIỆM TIN MỪNG THỨ BẢY TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN

(Lc 13, 1 – 9)
Tiến tới Thiên Niên Kỷ Thứ Ba, tưởng rằng mọi dân mọi nước sẽ được hưởng một nền hoà bình lâu dài, thế nhưng, ngày 11/9/2001, thế giới đã rúng động vì một biến cố đau thương vô tiền khoáng hậu xảy ra tại Hoa Kỳ: quân khủng bố đã dùng 2 chiếc phi cơ đâm vào toà tháp đôi Trung Tâm Thương Mại thế giới, 1 chiếc khác đâm vào Ngũ Giác Đài và chiếc thứ tư rơi ngoài đồng trống. Người ta ước tính, ngoài 19 tên khủng bố, có đến 2975 người chết và 24 người mất tích. Họ là những phi hành đoàn và hành khách của 4 chiếc máy bay, là những công nhân viên chức đang làm việc hay đang giao dịch trong các toà nhà trên, là những công dân cư ngụ trong những toà nhà nhỏ dưới chân toà tháp đôi, là những cảnh sát viên hoặc những lính cứu hoả bị gạch cát đè chết khi đang cố gắng cấp cứu những nạn nhân. Nói chung, họ là những người không bao giờ nghĩ rằng ngày 11 – 9 là ngày giỗ của họ. Đã tốn biết bao nhiêu giấy bút, đã có biết bao nhiêu nhận định, suy tư viết về ngày 11 tháng 9 dưới khía cạnh thời sự, chính trị hoặc xã hội, nhưng có mấy ai nhìn biến cố đó dưới cách nhìn của ĐKT như trong bài Phúc Âm hôm nay - Cách nhìn của đức tin?
Cách đây hơn 2000 năm, tại Palestina thời Chúa Giêsu, cũng có 2 sự kiện lớn: Tổng Trấn Philato giết một số người Gallile khi họ đang dâng lễ vật trên bàn thờ và tháp Siloe đổ xuống đè chết 18 người khác. Cách nhìn truyền thống của người Do Thái lúc đó về các tai hoạ xảy đến cho con người cũng phần nào giống quan niệm “sống ác thì Trời phạt” của người Việt Nam chúng ta. Người tội lỗi thì ắt sẽ gặp tai hoạ, ác giả thì ác báo. Và từ đó, người ta suy ngược lại: ông nọ bà kia đang gặp tai hoạ nên họ là những người tội lỗi, xấu xa. Quan niệm này sẽ dẫn đến một kết luận rất nguy hiểm: hiện tại tôi không gặp tai hoạ nên tôi là người lương thiện và công chính. Trong bài Phúc Âm hôm nay, CGS đã chỉnh lại quan niệm đó và mời gọi người Do Thái cũng như tất cả các Kito Hữu chúng ta, không chỉ nhìn những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc sống mà thôi, nhưng hãy nhìn đến tất cả mọi sự kiện vui buồn sướng khổ trong đời với cái nhìn và cách nhìn của đức tin. Cách nhìn của đức tin không phải là cái nhìn thời sự như những tin tức nóng bỏng và giật gân mà không để lại trong tâm hồn ta một âm hưởng gì; cũng không phải là cái nhìn pha màu sắc chính trị để kết án nhóm này, chống đối nhóm kia; càng không phải là cái nhìn có tính cách xã hội đề ra sự xung khắc giữa các giai cấp khác nhau… Cách nhìn đức tin mà Chúa dạy ta trên hết và trước hết là nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa trực tiếp với chính mình qua các biến cố đó: Mặc dù tôi rất xấu xa tội lỗi, nhưng Chúa vẫn chưa để tai hoạ xảy đến cho tôi vì Ngài thương và kiên trì chờ đợi tôi ăn năn sám hối. Tuy nhiên, tình thương và sự kiên nhẫn đó có thời hạn chứ không là mãi mãi. Bởi thế, nếu tôi không sám hối thực sự và ngay tức khắc bằng việc cải thiện đời sống như cây vả sinh hoa kết trái thì tai hoạ đến với tôi không chỉ là cái chết phần xác mà là cái chết vĩnh viễn của linh hồn. Và cái chết này mới đáng sợ.
Do vậy, mọi biến cố, mọi sự kiện xảy ra trong đời ta, ta phải lấy cái nhìn đức tin mà nhìn nó, nhận ra nó và đọc được nó. Nó không vô ích đâu. Nó cũng không ngẫu nhiên mà xuất hiện. Nó là những thông điệp, những bảng chỉ đường mà Thiên Chúa gửi đến để cảnh tỉnh, để hướng dẫn ta điều chỉnh lại chính mình, cách sống của mình và cố gắng đi đến cứu cánh của mình là Thiên Chúa.

Thứ Bảy tuần 29 Thường niên

(Lc 13, 1-9)


Khi ấy, có mấy người đến kể lại cho Ðức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Ðức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Galilê đó có tội lỗi hơn hết mọi người Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôa đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết, không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Ðức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?” Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”

Bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy, Chúa Giê-su mời gọi mọi người hãy ăn năn thống hối tội lỗi mình. Nhưng tại sao phải ăn năn thống hối?

Thật vậy Đức Giê-su đã cảnh báo rất gắt gao: “Tôi nói cho các ông biết: nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy” (Lc 13,5). Sám hối là điều làm vui lòng Thiên Chúa vì qua đó con người biết nhận ra tội lỗi của mình, đó là bước quan trọng nhất trên con đường trở về với Chúa.

Sám hối gồm 4 điều: 1/ Nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, 2/ Đau buồn vì tội lỗi mình đã gây ra, 3/ Tin vào lòng khoan dung thứ tha của Thiên Chúa, 4/ Trở về sống trong tình thương của Thiên Chúa. Nếu thiếu một trong bốn điều trên không phải là sám hối thật.

Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành phúc đức để đền bù tội lỗi. Một trong những việc làm đó là tha thứ. Ta sám hối là để cầu xin Chúa tha thứ cho ta thì ta cũng phải biết tha thứ cho anh em ta. Lời Chúa hằng mời gọi chúng ta hãy sám hối khi thời gian còn thuận tiện. Đừng trì hoãn, đừng thử thách Thiên Chúa, chớ có coi thường nhưng hay mau kíp thật lòng ăn năn trở về cùng Chúa. Như thế có nghĩa là chúng ta phải cố gắng chừa tội và sám hối về những việc sai trái đã làm. Nhìn nhận mình có tội, ăn năn dốc lòng chừa, mau chạy đến với Chúa qua Bí tích Hòa Giải để được tha thứ và giao hòa với Chúa và Giáo Hội.

Lạy Chúa! Xin cho mọi người chúng con dù đứng trên cương vị nào cũng biết khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội. Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối suy nghĩ và lối sống của mình, luôn tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, luôn thành thật để khỏi tự dối mình và luôn biết thật lòng sám hối ăn năn. Amen. - See more at: 

Thứ Sáu tuần 29 Thường niên ( Lc 12, 54-59)

  
Một lần nữa, Đức Giêsu lên tiếng trách móc những người Do Thái cứng lòng.
 
Cũng như nhiều dân tộc khác, từ xa xưa, người Do Thái đã biết dựa vào kinh nghiệm của tiền nhân để “dự báo thời tiết” một cách nhạy bén và chính xác. Nhưng ngược lại, họ chậm tin và cứng lòng trong việc đón nhận Đấng Mêsia, mặc dù cha ông họ đã truyền lại cho học qua những lời tiên báo của các ngôn sứ trong các sách thánh. Quả vậy, Đức Giêsu đến loan báo về Nước Thiên Chúa và làm các phép lạ, dấu chỉ của Nước Trời, nhưng lòng họ lại u tối, không nhận ra “Nước Trời” đã đến.
        
Ngày nay, con người vẫn đang cần và đòi hỏi những “dấu chỉ của Nước Trời”, những phép lạ…, để tin vào một tôn giáo đích thực. Công nghệ thông tin phát triển, nếu như ở đâu đó có chuyện lạ như: “bánh hóa ra nhiều”, “người què đi được”, “kẻ chết sống lại”…, thì chỉ trong giây nát, cả thế giới sẽ biết đến. Thực ra, phép lạ vẫn xảy ra và được truyền khắp thế giới, nhưng họ vẫn cứng lòng. Đây không chỉ là thái độ của những người vô tín, những người khác tôn giáo, nhưng là của cả những người công giáo chúng ta.
        
Chúng ta có thể trở nên “dấu chỉ Nước Trời” hay làm phép lạ được chăng? Chúa Giêsu vẫn mời gọi chúng ta trở nên “dấu chỉ Nước Trời, làm những “phép lạ” để loan báo Tin Mừng cho Chúa. Dấu chỉ và phép lạ mà chúng ta có thể làm đó là nghe và thực hành Lời Chúa trong chính đời sống thường ngày của chúng ta. “Mến Chúa yêu người” là hai điều răn cơ bản và dễ nhớ nhất mà Chúa dạy chúng ta (nhưng không dễ để thực hiện). Khó thay, “sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm (Rm 7,19). Tôi muốn sống hòa thuận, yêu thương, đồng cảm, chia sẻ với những người thân trong gia đình, với bạn bè, với hàng xóm và với những con người sống chung trong “ngôi nhà trái đất”, nhưng tôi lại làm ngược lại. Tôi sống ích kỷ với người thân, khép kín với bạn bè, thờ ơ với hàng xóm và vô cảm trước những dòng người di cư đang tị nạn trên thế giới. Như thế, tôi có thể bình an và vui mừng khi đến trước tòa phán xét tối cao hay không?
        
Nghe, đọc Lời Chúa thì dễ, nhưng sống theo đường lối Tin Mừng cách triệt để thì thật là khó. Chắc chắn, với khả năng và giới hạn của con người tội lỗi, chúng ta không thể làm được, nhưng nếu Chúa muốn, thì mọi việc đều có thể (x. Mt 19,26; Mc 10,27; Lc 19,27). Đó chính là ơn ban mà Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người chúng ta.
        
Xin Chúa ban cho chúng ta có đủ sức mạnh, lòng can đảm và tình yêu để chúng ta biết lắng nghe và thi hành Thánh Ý Chúa, trở nên “dấu chỉ” và “khí cụ” của Chúa trong cánh đồng truyền giáo hôm nay.



Thứ Năm tuần 29 Thường niên

 
« Anh em tưởng rằng Thầy đến để đem hòa bình đến cho trái đất sao ? Thầy bảo cho anh em biết : Không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ » (Lc 12, 51).
 
Có lẽ ai trong chúng ta cũng ngần ngại khi nghe những lời này của Chúa Giêsu. Dường như nó mâu thuẫn với chính những lời dạy bảo và con người của Ngài, vốn được mệnh danh là sứ giả hòa bình. Đối với con người thời nay việc đón nhận lời ấy lại càng khó hơn, khi mà họ đang cố bám víu lấy những mạnh vụn của hòa bình hay những trạng thái bình an giả tạo hoặc ngắn ngủi. Khó khăn hơn khi chúng ta đặt lời này của Đức Giêsu trong bối cảnh truyền giáo. Dường như một rào chắn được dựng lên khi sứ điệp Tin mừng không phải là bình an.
 
Do vậy, chúng ta cần hiểu lời dậy bảo này trong bối cảnh của toàn Phúc Âm. Khi Chúa Giêsu đang rao giảng về Nước Trời, vương quốc của Thiên Chúa sắp đến gần. Nước mà mọi người đang mong chờ là tình trạng của bình an sung mãn với Thiên Chúa và đòi buộc một sự sám hối tận căn : « Nước Thiên Chúa đã đến gần, anh em  hãy sám hối và tin vào Tin Mừng ». Do đó, con người đòi buộc phải bước ra khỏi vỏ bọc để được thanh luyện. Như những vết thương cần được chữa lành, một cuộc thanh luyện không thể không gây đau đớn. Sự chia rẽ mà Chúa Giêsu nói ở đây nhắm đến chính nội tại con người chúng ta. Chính chúng ta sẽ bị giằng xé và sẽ đau đớn khi chấp nhận bước theo Tin mừng cách triệt để.
 
Điển hình cho lối sống thanh luyện này là các tín hữu thời Giáo hội sơ khai. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi luôn sống trong sự dấn thân tận cùng cho Nước Trời, thậm chấp nhận hy sinh gia đình mà mạng sống của mình. Xin cho chúng ta biết noi gương ấy mà biến đổi cuộc sống hàng ngày của mình

23.10.2015- THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Lc 12, 54-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:
Khi Chúa Giêsu rao giảng thường có một đám đông vây quanh Ngài. Nhưng không phải ai cũng lắng nghe Ngài, càng không phải có nhiều người hiểu Ngài. Nhiều người nghe với thái độ hờ hững, không suy xét để hiểu lời Ngài nói. Nhiều người tưởng mình hiểu Chúa mà lại hiểu sai. Vì vậy, hôm nay Chúa Giêsu khiển trách họ nặng nề: Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ? (Lc 12,56). Với lời này, Chúa mời gọi họ suy xét cho hiểu những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những lời Ngài giảng dạy, hầu nhận ra thời kỳ cứu độ đã đến để sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15).
Thiên Chúa nói với chúng ta qua nhiều biến cố, dấu chỉ xảy ra trong đời sống thường ngày. Chiếc lá xanh, đoá hoa thơm được cắm trên bàn thờ, đó có thể là lời mời gọi hãy ca tụng vẻ đẹp và quyền năng Chúa. Tiếng than thở của một người đang quằng quại trong cơn trọng bệnh, đó có thể là lời mời gọi hãy cầu nguyện tha thiết cho họ. Cảm thấy cay đắng bởi những tội lỗi đã phạm, đó có thể là lời mời gọi ta hãy mau thống hối, đến với tòa giải tội. Điều làm đẹp lòng Chúa, đảm bảo phần rỗi đời đời cho ta, không phải là khi ta làm những việc lớn lao cho Chúa, mà là khi ta làm theo thánh ý Chúa trong hiện tại vì “vâng phục thì trọng hơn mọi hy lễ” (1Sm 15,22).

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy rằng: “trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn mọi sự khác, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Xin cho chúng con một tâm hồn luôn biết tìm kiếm ý Chúa qua các dấu chỉ và biến cố của cuộc sống, để nhờ nhận ra và sống ý Chúa mỗi ngày, chúng con được hưởng phúc thiên đàng mai sau. Amen.

23.10.2015- THỨ SÁU TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN

Lc 12, 54-59
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: “Mưa đến nơi rồi”, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: “Trời sẽ oi bức”, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy có gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng.”
Suy niệm:

Dấu Chỉ Thời Đại
Khi nói về dấu chỉ của thời tiết, ca dao tục ngữ Việt Nam có câu:“Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy,Cơn đàng Nam vừa làm vừa chơi”.hay:“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”.
Đoán biết thời tiết để tiên liệu cho công việc là điều cần thiết. Vì thế, những người khôn ngoan thường biết nhìn xa trông rộng, biết làm cho cuộc sống hiện tại tốt đẹp mà còn hoạch định kế hoạch cho cuộc sống vững bền mai sau. Hơn thế nữa, những người được xem là trí thức học cao hiểu rộng hơn người, họ biết lợi dụng thời thế xã hội mà tiến thân. Có thể nói, con người đoán trước được những sự việc để lo cho cuộc sống đầy đủ tiện nghi. Nhưng Chúa muốn cảnh tỉnh cho con người biết phải sống như thế nào khi nhận ra các dấu chỉ của thời đại. Ngày hôm nay Chúa vẫn các dấu chỉ qua những người Chúa chọn. Chúng ta có thể thấy rõ các dấu chỉ mà Đức thánh Cha Phanxicô đưa ra những thông điệp như: ”Laudato sí”. “năm đời sống thánh hiến”. “Năm lòng Chúa thương xót”.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra những dấu chỉ của Chúa và cho chúng con đọc được những dấu chỉ của Chúa, để chúng con sống tốt với những người sống bên cạnh chúng con. Xin Chúa biến đổi trái tim chai đá của chúng con thành trái tim biết thương xót người nghèo,người đau khổ…
Giuse Nguyễn Đức Dũng, MF