Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Tô mì của người lạ


Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang trên đường, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.

Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!

Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quấy hàng bèn hỏi:

- Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?

- Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền... - cô thẹn thùng trả lời.

- Ðược rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì.

Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc

- Có chuyện gì vậy? - ông ta hỏi

- Không có gì. Tại cháu cảm động quá! - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.
- Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu.... "bả" ác độc quá!!" - cô bé nói với người bán mì...

Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài:

- Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi, tôi mới chỉ đãi cô một tô mì mà cô cảm động như vậy, còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô không biết ơn mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?

Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó.

"Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ? Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ dù chỉ một chút. Mà chỉ vì chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ.

Trên đường về, cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ:" Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con..."

Khi bước lên thềm, cô nhìn thấy mẹ đang lo lắng và mệt mỏi vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói:" Sue, vào nhà đi con. Chắc con đói bụng lắm rồi phải không? Cơm nước mẹ nấu xong rồi, vào nhà ăn ngay cho nóng..."
Không thể kiềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.

Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích với những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hi sinh của họ như chuyện đương nhiên...

Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quá quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.

THỨ BẢY 05.12 - Tuần I Mùa Vọng

Is 30:19-21.23-26; Mt 9:35 – 10,1.6-8
Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt.
SỨ VỤ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ
Quán ăn bên đường tấp nập người vô ra, ăn uống náo nhiệt. Bỗng: “Rầm!”. Một cụ già bị xe tông ngã soài trước hàng quán. Chiếc xe phóng nhanh tẩu thoát. Cụ già đau đớn, loạng choạng cố gượng dậy. Mọi người vẫn thản nhiên ăn uống, chẳng ai đến nâng cụ dậy. Nhìn. Lắc đầu. Nói: Rõ khổ!
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được biểu lộ trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Vì yêu thương nhân loại, Đức Giêsu đã xuống thế làm người và chết đau thương trên thập giá để mang ơn cứu rỗi cho chúng ta.
Tuy nhiên, Đức Giêsu không muốn cứu rỗi thế giới một mình. Người muốn con người cộng tác với Người. Khi thấy đám đông vất vưởng, bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, Đức Giêsu đã sai các môn đệ đến với họ để nâng đỡ, cứu giúp và đem ơn cứu độ đến cho họ.
Hôm nay, chúng ta có sẵn sàng cộng tác với Đức Giêsu như Người mời gọi?
Lạy Chúa, xin giúp chúng con trở nên những sứ giả nhiệt thành loan báo Tin mừng và trao tình thương Chúa cho tha nhân.
Hình minh hoạ: Thiên Chúa của người nghèo khó (còn có tên là Saint Russia), tranh sơn dầu, vẽ năm 1899, của họa sĩ người Nga nổi tiếng Mikhail Nesterov (1862-1942).



CHÚA NHẬT 06.12 - Chúa Nhật II Mùa Vọng

Br 5:1-9; Pl 1:4-6.8-11; Lc 3:1-6

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
SÁM HỐI
Người xưa dạy rằng: Nếu gây ra lỗi lầm thì công khai nhận lỗi lầm ấy, rồi tìm nguyên nhân và đề ra biện pháp hầu quyết tâm sửa chữa. Thái độ đối với lầm lỗi như thế là thước đo một người chân chính.
Cuộc đời con người là một cuộc lữ hành tiến về quê trời. Trên con đường này, luôn có những thách đố, cám dỗ từ tiền tài, vật chất, danh vọng, quyền lực... khiến lòng người nhiều lúc điên đảo. Cho nên, không ít thì nhiều, con người khó tránh khỏi những lỗi lầm với Thiên Chúa, với tha nhân và với bản thân. Vì thế, con người luôn được mời gọi sám hối, quay về giao hòa với Thiên Chúa, với anh chị em và với bản thân.
Trong mùa Vọng, Giáo hội kêu mời con cái mình trở về với nguồn cội là Thiên Chúa. Trình thuật Tin mừng mời gọi chúng ta “tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội”. Thật vậy, Thiên Chúa là Cha luôn đi bước trước trong việc bày tỏ tình thương với con người. Lòng ăn năn sám hối là lời đáp trả trước tình thương vô bờ của Thiên Chúa.
Trình thuật Tin mừng còn đưa ra những chỉ dẫn để chúng ta thể hiện lòng sám hối của mình. Đó là: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. Những chỉ dẫn này, khi mới nghe, có thể chúng ta thấy nhẹ nhàng, nhưng để thực hiện trong suốt cuộc đời, đòi buộc phải có một sự dấn thân quyết liệt và hy sinh to lớn.
Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho chúng con, để chúng con luôn sẵn lòng vâng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống.

THỨ HAI SAU CN II VỌNG NĂM C Lu-ca 5, 17-26

Chúng ta vừa nghe một câu truyện Tin mừng sống động về việc Chúa Giêsu giảng dạy trong một ngôi nhà kia và việc Ngài chữa bệnh cho người bất toại ở đó. Để hiểu rõ việc người ta thả nguyên cái giường có người bệnh nhân nằm trên đó từ trên mái nhà xuống trước mặt Chúa Giêsu như thế nào, thì chúng ta nên biết thiết kế về ngôi nhà của người Palestine. Nhà của họ có mái bằng, chỉ hơi nghiêng một chút đủ cho nước chảy xuống. Mái gồm những cây đà ngang gác từ bờ tường này sang bờ tường bên kia, cách nhau bằng những khoảng ngắn. Những khoảng đó được che bằng những cành nhỏ đan lại, trét vữa và láng cho bằng mặt. Rất dễ dàng dỡ ra để có một khoảng trống giữa hai cây đà ngang. Mỗi ngôi nhà đều có bậc thang để lên trên mái một cách dễ dàng.
Trở lại diễn tiến câu chuyện: khi gặp được Chúa do những người nhà tốt bụng và có sáng kiến thả mình từ mái nhà xuống, lòng tin của anh bất toại nhiều năm đã bùng cháy lên sau nhiều năm trời tắt ngúm. Cuộc gặp gỡ này đánh dấu một khúc quanh trong cuộc đời anh. Thật ra thì ước nguyện duy nhất của anh cũng như của thân nhân và cả đám đông là làm sao được khỏi bệnh đã. Nhưng lời tuyên bố của Chúa lại làm cho mọi người ngỡ ngàng “Hỡi con, tội của con đã được tha”. Họ ngỡ ngàng vì tưởng đâu gặp được vị lương y cao tay, ai dè gặp phải một vị giải tội cho kẻ tê bại. Người ta đem anh ta tới vì anh tê bại chứ không phải vì anh tội lỗi. Nhưng Chúa Giêsu đi ngược lại quan niệm của họ. Chúa chữa trị tê liệt tâm hồn trước đã và đấy mới là mục đích của Chúa. Bệnh nhân đau khổ không phải vì đau yếu thể xác cho bằng đau yếu tâm hồn vì thiếu vắng Chúa. Chúa Giêsu thấy anh bất toại đau khổ về thể xác nhưng Chúa muốn chỉ ra cái đau khổ trong tâm hồn mới quan trọng cho anh. Cho nên Chúa muốn cho anh và mọi người thấy phần hồn phải ưu tiên giải quyết trước khi phần thân thể lành lặn. Chữa bệnh phải chữa tận gốc rễ mới được. Vì thế trước khi chữa thân xác, Chúa tha tội cho bệnh nhân đã. Để minh chứng điểm đó, Chúa nói: “Tội lỗi của con đã được tha”. 
Nghe thấy thế những người biệt phái cho rằng: Chúa nói lộng ngôn, vì dám kể mình ngang với Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Còn đây Chúa Giêsu nhân danh chính Ngài, Ngài có quyền. Và để minh chứng cho việc tha tội và để người Do thái biết đến uy quyền tha tội này, Chúa đã làm phép lạ ngay trước mắt mọi người. Chúa bảo: “Hãy chỗi dậy vác giường mà về” (c.24). Anh ta vác đi nghênh ngang trước sự ngạc nhiên kinh hoàng của mọi người. Anh ta và cả dân chúng lúc ấy tôn vinh tạ ơn Chúa. 
Anh chàng bất toại bị bất lực hoàn toàn nên phải nhờ tới thân nhân giúp đỡ. Khi chúng ta lầm lỗi cũng thế. Chúng ta không thể tự mình chỗi dậy đi về Nước trời được đâu. Một khi có tội ta giống như bị sa xuống vực thẳm cần một người ở ngoài kéo lên. Người ấy là Chúa Giêsu.
Mùa vọng về là dịp chúng ta tha thiết xin Chúa kéo chúng ta ra khỏi hố thất vọng của tội lỗi và giúp chúng ta trở về với đường chính nẻo ngay, chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng đón Chúa đến trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Amen.

CN II MÙA VỌNG NĂM C - 2015 NGƯỜI PHU QUÉT LÁ


Trong Tác phẩm “ Người phu quét lá”, ĐGM Phêrô Nguyễn Khảm đã ví von, đời Linh mục như người phu quét lá: “Người phu quét lá bên đường. Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu” (Ns.Trịnh Công Sơn).
Người phu quét lá bên các nẻo đường, dù mưa dầm hay nắng hạn, họ vẫn ngày ngày có mặt từ sáng sớm tinh sương để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Linh mục, mỗi ngày cũng dọn đường tâm hồn cho con người đi đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Trong ý nghĩa đó, có thể nói, Gioan Tiền Hô, mà trang TM hôm nay nhắc đến, cũng là “Người phu quét lá” dọn đường cho Chúa Cứu Thế đến với nhân loại. 
Kính thưa…Bước vào tuần thứ II Mùa Vọng, bao giờ GH cũng cho chúng ta gặp con người mang tên Gioan, vị ngôn sứ đi trước dọn đường và dọn lòng người để đón Đấng Cứu Thế. Thực thi sứ vụ dọn đường, Ngôn Sứ Gioan luôn gắn bó với Thiên Chúa và sống gần gũi với con người. Gioan trở nên trung gian làm người dọn con đường tâm hồn cho mọi người đến với Chúa Cứu Thế.
Ông chính là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu ước. Ông đáp lại tiếng Chúa gọi, ra đi rao giảng về Nước Trời, dọn đường cho Chúa Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi cách nhiệt thành và đã đón nhận cái chết như một thiên anh hùng ca cho sứ vụ một cách tuyệt vời. 
Trang TM chúng ta vừa nghe, Gioan đã nhắc lại lời tiên tri Isaia và mời gọi dân chúng dọn đường và sám hối: “Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, khúc quanh co phải uốn cho ngay, đường nhấp nhô phải san cho phẳng” (Lc 3,5). Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi. Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, những tính toán lệch lạc. Phải san cho phẳng những đồi núi kiêu căng tự mãn. Phải bạt cho thấp những gồ ghề của bất công bất chính. 
Con đường mà Gioan mời gọi chúng ta dọn, đó chính là đường đi vào tâm hồn. Đó là con đường nội tâm. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống. Mỗi khi đất nước đón tiếp một nguyên thủ quốc gia từ nước khác tới thăm, người ta thường hô hào sửa sang đường sá, làm sạch đẹp môi trường cảnh quang. Đó là biểu lộ lòng hiếu khách. Thiên Chúa là vị khách cao trọng nhất. Người hạ mình đến thăm và ở lại với chúng ta. Cho nên, việc dọn đường cho Chúa đến là cần thiết. Con đường mà chúng ta phải dọn, phải sửa sang để lòng mình thành đại lộ thênh thang mở ra với Chúa Cứu Thế, và để đón Chúa, đó là những chông gai tội lỗi, đó là những đam mê của cải vật chất hay danh lợi, hoặc đó là những thói hư tật xấu. 
Kính thưa…Hôm nay bước vào tuần lễ thứ hai của Mùa Vọng, cả thế giới Kitô giáo đang chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh, thậm chí còn có cả những người không tôn giáo hay ngoài kitô giáo cũng nô nức chào đón, các cửa tiệm tràn ngập cây thông Giáng sinh, quà tặng Giáng sinh, món ăn, quần áo, đồ chơi hay những cánh thiệp cho Giáng sinh. Nhiều nhà đang sửa soạn đón GS với những cây thông hay hang đá trong gia đình. Giáo xứ chúng ta cũng vừa kịp hoàn thành bức phông lớn hình gia đình Thánh Gia người Việt ngoài tiền sảnh nhà thờ. Có thể nói đây là bức phông được hoàn tất sớm nhất trong khu vực giáo hạt Hàm Tân. Đâu đó nhạc Giáng sinh cũng đã rộn vang và lòng người đã thấy rạo rực niềm vui GS. 
Nhưng phải dọn mừng lễ Giáng sinh thế nào cho xứng đáng, cho đúng theo Tin mừng của Chúa mà Gioan đã hô hào :”Hãy dọn đường cho Chúa đến”. Con đường tâm hồn của chúng ta đã tốt chưa? Và lòng chúng ta đã trở nên thửa đất mầu mỡ để đón ơn Chúa chưa ? Hay lòng chúng ta lại trở nên một sa mạc cằn cỗi ?
Dọn đường tâm hồn là chấp nhận biến đổi sa mạc của cõi lòng thành miền đất trù phú, miền đất thấm đẫm ơn Chúa. Bởi vậy, người ta phải chấp nhận sự hao mòn sức lực, chấp nhận tự gọt giũa chính mình, chấp nhận nhiều khó khăn khác nhau. Vì biến đổi như thế là sám hối. Và sám hối thật lòng đòi phải có dấn thân thực sự để tự mình từ nay dám cắt bỏ một thói quen, một đam mê, một tật xấu… để lòng mình biết yêu hơn, khiêm nhường hơn, sống phục vụ hơn, vị tha hơn…
Mừng lễ Giáng sinh là chúng ta kỷ niệm việc Chúa đã xuống trần hơn hai ngàn năm rồi, đồng thời Chúa sẽ còn đến trong ngày chung thẩm nữa. Nếu thánh Gioan Tiền hô đã làm chứng cho Chúa bằng lời rao giảng, bằng việc làm và bằng chính đời sống của Ngài. Ngày hôm nay cũng vậy, chúng ta cũng phải làm chứng cho Chúa trong môi trường của chúng ta. Nhưng muốn cho lời chứng của chúng ta có hiệu quả, trước hết chúng ta phải có đời sống xứng đáng, phải đoạn tuyệt với tội lỗi và những tính mê nết xấu và thể hiện một đời sống bác ái yêu thương. Đó là những việc chúng ta cần làm để chuẩn bị mừng Chúa Giáng sinh.
Mùa Vọng, Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm mẫu gương của Gioan. Cả cuộc đời Gioan chỉ một tâm nguyện là làm “Người phu quét lá” dọn lòng người khác. Mỗi người chúng ta cũng theo mẫu gương của Gioan để trở thành “ Người phu quét lá” cho chính tâm hồn mình, cho gia đình mình và cho mọi người xung quanh chúng ta. Dọn đường cũng chính là lên đường theo Chúa Cứu Thế, cho nên dọn đường cho Chúa vừa là một hồng ân vừa là trách nhiệm đòi hỏi mỗi người thi hành nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày của mình. Amen!

Thứ Bảy Tuần I Mùa Vọng Năm C

HÃY CHẠNH LÒNG THƯƠNG (Mt 9,35-10,1.6-8)
Có một gia đình kia gồm 7 anh chị em. 6 anh chị em lớn rất giàu có, nhưng còn gia đình đứa em út thì rất nghèo khổ, vợ với con lại nay ốm mai đau. Thế nhưng các anh chị lớn chẳng những không giúp gia đình đứa em tội nghiệp nghèo nàn này, trái lại họ còn kéo bè kéo phái gây đau khổ cho em mình. 
Kính thưa…Là anh chị em ruột với nhau, nhưng tại sao họ lại không yêu thương đùm bọc lẫn nhau?

Gia đình mà chúng ta vừa nghe kể là một phản ánh của thời đại hôm này. Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Thật vậy! Cuộc sống hôm nay với bao tất bật lo toan cơm áo gạo tiền khiến chúng ta chỉ chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cho bản thân mình mà ít khi nghĩ đến người khác, quan tâm giúp đỡ người khác.
Với Chúa Giesu và tin mừng cứu rỗi của Ngài thì khác.Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu thấy đám đông lầm than vất vưởng thì Ngài chạnh lòng thương. Thánh sử Matthêu nói rõ: “Thấy dân chúng đông đảo, Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên không người không chăn dắt”. Chúa THẤY và Chúa CHẠNH LÒNG THƯƠNG. 
Thánh Matheu còn cho chúng ta thấy một Đấng Mesia thao thức với sứ mạng loan báo Tin Mừng và mời gọi sự cộng tác của các tông đồ và chúng ta nữa vào sứ mạng đó khi đưa ra lời đề nghị:Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, các con hãy xin Chủ sai thợ ra gặt lúa về. Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài bằng lời cầu nguyện. Tiếp theo việc cầu nguyện, là việc Chúa mời gọi các môn đệ và chúng ta trở thành những cánh tay nối dài của Chúa, tiếp tục sứ mạng của ngài và làm cho Tin Mừng được lan tỏa khắp nơi.
Kính thưa… Đấng Mesia mà muôn dân mong đợi chính là Đức Giêsu. Ngài là Đấng cứu độ chúng ta. Tuy nhiên Ngài sẽ không thể bước vào nhà tâm hồn chúng ta nếu chúng ta không mở cửa đón tiếp Ngài. Người sẽ không thể biến đổi thế giới, và tâm hồn, nếu chúng ta không sẵn sàng. 
Chúa cũng đang muốn chúng ta mang trái tim của Chúa, bước đến với anh em, chạnh lòng thương trước những đau khổ của đồng loại và ra tay xoa dịu những bệnh tật tâm hồn và thể xác của anh em.
Khi mỗi người thực hiện như thế, thì mùa vọng sẽ không chỉ là chờ đón hay kỷ niệm một biến cố quá khứ, mà thực sự là muà ân phúc, mùa hy vọng cho mỗi người mỗi gia đình và cả thế giới. Xin Chúa biến đổi chúng ta nên những cộng tác viên tích cực của Chúa, đem Tin Mừng của Chúa đến cho anh em chung quanh. 
Sứ mạng mà Đức Giê-su trao ban cho các Tông đồ xưa kia cũng chính là lời mời gọi mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay. Trước những nhu cầu của anh chị em trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta, những người ta gặp gỡ trong cuộc sống hàng ngày, xin Chúa cho chúng ta luôn ý thức lời mời gọi của Chúa để luôn nhiệt thành với việc giới thiệu Chúa cho người khác bằng chính đời sống của mình. 
Lạy Chúa, xin cho con quả tim của Chúa để con biết rung cảm trước những nỗi bất hạnh của anh chị em. Xin cho con đôi tay của Chúa để con biết mở rộng và trao ban. Xin cho con đôi chân của Chúa để con đi đến với anh chị em đang cần đến con. Amen.