Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Chúa Nhật XXV TN.B :KHIÊM TỐN PHỤC VỤ

                      

Tin Mừng: (Mc 9, 29-36)
                       
Bài đọc 1 của sách khôn ngoan là những thách thức của kẻ gian ác đối với những người công chinh. Dù bị thử thách, chống đối, phỉ báng, nhưng Thiên Chúa vẫn hộ phù và đáp cứu. Người công chính ám chỉ dân Israen và tiên báo về Đức Giêsu, Người con duy nhất được Thiên Chúa yêu thương.
Ai muốn theo Chúa cũng phải tiếp nối con đường Chúa đã đi, ai đấu tranh cho công bằng lẽ phải, sẽ gặp nhiều chống đối.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu loan báo về cuộc thương khó và sự phục sinh của Ngài. Nhưng các môn đệ không hiểu, lại còn tranh cãi với nhau về ngôi thứ địa vị.Các thánh sử có thể không nói đến chi tiết này,chẳng vẻ vang gì cho các môn đệ, nhưng các thánh sử ghi lại để lưu ý chúng ta về một khó khăn triền miên trong đời sống tâm linh: cho đi nhưng luôn luôn lấy lại chính mình.
Trong sự nghiệp Nước Trời, không có ai là đầu, vì chỉ có Thiên Chúa là Cha,Đức Giêsu là Thầy,còn mọi người đều là anh em của nhau,cùng có bổn phận chăm sóc cho nhau, phục vụ lẫn nhau.Chúa dạy phải làm tôi tớ mọi người, nghĩa là trung thành phục vụ vô điều kiện, không vì lợi lộc, danh vọng, mà chỉ vì sứ mạng và bổn phận là con Thiên Chúa, là anh chị em cùng một Cha chung.Theo Chúa, phục vụ khác hẳn với quan niệm trần tục,vì Ngài đến không phải để được phục vụ,mà là để phục vụ mọi người, Theo Chúa,chúng ta đi vào con đường phục vụ.Mỗi người thử xét mình đã là đầy tớ anh chị em đến mức nào? Hay óc quan liêu, bè phái, đã biến chúng ta thành những người tìm được phục vụ hơn là phục vụ.
Thánh Gacôbê nêu lên,trong bài đọc 2, những đức tính mà người đi phục vụ phải tập là: ôn hòa,bao dung,không xét đoán thiên vị,không giả dối,nhưng xây dựng hòa bình. 

Nhưng trong chính chúng ta có con người ác, trong xã hội có những người có ác tâm do dục vọng chi phối, có dã tâm làm hại người khác vì tìm lợi cho mình.Nhưng may thay, ngày nay không thiếu những người chỉ cầu mong được phục vụ anh em, đồng bào và những người bất hạnh nhất về mặt tinh thần,vật chất,văn hóa, sức khỏe, cho dù họ bị chống đối, nhục mạ, nghi ngờ.Họ là những người không có tham vọng,không cai trị ai,mà là những người theo Chúa,tuyên xưng đức tin bằng cuộc đời hy sinh,đi gieo rắc hòa bình,niềm vui được phục vụ, và lấy sự nghiệp Nước Trời hơn cả mạng sống và danh dự của mình.Họ là những người tiếp tục tuyên tín bằng phục vụ khiêm tốn.

Chúa Nhật XXV/TN/B


Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô
Mc9,30-37
30Một hôm, Đức Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giêsu không muốn cho ai biết, 31vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”32Nhưng các ông không hiểu điều đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
33Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà. Đức Giêsu hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35Rồi Đức Giêsu ngồi xuống,gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người ĐỨNG ĐẦU, thì phải làm người rốt hết, và làm người PHỤC VỤ mọi người”. 36Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
Đó là Lời Chúa.
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXV/TN/B . Mc9,30-37
Người Lãnh Đạo phải là người Phục Vụ !
Đại ý : Một lần nữa, Đức Giêsu báo trước cuộc tử nạn của Người. Người cũng dạy cho biết: giá trị đích thực của con người là phục vụ, và các môn đệ của Người phải phục vụ hữu ích và vô vị lợi !
Ta Suy Niệm Ba điều :
1-ĐỨC KITÔ TỰ NGUYỆN CHẾT và PHỤC SINH có thể giải phóng nhân loại khỏi định mệnh là sự chết … Đức Giêsu báo trước cuộc tử nạn của Người (Mc,8,31+ 9,31+10,33) để minh chứng rằng : Cái chết của Người không phải là một tai nạn rủi ro ngoài ý muốn, nhưng là một hành vi tự hiến của Tình yêu, đã dự liệu trước trong chương trình Thiên Chúa cứu độ loài người ! Và điều lạ lùng hơn nữa, là NGƯỜI SẼ SỐNG LẠI để giải phóng nhân loại khỏi định mệnh cuối cùng là CÁI CHẾT. Để minh chứng điều đó, thì chính Người đã tự mình SỐNG LẠI ! Đó là điều mà không một vĩ nhân nào làm được, dù là Phật Thích Ca hay Mahômét ! Chính Người đã xác quyết : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc9,30).
2-GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC của đời người là LÀM ÍCH cho người khác. …Khi nói “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và phải phục vụ mọi người”, Đức Giêsu không chủ trương đảo lộn trật tự xã hội, nhưng Người chỉ dạy về “Giá Trị đích thực” của mỗi người nơi trần thế: không căn cứ trên của cải, chức quyền, nghề nghiệp, tri thức …nhưng ở ích lợi làm cho người khác, gọi là phục vụ ! Vì thế, Kẻ có chức quyền, địa vị càng cao, thì càng phải biết dùng quyền thế, địa vị của mình mà phục vụ nhiều, làm ích nhiều cho người dưới, một cách vô vị lợi, như một người đầy tớ tốt …Vì chức quyền nào cũng chỉ là để phục vụ hạnh phúc nhân dân,chứ không phải để trục lợi,vơ vét cho đầy túi tham!
3-“PHỤC VỤ LÀ CHO ĐI HỮU ÍCH VÀ VÔ VỊ LỢI”… Đức Giêsu đã đưa ra “việc phục vụ một em bé” làm “mẫu mực” cho mọi việc “phục vụ,” đó là “hữu ích và vô vị lợi”: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…”. Phục vụ là cho không, là biếu không, là chỉ vì yêu Đức Kitô mà thôi, chứ không phải “để được cho lại.”. Ai phục vụ “hữu ích và vô vị lợi” như thế, mới là người “lớn” trước Thiên Chúa. Còn ai không phục vụ như thế, thì dù có ở địa vị cao chót vót trong xã hội, cũng vẫn là kẻ “nhỏ” trước Thiên Chúa mà thôi! Vậy, có “nói quá” chăng, nếu bảo là: đã có lần, chúng ta đã “từ khước”, “không tiếp đón”, “bỏ mặc”, thậm chí, có lần đã “giết” luôn cả Chúa nữa !
*Chuyện kể rằng : Một tu sĩ gìa đã cầu nguyện lâu năm xin được thấy Chúa hiện ra một lần rồi chết cũng được. Nhưng điều ấy chẳng bao giờ xảy ra. Thế rồi, khi mà ông hoàn toàn không còn hy vọng gì nữa, thì một ngày nọ, Chúa lại hiện ra với ông. Vị tu sĩ này mừng quá. Nhưng ngay lúc đó, tiếng chuông tu viện lại vang lên, báo hiệu đã đến giờ phát chẩn cho người nghèo mỗi ngày, họ đang chờ ở cổng tu viện. Hôm nay lại đến phiên ông phải đi phát chẩn cho họ. Nếu ông chậm trễ không ra kịp, đám dân nghèo kia sẽ phải bụng đói ra về, vì tưởng hôm nay không có gì ! Vị tu sĩ bị giằng co giữa nhiệm vụ và cuộc diện kiến với Chúa. Tuy nhiên, trước khi hồi chuông dứt, thì ông đã ngưng cuộc diện kiến, cho dù lòng nặng chĩu buồn tiếc, để đi phát chẩn cho dân nghèo. Gần một tiếng sau mới xong việc, vị tu sĩ gìa trở về phòng mình, khi mở cửa ra, ông rất đỗi vui mừng, không thể tin vào mắt mình : Chúa vẫn chờ ông ở đó ! Ông vội quỳ xuống cảm tạ Chúa. Chúa liền nói với ông : “Hỡi con, giả như con không chịu đi phát chẩn cho dân nghèo, thì Ta đã không ở lại đây.”

Lạy Chúa Giêsu,
Xin ban thêm cho con Đức Tin và Lòng Bác Áùi chân thành,
Để con Nhận Ra Chúa hiện diện trong mọi người sống chung quanh con,
Hầu Yêu Thương và Phục Vụ họ, như phục vụ cho chính Chúa,
Vì mỗi lần con làm việc gì cho một kẻ bé nhỏ nhất, hèn mọn nhất,

Thì cũng được Chúa nhận là con đã làm cho chính Chúa mà thôi. Amen.

CHÚA NHẬT 25 TN B – 2015



Thánh Phanxicô Salêsiô là một giám mục nổi tiếng. Ngài có một người giúp việc rất siêng năng chăm chỉ làm việc nhưng lại mắc phải cái tật rượu chè. Buổi tối khi công việc đã xong, anh thường hay xuống phố cùng với mấy người bạn để nhậu lai rai nơi các quán cóc.

Một đêm kia, anh ta nhậu ngoắc cần câu, về tới nhà thì trời đã khuya. Vì xỉn quá, anh ta không còn biết mở cổng để vào nhà, thế là anh ta nằm ngay trước cổng tòa giám mục mà ngủ. Lúc bấy giờ thánh Phanxicô Salêsiô vẫn còn thức, nghe tiếng chó sủa, ngài liền ra mở cổng và khi nhận ra anh giúp việc, ngài bèn bồng anh ta, đặt vào giường của mình để anh ngủ.Ngài không dám để anh ngủ một mình sợ nhỡ anh bị trúng gió trúng độc.

Buổi sáng thức dậy, anh giúp việc thấy mình nằm trong phòng của Đức giám mục, bèn nhớ tới bữa nhậu tối hôm trước và thế là anh vội quì xuống xin Đức giám mục tha thứ. Và cũng kể từ đó anh chừa bỏ được cái tật xuống phố nhậu lai rai với bè bạn.

Qua câu chuyện trên, chúng ta nhận thấy thái độ cư xử của thánh Phanxicô Salêsiô thật đẹp và tỏ rõ lòng nhân từ của Ngài. Là một vị giám mục nổi tiếng, thế mà ngài không ngần ngại cúi xuống, bồng ẵm người đầy tớ đang say xỉn, lại còn đem về phòng, đặt trên giường của mình cho người đầy tớ ấy được yên giấc. Thái độ ân cần ấy gợi lại cho chúng ta hình ảnh một người Samaria nhân từ trong Phúc âm, đồng thời cũng nhắc nhở cho chúng ta nhớ tới lời Chúa truyền dạy nơi trang TM chúng ta vừa nghe đọc: Ai muốn làm lớn, hãy trở nên như tôi tớ cho mọi người.
Trở lại trang TM, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội này dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vị trí bị đảo ngược. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ còn có những yêu thương. Sẽ chỉ còn có những quan tâm nâng đỡ và sẻ chia. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Người không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.
Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến chúng ta giật mình lo lắng. Không những chúng ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi chúng ta còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Chúng ta vẫn còn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Chúng ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Chúng ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. chúng ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Chúng ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.
Kính thưa… Để kết thúc…Có một giai thoại lý thú về bác sĩ Charles Mayo, người thường được nhắc tới với cái biệt hiệu là “bác sĩ giám đốc đánh giày”. Cùng với cha và người em của mình, bác sĩ Charles Mayo đã xây dựng bệnh viện Mayo nổi tiếng trên thế giới tại thành phố Rochester, bang Minnnesota, Hoa Kỳ.

Lần kia, một phái đoàn y khoa được cử đến thăm bệnh viện. Theo truyền thống của bệnh viện, quí khách sẽ để giày trước cửa phòng riêng của mình, và bệnh viện sẽ bố trí nhân viên đến đánh bóng các đôi giày ấy. Tối hôm đó, bác sĩ Charles Mayo làm việc trễ và là người về phòng sau cùng. Ông thấy các đôi giày ở trước các phòng của khách vẫn chưa được nhân viên phụ trách đánh bóng! Có thể họ đã quên làm việc này chăng? Ông liền đi kiếm xi và bản chải, rồi lần lượt đến trước mỗi phòng đánh bóng các đôi giày của khách. 
Câu chuyện bác sĩ giám đốc đánh giày này đã trở thành một huyền thoại! Bác sĩ Charles Mayo được ca tụng không những vì có tài chữa bệnh, hay vì những công trình y khoa to lớn đem lại nhiều lợi ích cho nhân loại, mà còn vì đời sống khiêm nhường phục vụ của ông. Ông không nề hà làm bất cứ việc gì để phục vụ tha nhân, dù việc ấy không xứng với địa vị của ông.


Chúng ta không biết bác sĩ Charles Mayo có thấm nhuần giáo huấn của Đức Kitô hay không, nhưng những việc phục vụ mà ông đã là đúng theo tinh thần của người môn đệ Đức Kitô: càng làm lớn càng phải phục vụ mọi người.