Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

THỨ TƯ SAU CHÚA NHẬT 24 TN B


Lc 7,31- 35
Trên đường phố ở Do thái, thỉnh thoảng người ta gặp thấy bọn trẻ con chơi trò đám cưới hoặc đám tang. Chúng chơi như sau:Đám cưới thì có một nhóm thổi sáo và một nhóm múa nhảy. Đám tang thì có một nhóm than vãn và một nhóm khóc lóc. Đôi khi, giữa lúc chơi, có những đứa muốn chơi trò đám cưới và bắt những đứa khác phải theo ý chúng, nghĩa là khi chúng thổi sáo, những đứa kia phải nhảy múa, chứ không được chơi trò đám tang nữa. Đó là những đứa trẻ khó tính, chỉ muốn mọi đứa trẻ khác phải theo ý của nó.
Chúa Giêsu đã lấy lại sự việc trẻ con chơi đùa này để áp dụng cho nhóm biệt phái và luật sĩ, những đối thủ của Ngài. Họ là những kẻ khó tính như những đứa trẻ khó tính. Họ chỉ biết lấy ý mình và bản thân mình làm trung tâm và bắt mọi người khác phải theo họ. Họ chấp nhận cuộc chơi, nhưng khi tiếng sáo thổi lên thì lại không nhảy múa; chấp nhận diễn kịch, nhưng khi bài hát đưa đám được cất lên thì lại không khóc theo. Họ mong chờ Đấng Cứu thế đến, nhưng khi Gioan Tẩy giả loan báo về Đấng Cứu thế, họ đã không chấp nhận nếp sống khổ hạnh của ông: “Gioan tẩy giả đến, không ăn bánh, không uống rượu thì họ cho là “có quỉ ám”, và Chúa Cứu thế đến, Ngài ăn và uống giống mọi người, thì họ lại bảo “Ngài mê ăn, mê uống, chè chén cùng với quân thu thuế và tội lỗi. 
Mong chờ Đấng Cứu thế, nhưng không chấp nhận những thể hiện của thời cứu thế, trông đợi Đấng Cứu tinh, nhưng phải là Vị Cứu tinh do mình tạo ra, đó là thái độ của những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thái độ ấy cũng là cơn cám dỗ triền miên của các kitô hữu thời đại chúng ta. Chúa Giêsu đã nói:”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mà theo Ta”. Chúng ta mang danh hiệu kitô, chúng ta muốn làm môn đệ Ngài, nhưng có lẽ chúng ta chưa bỏ chính mình để chấp nhận và sống theo giáo huấn của Ngài.

Qua việc Chúa Giêsu than trách những người Dothái, sứ điệp trang TM muốn giáo huấn chúng ta rằng: khi chúng ta làm bất cứ việc gì trong sứ vụ nào, chúng ta cũng không tránh khỏi những sự chê bai chống đối của người khác, làm cản trở công việc của chúng ta, chúng ta cần bình tĩnh và can đảm chịu đựng như Gioan tẩy giả, như Đức Kitô đã nêu gương cho chúng ta. Chúa Giêsu khiển trách và vạch rõ sai lầm của những người cố chấp, đặc biệt là nhóm biệt phái kinh sư. Ngài đã áp dụng một phương pháp sư phạm khôn khéo và một cách thức tế nhị, đúng như người ta thường nói: “với người khôn thì nói mánh với người dại thì đánh đòn”. Chúng ta cũng bắt chước Chúa Giêsu yêu thương tôn trọng, tế nhị với người khác khi chúng ta cần sửa sai cho họ một điều gì. 
Khi đi làm tông đồ, bản thân chúng ta cũng cần khổ chế như Gioan tiền hô và cũng cần sống hoà đồng như Đức Kitô để tạo tình thân với mọi người, thuận lợi cho việc rao giảng. 
Sứ điệp lời Chúa hôm nay còn khuyên mời ta đừng bao giờ là bản sao của nhóm biệt phái, luật sĩ mà coi mình là trung tâm, là thước đo, là tiêu chuẩn để phê phán người khác. Đừng bao giờ cố chấp trước cái hay, cái tốt, cái thành công của người khác. 
Thiên Chúa vẫn ban ơn dồi dào để chúng ta có thể nhận ra Ngài, nhận ra công việc Ngài làm trong cuộc đời của mỗi người chúng ta. Chút nữa đây trong bàn tiệc Thánh Thể, Ngài lại còn ban dồi dào hơn nữa ân sủng của Ngài, chúng ta hãy thành tâm và thiện chí đến múc lấy nguồn ơn vô giá đó.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con lòng khiêm nhường, hầu chúng con dễ dàng đón nhận Chúa, cũng như đón nhận cái hay cái tốt nơi người khác, để hoà hợp và cộng tác với mọi người mà xây dựng lợi ích chung, thực hiện thánh ý Chúa Cha trong công trình cứu độ. Amen!

Thứ Năm Tuần XXIV Thường Niên Năm B


Sám hối là một trong những hành vi quan yếu trong đời sống tôn giáo. Câu chuyện tiêu biểu nhất của sám hối trong Kinh Thánh cũng như trong cả lịch sử nhân loại, hẳn phải là câu chuyện của vua Đavít.
Chuyện kể rằng một đêm trăng nọ, từ hoàng cung nhìn xuống một ngôi vườn bên cạnh, nhà vua nhìn thấy một phụ nữ đang tắm. Đã có trong tay biết bao cung phi mỹ nữ, nhưng nhà vua vẫn chưa thoả mãn với những gì mình đang có. Ông liền cho người điều tra, và mặc dù biết được người phụ nữ ấy là vợ của một trong những sĩ quan thân tín nhất trong quân đội của ông, Đavít vẫn không chế ngự được lòng ham muốn của mình. Đavít đã cho gọi người phụ nữ ấy vào cung, và sau khi thoả mãn dục vọng, ông liền nghĩ ra kế cướp đoạt luôn người phụ nữ. Ông cho điều viên sĩ quan, chồng của người phụ nữ đến một địa điểm giao tranh nguy hiểm và kết quả đã xảy ra đúng kế hoạch của nhà vua: viên sĩ quan đã hy sinh ngoài trận mạc, nhà vua chính thức rước vợ của viên sĩ quan này vào cung và chính thức cưới bà làm vợ.
Cưỡng đoạt vợ người và giết người một cách tinh vi khôn khéo, đến độ không ai đặt nghi vấn đã đành, mà chính nhà vua cũng cứ ung dung tự tại như không hề có chuyện gì xảy ra. Thế rồi một hôm, Thiên Chúa đã sai tiên tri Nathan đến gặp nhà vua; Nathan khai mào cuộc đàm đạo bằng câu chuyện như sau: “Có một nhà phú hộ giàu có đến độ không thiếu sự gì, trong khi đó người láng giềng nghèo tới mức chỉ có mỗi một con bê con là tài sản. Một hôm có khách đến thăm, người giàu có muốn làm tiệc đãi khách, nhưng thay vì giết con thú từ đàn súc vật của mình, ông lại sai người bắt bê con của người láng giềng làm thịt. Vừa nghe đến đó, nhà vua nổi giận và muốn biết người giàu có đó là ai để trừng phạt. Sau một hồi thinh lặng, Nathan ôn tồn nói và đưa ra phán quyết: “Người đó chính là bệ hạ”. Trong phúc chốc, vua Đavít bỗng nhận diện được chính mình, ông nhìn nhận mình đã hành động sai trái và ý thức về tội lỗi đã phạm. Từ đó, người ta không chỉ nhắc đến ông như một người hùng nhỏ bé đã chiến thắng tên khổng lồ Gôliat, mà còn được nhắc nhớ nhiều hơn vì hành vi sám hối còn lại của ông. Bài thơ về sám hối của ông đã trở thành một trong những lời cầu nguyện ý nghĩa nhất của Kitô giáo. Đó là các thánh vịnh do ông sáng tác.
Trong cuộc sống hôm nay, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học từ câu chuyện sám hối của vua Đavít. Bài học cơ bản nhất phải là ý thức về thân phận bất toàn tội lỗi của mình. Lịch sử nhân loại vốn là thể hiện của vô số những vấp ngã sai trái của con người. Sẽ không có bất công, không có chiến tranh, không có đau khổ, không có chết chóc, nếu mọi người đều là thiên thần. Nhưng tự biết mình có thể sai lầm và vấp ngã không phải là điều dễ dàng đối với mọi người. Mỗi người vốn có một lương tâm như toà án tối cao nhất. Con người có thể luồn lách qua những kẽ hở của luật pháp xã hội, nhưng không ai có thể thoát khỏi phán quyết của lương tâm. Chối bỏ tiếng nói của lương tâm là chối bỏ chính mình, và như vậy cũng có nghĩa là tự huỷ.
Trở về trang TM chúng ta vừa nghe, các người biệt phái đã khó chịu về hành vi của người phụ nữ đập bình dầu thơm và lau chân Chúa. Nhưng Chúa đã nhìn thấy tấm lòng sám hối của chị. Chị không màng đến sĩ diện. Chị không tiếc về của quý. Chị chỉ muốn biểu lộ lòng sám hối chân thành và tình yêu dành cho người đã giúp chị hoàn lương. Chị đã làm với cả một tấm lòng vị tha.
Nhìn lại quãng đời đã đi qua, có lẽ chúng ta cũng nhận ra mình từng có những sai lỗi. Thế nhưng, đã bao giờ chúng ta sám hối chân thành? Đã bao giờ chúng ta ăn năn về lầm lỗi của mình và làm một việc gì đó tỏ lòng sám hối ăn năn?
Xin Chúa cho chúng ta nhận ra tình thương của Chúa luôn dành cho chúng ta. Để dù tội lỗi đến đâu chúng ta vẫn tin rằng Chúa vẫn tha thứ và tiếp tục yêu thương chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su,
Với thân phận yếu đuối bất toàn, chúng con xin mượn lời của thánh Phê-rô để thưa lên cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa”. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học sống yêu thương. Yêu thương người công chính và yêu thương cách đặc biệt với cả những kẻ tội lỗi.
Lạy Chúa, mỗi người chúng con đều là tội nhân được Chúa yêu thương, xin giúp chúng con biết đón nhận nhau trong bao dung và tha thứ. Và xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiếu cảm thông và thái độ bất khoan dung với tha nhân. Amen.

THỨ SÁU SAU CN 24 TN NĂM B




Lc 8, 1-3
Cha Michel Martini, một nhà thần học nổi danh người Ý đã thuật lại một câu chuyện như sau: Khi tôi đi truyền giáo ở Brazil, ngày kia một người đàn bà Brazil mà tôi quen biết vài năm nay goị tôi ra một nơi và nói nhỏ:" Thưa cha, con muốn tiết lộ cho cha một bí mật. Xin cha đến nhà con." Tôi chấp nhận lời mời của bà và đến nhà bà ta, bà dẫn tôi vào phòng ngủ của đứa con trai bà. Đó chính là một quái thai. Đầu đứa nhỏ to như đầu người lớn, nhưng thân mình của nó bé tí xíu. Đôi mắt nó thật to và luôn nhìn chằm chằm lên trần nhà. Tôi rùng mình thốt lên : "Chúa ơi !" Nhưng bà ta nói : "Thưa Cha, từ tám năm nay con chăm sóc đứa con này của con, nó chỉ biết có một mình con mà thôi, và con rất hài lòng về nó, hầu như không một người nào khác biết đến sự hiện diện của nó" - Rồi bà ta lớn tiếng nói: "Thiên Chúa là Đấng nhân lành. Ngài là Cha". Bà ta nhìn lên trời nói tiếp với giọng bình thản: "Xin vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời"
Cha Michel Martini cho biết: "Tôi rời nhà bà ta trong sự khâm phục và kính nể. Đầu tôi cúi xuống kinh hoàng vì đứa trẻ quái thai, đồng thời ngỡ ngàng vì thái độ bình thản của bà mẹ. Rồi bất chợt một câu Kinh Thánh xuất hiện trong đầu tôi. Đó là lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà mắc bệnh hoại huyết: "Hỡi bà đức tin của bà thật lớn lao"
Quả thực đức tin của người đàn bà xứ Brazil trong chuyện kể của Cha Michel Martini trên đây thật là lớn lao dường nào ! bà không chửi trời trách đất vì có đứa con quái thai như thế, trái lại bà đã sống trọn tinh thần lời Chúa dạy: "Hai con chim sẻ mới bán được một đồng, thế mà không một con nào rơi xuống đất ngoài ý Thiên Chúa. Và như lời thánh Phaolô tông đồ đã nói với các tín hữu Roma: "Mọi sự đều cộng tác để mang lợi ích cho những người có lòng kính mến Chúa". Chính lòng yêu mến Chúa đã ban sức mạnh cho người phụ nữ Brazil đó chấp nhận nghịch cảnh đau thương, chấp nhận đứa con tàn tật của bà mà không kêu than hay tìm cách sát hại con mình.
Brazil đã có người phụ nữ tuyệt vời như thế. Quay lại trang TM chúng ta vừa nghe đọc, thời Chúa Giêsu và cho đến thế kỷ 14, người ta vẫn còn xem người phụ nữ như một thứ nguy hiểm, một cám dỗ triền miên, một tạo vật thấp hèn, hay cùng lắm chỉ là phương tiện để bảo tồn nòi giống. Một quan niệm và đối xử như thế đối với người phụ nữ vẫn còn rơi rớt trong thời đại chúng ta: trong biết bao xã hội, phụ nữ vẫn còn bị đối xử như chưa bình đẳng với nam giới.
Chúa Giêsu quả thực đã làm một cuộc cách mạng khi đảo lộn quan niệm về nữ giới nơi những người đồng thời với Ngài. Ngài đã rất tuyệt vời trong cách đối xử với nữ giới. Những người phụ nữ mà thánh Luca nhắc đến trong đó có người đã từng bị quỉ ám. Mối quan tâm của Chúa Giêsu đối với nữ giới, nhất là việc Ngài chữa lành cho họ, là dấu chỉ cho thấy họ đã được tự do, không những được giải phóng khỏi sức mạnh tăm tối, mà còn trở nên bình đẳng trước mặt mọi người.
Để nói lên sự bình đẳng ấy, Chúa Giêsu cho các phụ nữ được tham gia vào sinh hoạt của nhóm Mười hai. Sự hiện diện và phục vụ của họ bên cạnh Chúa Giêsu và nhóm Mười hai chứng tỏ rằng trong Giáo hội của Ngài không hề có sự phân biệt phụ nữ. Sự kiện những phụ nữ đi theo Chúa Giêsu ngay từ lúc Ngài bắt đầu sứ vụ công khai, cũng chứng tỏ rằng họ là những người đồng hàng với các Tông đồ trong việc loan báo Tin mừng của Ngài. Có sứ mệnh và trách nhiệm loan báo sứ điệp Tin mừng.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh cho bao nhiêu gia đình đang đau khổ vì có những người con tật nguyền, bất bình thường. Xin Chúa trở thành nguồn vui mang lại ơn thánh hoá cho họ và cho tha nhân.
Xin cho họ biết vâng ý Cha dưới đất cũng như trên trời như bà mẹ Brazil can đảm trên đây.
Xin Chúa cũng dạy chúng ta biết quảng đại, nâng đỡ và cảm thông với những gia đình đang gặp khó khăn, bất hạnh, những bà mẹ sầu khổ vì con cái mình . Amen !